Sunday, June 28, 2020


Việt Nam- Sứ Vụ Mới, Bài Sai Mới

Sau những ngày nghỉ phép cũng là để tịnh dưỡng sức khỏe giữa đại dịch Covid-19, tôi đã trở về Nhà Chính của Dòng Ngôi Lời Việt Nam tại Nha Trang để nhận bài sai mới trong một tinh thần mới vì tôi nghĩ rằng linh mục truyền giáo có thể làm việc bất cứ nơi đâu khi bề trên cần đến và lần này cũng là cơ hội để tôi trả ơn Nhà Dòng nơi mà tôi đã bắt đầu chập chững bước vào đời tu với những thăng trầm sau những tháng ngày hậu đổi mới tại Việt Nam.
Những bạn học thời phổ thông ngày xưa dù lúc này đều có vai vế trong xã hội và khá bận rộn trong công việc sau cơn đại dịch, họ vẫn sắp xếp thời gian để đưa tiễn tôi đến tận Nhà Dòng dù họ không cùng một niềm tin như tôi. Nhìn thấy nhiều anh em học cùng lớp nay đã thành danh ngoài xã hội và tóc đã điểm bạc vì thời gian và vì kế sinh nhai, bỗng nhiên tôi cũng thấy mình cũng già đi. Ai cũng nói rằng thời gian là thước đo lòng người và chính thời gian cũng biến đổi con người dù nhiều lúc chúng ta không muốn. Ngày xưa còn vô tư nô đùa và có thể làm nhiều điều dại dột thiếu suy nghĩ, nhưng giờ lớn rồi thì phải tự lo tất cả vì ai cũng là những trụ cột trong gia đình và phải luôn quan tâm đến gia đình mình giữa một thế giới và xã hội nhiều bất trắc. Lâu ngày bạn bè có dịp gặp gỡ nhau và kể cho nhau nghe những chuyện đời xưa cũng như chia sẻ những vui buồn trong cuộc sống khiến anh em hiểu nhau hơn và lần này anh em có dịp hiểu biết thêm về người công giáo và những bậc tu trì mà anh em được tiếp xúc trong ngày đưa tiễn tôi.
Nha Trang là nơi tôi bắt đầu đi tu sau khi hoàn tất chương trình phổ thông trung học mà ngày xưa còn gọi là tú tài toàn phần. Ngày ấy dù biết bao khó khăn về vật chất cũng như về phương diện chính trị vì chúng tôi là những chủng sinh chui, chúng tôi vẫn luôn cố gắng- và trong cái khó ló cái khôn, chúng tôi đã vượt qua những chướng ngại vật ban đầu ấy để có thể trở thành những nhà truyền giáo như hiện nay dù nhiều anh em cùng lớp chúng tôi phải nói lời chia tay tạm ngưng cuộc chơi để trở về cuộc sống đời thường, và nay có người đã lên chức ông ngoại.
Quả thực Nha Trang có một điều gì đó khiến lòng tôi thao thức trong cuộc trở về lần này như một mối nhân duyên mà chính tôi cũng không thể diễn tả được. Thi sĩ Chế Lan Viên đã từng nói: Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở; khi ta đi đất đã hóa tâm hồn. Nha Trang không thơ mộng như Đà Lạt, không nhộn nhịp như Sài Gòn nhưng Nha Trang chính là nơi tôi được đạo tạo từ chú chủng sinh, rồi sau những năm đại học được thực tập làm thầy giáo nội trú. Và cũng chính nơi đây tôi đã tuyên khấn lần đầu, khấn trọn đời, chịu chức phó tế rồi linh mục. Và cũng chính nơi đây tôi nhận thánh giá và bài sai truyền giáo ra đi đến một đất nước hoàn toàn xa lạ là Paraguay để trở thành một nhà truyền giáo. Bởi thế, Nha Trang đối với tôi có rất nhiều kỷ niệm, và trong suốt nhiều năm tu tập ở Nha Trang, tôi đã có nhiều ký ức của một thanh niên tuổi đôi mươi với những mối tình bằng hữu thật đẹp. Vì thế, hồi hương làm việc ở Nha Trang lần này để lại trong tôi nhiều cảm xúc khó tả vì gặp lại được những người quen biết xưa kia, và nhất là những bậc thầy, bậc đàn anh trong Dòng dù có người đã mất và những người còn sống thì đã bước qua tuổi thất tuần, bát tuần. Những đàn em, học trò ngày nào nay đã trở thành linh mục và cũng đang phụ trách một vài công tác quan trọng trong Dòng nên mình cũng cảm thấy vui. Những buồn vui đan xen trong những ngày đầu nhận sứ vụ mới khiến tôi phải tìm không gian yên tịnh để ôn lại những ký ức ngày xưa trước khi bắt tay vào việc.
