Thursday, November 28, 2013

PARAGUAY : ACCION DE GRACIAS – THANKSGIVING (LỄ TẠ ƠN)



    - CHÚT NHÌN LẠI NÉT VĂN HÓA CỦA NGƯỜI PARAGUAY - 

          Cách đây 3 năm, cũng trong dịp Thanksgiving, chúng tôi có chia sẻ một số phong tục tập  quán của người Nam Mỹ nói chúng và người dân Paraguay nơi chúng tôi đang sống nói riêng.
Hôm nay chúng tôi cũng muốn chia sẻ thêm một số nét văn hóa đặc trưng của người dân nơi mình đang sống và làm việc như là một lời tri ân nhân ngày Lễ Tạ Ơn mà người Nam Mỹ gọi là “Acción de Gracias”.
          Trước đây người ta thường nói những người thực dân đem văn minh cho các dân tộc mê muội, hồng hoang. Tuy nhiên cách giải thích đó ngày nay không còn hợp thời nữa vì nhiều nhà khoa học ngày nay cho rằng chưa có một quốc gia, một chủng tộc nào dám tự cho mình là văn minh hơn dân tộc khác bởi vì văn hóa và văn minh không chỉ hệ tại ở bằng cấp cao hay có một nền công nghệ hiện đại nhưng còn giúp cho con người biết sống vui, sống khỏe và hạnh phúc.
          Chúng tôi rất thích bộ phim hài hước của Nam Phi và Botswana thực hiện cách đây trên 20 năm với tựa đề “Đến Thượng Đế Cũng Phải Cười – The Gods Must Be Crazy” do anh chàng diễn viên ốm nhách N!xau thủ vai. Trong bộ phim hài đầy tính nhân văn ấy chúng tôi mới nhận ra một điều rằng chưa chắc thế giới văn minh chúng ta đang sống thực sự hạnh phúc hơn những người thổ dân Sho trong hoang mạc Kalahari. Nói như thế không có nghĩa là chúng tôi lên án nền văn minh hiện đại hay ủng hộ nền văn minh thời hồng hoang nhưng là dịp để nhận ra giá trị đích thực của mỗi nền văn hóa, văn minh mà các dân tộc đang sống.
Trở lại dịp Lễ Tạ Ơn. Có lễ mỗi dân tộc, mỗi quốc gia, vùng miền có cách tạ ơn khác nhau. Dân Bắc Mỹ như Hoa Kỳ và Canada có ngày Thanksgiving vào thứ Năm tuần thứ 4 của tháng 11 để tạ ơn đất trời đã ban cho hoa màu tươi tốt và các ơn lành trong cuộc sống. Người Phật giáo ở các quốc gia châu Á có ngày Vu Lan báo hiếu vào rằm tháng Bảy, người Công giáo có tháng 11 để nhớ đến các linh hồn đã khuất và còn dành ra 3 ngày Tết Âm Lịch để tri ân Thiên Chúa và kính nhớ ông bà tổ tiên. Người dân Nam Mỹ nói riêng và người Paraguay nói chung họ không có những ngày đặc biệt như dân Bắc Mỹ hay các nước ở châu Á nhưng do tương tác văn hóa, họ cũng có những cách thế riêng để nói lên lòng biết ơn của mình.
 Trong những tháng ngày làm việc ở Paraguay, chúng tôi quan sát và nhận ra rằng dù người dân vùng Nam Mỹ có số phầm trăm Công giáo chiếm đến 90%  và rất ít thực hành tôn giáo, nhưng mỗi khi họ tham dự thánh lễ hay các nghi thức tôn giáo là họ thường ghi ý lễ tạ ơn như tạ ơn Chúa và Đức Mẹ, tạ ơn ông thánh này bà thánh nọ… Ít ra là từ trong sâu thẳm họ vẫn biết ơn dù ngôn ngữ Guarani của họ không hề xuất hiện từ cảm ơn nhưng thay vào đó là bằng cách nói “Xin Thượng Đế trả công – Aguyje”. Nói đến đây chúng tôi mới nhớ là cách đây lâu lắm rồi chúng tôi có học ngôn ngữ dấu hiệu, hay ngôn ngữ không lời của một số bộ tộc khi họ muốn trả lời đồng ý thì họ lắc đầu và không đồng ý thì họ gật đầu. Lúc đầu mình tưởng là dân này bị khùng vì theo ngôn ngữ không lời thông thường thì khi chúng ta muốn diễn tả “say yes” thì ta gật đầu và “say no” thì ta lắc đầu. Hay người Âu châu khi họ muốn chào nhau thì họ bắt tay trước và gập mình sau nhưng người Á châu, nhất là người Nhật thì họ lại gập mình chào trước rồi sau đó mới bắt tay. Do đó nếu chúng ta chưa hiểu biết gì mà vội vàng kết luận thì thật là đáng tội.
Càng ở Paraguay chúng tôi lại càng quí mến đất nước này dù họ chẳng cho tôi điều gì ngoài sự thân thiện, đơn sơ, quảng đại, rất độc lập chủ quyền và dân chủ. Một quốc gia chỉ vỏn vẹn chưa đến 7 triệu dân và nằm lọt thỏm giữa hai cường quốc lớn vùng Nam Mỹ là Brazil và Argentina nhưng không vì thế mà lép vế trước những anh nước láng giềng hùng mạnh. Dù Paraguay đã từng thua trận trong cuộc chiến không cân sức giữa ba quốc gia liên minh giáp biên giới là Brazil, Argentina và Uruguay và thiệt hại về nhân mạng cũng như lãnh thổ nhưng dân tộc nhỏ bé này lại là một dân tộc không dừng bước và nhục chí. Sau chiến tranh, họ đã cam đảm đứng lên bằng chính đôi chân của mình khi sau trận chiến đẫm máu đó họ còn rất ít đàn ông để duy trì nòi giống nên một người đàn ông có thể có đến 7, 8 người phụ nữ. Cũng từ đó ở đất nước nhỏ bé này người đàn ông rất hãnh diện khi mình có rất nhiều vợ dù là quốc gia Công giáo và não trạng đó vẫn còn ảnh hưởng đến ngày nay nên việc mục vụ gia đình gặp rất nhiều khó khăn.
 Nói đến dân chủ thì chúng tôi phải nhìn nhận rằng Paraguay là một quốc gia có nền dân chủ rất cao đứng hàng Top Ten thế giới dù tính theo GDP thì Paraguay vẫn còn là một nước nghèo. Ở đây người dân có thể chỉ trích tổng thống hay các nhà chức trách cách công khai mà không hề sợ bị bắt hay trả thù. Và nếu những nhà lãnh đạo vô trách nhiệm hay làm sai thì người dân có thể luận tội hay lật đổ ngay tức khắc. Một quốc gia tuy nhỏ bé nhưng tam quyền phân lập nên quyền con người được bảo vệ tuyệt đối và ai sai thì trị đến nơi đến chốn.
Một điểm nữa mà chúng tôi cảm thấy yêu mến nền dân chủ của quốc gia này là một khi mình được công nhận quyền cư trú hợp pháp dù là người nước ngoài thì không còn phải sợ sệt hay lo lắng chuyện gì vì đã có pháp luật bảo hộ. Chúng tôi là những nhà truyền giáo nước ngoài, và khi vị bề trên hợp hiến của chúng tôi cũng là người nước ngoài bổ nhiệm chúng tôi đến một nơi nào đó phục vụ, chỉ cần thông báo cho vị giám mục sở tại ở đó biết mà không cần thông qua chính quyền vì đây là chuyện nội bộ của giáo quyền. Nhiều năm trời ở đây chúng tôi chưa bao giờ bị rắc rối về giấy tờ hay cản trở về mục vụ nếu chúng tôi không làm gì sai trái.
