Saturday, June 29, 2019


HÒA LAN – DẤU LẶNG TRONG ĐỜI SỐNG MỤC VỤ

Ngay từ khi bắt đầu biết hát và học nhạc lý ở Nhà Dòng, chúng tôi rất thích bài hát Hang Bê-lem của cố nhạc sỹ Hải Linh-Minh Châu vì có những dấu lặng ngẫu hứng và đúng lúc khiến nhạc phẩm này không thể không hát vào mùa Giáng Sinh. Trong âm nhạc, dấu lặng có chức năng là ngăn cách các tiết nhạc hay câu nhạc và tạo thời gian nghỉ cho người biểu diễn và người chơi nhạc cụ nhằm tạo cho bài hát sống động hơn.
Trong đời sống tu trì hay đời sống gia đình, có những lúc cũng rất cần những dấu lặng để mọi người có thể lắng đọng và nhìn lại mình. Đó là những kỳ tĩnh tâm, những buổi thường huấn, những cuộc gặp gỡ, chia sẻ…Và dĩ nhiên, trong cuộc sống rất cần những dấu lặng ý nghĩa ấy để chúng ta có những giây phút xem lại bản thân để mỗi ngày hoàn thiện hơn.
Tuy nhiên, có những lúc chúng ta lại quên đi những dấu lặng đấy ý nghĩa ấy và cứ lao vào công việc, bất chấp những lời khuyên của những người bạn thân hay của chính cơ thể thỉnh thoảng dự báo những dấu hiệu muốn ta phải dừng lại để điều tiết cuộc sống mình trước khi quá muộn. Và chính bản thân chúng tôi phải trả giá cho sự thiếu điều tiết này.
Thứ Bảy ngày 22.06 vừa qua chúng tôi có tổ chức một ngày hội bao gồm thánh lễ và văn nghệ cho một số giáo khu người Việt tại Rotterdam để tôn vinh Mẹ Maria cũng như nhớ ơn những người Mẹ mà lẽ ra chúng tôi đã tổ chức hồi tháng 5 nhưng do lịch trình khá bận. mục đích của ngày hội này là chúng tôi muốn nhớ ơn những người Mẹ và dùng lời ca, tiếng hát để nói lên tâm tình ấy. Chúng tôi cũng muốn tạo một sân chơi để tạo tình liên đới giữa các liên giáo khu vì các ca đoàn liên giáo khu hát rất hay và có những bộ áo dài rất đẹp nhưng ít có cơ hội thi thố tài năng của mình. Và cũng trong dịp này chúng tôi cũng tổ chức một cuộc lạc quyên nhỏ để giúp đỡ các bà mẹ trẻ nghèo người dân tộc thiểu số cũng như các bà bầu lầm lỡ ở Tây Nguyên đang cần sự giúp đỡ để có thể vượt cạn thành công, và cũng giúp nghĩa trang thai nhi do các thiện nghiện viên hàng tuần phải thu nhặt ở các bệnh viện  để được chôn cất cách tử tế vì người ta đã phá thai không thương tiếc tại giáo phận Kontum.
Lần đầu tiên tổ chức một lễ hội như thế nên chúng tôi phải cố gắng làm sao để mọi người tham dự cảm thấy thoải mái và mỗi người là một diễn viên chính trong ngày hội. Với sự cộng tác hết mình từ khâu ẩm thực, âm thanh, ban nhạc, ca đoàn, trật tự, phục vụ… hoàn toàn tự nguyện đã góp phần thành công lớn trong ngày hội. Cũng có nhiều anh chị em bên Bỉ quốc và Đức quốc cũng tham dự và mọi người đều xem nhau như một gia đình.
Phải thật sự nói rằng anh chị em Việt Nam tại hải ngoại nói chung và tại Hòa Lan nơi chúng tôi đang phục vụ nói riêng rất có tinh thần làm việc chung và hi sinh thời gian, công sức và tiền bạc rất nhiều mỗi khi đượckêu gọi đóng góp một điều gì đó. Lần này họ cũng đã làm hết mình khi mỗi giáo khu chuẩn bị đồ ăn, thức uống cũng như những lĩnh vực khác để ngày hội “Nhớ về Mẹ” được thành công tốt đẹp. Không ai ngờ rằng cuộc lạc quyên hôm đó nhận được một số tiền lớn để giúp cho những dự án ở Tây Nguyên. Bản thân chúng tôi rất hài lòng dù ngày hôm đó tôi rất mệt và cơ thể đã dự báo sẽ có chuyện xảy ra nhưng vì ham công, tiếc việc nên chúng tôi đã cố gắng làm đến phút cuối.
