Thursday, September 26, 2013

PARAGUAY – ĐÂY, MỘT BÀI CA MỚI




Suy nghĩ sau một tai nạn

Trong cuộc đời không ai mà không tránh khỏi những vui, buồn, sướng, khổ; không ai mà không tránh khỏi những điều nghịch lý dù mình không muốn nhưng vẫn cứ xảy ra. Điều đó đã xảy ra với chúng tôi ngay sáng thứ Hai ngày 2 tháng 9 vừa qua.

Chúng tôi nhớ là buổi sáng hôm đó sau khi giao các hóa đơn của tháng 8 cho cha Tổng Quản Lý của Dòng, một linh mục cùng Dòng người Ấn Độ và tôi được Cha Giám Tỉnh nhờ công việc cho ngày hôm ấy. Tôi là người điều khiển chiếc xe hơi của Dòng. Vừa xong việc được giao, chúng tôi chuẩn bị trở về Chủng viện thì khi vừa rẽ trái qua đèn xanh thì một chiếc xe tải chạy phía sau mất thắng đâm thẳng vào chiếc xe chúng tôi đang cầm lái. Chúng tôi nghe một tiếng động rất lớn chỉ trong một tích tắc “Rầm!!!”. Hậu quả là cánh cửa xe bên trái nơi tôi đang cầm lái bẹp dúm, kính vỡ ra thành những mảnh li ti và không biết lúc đó hồn xác chúng tôi đang ở đâu nữa. Khi định thần lại thì thấy máu chảy do kính văng vào người, không thể mở cửa xe ra được và mọi người phải đến để giúp đỡ. Khi bước xuống thì chân trái bị cà-nhắc do cửa xe va chạm quá mạnh. Phản ứng tự nhiên của con người là muốn đấm ngay vào mặt cái gã vừa đâm vào xe mình hay chửi một trận cho hả dạ, nhưng trong đầu lại vang lên câu Kính Thánh mà mình vừa giảng cho một nhà thờ mấy ngày trước : “Được lời lãi cả thế gian mà thiệt mất linh hồn thì nào có ích lợi gì” (Xc. Mt 16,6). Có lẽ vì thế mà chúng tôi dằn mình được. Cái gã vừa đâm vào xe chúng tôi là một người đàn ông ngoài 60 tuổi khá to con, mập mạp. Ông ta lộ vẻ hoảng sợ khi người dân chặn xe ông lại vì xe ông là một xe tải chở hàng rất cũ không biển số, không bảo hiểm. Ông ta đã đến xin lỗi khi thấy chúng tôi không bị thương nặng và thành thật nói rằng nếu chúng tôi thưa kiện thì ông ta sẵn sàng vào tù vì không hề có gì để bồi thường. Không biết ông ta có lừa mình không nhưng khi nghe ông ta nói vậy thì cơn giận giữ đã nguôi ngoai trong lòng và không muốn làm khó ông ta nữa, chỉ nói với ông ta rằng hãy cùng với chúng tôi đi đến đồn cảnh sát gần đó để tường trình sự việc và chúng tôi sẵn sàng tha thứ cho ông ta. Dù vậy chúng tôi cũng khá lo lắng vì xe của nhà Dòng vừa mới giao cho chúng tôi để lo cho Chủng viện mà bây giờ bị tanh bành như thế này. Chúng tôi đã gọi điện để báo tin cho Bề trên biết và cứ nghĩ trong lòng rằng ngài sẽ trách móc là thiếu cẩn thận hay sẽ phàn nàn về chuyện xe cộ. Nhưng không, khi ngài vừa nghe tiếng của chúng tôi báo tin về tai nạn, câu đầu tiên ngài hỏi là người có bị thương không? Có ai bị ảnh hưởng gì không khiến chúng tôi an lòng. Ngài còn an ủi chúng tôi rằng mạng sống quí gấp ngàn lần xe cộ, vì xe hư có thể sửa được chứ con người nằm xuống thì hết phương cứu chữa. Đây cũng là một bài học quí về cách hành xử của Bề trên là không nên xem trọng vật chất nhưng con người mới quí giá hơn nhiều. Cũng qua tai nạn này chúng tôi mới nhận ra là Chúa muốn nói với chúng tôi một điều gì đó qua biến cố này vì nhiều khi mình lo lắng nhiều chuyện quá, mà một chuyện khá quan trọng mà không biết lo thì có ngày chúng tôi sẽ phải trả giá. Chính Mẹ La vang đã can thiệp và cứu chúng tôi trong tai nạn này vì đi đâu chúng tôi cũng để một bức tượng nhỏ của Mẹ trên xe để Mẹ gìn giữ và đồng hành. Xin tạ ơn Chúa, tạ ơn Mẹ đã cho con được tai qua nạn khỏi trong ngày khủng khiếp vừa qua.      

                

Hai cuộc Đại Hội Toàn quốc

            Sau tai nạn không muốn có đó chúng tôi vẫn còn hãi hùng mỗi khi nghe những tiếng xe thắng dồn dập trên đường hay nghe đâu đó xảy ra tai nạn. Tuy nhiên vì công việc nên chúng tôi phải cố gắng vượt qua dù phương tiện di chuyển lúc này là xe bus.

