Saturday, February 16, 2013

TẢN MẠN NHỮNG NGÀY CUỐI NĂM NHÂM THÌN



Những ngày mục vụ
          Những ngày nghỉ phép tại quê nhà là những ngày chúng tôi được dịp làm mục vụ thỏa thuê trên vùng đất truyền giáo của Giáo phận Kontum. Có lẽ vì các linh mục thuộc Giáo phận nhà  thương mến và muốn an ủi chúng tôi do người mẹ mới qua đời nên các ngài đã mời đến các giáo xứ của các ngài để chúng tôi có dịp chia sẻ và cử hành các bí tích. Một trong những giáo xứ  mà chúng tôi giúp trong dịp này là giáo xứ Võ Lâm thuộc miền Kontum vừa kỷ niệm 50 năm thành lập vào trung tuần tháng 11 năm 2012 vừa qua.
          Nghe tên Võ Lâm thật là lạ dù chúng tôi đã từng lớn lên và sống ở Giáo phận truyền giáo này nhiều năm trước khi vào Dòng. Chúng tôi đã cố gắng tìm hiểu vì tính tò mò của một nhà truyền giáo. Rất may là chính cha sở đương nhiệm đã tận tình giải thích dù ngài chỉ mới chuyển về đây từ tháng 11/2011 nhưng ngài đã từng có thâm niên ở giáo phận Kontum và đang phụ trách Ban Truyền Thông của Giáo phận.
          Giáo xứ Võ Lâm thuộc nằm ở trung tâm thành phố Kontum với hơn 2.000 giáo dân. Võ Lâm là một địa danh được ghép từ chữ “Võ”, lấy họ của viên quản đạo họ Võ, người có công mở rộng vùng đất này; và chữ “Lâm” nghĩa là rừng hay nơi tụ họp đông người. Thật là thú vị khi được biết thêm một địa danh mới.  Sau nhiều năm các cha sở ở các xứ lớn kiêm nhiệm giáo xứ Võ Lâm này, nay Đức giám mục Giáo phận đã bổ nhiệm một linh mục có một bề dày kinh nghiệm về truyền giáo và là chuyên viên về lịch sử của Giáo phận về làm cha xứ và ở ngay trong giáo xứ. Tuy tuổi tác của ngài cũng vào bậc tiền bối và bị tai nạn cách đây không lâu nên ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe và lòng nhiệt huyết truyền giáo, ngài vẫn luôn hăng say trên từng cây số trong giáo xứ cũng như các sự kiện quan trọng trong Giáo phận vì ngài còn là Giám đốc Ban Truyền thông. Nhìn vóc dáng nhỏ bé như vua Napoleon ngày xưa nhưng trong lòng hừng hực ngọn lửa truyền giáo. Ngài đã chia sẻ những ưu tư mục vụ của ngài cho chúng tôi nghe nhưng vì sức khỏe và tuổi tác không cho phép nên ngài không thể thực hiện một sớm một chiều được.
          Không biết vô tình hay hữu ý mà chúng tôi có dịp gặp nhau thường xuyên trong những biến cố vui buồn của giáo phận. Trong dịp kỉ niệm 50 năm thành lập giáo xứ Võ Lâm của ngài vừa qua, ngài đã mời chúng tôi chia sẻ trong thánh lễ với sự hiện diện đầy đủ của các đấng bậc trong Giáo phận vì ngài biết rằng chúng tôi mới từ ở xa về. Ngài rất chân thành nhưng cương quyết nên cũng dễ đụng chạm.  
          Trong những ngày mục vụ ở đó, nhiều người có vẻ bức xúc vì không hiểu hay chưa hiểu tính cách và đường hướng mục vụ của cha sở mới, họ càm ràm, chỉ trích rất nhiều về cha sở này và đem so sánh với những vị tiền nhiệm và nhữn linh mục khác mà họ biết. Tuy nhiên, chúng tôi đã cố gắng giải thích để họ hiều rằng không ai giống ai cả, sở dĩ cha xứ này khác với cha xứ kia vì các ngài đều mong muốn cho đàn chiên của mình mỗi ngày một tốt hơn và sống đức tin trưởng thành hơn chứ không nên đứng núi này trông núi nọ. Anh em linh mục chúng tôi, như có người đã từng ví von là như người “làm dân trăm họ”, nếu chúng tôi đến phục vụ những giáo xứ mà ở đó mọi người đón nhận, hiểu và đồng cảm thì chúng tôi gặp may, bẵng không thì chúng tôi phải lãnh đủ. Cũng rất may là xứ truyền giáo Paraguay nơi chúng tôi làm việc tuy người dân nghèo nhưng được một lợi thế là họ rất quí mến và tôn trọng chúng tôi dù chúng tôi chưa có vật chất gì để giúp họ ngoài tấm lòng chân tình của mình.        