 Trong tháng 10 vừa qua chúng tôi được chứng kiến một sự việc mà đôi khi mình suy nghĩ không biết bao giờ nước Việt Nam thân yêu của mình mới có được như thế dù Việt Nam mới được bầu vào Hội Đồng Nhân Quyền của Liên Hiệp Quốc. Số là anh Nick Vujivic- 31 tuổi, một diễn giả khuyết tật nổi tiếng người Úc gốc Serbia có chuyến viếng thăm Paraguay. Anh có đến Tòa Nhà Quốc Hội Paraguay để chào thăm các Thượng Nghị Sĩ. Trước khi ngỏ lời với các nhân vật cao cấp trong Quốc Hội, anh đã mời mọi người quì gối cầu nguyện và phần đông các Thượng Nghị Sĩ cả Công giáo lẫn Tin Lành đã cùng quì gối cầu nguyện với nhà diễn thuyết người Tin Lành này. Chính anh Nick này đã từng thăm Việt Nam và nói chuyện ở cả hai thành phố lớn là Hà Nội và Sài Gòn, nhưng khi chúng tôi có xem lại băng Video trên Youtube về bài nói chuyện của anh thì hình như nhân viên thông dịch người Việt đã cố tình quên hay không dịch những từ ngữ khi anh nói về Chúa của anh.
Paraguay cũng là một quốc gia tham nhũng của Nam Mỹ nhưng những năm gần đây mọi chuyện đang thay đổi. Quốc Hội đang bạch hóa tất cả những ai dính líu đến tham nhũng và ra trát bắt ngay những ai có dính dáng đến chuyện này. Chuyện con ông cháu cha chúng tôi cũng được thấy tại đây và khi người dân phát hiện ra thì họ đã biểu tình và dù người đó là ai cũng bị pháp luật trừng trị. Hầu như ngày nào đọc tin tức, báo chí và xem Tivi chúng tôi cũng được nghe và thấy xử lý những vụ tham nhũng của những ông lớn. Thế kỷ XXI này người ta không còn sống trong sợ sệt nữa vì mọi sự rõ như ban ngày thì làm sao có thể lấy tay che được mặt trời. Hai giáo dân thuộc hai xứ mà chúng tôi từng phục vụ vừa mới đắc cử vào vị trí rất cao trong chính quyền mới, một người làm Nghị Sĩ Quốc Hội còn người kia làm Tổng Nha Cảnh Sát Quốc Gia và thỉnh thoảng chúng tôi có gặp nhau để trao đổi những chuyện xưa nhưng tuyệt nhiên chúng tôi không dám nhờ đỡ hay xin xỏ chuyện gì để khỏi làm khó những những giáo dân của mình khi thi hành nhiệm vụ nhưng chỉ khuyến khích họ chú tâm làm tốt công việc của họ cho những thiện ích chung.
Trong tháng 11 này Paraguay cũng có một sự kiện lớn mang tính tôn giáo là họ kỷ niệm 25 năm ngày Chân Phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô II thăm Paraguay và phong thánh cho vị tử đạo Dòng Tên người Paraguay là thánh Roque González de Santacruz. Đây là vinh dự lớn cho người Pargauay dù nếu so với người Công giáo Việt Nam với 117 vị Thánh Tử Đạo nhưng chưa một lần được Đức Thánh Cha đặt chân đến dù Ngài từng ước muốn. Trong dịp này Đức Giáo Hoàng Phanxico cũng là vị tu sĩ Dòng Tên đã đích thân cử Đức Hồng Y người Brazil Claudio Hummes thuộc Dòng Phanxico, Bộ Trưởng Bộ Giáo Sĩ làm Đặc Phái Viên của Ngài để cử hành dịp ngân khánh của vị Thánh duy nhất của dân tộc Paraguay.
Trong những ngày viếng thăm Paraguay, vị Đặc Sứ của Đức Thánh Cha đã có dịp chia sẻ và viếng thăm một vài Giáo Phận của Paraguay để ngài hiểu rõ hơn về quốc gia láng giềng của ngài trước khi về lại Rôma để trình bày với Đức Thánh Cha.
Chúng tôi thật may mắn được tham dự buổi thuyết trình của ngài do Hội Đồng Giám Mục và Liên Tu Sĩ Paraguay tổ chức. Lần đầu tiên được tiếp xúc với một vị cao cấp trong Giáo Triều Rôma và từng được xem là ứng cử viên giáo hoàng sáng giá trong Mật Nghị Hồng Y tháng 3 vừa qua nhưng trông ngài thật đơn sơ bình dị. Cung cách nói chuyện rất hấp dẫn khi ngài bắt đầu bài nói chuyện và xin phép cử tọa để được ngài nói tiếng Portuñol (Porturgués và Español, đây là ngôn ngữ pha trộn giữa tiếng Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha) khiến cả thính phòng đều cười vang. Cách ăn mặt giản dị của ngài và sự gần gũi với tất cả mọi người nên ai nấy đều cảm thấy dễ chịu. Ở đây không cần ai thông dịch, không cần chưởng nghi vì đây đơn thuần chỉ là một cuộc nói chuyện hay đúng hơn là một cuộc tâm sự giữa tâm tình cha con nên trong phần vấn đáp, bất cứ ai muốn hỏi ngài đều được phép lên diễn đàn. Trên phần cử tọa chỉ có 2 vị ngồi bên cạnh ngài là Đức Cha Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Paraguay và vị Vị Sứ Thần Tòa Thánh. Những vị còn lại đều ngồi phía dưới như những tham dự viên khác. Đây là phong cách rất Nam Mỹ mà chúng tôi thấy nên học hỏi vì ngay cả Đức Giáo Hoàng đương kim cũng là người Nam Mỹ đang dần dần loại bỏ những chi tiết rườm rà không cần thiết. Chính cung cách đơn sơ, chân thành, gẫn gũi của vị đại diên Đức Thánh Cha khiến chúng tôi cảm phục hơn là những bài nói chuyện dù rất hay nhưng rồi mọi người sẽ quên đi.
Hôm nay chúng tôi bắt đầu đi vào tuần tĩnh tâm cuối cùng trong năm cho các em ứng sinh trước khi vào Chủng Viện Truyền Giáo Ngôi Lời trong niên khóa tới. Chúng tôi sẽ cố gắng lồng vào trong các bài nói chuyện về lòng biết ơn của những người con Chúa để các em mỗi ngày hiểu rõ và sống tốt hơn khi được làm con Chúa và cũng để nhắc nhở các em biết nhớ đến cội nguồn, những ân nhân, thân nhân đã từng cưu mang, giúp đỡ. Xin cầu chúc mọi người Thanksgiving vui vẻ, bình an và xin tri ân những ai đã từng quan tâm, giúp đỡ chúng tôi. Feliz Día de Acción de Gracias. Que Dios les bendiga.  
Paraguay, Dịp lễ Thanksgiving 28 tháng 11 năm 2013
Lm. Antôn Trần Xuân Sang, SVD                              