Rồi chuyện gì đến, phải đến. Ngày Chúa nhật sau đó tôi đã kiệt sức nhưng vẫn cố dâng hai thánh lễ trong ngày rồi trở về nhà nằm liệt luôn vì đôi chân không thể nhấc lên được. Một gia đình người Việt điện thoại cho tôi trong đêm hỏi thăm tình hình sức khỏe của chúng tôi thế nào và khuyên tôi phải đi bệnh viện gấp nhưng tôi rất sợ bệnh viện và nằm lỳ ở nhà. Vậy mà nửa đêm Chúa Nhật, 3 người giáo dân thân thương ấy từ phía Nam Hòa Lan đã đến tận nhà Dòng để sơ cứu cho chúng tôi gần đến sáng trước khi chúng tôi được đưa đến bệnh viện cấp cứu.
Những ngày nằm trong bệnh viện là những dấu lặng bất đắc dĩ để có thời gian suy nghĩ chuyện đời, chuyện mình. Không biết ai đó đưa thông tin gì rất trầm trọng liên quan đến sức khỏe về chúng tôi trên không gian mạng nên nhiều người rất bất ngờ và tưởng rằng tôi sắp lìa cõi đời hay nhẹ lắm cũng trở thành bất toại. Biết bao cuộc gọi nhỡ những cuộc nhắn tin nhưng vì lúc đi cấp cứu không mang theo gì. Phải đến chiều một linh mục trong Dòng mới đem những dụng cụ cá nhân cần thiết để làm thủ tục thì mới biết được tin tức. Cũng may nhờ chiếc điện thoại thông minh và wifi trong bệnh viện mà chúng tôi được biết nhiều điều cũng như nhận được nhiều lời thăm hỏi, động viên qua những tin nhắn và cuộc gọi khắp nơi. Bệnh viện Hòa Lan rất hiện đại và người ta phục vụ rất tận tình lo lắng cho bệnh nhân và không quan trọng bệnh nhân đó là ai nhưng họ vẫn phục vụ hết mình. Chính vì thế mà mình không còn cảm giác sợ vì mình vẫn bị ám ảnh hai chữ bệnh viện bên quê nhà ở Việt Nam. Ngẫm nghĩ lại mình chẳng làm được gì trong 2 năm sống ở Hòa Lan nhưng được mọi người thương mến và quan tâm lo lắng trong những ngày nằm viện vì người ta thường nói hoạn nạn mới hiểu được bạn bè. Có thể vì sống xa quê hương, xa gia đình đã lâu nên cảm thấy những người quan tâm, lo lắng cho mình lúc ngặt nghèo là người thân đích thực của mình. Những cuộc viếng thăm và động viên của những người đồng hương khiến chúng tôi cảm động vô cùng vì ở đây mình hoàn toàn đơn độc, và khi họ ra về thì mình lại khóc dù nước mắt bây giờ không còn nữa. Những dấu lặng dù bất đắc dĩ như thế này nhưng cũng giúp chúng tôi phần nào biết tịnh dưỡng, suy nghĩ về cuộc đời để mình cố gắng sống sao cho đẹp lòng Chúa và không phụ lòng người.
Hôm nay giáo hội mừng kính hai vị thánh trụ cột là Phêrô và Phaolô. Hai con người, hai cách sống hoàn toàn khác nhau nhưng đã biết hoán cải và trở nên những tông đồ nhiệt thành của Chúa. Xin chúc mừng những ai nhận hai thánh Phêrô và Phaolô làm quan thầy hãy biết chấp nhận thân phận mỏng giòn yếu đuối của mình và mau hoán cái để được Chúa tha thứ và mời gọi. Giáo hội hôm nay vẫn cần những Phêrô và Phaolô mới, dám bỏ, dám theo, dám yêu, dám sống và dám chết cho Ðức Kitô và Tin Mừng. Giáo hội vẫn cần những chiếc cột và những tảng đá. Với lòng ngưỡng mộ biết ơn các ngài, chúng ta quyết một lòng trung thành với đức tin đã lãnh nhận.  