            Dù chân vẫn còn đi cà nhắc nhưng chúng tôi vẫn tham gia kỳ Đại Hội Toàn Quốc lần đầu tiên giành cho các giám đốc ơn gọi của các Giáo phận và của các Hội Dòng đang làm việc ở Paraguay. Vì là lần đầu tiên tổ chức Đại Hội tại Trung Tâm Mục Vụ của Tổng Giáo Phận Thủ Đô nên khâu tổ chức không được chuẩn bị chu đáo lắm. Số thành viên tham dự khoảng 70 người kể cả Dòng và Triều. Nhiều tham dự viên chỉ mới năm đầu làm trong ngành huấn luyện ơn gọi và nhiều người cũng đã ở tuổi thất tuần. Đại Hội lần này cũng là để lắng nghe những chia sẻ, những thao thức của những người làm công tác tuyển mộ ơn gọi trong một quốc gia đang thiếu vắng ơn gọi và cũng là dịp để tìm ra một hướng mởi trong việc tuyển mộ ơn gọi trong thời kỳ khủng hoảng ơn gọi trước chủ nghĩa thế tục hóa đang lan nhanh ở Tân Thế Giới này.

            Những vị diễn giả được mời là những vị có kinh nghiệm trong mục vụ giới trẻ, trong đó có cả những giáo dân chuyên về tâm lý đang làm việc ở liên giáo phận và một đại úy cảnh sát đang là phó tế vĩnh viễn cũng tham dự và chia sẻ.

            Có lẽ đối với người Việt Nam chúng ta, chuyện cảnh sát nói về Chúa là chuyện lạ vì Việt Nam kể từ sau 1975 là một nước vô thần chủ nghĩa và như vài người hay nói đùa rằng nhiệm vụ chính của cảnh sát Việt Nam là dọa dân, bắt dân và hành dân mà thôi. Là một công dân Việt Nam nên chúng tôi rất có kinh nghiệm về chuyện này, nhất là những năm đầu của thập niên 90s khi chúng tôi sống đời tu trong lo sợ vì không biết lúc nào bị trục xuất khỏi Dòng chỉ vì tu chui. Có lẽ vì chuyện lo sợ đó đã đi vào tiềm thức của chúng tôi nên khi nghe nói đến từ Policeman hay Policía (công an hay cảnh sát) là mình dị ứng ngay, không phải vì có tật giật mình hay mình làm chuyện gì sai trái mà vì nổi ám ảnh ngày xưa vào những lúc nữa đêm khi nghe chó sủa là biết công an vào kiểm tra hộ khẩu nên phải vác mùng, mền chạy trốn.

Tuy nhiên, trong thời gian đi truyền giáo nhiều năm ở xứ Paraguay này và các quốc gia lân cận vùng Nam Mỹ, chúng tôi cảm thấy mến mộ những anh cảnh sát vì họ là những người bảo vệ dân, giúp dân và thật sự là những người bạn của dân. Người ta chỉ sợ cảnh sát khi họ phạm tội công khai. Có lẽ vì thế mà chúng tôi dần dần loại bỏ thành kiến với mấy anh cảnh sát và thỉnh thoảng có dâng thánh lễ  hay làm các bí tích cho những đồn cảnh sát hay các gia đình cảnh sát Công giáo khi họ mời vào những dịp quan trọng.

Trong dịp Đại Hội gi ành cho những Giám đốc ơn gọi này, chúng tôi thật sự ngạc nhiên khi một viên đại úy cảnh sát chia sẻ hành trình ơn gọi của anh và làm chứng về những gì anh đang làm trong một môi trường được xem là vàng thau lẫn lộn khi vừa là đại úy cảnh sát vừa là một phó tế vĩnh viễn.

Anh cảnh sát tâm sự rằng anh lớn lên trong một gia đình nông dân (vì ở Paraguay phần lớn là quốc gia nông nghiệp) nên học ở trường làng và phụ giúp gia đình làm rẫy. Khi vừa tròn 17 tuổi, bố của anh hỏi anh muốn đi lính hay làm cảnh sát để bố anh có thể liên lạc với những người bạn vì bố anh cũng từng là một người lính. Anh thật sự chưa biết lựa chọn thế nào vì ở nông thôn không có ai hướng dẫn. Cũng lúc đó anh bắt đầu có bạn gái có tên là María Carmen (một tên rất thông dụng ở Paraguay giống như tên Hoa hay Lan ở Việt Nam). Một lần tham dự thánh lễ của một linh mục truyền giáo, vị linh mục ấy có mời gọi các bạn trẻ tham dự khóa tĩnh tâm ơn gọi để có thể trở thành những nhà truyền giáo tương lai, anh rất phân vân và cũng muốn tham dự khóa tĩnh tâm này để trở thành một Pa’í (Pa’í : tiếng Guarani nghĩa là linh mục) để làm rạng danh gia đình nhưng giữa María Carmen (tên bạn gái của anh) và ‎Pa’í cứ luôn giằn vặt anh và làm cho người trẻ nhà quê này nhiều đêm khó ngủ nhưng có lẽ tiếng gọi của con tim mạnh hơn tiếng gọi của lí trí nên anh đã chọn María Carmen thay vì chọn Pa’í. Và cũng từ đó ơn gọi đi tu đã dần dần phai nhạt trong lòng anh.

Sau khi học trường cảnh sát 4 năm, anh bắt đầu ra trường làm việc và cưới María Carmen làm vợ. Cũng như bao nhiêu người Công giáo khác ở xứ Nam Mỹ, chuyện đạo hạnh của anh cũng rất thờ ơ, nhất là ngành cảnh sát cũng không bắt buộc nhân viên và sĩ quan phải tham dự thánh lễ. Anh chỉ lo cho công việc, tiền nong và gia đình.