Monday, November 18, 2013

PARAGUAY - THÁNG CÁC LINH HỒN : MỘT NĂM NGÀY GIỖ MẸ




Mỗi đêm mỗi thắp đèn trời,
Cầu cho cha mẹ sống đời với con. 
Còn cha còn mẹ thì hơn,
Không cha không mẹ như đàn đứt dây,
Đàn đứt dây, còn xoay còn nối,
Cha mẹ mất rồi, con chịu mồ côi. 
Mồ côi, khổ lắm ai ơi,
Đói cơm không ai giúp lỡ lời không ai phân.
          Khi ngồi vào vi tính để viết bài này thì chúng tôi biết được con số thống kê chưa chính thức của cơn bão Hải Yến hay Haiyan (còn gọi là Yolanda của người Phi Luật Tân) đã tàn phá 2/3 quốc gia này với con số thiệt mạng hơn 10.000 người. Trận cuồng phong tồi tệ nhất trong lịch sử của nước Philippines đã gây thiệt hại nặng nề cho quốc gia có đông người Công giáo nhất châu Á này. Vị linh mục cùng Dòng người Phi Luật Tân đang ở chung cộng đoàn với chúng tôi đã đau buồn thốt lên rằng đây thật là một ngày đáng buồn cho nước Philippines. Không buồn sao được khi những người đồng hương của ngài đã ra đi mà không được báo trước trong thảm họa thiên nhiên xảy ra chưa từng có trong lịch sử quốc gia này.
          Tháng 11, tháng cầu cho các linh hồn đã qua đời. Mấy ngày qua có một người bạn không Công giáo email thăm hỏi chúng tôi và có nhắc đến ngày giỗ một năm của thân mẫu chúng tôi. Ấy thế mà đã một năm trôi qua ngày mà người mẹ thân yêu nhất của chúng tôi đã ra đi không ngày gặp lại, cái ngày đau buồn nhất của một người con xa nhà khi hay tin mẹ mình mất. Cuộc chia tay nào rồi cũng có ngày gặp lại nhưng cuộc ra đi của người Mẹ thân yêu của chúng tôi trong năm vừa qua đã để lại trong tôi một nỗi trống vắng mà mấy ngày qua khi nghe lại câu ca dao về sự ra đi của cha mẹ khiến chúng tôi mủi lòng thổn thức. Người bạn không Công giáo có hỏi chúng tôi là người Công giáo có ngày cúng kỵ như người Phật giáo không. Chúng tôi trả lời là người Công giáo không có thói quen làm giỗ cúng kỵ nhưng hầu như có dịp là họ nhớ đến ông bà tổ tiên và nhất là người Công giáo còn giành riêng tháng 11 để nhớ đến tất cả những người thân yêu đã nằm xuống.
          Chết, một thực tại không ai chối cãi được. Chúng ta có thể chống lại sức tàn phá của nước, lửa, khí giới nhưng không ai trong chúng ta có thể chống nổi sự chết. Dẫu biết trước như thế nhưng khi một người thân nằm xuống thì tâm lý tự nhiên của con người là khóc và xót thương khi nhớ lại thuở hàn vi, những ngày tháng vui buồn của người thân vừa ra đi rồi tự nhiên trong lòng thổn thức. Trường hợp ấy đã từng xảy ra với chúng tôi khi vừa hay tin người mẹ thân yêu ra đi. Chúng tôi nhớ lại trong chuyến trở về năm ngoái từ Paraguay đến Việt Nam để thọ tang mẹ mà không tài nào chợp mắt được suốt cuộc hành trình dài hơn 2 ngày. Như một cuốn phim quay chậm, chúng tôi đã nhớ lại những ngày còn ấu thơ bên mẹ, rồi những ngày chúng tôi nằm bệnh viện thập tử nhất sinh luôn có mẹ túc trực bên đứa con mình. Và nhất là ngày ra đi truyền giáo khiến lòng mẹ đau như cắt nhưng đành để con mình ra đi. Khi nghĩ đến đó tự nhiên nước mắt cứ trào ra lúc nào không hay. Ai là người trong cuộc mới thấu được tình thương của mẹ giành cho con và của con đối với mẹ. Một năm kể từ ngày mẹ mất và cũng ngần ấy thời gian không ngày nào quên mẹ trong thánh lễ và các giờ cầu nguyện. Ước mong những ai còn có mẹ luôn biết trân quí những tình cảm thiêng liêng này dù cha mẹ mình lúc này già nua tuổi tác, tính nết đổi thay nhưng vẫn luôn là chỗ dựa tinh thần vững chắc nhất trên từng bước đi trong cuộc hành trình tại thế chúng ta.
          Trong khi những quốc gia châu Á chuẩn bị bước vào mùa Đông và một vài quốc gia như Philippines, Việt Nam, Trung Quốc… đang phải gánh chịu những đợt thiên tai bão táp khủng khiếp nhất từ trước đến nay, thì ở Nam Bán Cầu- các nước thuộc châu Mỹ La-tinh đang chuẩn bị bước vào mùa hè nóng bức với nhiệt độ ban ngày có khi lên đến 42 độ C. Cái nắng, nóng ở đây rất khác với cái nắng, nóng ở Việt Nam vì nắng hanh, nắng róc người giống một phần nào cái nắng, nóng ở vùng Phan Rang, Ninh Thuận. Nhớ ngày nào mới đến Paraguay như một chàng thư sinh, nhưng trải qua nhiều mùa nắng, nóng nên da dẻ bây giờ cũng sạm màu giống người Nam Mỹ và người ta cứ ngỡ chúng tôi là người Nam Mỹ. Vậy cũng tốt vì vừa hội nhập được văn hóa, vừa hội nhập được màu da để người ta khỏi ăn hiếp mình. Chỉ riêng có đôi mắt thì không tài nào giấu được vì người Nam Mỹ có đôi mắt rất to, còn người Á Đông mình thì mắt nhỏ xíu và họ hay nói đùa là do người Á Đống hay ăn cơm nhiều nên mắt nhỏ!!!
