Wednesday, September 28, 2011

PARAGUAY - SUY TƯ VỀ MỤC VỤ

                         Mục vụ ơn gọi

      Trong một chuyến đi tuyển mộ ơn gọi ở một vùng quê thuộc địa hạt của Dòng các Anh Em Hèn Mọn Phan-xi-cô, tôi đã ở nhà của một gia đình nông dân để tìm hiểu thêm cuộc sống của của những người dân ở nông thôn mà trước đây tôi từng sống và làm việc với họ.
Gia đình mà tôi tá túc những ngày ấy là một gia đình khá nghèo và đông con. Một người con của họ đang có ý định vào Dòng Ngôi Lời nên tôi phải đích thân đến để tìm hiểu gia cảnh của ứng sinh. Tuy là gia đình nông dân sống trong vùng xa xôi hẻo lánh nhưng gia đình này chỉ còn lại duy nhất một sào đất để ở và nuôi thêm mấy con vật như heo, gà, chó và mèo. Người và vật đều sống chung dưới một mái nhà đơn sơ, thiếu thốn. Dù nghèo như thế nhưng khi tôi, một linh mục từ xa đến, họ đã nhường cho tôi một cái giường với cái gối và cái mền còn phảng phất mùi khét khét của đồng quê.
Tôi có hỏi ông chủ nhà là tại sao trước đây đất đai nhiều mà bây giờ chỉ còn lại một sào và phải đi làm thuê trên chính mảnh đất của mình thì ông ta trả lời rằng vì ông ta có nhiều con và khi con cái bị bệnh tật thì không có tiền trả cho bác sĩ nên phải trả đất để cứu lấy mạng sống của con nên bây giờ phải chịu cảnh này.
Nghe đến đó mà ứa nước mắt vì con cái bây giờ có mấy ai nghĩ và cho cha mẹ như cha mẹ đã từng lo cho con cái. Chẳng những nhiều đứa con không biết lo cho cha mẹ mà họ còn mong cha mẹ chết sớm để họ thừa hưởng gia tài nữa. Tôi còn nhớ ngày xưa Má tôi có dạy tôi rằng : “Cha mẹ nuôi con biển hồ lai láng; con nuôi cha mẹ tính tháng tính ngày”. Nghĩ tới điều này là tôi chợt nhói đau vì Ba Má tôi lúc này cũng đang đau bệnh và phải nhờ con cái nuôi, nhưng có lẽ vì thời buổi kinh tế khó khăn nên các anh chị em tôi có vẻ đùng đẩy trách nhiệm cho nhau khiến đôi lúc Ba Má tôi cũng hơi buồn và lại tấu lên điệp khúc bất hủ này.
Vì sống ở miền quê nên thiếu thốn trăm bề, nhất là về vấn đề vệ sinh vì người và vật sống chung với nhau trong một căn nhà ẩm thấp nên dễ phát sinh bệnh tật. Nếu ai đã từng đến thăm các ngôi nhà của một số bộ tộc ở Tây Nguyên sẽ dễ cảm nhận điều này. Vì ở đây không hề có nhà tắm hay nhà vệ sinh nên ban ngày tôi cũng hơi ngại mà phải đợi đêm đến mới có thể giải quyết những chuyện vệ sinh cá nhân được, còn họ- những người dân chất phát thì vẫn vô tư vì đã quen với cách sống hương đồng gió nội này rồi. Rồi khi màn đêm buông xuống thì chỉ biết ngủ vì chẳng có Ti-vi hay Radio gì để thưởng thức cả. Đời sống vật chất đã thiếu thốn, đời sống tinh thần lại càng te tua hơn. Tôi thiển nghĩ, chẳng lẽ nghèo lại là cái tội! Chúa rất giàu, rất quyền quí mà chấp nhận sống nghèo để nâng người nghèo lên, vậy sao tôi không biết noi gương Chúa để nâng đời sống tinh thần của người nghèo lên vì gốc gác tôi cũng chẳng có gì là ngon lành đâu.
Tôi cũng có xin phép các anh em linh mục Phan-xi-cô, những người phụ trách vùng truyền giáo này để dâng lễ cho các cộng đoàn vùng xâu, vùng xa trong những ngày này vì ở đây một linh mục phải phụ trách đến mấy chục giáo điểm truyền giáo nên nhiều giáo điểm 3 tháng mới có thánh lễ một lần. Người dân khi được báo tin là có thánh lễ với một linh mục Á châu họ mừng vô cùng và đến tham dự thật đông trong ngôi nhà nguyện thật nhỏ bé. Nhìn thấy đoàn chiên bơ vơ thiếu người chăn dắt thấy mà thương vô cùng. Đây cũng là một động lực thúc đầy tôi tiếp tục tìm kiếm ơn gọi để huấn luyện và sai đi đến các vùng như thế này. Trong các cuộc họp liên tu sĩ, chúng tôi có qui ước với nhau là các Dòng nên cộng tác với nhau trong việc tuyển mổ ơn gọi và nếu có cạnh tranh thì nên cạnh tranh lành nhắm đến mục đích mở mang Nước Chúa và làm chứng qua công việc mục vụ của mình.

Mục vụ thành thị

Vì được giao trọng trách tuyển mộ và huấn luyện các nhà truyền giáo tương lai trong Tỉnh Dòng nên tôi có nhiều cơ hội làm việc mục vụ tại thành phố với các đoàn thể, các phong trào và phần nào hiểu được những mặt trái trong mục vụ thành thị.
Theo tâm lí tự nhiên thì ai cũng muốn làm việc ở một nơi có đầy đủ tiện nghi và an toàn. Chẳng mấy ai muốn đun đầu vào những chỗ nguy hiểm, khó khăn cả. Có chăng là vì công việc đưa đẩy, vì lời khấn vâng lời trong đời tu nên một số người chấp nhận dấn thân, cộng với ơn Chúa giúp thì dần dần họ mới quen với môi trường mới. Tôi cũng chẳng nằm ngoài trường hợp ngoại lệ đó và cũng vì thế tôi dần xác tín rằng không có ơn Chúa thì mình chẳng làm gì được.
Ngoài công tác huấn luyện, tôi cũng giúp thêm 2 cộng đoàn không có linh mục từ lâu vì đây là 2 cộng đoàn nghèo dù sống giữa thành phố.
Hơn một năm qua đồng hành với 2 cộng đoàn này, dần dần người dân bắt đầu ý thức và cộng tác. Việc chính của tôi là chỉ cử hành các bí tích, nhất là thánh lễ, giải tội, viếng bệnh nhân và cử hành nghi thức an táng. Các bí tích khác như rửa tội, hôn nhân và bí tích thêm sức tôi nói với họ là về với cộng đoàn gốc để hoàn tất các thủ tục theo giáo luật. Tôi cũng chỉ là người giúp giáo dân tự trưởng thành trong trường hợp thiếu vắng linh mục. Bởi thế tôi cũng đào tạo các giáo lí viên, có những buổi hướng dẫn học Kinh Thánh căn bản và huấn luyện một số thừa tác viên để cử hành phụng vụ Lời Chúa khi không có linh mục. Những cộng đoàn lân cận ít khi linh mục lui tới vì quá nghèo thường gọi tôi thăm viếng mục vụ nên có những ngày Chúa Nhật tôi phải dâng đến 4 thánh lễ ở các nơi xa nhau để làm ấm lòng đời sống thiêng liêng của những người khao khát Chúa.
Có một chiều Chúa nhật một cha xứ ở thành phố gọi điện cho tôi để giúp ngài dâng thánh lễ vì ngài nói ngài phải đi xa. Tôi nhận lời giúp ngài dù ngày Chúa nhật hôm ấy tôi có đến 3 thánh lễ rồi. Khi dâng thánh lễ xong và được một giáo dân báo cho biết là đội bóng đá ưa thích của cha xứ đã thắng trận và cha xứ đang ở sân vận động với những fans (người hâm mộ) của ngài đang tưng bừng vui vẻ. Tôi chợt buồn vì một anh em linh mục đã không trung thực với mình.
Cũng nhân đây tôi muốn chia sẻ một tí về chuyện bóng đá tại các quốc gia Nam Mỹ này.
Ở các nước vùng Nam Mỹ người ta rất coi trọng hai vấn đề là chính trị và bóng đá. Về chính trị thì tôi đã từng chia sẻ nên hôm nay tôi chỉ đề cập đến bóng đá.
Bóng đá ngày nay thực sự đã trở thành một tôn giáo theo đúng cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Chúng ta có thể hình dung xem chuyện này. Hầu hết bọn trẻ ngày nay đều mong muốn trở thành những cầu thủ để tiến thân trong cuộc sống. Hàng tuần tôi có 2 ngày dâng lễ cho các nữ tu Dòng Phan Sinh vào buổi sáng sớm nên trên đường đi tôi bắt gặp những ông bố bà mẹ đưa con trẻ đến các trung tâm huấn luyện bóng đá. Đây là chuyện không mấy bình thường với người Paraguay vì họ không có thói quen dậy sớm. Cũng có lẽ vì lo tương lai cho con cái họ mau thành danh trong sự nhiệp bóng đá nên họ mới dám hi sinh giấc ngủ để đem con mình đến trường bóng đá.
Hãy tưởng tượng xem nếu họ cũng làm y như thế với việc thực thi bổn phận tôn giáo thì hay biết mấy vì đa phần người dân ở đây là người Công giáo. Nhưng không, họ đang thay đổi và đang biến bóng đá trở thành thứ tôn giáo của mình.
Không biết tôi có so sánh khập khiễng không nhưng quả thực ngày nay bóng đá đang thống trị toàn thế giới và cũng đang len lỏi vào ngay cả những người tu trì khi họ dám bỏ ngày Chúa nhật để xem bóng đá hơn là dâng lễ. Vì sao tôi dám nói bóng đá là một thứ tôn giáo? Vì người ta đã xem tiền như là Chúa của họ (đây là điều mà họ cần đạt tới). Các quan chức trong bóng đá chính là hệ thống phẩm trật và cách vận hành guồng máy khá bài bản. Các cầu thủ và trọng tài giống như những thừa tác viên. Các fans chính là các tín đồ và sân cỏ chính là đền thờ của họ. Các trận đấu ngày nay đều diễn ra vào thứ 7 hay Chúa nhật đúng vào các giờ cử hành phụng vụ Công giáo nên người tham dự thánh lễ không bằng một góc sân của các trận bóng đá. Người ta ăn, chơi và ngủ với bóng đá. Đây cũng là một điều nhức nhối cho những người thiết tha với giáo hội khi mà những gì mình làm, mình cố gắng xem ra như vô nghĩa. Bởi thế, những người đang làm mục vụ ở thành thị phải luôn có một cái nhìn tỉnh táo bởi nếu không dễ rơi vào cạm bẫy mà mình cứ ngỡ là mình đang đi đúng hướng trong việc phụng sự Chúa.
                                                           Paraguay, 27 tháng 9 năm 2011 - Lễ thánh Vinh-sơn Phao-lô
                                                                                  Lm. Antôn Trần Xuân Sang, SVD