Nhờ những dấu lặng mà âm nhạc hay hơn cũng như nhờ những dấu lặng cuộc đời mà cuộc sống ý nghĩa hơn. Những ngày qua nằm ở bệnh viện do một cơn tai biến nhẹ và được chữa trị kịp thời tại bệnh viện Rotterdam, Hòa Lan. Nay bác sĩ đã cho về lại nhà Dòng để tịnh dưỡng và điều trị vật lý trị liệu cho bàn tay và chân trái.Xin chân thành cảm ơn sự quan tâm, lo lắng, những lời cầu nguyện, những tin nhắn và những cuộc viếng thăm của tất cả mọi người ở Hòa Lan, Đức, Nauy, Hoa Kỳ, Bỉ, Pháp, Paraguay và Việt Nam đã động viên tinh thần rất nhiều. Cảm ơn sự quý mến của anh chị em và xin Chúa, Mẹ Maria và thánh Giuse luôn ban nhiều ơn phước cho anh chị em.               
                               Hòa Lan, 29 tháng 06 năm 2019-
Lễ hai thánh tông đồ Phêrô và Phaolô
 Lm. Antôn Trần Xuân Sang, SVD.   

Saturday, June 15, 2019


HÒA LAN – VIẾT CHO BA


Chúa Nhật tuần thứ ba của Tháng 6 hàng năm người ta mừng lễ Ngày của Cha (Father’s Day, Vaderdag). Tháng 6 cũng là tháng Thánh Tâm và ngày lễ của những người cha năm nay lại trùng vào ngày lễ Chúa Ba Ngôi. Nhiều người hỏi chúng tôi rằng sao chúng tôi ít nói hay không nói gì về người cha vậy. Hôm nay chúng tôi trầm tĩnh lại và bắt đầu nói chút ít về những người cha, và cách riêng về người cha của mình vừa mới qua đời cách đây hơn 2 tháng.
Từ ngày có trí khôn đến giờ tôi thường gọi hai đấng sinh thành của mình là Ba Má theo cách gọi của người Sài Gòn vì chúng tôi sinh ra tại cựu thủ đô của Việt Nam cộng hòa trong một cư xá quân đội và được một linh mục tuyên úy rửa tội vào những năm tháng trước 1975. Những ngày xa xưa ấy dù còn bé nhưng chúng tôi luôn được sống trong một bầu khí đạo hạnh, trong một gia đình quân nhân được bao bọc và chăm sóc đời sống tinh thần của một vị tuyên úy đạo đức và trong tâm trí tôi lúc ấy, ba là một vị anh hùng.
Ba tôi từng là một thuyền trưởng trong ngành hải quân nên chúng tôi rất thích những bộ đồ Ba mặc khi đi làm hay lúc trở về từ nhiệm sở trông oai vệ làm sao. Vì là quân nhân nên gia đình chúng tôi có rất nhiều anh em vì nhà nước rất quan tâm đến gia đình các quân nhân nên con cái cũng được hưởng những đặc quyền để người quân nhân luôn làm tròn trách nhiệm mà không phải xao nhãng về chuyện gia đình. Những ngày trước 1975 phải thực sự nói rằng chúng tôi rất hạnh phúc dù gia đình chúng tôi không giàu sang nhà cao cửa rộng, chúng tôi vẫn cảm thấy một cuộc sống an bình vì Ba Má chúng tôi luôn là chỗ dựa vững chắc nhất.  
Tuy nhiên, biến cố 1975 đã khiến gia đình chúng tôi tản mác sống dở, chết dở và bị đưa về vùng kinh tế mới ở Tây nguyên. Từ một gia đình khá giả, nề nếp, chúng tôi trở thành bần cố nông và mọi người trong gia đình đều bị theo dõi nhất cử, nhất động vì là tàn dư của chế độ Mỹ, Ngụy. Những ngày đau buồn, khó khăn  ấy lại thiếu vắng người cha vì phải đi học tập cải tạo nên đứa trẻ như tôi cảm thấy thiếu đi một điều gì đó thiêng liêng mà đến giờ mình mới biết đó là tình cảm cha con.