          Người dân Paraguay trước đây không có thói quen tưởng nhớ ông bà tổ tiên hay những người đã qua đời. Với họ, nếu một người thân qua đời thì sau 24 giờ sẽ chôn cất với một nghi thức rất đơn giản và họ chỉ xin linh mục cầu nguyện cho người quá cố trong tuần cửu nhật nếu gia đình là người Công giáo, rồi thôi. Ngay cả một cái hình của người quá cố cũng không có trên quan tài nên nhiều lúc người ta mời chúng tôi đến làm phép xác trước khi đem đi chôn mà mình cũng không biết người chết là đàn ông hay đàn bà và bao nhiêu tuổi nữa. Bởi thế, đám tang của người Paraguay không có gì là quan trọng nên ngay cả các linh mục hay giám mục khi qua đời cũng chỉ có một thánh lễ nếu ai biết được thì tham dự, còn không thì chỉ dự lễ “hàm thụ” từ xa mà thôi. Điều này cũng có cái hay là đỡ tốn kém và không câu nệ nhưng có cái không hay là người ta đã quá coi nhẹ nhân phẩm con người.
          Kể từ ngày chúng tôi đến đây, chúng tôi đã cố gắng gợi lại cho những người dân nơi mình làm việc biết được con người là một tặng phẩm Chúa ban, và vì thế chúng ta phải biết trân trọng quà tặng đó lúc còn sống cũng như khi đã qua đời. Ngày mồng 2 trong tháng 11 chúng tôi đã mời giáo dân trong vùng mình coi sóc tham dự thánh lễ tại các nghĩa trang để cầu cho những người thân đã qua đời. Vì là một quốc gia dân chủ, tự do nên linh mục có thể làm bất cứ điều gì theo bổn phận mà luật không cấm. Lúc đầu nhiều người tham dự vì hiếu kỳ. Các phóng viên cũng ra nghĩa trang để phỏng vấn về ‎ ý nghĩa của những thánh lễ này và đưa lên truyền hình để người dân được biết về một linh mục truyền giáo Á châu đang làm. Dần dần người ta thấy thích thú và bắt đầu năng viếng nghĩa trang để đọc kinh, cầu nguyện và mời các linh mục khác dâng lễ cầu hồn trong tháng 11. Những điều mình tưởng chừng lâu nay ai cũng biết nhưng không làm, nay họ lại thực hiện và mình cảm thấy vui. Đây là một trong những niềm vui khuyến khích các nhà truyền giáo trong đời sống mục vụ của họ vì truyền giáo ngày nay không cần phải làm những điều gì to tát nhưng chỉ cần giúp mọi người được hạnh phúc và bình an trong cuộc sống thường nhật.
          Mấy ngày vừa qua chúng tôi cũng tiếp đón 2 tu sĩ trẻ cùng Dòng từ Việt Nam đến Paraguay để thực tập mục vụ theo chương trình đào tạo của Dòng. Hai anh em này vừa hoàn tất chương trình Triết học tại Học Viện Đa Minh, và sau mấy tháng chời đợi Visa cuối cùng cũng đến Paraguay vào rạng sáng thứ Bảy ngày mồng 2 tháng 11 vừa qua. Tình Dòng Ngôi Lời Việt Nam năm nay đã mạnh dạn gởi 10 tu sĩ trẻ đến các quốc gia như Togo, Argentina, Chile, Mozambique và Paraguay để thực tập mục vụ và làm quen với môi trường truyền giáo quốc tế mà sau này các anh em sẽ phải dấn thân. Rất may là các em đã can đảm ra đi dù biết rằng nhiều khó khăn, thách đố đang chờ đón mình. Cha Bề Trên Giám tỉnh hiện thời giao phó các em tu sĩ trẻ này để chúng tôi hướng dẫn và đồng hành trong thời gian học ngôn ngữ và làm quen với môi trường văn hóa mới. Nhìn các anh em trẻ dù đã 30 tuổi nhưng sống ở một môi trường văn hóa mới trông như một đứa trẻ giống mình ngày xưa vừa đặt chân đến xứ này mà thấy thương cho các em. Chúng tôi sẽ cố gắng làm hết sức mình để các em cảm thấy như ở nhà dù đang sống xa quê hương. Bên này cũng có 4 anh em tu sĩ trẻ Việt Nam thuộc Dòng Don Bosco đã sống ở đây được vài năm và chúng tôi đang cố gắng tạo điều kiện để lâu lâu người đồng hương được gặp nhau.
          Dịp này cũng có một anh em linh mục cùng Dòng người Paraguay đang mục vụ tại Đài Loan về thăm quê hương sau 7 năm truyền giáo ở đó. Anh em này chia sẻ với chúng tôi về những việc đã và đang làm tại Đài Loan trong dịp Tỉnh Dòng chúng tôi có Tu Nghị Tỉnh đề đưa ra chương trình và kế hoạch hành động trong 6 năm tới. Anh em này đã chia sẻ rằng Đài Loan dù là một quốc gia nhưng rất ít được cộng đồng quốc tế công nhận như là một quốc gia độc lập vì sự cam thiệp của đàn anh Trung quốc. Tuy nhiên, quốc gia này là một quốc gia có nhiều tự do tôn giáo nhưng lại rất ít người Công giáo. Chính vì điều đó an hem này rất thích sống ở Đài Loan dù người Paraguay rất hiếm khi rời xa quê hương trong một thời gian dài do nền văn hóa kết dính với gia đình từ ngàn xưa.  Vị linh mục này nói rằng giáo xứ anh ta ở Đài Loan hàng năm chỉ có 2 hay 3 người lớn nhận bí tích rửa tội. Bí tích hôn nhân lại càng hiếm hoi. Chỉ có lễ an táng là khá nhiều và đây cũng là dịp để các nhà truyền giáo làm chứng và nói về Chúa cho những người tham dự thánh lễ. Bởi thế, khi một giáo dân báo tin là vừa có một người qua đời thì cha xứ phải sắp xếp mọi việc để cử hành lễ an táng cho người đã khuất vì người Đài Loan rất coi trọng việc ma chay, cúng kỵ. Nói đến đây thì người vị linh mục Paraguay giải thích thêm rằng người Á Đông có thói quen xem ngày giờ chôn cất mà người Việt Nam mình cho là mê tín dị đoan. Nhiều khi nhà truyền giáo cần phải hiểu một phong tục, tập quán của một nền văn hóa khác trước khi kết án nó. Chính người anh em này đã giúp các anh em đồng hương Paraguay tại quê nhà hiểu thêm một phần về văn hóa của người Á Đông bằng tiếng Guarani của họ hơn là những người Á Đông nói về người Á Đông cho những người thuộc nền văn hóa khác.       
        