Saturday, September 3, 2011

PARAGUAY – NHỮNG THAO THỨC

             Trong tháng 8 có nhiều dịp lễ lớn, trong đó có lễ bổn mạng của giáo xứ và chúng tôi đã mời Đức Sứ Thần Tòa Thánh tại Paraguay đến chủ tế dâng thánh lễ. Đức Sứ Thần Tòa Thánh đương nhiệm là người Ý, rất cởi mở, thông thạo nhiều ngôn ngữ và vui vẻ tiếp chuyện với hết mọi người. Đầu năm nay, tôi đã từng tiếp ngài dịp nhà Dòng chúng tôi kỷ niệm 100 năm hiện diện tại Paraguay nên ngài biết tôi. Dịp này, tôi được tiếp chuyện ngài nhiều hơn sau thánh lễ và học được cung cách ngoại giao tuyệt vời của ngài.
Tôi cũng có dịp trao đổi với ngài vài vấn đề riêng tư và ngài cũng hỏi tôi về công việc tôi đang làm, nhất là về việc tuyển mộ ơn gọi ở Paraguay vì đây là công việc chính cúa tôi. Tôi có trình bày với ngài về những khó khăn và khủng hoảng ơn gọi nói chung ở các Dòng dù tôi biết rằng chuyện này ngài còn rành hơn tôi vì ngài Sứ Thần Tòa Thánh. Mấy ngày qua khi tôi vào trang mạng Vietcatholic, tôi được biết là Đại Chủng thánh Nicôla Phan Thiết có kỳ thi tuyển sinh vào ngày 2-3 tháng 8 với 87 em dự thi, và Đại Chủng Viện Vinh-Thanh vào ngày 15-17 tháng 8 với 334 em dự thi vào chủng viện. Nhìn số lượng các em đăng ký dự thi vào chủng viện mà mình thấy ham vô cùng. Uớc gì thủ tục giấy tờ dễ dàng và thuận tiện thì chúng tôi có thể thu nhận các ứng sinh này và giới thiệu cho các Dòng tu khác ở vùng Nam Mỹ sẵn sàng đón nhận ơn gọi đang còn dồi dào ở Việt Nam. Trong một lần đi tuyển mộ ơn gọi ở một vùng phía Nam Paraguay, một người đàn ông đã đến chào tôi và muốn trao đổi với tôi vài vấn đề. Tôi đã tiếp chuyện ông và ông trình bày với tôi là ông muốn gởi một người con của ông để sau này làm linh mục truyền giáo. Ông nói với tôi rằng : “Thưa cha, tôi có 3 đứa con trai. Đứa lớn nhất 23 tuổi, rất thông minh và đẹp trai nên con gởi nó đi học ngành luật để sau này trở thành luật sư. Còn thằng còn trai kế 21 tuổi, tướng tá cũng bảnh trai, khéo léo và nhanh nhẹn, nên con gởi nó đi học kiến trúc để sau này có thể trở thành kiến trúc sư. Riêng thằng con trai út của tôi vừa sinh nhật lần thứ 19. Thằng này hơi xấu trai, hơi khờ một tí và thường bị hai thằng anh nó sai vặt và đánh nó. Vì thế, tôi muốn gởi thằng này đi tu để sau này làm linh mục truyền giáo như cha!”. Tôi bực mình nhưng cũng phát cười vì sự đơn sơ chân thành của ông bố. Tôi trả lời với ông là nếu ông không nói gì thì tôi sẽ nhận thằng con trai khờ và xấu xí của ông, nhưng vì ông đã nói như vậy nên tôi không nhận. Chẳng lẽ ông nghĩ những người đi tu như chúng tôi là những tên khù khờ và xấu xí như con ông hay sao? Nghe đến đó ông làm thinh và xin lỗi. Chuyện tưởng đùa nhưng có thật trong những ngày tôi rong ruổi khắp nước để tìm kiếm ơn gọi truyền giáo trong một quốc gia được xem là Công giáo như Paraguay này. Chuyện tưởng như đùa này giúp tôi liên tưởng đến chuyện hai anh em Ca-in và A-ben thời Cựu ước dâng lễ vật cho Thiên Chúa. Thiên Chúa chỉ đoái nhìn lễ vật của A-ben nhưng không đoái hoài gì đến lễ vật của Ca-in nên anh này tỏ ra giận giữ để rồi ra tay giết em mình (Xc. St 4, 3tt). Tôi tự hỏi tại sao Chúa lại nhận lễ vật của A-ben mà không nhận lễ vật của Ca-in. Câu trả lời khá dễ dàng : Vì A-ben đã dâng cho Chúa những của ngon, của tốt, còn Ca-in chỉ dâng những của dư thừa cho Chúa. Như tôi đã nói, ơn gọi tu trì ở Việt Nam đến nay vẫn còn dồi dào dù dân số Công giáo Việt Nam chỉ chiếm từ 8 đến 10%. Ngay cả gia đình dù ít con nhưng cha mẹ vẫn khuyến khích con dâng mình cho Chúa, và khi con cái đã được ở trong nhà Chúa rồi thì các thành viên trong gia đình đêm ngày cầu nguyện, nâng đỡ ơn gọi. Tôi còn nhớ là vào những năm tôi còn là một chủng sinh đầu cấp của Dòng tại Việt Nam, một anh bạn lớp đàn em đến từ Hà Tây xin tu và người bố căn dặn con mình là phải đi tu đến nơi đến chốn. Sau một thời gian tập tu, anh này dần dần quen với nếp sống ở Miền Nam và cách phát âm chữ “L” thành chữ “N” hay ngược lại có phần khá hơn. Bố anh bị ốm nặng nhưng nói với những người thân trong gia đình là không nên báo cho đứa con đi tu của ông kẻo nó hoang mang và ảnh hưởng đến việc học hành và đời sống tu trì. Vậy mà đến khi ông chết rồi với mồ yên, mả đẹp thì gia đình mới báo cho đứa con trai đi tu của mình vừa mới thi cử xong. Về đểm này tôi thấy người Việt Nam, nhất là những người dân quê miền Bắc có một tấm lòng đạo đức sâu xa và thực thi Tin Mừng còn tốt gấp ngàn lần những người chỉ biết giảng dạy trên sách vở. Anh bạn lớp đàn em của tôi sau khi lấy xong bằng cử nhân ở Miền Nam, theo lời mời gọi của giám mục giáo phận lúc ấy đã về lại giáo phận nhà để tiếp tục việc học, và hiện nay anh đã là một linh mục của giáo phận để đêm ngày cầu nguyện cho ông bố của anh không được diễm phước thấy con mình bước lên Bàn Thánh.
Sở dĩ tôi dài dòng như vậy vì tôi đang làm nhiệm vụ tuyển sinh và đạo tạo ơn gọi. Tôi đã rong ruổi khắp nước để tìm kiếm ơn gọi nhưng việc kiếm tìm của tôi cũng khó như mò kim đáy biển. Một cuộc khủng hoảng ơn gọi trong những năm gần đây khiến các nhà đào tạo chúng tôi phải ngồi lại để tìm những phương án thích hợp nhằm tuyển mộ ơn gọi và cũng sáp nhập các vùng, các miền lại để vừa khỏi tốn người, vừa khỏi phí phạm công sức, tiền của vì nhiều khi đầu tư thật nhiều cho vấn đề này nhưng hiệu quả lại chẳng đi vào đâu. Nhiều chủng viện phải đóng cửa vì không có chủng sinh, nhiều học viện phải giải tán vì không có học viên, và vì thế phải gởi chủng sinh vào các trường đại học công giáo vì ở đó cũng có phân khoa Triết – Thần. Các giáo phận trước đây đều có chủng viện nhưng nay đều nhập lại một vì cả 16 giáo phận mà chưa có tới 80 chủng sinh. Một vị giám đốc chủng viện ở Uruguay với 29 năm kinh nghiệm, nhưng ngài kể với tôi rằng từ 4 năm nay chủng viện của ngài không có một chủng sinh nào nên giám mục phải bổ nhiệm ngài làm cha xứ vì sĩ quan mà không có lính thì đâu làm gì được. Lại nói về người Paraguay một tí về ơn gọi và đời tu. Thật tình trong các nước vùng Nam Mỹ, người Paraguay có lẽ là dân tộc dễ sống nhất vì hiền hòa và không kỳ thị. Họ sẵn sàng cho tất cả khi họ quí mến mình. Họ chỉ biết sống ngày hôm nay nên nếu lỡ có bão, có động đất hay hạn hán lâu ngày thì họ sẽ đói vì không có nguồn dự trữ. Cũng may là thiên nhiên rất ưu đãi cho đất nước nằm ở trung tâm châu Mỹ này dù không có biển. Những người đi tu là các em thuộc gia đình đông con và nghèo. Các em dự tu của tôi hiện nay khi được hỏi là có bao nhiêu anh chỉ em thì hầu hết trả lời có là ít nhất 9 anh chị em trở lên. Có một em dự tu nói với tôi là em có 17 anh chị em và người anh cả chỉ mới 25 tuổi. Tôi hỏi đùa với em này là nhà em không có Ti-vi hay sao mà có nhiều anh chị em vậy. Em thành thật trả lời là không có Ti-vi. Tôi có đến thăm nhà em thì thấy nhà chật chội, nhỏ xíu mà có đến 17 anh chị em, cộng thêm cha mẹ là 19 người. Đúng là ở nhà quê các gia đình sau khi đi làm về thì chỉ biết sinh hoạt và vui chơi trên chiếc giường tre nên có nhiều con cái. Còn những gia đình ở thành phố thì đầy đủ tiện nghi nhưng lại ít con. Cuộc đời lại trớ trêu thay! Người Paraguay lại rất gắn chặt với gia đình nên họ đi đâu xa là muốn trở về với gia đình ngay. Bởi thế, các anh em linh mục truyền giáo của Dòng chúng tôi hay các Dòng khác chỉ đi được vài năm ở nước ngoài, khi trở về thăm gia đình thì bà mẹ bắt phải ở lại không cho đi nữa, nếu không bà sẽ chết. Người con sợ cha mẹ chết nên xin nhà Dòng cho ở lại Paraguay để phục vụ. Vì truyền thống văn hóa nên các bề trên cũng phải chấp nhận nguyện vọng này. Lại nữa, người Paraguay lại có sự phân công hơi kỳ cục trong việc lo lắng cho cha mẹ lúc tuổi già. Những người nào lập gia đình thì không còn nghĩa vụ phải lo lắng cho cha mẹ, và vì thế, chỉ có những người độc thân mới lo lắng cho cha mẹ. Bởi thế mấy ông cha, mấy và Sơ người Paraguay phải có trách nhiệm từ A đến Z lo lắng và quan tâm đến cha mẹ già cho đến khi họ qua đời mới được thảnh thơi. Mấy anh em linh mục Paraguay của chúng tôi hầu như tháng nào cũng xin phép về thăm gia đình để lo lắng cho cha mẹ già. Nghĩ lại mà thấy thương cha mẹ mình lúc này đau bệnh và bị lẫn nhưng mình muốn về thăm cũng chưa đến phép vì xa xôi cách trở quá. Trách cứ sao được một nền văn hóa đã cắm rễ sâu vào lòng người nhưng việc tuyển mộ ơn gọi cũng phải theo trình tự và chất lượng của ứng sinh. Tôi tâm đắc lời khuyên của cha bạn đang là giám giám đốc chủng viện ở Uruguay nói rằng không cần số lượng kẻo có ngày hối tiếc, chỉ cần một chủng sinh chất lượng là đủ rồi. Một chủng sinh thánh thiện sẽ trở thành một linh mục thánh thiện. Tuần rồi tôi có tham dự lễ tang của một anh em linh mục cùng Dòng người Đức đã từng sống và làm việc ở đây gần 40 năm. Ngài từng là một thành viên của phong trào Khôi Bình (Kolping) và sau đó gia nhập Dòng Ngôi Lời ở Đức, được du học ở Techny, Mỹ và chịu chức linh mục ở đó. Ngài được bài sai truyền giáo ở Paraguay và đã làm được biết bao nhiêu điều lớn lao ở đây. Cách đây 2 năm, ngài bị đột quị vào ban đêm và nếu tôi không khám phá ra và đập cửa vào hôm ấy thì ngài đã ra đi ngày ấy rồi. May thay tôi gọi cho cấp cứu và ngài được chữa lành sau đó. Tuy nhiên sau lần đột quí thứ 2 thì ngài yếu hẳn và đã ra đi khi công trình còn dang dở. Nhìn vào chiếc hòm đơn sơ và tang lễ khá bình thường sau 24 giờ từ khi ngài qua đời với chỉ ít giáo dân tham dự chợt thấy buồn. Đời truyền giáo là thế đó. Paraguay chuẩn bị chuyển mùa từ Đông qua Xuân nên thời tiết cũng khá dễ chịu. Rất may là lúc nào tôi cũng có việc làm và thấy mình còn hữu dụng nên cảm thấy yêu đời, yêu người dù đôi khi trái gió, trở trời khiến cho lục phủ ngũ tạng cũng bị ảnh hưởng. Mong sao có thêm nhiều thợ gặt đến đây.

   Paraguay, 29/8, lễ thánh Gioan tẩy giả bị trảm huyết

PARAGUAY – MỘT CHÚT SUY TƯ

                   Tuần lễ Conferpar 

           Hàng năm, cứ vào dịp trung tuần tháng 7, khi mà tất cả các trường học được nghỉ Đông 2 tuần lễ sau khi kết thúc học kỳ I, Liên Tu Sĩ Paraguay tổ chức Tuần Lễ Conferpar (Conferencia Religiosa Paraguaya – Hội nghị Liên tu sĩ toàn quốc Paraguay) để gặp gỡ nhau, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm và nhất là bồi dưỡng kiến thức chuyên môn.
Năm nay thật là một dịp đặc biệt vì đây là lần đầu tiên một nữ tu thuộc Dòng Con Đức Mẹ Phù Hộ được bầu làm Chủ Tịch Ủy Ban Tu Sĩ mà hình như ở Việt Nam mình chức danh này do một giám mục nắm giữ. Điều này chẳng có gì sai trái với Giáo Luật cả vì đây chỉ là một chức vụ điều hành 3 năm một lần do các bề trên thượng cấp của các Dòng họp lại và bầu bán. Trước đây chức vụ này thường do các cha bề trên giám tỉnh Dòng lớn đảm trách, nhưng lần này các giám tỉnh đã bỏ phiếu cho vị nữ giám tỉnh làm nữ chủ tịch ủy ban liên tu sĩ đầu tiên sau 52 năm thành lập ủy ban này. Đề tài được chia sẻ năm nay cũng khá đặc biệt, đó là người tu sĩ hiểu gì về tôn giáo và chính trị, tự do và nhân quyền? Vị diễn giả được mời cũng là một phụ nữ có 2 bằng tiến sĩ, là chuyên viên phân tích chính trị đang giảng dạy tại các trường đại học danh tiếng ở Nam Mỹ và từng được đề cử làm Thủ tướng nhưng bà đã khiêm tốn từ chối.
Tôi còn nhớ những ngày đầu đặc chân đến vùng đất truyền giáo Paraguay, ngày nào tôi cũng nghe nghe người dân ở đây nói và bán đến chính trị. Nói ra thì hơi quê mùa vì tôi mù tịt chuyện này. Ở đây thì từ em bé mới tập nói, gia đình em đã dạy em biết em thuộc đảng nào. Những nông dân chất phác cũng biết phản kháng trước những bất công xã hội. Những phụ nữ chân yếu tay mềm cũng biết đứng lên đòi sự bình quyền. Các nữ tu già nua đạo đức cũng hô hào mọi người hãy bỏ phiếu cho ông Lugo dịp bầu cử 2008 để thay đổi thế chế chính trị để đất nước ngày một tiến lên. Tôi đã cố tránh né nhưng không thể nào tránh được. Vì thế, tôi đã thử tìm hiểu cái từ mà bấy lâu nay mình không thích, không ưa để biết đó là gì. Trong cuốn Chính trị của mình, triết gia Hy Lạp cổ đại Aristotle (384-322 TCN) quả quyết rằng về bản chất, con người là một động vật chính trị. Ông ta cho rằng luân thường và chính trị có liên kết chặt chẽ với nhau, và một đời sống thật sự đạo đức chỉ có thể có ở những người tham gia vào chính trị. Thực tình mà nói tôi không hề quan tâm đến chính trị, vấn đến quan tâm chính của tôi ở đây là làm thế nào để cho người dân tôi đang phục vụ biết sống tốt hơn, mọi người viết đối xử với nhau tử tế hơn và có một sự công bằng trong xã hội. Quay lại chuyện người nữ thuyết trình viên nói về đề tài tôn giáo và chính trị, tự do và nhân quyền. Tôi thật tâm phục, khẩu phục kiến thức uyên thâm và trình bày cách khách quan của vị nữ diễn thuyết này khi bà giúp cho những tham dự viên là các tu sĩ không nên thờ ơ trước những vấn đề sống còn của xã hội về tự do và nhân quyền. Paraguay và nhiều nước Nam Mỹ khác đã từng trải qua chế độ độc tài nên họ cảm nghiệm được điều này rất rõ. Và dù những vị lãnh đạo ở các quốc gia này hấu hết là Công giáo, ngay như ông Tổng thống của Paraguay từng là một cựu giám mục, nhưng không vì thế mà tôn giáo và chính trị pha trộn với nhau như chính quyền của các quốc gia Hồi giáo mà là hai thực thể khác biệt dù không chống đối nhưng đối trọng nhau để kiểm soát và cân bằng nhằm ngăn chặn những vi phạm sai trái của cơ quan thi hành luật pháp mà thường gây ra thiệt hại cho dân chúng. Vị diễn giả chia sẻ rằng, các tu sĩ, linh mục luôn sống gần với mọi người, nên dễ phát hiện ra được những sự bóc lột bất công áp bức trong xã hội, và do đó cũng phải có trách nhiệm tham gia vào việc bảo vệ người dân bằng cách làm áp lực bắt buộc chính quyền phải sửa sai chấn chỉnh lại cái lề lối cai trị của mình, phải bài trừ nạn sa đọa quan liêu tham nhũng của các viên chức nhà nước. Bà cũng nhấn mạnh rằng những bậc chân tu mà có thái độ im lặng, thụ động buông xuôi trước những bất công áp bức đầy rẫy trong xã hội thì rõ ràng là sự lẩn tránh trách nhiệm, là cái tội đồng lõa với giới cầm quyền thống trị ác nhân ác đức. Đây không phải là làm chính trị theo nghĩa đảng phái nhưng vì những người tu hành là những người có một lương tâm ngay thẳng (Buena conciencia), cộng với sự hi sinh nhẫn nại nên có thể góp phẩn làm thăng tiến xã hội và cùng với chính quyền đưa đất nước ngày một đi lên. Khi nghe những điều mà vị nữ diễn giả thuyết trình một cách khách quan, nhiều người có vẻ e dè giống như tôi vì rất nhiều tu sĩ tham dự đến từ nhiều quốc gia và cũng không mấy mặn mà lắm đến cái món chính trị, chính em này. Chúng tôi cũng chia thành các nhóm nhỏ để thảo luận thêm và nhất là được biết thêm sự phong phú đa dạng các hệ thống chính trị của các quốc gia. Thật sự tuần lễ Conferpar đã để lại trong tối nhiều ấn tượng vì tôi được hiểu biết thêm và có dịp gặp gỡ những tu sĩ từ nhiều quốc gia và nhiều Dòng Tu trên thế giới đang làm việc tại Paraguay. 