Những ngày tham quan
          Trong những ngày nghỉ phép ở Việt Nam, chúng tôi cũng tranh thủ thăm một số nơi mà từ nhỏ đến giờ mình chỉ nghe nói đến tên mà chưa được biết đến. Với sự giúp đỡ của một số bạn bè từ trong nước để lo tiền vé và nơi ăn chốn ở trong những ngày tham quan, chúng tôi đã lên đường trong những ngày giáp Tết Quý Tị.
          Từ Phi trường Pleiku, chúng tôi đã tiến về Hà Nội trong cuộc hành trình 1 tuần lễ để tham quan đất Bắc. Chúng tôi đã đi nhiều nơi trên thế giới qua những dịp học hỏi, những buổi họp hành, những chuyến tham quan nhưng đây là lần đầu tiên ra Bắc mà trong lòng hơi lo vì nghe người ta nói  rằng người dân ngoài Bắc không giống như trong Nam vì người ở ngoài đó khó mà lườn trước được họ sẽ làm gì mình. Sợ thì sợ nhưng vẫn hăng hái ra đi cho biết.
          Vì đã liên lạc trước nên khi đến Sân Bay Nội Bài, các bạn sinh viên Hà Nội gốc Thái Bình đã đón chúng tôi tại đó dù chúng tôi chưa một lần gặp mặt. Các em đã đưa chún tôi đến Bắc Ninh để nghe những câu  hát Quan Họ và để thăm một điềm du lịch tâm linh là Bà Chúa Kho. Những tưởng chỉ có những người hữu thần mới biết dâng cúng, tham dự các nghi thức tôn giáo, đằng này những người tự cho là vô thần cũng vào những nơi thờ tự này để trả lễ và cầu xin sự may mắn!
          Chúng tôi cũng được dịp tham quan các nơi ở Hà Nội như Quốc Tử Giám, Nhà Thờ Lớn, Hồ Gươm và một vài thắng cảnh quan trọng ở thủ đô. Chúng tôi cũng ghé thăm Nhà thờ Thái Hà và tình cờ gặp lại người bạn học cũ hiện giờ đang làm chính xứ ở đó. Lâu ngày bạn bè cũ gặp nhau và người bạn này đã mời chúng tôi dâng thánh lễ để giới thiệu với cộng đoàn. Chúng tôi vẫn biết đây là một điểm nóng nhưng mình chỉ dâng thánh lễ để nói về Chúa và chia sẻ mục vụ truyền giáo nơi mình đang sinh sống dù chúng tôi biết rằng từng bước chúng tôi đi đều có người dõi theo. Một số người hỏi chúng tôi liệu rằng người ta có làm khó dễ  không cho chúng tôi trở lại Paraguay! Chúng tôi trả lời rằng nếu họ không cho chúng tôi trở lại Paraguay thì chính họ đã giúp chúng tôi một lý do chính đáng để ở lại Việt Nam và lúc đó chuyện gì xảy ra thì không ai biết trước được vì chúng tôi là tu sĩ truyền giáo quốc tế.
          Chúng tôi cũng được dịp thăm hai Giáo Phận nổi tiếng và lâu đời ở miền Bắc là Bùi Chu và Phát Diệm, nơi có nhiều thánh tử đạo Việt Nam và ngày 1 tháng 2 vừa qua ở Giáo phận Bùi Chu có lễ nhậm chức của Đức Giám Mục Phó Tôma Vũ Đình Hiệu thuyên chuyển từ Giáo phận Xuân Lộc. Thánh lễ thật hoành tráng dù là những ngày giáp Tết. Trong thánh lễ hôm ấy mà chúng tôi có duyên tham dự, Đức Giám mục Thanh Hóa giảng lễ với những nét dí dỏm của xứ Thanh đã giúp mọi người tham dự thánh lễ hiểu thêm về những nét đặc trưng và những “cái nhất” của Giáo phận Bùi Chu. Tuy nhiên, công bình mà nói, dù lễ rất đông người tham dự, rất hoành tráng bề ngoài nhưng thiếu bầu khí trang nghiêm và trật tự vì đâu đó trà trộn nhiều nhóm tạp nham thỉnh thoảng gây ồn ào trong những phút trang nghiêm và vẫn còn đó những kiểu hô khẩu hiệu kiểu thời bao cấp!