Công việc mà chúng tôi được bổ nhiệm có thể nói nằm trong tầm tay của mình vì chúng tôi đã từng kinh qua trong những năm truyền giáo. Chỉ khác là môi trường làm việc và con người mà mình đang làm việc là anh em đồng hương cùng một quốc gia nên vừa dễ, vừa khó vì yếu tố tình cảm xen vào. Ở Việt Nam mùa này là mùa hồng ân vì có nhiều ngày lễ khấn dòng, phong chức, tạ ơn, chuyển xứ… nên hay được mời và đôi khi phải can đảm nói không vì mình phải lo công việc của mình nữa. Thỉnh thoảng chúng tôi cũng đi đến một số vùng truyền giáo của Tỉnh Dòng để đồng hành và khích lệ sứ vụ truyền giáo của anh em như rửa tội, thêm sức, hạt gạo nhân ái.. vì đó cũng là hoa quả của Dòng nơi anh em phục vụ.
Thấm thoát một tháng đã trôi qua từ ngày nhận sứ vụ mới tại quê nhà với nhiều bỡ ngỡ vừa quen, vừa lạ nên chúng tôi mới chỉ làm việc ở mức độ quan sát và học hỏi thêm để không bị cho là dục tốc bất đạt. Thời buổi này rất nhạy cảm vì nếu mình làm điều gì đó khác với những gì người ta đã quen làm thì bị cho là cấp tiến, và ngược lại thì bị cho là lạc hậu. Ngày xưa khi đã chịu chức linh mục rồi, đã lãnh nhận thánh giá truyền giáo nhưng chúng tôi vẫn luôn trước sau như một là kính trọng bề trên và những bậc thầy của mình vì nhờ họ mới đào nặn ra mình. Còn ngày nay khi lớp đàn em vừa phong chức hay lãnh một trách nhiệm nào đó thì đã xem thường bậc cha anh của mình và tự cào bằng khi cho rằng đã là linh mục thì hoàn toàn như nhau. Hình thức cào bằng, dân chủ nửa vời ấy giống như những chú chủng sinh bên Nam Mỹ hay Âu châu hoàn toàn không thích hợp với văn hóa và tập quán của người Việt. Dẫu biết thế nhưng bản thân chúng tôi phải đón nhận để bầu khí huynh đệ không bị sứt mẻ vì những lỗi hệ thống không đáng có trong chương trình đào tạo.
 Hôm nay giáo hội mừng kính hai cột trụ là Thánh Phêrô và thánh Phaolo, ngày của Đức Thánh Cha vì ngài là người kế vị Thánh Phêrô. Chúng ta cầu nguyện cho Đức Phanxico trước những khó khăn tư bề mà ngài đang chống đỡ, nhất là những tai tiếng trong Giáo Hội do một số phần tử thiếu gương mẫu gây nên mà giờ đây vị đại diện Chúa Kitô ở trần gian phải gánh lấy. Chúng ta cũng không quên cầu nguyện cho các vị lãnh đạo trong giáo hội luôn biết ý thức vai trò và trọng trách của mình để chỉ làm vinh danh Nước Chúa chứ không làm vinh danh riêng mình. Hôm nay cũng là ngày tôi nhận thêm một trọng trách mới như là người đứng đầu của Nhà Chính tại Dòng. Với nhiều trách nhiệm vì phải điều phối những công việc đối nội cũng như đối ngoại nên cần phải linh động, uyển chuyển và sự kiên nhẫn. Kính xin hai thánh Tông Đồ luôn phù hộ và đồng hành với con trong sứ vụ và bài sai mới, để con luôn biết yêu và phục vụ anh em vì như Chúa Giêsu đã từng nói ai làm lớn phải là người phục vụ anh em. Xin Chúa ban cho con sự khôn ngoan và khiêm nhường để con luôn chu toàn trách nhiệm của mình với tâm hồn luôn vui tươi, rộng mở, để những người con phục vụ cảm nhận được sự hiện diện Chúa và luôn cộng tác với nhau để làm sáng danh Nước Chúa. Xin Chúc mừng những anh em có bổn mạng Phêrô và Phaolo. Xin Chúa ban nhiều ơn lành cho chúng con. Amen.  
Nha Trang, ngày 29 tháng 6 năm 2020
Lễ Kính Thánh Phêrô và Phaolo Tông đồ,
Lm. Antôn Trần Xuân Sang, SVD.                       