                    Tôi xem một phiên tòa 

           Trong những ngày này tôi cũng có xem một phiên tòa thật đặc biệt được phát trên truyền hình Paraguay do nữ tiến sĩ Ana María Polo người Mỹ gốc Cuba chủ tọa. Chương trình này được tổ chức ở bang Miami, Hoa Kỳ giành cho cộng đồng các quốc gia nói tiếng Tây Ban Nha đang sống tại Mỹ nhằm giải quyết những xung đột gia đình và xã hội. Tôi rất thích chương trình này và khi có thời gian tôi luôn xem để học hỏi thêm văn hóa và cách giải thích tình huống của vị nữ thẩm phán tài năng này.
Sở dĩ tôi gọi là phiên tòa đặc biệt vì nguyên đơn là cặp vợ chồng trẻ vừa kết hôn được 4 năm và có với nhau 1 cặp song sinh. Tuy nhiên cặp song sinh này lại không giống nhau nên bên nguyên đơn đã tố giác là bệnh viện đã đánh tráo đứa một trong những đứa con song sinh của họ. Bên bị cáo là một bác sĩ, đại diện cho bệnh viện đã làm các xét nguyện ADN và trình cho vị thẩm phán. Ban đầu kết luận rằng 2 em bé song sinh ấy là con của cùng một người mẹ, nhưng chỉ một em bé song sinh là con của người bố, còn đứa khác thì không phải. Rắc rối là ở đây. Bên nguyên đơn vẫn cứ khăng khăng là bệnh viện đã đánh tráo con mình vì tại sao có sự lạ kỳ là hai đứa trẻ song sinh cùng một bọc lại khác nhau. Vị nữ thẩm phán đã mời thêm một bác sĩ chuyên viên để giải thích tình trạng này. Chính vị bác sĩ chuyên viên này sau khi phân tích kĩ càng những trường hợp song sinh cùng bọc và khác bọc và kết luận rằng 2 em bé song sinh cùng bọc này chính là do cùng một người mẹ sinh ra nhưng với hai người bố khác nhau, vì trong vòng 72 tiếng đồng hồ khi người phụ nữ giao hợp với các bạn tình, những tinh trùng khỏe mạnh có thể gặp trứng, và trong một xác suất rất nhỏ, 2 tinh trùng của hai người bạn tình khác nhau có thể đi vào cùng một buồng trứng của người phụ nữ. Và có thể đây là một trong những trường hợp hi hữu xảy ra như thế. Khi nghe lập luận này, người chồng vội vàng nhiếc mắng người vợ ngoại tình và tuyên bố sẽ li dị ngay lập tức. Như chúng ta cũng biết, người dân Nam Mỹ cũng còn tư tưởng trọng nam khinh nữ như người Á Đông và nhiều người đàn ông không bao giờ chấp nhận người bạn tình lẳng lơ, đa tình dù đa số người đàn ông ở đây không có sự chung thủy. Khi người chồng vừa tuyên bố li dị vợ mình do ngoại tình dù người vợ đã cố tình thanh minh là luôn chung thủy với chồng, vị nữ thẩm phản trấn an người đàn ông này và mời nhân chứng để giải oan cho người vợ. Nhân chứng ấy lại chính là người anh trai của cô vợ bé bỏng đang khóc sướt mướt vì sắp mất chồng. Người anh trai kể rằng chính anh là người làm mai mối em gái mình vì người chồng của em gái cũng lạ bạn chí thân của anh ta. Tuy nhiên anh ta hơi thất vọng vì bạn mình lo công việc làm ăn xa mà luôn bỏ bê em gái ở nhà một mình. Anh ta còn nói nếu em gái anh ta lỡ có ngoại tình là do lỗi của người chồng vì thiếu quan tâm, chăm sóc. Vị thẩm phán bèn ngắt lời nhân chứng và mời thêm một vị bác sĩ nữa để cho biết ai là người cha thứ hai của 2 em bé song sinh. Tất cả mọi người đều nín thở trước khi công bố danh tính của nhân vật này. Người đó không ai khác hơn chính là người anh trai đang làm chứng. Mọi người, và nhất là người chồng khi nghe đến đó đều la ó và chủi rủa hai anh em là loạn luân, nhưng ngay lập tức bà mẹ của hai anh em xuất hiện và khóc trong nước mắt mới thú nhận rằng họ không phải là anh em ruột thịt vì người mà gọi là anh trai chính là đứa con nuôi của bà mà bấy lâu nay bà hằng giấu kín. Vì ở chung một nhà nên hai người được gọi là anh em này trong một lần dự tiếc quá chén đã không làm chủ được mình và đã chung đụng với nhau nên giờ đây mới gây nên sự cố này. Tất cả mọi khuất mắt giờ đây đã lộ ra. Vị nữ thẩm phán nói rằng thực tình 2 em bé song sinh không hề có tội tình gì. Còn những người từng là nguyên đơn, là nhân chứng bây giờ trở thành những nạn nhân vì ai cũng có một phần lỗi nên không ai có thể đỗ lỗi cho nhau được. Chính mỗi người phải tự quyết định phần còn lại của vấn đề mà mình gây nên. Phiên tòa khép lại với tiếng khóc nức nở của cô vợ, sự hối hận của “người anh trai” trong khi người chồng rời phiên tòa như trốn chạy. Một phiên tòa khá hay và không có một bản án nào được tuyên ngoại trừ chính những người trong cuộc tự tuyên cho mình. Paraguay đang là mùa Đông khá lạnh nhưng lại nóng lên vì những trận bóng Copa Amercia mà Paraguay tranh chung kết và đạt á quân nên dân chúng hò reo suốt ngày. Mội tin buồn khác tôi vừa nhận từ Việt Nam cho hay là vị linh mục Tổng Đại Diện Giuse Nguyễn Thanh Liên, người từng hướng dẫn tôi những ngày đầu tôi tập tu vừa mới qua đời. Cuộc sống đơn sơ, lạc quan và hi sinh cho đoàn chiên của cha Giuse đã để lại nhiều dấu ấn trong tôi. Xin Chúa đoái thương linh hồn cha Giuse trong Nước Ngài. Requiescat in pace. 

                Paraguay, 25-7-2011

LỜI CHÚA TRONG ĐỜI SỐNG VÀ SỨ VỤ CỦA HỘI THÁNH

            Thứ Bảy ngày 21 tháng 5 năm 2011 vừa qua, thế giới lại một lần nữa lo lắng và hoang mang về những lời tiên đoán về ngày tận thế. Và liền sau đó “nhà tiên tri” đoán mò ấy lại nói rằng do nhầm lẫn nên tiên báo lại ngày tận thế sẽ là ngày 21 tháng 10 năm 2011. Dù đây chỉ là những phỏng đoán của một số người tự cho mình là biết Kinh Thánh rồi diễn dịch theo cách tính toán của riêng mình và cho đó là “sấm truyền” và hù dọa mọi người, tiếc thay điều đó lại trở thành phản cảm và lố bịch.
Sáng ngày 27 tháng 5 vừa qua, tôi có đi thăm các giáo dân gần Chủng viện để biết thêm cuộc sống của những người vốn “gần nhà thờ nhưng xa Chúa”. Một cụ bà phốp pháp vui vẻ tiếp đón tôi trước cửa nhà bà và khoe với tôi rằng có một cặp giảng đạo mới ghé qua nhà bà và thuyết giảng về Chúa rất hay, lại còn tặng cho bà một quyển Kinh Thánh rất mới nữa. Tôi hỏi bà có thích cách giảng đạo của đôi vợ chồng truyền đạo đó không thì bà nói là thích nhưng nghe cho vui thôi vì những người giảng đạo đó không thích Đức Mẹ! Tôi hỏi bà nếu bà không thích sao lại nghe và còn nhận quà Kinh Thánh nữa thì bà trả lời rằng cứ nghe có sao đâu còn người ta cho quà thì mình cứ nhận chứ có mất mát gì. Thật là hết đường tranh luận với người đàn bà chất phát này. Trong Tông Huấn Verbum Domini số 73 bàn về “Linh hoạt công việc mục vụ bằng Kinh Thánh”, Đức Thánh Cha Biển Đức XVI nhấn mạnh : “Theo chiều hướng này, Thượng Hội Đồng đã kêu gọi một sự dấn thân mục vụ đặc biệt để nêu bật vị thế trung tâm của Lời Thiên Chúa trong đời sống Giáo Hội, khi đề nghị nên “tăng cường khoa mục vụ Kinh Thánh”, không phải bằng cách đặt khoa này bên cạnh những hình thức mục vụ khác, nhưng phải là “linh hoạt tất cả công việc mục vụ bằng Kinh Thánh”. Vậy vấn đề không phải là thêm một vài cuộc hội họp trong giáo xứ hay trong giáo phận, mà là đảm bảo rằng, trong các sinh hoạt quen thuộc của các cộng đoàn Kitô hữu, trong các giáo xứ, trong các hội đoàn và trong các phong trào, người ta thật sự quan tâm đến việc gặp gỡ riêng tư với Đức Kitô, Đấng thông truyền chính Người cho chúng ta nơi Lời Người. Bởi vì nếu “không biết Kinh Thánh là không biết Đức Kitô”, việc linh hoạt bằng Kinh Thánh tất cả hoạt động mục vụ thông thường và ngoại thường sẽ dẫn đưa đến một hiểu biết lớn lao hơn về con người của Đức Kitô, Đấng mạc khải Chúa Cha và là Mạc Khải viên mãn của Thiên Chúa”.
Đức Thánh Cha còn viết : “Vậy tôi khuyên các vị Mục tử và các tín hữu hãy ý thức về tầm quan trọng của việc linh hoạt này: đó cũng sẽ là cách thức tốt nhất để đương đầu với một vài vấn đề mục vụ được nêu lên tại Thượng Hội Đồng, chẳng hạn những vấn đề liên quan đến sự tăng nhanh của các giáo phái đang phổ biến một cách đọc Kinh Thánh méo mó và lèo lái. Ở đâu các tín hữu không trau dồi cho mình một sự hiểu biết Kinh Thánh phù hợp với đức tin của Giáo Hội và dựa trên Truyền Thống sống động của Giáo Hội, thì ở đó người ta để lại một khoảng trống rỗng mục vụ, là nơi mà các thực tại như các giáo phái có thể gặp được một vùng đất mầu mỡ để bám rễ. Vì thế, cũng cần phải chuẩn bị chu đáo các linh mục và giáo dân để họ có thể dạy dỗ Dân Thiên Chúa tiếp cận Kinh Thánh một cách chân thực”. (Xc VD, 73). Trong kì cắm phòng hang năm vừa qua của Tỉnh Dòng Ngôi Lời chúng tôi tại Paraguay, cha giảng phòng có cho chúng tôi xem một bộ phim mới về cuộc đời Chúa Giêsu rất đời thường nhưng rất ấn tượng. Xem xong thì một cha già cùng Dòng người Ba-lan, có họ hàng rất gần với Tân Chân phước giáo hoàng Phao-lô II mới hỏi sao phim về Chúa mà không thấy phép lạ nào! Thế đó, một linh mục truyền giáo lão luyện mà cứ đòi phép lạ, cứ muốn nói về Chúa với những chuyện li kỳ hấp dẫn để cho người khác biết là Chúa của mình oai phong lẫm liệt chứ không phải là người bình thường thì thử hỏi những người khác làm sao tránh được những cám dỗ, những thêu dệt đầy huyền bí về những chuyện không có. Thế giới ngày nay người ta rất thích “phép lạ” và nhiều phép lạ diễn ra quá nên dễ trở thành “phép quen”. Nhiều người không còn đến với Chúa như một người có lòng tín thác nhưng muốn biến Chúa thành một công cụ, hay nói đúng hơn là thành một “ông Bụt” để thỏa mãn nhưng ước muốn và nhu cầu tâm linh của họ mà thôi. Trong một lần giảng tĩnh tâm cho giới trẻ vào Dịp Tuần Thánh, tôi có hỏi các bạn trẻ là các bạn cần gì nơi những người dấn thân cho Chúa và các linh mục của các bạn? Các em trả lời rằng các em cần những những người biết dấn thân và biết hành động hơn là những người chỉ giảng rất hay mà không làm gì. Quả vậy, Đức cố giáo hoàng Phao-lô VI cũng đã từng nói trong Tông Huấn Loan Báo Tin Mừng rằng ngày nay người ta cần những chứng nhân hơn những thầy dạy, và nếu người ta cần thầy dạy vì những người đó đồng thời cũng là những chứng nhân.
Thế giới chúng ta đang sống không hề thiếu những thầy dạy. Có những thầy dạy có nhiều bằng cấp cao, và nhờ những bằng cấp đó họ mới tính toán ngày tháng trong Kinh Thánh để tiên đoán về ngày tận thế. Họ không biết rằng chuyện đó không thuộc phạm vi của họ nhưng họ vẫn “liều” dù ý hướng của họ cũng là để giúp người ta sám hối, ăn năn. Trận cuồng phong chớp nhoáng xảy ra ở thành phố Joplin, bang Missouri của Hoa Kỳ đã làm thiệt hại nặng nề cũng khiến người ta liên tưởng đến ngày tận thế. Tuy nhiên, ngày ấy, như Chúa Giêsu đã từng nói : “Còn về ngày giờ đó thì không ai biết được, ngay cả các thiên sứ trên trời hay cả người Con cũng không; chỉ một mình Chúa Cha biết mà thôi” (Mt 24,36). Vậy chúng ta sẽ làm gì trước những sự kiện này? Câu hỏi này chúng ta cần phải trả lời trong Năm Lời Chúa này? Trong lời mở đầu của Tông Huấn Verbum Domini, Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã mượn lời thư thứ nhất của Thánh Phê-rô tông đồ, Ngài viết : “Lời Chúa đời đời bền vững. Đó chính là Lời Tin Mừng đã được loan báo cho anh em” (1 Pr 1, 25; x. Is 40, 8). Lời đời đời bền vững này đã đi vào thời gian. Thiên Chúa đã nói Lời vĩnh cửu của Ngài theo cách thức nhân loại; Lời của Ngài “đã trở nên người phàm” (Ga 1,14). Đây chính là Tin Mừng. Đây là lời loan báo đã vượt qua bao thế kỷ để đến với chúng ta hôm nay. Chính Đấng Sáng Lập của Dòng Truyền Giáo Ngôi Lời- thánh Arnold Jassen đã yên mến Lời Chúa, đã đọc và suy niệm Lời Chúa và đã đặt tên cho Hội Dòng là Dòng Ngôi Lời- Societas Verbi Divini, để nhấn mạnh tầm quan trọng của Lời Chúa trong đời sống và sự vụ của các nhà truyền giáo. Không biết Kinh Thánh, không áp dụng Lời Chúa đúng lúc, đúng hoàn cảnh thì những gì chúng ta làm đều vô ích và đôi khi còn phản lại Tin Mừng nữa. Chính vì thế, việc học hỏi Lời Chúa, áp dụng Lời Chúa vào cuộc sống hàng ngày trong môi trường sống của từng người có một ý nghĩa rất thiết thực cho những người theo Chúa. Chúng ta không cần làm phép lạ, không cần hù dọa mọi người về những sự kiện mang tính cách giật gân để làm cho người ta tin Chúa nhưng chúng ta chỉ cần tin những gì chúng ta đọc, dạy những điều chúng ta tin và thi hành những gì chúng ta dạy là đầy đủ rồi. Xin mượn lời Thánh Vịnh 119, 105 như là một châm ngôn sống để kết thúc bài viết này : “Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi”.