Thế rồi có một lần vị Giám mục phụ trách giáo phận tòng nhân cho quân đội và cảnh sát với hàm vị tướng (Ở Paraguay và một số quốc gia dân chủ có một giáo phận tòng nhân giành cho quân đội và cảnh sát, và vị giám mục đứng đầu giáo phận tòng nhân này được mang hàm tướng và lãnh lương như một vị tướng), vị giám mục này kêu gọi một số sĩ quan và những ai muốn tham dự tuần tĩnh tâm chung với các giáo phận khác để đào sâu thêm về ơn gọi Ki-tô hữu và nếu quân nhân nào muốn thì có thể ghi danh vào Chủng viện để trờ thành những phó tế vĩnh viễn (cho những người đã có gia đình) và linh mục cho những quân nhân còn độc thân. Viên cảnh sát này đã ghi danh cho có lệ để được nghỉ ngơi vài ngày nhưng vẫn được ăn lương.

Tham dự tuần tĩnh tâm như một người ngoại đạo (dù anh là người Công giáo từ nhỏ), anh chỉ ngồi ở dãy cuối và ngày đầu tiên cảm thấy nhạt nhòa nhưng vì lỡ ghi danh rồi nên cứ tham dự cho có lệ. Tuy nhiên, chính những lúc này Chúa đã đánh động con người của anh. Từ một viên cảnh sát hám danh, hám lợi và lạnh nhạt với người Công giáo, anh đã tham dự những ngày kế tiếp với một tinh thần phấn chấn và sau khi kết thúc khóa tĩnh tâm, anh đã ghi danh thật sự để tham dự khóa dào tạo 6 năm giành cho những người có gia đình muốn trở thành phó tế vĩnh viễn.

Nhiều người đã không ngờ một con người như anh mà chỉ sau một kỳ tĩnh tâm đã biến đổi nhanh đến thế. Chính anh cũng tâm sự rằng dù anh không muốn nhưng từ đáy lòng anh một điều gì đó đã thôi thúc anh và anh không cưỡng lại được. Anh đã dùng câu Kinh Thánh của Is 50, 5 để nói về điều này : “Ðức Chúa là Chúa Thượng đã mở tai tôi, còn tôi, tôi không cưỡng lại, cũng chẳng tháo lui”. Khi anh tâm sự điều này với người vợ thân yêu María Carmen, cô ta đồng ngay với chồng và thế là thuận lợi cho anh trong việc theo đổi ơn gọi của một giáo dân muốn làm Phó tế vĩnh viễn.

Có lẽ giáo dân Việt Nam chúng ta không mấy khi chứng kiến một người đã có gia đình mà được phong chức phó tế vĩnh viễn và trong các dịp đại lễ các phó tế này giúp bàn thánh bên cạnh các giám mục và linh mục đồng tế vì Việt Nam còn quá nhiều ơn gọi Triều và Dòng. Nếu có chăng các phó tế vĩnh viễn ở Việt nam thì đa số họ là các tu sĩ Dòng chứ người giáo dân làm Phó tế vĩnh viễn còn khá ít. Tuy nhiên, ở các quốc gia Nam Mỹ này vì thiếu vắng ơn gọi nên người giáo dân tham dự vào phụng vụ trong vai trò phó tế vĩnh viễn khá phổ biến. Theo một thống kê chưa chính thức thì chỉ tính riêng châu Mỹ, con số phó tế vĩnh viễn hiện nay khoảng 20 ngàn, trong đó Hoa Kỳ đã hơn 12 ngàn phó tế vĩnh viễn. Họ làm việc rất hiệu quả vì họ là những người sống trong bậc gia đình và làm việc tại các tổ chức xã hội nên có rất nhiều kinh nghiệm thực tiễn. Đa phần họ đều có nghể nghiệp ổn định và có bằng cấp chuyên môn nên sứ mệnh củ họ là vượt ra khỏi khung cửa nhà thờ, giáo xứ và họ có thể liên kết với những giáo dân và các vị mục tử để đem Lời Chúa đi vào cuộc sống ngoài đời, nâng đỗ, khuyến khích và như là một điểm tựa cho người khác.

 Chính vì thế, anh cảnh sát này sau khi hoàn tất việc học đã được phong chức phó tế vĩnh viễn và cũng vừa được thăng cấp vì những việc anh làm trong ngành. Niềm vui nối tiếp niềm vui khi đứa con gái đầu của anh cũng thổ lộ là muốn trở thành Nữ tu khi vừa xong trung học. Anh đã sẵn sàng để con gái mình vào Dòng và hiện nay con gái anh đang ở năm thứ hai Tập viện. Riêng cá nhân anh, anh rất hài lòng và hãnh diện vì đang là người hữu dụng cho giáo hội như là một phó tế vĩnh viễn và là môt sĩ quan cảnh sát trong xã hội. Sắp tới đây anh sẽ được thăng cấp thiếu tá vì anh đã có công trong việc triệt phá một băng cướp ngày. Xin chúc mừng anh, một sĩ quan cảnh sát có tâm, có tình.