 
 Hôm nay là ngày giỗ 1 năm của người Mẹ thân yêu của chúng tôi. Má ơi! 1 năm đã trôi qua kể từ ngày Má rời bỏ chúng con ra đi đến một nơi mà chúng con biết một ngày nào đó tất cả chúng ta đều được gặp nhau ở đó. Dẫu biết là như thế nhưng lòng con vẫn thấy buồn ruời ruợi khi thiếu vắng Má trên cõi đời này. Xin Má luôn phù hộ cho con trên bước đường truyền giáo xa quê này để con hoàn thành tốt sứ mạng của con. Con sẽ luôn nhớ Má trong những giờ kinh nguyện và thánh lễ hàng ngày. Gia đình mình có những điều không hay đang xảy ra và con mong Má hộ phù để mọi việc được suôn sẻ và các thành viên trong gia đình được hòa thuận, sum vầy. Hôm nay con đã dâng lễ cầu nguyện cho Má cũng như các nạn nhân của siêu bão Yolanda ở Philippines vừa qua đời. Xin vì lòng nhân từ của Chúa cho linh hồn của Má, của những ân nhân, thân nhân của con và những người vừa mới qua đời trong cơn cuồng phong vừa qua sớm được hưởng phúc thiên đàng vĩnh cửu, nơi mà Chúa Giêsu đã nói trong bài Tin Mừng Chúa Nhật XXXII thường niên vừa qua là trở nên con cái đích thực của Chúa và được sống muôn đời. Amen.
                                                   Paraguay, 11 tháng 11 năm 2013 
                                                      Một năm nhân ngày Giỗ Mẹ
                   Lm. Antôn Trần Xuân Sang, SVD                                

Friday, November 1, 2013

THÁNG HOA HỒNG (ROSARIO) – CÂU CHUYỆN TRUYỀN GIÁO




Cảm nhận về truyền giáo

Tháng 10, đối với người Công giáo, là một tháng rất đặc biệt vì đây còn gọi là tháng Hoa Hồng – tháng Mân Côi, tháng kính Đức Mẹ. Đây cũng là tháng truyền giáo với cao điểm là Khánh Nhật truyền giáo thường rơi vào Chúa Nhật tuần thứ 3.

