Saturday, September 3, 2011

PARAGUAY – MỘT CHÚT SUY TƯ

                   Tuần lễ Conferpar 

           Hàng năm, cứ vào dịp trung tuần tháng 7, khi mà tất cả các trường học được nghỉ Đông 2 tuần lễ sau khi kết thúc học kỳ I, Liên Tu Sĩ Paraguay tổ chức Tuần Lễ Conferpar (Conferencia Religiosa Paraguaya – Hội nghị Liên tu sĩ toàn quốc Paraguay) để gặp gỡ nhau, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm và nhất là bồi dưỡng kiến thức chuyên môn.
Năm nay thật là một dịp đặc biệt vì đây là lần đầu tiên một nữ tu thuộc Dòng Con Đức Mẹ Phù Hộ được bầu làm Chủ Tịch Ủy Ban Tu Sĩ mà hình như ở Việt Nam mình chức danh này do một giám mục nắm giữ. Điều này chẳng có gì sai trái với Giáo Luật cả vì đây chỉ là một chức vụ điều hành 3 năm một lần do các bề trên thượng cấp của các Dòng họp lại và bầu bán. Trước đây chức vụ này thường do các cha bề trên giám tỉnh Dòng lớn đảm trách, nhưng lần này các giám tỉnh đã bỏ phiếu cho vị nữ giám tỉnh làm nữ chủ tịch ủy ban liên tu sĩ đầu tiên sau 52 năm thành lập ủy ban này. Đề tài được chia sẻ năm nay cũng khá đặc biệt, đó là người tu sĩ hiểu gì về tôn giáo và chính trị, tự do và nhân quyền? Vị diễn giả được mời cũng là một phụ nữ có 2 bằng tiến sĩ, là chuyên viên phân tích chính trị đang giảng dạy tại các trường đại học danh tiếng ở Nam Mỹ và từng được đề cử làm Thủ tướng nhưng bà đã khiêm tốn từ chối.
Tôi còn nhớ những ngày đầu đặc chân đến vùng đất truyền giáo Paraguay, ngày nào tôi cũng nghe nghe người dân ở đây nói và bán đến chính trị. Nói ra thì hơi quê mùa vì tôi mù tịt chuyện này. Ở đây thì từ em bé mới tập nói, gia đình em đã dạy em biết em thuộc đảng nào. Những nông dân chất phác cũng biết phản kháng trước những bất công xã hội. Những phụ nữ chân yếu tay mềm cũng biết đứng lên đòi sự bình quyền. Các nữ tu già nua đạo đức cũng hô hào mọi người hãy bỏ phiếu cho ông Lugo dịp bầu cử 2008 để thay đổi thế chế chính trị để đất nước ngày một tiến lên. Tôi đã cố tránh né nhưng không thể nào tránh được. Vì thế, tôi đã thử tìm hiểu cái từ mà bấy lâu nay mình không thích, không ưa để biết đó là gì. Trong cuốn Chính trị của mình, triết gia Hy Lạp cổ đại Aristotle (384-322 TCN) quả quyết rằng về bản chất, con người là một động vật chính trị. Ông ta cho rằng luân thường và chính trị có liên kết chặt chẽ với nhau, và một đời sống thật sự đạo đức chỉ có thể có ở những người tham gia vào chính trị. Thực tình mà nói tôi không hề quan tâm đến chính trị, vấn đến quan tâm chính của tôi ở đây là làm thế