Saturday, June 20, 2020

Father’s Day – Viết cho những người Cha dịp tôn vinh Ngày Hiền Phụ

Chúa Nhật 21.6.2020 năm nay,  theo niên lịch phụng vụ là ngày lễ kính thánh Louis Gonzaga, một tu sĩ trẻ Dòng Tên qua đời tại Roma khi vừa mới tròn 23 cái xuân xanh do hăng say chăm sóc các bệnh nhân trong cơn đại dịch bùng phát tại Roma giống như cơn đại dịch Vũ Hán vừa mới xảy ra. Vị thánh trẻ này đã được Đức Pio XI đặt làm bổn mạng của giới trẻ Công giáo dịp phong thánh cho ngài. Là người Công giáo nghĩa là người biết kính mến Thiên Chúa là Cha, biết hiếu thảo với những bậc sinh thành, Xxn mạo muội viết đôi lời cho những người cha thân yêu trong ngày Hiền Phụ trong Chúa Nhật tuần thứ ba của tháng 6.
Từ thời Trung Cổ, các quốc gia công giáo ở Âu châu đã có một ngày đặc biệt để nhớ đến những người cha, và họ đã chọn ngày lễ thánh Giuse 19.3 là ngày tôn vinh công đức sinh thành của các bậc hiền phụ. Không ai tốt lành và thánh thiện như cha Thánh Giuse dù ngài không có công sinh, nhưng có công dưỡng dục Ngôi Hai Thiên Chúa làm Người là Chúa Giêsu- và chính Chúa Giêsu cũng gọi thánh Giuse cách trìu mến là Abba – Cha yêu.
Vào những năm đầu của thế kỷ XX, một phụ nữ có tên là Sonora Smart Dodd đã vận động toàn dân Hoa Kỳ chọn một ngày để tưởng nhớ về những người cha của họ vì cô đã cảm nhận được tình thương cao vời vời của chính người cha thân yêu của cô đã giành cho cô; và quốc hội Hoa Kỳ cuối cùng đã chính thức chọn Chúa Nhật tuần thứ ba của tháng 6 là một ngày đặc biệt để tôn vinh những người cha như họ đã từng tôn vinh những người mẹ vào Chúa nhật tuần thứ hai của tháng 5. Từ đó, các quốc gia khác cũng chọn ra những ngày khác nhau để nhớ về đấng sinh thành ra mình. Trong những năm gần đây, người Việt chúng ta khi bắt đầu hội nhập thế giới cũng đã tôn vinh người thân sinh của mình  mà người khác tôn giáo gọi là ngày Chủ nhật tuần ba của tháng 6 thay vì gọi là Chúa Nhật như cách gọi của người Công giáo dù ý nghĩa cũng không khác nhau.
Người nói tiếng Anh gọi người sinh ra mình là ‘Dad’, hay thân mật hơn là ‘Daddy’ trong gia đình, và thường gọi các linh mục Công giáo là ‘Father’. Người nói tiếng Tây Ban Nha gọi người sinh thành ra mình trong gia đình là ‘Papá’ hay ‘Papi’ và gọi các linh mục là ‘Padre’ hay thân mật hơn gọi là ‘Padrecito’ là người cha tinh thần trong giáo hội. Còn người Việt Nam chúng ta có nhiều từ để gọi người sinh thành ra mình, nào là: Bố, Ba, Cha, Tía, Thầy, Cậu… và gọi các linh mục Công giáo là Cha, Cụ, Ông Cố, (người Bình Định, người miền Tây), Thầy Cả… và vì thế ngày lễ của cha cũng là ngày lễ nhớ ơn các linh mục, những người cha tinh thần.
Nói về người cha, tục ngữ ca dao Việt Nam tuy đề cập không nhiều như nói về người mẹ, nhiều câu nói bất hủ cũng nói lên công ơn trời bể của những cột trụ trong gia đình như: Công cha như núi thái sơn…, Gánh nặng cuộc đời không ai khổ bằng cha…, Cha là chỗ dựa mẹ là gối êm…, Ơn cha bóng núi âm thầm…, Ơn cha núi chất trời Tây…, Mây trời lồng lộng khó phủ kín công cha…, Ơn cha như núi như non, hy sinh tất cả cho con nên người… Người cha không bao giờ có sự ghen tỵ với công ơn người mẹ và luôn âm thầm làm những gì mình phải làm để gánh vác gia đình và giang sơn đất nước. Gương điển hình ấy là thánh Cả Giuse, bổn mạng của những người cha, luôn âm thầm lo lắng cho mái ấm Nazareth trước những bắt bớ, khó khăn rình rập của tuổi thơ Giêsu mà ngài không hề có một tiếng kêu than, trách móc. Có những người cha gà trống nuôi con trong thời buổi hiện tại đã quên bản thân mình để lo cho con cái, nhưng đáp lại tấm lòng cao quí ấy là sự hỗn xược, xấc láo và coi thường những đấng bậc sinh thành. Có những người Công giáo mà tôi từng biết đến đã khinh thường ra mặt nguồn gốc cha mẹ mình khi mình đang đứng ở địa vị cao, và trong số ấy cũng có cả một số bậc tu trì nữa.
