Friday, February 23, 2018

HÒA LAN – TẾT THA HƯƠNG: CẢM NGHIỆM MỤC VỤ

Thế là những ngày Tết cổ truyền đã qua đi và dòng thời gian tiếp tục quay, mọi người con xứ Việt lại trở về cuộc sống thường nhật ‘bán lưng cho đất, bán mặt cho trời’ để mưu sinh, và ai cũng phải đối diện với cuộc sống mỗi ngày một khó khăn hơn.
Năm nào cũng vậy, mỗi dịp lễ hội hay Tết cổ truyền thì điều lo lắng nhất của mọi người là tai nạn giao thông. Những tai nạn bất ngờ đã cướp đi biết bao người vô tội, và thay vì ngày vui thì trở thành những ngày tang tóc cho những gia đình vốn dĩ đã nghèo vật chất thì nay lại nghèo cả tinh thần khi chứng kiến những cảnh đau buồn không được báo trước. Những tai nạn ấy một phần do cơ sở hạ tầng, đường xá không tốt ở Việt Nam, nhưng phần lớn đều do lỗi của con người gây ra, nhất là những tài xế bất cẩn, nóng nảy, vội vàng hay những tay quái xế sau những chầu nhậu quắc cần câu rồi băng ra đường bất chấp lời can ngăn.
Khi còn làm việc ở Paraguay thì hàng ngày chúng tôi đều nghe tin hoặc chứng kiến những tai nạn giao thông thảm khốc, nhất là những ngày cuối tuần hay các dịp lễ. Người dân Nam Mỹ nói chung và người dân Pargauay nói riêng thường tổ chức những bữa tiệc tùng vào những ngày cuối tuần, và một khi họ đã vào tiệc thì từ đàn ông đến đàn bà họ đều ngà ngà say rồi sau đó lại lái xe và đó là lý do tại sao các tai nạn thường xảy ra. Cảnh sát giao thông ở đó cũng rất dễ dãi và nhiều anh cảnh sát giao thông sẽ cho đi dễ dàng nếu đút vào túi anh ta vài tờ tiền giống như ở Việt Nam mình. Nhiều người không hề học bằng lái ở trường lớp nhưng  họ lại mua bằng ở một số thành phố nhỏ có người quen của họ làm ở đó nên họ lại xe rất bạo nhưng không hề biết luật lệ giao thông gì cả.
Tai nạn giao thông là điều bất thình lình xảy ra và không ai mong đợi nhưng chúng ta có thể hạn chế nó một khi chúng ta lườn trước được do sự phán đoán của chúng ta. Ở Hòa Lan nơi hiện giờ chúng tôi đang sống có thể nói là một quốc gia thượng tôn luật lệ cho dù bạn là ai, bạn đến từ đâu và bạn thuộc tầng lớp nào. Dù đã từng lái xe và có bằng lái xe hơi quốc tế từ 10 năm qua ở Paraguay, chúng tôi phải học lại từ đầu ở đây và phải thi lý thuyết năm lần bảy lượt trước khi thi thực hành mà không hề có một sự ưu đãi hay chuẩn chước nào. Nhiều người nói có được bằng lái xe ở Hòa Lan còn vui hơn cả có bằng đại học vì phải mất rất nhiều thời gian để học và cũng tốn rất nhiều tiền để thi nữa. Nhiều người đã tốn gần 10 ngàn euro để học nhưng không đậu được bằng  lái xe nên đành bỏ cuộc. Lúc đầu chúng tôi cảm thấy hơi khó chịu nhưng dần dần cũng phải quen với nhịp sống và luật chơi ở đây vì quốc gia này không buộc mình sống ở đây mà mình tự nguyện đến đây làm việc thì nhập gia phải tủy tục.
Năm đầu tiên đón Tết Dương lịch cũng như Tết Âm lịch Mậu Tuất ở đây với cái lạnh khủng khiếp, có những đêm xuống đến -8 độ C khiến tay chân co quắp vì chưa quen với thời tiết này. Dù người Việt ở đây cũng khá đông nhưng họ sống rải rác khắp Hòa Lan nên người ta chỉ tổ chức những nhóm nhỏ nơi họ sống vào những ngày cuối tuần. Những người Việt còn tâm huyết với lễ Tết của quê hương đã cố gắng nhắc nhở con cháu mình nhớ về cội nguồn qua những món ăn truyền thống hay những bao lì-xì để ccon cháu vui trong khi những người khác, nhất là thế hệ được sinh ra và lớn lên tại đây không cảm nhận gì về ngày Tết cổ truyền. Cuộc sống nơi tha hương của những người con đất Việt cũng phải vật lộn với cuộc sống và phải hội nhập với quốc gia đã cưu mang họ nên nhiều khi họ quên những tập tục truyền thống cũng là chuyện dễ hiểu. Có trách thì trách những người đang sống tại quê nhà nhưng lại thích học đòi những kiểu sống Tây phương, những kiểu văn hóa tả-pí-lù rồi lại quên đi văn hóa tốt đẹp của quê hương mình là lễ nghĩa gia phong, là đạo hiếu, là tình liên đới, là đạo nghĩa thủy chung…