PARAGUAY – NHỮNG ĐIỀU TRÔNG THẤY

             Một đêm hội ngộ 

         Tối ngày 31 tháng 5 năm 2011, người dân Paraguay tố chức thánh lễ bế mạc mừng 200 năm độc lập tại Sân Vận Động quốc tế Defensores del Chaco tọa lạc ở thủ đô Asuncion. Mọi người, nhất là giới trẻ từ khắp các giáo phận trong nước về tham dự buổi hội ngộ này dưới sự chủ tọa của Sứ Thần Tòa Thánh cùng các giám mục, linh mục đang phục vụ tại Paraguay. Cũng có vị phó tổng thổng, các bộ trưởng và các thượng nghị sĩ tham dự thánh lễ bế mạc này. Tôi có duyên để tham dự đêm hội ngộ đầy ấn tượng này và muốn chia sẻ những điều mình trông thấy.
Công bằng mà nói cách tổ chức thánh lễ hay các sinh hoạt mang tầm vóc quốc tế thì người Việt của mình hơn rất nhiều các nước, nhất là ở Paraguay này. Nhưng cũng công bằng mà nói người Paraguay và các nước Nam Mỹ nói chung có một sự tự do, tôn trọng lẫn nhau và làm việc rất hài hòa giữa tất cả các giai tầng trong xã hội và luôn có một lối sáng tạo chứ không cứng nhắc, sợ sệt như kiểu dân Việt mình. Thánh lễ diễn ra lúc 7 giờ tối nhưng vào chúng tôi đến vào lúc 5 giờ chiều thì sân vận động đã đông nghịt người và các bạn trẻ bắt đầu hát hò, nhảy múa thật vui. Vì thời tiết Paraguay bắt đầu chuyển qua mùa Đông nên hoàng hôn ập xuống rất nhanh. Những ánh đèn màu chiếu theo tiếng nhạc và những điệu nhảy Nam Mỹ của từng nhóm trẻ đại diện cho các giáo phận làm cho bầu không khí vốn đã nhộn nhịp, lại càng hấp dẫn thêm. Một nữ ca sĩ nổi tiếng của Paraguay thuộc phong trào canh tân đoàn sủng trước khi trình diễn ca khúc về Chúa Thánh Thần đã dâng lên lời nguyện để cầu cho đất nước Paraguay mỗi ngày một nên ý thức hơn trong năm mừng kỷ niệm 200 năm độc lập và kêu gọi tất cả mọi thành phần, từ giáo sĩ, tu sĩ, giáo dân phải sống nên thánh bằng cách thay đổi cách sống chưa phù hợp với Tin Mừng. Ông phó tổng thống là khách mời danh dự nên được ngồi gần hàng ghế các linh mục vì lí do an ninh mới quay qua nói vị bộ trưởng tài chính nói vui : “Cầu cho các chính trị gia phải sống thánh nữa chứ!” Giới trẻ hôm nay sao mà khí thế và hăng say quá. Bình thường trong các thánh lễ, kể cá lễ Chúa Nhật và các lễ trọng cũng rất hiếm khi họ tham dự. nhưng hôm nay sao mà họ sốt sắng và tích cực như vậy. Tôi cũng thấy trong thánh lễ có một thông ngôn cho những người khiếm thính (người câm điếc) đứng ợ một vị trí trang trọng để thông dịch bằng cử chỉ cho các tham dự viên không nghe, không nói được vì thánh lễ cũng được trực tiếp truyền hình cho toàn quốc. Paraguay vẫn còn là nước nghèo, chậm tiến nhưng sao họ biết chú trọng đến những người tàn tật, cơ nhỡ, góa bụa khiến tôi nghĩ lại đến nước mình mà thấy tủi thân vì chẳng những người tật nguyền bị xem thường mà ngay đến những nhân tài, trí thức cũng bị lãng quên nếu không phải là con ông cháu cha hay gia đình có tiền để chạy chọt.
Trong bài giảng lễ, Đức Sứ Thần Tóa Thánh người Italia với ngôn ngữ ngoại giao, ngài đã chúc mừng và nói đến một đất nước Paraguay được chúc phúc với những hoa quả tốt đẹp của Chúa Thánh Thần, nhưng ngài cũng không quên nhấn mạnh đến tầm vóc Loan Báo Tin Mừng là đem công lí, tình thương đến cho mọi người. Ngài cũng kêu gọi chính quyền loại trừ nạn tham nhũng, bất công để đem lại một nước Paraguay hòa bình, thịnh vượng với các quốc gia láng giềng. Mọi người vỗ tay tán thưởng và sau đó một vị thượng nghị sĩ Công giáo đã đọc lời nguyện giáo dân với việc cầu nguyện cho các chính khách biết thực thi quyền bính dân sự theo lời mời gọi của Chúa và sống nên thánh trong chức vụ của mình. Trong khi thức trao ban bình an, các vị giám mục và linh mục đồng tế đến hôn chúc bình an vị phó tống thống, các vị bộ trưởng, thượng nghị sĩ và các phu nhân để biểu lộ một ước muốn hòa bình dũ giữa giáo quyền và chính quyền vẫn còn những chuyện bất đồng trong cách hành xử quyền bính. 

            Trông người mà nghĩ đến ta 

 Những ngày vừa qua trên phương tiện truyền thông trong nước cũng như quốc tế, tôi được biết hành động xâm lăng bất chấp luật pháp của người dân láng giềng to xác muốn lấy thịt đè người đối với người dân thân yêu Việt Nam của tôi. Tôi còn nhớ vào đầu thập niên 1980s, nghĩa là từ sau trận chiến với bọn giặc phương Bắc năm 1979, chúng tôi có được tuyên truyền và biết đến câu “Bọn bành trướng bá quyền Bắc Kinh” từ trong ghế nhà trường xã hội chủ nghĩa. Ngày ấy dù tôi chưa hiểu nhiều về chính sách bành trướng của người láng giềng kiêu ngạo này, trong lòng tôi vẫn có một cái gì khó chịu và không ưa gì lắm những người mạnh hiếp yếu này. Ngày 9 tháng 6 vừa rồi những con người to xác xấu tính ấy lại tiếp tục uy hiếp người tàu Việt Nam chúng ta trên vùng biển. Những tàu trang bị vũ khí đội lốt tàu tuần ngư để phá hoại và xâm phạm lãnh hải của ta một cách ngang ngược, bất chấp luật pháp quốc tế, ngông cuồng như một con thú điên sẵn sàng cắn xé bất cứ ai đụng đến nó. Tuy nhiên sau đó bọn họ lại ngang ngược nói rằng Việt Nam xua đuổi tàu họ nên họ mới chạy vướng vào tàu của Việt Nam. Đúng là vừa ăn cướp, vừa la làng không còn gì xấu hổ bằng. Trong những ngày này chúng tôi cũng có cuộc họp giữa các nhà truyền giáo trẻ tại thủ đô Asunción. Một linh mục người Phi Luật Tân có tâm sự với tôi về chuyện tranh chấp lãnh hải giữa người Phi Luật Tân và người Tàu Cộng. Linh mục người Phi này có vẻ bức xúc lắm về sự ngang ngược và bỉ ổi của bọn Tàu Cộng. Trong cuộc họp này cũng có một anh em linh mục người Tàu đến từ tỉnh Thiểm Tây mà tôi đã có lần chia sẻ. Dù trong lòng tôi không có máu hận thù hay thành kiến gì với anh linh mục Tàu này nhưng mỗi khi anh phát biểu là y như anh đang lên lớp dạy với thái độ rất ngạo mạn vì tự cho rằng mình đến từ một nước lớn. Anh ta đã từng sống chung cộng đoàn với một linh mục người Kenya, Phi Châu nhưng sau đó đụng mạnh và chuyển qua sống với một linh mục người Ba-lan, rồi cũng đụng nhau chóe lửa. Sau đó nhà Dòng cho anh chuyển qua sống với một linh mục người Paraguay và cả hai cũng đụng nhau tơi bời khói lửa nên nhà Dòng vừa chuyển anh đến sống với một linh mục thánh thiện người Đức. Và nếu lần này anh sống không hòa thuận nữa với linh mục lão thành người Đức này thì nhà Dòng sẽ gởi anh về Thiểm Tây, China của anh để anh có thể làm trời làm đất gì ở đó cũng được. Tôi đã nhiều lần “dĩ hòa vi quí” với anh nhưng anh vẫn luôn rêu rao rằng Việt Nam là một tỉnh của Trung quốc nên buộc tôi phải lên tiếng với anh. Bởi thế anh không thích tôi lắm và tôi cũng không cần điều đó. Tôi không muốn biện minh hay nói xấu ai vì dẫu sao linh mục China này cũng là người anh em cùng Dòng với tôi. Nhưng tôi không muốn im lặng mãi trước sự xấu tính của người láng giềng to xác này đang ngang nhiên xúc phạm dân tôi. Nhớ lại lời Đức Cố Hồng Y Phan-xi-cô Nguyễn Văn Thuận trong bài ‘”Con có một tổ quốc” khiến mình cảm thấy xấu hổ vì chưa làm được gì cho tổ quốc ngoại trừ lòng yêu nước : “…

 Con có một tổ quốc Việt Nam
Quê hương yêu quí ngàn đời. 
Con hãnh diện, con vui sướng. … 
Là người Công Giáo Việt Nam, 
Con phải yêu Tổ Quốc gấp bội. 
Chúa dạy con, Hội Thánh bảo con. 
Cha mong giòng máu ái quốc, 
Sôi trào trong huyết quản con.” 