Tôi cũng có một người cha đã về với Chúa cách đây hơn một năm, và dịp cuối tháng 3 vừa rồi lẽ ra tôi cử hành lễ giỗ đầu cho ông trong chuyến hồi hương nhưng do lệnh cách ly đại dịch Covid nên chúng tôi chỉ âm thầm dâng lễ cầu nguyện cho ông. Dẫu biết rằng trong mắt nhiều người ba tôi không là người hoàn hảo, trong lòng tôi ông ấy là người tôi luôn kính trọng và quí mến dù chưa bao giờ tôi nói ra. Còn nhớ sau những tháng ngày ‘học tập cải tạo’ vì là quân nhân của chế độ cũ, gia đình chúng tôi bị đẩy về vùng kinh tế mới và luôn phải sống trong sự kiểm soát khắc khe của chính quyền địa phương. Ba tôi vẫn luôn là trụ cột trong một gia đình lớn gồm 9 người con và không người con nào đến bây giờ quá hư hỏng, bê tha giữa một xã hội vàng thau lẫn lộn. Ngày tôi bước theo Chúa để vào Dòng tu, ba tôi vẫn luôn ủng hộ tôi trong mọi nẻo đường của đứa con nhỏ nhất dù đôi lúc cha con chúng tôi cũng có vài điểm bất đồng với nhau.
Mừng Ngày Hiền Phụ để tôn vinh những người cha hôm nay, tôi muốn thắp lên một nén nhang để tưởng nhớ công ơn của ba tôi vì nhờ ông mà nay tôi cũng trở thành một linh mục, một người cha tinh thần trong giáo hội Công giáo. Tôi không có nhiều điều để kể về công ơn của ba tôi ngoại trừ điều duy nhất tôi dám nói là nhờ ông mà có tôi. Ba ơi, con biết còn rất nhiều điều giữa ba và con chưa nói hết với nhau trước khi ba qua đời vì con còn mắc nợ ba một lời hứa trước khi con chuyển nơi phục vụ từ Paraguay về Hòa Lan. Nay con đã về quê hương do ý Chúa sắp đặt để có dịp hàng năm về thăm mộ ba mỗi đợt giỗ, kỵ và thắp lên mộ ba những nén hương lòng mong linh hồn ba siêu thoát về hưởng tôn nhan Chúa. Cũng mong những ai còn cha mẹ luôn trân quí và đền đáp công ơn sinh thành của các bậc sinh thành vì đó cũng là giới răn và lệnh truyền của Chúa là hãy thảo kính cha mẹ. Xin chúc mừng những người cha thể lý cũng như tinh thần trong Ngày Hiền Phụ hôm nay.
Tin Mừng Chúa Nhật XII Thường niên hôm nay Chúa Giêsu một lần nữa cũng nhắn nhủ các môn đệ hãy vững tâm đừng sợ trước những bắt bớ, sĩ nhục khi loan báo Tin Mừng vì đã có Cha ở trên trời luôn lo lắng và đồng hành với chúng ta. Người cha luôn là điểm tựa cho con cái vươn lên. Xin cho tất cả những ai mang trọng trách là ‘cha’ biết chu toàn bổn phận và trách nhiệm của mình để con cái luôn nể phục và yêu thương. Xin những người con luôn tỏ lòng yêu kính cha mẹ mình dù đôi lúc cha mẹ già hơi khó tính và làm cho con cái khá bức bội khi họ trái gió, trở trời vì tuổi tác nhưng phận làm con luôn biết chu toàn vì như lời Kinh Thánh nói phàm ai yêu mến cha mình thì đền bù tội lỗi, ai thảo kính mẹ mình thì như tìm thấy kho tàng. Feliz día del padre. Happy Father’s Day. Chúc mừng Ngày Hiền Phụ.  
Ngày Hiền Phụ- Sài Gòn 21 tháng 06 năm 2020,
Lm. Antôn Trần Xuân Sang, SVD.