Trong dịp này lần đầu tiên chúng tôi gặp được một Nữ tu người Argentina gốc Việt có tên là Ana Nguyễn vừa mới đến Paraguay cách đây một tháng. Đây là là đầu tiên sau nhiều năm làm việc ở xứ người chúng tôi gặp được một Nữ tu gốc Việt với giọng Việt lơ lớ vì được sinh ra và lớn lên ở Argentina. Cả hai đều rất vui mừng vì Nữ tu này cũng tâm sự rằng từ lâu có nghe biết các nhà truyền giáo Việt Nam làm việc ở Nam Mỹ nhưng đây là lần đầu tiên Soeur được gặp và nói chuyện nửa Tây Ban Nha, nửa tiếng Việt. Soeur Ana Nguyễn thuộc Dòng Truyền Giáo thánh Phan-xi-cô Xavie và đến Paraguay để thay thế một Nữ tu khác vừa mới chuyển công tác. Dù sinh ra và lớn lên ở Argentina nhưng có lẽ “gen” của cha mẹ là người Việt Nam nên dáng người Soeur cũng khiêm tốn. Vị Tổng Giám Mục Dòng Don Bosco khi nghe chúng tôi nói chuyện nửa Việt, nửa Tây Ban Nha đã tò mò hỏi thăm và khi được biết chúng tôi là đồng hương thì ngài ồ lên vì trong Dòng của ngài hiện nay cũng có 4 tu sĩ người Việt đang ở Paraguay. Ngài khuyến khích chúng tôi nếu có dịp thuận tiện thì nên gặp nhau ít là 1 năm 1 lần để hâm nóng tình đồng hương và ngài sẽ sằn sàng hỗ trợ. Chúng tôi chỉ vâng dạ cho qua chuyện vì mỗi người chúng tôi thuộc mỗi Dòng khác nhau và lịch trìch làm việc cũng khác nhau nên khó có thể gặp nhau được.

Cũng vào trung tuần tháng 9 này chúng tôi có tổ chức một cuộc Đại Hội Toàn Quốc cho giới trẻ để họ chuẩn bị bước vào mùa Xuân vui tươi sau một mùa Đông dài khô khan và lạnh lẽo. Theo lời hiệu triệu thì mỗi giáo xứ hay mỗi trường trung học Công giáo mà Dòng Ngôi Lời đảm trách chỉ mời khoảng 5 bạn trẻ tuổi từ 17 đến 25 tham dự Đại Hội giới trẻ lần này để các em có dịp học hỏi, vui chơi và gắn kết với nhau trong bầu khí thân thiện, cởi mở của các nhà truyền giáo trẻ. Chúng tôi không ngờ là con số tham dự khá đông ngoài dự kiến nên chúng tôi cũng hơi lung túng trong khâu tổ chức từ ăn, ở và sinh hoạt trong 3 ngày này. Rất may là thời tiết lúc này cũng mát mẻ nên các em không nề hà gì việc chia sẻ chung phòng với nhau.

Chúng tôi được nhà Dòng giao cho làm trưởng ban tổ chức với sự cộng tác của hơn 10 linh mục trẻ và các giám đốc trường học. Cũng may nhờ có Internet và điện thoại nên việc liên lạc cũng thuận tiện vì mỗi người ở một nơi khác nhau và địa điểm tổ chức lại ở một nơi khá xa. Tạ ơn Chúa là những người cộng tác luôn nhiệt tình, hy sinh trong công việc chung dù chúng tôi là những người khác quốc tịch, màu gia, văn hóa. Chính điều này đã làm cho chúng tôi trở thành một nét riêng biệt vì chúng tôi tuy thuộc nhiều nền văn hóa, ngôn ngữ, màu da nhưng chúng tôi có chung một điểm vì đều là nhà truyền giáo của Dòng Ngôi Lời.

3 ngày Đại Hội với hơn 200 bạn trẻ tuy khá mệt nhưng sống chung với giới trẻ làm mình cũng trẻ lây và quên hết những mệt nhọc, buồn bã vì giới trẻ rất năng động, sáng tạo và hồn nhiên. Có lẽ nhiều lúc chúng ta đánh giá sai về giới trẻ vì chúng ta chưa hiểu họ nhưng một khi chúng ta dấn thân và sống với giới trẻ, các em sẽ thật sự nhập cuộc và làm hết mình mà không đòi hỏi gì nhiều, chỉ một điều mà các em muốn nơi những người đồng hành với các em là người dám nói và dám làm, là người luôn vui tươi và rộng lượng.

Có lẽ những anh em linh mục trẻ của chúng tôi đang làm việc ở đây cũng đã học điều nhiều điều từ Đại Hội lần này cho công tác mục vụ giáo xứ của mình và sẽ tự hỏi tại sao giới trẻ ngày nay ít tham dự thánh lễ. Ở các giáo xứ Việt Nam, các cha xứ có thể dùng quyền để chế tài các gia đình nều cha mẹ và người lớn không  nhắc nhở con cái học giáo l‎ hay đi lễ vì xã hội Việt Nam mình người Công giáo cần sống căn tính của mình với các tôn giáo khác. Bên các quốc gia Nam Mỹ thì không như vậy vì đây là một quốc gia tuy là quốc gia Công giáo nhưng rất thế tục và tự do. Không ai có quyền chế tài ai cả nhưng chính việc sống chứng nhân có thể lay động lòng người, nhất là giới trẻ. Bởi thế người mục tử thành công không phải là người chỉ biết chế tài nhưng là người phải biết thu phục nhân tâm qua lời nói và bằng việc làm cụ thể.

Hôm nay là ngày Giáo Hội mừng kính thánh Pio Năm Dấu Thánh, một vị linh mục giản dị Dòng Phan Sinh Capuchino vừa được Phong Thánh vài năm gần đây. Hôm nay cũng là ngày chúng tôi được sinh ra cách đây hơn 40 năm. Tạ ơn Chúa đã cho con được sinh ra và được trở nên một dụng cụ của Chúa. Xin cảm ơn những ai đã nhớ đến qua những lời chúc mừng sinh nhật. Xin Chúa trả công.                          