Trong sứ điệp Khánh Nhật Truyền Giáo năm nay, Đức Thánh Cha Phanxico, vị Giáo Hoàng đầu tiên đến từ Nam Mỹ đã tha thiết kêu gọi tất cả các tín hữu hãy mạnh dạn công bố Tin Mừng và chống lại những tuyên truyền cho rằng việc công khai làm chứng cho Đức Kitô là vi phạm đến quyền tự do của người khác.


Cũng trong chiều hướng đó, chúng tôi muốn chia sẻ vài cảm nhận của một người Việt Nam đang đang sống và làm việc ở vùng truyền giáo Nam Mỹ với số phần trăm Công giáo khá cao này.
Lâu nay người ta thường nghĩ truyền giáo là phải rửa tội thật nhiều, phải buộc người ta theo đạo của mình mới là truyền giáo. Cũng chính vì lẽ đó mà đã xảy ra biết bao hiểu lầm và những người có ý thức hệ Cộng sản và những người Hồi giáo cực đoan luôn tìm cách ngăn cản và trục xuất những nhà truyền giáo.
Chúng tôi còn nhớ cách đây cũng khá lâu khi chúng tôi tham dự một buổi thuyết trình tại Sài Gòn với chuyên đề truyền giáo của một linh mục gốc Việt đã từng làm việc truyền giáo tại nhiều nơi trên thế giới và hiện nay đang làm việc tại Hàn quốc, vị truyền giáo này đã chia sẻ với chúng tôi nhiều mẫu chuyện truyền giáo nhưng trong đó ngài có nói đến việc là không nên nghĩ rằng mình đến một quốc gia khác với danh nghĩa là nhà truyền giáo là mình muốn tự tung, tự tác và có tư tưởng là phải rửa tội thật nhiều mới thành công. Vào lúc đó, ngay bản thân chúng tôi không mấy thích thú với vị truyền giáo này vì nghĩ rằng mình đi truyền giáo mà không rửa tội thì đi truyền giáo để làm gì! Tuy nhiên, sau nhiều năm sống nơi xứ người như một nhà truyền giáo, chúng  tôi mới nghiệm ra rằng những gì mà vị truyền giáo đàn anh kia chia sẻ trước đây rất đúng với tâm trạng của chúng tôi hiện nay.
Có một lần khi chúng tôi đi thăm hai anh em đồng hương trẻ thuộc Dòng Don Bosco (bên Paraguay hiện giờ có 4 tu sĩ Saledieng Don Bosco người Việt), hai người anh em Saledieng Don Bosco này đã ở Paraguay gần 4 năm qua và đang làm việc với các trẻ bụi đời ở thủ đô Asunción, Paraguay tâm sự rằng lúc đầu khi mới về làm việc này, các thầy cảm thấy ê chề thất vọng vì lối sống vô văn hóa và thậm chí kì thị của các trẻ bụi đời khi biết các thầy không phải là người Paraguay. Chúng tôi nói đùa với hai thầy rằng bọn bụi đời thì làm gì có văn hóa. Các thầy chỉ cười và nói thêm rằng có những lúc cảm thấy nản và muốn bỏ cuộc khi thấy những gì mình dấn thân dường như vô nghĩa. Các thầy chia sẻ rằng có một lần một phái đoàn đến thăm cộng đoàn “bụi đời” nơi hai thầy làm việc và tặng quà cho cộng đoàn để cộng đoàn phân phát cho các em. Ngày hôm sau khi các thầy vừa mặt một áo thun mới, bọn bụi đời nhìn thầy và nói vẻ xấc láo : “Tú usas nuestras ropas” (tạm dịch là : Mày dùng đồ của tụi tao) vì bọn chúng tưởng là các thầy dùng đồ từ thiện của phái đoàn vừa mới tặng. Mất dạy, xấc láo, bừa bãi, trộm cắp… trong cộng đoàn nơi các thầy đang làm việc xảy ra hàng ngày nếu người nào không có một dây thần kinh thép, sự kiên nhẫn và vị tha chắc không thể nào sống đến ngày thứ hai trong cộng đoàn “bụi đời” này. Vậy mà hai người anh em Saledieng Don Bosco Việt nam của chúng ta đang sống và làm chứng được. Các thầy cũng tâm sự rằng nhiều lúc bực lắm muốn đấm cho mấy thằng mất dạy đó một trận cho nên thân nhưng đời tu dạy mình là không nên dùng cơ bắp hay những lời nói nặng như mấy bà bán cá ngoài chợ để nguôi cơn giận nhưng là chính bằng hành động cụ thể, bằng sự yêu thương mới thu phục được lòng người. Các trẻ bụi đời đều có những hoàn cảnh rất giống nhau là thiếu vằng tình thương của người thân, nay họ sống với những người xa lạ, dù đó là những bậc chân tu đi nữa thì đối với các em, những bậc chân tu ấy vẫn không có trọng lượng gì nếu đối xử tệ bạc hay có những hình phạt nặng nề khi các em sai lỗi. Chính gương của thánh Bosco đã là một phương châm sống và nay đang thể hiện nơi các con cái của ngài, trong đó có những anh em tu sĩ Việt nam trẻ này. Hai thầy nói thêm rằng họ cảm thấy rất vui, dù niềm vui ngẳn ngủi khi mỗi ngày các trẻ bụi đời thay đổi. Truyền giáo ngày nay không nhất thiết phải làm những chuyện gì to tát là lấp núi, dời non hay phải rửa tội thật nhiều như thánh Phanxico Xavie ngày xưa, nhưng giúp biến đổi và lay động tâm hồn dù chỉ một người và làm cho người đó hạnh phúc thì đó là cách truyền giáo xứng hợp nhất đúng như lời Chúa Giêsu đã nói : “Tôi bảo các ông: Trên trời sẽ vui mừng vì một người tội lỗi hối cải hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần hối cải". (Xc. Lc 15, 3-7).     

