Saturday, September 3, 2011

PARAGUAY – NHỮNG ĐIỀU TRÔNG THẤY

             Một đêm hội ngộ 

         Tối ngày 31 tháng 5 năm 2011, người dân Paraguay tố chức thánh lễ bế mạc mừng 200 năm độc lập tại Sân Vận Động quốc tế Defensores del Chaco tọa lạc ở thủ đô Asuncion. Mọi người, nhất là giới trẻ từ khắp các giáo phận trong nước về tham dự buổi hội ngộ này dưới sự chủ tọa của Sứ Thần Tòa Thánh cùng các giám mục, linh mục đang phục vụ tại Paraguay. Cũng có vị phó tổng thổng, các bộ trưởng và các thượng nghị sĩ tham dự thánh lễ bế mạc này. Tôi có duyên để tham dự đêm hội ngộ đầy ấn tượng này và muốn chia sẻ những điều mình trông thấy.
Công bằng mà nói cách tổ chức thánh lễ hay các sinh hoạt mang tầm vóc quốc tế thì người Việt của mình hơn rất nhiều các nước, nhất là ở Paraguay này. Nhưng cũng công bằng mà nói người Paraguay và các nước Nam Mỹ nói chung có một sự tự do, tôn trọng lẫn nhau và làm việc rất hài hòa giữa tất cả các giai tầng trong xã hội và luôn có một lối sáng tạo chứ không cứng nhắc, sợ sệt như kiểu dân Việt mình. Thánh lễ diễn ra lúc 7 giờ tối nhưng vào chúng tôi đến vào lúc 5 giờ chiều thì sân vận động đã đông nghịt người và các bạn trẻ bắt đầu hát hò, nhảy múa thật vui. Vì thời tiết Paraguay bắt đầu chuyển qua mùa Đông nên hoàng hôn ập xuống rất nhanh. Những ánh đèn màu chiếu theo tiếng nhạc và những điệu nhảy Nam Mỹ của từng nhóm trẻ đại diện cho các giáo phận làm cho bầu không khí vốn đã nhộn nhịp, lại càng hấp dẫn thêm. Một nữ ca sĩ nổi tiếng của Paraguay thuộc phong trào canh tân đoàn sủng trước khi trình diễn ca khúc về Chúa Thánh Thần đã dâng lên lời nguyện để cầu cho đất nước Paraguay mỗi ngày một nên ý thức hơn trong năm mừng kỷ niệm 200 năm độc lập và kêu gọi tất cả mọi thành phần, từ giáo sĩ, tu sĩ, giáo dân phải sống nên thánh bằng cách thay đổi cách sống chưa phù hợp với Tin Mừng. Ông phó tổng thống là khách mời danh dự nên được ngồi gần hàng ghế các linh mục vì lí do an ninh mới quay qua nói vị bộ trưởng tài chính nói vui : “Cầu cho các chính trị gia phải sống thánh nữa chứ!” Giới trẻ hôm nay sao mà khí thế và hăng say quá. Bình thường trong các thánh lễ, kể cá lễ Chúa Nhật và các lễ trọng cũng rất hiếm khi họ tham dự. nhưng hôm nay sao mà họ sốt sắng và tích cực như vậy. Tôi cũng thấy trong thánh lễ có một thông ngôn cho những người khiếm thính (người câm điếc) đứng ợ một vị trí trang trọng để thông dịch bằng cử chỉ cho các tham dự viên không nghe, không nói được vì thánh lễ cũng được trực tiếp truyền hình cho toàn quốc. Paraguay vẫn còn là nước nghèo, chậm tiến nhưng sao họ biết chú trọng đến những người tàn tật, cơ nhỡ, góa bụa khiến tôi nghĩ lại đến nước mình mà thấy tủi thân vì chẳng những người tật nguyền bị xem thường mà ngay đến những nhân tài, trí thức cũng bị lãng quên nếu không phải là con ông cháu cha hay gia đình có tiền để chạy chọt.
Trong bài giảng lễ, Đức Sứ Thần Tóa Thánh người Italia với ngôn ngữ ngoại giao, ngài đã chúc mừng và nói đến một đất nước Paraguay được chúc phúc với những hoa quả tốt đẹp của Chúa Thánh Thần, nhưng ngài cũng không quên nhấn mạnh đến tầm vóc Loan Báo Tin Mừng là đem công lí, tình thương đến cho mọi người. Ngài cũng kêu gọi chính quyền loại trừ nạn tham nhũng, bất công để đem lại một nước Paraguay hòa bình, thịnh vượng với các quốc gia láng giềng. Mọi người vỗ tay tán thưởng và sau đó một vị thượng nghị sĩ Công giáo đã đọc lời nguyện giáo dân với việc cầu nguyện cho các chính khách biết thực thi quyền bính dân sự theo lời mời gọi của Chúa và sống nên thánh trong chức vụ của mình. Trong khi thức trao ban bình an, các vị giám mục và linh mục đồng tế đến hôn chúc bình an vị phó tống thống, các vị bộ trưởng, thượng nghị sĩ và các phu nhân để biểu lộ một ước muốn hòa bình dũ giữa giáo quyền và chính quyền vẫn còn những chuyện bất đồng trong cách hành xử quyền bính. 