Paraguay, 23 tháng 9 năm 2013 – Lễ Thánh Pio 5 Dấu Thánh, Kỷ niệm ngày Sinh nhật

Lm. Antôn Trần Xuân Sang, SVD.

Monday, September 9, 2013

PARAGUAY – DƯ ÂM NHỮNG NGÀY LỄ HỘI


Dư âm của Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới 2013 ở Brazil

Tuần lễ đại hội giới trẻ thế giới đã trôi qua mấy tuần nhưng dư âm của nó vẫn còn vang vọng với những hình ảnh, mẫu chuyện, những video clip thật cảm động. Tuy nhiên nhân vật chính luôn đuôc nhắc đến là vị Giáo Hoàng đầu tiên của một lục địa mà ngay khi đắc cử, vị Giám Mục Roma này đã khôi hài tuyên bố với Hồng Y Đoàn là họ  đã bỏ phiếu cho một người đến từ “fin del mundo” (tận cùng của thế giới). Người ta không ngớt lời ca ngợi sự đơn sơ, chân thành, thẳng thắng và khôi hài của vị Giáo Hoàng đầu tiên của châu Mỹ La-tinh này.
Nếu ai đó đã từng đến Argentina (hay Á Căn Đình, một cách phiên âm nôm na của người Việt cho dễ đọc) và sống ở đó một thời gian, có lẽ mọi người sẽ thấy đây là một đất nước nếu đem so với các quốc gia Nam Mỹ khác, rất là khó sống vì người dân ở đó, nhất là dân vùng thủ đô và vùng lân cận thủ đô có một sự kỳ thị rất lớn và rất hãnh diện về gốc gác và kiến thức của họ. Bởi thế, khi họ nới tiếng Tây Ban Nha, họ cũng cố tạo ra một phong cách đặc biệt để mọi người có thể nhận biết đây là người thủ đô chính gốc (giống như người miền Tây Nam Bộ Việt Nam nói chữ “V” thành chữ “D” như “con Voi” thì họ nói là “con Doi”) vậy.
Bởi thế người dân của các nước Nam Mỹ cận của Argentina không mấy ai thích làm bạn với người Argentina vì tính kiêu ngạo của họ và luôn có những câu chuyện diễu cợt và thậm chí có những lúc thái quá đã làm mất tình đoàn kết trong các cộng đoàn tu trì quốc tế nơi mà những người Argentina sống chung. Bởi thế, khi đức Hồng Y Jorge Bergolio người Argentina đắc cử Giáo Hoàng với tước hiệu là Phanxico, người dân ở các quốc gia nói tiếng Tây Ban Nha đã bông đùa rằng Đức Phanxico khi lên ngôi Giáo Hoàng đã làm một phép lạ đầu tiên cả thảy là tất cả mọi người đều yêu mến ngài dù ngài là người Argentina. Người ta đã không còn muốn nhắc đến nguồn gốc Argentina của ngài nữa nhưng chỉ muốn gọi ngài là Đức Phanxico Giáo Hoàng. Đây là một lợi thế cho ngài ngay từ khi ngài đắc cử Giáo Hoàng vì sự khiêm nhường, đơn sơ, khôi hài và thẳng thẳn của ngài dù gốc gác từ ông bà cha mẹ của ngài là người Italia di dân.
Có lẽ nhiều người đã nghe và xem qua tin tức về cuộc họp báo của ngài trên chuyến bay từ Brazil về lại Rô-ma sau Tuần Lễ Đại Hội Giới Trẻ. Ngài không hề tránh né bất cứ điều gì khi các phóng  viên chất vấn ngài. Một vấn đề rất nhạy cảm và tế nhị về vai trò của người phụ nữ trong Giáo hội là việc phong chức phó tế và linh mục. Ngài đã yêu cầu Giáo Hội trong tương lai cần có một sự nghiên cứu sâu rộng về thần học phụ nữ vì ngài đã nhấn mạnh rằng tron Giáo Hội tiên khởi, vai trò của Mẹ Maria quan trọng hơn nhiều so với các Tông Đồ. Có lẽ nhiều người sẽ không mấy hài lòng về những câu trả lời của ngài trên chuyến bay hôm ấy nhưng vì ngài là giám mục Rô-ma, là người đứng đầu Giáo Hội hoàn vũ và mỗi châu lục có những vấn đề riêng, nhất là châu Mỹ Latin là nơi có nhiều tín hữu Công giáo nhất nhưng cũng là nơi có nhiều vấn đề hóc búa nhất. Một vị Cha chung như ngài rất ưu tư khi nhiều con cái đang dần dần rời bỏ Giáo Hội Mẹ nên ngài đang có những cách thế riêng của ngài để kêu gọi những người con sớm quay lại. Chính tên gọi Phanxico và cách sống giản dị của ngài đã đánh động nhiều người, nhất là giới trẻ, trụ cột của giáo hội đang nhìn vào vị đại diện Chúa Kito sống động ở trần gian qua con số tham dự kỷ lục trong kỳ đại hội giới trẻ vừa qua.                  
Lễ Tấn Phong Một Giám Mục
Đã lâu rồi Paragguay không có tân giám mục. Các vị giám mục ngoài 75 tuổi vẫn cứ làm việc dù đã xin hưu theo Giáo Luật. Nhiều Giáo Phận trống tòa đã nhiều năm qua và các linh mục giám quản cứ làm việc như một  giám mục nhưng chỉ là linh mục (giống như các Phó tế đọc kinh cha, ăn cơm thầy).  Ơn gọi linh mục, tu sĩ thì khan hiếm trầm trọng nhưng ứng cử viên giám mục thì không bao giờ thiếu!!! Vậy mà nhiều năm qua vẫn không có giám mục mới.
Tuy nhiên trong tháng 7 vừa qua thì Đức Giáo Hoàng Phanxico lại hào phóng bổ nhiệm 3 tân giám mục cho giáo hội Paraguay trong đó có 2 linh mục Dòng và một linh mục triều. Vị linh mục thuộc Dòng Don Bosco người Paraguay  từng làm việc với chúng tôi trong phong trào giới trẻ và ơn gọi vừa tròn 42 tuổi. Bằng cấp cao nhất mà vị linh mục này có là cử nhân xã hội học. Một linh mục trẻ, hoạt bát, năng động và hăng say làm việc. Vị này được bổ nhiệm làm giám mục giáo phận tông tòa, một vùng truyền giáo rất nghèo của Paraguay và mấy năm nay trống tòa do vị giáo mục trước đây cũng thuộc Dòng Don Bosco được bổ nhiệm về làm Tổng Giám Mục Phó của Tổng giáo Phận Thủ đô của Paraguay. Trong tư cách là bạn và người từng làm việc chung với nhau, chúng tôi tham dự thánh lễ tấn phong giám mục của người anh em này. 