Tôi thấy ở đất nước Paraguay bé nhỏ này cũng đã nhiều lần có chiến tranh với các nước láng giềng rộng lớn như Argentina và Brazil nhưng họ không hề sợ các đối thủ to xác. Họ sẵn sàng biểu lộ những bất bình của họ qua các cuộc biểu tình và nhất là họ biểu lộ lòng yêu nước khi quốc gia láng giếng nào xâm phạm lãnh thổ của họ một cách công khai, rầm rộ cho dù có mất mát một vài mối lợi kinh tế. Cố thủ tướng Việt Nam Võ Văn Kiệt, một người cộng sản Việt Nam chân chính đã từng phát biểu một cậu thật khá hay: “Tổ quốc là của mình, dân tộc là của mình, quốc gia là của mình, Việt Nam là của mình, chứ không phải là của riêng của người cộng sản hay của bất cứ tôn giáo hay phe phái nào cả.” Vậy mà buồn thay khi mình muốn diễn tả, muốn nói lên tinh thần yêu nước của mình trước giặc ngoại xâm thì bị chụp mũ, bị cho là phản động, là gì gì nữa và dĩ nhiên sẽ bị theo dõi, bị mời “làm việc” và cũng có thể bị bắt bất cứ lúc nào. Tôi chia sẻ bài viết này với tư cách là một người Việt Nam đang làm việc ở một nước dân chủ trong vai trò là một nhà truyền giáo. Vì thấy quá bức xúc trước hành động xâm lăng nên tôi muốn bày tỏ một chút tâm tình về lòng yêu nước. Hãy để cho chúng tôi biểu lộ lòng yêu nước một cách hoà bình trước người láng giếng xấu tính để họ nhận ra điều xấu họ đang làm vì chúng tôi mang dòng máu Việt Nam.

  Paraguay, 13-6-2011, lễ thánh Antôn Pađua

PARAGUAY – ĐÔI ĐIỀU CẢM NHẬN

          Bồi bổ tâm linh 

            Sau Tuần Bát Nhật Phục Sinh, Tỉnh Dòng chúng tôi có kì tĩnh tâm năm để anh em có dịp hội tụ với nhau, và nhất là để nghỉ ngơi, dưỡng sức bồi bổ tâm linh sau những tháng ngày lam lũ trên trận tuyến truyền giáo.
Đã nhiều năm rồi Tỉnh Dòng chúng tôi ở Paraguay và Dòng Tên rất có duyên với nhau và luôn có sự cộng tác trong nhiều lĩnh vực truyền giáo và thăng tiến con người. Bởi thế, có thể nói các anh em Dòng Ngôi Lời và Dòng Tên ở Paraguay là những người bạn thân của nhau nên có dịp gì thì thường chia sẻ với nhau. Chính vì thế, Tỉnh Dòng Ngôi Lời chúng tôi lại mời người giảng phòng năm là một linh mục Dòng Tên người Tây Ban Nha đang làm việc ở Trung Tâm Linh Thao tại Paraguay. Ngài đã từng làm việc ở nhiều quốc gia và là chuyên viên về nhân chủng học với nhiều năm làm việc trong viện nghiên cứu về ngành nhân chủng. Tuy đã 75 tuổi đời với đầu tóc bạc trắng, ngài rất khỏe mạnh, hài hước và có tài hùng biện nên khi ngài chia sẻ về các lời khấn Dòng, chúng tôi cảm thấy thích thú và cảm thấy bị lôi cuốn dù những điều ấy chúng tôi đã từng nghe đi nghe lại trong đời tu, và vì thế những ngày tĩnh tâm của chúng tôi thật thú vị và cảm thấy trôi nhanh. Trong những ngày Tĩnh Tâm, cha Giám tỉnh của Dòng cũng thông tin cho chúng tôi biết những anh em linh mục đau bệnh và những anh em linh mục vắng mặt vì lí do mục vụ không thể tham dự kì tĩnh tâm. Chúng tôi cũng được thông tri về vài anh em linh mục người Paraguay xin rời khỏi Dòng sau rất nhiều năm tu luyện nhưng nay muốn từ giã sân cỏ nhà tu để vào sân cỏ thế tục tham gia vào các cơ quan công quyền hay trở thành các doanh nhân vì cảm thấy đời tu không còn hấp dẫn với họ nữa khi họ cho rằng các lời khuyên Phúc Âm như Khó Nghèo, Vâng Phục và Khiết Tịnh như là một vật cản không để cho họ tiến đến con đường công danh và một số anh em xuất tu còn lập luận rằng đời tu đã kiềm hãm sự thăng tiến của họ. Dĩ nhiên khi một người không muốn sống theo một khuôn khổ nào đó và muốn bức ra khuôn khổ đó, họ thường có những lí do nghe có vẻ hợp lí để biện minh cho hành vi của mình. Nhưng tôi cảm thấy tiếc vì một số anh em xuất tu gần đây là những người được Nhà Dòng cho ăn học tới nơi, tới chốn và được nhiều ưu đãi khác nữa, vậy mà… Trong những cuộc hội thảo giữa các nhà đào tạo giữa các Dòng với nhau, một Sơ giám tập có văn bằng tâm lí chuyên về đời tu đã cho chúng tôi biết khi Sơ và các đồng nghiệp khảo sát về lí do xuất tu của những linh mục, tu sĩ tại vùng Nam Mỹ. Có đến 90% xuất tu là do vấn đề tình cảm và phần trăm còn lại là do ham thích quyền lực và lỗi về đức khó nghèo. Như vậy cũng biết rằng ở vùng Nam Mỹ này khi nói đến đức khiết tịnh là một điều rất khó nói và khá tế nhị vì ngay cả các em học sinh cấp II đã có rất nhiều kinh nghiệm về đời sống tính dục vì các em đã biết yêu và biết “chuyện ấy” rành rẽ hơn các bậc tu trì. 

           Đệ Bách Chu Niên Độc Lập của Paraguay

             Tháng 5 năm nay, Paraguay kỉ niệm 200 năm giành độc lập từ thực dân Tây Ban Nha. Họ đã có những hoạt động thiết thực cho ngày lễ độc lập của họ từ chính quyền đến giáo quyền. Hơn bao giờ hết, người Paraguay thuộc tất cả mọi tầng lớp và đảng phái trong xã hội cùng nhau tổ chức ngày độc lập trong tinh thần đoàn kết và xây dựng.
Vào thứ Bảy ngày 14 tháng năm vừa qua, người Paraguay đã cử hành ngày lễ Độc Lập của họ. Nhiều nguyên thủ quốc gia và các phái đoàn ngoại giao từ các nước đã đến tham dự các nghi lễ này. Các cựu chiến binh, quân đội, cảnh sát, nam phụ nữ ấu, sinh viên, học sinh… tập duyệt nghi thức duyệt binh trong nhiều ngày cho ngày đại lễ này. Một nghi thức không thể thiếu là sau khi vị tổng thống và thủ tướng đón tiếp các vị khách mời từ các nước đến dự, họ đưa nhau đến Nhà Thờ Chính Tòa của thủ đô Asunción, Paraguay để cử hành nghi thức Tạ Ơn “Te Deum”. Dù muốn hay không, các vị thượng khách dù là hữu thần hay vô thần đều đến tham dự nghi thức “Te Deum” này vì người Nam Mỹ luôn tâm niệm 3 điều căn bản: Thượng Đế, Quốc Gia và Dân Tộc.
Nghi thức dự định diễn ra ở Tiền Sảnh của Nhà Thờ Chính Tòa, nhưng đến giờ chót trời lại mưa nên phải chuyển vào bên trong Thánh Đường. Người chủ sự nghi thức không phải là Tổng Tống mà chính là vị giám mục người Paraguay (Hội Đồng Giám Mục Paraguay có rất nhiều giám mục ngoại quốc nên sự kiện của người Paraguay phải do chính người Paraguay chủ sự). Chính vị giám mục này sau lời chào đầu nghi thức đã đọc thông điệp của Hội Đồng Giám Mục Paraguay gởi toàn thể dân tộc Paraguay nhân dịp Đệ Bách Chu Niên Độc Lập với chủ đề “una nueva evangelización para un nuevo Paraguay” (Một cách thế loan báo Tin Mừng mới cho một đất nước Paraguay mới). Như chúng ta cũng biết dù các nước Châu Mỹ La Tinh là các quốc gia có truyền thống Ki-tô giáo, nhưng thế quyền và giáo quyền hoàn toàn tách biệt nhau. Bởi thế, vị tổng thống đương nhiệm của Paraguay từng là giám mục Công giáo, nhưng trước khi ông xin ứng cử tổng tống vào năm 2008, ông đã xin Đức Thánh Cha cho ông hồi tục để đủ điều kiện làm ứng cử viên vì theo hiến pháp của Paraguay, cấm các giáo sĩ tham gia vào các chức vụ công quyền. Và cũng vì thế mà nhiều vị linh mục ở đây muốn tham gia điều hành các cấp chính quyền đều phải xin hồi tục để không lẫn lộn giữa giáo quyền và thế quyền. Dù giáo quyền và thế quyền hoàn toàn tách biệt nhau nhưng không vì thế mà tiếng nói của giáo quyền bị xem thường. Tiếng nói của các vị mục tử ở đây, nhất là của Hội Đồng Giám Mục rất mạnh mẽ, dám tố cáo những việc làm mập mờ của chính quyền về những công việc của đất nước nếu chính quyền có những việc làm sai trái ảnh hưởng đến đất nước. Bởi thế, các vị tổng thống ở Bolivia, Argentina, Venezuela hay một vài nước châu Mỹ Latinh khác rất sợ và rất “ghét” các vị tu sĩ vì họ dám nói thẳng, nói thật và sẵn sàng chịu đi tù để nói lên tiếng nói của một công dân có trách nhiệm. Cũng trong những ngày này, tôi có đón một anh em linh mục đàn anh từng là một trong những nhà truyền giáo Việt Nam đầu tiên đến Paraguay cách đây hơn 20 năm, và hiện đang làm việc tại Hàn Quốc. Người anh em này trở lại Paraguay thăm lại cảnh xưa, người xưa và cũng là dịp kỉ niệm Ngân Khánh linh mục. Tôi có tháp tùng với ngài đến thăm lại các nơi xưa ngài từng phục vụ để nhìn lại những người thân quen. Gặp nhau thật vui trong tình đồng hương, tình huynh đệ và anh em cũng có dịp hàn huyên tâm sự, chia sẻ những kinh nghiệm trong đời sống truyền giáo.
Chúng tôi cũng nhận được một tin khá buồn vào Chúa Nhật Chúa Chiên Lành, một anh em linh mục cùng Dòng đang làm việc tại Phan Rang, Việt Nam bị tử nạn sau khi đi mục vụ về trên chiếc Honda. Người anh em này rất thân thiết với tôi và là người giảng lễ mở tay cho tôi dịp tôi dâng thánh lễ tạ ơn. Đọc tin buồn và nhìn những hình ảnh tang tóc do các anh em cùng Dòng từ quê nhà gởi đến mà thấy xót lòng. Lần lượt những anh em, những bâc thầy thân thương của tôi trong Dòng lần lượt ra đi để lại trong tôi một khoảng trống thênh thang. Tôi biết một ngày nào đó tôi cũng sẽ ra đi về nhà Cha trên trời với các anh em tôi vì sống chết đều thuộc về Chúa, nhưng khi nghe tin buồn ập đến tôi cảm thấy buồn man mác. Trong những ngày này người ta cũng đồn rằng lúc 18 giờ chiều thứ Bảy ngày 21 tháng 5 năm 2011 là ngày Tận Thế, và nghe đâu ở Mỹ người ta cảnh báo và tuyên truyền rầm rộ về ngày này do diễn đạt sai lầm về Kinh Thánh. Nhưng tôi nghĩ rằng nếu mọi người biết đối xử với nhau thật tốt thì đâu có sợ gì tận thế. Tháng 5, một tháng ghi đậm nhiều kí ức trong tôi vì trong tháng 5 năm 2010 vừa qua tôi có dịp đặt chân trên đất Mỹ thăm những người thân yêu trước khi về thăm Việt Nam. Thời gian vẫn cứ trôi nhanh và luôn trẻ mãi trong khi nhìn lại mình tôi thấy ngày một già đi. Tháng 5 cũng là tháng của các Mẹ, đặc biệt là của Mẹ Maria. Xin Mẹ đoái thương chúng con và gìn giữ anh em linh mục chúng con luôn trung tín và thánh thiện.