          Chúng tôi cũng đến thăm Nhà thờ Phát Diệm hay còn gọi là Nhà thờ Đá do một linh mục Việt Nam thường được gọi trìu mến là Cụ Sáu Lục đã dày công xây dựng, là nơi mà chúng tôi từng mơ ước một ngày nào đó đến thăm mà nay mới trở thành hiện thực. Phải công nhận rằng đây là một kiến trúc tuyệt vời có một không hai ở Việt Nam. Thế mới biết người Việt Nam mình đâu có thua kém một dân tộc nào, chỉ tiếc một điều là người Việt Nam chưa biết gắn bó và liên đới với nhau và vẫn còn phân biệt, thành kiến nhiều nên khó có thể làm chuyện lớn. Nếu người Việt mà biết đoàn kết thương yêu nhau như ngày xưa thời của ông cha ta thì chúng ta không sợ gì mấy anh Trung quốc xấu xa  kia đang lăm le dòm ngó đất Việt.
          Những ngày ở đất Bắc giúp chúng tôi có một cái nhìn đúng hơn về một vùng đất đã chịu quá nhiều mất mát của thiên tai, của cuộc chiến nhưng người dân vẫn luôn muốn vươn mình đi lên. Thành thật mà nói ở bất cứ chính thể nào, quốc gia nào, dân tộc nào cũng có người tốt, kẻ xấu nên đừng vì nhìn một chiều mà chúng ta vội kết luận dân tộc này, vùng này là hoàn toàn xấu xa. Xấu hay tốt là hệ tại từng cá nhân mỗi người vì người ta thường nói “Nhân tri sơ, trí bản thiện”, con người tự bản chất là lương thiện nhưng do hoàn cảnh, do điều kiện sống đã khiến nhiều người trở nên xấu xa mà thôi.          
Những cuộc gặp gỡ, chia sẻ
          Cũng trong những ngày nghỉ phép vừa qua, chúng tôi có dịp để gặp gỡ và chia sẻ công việc mục vụ truyền giáo nơi xứ người cho đồng hương Việt Nam mình. Khi nói chuyện với các anh em trong Dòng mà một số thầy sẽ chuẩn bị tuyên khấn trọn đời và nhận bài sai nơi các xứ truyền giáo, chúng tôi nhấn mạnh đến lời khấn vâng lời và đoàn sủng của Hội Dòng mà chúng tôi đang theo đuổi. Có một vài anh em khi chưa khấn trọn và chịu chức thì lúc nào bề trên nói cũng dạ dạ vâng vâng để “nín thở qua sông”. Khi đã lãnh nhận sứ vụ linh mục rồi thì giở quẻ và trở nên bướng bỉnh vô cùng. Đây cũng là một hiện tượng mới xuất hiện trong Dòng chúng tôi trong những năm gần đây khiến các vị bề trên cũng đau đầu.
          Chúng tôi cũng được các giáo xứ và các Hội Dòng mời đến chia sẻ những vui buồn trong đời truyền giáo mà họ đã từng được đọc trên Vietcatholic và trang Web của giáo phận nhà. Phải công nhận rằng nhờ phương tiện truyền thông qua trang mạng Vietcatholic và những trang mạng Công giáo khác đã làm cho thế giới này, nhất là người Công giáo trên thế giới gần nhau hơn. Chúng tôi rất ấm lòng khi chia sẻ ở giáo xứ Phương Hòa và Tân Điền, cha chính xứ ở đó đã nói với mọi người rằng khi ngài đến Paris để thăm lại căn nhà nơi các nhà truyền giáo được sai đi, ở đó người ta đã đến chia tay với nhà truyền giáo trước khi ngài lên đường và xin được hôn chân của các ngài. Chúng tôi cũng rất an ủi khi chia sẻ với các Nũ Tu Dòng thánh Phaolo thành Chartes ở Đà Nẵng nhân dịp cac Soeurs phụ trách về tĩnh tâm và dự Công Hội. Dòng Các Soeurs cũng là Dòng Quốc tế nên cũng làm việc ở khắp 5 châu, 4 biển. Nhiều Soeurs đã đi đó đi đây, có học vị cao và có Soeur đã từng phục vụ truyền giáo ở Nam Mỹ và nhiều nơi khác nên các Soeurs rất hiểu về truyền giáo. Chính Mẹ Giám Tỉnh đã có nhả ý mời chúng tôi chia sẻ trong dịp này với Hội Dòng để các Soeurs được đồng cảm với chúng tôi và tăng thêm sức cho chúng tôi trong việc cầu nguyện cho các nhà truyền giáo. Chúng tôi từng là học trò của các Soeurs và thật sự bái phục sự dấn thân và khiêm nhường khi mời người học trò cũ ngày nào chia sẻ sứ vụ truyền giáo. Đây là điều mà chúng tôi ghi tâm để chúng tôi biết hành xử trong tương lai.
