Wednesday, September 28, 2011

PARAGUAY - SUY TƯ VỀ MỤC VỤ

                         Mục vụ ơn gọi

      Trong một chuyến đi tuyển mộ ơn gọi ở một vùng quê thuộc địa hạt của Dòng các Anh Em Hèn Mọn Phan-xi-cô, tôi đã ở nhà của một gia đình nông dân để tìm hiểu thêm cuộc sống của của những người dân ở nông thôn mà trước đây tôi từng sống và làm việc với họ.
Gia đình mà tôi tá túc những ngày ấy là một gia đình khá nghèo và đông con. Một người con của họ đang có ý định vào Dòng Ngôi Lời nên tôi phải đích thân đến để tìm hiểu gia cảnh của ứng sinh. Tuy là gia đình nông dân sống trong vùng xa xôi hẻo lánh nhưng gia đình này chỉ còn lại duy nhất một sào đất để ở và nuôi thêm mấy con vật như heo, gà, chó và mèo. Người và vật đều sống chung dưới một mái nhà đơn sơ, thiếu thốn. Dù nghèo như thế nhưng khi tôi, một linh mục từ xa đến, họ đã nhường cho tôi một cái giường với cái gối và cái mền còn phảng phất mùi khét khét của đồng quê.
Tôi có hỏi ông chủ nhà là tại sao trước đây đất đai nhiều mà bây giờ chỉ còn lại một sào và phải đi làm thuê trên chính mảnh đất của mình thì ông ta trả lời rằng vì ông ta có nhiều con và khi con cái bị bệnh tật thì không có tiền trả cho bác sĩ nên phải trả đất để cứu lấy mạng sống của con nên bây giờ phải chịu cảnh này.
Nghe đến đó mà ứa nước mắt vì con cái bây giờ có mấy ai nghĩ và cho cha mẹ như cha mẹ đã từng lo cho con cái. Chẳng những nhiều đứa con không biết lo cho cha mẹ mà họ còn mong cha mẹ chết sớm để họ thừa hưởng gia tài nữa. Tôi còn nhớ ngày xưa Má tôi có dạy tôi rằng : “Cha mẹ nuôi con biển hồ lai láng; con nuôi cha mẹ tính tháng tính ngày”. Nghĩ tới điều này là tôi chợt nhói đau vì Ba Má tôi lúc này cũng đang đau bệnh và phải nhờ con cái nuôi, nhưng có lẽ vì thời buổi kinh tế khó khăn nên các anh chị em tôi có vẻ đùng đẩy trách nhiệm cho nhau khiến đôi lúc Ba Má tôi cũng hơi buồn và lại tấu lên điệp khúc bất hủ này.
Vì sống ở miền quê nên thiếu thốn trăm bề, nhất là về vấn đề vệ sinh vì người và vật sống chung với nhau trong một căn nhà ẩm thấp nên dễ phát sinh bệnh tật. Nếu ai đã từng đến thăm các ngôi nhà của một số bộ tộc ở Tây Nguyên sẽ dễ cảm nhận điều này. Vì ở đây không hề có nhà tắm hay nhà vệ sinh nên ban ngày tôi cũng hơi ngại mà phải đợi đêm đến mới có thể giải quyết những chuyện vệ sinh cá nhân được, còn họ- những người dân chất phát thì vẫn vô tư vì đã quen với cách sống hương đồng gió nội này rồi. Rồi khi màn đêm buông xuống thì chỉ biết ngủ vì chẳng có Ti-vi hay Radio gì để thưởng thức cả. Đời sống vật chất đã thiếu thốn, đời sống tinh thần lại càng te tua hơn. Tôi thiển nghĩ, chẳng lẽ nghèo lại là cái tội! Chúa rất giàu, rất quyền quí mà chấp nhận sống nghèo để nâng người nghèo lên, vậy sao tôi không biết noi gương Chúa để nâng đời sống tinh thần của người nghèo lên vì gốc gác tôi cũng chẳng có gì là ngon lành đâu.
Tôi cũng có xin phép các anh em linh mục Phan-xi-cô, những người phụ trách vùng truyền giáo này để dâng lễ cho các cộng đoàn vùng xâu, vùng xa trong những ngày này vì ở đây một linh mục phải phụ trách đến mấy chục giáo điểm truyền giáo nên nhiều giáo điểm 3 tháng mới có thánh lễ một lần. Người dân khi được báo tin là có thánh lễ với một linh mục Á châu họ mừng vô cùng và đến tham dự thật đông trong ngôi nhà nguyện thật nhỏ bé. Nhìn thấy đoàn chiên bơ vơ thiếu người chăn dắt thấy mà thương vô cùng. Đây cũng là một động lực thúc đầy tôi tiếp tục tìm kiếm ơn gọi để huấn luyện và sai đi đến các vùng như thế này. Trong các cuộc họp liên tu sĩ, chúng tôi có qui ước với nhau là các Dòng nên cộng tác với nhau trong việc tuyển mổ ơn gọi và nếu có cạnh tranh thì nên cạnh tranh lành nhắm đến mục đích mở mang Nước Chúa và làm chứng qua công việc mục vụ của mình.