  Paraguay, 23-5-2011

PARAGUAY – MỘT CUỘC PHỤC SINH

                             Đại hội giới trẻ (Pascua Juvenil)

           Sau vài tháng tham dự khóa tu nghiệp giành cho các nhà đào tạo tại Colombia, tôi đã trở về lại Paraguay trước những ngày bước vào Tuần Thánh để lo cho công việc mục vụ.
Các nhà truyền giáo Tây Ban Nha ngày xưa đã để lại những di sản tinh thần quí báu cho các nhà truyền giáo hậu thế khi các ngài biết đặt mầu nhiệm Khổ Nạn và Phục Sinh của Chúa như là trung tâm điểm của đời sống đức tin chứ không phải là mầu nhiệm Giáng Sinh. Ngày Chúa Nhật Lễ Lá tôi phải chạy đến 3 giáo điểm khác nhau để dâng lễ dù theo dự báo thời tiết thì trời sẽ mưa. Tuy nhiên khi kết thúc 3 thánh lễ (2 thánh lễ sáng và một thánh lễ buổi chiều) thì tối đó trời mới đổ mưa lớn. Vì là lễ lá và có bài đọc thương khó nữa nên mỗi thánh lễ kéo dài gần 2 tiếng đồng hồ và việc di chuyển đến các giáo đểm truyền giáo khá xa nên nguyên cả ngày Chúa Nhật Lễ Lá tôi rong ruổi như con thiêu thân đến tối mịt mới về. Mệt nhưng vui vì người ta tham dự thánh lễ đông đúc và tôi cảm thấy hứng thú vì lâu ngày được dịp khua miệng để giáo huấn cho người khác dù nhiều người chỉ đi lễ một lần trong năm vào dịp Lễ Lá này.
Nhớ lại những ngày ở Việt Nam khi còn là giáo lí viên, rồi khi làm thầy, Tuần Thương Khó hay Tuần Thánh tôi rất mong được các cha chọn để hát thương khó dù mình chẳng giỏi gì về âm nhạc. Đôi lần tôi được chọn đóng vai người kể nhưng cũng đôi lần phải đóng vai quân dữ để hét thật to “Đóng đinh nó vào Thập giá!!!”. Các Bài Hát Thương Khó của Đức Cha Phao-lô Nguyễn Văn Hòa vẫn còn vang vọng đâu đó trong tiếm thức khi Tuần Thánh đến. Vậy mà nhiều năm rồi ở bên xứ truyền giáo tôi cũng muốn hát lắm, muốn làm bản nhạc theo cung giọng của người dân bản xứ để thu hút giáo dân mà chưa thực hiện được. Vả lại đúng những ngày lễ trong Tuần Thánh muốn tìm những người biết hát một tí thì không tìm ra vì người dân ở đây chỉ biết hát theo cảm hứng mà không hề biết một nốt nhạc nào. Cả những ngày lễ lớn như Lễ Dầu, Lễ Truyền Chức, Lễ Bổn Mạng Giáo Phận mà cũng chẳng có môt bài hát nào có nhạc cả. Các ca viên chỉ ca những bài “vũ như cẩn” theo giọng rung chat chúa của họ nên riết rồi cũng quen. Nhiều khi mình muốn làm một cái gì đó cho oai một tí nhưng cơ hội không đến với mình thì đành chịu thôi.
Trong những ngày Tam Nhật Thánh, tôi được mời giúp tĩnh tâm cho giới trẻ và cũng lợi dụng cơ hội này để tìm kiếm ơn gọi. Có 10 chú chủng sinh ngoại trú cũng đến tham dự với tôi trong dịp này. Chân thành mà nói giới trẻ ngày nay khá thờ ơ với việc đạo hạnh nên việc đến nhà thờ vào Chúa Nhật và các dịp lễ khá hiếm hoi. Các chú chủng sinh ngoại trú tham dự với tôi trong những ngày này cũng tâm sự với tôi rằng họ chỉ tham dự thánh lễ khoảng 6 lần trong năm! Thế đó. Các em dự tu mà chỉ tham dự thánh lễ mấy lần trong năm thì thử hỏi những bạn trẻ khác tham dự bao nhiều lần trong năm? Tôi đã đưa ra 5 câu hỏi đơn giản sau bài thuyết trình để các bạn trẻ chia sẻ theo nhóm nhằm có thể đáp ứng những nguyện vọng của giới trẻ và cũng để có dịp trao đổi với các anh em linh mục đang làm việc mục vụ. Một trong những câu hỏi mà mà tôi đưa ra là : Tại sao giới trẻ ngày nay ít đến nhà thờ? Các em đã mạnh dạn chia sẻ lí do là vì các linh mục giảng dài, hay la mắng khi giảng, và trong bài giảng chẳng có gì hấp dẫn. Một vài í kiến khác cho rằng vì cha mẹ không làm gương tốt và không hề quan tâm nhắc nhở đến việc đạo lí cho các em. Một lí do khác nữa mà các em đưa ra là nhiều người đi tu đã làm gương mù, gương xấu nên các em không thích. Khi nghe những góp ý của các em tôi cũng đau lắm vì “sự thật mắc lòng mà”, nhưng tôi cũng cố lắng nghe và lần lượt phân tích cho các em từng khía cạnh để hai bên hiểu nhau hơn. Một trong những câu hỏi mà các em cũng thích tranh luận là : Giới trẻ nghĩ gì về đời tu và những người đi tu ngày nay? Các bạn trẻ cho rằng đời tu là một chuyện thật khó hiểu vì những người đi tu phải sống độc thân và phải tự lo cho mình tất cả. Một bạn trẻ khác thật ngây ngô khi phát biểu rằng những người đi tu là trốn tránh trách nhiệm gia đình và bất hiếu với cha mẹ vì chẳng giúp đỡ gì cho gia đình và cho cha mẹ. Tôi hơi chột dạ một tí và muốn phản ứng ngay lời phát biểu của em nhưng kịp bình tĩnh lại để nghe em nói cho hết vì đã chấp nhận tranh luận là chấp nhận nghe những ý kiến trái chiều, thậm chí những ý kiến ấy có thể làm cho mình khó chịu nữa. Cũng có em chững chạc hơn phát biểu rằng những người đi tu ngày nay thực là những người “không bình thường” cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, nghĩa là những người đó phải có một cái gì đặc biệt lắm mới có thể chống lại những cơn cám dỗ Tiền – Tài – Tình trong thời đại này. Tôi đã tổng kết tất cả những tranh luận của các em như là một bài học quí báu cho mình dù chính tôi là người thuyết trình và đưa ra tranh luận. Có lẽ trong một dịp thuận tiện nào đó tôi sẽ chia sẻ với các anh em linh mục đồng môn của mình để các anh em có thể hiểu hơn tâm tình của giới trẻ vì Binh pháp Tôn Tử có dạy : "Tri kỷ tri bỉ, bách chiến bách thắng" ("Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng"). 

  Một cuộc phục sinh 
             
                 Thời tiết Paraguay giao mùa nên lúc này thường có dự báo mưa bão nên cũng ảnh hưởng đến các sinh hoạt trong Tuần Thánh. Dẫu vậy, các bạn trẻ cũng hăm hở đến tham dự các sinh hoạt trong giáo xứ vì Paraguay và các nước Công giáo vùng Nam Mỹ cho phép nghĩ học từ Thứ Tư Tuần Thánh.
Chính vì thế mà các linh mục phải luôn tạo ra những sáng kiến để thu hút giới trẻ tham dự đại hội giới trẻ để lấp khoảng thời gian rãnh rỗi vì “nhàn cư vi bất thiện”. Những người lớn trong dịp này cũng đi đàng Thánh giá Thứ Sáu Tuần Thánh và cũng hát vang dội với giới trẻ. Tuy nhiên phần giữ chay và kiêng thịt ngày Thứ Sau Tuần Thánh thì hầu như chẳng ai giữ được vì họ không có thói quen nhịn ăn. Ngay cả các em chủng sinh ở với tôi và tôi đã nhắc đi nhắc lại nhiều lần trước đó và ngay cả Thứ Sáu Tuần Thánh nữa mà chẳng có em nào giữ chay được. Các anh em linh mục Paraguay cũng chẳng có người nào giữ được thì làm sao mà bảo giáo dân giữ chay! Và tôi nghĩ Chúa cũng chẳng trách phạt họ vì những chuyện cỏn con này nhưng tôi thấy cũng hơi kì kì sao đó. Trong ngày Tam Nhật Thánh có 2 đám tang làm tôi hơi suy nghĩ một tí dù tôi vẫn biết sống chết đều là của Chúa. Cái chết bất ngờ đầu tiên là của một Nũ tu người Nhật đã từng phục vụ ở Paraguay trên 50 năm. Chính vị Nữ tu này đã giúp tôi rất nhiều khi vào năm ngoái tôi kiêm nhiệm hai giáo xứ cách xa nhau vì cha xứ ở đó lâm trọng bệnh. Sơ cùng là người Á châu nên xem tôi như đồng hương và Sơ quí mến tôi vô cùng. Tuy khá lớn tuổi nhưng Sơ không hề bệnh tật gì. Sau lễ tiệc ly thứ Năm Tuần Thánh, Sơ dọn dẹp cung thánh và bị vấp ngã, người ta đưa Sơ lên bệnh viện và Sơ đã trút hơi thở cuối cùng ở đó. Sơ đã dùng bữa tiệc ly cuối cùng với Chúa và ra đi thanh thản dù những người còn sống vô cùng thương tiếc Sơ. Cái chết thứ hai là của một cụ ông dù 99 tuổi nhưng vẫn còn minh mẫn. Ông cụ chết đúng chiều thứ Sáu Tuần Thánh sau khi đi đàng Thánh Giá trọng thể. Ông cụ sinh ngày 25 tháng 12, nghĩa là cùng ngày sinh với Chúa Giêsu và cùng ngày chết vớ Chúa Giêsu, nhưng khi Chúa Giêsu bị đóng đinh và chết trên thập giá chỉ vỏn vẹn hưởng dương 33 tuổi. Sự trùng hợp hi hữu này không biết nói lên điều gì đây nhưng để lại trong tâm một vài suy nghĩ. Chúa đã sống lại thật, Alleluia-Alleluia. Trong tuần Bát Nhật và trong Mùa Phục Sinh này chúng ta sẽ luôn cất tiếng Alleluia để ngợi khen Chúa. Tôi hơi buồn một tí vì khi trở về nhà sau những ngày tĩnh tâm cho giới trẻ, tôi phát hiện là kẻ trộm đã viếng thăm phòng tôi và dọn đi những gì có thể dọn. Cũng may là chiếc vi tính và máy chụp hình tôi mang theo cho công việc chứ không thì giờ đây chẳng có gì để mà chia sẻ nữa. Tôi tự nhủ thôi thì của đi thay người. Tôi cũng cố gượng cười để Phục Sinh với Chúa. 

 Paraguay, Mùa Phục Sinh 2011

COLOMBIA KÝ SỰ

           Mấy ngày qua tôi có nhận được email thăm hỏi của một số giáo dân ở Paraguay khiến tôi cảm thấy ngạc nhiên. Ngạc nhiên vì bấy lâu nay khi tôi còn ở Paraguay, như tôi đã chia sẻ trong các bài viết về phong tục tập quán, người Paraguay rất ít quan tâm đến người khác, hay nói đúng hơn là xong việc rồi thì thôi. Không biết họ gởi email cho tôi vì họ quan tâm, vì họ nhớ đến tôi hay chỉ vì công việc. Bởi vì trong email họ có nhờ tôi tĩnh tâm và giúp giới trẻ cho chương trình Tuần Thánh sắp tới. Thấm thoát mà đã mấy tháng tôi xa Paraguay- vùng đất truyền giáo mà tôi đã sống, đã xem nó như là quê hương thứ hai của mình sau khi nhận bài sai của Bề Trên Tổng Quyền. Tôi có nhớ man mán một câu thơ nói về quê hương, viết rằng : “Khi tôi ở chỉ là nơi đất ở; khi tôi đi đất bỗng hóa tâm hồn”. Câu thơ này đã gợi lại cho tôi nỗi nhớ quê hương thứ hai của mình, dù nơi đó không đẹp, không giàu sang, không văn minh như nước Colombia hiện tôi đang sống.
Trong bài viết về “Một Thoáng Colombia” lần trước đã đăng trên Vietcatholic, tôi đã chia sẻ một vài cảm nhận của một người mới đến. Trong bài này, tôi muốn chia sẻ thêm về cuộc sống của người dân Colombia nói riêng, và về việc học hành, công việc, cách ứng xử của những bạn bè đồng môn đến từ nhiều quốc gia khác nhau trong khóa học đào tạo mà tôi đang theo đuổi để những ai tiếp cận, đi du lịch và làm việc với người dân Combia nói riêng và dân Nam Mỹ nói chung khỏi bở ngỡ và dễ làm quen. Có thể nói Colombia là một quốc có nhiều điểm du lịch nhất ở vùng Nam Mỹ, và vì thế, có nhiều du khách đến đây. Dịch vụ xe ta-xi, xe búyt và Trasmilenio (cũng là một loại xe búyt nhưng khá dài với sức chứa khoảng 160 hành khách và có đường chạy riêng) rất rẻ nên người ta thích đi. Tất cả các nhân viên phục vụ và tài xế ở đây khá lịch sự chứ không giống như nhiều anh tài xế và phụ xe ở Việt Nam mình thích chửi ai thì chửi và muốn thu tiền bao nhiêu cũng được nên trên xe luôn có sự cãi cọ nhau. Một điểm nữa cũng cần được nhắc đến là văn hóa xếp hàng và người ta biết nhường nhau, cách riêng cho những người khuyết tật, phụ nữ mang thai, người già và trẻ em. Tôi thấy những điều này ở Paraguay, dù là một quốc gia kém văn minh hơn Việt Nam rất nhiều, nhưng họ lại biết tôn trọng và hành xử văn minh hơn chúng ta.
Tôi có dịp đi thăm vài điểm du lịch ở đây và nhận thấy rằng chính phủ đầu tư vào các điểm du lịch vừa để giới thiệu về đất nước mình, vừa thể hiện một sự văn minh trong đời sống văn hóa du lịch. Cụ thể là các đồ lưu niệm, dịch vụ ăn uống, các khu vui chơi đều có giá cả ưu đãi và các nhân viên phục vụ rất tận tình lịch sự. Vào các dịp lễ họ còn giảm giá vé để cho nhiều người có thể tham quan. Trái lại ở Việt Nam mình thì vào các dịp lễ lại tăng giá, một điều hết sức vô lí nữa ở Việt Nam là có sự phân biệt giữa người Việt Nam và người nước ngoài khi mua tàu xe hay vào các điểm du lịch. Nhiều người nước ngoài từng đến Việt Nam có hỏi tôi tại sao nước Việt Nam lại có sự phân biệt như vậy, và không biết năm nay là năm 2011 rồi những người điều hành có nhận ra được điều đó không và đã điều chỉnh lại chưa. Và nếu các nước Nam Mỹ này mà đối xử với tôi như thế chắc là tôi đã phản đối và đã xin chuyển làm việc ở nước khác từ lâu rồi. Những ngày tháng học hành, hội họp và làm việc chung với các trí thức vùng Nam Mỹ, tôi học hỏi được họ rất nhiều điều, trong đó có sự khiêm nhường và biết lắng nghe nhau dù cũng có những lúc tranh luận to tiếng để tìm ra những điểm chung. Điều này tôi thấy người Việt mình, nhất là giữa các anh em linh mục, tu sĩ với nhau cần phải thẳng thắn hơn để nhìn nhận lại vấn đề này, vì có nhiều người trước mặt trông có vẻ bằng lòng, vui vẻ nhưng sau lưng thì gièm pha, chơi xấu nhau. Tôi thấy các linh mục giáo sư có bằng cấp cao thuộc nhiều quốc gia đang điều hành Học Viện Thần Học Mục Vụ thuộc Thượng Hội Đồng Giám Mục Châu Mỹ Latin và vùng Ca-ri-bê làm việc ở đây rất thẳng thắn trong đối thoại, mỗi người luôn biết chổ đứng của mình và không bao giờ ‘dẫm chân’ nhau trong công việc nên họ luôn có tình bạn chân thành chứ không khách sáo. Người dân Châu Mỹ Latin khá cởi mở và thân thiện nên từ chỗ xa lạ những ngày đầu, chúng tôi trở thành những người bạn của nhau. Trước đây khi tôi nghe đến tên của một số quốc gia, thì trong thâm tâm tôi thường dán nhãn là quốc gia này có điều này xấu, quốc gia kia có điều kia tệ… Nhưng nay được sống và làm việc với những con người cụ thể, tôi đã bắt đầu có một cái nhìn đúng đắn hơn, và khi nghĩ về người đó, tôi không còn đặt nặng về quốc gia, chủng tộc hay tầng lớp xã hội nhưng là một tương quan bình đẳng như những người bạn với nhau. Khi chúng tôi được chia làm việc theo các nhóm nhỏ hay nhóm lớn để thảo luận một vấn đề nào đó, mỗi người đều có trách nhiệm và góp lên tiếng nói của mình để làm sáng tỏ vấn đề. Không có ai ỉ lại vào người khác hay tự cho rằng ý kiến của mình là đúng hoàn toàn, còn những ý kiến phản biện là sai lầm, là vô bổ. Mỗi người đều biết lắng nghe và tôn trọng ý kiến của nhau. Bởi thế nên các quốc gia châu Mỹ Latin ít có chiến tranh giữa các quốc gia vì họ biết nhường nhịn nhau. Những cuộc chiến tranh hay xung đột xảy ra là do một số người có đầu óc độc tài thống trị, bất chấp những dư luận và luôn cho mình là người có lý.
Người xưa có nói “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”. Tôi không dám nói mình đã học được nhiều sàng khôn vì đi nhiều tháng năm ở các nước, nhưng tôi cảm thấy mình lớn lên rất nhiều trong cách suy nghĩ và trong hành động trong những cuộc xuất du này. Những ngày trong tháng Ba quả là những ngày buồn cho cả thế giới nói chung va nước Nhật nói riêng với cơn động đất kinh hoàng 8.9 độ Richter kéo theo những cơn song thần khiến hàng chục triệu người thiệt mạng và mất tích. Tôi cũng nhận được tin buồn trong những ngày này là đứa cháu trai 16 tuổi, con trai duy nhất của người anh ruột bị chết đuối khi cố gắng cứu một em bé bị trượt chân ngã xuống sông. Tôi có điện thoại về Việt Nam để an ủi gia đình người anh trai và được biết rằng trong đám tang ấy, ba tôi đã khóc nghẹn cho đứa cháu nội thân thương của mình trong khi má tôi mỗi ngày một mất trí nhớ và không biết đứa cháu mình đang nằm đó. Cả gia đình tôi trong những ngày này cũng buồn như nước Nhật. Tôi cũng chỉ biết an ủi những người thân nhưng trong lòng cũng đau lắm. Tôi chỉ biết cúi đầu xin vâng theo ý Chúa vì Ngài kêu ai thì người ấy ‘dạ’ thôi. Hôm nay, tôi có đến thăm hai anh em linh mục cùng Dòng từ Việt Nam mới đến và cùng nhau dâng lễ cầu nguyện cho những ý chỉ của mỗi người cũng như cầu nguyện cho Tỉnh Dòng Ngôi Lời Việt Nam của chúng tôi vừa có Ban Cố Vấn mới. Chúng tôi có dịp trao đổi, trò chuyện với nhau, và như là một người đàn anh đi trước, tôi cũng chia sẻ vài kinh nghiệm cho các anh em vừa mới đến để anh em dễ dàng hội nhập với cuộc sống mới nơi đất khách. Ngẫm lại những sự đã qua, nhất là trong bài Tin Mừng Chúa Nhật thứ III Mùa Chay năm A vừa qua, Chúa Giê-su muốn nhắn nhủ với chúng ta là hãy biết khao khát Thiên Chúa vì chính Người sẽ lấp đầy những khát khao của chúng ta. Dù biết bao thế sự thăng trầm và nhiều khi tưởng chừng Chúa đã quên những lời khẩn cầu của chúng ta, thì chính lúc đó Chúa lại ra tay cứu vớt chúng ta.   