Thánh lễ tấn phong giám mục được cử hành vào chiều thứ 7 đầu tháng của tháng 8 tại Nhà Thờ Đức Mẹ Phù Hộ Các Giáo Hữu (Santuario Maria Auxiliadora) của Dòng Don Bosco tại thủ đô Asunción của Paraguay với sự tham dự của 15 giám mục, kể cả giám mục hưu dưỡng, các linh mục và các Nam Nữ Tu sĩ của các Dòng tu đang làm việc ở thủ đô và giáo dân lân cận. Sức chứa trong nhà thờ khá khiêm tốn nên các vị Giám mục đồng tế phải ngồi chen chút với nhau trông thật tội nghiệp. Còn các linh mục đồng tế thì đều ngồi ở hàng ghế đầu xen lẫn với người thân của tân chức và giáo dân. Không hề có dãy ghế dành riêng cho Tu sĩ hay chính quyền. Ai muốn đứng, ngồi chỗ nào cũng được. Công bình mà nói thì khâu tổ chức ở đây với một buổi lễ Tấn Phong Giám Mục còn thua xa một buổi lễ khấn lần đầu của một Dòng Tu ở Việt Nam. Có lẽ người dân ở đây sống xuề xòa quen rồi nên không mấy quan trọng đến khâu hình thức. Có chăng là một số câu khẩu hiệu được hô to trước hay sau thánh lễ cho thêm phần khí thế giống như ở Việt Nam vào những năm 70s,80s vào những dịp cổ động hay mít-tin mà bây giờ còn xót lại ở một vài giáo xứ ở miền Bắc.
Hình như ở khắp Paraguay chúng tôi chưa thấy một nhà thờ nào hoành tráng cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng như ở Việt Nam. Chỉ có vài nhà thờ Chính Tòa được xây dựng lâu năm mà nay đang xuống cấp trầm trọng có thể chứa được nhiều người tham dự thánh lễ nhưng quả thực có mấy nhà thờ đầy người vào những ngày Chúa Nhật. Chính vì lý do đó mà nhiều giám mục và cha xứ bên này không mấy quan tâm đến việc chạy tiền để xây nhà thờ hay nhà xứ mà chỉ lo sao để đào tạo những nhân viên mục vụ hòng khi không có linh mục thì người dân có thể họp nhau để cử hành phụng vụ.
Quay lại thánh lễ Phong Chức Giám Mục. Chúng tôi cũng thấy lạ là trong thánh lễ phong chức lần này có đến hai linh mục làm chưởng nghi, một vị chưởng nghi do Hội Đồng Giám Mục gởi tới và một vị chưởng nghi do Dòng Don Bosco bổ nhiệm. Tuy có đến hai vị chưởng nghi nhưng thánh lễ lại không được trang trọng lắm vì “trống đáng xuôi, kèo thổi ngược” nên có những lúc vị Giám Mục Chủ Phong không biết phải làm thế nào. Dẫu có những lúc lộn xộn và không được trang nghiêm cho lắm nhưng phải công nhận rằng vị Giám Mục Chủ Phong và các Giám Mục đồng tế không người nào tỏ ra bực tức, khó chịu hay có một cử chỉ “sửa lưng” nào. Đây là điều mà chúng tôi đã học hỏi được sự kiên nhẫn của người dân Paraguay.
Trong bài giảng lễ, vị Giám Mục Chủ Phong cũng thuộc Dòng Don Bosco và đang là Tổng Giám Mục phó với quyền kế vị của một Tổng Giáo Phận lớn nhất của Paraguay, ngài được thuyên chuyển về Tổng Giáo Phận này cách đây 3 năm vi trước đây ngài đã trông coi Giáo Phận Tông Tòa mà vị tân giám mục này sẽ đảm trách từ bây giờ, ngài đã nhắn nhủ người anh em Giám Mục cùng Dòng là hãy biết kiên nhẫn và sống hết mình với đoàn chiên. Ngài đã khôi hài nói với vị Tân Giám Mục rằng Giáo phận tông tòa Chaco mà vị Tân Giám Mục sẽ đảm trách nếu tính số lượng đàn vật thì nhiều gấp ngàn lần số lượng giáo dân vì ở đó chỉ có 5 giáo xứ chính, số còn lại là người thổ dân không biết đọc, không biết viết và thậm chí cũng không biết phân biệt đâu là tay trái đâu là tay phải. Nếu không có sự kiên nhẫn và sống hết mình với đàn chiên mình thì sẽ mất nó. Ngài cũng nhắn nhủ vị Tân Giám Mục hai điều cốt yếu của vị mục tử thời nay là “Cercanía y Encuentro” nếu dịch ra tiếng Việt mình là 4 chữ G “Gần Gũi và Gặp Gỡ”. Chính Đức Phanxico cũng nhắn nhủ các vị mục tử trong dịp lễ Mục Tử Nhân Lành là “chủ chiên phải biết ngửi mùi chiên”. Làm Giám mục mà xa cách người dân giống như một người cha gia đình mà trốn tránh trách nhiệm không muốn gặp gỡ và gẫn gũi con mình là không xứng đáng. Bài giảng lễ chỉ vỏn vẹn 15 phút nhưng thật chân tình, ý nghĩa và sâu lắng không những cho vị Tân Chức mà cho tât cả những người tham dự.  Đức Phanxico rất có lý khi ngài bổ nhiệm một linh mục trẻ như người anh em này làm Giám Mục Giáo  Phận Tông Tòa, một vùng đất truyền giáo vì nếu ngài chọn một vị lớn tuổi thì có lẽ sau 3 năm mục vụ ở đó sẽ không còn sức lực để làm việc nữa vì đó là một vùng đất khô cằn và thiếu thốn tư bề. Vị Tân Giám Mục cũng không hề từng đảm nhiệm một chức vụ lớn nào trong Giáo Hội cũng như trong Hội Dòng. Vị này cũng không hề có một bằng cấp tiến sĩ hay cử nhân phụng vụ hay giáo luật nào. Bằng cấp của vị này có là kinh nghiệm và rất dấn thân làm việc vì ở Giáo Phận Tông Tòa đó chỉ cần những con người có bằng cấp chính là biết tận tâm làm việc mà thôi.
Thánh lễ phong chức chỉ diễn ra trong hai tiếng đồng hồ và được các hãng truyền hình, truyền thanh trong nước loan tin trực tiếp trên toàn quốc. Thánh lễ kết thúc với phần ăn của một người, kể cả các Giám mục hay linh mục đồng tế là một cái bánh bao chiên và một ly nước. Mọi người ra về hớn hở mừng vui và hẹn tháng 9 tới sẽ tham dự một thánh lễ Tấn Phong Giám Mục khác sẽ diễn ra tại Đền Thánh Đức Mẹ Caacupe cho một vị linh mục trẻ khác cũng vừa được bổ nhiệm. Paraguay đang có niềm vui vì một số giáo phận trống tòa nay đã có mục tử để có thể đồng hành, dẫn dắt đoàn chiên đến nguồn nước trong lành.
            