Những năm tháng sống ở Tây Nguyên đến ngày Ba tôi lìa đời ông không bao giờ than trách cho số phận dẫu cuộc đời lắm lúc khiến ông khó chịu trong việc sửa dạy con cái, sự phản bội của bạn bè và nhất là sự tráo trở của chính quyền. Cái thời mà nhà nước buộc mọi người phải tham gia hợp tác xã, rồi kế hoạch 5 năm, rồi chương trình này, chương trình nọ Ba tôi đều tham gia nhưng mỗi khi cho ý kiến đều bị chụp mũ và không bao giờ được lắng nghe. Trong giáo xứ nơi chúng tôi sinh sống, Ba tôi chỉ đảm nhận vai trò Ban Lâm Chung, nghĩa là nếu có ai chết thì lo đóng hòm với những miếng ván gỗ kiếm được để người chết có một quan tài đàng hoàng vì thời đó ai cũng nghèo có tiền đâu mà lo ma chay. Trong gia đình Ba tôi cũng phải đi tìm đủ thứ việc làm vì Ba tôi biết làm mộc và làm nhà và thường thầu nhà từ A đến Z nhưng thường lấy công làm lời vì có các anh em chúng tôi cũng như những con cháu của Ba không có việc làm. Những lúc ấy Má tôi thường càm ràm là sao Ba không biết tính toán mà đi làm ăn chỉ bị lỗ nhưng Má không hiểu rằng Ba muốn giúp những người nghèo có ngôi nhà và con cái có việc làm nhưng chỉ hàng ngày dùng đủ là được.
Ngày chúng tôi đi thi đại học ở Sài Gòn Ba tôi đưa tôi đi thi và sau đó Ba còn dẫn chúng tôi đến những nơi mà trước đây Bà từng làm việc. Những người bạn cùng thời quân ngũ với ba có người đã chết trong tù hay những người còn sống đều định cư ở Âu-Mỹ. Hình như gia đình chúng tôi không có duyên ở ngoại quốc vì mỗi lần Ba định ra đi là có tranh luận kịch liệt giữa Ba Má nên cuối cùng Ba phải ở lại. Nhìn thấy Ba đôi lúc buồn rầu hiện rõ lên khuôn mặt nhưng chúng tôi cũng không biết làm gì.
Những ngày tôi đi tu ở Nha Trang, Ba Má chúng tôi phải bán đi một mảnh đất nhỏ mà tôi sau này mới biết để lo lộ phí và tiền học cho tôi trong Dòng vì ngày đó nhà Dòng chỉ cho chổ ở còn mọi việc khác phải gia đình phải tự lo liệu. Lâu lâu mới có dịp về ít ngày rồi lại đi nên tôi ít có dịp hàn huyên với Ba nhưng Ba vẫn không phàn nàn gì vì Ba tôi biết tính khí của từng người con.
Ngày tôi chịu chức linh mục cũng là ngày Ba tôi bị tai biến tuy nhẹ nhưng cũng ảnh hưởng đến ngày ông lìa đời. Ông rất vui khi cùng Má tôi dâng áo lễ cho đứa con mình và khi xem lại đoạn băng video tôi thấy ông khóc dù không thành tiếng nhưng trong khóe mắt ông những giọt nước mắt chảy dài vì vui sướng. Có lẽ lời cầu nguyện chân thành của Ba tôi giờ đã trở thành hiện thực khi có một người con áp út trở thành linh mục của Chúa.
Ngày tôi rời Việt Nam để đi truyền giáo ở Paraguay, Ba tôi cũng tiễn tôi ở Sân Bay Tân Sơn Nhất dù ông đi khập khiễng do ảnh hưởng của cơn tai biến, và lần này tôi thấy ông rất buồn trong khi Má tôi khóc rất nhiều. Cha mẹ nào cũng mong con được chịu chức và ở gần mình, đằng này con mới được chịu chức chưa được vui bao lâu lại phải ra đi truyền giáo ở một quốc gia xa lạ mà không biết bao lâu mới được gặp lại. Ngồi trên chuyến bay dài để đến Paraguay, chúng tôi mới nghiệm ra được tình yêu thương của cha mẹ và những người thân dành cho mình, nhưng vì sứ vụ và ơn gọi truyền giáo nên chúng tôi đành lỗi hẹn.
Những năm truyền giáo bên xứ Nam Mỹ lâu lâu chúng tôi mới gọi điện về vì thời ấy phương tiện truyền thông còn lạc hậu và đắt đỏ quá, và cứ sau 3 năm mới về thăm gia đình được một lần dù tôi rất thương nhớ Ba Má và gia đình nhưng không thể nào làm khác được. Những lúc gặp nhau như vậy, Ba tôi rất vui và thường nói Má làm những món ăn ngon cho tôi ăn.