Cuộc sống ở đây khác xa với những gì chúng tôi nghĩ trước khi quyết định đến nơi này. Không phải vì chúng tôi biếng nhác hay gặp khó khăn về ngôn ngữ, mà hình như nơi đây mình chưa cảm nhận được là ngôi nhà của mình. Nhiều lúc từ căn phòng nhìn qua cửa sổ lúc mưa rơi hay khi tuyết bay phất phới vào những buổi chiều tà lạnh giá khiến tâm trạng mình buồn khủng khiếp và muốn quay trở lại vùng đất truyền giáo thuở nào nơi mình đã sống chết ở đó. Trước đây chúng tôi thường nói ở đâu có người Việt sống thì ở đó các linh mục được yêu thương, quí mến. Quả đúng như vậy. Chúng tôi có quen biết vài gia đình Việt Nam ở đây và họ đã luôn động viên chúng tôi qua những lời thăm hỏi, mời dâng thánh lễ tại gia để hiệp thông cầu nguyện và sau đó được thưởng thức những món ăn Việt mình ưa thích dù chúng tôi không phụ trách cho cộng đồng người Việt. Tuy nhiên cũng có cũng có một số người chưa hiểu gì chúng tôi hay chưa hề biết chúng tôi lại có những điều bình luận thiếu thiện chí. Vẫn biết đó không phải là tất cả nhưng đôi lúc mình cũng buồn. May mà những thành phần đó không nhiều nhưng cũng là những lời thức tỉnh chúng tôi nếu mình có điều gì sai trái thì phải lo sửa đổi. Chúng tôi biết mình không phải là người hoàn hảo và luôn cố hắng hàng ngày để có thể  sống hài hòa và hội nhập hơn để xem đây là ngôi nhà của mình.
Mấy ngày gần đây chúng tôi nhận được tin một anh em linh mục cùng Dòng rất trẻ người Togo sống ở Hòa Lan này gần 7 năm nhưng mới phát hiện bị ung thư giai đoạn cuối và các bác sĩ Hòa Lan gần như đã bó tay. Mới trong vòng 2 tháng mà anh em linh mục này đã sụt hơn 30 kg và gia đình anh xin cho anh được chữa trị bằng phương pháp tự nhiên ở một tỉnh miền núi bên Pháp vì sức khỏe của anh không thể vào xạ trị. Rồi mới hôm qua lại được tin một anh em linh mục trẻ Việt Nam  thuộc giáo phận Kontum đang học và làm việc tại Pháp trong chuyến tháp tùng với quý cha ở Paris về đón Tết tại Việt Nam vừa bị xuất huyết mạch máu não đang phải nằm cấp cứu trong tình trạng hôn mê sâu mà chưa nghe được tin tức tốt lành gì. Cuộc sống này thật mong manh quá đỗi  như lời thánh Phan-xi-cô trong kinh Hòa Bình: ‘Cuộc sống con người chóng qua như cỏ, như bông hoa nở trên cánh đồng, một cơn gió thoảng cũng làm nó biến đi…’ vậy mà ai cũng muốn bon chen, tranh giành, đấu đá nhau để có được những địa vị, những lợi lộc trần thế, những điều mà chúng ta không thể mang theo một khi nắm mắt xuôi tay.
Chúng ta đang sống trong những ngày đầu của mùa Chay và Chúa Nhật thứ hai mùa Chay tới đây một lần nữa thánh sử Marco trình thuật biến cố biến hình của Chúa Giêsu với các môn đệ thân tín của Ngài để củng cố lòng tin cho họ. Không có thập giá cũng không thể có vinh quang. Mùa Chay cũng là mùa chúng ta vác thập giá với Chúa Giêsu và cùng với Ngài vào sa mạc để ngẫm nghĩ lại cuộc đời của mình trước khi cùng Ngài chịu đóng đinh là giũ bỏ những lối sống cũ, những thói hư tậ xấu thâm căn cố đế của chúng ta để chúng cùng sống lại với Ngài khi chúng ta biết đón nhận mọi biến cố xảy đến trong cuộc sống chúng ta dù là vui hay buồn, khỏe mạnh hay bệnh tật, hạnh phúc hay khổ đau, thành công hay thất bại,... chúng ta đều đón nhận với niềm tin yêu, phó thác và luôn xác tín rằng chỉ khi chúng ta biết đón nhận thập giá thì chúng ta sẽ tiến đến vinh quang.         
         Hòa Lan, 23 tháng 02 năm 2018,

         Lm. Antôn Trần Xuân Sang, SVD.