nào để cho người dân tôi đang phục vụ biết sống tốt hơn, mọi người viết đối xử với nhau tử tế hơn và có một sự công bằng trong xã hội. Quay lại chuyện người nữ thuyết trình viên nói về đề tài tôn giáo và chính trị, tự do và nhân quyền. Tôi thật tâm phục, khẩu phục kiến thức uyên thâm và trình bày cách khách quan của vị nữ diễn thuyết này khi bà giúp cho những tham dự viên là các tu sĩ không nên thờ ơ trước những vấn đề sống còn của xã hội về tự do và nhân quyền. Paraguay và nhiều nước Nam Mỹ khác đã từng trải qua chế độ độc tài nên họ cảm nghiệm được điều này rất rõ. Và dù những vị lãnh đạo ở các quốc gia này hấu hết là Công giáo, ngay như ông Tổng thống của Paraguay từng là một cựu giám mục, nhưng không vì thế mà tôn giáo và chính trị pha trộn với nhau như chính quyền của các quốc gia Hồi giáo mà là hai thực thể khác biệt dù không chống đối nhưng đối trọng nhau để kiểm soát và cân bằng nhằm ngăn chặn những vi phạm sai trái của cơ quan thi hành luật pháp mà thường gây ra thiệt hại cho dân chúng. Vị diễn giả chia sẻ rằng, các tu sĩ, linh mục luôn sống gần với mọi người, nên dễ phát hiện ra được những sự bóc lột bất công áp bức trong xã hội, và do đó cũng phải có trách nhiệm tham gia vào việc bảo vệ người dân bằng cách làm áp lực bắt buộc chính quyền phải sửa sai chấn chỉnh lại cái lề lối cai trị của mình, phải bài trừ nạn sa đọa quan liêu tham nhũng của các viên chức nhà nước. Bà cũng nhấn mạnh rằng những bậc chân tu mà có thái độ im lặng, thụ động buông xuôi trước những bất công áp bức đầy rẫy trong xã hội thì rõ ràng là sự lẩn tránh trách nhiệm, là cái tội đồng lõa với giới cầm quyền thống trị ác nhân ác đức. Đây không phải là làm chính trị theo nghĩa đảng phái nhưng vì những người tu hành là những người có một lương tâm ngay thẳng (Buena conciencia), cộng với sự hi sinh nhẫn nại nên có thể góp phẩn làm thăng tiến xã hội và cùng với chính quyền đưa đất nước ngày một đi lên. Khi nghe những điều mà vị nữ diễn giả thuyết trình một cách khách quan, nhiều người có vẻ e dè giống như tôi vì rất nhiều tu sĩ tham dự đến từ nhiều quốc gia và cũng không mấy mặn mà lắm đến cái món chính trị, chính em này. Chúng tôi cũng chia thành các nhóm nhỏ để thảo luận thêm và nhất là được biết thêm sự phong phú đa dạng các hệ thống chính trị của các quốc gia. Thật sự tuần lễ Conferpar đã để lại trong tối nhiều ấn tượng vì tôi được hiểu biết thêm và có dịp gặp gỡ những tu sĩ từ nhiều quốc gia và nhiều Dòng Tu trên thế giới đang làm việc tại Paraguay. 