Những chuyện giờ mới kể

Có những chuyện mà chúng ta không thể nói ngay được vì nhiều lí do tế nhị, nhưng cũng có lúc cần được chia sẻ để mọi người cùng biết và lượng định. Chúng tôi muốn bộc bạch những chuyện mà từ lâu mình còn ấp ủ trong lòng nhưng nay đã chín muồi nên muốn chia sẻ trong tháng truyền giáo này.
Cách đây không lâu, có lần chúng tôi đã chia sẻ về một giáo phận truyền giáo do một vị Giám mục thuộc Hội Opus Dei (tiếng Latinh : Kinh Thành của Chúa) chăn dắt. Giáo phận này là nơi chúng tôi đã từng làm việc, và vì thế, chúng tôi biết và hiểu rất nhiều. Chúng tôi muốn chia sẻ điều này không phải vì chỉ trích hay muốn vạch áo cho người ta xem lưng nhưng chỉ mong muốn những vị đứng đầu, nhất là những vị lãnh đạo tôn giáo nên có một cái nhìn công tâm hơn khi xem xét một vấn đề chứ đừng vì cảm tính hay thành kiến rồi sẽ dẫn đến những hậu quả khó lường.
Vị giám mục mà chúng tôi muốn nói đến là người Paraguay gốc Argentina có bằng tiến sĩ Giáo luật. Ngay từ khi nhận chức Giám mục chính tòa của giáo phận truyền giáo này, vị giám mục nổi tiếng là bảo thủ đã có nhiều cải tổ đáng kể. Vì nghĩ rằng mình là tiến sĩ Giáo luật nên ngài không cần hỏi ai mà tự tiện thành lập một Đại Chủng Viện không cần thông qua Hội Đồng Giám Mục. Vì cho rằng Giáo phận truyền giáo nơi ngài phụ trách thiếu linh mục nên ngài rút ngắn chương trình đào tạo linh mục chỉ còn 4 năm. Nhiều linh mục lớn tuổi và có kinh nghiệm trong Giáo Phận đã thỉnh vấn ngài nhưng ngài bất chấp và còn cho về hưu non những linh mục mà ngài cho là chống đối giám mục. Nhiều linh mục đã vận động xin chữ ký của các linh mục trong Giáo Phận để trình lên Hội Đồng Giám Mục nhưng rồi đâu lại vào đó vì vị giám mục này có một thế lực rất lớn. Chỉ chưa đầy 9 năm làm Giám mục mà đã phong chức được hơn 50 tân linh mục với tuổi đời còn khá trẻ là 26 tuổi. Đa số những linh mục ấy thuộc Opus Dei.
Khi có các linh mục mới, ngài đã bắt đầu liên hệ với các vị Bề trên của các Dòng để nhận các giáo xứ mà các cha Dòng đang làm việc dù các xứ ấy đang còn trong hợp đồng với các vị giám mục tiền nhiệm với l‎‎ý do là ngài đã có đủ các linh mục trong giáo phận mà không cần đến những Dòng Tu. Một sự chia rẽ sâu sắc giữa ngài, các linh mục do ngài phong chức và phần đông những người không thuộc về ngài. Các linh mục do ngài phong chức trong chương trình đạo tạo vỏn vẹn 4 năm chỉ biết dâng lễ, làm các bí tích, ngoài ra không biết gì khác. Nhiều người giáo dân đùa rằng đó là những linh mục sanh non trong một cái lò ấp trứng và không biết sẽ đi về đâu. Xét về Giáo Luật thì vị giám mục này không có gì sai, nhưng xét về tình thì ngài đã phá vỡ sự hiệp thông mà nhất là những vị mục tử cần phải để ý điều này.
Vì là giám mục thuộc Opus Dei, ngài không ưng gì các linh mục triều, cũng chẳng thích thú gì các linh mục Dòng, nhưng chỉ muốn ai tuân lệnh ngài mà thôi.
Trong vụ thảm sát đẫm máu vào tháng 6 năm 2012 ở Paraguay năm vừa qua ở một giáo xứ do Dòng Ngôi Lời phụ trách khiến 18 người chết, trong đó có 11 nông dân và 7 cảnh sát khiến Quốc Hội đã luận tội và truất phế Tổng Thống vì thiếu trách nhiệm. Vị cha xứ lúc ấy là một tu sĩ truyền giáo Ngôi Lời người Paraguay từng làm việc ở Kenya nhiều năm, đã đồng hành với nông dân để tìm xác những người đã chết hay mất tích. Khi vị giám mục mục này nghe tin đã gọi điện cho nhà truyền giáo này và cấm không được đứng về nông dân để làm nóng thêm tình hình. Vị giám mục này đã giải thích nhưng ngài không nghe, và  vì lý do này đã nhân danh quyền giám mục trục xuất nhà truyền giáo khỏi giáo phận của ngài để đưa các vị linh mục mới chịu chức đảm trách. Nhà truyền giáo không làm việc ở chỗ này thì làm việc ở nơi khác nhưng chính vì chuyện không đâu này khiến giáo dân bực tức vì lâu nay giáo dân đã quen với cách làm việc của các cha truyền giáo nên đả biểu tình chống giám mục và không cho các linh mục mới vào giáo xứ. Cha Giám tỉnh Dòng của chúng tôi đã trực tiếp can thiệp và kêu gọi sự hiệp thông và vâng phục các vị chủ chăn nên giáo dân đã nguôi cơn giận và chấp nhận một cách miễn cưỡng.
Các linh mục mới thuộc Opus Dei khá trẻ và chịu khó thi hành các bí tích. Hầu như Chúa Nhật nào các ngài cũng rửa tội khoàng 80 đến 100 người và mỗi người được rửa tội phải nộp cho các ngài khoảng 10 Đô-la gọi là tiền rửa tội. Chỉ mới vài tháng đầu các ngài các ngài thống kê đã thấy con số người Công giáo tăng lên vùn vụt và trong những cuộc họp hàng tháng, các ngài báo cáo rất hay là chỉ trong 3 tháng đầu năm đã có hơn 2.000 người Công giáo mới và có tiền chi tiêu thoải mái. Dù có người Công giáo mới nhưng chẳng ai đi lễ nữa vì họ nghĩ rằng rửa tội xong nghĩa là đã thành người Công giáo, rồi thôi. Bây giờ mới méo mặt vì đâu còn ai nữa mà rửa tội nên bắt đầu phàn nàn và xin xỏ. Thế mới biết làm linh mục không phải chỉ cử hành các bí tích là cứ rửa tội cho thật nhiều mà còn phải biết sống thiên chức linh mục của mình thì không phải lo lắng đến chuyện tiền nong bát gạo vì Chúa Giêsu đã nói : “Vì làm thợ thì đáng được trả công”(Xc. Lc 10,1-12). Tiền tài, danh vọng chỉ là vinh quang trần thế rồi sẽ qua đi như có ai đã từng nói, nhưng chỉ cầu sự phục vụ quên mình và khiêm hạ trong Chúa thì chính Ngài sẽ lo lắng tất cả.
Còn một điều nữa mà chúng tôi cũng muốn chia sẻ trong lĩnh vực tuyển mộ ơn gọi là vị giám đốc ơn gọi của Opus Dei trong khi tuyển chọn ơn gọi thường kèm theo câu nói khuyến mãi với các ứng sinh là cứ vào Chủng Viện của các ngài đi vì ở đó sẽ được ăn ngon, mặc đẹp, được học hành bài bản và sau 4 sẽ được thụ phong linh mục rồi muốn gì có nấy. Các em nhà quê có vẻ bùi tai và đã rủ thêm các em đang là ứng sinh của các Dòng khác tu theo. Nhiều tu sinh của các Hồi Dòng bị cho về vì những lí do đặc biệt thì Hội Opus Dei này đều đón nhận mà không cần biết các em đến từ đâu. Nhiều em tu sinh trong Dòng chúng tôi đang ở Thỉnh Viện và Tập Viện nói rằng những đứa bạn học phổ thông của các em vừa mới đi tu như họ mà nay đã làm linh mục rồi, còn bên Dòng sao mà lâu quá. Chúng tôi chỉ cười và nói với các em đời tu không chỉ là ánh hào quang linh mục nhưng là dấn thân theo Chúa suốt đời vì nếu mong làm linh mục sớm để đạt được mục đích và không còn gì để theo đuổi nữa thì sẽ mau thất vọng và con đường theo Chúa chỉ nửa vời. Bằng chứng là những vị “linh mục tốc hành” của Hội Opus Dei ở Paraguay đang là một đề tài châm chọc vì vài linh mục chịu chức chưa đầy 1 năm nay đã xuất tu.
Những ngày vừa qua chúng tôi có dịp đi giảng tĩnh tâm cho một số nơi để chuẩn bị cho các em lãnh nhận bí tích thêm sức. Chúng tôi nhận ra một điều rằng rất nhiều người ngày nay, trong đó phần đông là giới trẻ đang khát một đời sống tâm linh và rất cần những những vị mục tử đồng hành và xoa dịu cơn khát của họ trước trào lưu tục hóa và nhiều giáo phái đang mạnh lên trong khi người Công giáo đang dậm chân tại chỗ. Chính vì lẽ đó mà Đức Giáo Hoàng đương kiêm người Nam Mỹ đã tha thiết kêu gọi một sự cải tố Giáo Hội toàn diện mà chính Ngài là người đầu tiên trong việc thực thi việc thay đổi này. Có lẽ nhiều người sẽ khó chịu với cung cách của vị Giáo Hoàng đầy cá tính này vì lâu nay mình sống như vậy có ai nói gì đâu. Trong cuộc phỏng vấn dành cho các tạp chí văn hóa của Dòng Tên được công bố ngày 19-9 vừa qua, Đức Phanxico nói rõ : “Các cải tổ cơ cấu hay tổ chức là thứ yếu, nghĩa là diễn ra về sau. Cải tổ trước tiên phải là cải tổ cách thức hiện hữu. Các thừa tác viên của Tin Mừng phải là những con người có khả năng sưởi ấm trái tim người khác, có khả năng đối thoại và đồng hành cùng con người, có khả năng bước vào bóng đêm, bóng tối của cuộc đời họ mà không bị lạc lối.”.