          Chúng tôi cũng được cha phụ trách Ban giáo dục của Giáo phận mời chia sẻ nhân ngày truyền thống của giáo viên và sinh viên Công giáo vào đúng những ngày cuối năm Nhâm Thìn. Cùng với một linh mục thuyết trình từng là con cái của cha Thánh Gioan Bosco, chúng tôi đã chia sẻ về đề tài “Chứng Nhân Đức Tin” qua câu nói thời danh của Đức Cô Giáo Hoàng Phaolo VI trong Tông Huấn Loan Báo Tin Mừng :  “Ngày nay người ta cần chứng nhân hơn thầy dạy...”. Tuy là những ngày giáp Tết với biết bao công việc, nhiều giáo viên và sinh viên đã tham dự đông đủ dù họ phải đi từ sáng sớm vì ở rất xa điểm gặp gỡ. Đó cũng là một nhân chứng hùng hồn và sống động. Nhiều em sinh viên người Kinh và dân tộc đã phối hiệp với nhau cách nhịp nhàng để tạo nên những tiết mục văn nghệ khá hấp dẫn làm cho buổi gặp mặt thêm vui hơn. Đức Giám Mục Giáo phận rất tâm huyết về giáo dục trong Giáo phận truyền giáo cũng đã hiện diện với đàn con thân yêu trong dịp này để động viên, khích lệ các thầy cô giáo và các sinh viên Công giáo hãy sống đức tin và làm chứng giữa một thế giới vô thần duy vật muốn dập tắt tiếng nói của thần khí.
          Buổi gặp mặt thật ý nghĩa và vui vì mọi người đều chia sẻ và góp ý chân thành để sống chứng nhân giữa hoàn cảnh nhiễu nhương và môi trường giáo dục đang bị lỗi hệ thống. Tuy nhiên, có một cô giáo khi lên phát biểu đã hơi đi lạc đề khi tự đề cao mình quá mức và có vẻ miệt thị những người mà cô gọi là đồng bào khi cô lập đi lập lại nhiều lần tính từ dốt nát. Sống chứng nhân trong môi trường giáo dục là sống hòa mình, là biết “cởi dép” mình ra vì “nơi mình đanh đứng là Đất Thánh” (Xc. Xh 3,5) bởi vì chúng ta đang sống trên miền đất Tây Nguyên vốn là vùng đất của người anh em đồng bào. Chúng ta tự hỏi có bao nhiêu người trong chúng ta trong đó gồm linh mục, tu sĩ Nam Nữ, giáo viên và sinh viên Công giáo đã biết nói tiếng nói của người đồng bào!
Trong những ngày giáp Tết này chúng tôi cũng đi với một nhóm giúp Nghĩa Trang Đồng Nhi ở Đà Nẵng để tạ ơn Đức Mẹ Măng Đen. Họ làm việc rất âm thầm nhưng hiệu quả và họ cũng là những chứng nhân sống động đang là những cánh tay nối dài của Đức Mẹ Măng Đen.
          Ngồi viết bài chia sẻ này khi thời gian chỉ còn tính bằng giờ để bước sang Xuân Quý Tị. Xin cầu chúc Đức Cha Micae, Cha Tổng Đại diện Phêrô, Quý Cha Hạt Trưởng, Quý Cha, Quý tu Sĩ Nam Nữ, Quý Vị Ân Nhân, Thân Nhân và quí bạn hữu xa gần một Năm Mới Quý Tị được bình an, sức khỏe và tràn đầy ơn Chúa. Xin Chúa ban nhiều ơn lành cho Quý vị trong Năm Mới.
Việt Nam những ngày cuối năm âm lịch
Lm. Antôn Trần Xuân Sang, SVD