Lễ Thành Lập Một Xứ Mới 

          Dù ơn gọi mỗi ngày một khan hiếm và các linh mục mỗi ngày một ít đi, nhưng do nhu cầu mục vụ khấn thiết nên Đức Giám Mục của một Giáo Phận thuộc miền Nam của Paraguay đã quyết định thành lập một giáo xứ mới và giao cho một linh mục của Dòng Ngôi Lời làm cha xứ tiên khởi của giáo xứ này.

          Giáo xứ mới thành lập được tách ra từ một giáo xứ cũng do Dòng Truyền giáo Ngôi Lời đảm trách. Giáo xứ mới này có diện tích khá lớn với gần 50 giáo điểm  truyền giáo cách xa nhau nhưng cơ sở hạ tầng còn rất nghèo nàn và đường xá thì gồ ghề, xấu xi. Một anh em linh mục của Dòng người Paraguay từng làm việc ở Cuba và Mexico nhiều năm nay trờ lại Paraguay để phục vụ cho chính quê hương mình. Nhìn những người dân lam lũ, đơn sơ lần đầu tiên được tham dự thánh lễ đồng tế với sự hiện diện của Giám mục Giáo phận, cha Bề trên Giám tỉnh của tỉnh Dòng và các linh mục đồng tế mà đa phần là người nước ngoài khiến họ rất vui và hãnh diện. Đức Giám mục chủ tế là người Tây Ban Nha cũng từng là một tu sĩ truyền giáo cũng nở một nục cười mãn nguyện vì từ lâu ngài đã ấp ủ trong lòng để thành lập giáo xứ truyền giáo này và nay đã thành hiện thực. Nói là giáo xứ cho oai nhưng nhà thờ chưa hoàn tất nên thánh lễ phải cử hành ở ngoài trời nắng gió. Dù vậy thánh lễ vẫn diễn ra tốt đẹp và mọi người cùng nhau hát hò, rước kiệu để mừng giáo xứ mới và cũng mừng vị thánh bổn mạng của giáo xứ là Thánh Cayetano.
Sống ở các xứ truyền giáo có lẽ một điều thú vị nhất là mình có thể làm việc mà không phải sợ sệt trên đe dưới búa vì mình làm thì mình dám chịu trách nhiệm. Hơn nữa, dù người dân ở đây nghèo về vật chất và rất đơn sơ, chất phát nên mình thấy công việc mình làm có ‎ ý nghĩa là giúp những con người bé mọn ấy thấy được những công trình kỳ diệu của Chúa và có thể sống tốt hơn. Đôi lúc cũng hơi khó chịu và bực tức vì sự chậm hiểu và xuề xòa của họ, nhưng nghĩ lại cũng thấy thương cho họ vì họ đâu muốn vậy và đâu phải ai cũng giống như mình.
Thánh lễ thành lập Xứ mới thật vui khi đoàn rước diễu hành từ nhà thờ đến vài ngõ ngách quanh Giáo xứ  và mọi người nghêu ngao hát những bài hát quen thuộc. Tất cả các giáo điểm truyền giáo thuộc Giáo xứ cũng mang các vị thánh bổn mạng của cộng đoàn mình và cùng cung nghinh với vị Thánh bổn mạng chính của Giáo xứ. Nhìn thấy sự hồn nhiên của những bà mẹ và các em thiếu nhi lâu ngày được dịp khoe áo mới và được nhìn thấy đông người như hôm ấy khiến chúng tôi cũng vui lây. Giáo Hội của Chúa Ki-tô là như thế đó, một Giáo Hội của người nghèo, cho người nghèo và vì người nghèo. Nếu một ngày nào đó chúng ta đánh mất đi sự hồn nhiên dễ thương này thì dù chúng ta có xây những ngôi Giáo Đường cao sang tráng lệ, chúng ta sẽ không thể nào có được những con người yêu mến Chúa thật sự vì đó không phải là Giáo Hội của Chúa nữa.