                    Tôi xem một phiên tòa 

           Trong những ngày này tôi cũng có xem một phiên tòa thật đặc biệt được phát trên truyền hình Paraguay do nữ tiến sĩ Ana María Polo người Mỹ gốc Cuba chủ tọa. Chương trình này được tổ chức ở bang Miami, Hoa Kỳ giành cho cộng đồng các quốc gia nói tiếng Tây Ban Nha đang sống tại Mỹ nhằm giải quyết những xung đột gia đình và xã hội. Tôi rất thích chương trình này và khi có thời gian tôi luôn xem để học hỏi thêm văn hóa và cách giải thích tình huống của vị nữ thẩm phán tài năng này.
Sở dĩ tôi gọi là phiên tòa đặc biệt vì nguyên đơn là cặp vợ chồng trẻ vừa kết hôn được 4 năm và có với nhau 1 cặp song sinh. Tuy nhiên cặp song sinh này lại không giống nhau nên bên nguyên đơn đã tố giác là bệnh viện đã đánh tráo đứa một trong những đứa con song sinh của họ. Bên bị cáo là một bác sĩ, đại diện cho bệnh viện đã làm các xét nguyện ADN và trình cho vị thẩm phán. Ban đầu kết luận rằng 2 em bé song sinh ấy là con của cùng một người mẹ, nhưng chỉ một em bé song sinh là con của người bố, còn đứa khác thì không phải. Rắc rối là ở đây. Bên nguyên đơn vẫn cứ khăng khăng là bệnh viện đã đánh tráo con mình vì tại sao có sự lạ kỳ là hai đứa trẻ song sinh cùng một bọc lại khác nhau. Vị nữ thẩm phán đã mời thêm một bác sĩ chuyên viên để giải thích tình trạng này. Chính vị bác sĩ chuyên viên này sau khi phân tích kĩ càng những trường hợp song sinh cùng bọc và khác bọc và kết luận rằng 2 em bé song sinh cùng bọc này chính là do cùng một người mẹ sinh ra nhưng với hai người bố khác nhau, vì trong vòng 72 tiếng đồng hồ khi người phụ nữ giao hợp với các bạn tình, những tinh trùng khỏe mạnh có thể gặp trứng, và trong một xác suất rất nhỏ, 2 tinh trùng của hai người bạn tình khác nhau có thể đi vào cùng một buồng trứng của người phụ nữ. Và có thể đây là một trong những trường hợp hi hữu xảy ra như thế. Khi nghe lập luận này, người chồng vội vàng nhiếc mắng người vợ ngoại tình và tuyên bố sẽ li dị ngay lập tức. Như chúng ta cũng biết, người dân Nam Mỹ cũng còn tư tưởng trọng nam khinh nữ như người Á Đông và nhiều người đàn ông không bao giờ chấp nhận người bạn tình lẳng lơ, đa tình dù đa số người đàn ông ở đây không có sự chung thủy. Khi người chồng vừa tuyên bố li dị vợ mình do ngoại tình dù người vợ đã cố tình thanh minh là luôn chung thủy với chồng, vị nữ thẩm phản trấn an người đàn ông này và mời nhân chứng để giải oan cho người vợ. Nhân chứng ấy lại chính là người anh trai của cô vợ bé bỏng đang khóc sướt mướt vì sắp mất chồng. Người anh trai kể rằng chính anh là người làm mai mối em gái mình vì người chồng của em gái cũng lạ bạn chí thân của anh ta. Tuy nhiên anh ta hơi thất vọng vì bạn mình lo công việc làm ăn xa mà luôn bỏ bê em gái ở nhà một mình. Anh ta còn nói nếu em gái anh ta lỡ có ngoại tình là do lỗi của người chồng vì thiếu quan tâm, chăm sóc. Vị thẩm phán bèn ngắt lời nhân chứng và mời thêm một vị bác sĩ nữa để cho biết ai là người cha thứ hai của 2 em bé song sinh. Tất cả mọi người đều nín thở trước khi công bố danh tính của nhân vật này. Người đó không ai khác hơn chính là người anh trai đang làm chứng. Mọi người, và nhất là người chồng khi nghe đến đó đều la ó và chủi rủa hai anh em là loạn luân, nhưng ngay lập tức bà mẹ của hai anh em xuất hiện và khóc trong nước mắt mới thú nhận rằng họ không phải là anh em ruột thịt vì người mà gọi là anh trai chính là đứa con nuôi của bà mà bấy lâu nay bà hằng giấu kín. Vì ở chung một nhà nên hai người được gọi là anh em này trong một lần dự tiếc quá chén đã không làm chủ được mình và đã chung đụng với nhau nên giờ đây mới gây nên sự cố này. Tất cả mọi khuất mắt giờ đây đã lộ ra. Vị nữ thẩm phán nói rằng thực tình 2 em bé song sinh không hề có tội tình gì. Còn những người từng là nguyên đơn, là nhân chứng bây giờ trở thành những nạn nhân vì ai cũng có một phần lỗi nên không ai có thể đỗ lỗi cho nhau được. Chính mỗi người phải tự quyết định phần còn lại của vấn đề mà mình gây nên. Phiên tòa khép lại với tiếng khóc nức nở của cô vợ, sự hối hận của “người anh trai” trong khi người chồng rời phiên tòa như trốn chạy. Một phiên tòa khá hay và không có một bản án nào được tuyên ngoại trừ chính những người trong cuộc tự tuyên cho mình. Paraguay đang là mùa Đông khá lạnh nhưng lại nóng lên vì những trận bóng Copa Amercia mà Paraguay tranh chung kết và đạt á quân nên dân chúng hò reo suốt ngày. Mội tin buồn khác tôi vừa nhận từ Việt Nam cho hay là vị linh mục Tổng Đại Diện Giuse Nguyễn Thanh Liên, người từng hướng dẫn tôi những ngày đầu tôi tập tu vừa mới qua đời. Cuộc sống đơn sơ, lạc quan và hi sinh cho đoàn chiên của cha Giuse đã để lại nhiều dấu ấn trong tôi. Xin Chúa đoái thương linh hồn cha Giuse trong Nước Ngài. Requiescat in pace. 

                Paraguay, 25-7-2011

No comments:

Post a Comment