Ngày Má tôi mất đột ngột, tôi phải bay về thọ tang Má và Ba tôi rất buồn vì Ba Má như đôi chim luôn quấn quýt bên nhau dù có đôi lúc cãi cọ nhau. Nhìn Ba mỗi ngày một già đi vì tuổi tác và bệnh tật, tôi thấy thương Ba vô cùng. Sau ngày an táng Má, Ba tôi có tâm sự là cảm thấy an ủi vì lễ an táng Má có Đức giám mục và gần 40 linh mục đồng tế, không biết lễ tang của Ba có được như vậy không. Tôi chỉ an ủi Ba và nói rằng ngày lễ an táng Ba sẽ gấp đôi như vậy.
Ngày tôi nhận được bài sai từ Roma là tôi sẽ chuyển về Hòa Lan làm việc với người nói tiếng Tây Ban Nha và người di dân, tôi xin phép nhà Dòng cho về thăm gia đình trước khi chuyển Tỉnh Dòng và đã thăm Ba lúc Ba còn tỉnh táo. Tôi nói với Ba rằng sau 3 năm ở Hòa Lan, tôi sẽ được nghỉ phép để thăm Ba, và nếu Ba còn khỏe sẽ đưa Ba qua Hòa Lan đi du lịch một chuyến. Ba tôi rất vui và mong chờ đến ngày đó nhưng ngày đó không bao giờ xảy ra.
Vậy mà Chúa nhật cuối tháng 3 chúng tôi lại nhận được tin Ba tôi đã lìa xa chúng tôi một cách nhẹ nhàng dù vài ngày trước đó tôi còn nói chuyện trên Viber và thấy Ba còn cười và vẫy tay chào tôi.
Ngày lễ an táng của Ba, tôi có mặt ở Việt Nam và trong thánh lễ an táng ấy có sự hiện diện của 2 giám mục và gần 60 linh mục, đúng như những gì Ba mong ước và tôi nghĩ rằng Ba tôi cũng rất mãn nguyện vì phút cuối đời tất cả con cái, cháu chắt hiện diện bên Ba và một thánh lễ an táng mà mọi người, trong đó có các linh mục, tu sĩ và giáo dân đã đến với Ba như là một món quà giành tặng Ba. Tôi cũng đã làm hết sức mình để Ba tôi được mỉm cười nơi chín suối.
Hôm nay là ngày lễ của những người cha. Ba ơi, con hãnh diện vì được làm con Ba. Con biết rằng có những lúc con làm Ba buồn khi con dám nói thẳng với Ba và những lúc đó con cảm thấy Ba đã lắng nghe dù hơi buồn và cũng bắt đầu thay đổi. Làm cha không dễ tý nào phải không Ba? Đã nhiều năm rồi trong chức vụ linh mục người ta cũng gọi con là người cha tinh thần nhưng con cảm thấy mình còn bất xứng quá vì chưa làm tròn thiên chức của mình. Xin Ba phù hộ cho con để con chu toàn sứ vụ của mình và chắc chắc rằng mỗi ngày trong thánh lễ và trong giờ kinh con không bao giờ quên cầu nguyện cho Ba và Má. Chúc mừng Ba trong ngày Hiền Phụ.
Hôm nay Giáo Hội mừng Lễ Chúa Ba Ngôi, một trong những mầu nhiệm chính yếu của đức tin Công giáo. Trong Ba Ngôi mà chúng ta tuyên xưng có Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Chúa Cha tạo dựng vũ trụ, Chúa Con cứu độ nhân loại và Chúa Thánh Thần thánh hóa mọi sự. Xin Ba Ngôi Thiên Chúa cho những người cha biết chu toàn vai trò của mình là 3 trong 1: là người cha tốt, là người chồng trách nhiệm và là người tín hữu đạo đức để gia đình luôn đứng vững trước xã hội đầy tục hóa này. Xin chúc mừng tất cả những người cha. Xin Chúa ban cho những người cha luôn được hạnh phúc và bình an bên gia đình. Happy Father’s Day – Gelukkige Vaderdag.        
                               Hòa Lan, 16 tháng 06 năm 2019- Lễ Chúa Ba Ngôi
 Lm. Antôn Trần Xuân Sang, SVD.   