                                                                                             Colombia, 28 tháng 03/2011

TẦM QUAN TRỌNG CỦA LỜI CHÚA TRONG ĐỜI SỐNG CỦA NHỮNG CURSILLISTAS

            Khi chuẩn bị cho bài chia sẻ Chúa Nhật thứ III Mùa Chay Năm A, theo Tin Mừng Thánh Gio-an chương 4, 5-42 nói về Nước Hằng Sống, tôi nhớ lại cách đây không lâu tôi có tham dự buổi thuyết trình về Lectio Divina do một linh mục tiến sĩ Kinh Thánh người Colombia hướng dẫn. Với lối trình bày dí dỏm nhưng thật sâu sắc, vị diễn giả này đã đem đến cho những tham dự viên hiểu biết một cách sâu sắc khi đọc và suy niệm Lời Chúa qua cách trình bày những hình ảnh, những dụ ngôn và những biểu tượng mà các tác giả Kinh Thánh đề cập đến.
Bài Tin Mừng theo thánh Gio-an chương 4, 5-42 nói về cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giê-su và người phụ nữ Sa-ma-ri bên bờ giếng Gia-cóp. Điều này cũng gợi cho tôi nhớ lại những cuộc gặp gỡ tương tự của các tổ phụ trong thời Cựu Ước cũng ngay bên các bờ giếng. Nếu chúng ta lần giở lại cuộc gặp gỡ giữa tổ phụ I-xa-ác và Rê-bê-ca (Xc. St 24, 10-66) thì đôi uyên ương này nên duyên vợ chồng từ bờ giếng. Rồi đến vị giải phóng dân Ít-ra-en có tên là Mô-sê cũng nên duyên vợ chồng với con gái của thầy tư tế Ma-đi-an bên bờ giếng sau khi trốn khỏi Ai-cập (Xc. Xh 2, 11-22). Và vị Thầy của chúng ta, Đức Giê-su khả ái cũng gặp gỡ người phụ nữ Sa-ma-ri bên bờ giếng Gia-cóp, và qua cuộc gặp gỡ này, người phụ nữ cũng như những người đồng hương Sa-ma-ri của bà đã thay đổi và đã nhận ra vị Cứu Tinh không phải ở Giê-ru-sa-lem hay ở Sa-ma-ri mà chính là ở trong thần khí và sự thật (Xc Ga 4, 23-24tt). Bài Tin Mừng quá hay và rất nhiều nghĩa cho tính đại kết nên tôi muốn dùng  tưởng này như là lời mở đầu bài chia sẻ cho tờ Tiến Bước trong Năm Lời Chúa.
Trong bài chia sẻ trước, tôi có đề cập đến “Lời Chúa trong đời sống và sứ vụ của các nhà truyền giáo”. Những nhà truyền giáo, những linh mục, tu sĩ là những người rao giảng Lời Chúa thì họ cần phải học, phải chuyên sâu, phải hiểu rõ và sống Lời Chúa thì mới dám mạnh dạn rao giảng. Nếu không thì những lời rao giảng ấy trở nên rỗng tếch và vô giá trị. Còn những người khác không phải là linh mục, tu sĩ thì sao? Chẳng lẽ họ đứng ngoài cuộc và xem chuyện đọc hay suy niệm Kinh Thánh là chuyện của mấy người đi tu!!! Nhiều người còn nói nửa đùa nửa thật rằng nhiều người Công giáo có thể bỏ tiền chi tiêu mọi thứ đắt giá, nhưng một thứ vô giá mà không ai thèm mua đó là quyển Kinh Thánh. Nhiều người khác còn nói rằng có người mua Kinh Thánh rồi về nhà bao thật kỹ, cất thật kỹ nhưng không bao giờ đọc. Bởi thế họ bông đùa rằng Kinh Thánh của người Công giáo và người Tin Lành chỉ khác nhau một chỗ là Kinh Thánh của người Công giáo luôn luôn mới và đẹp vì không bao giờ mở ra đọc, còn Kinh Thánh của người Tin Lành thì cũ và xấu vì họ thường xuyên đọc. Tôi không biết chuyện đó có đúng không nhưng tôi thấy quyển Kinh Thánh của tôi vẫn còn mới và đẹp vì lúc này tôi hay đọc Kinh Thánh trên Internet. Tôi muốn nói với những bạn đồng môn của tôi, những Cursillitas hay còn gọi là De Colores- Muôn màu, muôn sắc, về tầm quan trọng của Lời Chúa trong phong trào của chúng ta. Logo con gà trống nhiều màu sắc cất tiếng gáy phần nào nói lên ơn gọi của chúng ta, những Cursillistas. Tiếng gáy ở đây không có nghĩa là chúng ta tự cho mình là những người hiểu nhiều, biết nhiều rồi lên mặt với đời. Nhưng tiếng gáy ở đây là chúng ta biết vận dụng những gì chúng ta học được qua các khóa Cursillos, qua các cuộc tĩnh tâm, qua các sinh hoạt ngoại khóa, để biết đặt Chúa Giê-su vào trung tâm điểm của đời sống, để hiểu biết về Thiên Chúa và Giáo Hội và để khám phá thêm về ơn gọi làm nhân chứng Tin Mừng nơi các môi trường trần thế nhằm mục đích đem Chúa Ki-tô đến cho thế giới ngày nay.
Muốn được như thế thì những Cursillistas hữu, có thể gọi như thế cũng phải học hỏi và đào sâu Kinh Thánh để thấm nhuần giáo huấn của Thầy Chí Thánh vì “Không biết Kinh Thánh là không biết Đức Ki-tô”. Những ngày ở Colombia cho khóa học đào tạo, tôi có biết đến một phong trào gọi là Alpha (có thể vào link www.alphafriends.org hay www.alphalatinoamerica.org để tìm hiểu thêm). Tôi có tham gia để biết thêm về phong trào mới này được hình thành cách đây vài chục năm tại Anh và hiện giờ phát triển khá mạnh mẽ tại các nước Mỹ Latin và nhiều nước trên thế giớ. Một trong những người khởi xướng cho phong trào này là luật sư Nicky Gumbel người Anh, hiện giờ là một nhà thần học và linh mục Anh giáo, đã có những buổi tĩnh tâm cho khóa Alpha tại nhà thờ Chúa Ba Ngôi ở Anh quốc, và hiện nay số thành viên của phong trào Alpha này đã lên đến hàng triệu người thuộc hàng trăm quốc gia trên thế giới. Sỡ dĩ phong trào này phát triển mạnh như thế là do những người khởi xướng biết “gãi đúng chỗ ngứa” cho các tín hữu thời hiện đại khi biết đặt Chúa Giê-su làm trọng tâm và biết đưa ra những vấn nạn trong việc học hỏi và trau dồi Kinh Thánh. Vậy, những Cursillistas hữu của chúng ta thì sao? Phong trào Cursillo của chúng ta đã bước qua cái tuổi gọi là thất thập cỗ lai hi rồi (vì thành lập từ thập niên 40’s ở Tây Ban Nha). Chúng ta đã đem lại bao nhiêu người đến với Chúa qua Lời Chúa và qua đời sống của chúng ta? Khi còn làm việc ở một giáo xứ gồm nhiều cộng đoàn nước ngoài ở Obligado, miền Nam Paraguay, tôi có làm linh hướng cho phong trào Cursillo ở đây. Thực tình mà nói người Nam Mỹ rất thích hội họp, tiệc tùng và nhảy múa. Những Cursillistas ở đây cũng vậy. Khi họ hội họp thì thường ăn uống và ca hát. Họ cũng có những khóa hậu Cursillo nhưng họ rất ít học hỏi hay đào sâu Kinh Thánh. Như là người hướng dẫn tâm linh, tôi đã gợi lại cho họ rằng người Cursillista phải luôn gắn bó với Chúa qua Lời như cây liền cành và cần đến sự nâng đỡ cộng tác của anh chị em mình, như được thể hiện trong câu nói: ‘Một tay nắm lấy Chúa, một tay nắm lấy anh chị em mình’. Trong Phần III của Tông Huấn Verbum Domini nói về Lời Chúa cho thế giới, số 114 có đề cập đến Kinh Thánh và hội nhập thế giới, Đức Thánh Cha Biển Đức XVI có viết : “Mẫu mực chân chính cho việc hội nhập văn hóa là chính cuộc Nhập Thể của Ngôi Lời: “một ‘cuộc trao đổi văn hóa’ (acculturation), hoặc ‘hội nhập văn hóa’ (inculturation), sẽ thực sự là phản ánh cuộc Nhập Thể của Ngôi Lời, khi mà một nền văn hóa, được biến đổi và tái sinh nhờ Tin Mừng, làm sản sinh khởi đi từ chính Truyền thống sống động của mình những cách thức diễn tả độc đáo sự sống, cử hành và những tư tưởng Kitô giáo”, nhờ đâm chồi từ nền văn hóa địa phương, nhờ trân trọng các semina Verbi (hạt giống Lời) và tất cả những gì đang có trong nền văn hóa ấy như là điều tích cực, nhờ mở nó ra với các giá trị Tin Mừng. ” Anh chị em Cursillistas quí mến. Anh chị em đang sống trong một môi trường đa văn hóa, đa chủng tộc gọi là Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ. Anh chị em có nhiều điều kiện thuận lợi trong việc trao đổi và hội nhập văn hóa với các dân tộc khác đang cùng chung sống với anh chị em. Hàng tháng chúng ta có những khóa mới Cursillo và hàng năm chúng ta tổng kết được biết bao nhiêu Cursillistas mới. Con số không nói lên được điều gì nếu chúng ta chỉ dừng lại để hãnh diện về nó. Chúng ta phải làm sao cho phong trào của chúng ta ‘Phúc Âm hóa’ thế giới bằng cách đem Tin Mừng đến cho nhân loại qua những môi trường sống dị biệt trong xã hội, cố gắng cải hóa lương tâm cá nhân cũng như tập thể. Như chú gà trống với nhiều màu sắc sặc sỡ, những Cursillistas cũng phải gáy lên : “The rooster sings, the rooster sings. With a cock-a-doodle, cock-a-doodle-doo.... And that is why I love. The great loves of many colors...” Chúng ta đang sống trong những tuần lễ của Mùa Chay để hướng về Mầu Nhiệm Phục Sinh. Ước mong những Cursillistas của chúng ta có một tinh thần hoán cải thật sự và biết đặt Lời Chúa làm trung tâm trong đời sống của mình. Felices Pascuas y que Dios les bendiga. 