            Trông người mà nghĩ đến ta 

 Những ngày vừa qua trên phương tiện truyền thông trong nước cũng như quốc tế, tôi được biết hành động xâm lăng bất chấp luật pháp của người dân láng giềng to xác muốn lấy thịt đè người đối với người dân thân yêu Việt Nam của tôi. Tôi còn nhớ vào đầu thập niên 1980s, nghĩa là từ sau trận chiến với bọn giặc phương Bắc năm 1979, chúng tôi có được tuyên truyền và biết đến câu “Bọn bành trướng bá quyền Bắc Kinh” từ trong ghế nhà trường xã hội chủ nghĩa. Ngày ấy dù tôi chưa hiểu nhiều về chính sách bành trướng của người láng giềng kiêu ngạo này, trong lòng tôi vẫn có một cái gì khó chịu và không ưa gì lắm những người mạnh hiếp yếu này. Ngày 9 tháng 6 vừa rồi những con người to xác xấu tính ấy lại tiếp tục uy hiếp người tàu Việt Nam chúng ta trên vùng biển. Những tàu trang bị vũ khí đội lốt tàu tuần ngư để phá hoại và xâm phạm lãnh hải của ta một cách ngang ngược, bất chấp luật pháp quốc tế, ngông cuồng như một con thú điên sẵn sàng cắn xé bất cứ ai đụng đến nó. Tuy nhiên sau đó bọn họ lại ngang ngược nói rằng Việt Nam xua đuổi tàu họ nên họ mới chạy vướng vào tàu của Việt Nam. Đúng là vừa ăn cướp, vừa la làng không còn gì xấu hổ bằng. Trong những ngày này chúng tôi cũng có cuộc họp giữa các nhà truyền giáo trẻ tại thủ đô Asunción. Một linh mục người Phi Luật Tân có tâm sự với tôi về chuyện tranh chấp lãnh hải giữa người Phi Luật Tân và người Tàu Cộng. Linh mục người Phi này có vẻ bức xúc lắm về sự ngang ngược và bỉ ổi của bọn Tàu Cộng. Trong cuộc họp này cũng có một anh em linh mục người Tàu đến từ tỉnh Thiểm Tây mà tôi đã có lần chia sẻ. Dù trong lòng tôi không có máu hận thù hay thành kiến gì với anh linh mục Tàu này nhưng mỗi khi anh phát biểu là y như anh đang lên lớp dạy với thái độ rất ngạo mạn vì tự cho rằng mình đến từ một nước lớn. Anh ta đã từng sống chung cộng đoàn với một linh mục người Kenya, Phi Châu nhưng sau đó đụng mạnh và chuyển qua sống với một linh mục người Ba-lan, rồi cũng đụng nhau chóe lửa. Sau đó nhà Dòng cho anh chuyển qua sống với một linh mục người Paraguay và cả hai cũng đụng nhau tơi bời khói lửa nên nhà Dòng vừa chuyển anh đến sống với một linh mục thánh thiện người Đức. Và nếu lần này anh sống không hòa thuận nữa với linh mục lão thành người Đức này thì nhà Dòng sẽ gởi anh về Thiểm Tây, China của anh để anh có thể làm trời làm đất gì ở đó cũng được. Tôi đã nhiều lần “dĩ hòa vi quí” với anh nhưng anh vẫn luôn rêu rao rằng Việt Nam là một tỉnh của Trung quốc nên buộc tôi phải lên tiếng với anh. Bởi thế anh không thích tôi lắm và tôi cũng không cần điều đó. Tôi không muốn biện minh hay nói xấu ai vì dẫu sao linh mục China này cũng là người anh em cùng Dòng với tôi. Nhưng tôi không muốn im lặng mãi trước sự xấu tính của người láng giềng to xác này đang ngang nhiên xúc phạm dân tôi. Nhớ lại lời Đức Cố Hồng Y Phan-xi-cô Nguyễn Văn Thuận trong bài ‘”Con có một tổ quốc” khiến mình cảm thấy xấu hổ vì chưa làm được gì cho tổ quốc ngoại trừ lòng yêu nước : “…