Saturday, June 8, 2019


HÒA LAN – CHÚT CẢM NGHIỆM DỊP KỶ NIỆM KIM KHÁNH LINH MỤC CỦA ĐỨC ÔNG PHÊRÔ TRẦN VĂN HÒA

Năm 2019 có thể là gọi là năm có nhiều lễ kỷ niệm của các bậc linh mục lão thành trong nước cũng như hải ngoại. Một số linh mục từng bôn ba vượt biển tìm bến bờ tự do sau biến cố 1975 để đồng hành với những người cùng khổ qua những chặng đường cam go giờ đây đã ở tuổi thất tuần, bát tuần và đang nghỉ hưu sau những năm tháng chiến đấu không mệt mỏi. Một trong những linh mục lão thành ấy mà chúng tôi được biết từ ngày đặt chân đến Hòa Lan là Đức Ông Phệrô Trần Văn Hòa. 
Hòa Lan là một quốc gia khá nhỏ bé nhưng có nhiều điều đặc biệt. Một trong những điều đặc biệt ấy là Hòa Lan có một giáo xứ Việt Nam tòng nhân duy nhất ở Âu châu với đầy đủ tư cách pháp nhân và hoạt động cách nhịp nhàng từ ngày thành lập mà người có công lớn nhất là linh mục Phêrô Trần Văn Hòa.
Cha Phêrô Hòa chịu chức linh mục năm 1969 thuộc giáo phận Mỹ Tho. Ngài là cha giáo ở tiểu chủng viện gần 10 năm và sau đó đi di tản qua Pháp, nhưng cơ duyên lại đưa đẩy ngài đến Hòa Lan để làm việc với anh chị em tỵ nạn Việt Nam vừa chân ước, chân ráo đến đinh cư tại Hòa Lan, để rồi từ đó cùng với những anh chị em đầu tầu với sự giúp đỡ của ban ngoại kiều thành lập giáo xứ Việt Nam cho đến nay là 40 năm. Những gì vị linh mục này đã sống, đã làm, đã hiện diện với với những giáo dân thuở hàn vi ai cũng hiểu. Nhiều người tâm sự rằng dù là nửa đêm, có người gọi xức dầu là ngài đi ngay dù trời mưa gió, lạnh lẽo và đường xá xôi vì là xứ tòng nhân trải dài khắp nước Hòa Lan. Có những đôi vợ chồng lúc vui và trúng mánh thì không khi nào phone cha ngài, nhưng khi chuẩn bị ly dị, đỗ vờ thì gọi ngài đến để phân giải… đời sống linh mục của ngài như là của lễ hiến tế để mọi người có thể ăn ngài.
Trong thánh lễ mừng Kim Khánh linh mục vừa qua tại Hòa Lan, Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm, giám mục giáo phận Mỹ Tho đến từ Việt Nam đã chủ tế và giảng lễ cho Đức ông Phêrô Hòa. Đức cha Phêrô cảm thấy rất vui và hãnh diện vì giáo phận Mỹ Tho đã đóng góp cho Hòa Lan nói chung và giáo xứ Việt Nam tai Hòa Lan nói riêng một vị chủ chăn hiền lành, gương mẫu và dễ thương như Đức Ông Hòa trong 40 năm qua. Còn gì vui hơn khi một người con trong giáo phận đã làm rạng danh quê hương, xứ sở. 
Người ta ví linh mục như những chiếc máy bay Boeing. Hàng ngày có biết bao chuyến bay chuyên chở hành khách rất an toàn từ nước này qua nước khác nhưng ít thấy báo chí nói đến những chuyến bay an toàn. Tuy nhiên, khi có một chiếc máy bay  bị sự cố, tai nạn thì người đem ra phân tích đủ điều và trở thành trung tâm điểm của tin tức mà ai cũng biết. Các linh mục cũng vậy. Biết bao linh mục làm nhiều điều tốt lành nhưng ít khi được nhắc đến. Tuy nhiên, nếu có một số linh mục nào đó gây ra vấn đế thì người ta đem ra bàn cãi, tranh luận đủ điều. Có lần Đức ông Hòa tâm sự với chúng tôi là nhiều khi mình cũng phải tập điếc, tập câm để khi phải nghe những điều chê trách, chỉ trích thiếu căn cứ nhưng phải luôn tập đức tính khiêm nhường, hiền lành, hi sinh thì người ta sẽ suy nghĩ lại những gì họ đã xúc phạm. Khiêm nhường chứ không nhu nhược. Đức ông Phêrô đã sống và thực hành những gì ngài đã nói trong suốt 50 năm trong sứ vụ linh mục và vẫn vui tươi, hạnh phúc bên những người đồng hương xa xứ, và đó chính là bằng chứng sống động nhất hơn 100 ngàn bài giảng của ngài.