Hôm nay là ngày cuối tháng 10, kết thúc tháng Hoa Hồng, tháng Mân Côi và cũng là ngày kỷ niệm thụ phong linh mục của 7 anh em chúng tôi. 3 trong số 7 người anh em chúng tôi vừa mới trở về Viện Nam làm việc sau khi đạt được những văn bằng cao ở Roma và Philippines, 4 người còn lại vẫn đang làm việc truyền giáo ở Papua New Guinea, Hàn Quốc và Paraguay. Tạ ơn Chúa đã cho chúng con được trở nên những dụng cụ trong tay Ngài. Những năm qua dù có nhiều thăng trầm và có những lúc tưởng chừng như chao đảo, vấp ngã, nhưng nhờ ơn Ngài phù trì, nâng đỡ chúng con đã vượt qua những cơn sóng gió. Xin Chúa tiếp tục nâng đỡ chúng con trong cuộc hành trình này, để chúng con không hổ thẹn khi trở thành môn đệ Chúa. Xin cảm ơn mọi người đã bằng nhiều cách qua thư từ, điện thoại, facebook... đã và đang nâng đỡ và ủi an anh em chúng con trong sứ vụ linh mục, nhất là sứ vụ truyền giáo xa quê hương. Chúa sẽ trả công bội hậu cho quí vị trong những thánh lễ và lời cầu nguyện của chúng con hàng ngày. Ngày mai là ngày lễ Các Thánh (1/11), xin Các Thánh luôn cầu bầu và phù hộ cho những người thân yêu và bạn bè của chúng con. Felicidades!!!
                             
Paraguay, 31 tháng 10 năm 2013 –Kỷ niệm ngày lãnh sứ vụ linh mục
                                                        Lm. Antôn Trần Xuân Sang, SVD.