 Con có một tổ quốc Việt Nam
Quê hương yêu quí ngàn đời. 
Con hãnh diện, con vui sướng. … 
Là người Công Giáo Việt Nam, 
Con phải yêu Tổ Quốc gấp bội. 
Chúa dạy con, Hội Thánh bảo con. 
Cha mong giòng máu ái quốc, 
Sôi trào trong huyết quản con.” 

Tôi thấy ở đất nước Paraguay bé nhỏ này cũng đã nhiều lần có chiến tranh với các nước láng giềng rộng lớn như Argentina và Brazil nhưng họ không hề sợ các đối thủ to xác. Họ sẵn sàng biểu lộ những bất bình của họ qua các cuộc biểu tình và nhất là họ biểu lộ lòng yêu nước khi quốc gia láng giếng nào xâm phạm lãnh thổ của họ một cách công khai, rầm rộ cho dù có mất mát một vài mối lợi kinh tế. Cố thủ tướng Việt Nam Võ Văn Kiệt, một người cộng sản Việt Nam chân chính đã từng phát biểu một cậu thật khá hay: “Tổ quốc là của mình, dân tộc là của mình, quốc gia là của mình, Việt Nam là của mình, chứ không phải là của riêng của người cộng sản hay của bất cứ tôn giáo hay phe phái nào cả.” Vậy mà buồn thay khi mình muốn diễn tả, muốn nói lên tinh thần yêu nước của mình trước giặc ngoại xâm thì bị chụp mũ, bị cho là phản động, là gì gì nữa và dĩ nhiên sẽ bị theo dõi, bị mời “làm việc” và cũng có thể bị bắt bất cứ lúc nào. Tôi chia sẻ bài viết này với tư cách là một người Việt Nam đang làm việc ở một nước dân chủ trong vai trò là một nhà truyền giáo. Vì thấy quá bức xúc trước hành động xâm lăng nên tôi muốn bày tỏ một chút tâm tình về lòng yêu nước. Hãy để cho chúng tôi biểu lộ lòng yêu nước một cách hoà bình trước người láng giếng xấu tính để họ nhận ra điều xấu họ đang làm vì chúng tôi mang dòng máu Việt Nam.

  Paraguay, 13-6-2011, lễ thánh Antôn Pađua

No comments:

Post a Comment