Ơn gọi làm người là một ơn gọi cao quý mà Thiên Chúa ban cho mỗi người chúng ta. Trong ơn gọi làm người ấy Thiên Chúa lại tuyển chọn một số người để trở nên bạn hữu của Người trong việc phục vụ Dân Thánh qua bí tích truyền chức. Chúng ta vui mừng cùng với Đức Ông Phêrô Trần Văn Hòa tạ ơn Thiên Chúa trong dịp kỷ niệm 50 năm hồng ân linh mục.
Kim Khánh là đỉnh cao hồng phúc và hạnh phúc của đời Linh mục. Có người khéo dùng hình ảnh: mới chịu chức, linh mục ở dưới chân đồi; Ngân khánh, linh mục đứng trên đỉnh đồi; rồi Kim Khánh hay Ngọc Khánh là bước xuống chân đồi. Ngày mừng Kim Khánh là ngày niềm vui trên đỉnh cao hồng ân. Đỉnh cao hồng ân của Thiên Chúa qua bàn tay từ mẫu của Đức Trinh nữ Maria.
Được làm người, được trở nên con Chúa đã là một hồng ân lớn lao. Được trở thành linh mục của Chúa lại là một hồng ân nhiệm mầu vô cùng. Thánh chức linh mục là sáng kiến và do tình yêu nhưng không của Thiên Chúa. Thiên Chúa đã đoái thương nhìn đến phận hèn và ban tặng thiên chức linh mục cho Đức Ông Phêrô Hòa. Trở nên linh mục một ngày là mơ ước của biết bao người. Năm mươi năm linh mục là con số không phải bất kỳ linh mục nào cũng dám mơ tới. Người ông, người cha, người thầy, người bạn, người anh em của chúng ta- Đức Ông Phêrô Trần Văn Hòa đã đi trọn con đường dâng hiến 50 năm qua. Đời linh mục trong 50 năm qua với biết bao thăng trầm, gập ghềnh, khúc khủy với biết bao vui buồn sướng khổ nhưng cũng là lộ trình đong đầy hồng ân Chúa.
Chúng ta mừng kim khánh linh mục của ngài, mỗi người chúng ta tiếp tục cầu nguyện và đồng hành với ngài suốt quảng đời còn lại vì người Việt chúng ta luôn khắc ghi lời dạy của cha ông: Ẩm thủy tư nguyên - uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây. Giáo xứ Việt Nam tại Hòa Lan hôm nay vẫn duy trì được là do công ơn của những thế hệ cha anh, trong đó phải kể đến vai trò tuyên úy và quản nhiệm của Đức Ông Phêrô Trần Văn Hòa, người Ông, người Cha, người Thầy thân yêu của chúng ta mà dịp này chúng ta mừng lễ ngài. Xin Chúa và thánh quan Thầy Phero của ngài luôn ban nhiều ơn lành hồn xác cho ngài để ngài được hồn an, xác mạnh lúc tuổi già và luôn là động lực, là gương lành để chúng ta noi theo.
Cùng tạ ơn với Đức Ông Phêrô, chúng ta cũng muốn nói lên tâm tình yêu mến và biết ơn của những người con xa xứ với người cha tinh thần đã đồng hành với chúng ta suốt 40 năm qua từ ngày chúng ta đặt chân nới xứ lạ quê người. Vì thế, chúng ta cầu nguyện cách riêng cho Đức Ông Phero được muôn ơn lành của Chúa trong hành trình Ơn gọi hiến dâng. Xin Chúa tiếp tục đồng hành che chở và nâng đỡ Đức Ông Phêrô trong những ngày tháng sắp tới, nhất là bằng ơn Chúa trợ giúp. Và hơn nữa chúng ta tạ ơn Chúa vì qua Đức Ông Phêrô, Thiên Chúa ban cho chúng ta những hồng ân. Vì chức linh mục Thiên Chúa ban cho con người không phải để cho riêng người linh mục,nhưng vì phần rỗi mọi người. Xin chúc mừng Đức Ông Phêrô.
                                                                                                             Hòa Lan, 06 tháng 06 năm 2019–
Lm. Antôn Trần Xuân Sang, SVD.