Mục vụ thành thị

Vì được giao trọng trách tuyển mộ và huấn luyện các nhà truyền giáo tương lai trong Tỉnh Dòng nên tôi có nhiều cơ hội làm việc mục vụ tại thành phố với các đoàn thể, các phong trào và phần nào hiểu được những mặt trái trong mục vụ thành thị.
Theo tâm lí tự nhiên thì ai cũng muốn làm việc ở một nơi có đầy đủ tiện nghi và an toàn. Chẳng mấy ai muốn đun đầu vào những chỗ nguy hiểm, khó khăn cả. Có chăng là vì công việc đưa đẩy, vì lời khấn vâng lời trong đời tu nên một số người chấp nhận dấn thân, cộng với ơn Chúa giúp thì dần dần họ mới quen với môi trường mới. Tôi cũng chẳng nằm ngoài trường hợp ngoại lệ đó và cũng vì thế tôi dần xác tín rằng không có ơn Chúa thì mình chẳng làm gì được.
Ngoài công tác huấn luyện, tôi cũng giúp thêm 2 cộng đoàn không có linh mục từ lâu vì đây là 2 cộng đoàn nghèo dù sống giữa thành phố.
Hơn một năm qua đồng hành với 2 cộng đoàn này, dần dần người dân bắt đầu ý thức và cộng tác. Việc chính của tôi là chỉ cử hành các bí tích, nhất là thánh lễ, giải tội, viếng bệnh nhân và cử hành nghi thức an táng. Các bí tích khác như rửa tội, hôn nhân và bí tích thêm sức tôi nói với họ là về với cộng đoàn gốc để hoàn tất các thủ tục theo giáo luật. Tôi cũng chỉ là người giúp giáo dân tự trưởng thành trong trường hợp thiếu vắng linh mục. Bởi thế tôi cũng đào tạo các giáo lí viên, có những buổi hướng dẫn học Kinh Thánh căn bản và huấn luyện một số thừa tác viên để cử hành phụng vụ Lời Chúa khi không có linh mục. Những cộng đoàn lân cận ít khi linh mục lui tới vì quá nghèo thường gọi tôi thăm viếng mục vụ nên có những ngày Chúa Nhật tôi phải dâng đến 4 thánh lễ ở các nơi xa nhau để làm ấm lòng đời sống thiêng liêng của những người khao khát Chúa.
Có một chiều Chúa nhật một cha xứ ở thành phố gọi điện cho tôi để giúp ngài dâng thánh lễ vì ngài nói ngài phải đi xa. Tôi nhận lời giúp ngài dù ngày Chúa nhật hôm ấy tôi có đến 3 thánh lễ rồi. Khi dâng thánh lễ xong và được một giáo dân báo cho biết là đội bóng đá ưa thích của cha xứ đã thắng trận và cha xứ đang ở sân vận động với những fans (người hâm mộ) của ngài đang tưng bừng vui vẻ. Tôi chợt buồn vì một anh em linh mục đã không trung thực với mình.
Cũng nhân đây tôi muốn chia sẻ một tí về chuyện bóng đá tại các quốc gia Nam Mỹ này.
Ở các nước vùng Nam Mỹ người ta rất coi trọng hai vấn đề là chính trị và bóng đá. Về chính trị thì tôi đã từng chia sẻ nên hôm nay tôi chỉ đề cập đến bóng đá.
Bóng đá ngày nay thực sự đã trở thành một tôn giáo theo đúng cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Chúng ta có thể hình dung xem chuyện này. Hầu hết bọn trẻ ngày nay đều mong muốn trở thành những cầu thủ để tiến thân trong cuộc sống. Hàng tuần tôi có 2 ngày dâng lễ cho các nữ tu Dòng Phan Sinh vào buổi sáng sớm nên trên đường đi tôi bắt gặp những ông bố bà mẹ đưa con trẻ đến các trung tâm huấn luyện bóng đá. Đây là chuyện không mấy bình thường với người Paraguay vì họ không có thói quen dậy sớm. Cũng có lẽ vì lo tương lai cho con cái họ mau thành danh trong sự nhiệp bóng đá nên họ mới dám hi sinh giấc ngủ để đem con mình đến trường bóng đá.
Hãy tưởng tượng xem nếu họ cũng làm y như thế với việc thực thi bổn phận tôn giáo thì hay biết mấy vì đa phần người dân ở đây là người Công giáo. Nhưng không, họ đang thay đổi và đang biến bóng đá trở thành thứ tôn giáo của mình.
Không biết tôi có so sánh khập khiễng không nhưng quả thực ngày nay bóng đá đang thống trị toàn thế giới và cũng đang len lỏi vào ngay cả những người tu trì khi họ dám bỏ ngày Chúa nhật để xem bóng đá hơn là dâng lễ. Vì sao tôi dám nói bóng đá là một thứ tôn giáo? Vì người ta đã xem tiền như là Chúa của họ (đây là điều mà họ cần đạt tới). Các quan chức trong bóng đá chính là hệ thống phẩm trật và cách vận hành guồng máy khá bài bản. Các cầu thủ và trọng tài giống như những thừa tác viên. Các fans chính là các tín đồ và sân cỏ chính là đền thờ của họ. Các trận đấu ngày nay đều diễn ra vào thứ 7 hay Chúa nhật đúng vào các giờ cử hành phụng vụ Công giáo nên người tham dự thánh lễ không bằng một góc sân của các trận bóng đá. Người ta ăn, chơi và ngủ với bóng đá. Đây cũng là một điều nhức nhối cho những người thiết tha với giáo hội khi mà những gì mình làm, mình cố gắng xem ra như vô nghĩa. Bởi thế, những người đang làm mục vụ ở thành thị phải luôn có một cái nhìn tỉnh táo bởi nếu không dễ rơi vào cạm bẫy mà mình cứ ngỡ là mình đang đi đúng hướng trong việc phụng sự Chúa.
                                                           Paraguay, 27 tháng 9 năm 2011 - Lễ thánh Vinh-sơn Phao-lô
                                                                                  Lm. Antôn Trần Xuân Sang, SVD

No comments:

Post a Comment