  Colombia, Lễ Truyền Tin, 25-3-2011

MỘT THOÁNG COLOMBIA

                                Một thoáng Colombia 

           Cuối tháng 1 năm 2011, sau khi tham dự lễ bế mạc Năm Thánh Bách Chu Niên hiện diện của các Nhà Truyền giáo Dòng Ngôi Lời tại Paraguay, tôi đáp máy bay từ Paraguay đến Colombia để tham dự khóa tu nghiệp về đào tạo trong vòng 3 tháng tại CELAM, Tổng Hành Dinh của Liên Hội Đồng Giám Mục Châu Mỹ Latin và vùng Ca-ri-bê tọa lạc ở thủ đô Bogotá, Colombia.
Colombia là một quốc gia tại Nam Mỹ (không phải là District of Columbia của Hoa Kỳ). Phía đông giáp với Venezuela và Brazil; phía nam giáp với Ecuador và Peru; phía bắc giáp Đại Tây Dương, qua Biển Caribe; và phía tây giáp Panama và Thái Bình Dương. Colombia là quốc gia duy nhất ở Nam Mỹ giáp cả Đại Tây Dương và Thái Bình Dương. Colombia là một nước lớn và đa dạng, với diện tích 1.141.748 km2, lớn thứ 4 ở Nam Mỹ (sau Brasil, Argentina và Peru). Tên gọi "Colombia" lấy theo tên của nhà thám hiểm Tây Ban Nha Christopher Columbus. Đây là quốc gia nổi tiếng về hoạt động sản xuất thuốc phiện trái phép, các vụ bắt cóc và tỷ lệ các vụ giết người. Người ta còn biết đến Colombia qua nhóm phiến quân khủng bố gọi là FARC (Fuerzas Armadas Revolucionarias de Colombia), là một nhóm du kích tự xưng là chủ nghĩa Mác-Lênin ở Colombia. FARC hoạt động tại Colombia và trong khu vực biên giới của Brazil, Ecuador, Panama, Peru và Venezuela nên ảnh có ảnh hưởng rất nhiều đến toàn vùng Nam Mỹ. Đây cũng là quốc gia có tỉ lệ công giáo khá đông (khoảng 90% công giáo, theo thống kê của kênh truyền hình el Tiempo) và dân số khoảng 46 triệu người. Colombia có 32 thành phố lớn (dĩ nhiên cũng có rất nhiều thành phố và quận huyện nhỏ khác) với những huyền thoại của mỗi thành phố này gắn liền với tên gọi của nó giống như ở Việt Nam chúng ta gọi thành phố Sài Gòn là Hòn Ngọc Viễn Đông, Đà Lạt gọi là thành phố Mộng Mơ, Huế là Đất Thần Kinh… thì các thành phố ở Colombia cũng vậy. Thành phố Medellín được gọi là La Ciudad de la Eterna Primavera, o Capital de la Montaña ("Thành phố của Mùa xuân Vĩnh cửu", hay "Thủ phủ của núi non"), thành phố Pereira với tên gọi là La Querendona, Trasnochadora y Morena ("Người đàn bà da đen đáng yêu không bao giờ ngủ"). Thành phố Buenaventura được mệnh danh là Bello Puerto del Mar ("Hải cảng xinh đẹp"). Thành phố Popayán được gọi là La Ciudad Blanca ("Thành phố trắng")… Bogotá là thủ đô và là thành phố đông dân nhất của nước Colombia với dân cư khoảng 8 triệu người. Đây cũng là trung tâm văn hóa, công nghiệp, kinh tế và du lịch của Colombia và được mệnh danh là thành Athens của Nam Mỹ. Về phương diện tôn giáo, có trụ sở CELAM (Consejo Episcopal Latinoamericano- Hội Đồng Giám Mục Mỹ Latin và Ca-ri-bê) là nơi có học viện thần học mục vụ để đào tạo các chuyên ngành cho giáo hội Mỹ Latin và vùng Ca-ri-bê. Năm 2007, UNESCO đã trao tặng cho Bogotá danh hiệu là Thủ Đô Của Thế Giới về sách.

                      Khóa tu nghiệp về đào tạo

            Tôi đã đặt chân đến thủ đô Bogotá của Colombia vào buổi chiều cuối tháng 1 năm 2011 với cơn mưa nặng hạt. Bogotá có độ cao 2.600 mét so với mực nước biển nên khí hậu quanh năm lạnh lẽo. Cũng may mà tôi có xem trên Internet về thời tiết trước khi lên đường nên có đem theo cái áo ấm chứ không thì chắc không chịu thấu với thời tiết lạnh đột ngột vì khí hậu ở Colombia lúc này là 7 độ C.
Ngày đầu tiên đến lớp tại trụ sở của Liên Hội Đồng Giám Mục Mỹ Latin và Ca-ri-bê, mỗi thành viên phải tự giới thiệu tên, quốc tịch, chức vụ và nơi làm việc để những người khác được biết và làm quen. Khi 47 thành viên giới thiệu xong thì tôi mới được biết hầu hết những tham dự viên khóa tu nghiệp lần này đều là những nhà đào tạo trong các chủng viện của các giáo phận và các Dòng Tu trực thuộc 23 quốc gia vùng châu Mỹ Latin và Ca-ri-bê. Chỉ có tôi là người Á châu Việt Nam duy nhất lạc loài ở chốn này. Đây là một điều thất lợi cho tôi vì các quốc gia vùng châu Mỹ Latin nói tiếng Tây Ban Nha là tiếng mẹ đẻ, còn tôi, một anh hai lúa làm việc ở Paraguay mới bập bẹ nói tiếng Tây Ban Nha thì làm sao sánh kịp với họ. Nhưng tôi đã tự trấn an lòng mình : lỡ phóng lao thì phải theo lao luôn, hai lúa ơi. Dòng Ngôi Lời chúng tôi cũng có trụ sở ở thủ đô Bogotá, Colombia nhưng lại quá xa Trung Tâm CELAM nên tôi phải thuê một nhà trọ gần trụ sở của các cha Hội Xuân Bích. Vì thế, mỗi buổi sáng tôi cuốc bộ khoảng 40 phút đến trường vừa ngắm cảnh vừa tập thể dục và buổi chiều cũng lội bộ về nhà. Những giáo sư phụ trách giảng dạy là những chuyên viên đến từ các nước vùng châu Mỹ Latin và các buổi học thật sự mang tính chuyên nghiệp. Chúng tôi cũng làm việc trong những nhóm nhỏ và cuối tuần phải nộp bài cho giáo sư. Mỗi thứ Hai đầu tuần và thứ Sáu cuối tuần chúng tôi dâng lễ đồng tế với sự chủ tọa của các giám mục, hồng y đến từ các nước trong vùng châu Mỹ Latin để chia sẻ những vấn đề trong vùng. Các ngày thứ Bảy chúng tôi có những buổi hội thảo chuyên đề về Tông Huấn Lời Chúa của Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI, Lectio Divina hay học thuyết xã hội công giáo… với những chuyên viên đầy kinh nghiệm.
Mỗi buổi sáng trước giờ học, từng quốc gia dâng lên lời cầu nguyện theo văn hóa của mình. Tôi đã chọn sáng thứ Năm ngày 3 tháng 2, đúng ngày Tết Cổ truyền của Việt Nam để cầu nguyện và giới thiệu cho các bạn đồng môn về Tết Tân Mão Việt Nam qua một Powerpoint các hình ảnh về Việt Nam (xin gởi kèm theo). Các linh mục đồng môn hỏi tôi rằng sao Trung quốc gọi là Tết con Thỏ, còn Việt Nam gọi là Tết con Mèo? Nhiều người còn lầm tưởng rằng Việt Nam là một tỉnh của Trung quốc. Nhưng tôi giải thích với họ rằng Trung quốc là Trung quốc, còn Việt Nam là Việt Nam. Việt Nam là một quốc gia có nền văn hóa lâu đời và là một dân tộc yêu chuộng hòa bình nhưng không hề chịu khuất phục bất cứ một quốc gia xâm lược nào kể cả Trung quốc lớn mạnh. Trong phần trình bày của tôi, tôi có giới thiệu hình ảnh 117 vị thánh tử đạo Việt Nam và một gương mặt ấn tượng mà cả thế giới đều ngưỡng mộ : Đức cố Hồng Y Phan-xi-cô Xa-vi-ê Nguyễn Văn Thuận. Khi gương mặt ngài được chiếu lên thì cả căn phòng đều ồ lên : Testigos de esperanza (chứng nhân hy vọng). Một số linh mục đồng môn đang học với tôi thuộc phong trào Tổ Ấm Focolare rất ngưỡng mộ Đức cố Hồng y của chúng ta nên đã xin cái powerpoint này để xem đi xem lại. Tôi không hiểu sao người Việt Nam chúng ta gọi là Tết Tân Mão (con Mèo) còn người Trung quốc thì Mèo lại hóa Thỏ! Ở Nam Mỹ người ta chỉ biết đến một vài quốc gia ở châu Á mà thôi. Họ biết đến Trung quốc vì là nước đông dân nhất thế giới và hàng hóa giả lan tràn khắp nơi. Họ biết đến Nhật Bản vì là quốc gia có công nghệ cao với những hãng xe hơi nổi tiếng. Họ biết đến Hàn Quốc vì có vị tổng thư kí liên hợp quốc Ban Ki Moon, và rất may là họ biết đến Việt Nam với một vị Hồng y lỗi lạc Phan-xi-cô Xa-vi-e Nguyễn Văn Thuận với những tác phẩm để đời và đang trong quá trình phong chân phước. Tôi rất tự hào về điều này. Trong những lúc giải lao sau các tiết học, các bạn học linh mục lại thích nói chuyện đùa về văn hóa của từng vùng, và một linh mục người Venezuela nói rằng ở Việt Nam mỗi cái Tết thì thay đổi một con vật, và 12 con vật thay đổi từng năm. Riêng ở Venezuela thì chỉ có 1 con vật ngự trị suốt 12 năm mà không thay đổi (họ ám chỉ tổng thống độc tài Hugo Chavez của Venezuela như là con bò đã cai trị đất nước 12 năm mà vẫn tại vị, và trong cuộc bầu cử sắp tới ông ta nói là sẽ tiếp tục chiến thắng và sẽ tại vị suốt đời!). Các nước vùng Nam Mỹ có nhiều điều lợi là họ dùng chung một ngôn ngữ : tiếng Tây Ban Nha và vì thế rất thuận tiện cho việc tổ chức các hội nghị quốc tế mà không cần qua thông dịch. Vấn đề đi lại trong vùng cũng khá thuận tiện nên việc trao đổi văn hóa khá dễ dàng. Tôi có hỏi các bạn đồng môn là làm thế nào để phân biệt được người này đến từ Chi-lê, người khác đến từ Argentina vì tất cả đều nói tiếng Tây Ban Nha và dáng vẻ giống nhau. Các anh em linh mục đã chỉ cho tôi phân biệt qua giọng nói từng vùng, qua các phát âm thì ngay lập tức nhận biết anh này đến từ quốc gia nào của Nam Mỹ giống như người Việt Nam ở 3 Miền. Ví dụ người Venezuela nói rất nhanh và nói như đang cãi nhau. Người Colombia muốn mời uống Café thì hỏi : Quieres tinto? (trong khi người Argentina gọi “tinto” là rượu vang)… Hai linh mục đến từ Costa Rica có nói về vị Sứ Thần Tòa Thánh là Đức Tổng Giám Mục Phê-rô Nguyễn Văn Tốt, người Việt Nam thân yêu của chúng ta với sự ngưỡng mộ. Biết bao nhiêu điều tôi được học hỏi trong khóa tu nghiệp này. Sống trong môi trường quốc tế và hàng ngày cọ sát với thực tế giúp tôi lớn khôn rất nhiều. Trong những ngày vừa qua, tôi cũng có dâng thánh lễ ở vài giáo xứ để hiểu thêm tình hình sống đạo của người dân nơi đây. Thực tình mà nói dù là một quốc gia có tiếng xấu là bạo động, cướp bóc và vận chuyển ma túy, người dân ở đây thực hành đạo rất tốt và có tinh thần đóng góp cho giáo hội rất nhiều. Họ cũng rất quí trọng các linh mục và luôn lắng nghe tiếng nói của các vị chủ chăn. Tôi cũng ghé thăm một linh mục truyền giáo trẻ cùng Dòng mới từ Việt Nam qua và còn rất nhiều điều bỡ ngỡ như tôi trước đây. Dù đời sống vật chất ở đây cao gấp nhiều lần so với Paraguay nhưng sống xa xứ không dễ dàng tí nào. Cụ thế là đã từng có 1 linh mục người Việt đến từ Mỹ cách đây hai năm nhưng chỉ trụ được vài tháng và đã quay lại Mỹ không mà không một lời từ biệt nên để lại một ấn tượng không mấy tốt. Tôi chỉ ở đây một thời gian ngắn nữa cho công việc chuyên môn của mình rồi sẽ phải trở về nhiệm sở cũ ở Paraguay để tiếp tục vai trò anh hai lúa như thuở nào.

  Colombia, 19 tháng 02/2011