Người xưa chúng ta có câu: “Hùm chết để da, người ta chết để tiếng”. Đã là người thì ai cũng muốn để lại những tiếng thơm cho đời nếu một mai không còn nữa, ngoại trừ những tên cướp hay những tên khủng bố họ hay “chơi ngu lấy tiếng!”. Chính ở nơi truyền giáo này chúng tôi đã học được những tấm gương truyền giáo của các bậc cha anh mà mỗi khi chúng tôi đến thăm những nơi mà họ đã từng đặt chân đến, người ta đã nhớ đến những nhà truyền giáo này và đã đặt tên cho những con đường để tưởng nhớ họ. Chúng tôi tâm niệm một điều rằng bạo quyền, tiếng bom, tiếng súng không thể thuyết phục lòng người nhưng chỉ có lòng nhân ái, sự dấn thân và cho đi có thể thu phục được lòng người và có thể làm cho người tat hay đổi tận căn. Đức Phanxico chỉ vừa lên ngôi Giáo Hoàng chưa đầy 5 tháng nhưng chính cách sống của ngài đã để lại những ấn tượng đẹp và làm cho người tat hay đổi hơn là những Tông Thư, Tông Sắc hay Tông Huấn đầy những thuật ngữ chuyên môn và chỉ giành cho những bậc trí thức rồi khi đọc xong thì được cất vào trong những ngăn tủ đẹp. Bởi chính điều này cách đây mấy chục năm Đức Phaolo VI đã đề cập đến trong Tông Huấn Loan Báo Tin Mừng rằng : “Con người ngày nay tin tưởng vào các chứng nhân hơn là vào các thầy dạy”. Là những nhà truyền giáo và là những thầy dạy về đức tin cho người khác, chúng tôi luôn ý thức và nằm lòng điều này vì nếu không biết làm chứng thật thì chúng tôi là những người giả dối nhất và hệ lụy là sẽ sản sinh ra một thế hệ giả dối vì người dân ở đây vốn thât thà chất phát.
Paraguay chuẩn bị mừng Lễ Mẹ Lên Trời, bổn mạng của Thủ Đô hành chình Paraguay và cũng chính là ngày vị Tổng Thống và Chính phủ mới tuyên thệ nhậm chức. Trời Paraguay vẫn còn lạnh vì đang là mùa Đông. Ước mong vị Tổng Thống và Chính quyền mới biết canh tân đất nước để đưa người dân mê muội và lầm than mỗi ngày tiến lên để có thể sánh vai cùng các quốc gia trong khu vực.
Paraguay, 10 tháng 8 năm 2013 – lễ Thánh Lorenso Phó tế
Lm. Antôn Trần Xuân Sang, SVD.

CÁCH NGƯỜI MỸ DẠY TRẺ EM



Chuyện cổ tích Cinderella: Cô Bé Lọ Lem

Giờ học văn bắt đầu. Hôm nay thầy giảng bài Chuyện Cô bé Lọ Lem.

Trước tiên thầy gọi một học sinh lên kể chuyện Cô bé Lọ lem. Em học sinh kể xong, thầy cảm ơn rồi bắt đầu hỏi.
Thầy: Các em thích và không thích nhân vật nào trong câu chuyện vừa rồi?
Học sinh (HS): Thích Cô bé Lọ Lem Cinderella ạ, và cả Hoàng tử nữa. Không thích bà mẹ kế và chị con riêng bà ấy. Cinderella tốt bụng, đáng yêu, lại xinh đẹp. Bà mẹ kế và cô chị kia đối xử tồi với Cinderella.
Thầy: Nếu vào đúng 12 giờ đêm mà Cinderella chưa kịp nhảy lên cỗ xe quả bí thì sẽ xảy ra chuyện gì?
HS: Thì Cinderella sẽ trở lại có hình dạng lọ lem bẩn thỉu như ban đầu, lại mặc bộ quần áo cũ rách rưới tồi tàn. Eo ôi, trông kinh lắm !
Thầy: Bởi vậy, các em nhất thiết phải là những người đúng giờ, nếu không thì sẽ tự gây rắc rối cho mình. Ngoài ra, các em tự nhìn lại mình mà xem, em nào cũng mặc quần áo đẹp cả. Hãy nhớ rằng chớ bao giờ ăn mặc luộm thuộm mà xuất hiện trước mặt người khác. Các em gái nghe đây: các em lại càng phải chú ý chuyện này hơn. Sau này khi lớn lên, mỗi lần hẹn gặp bạn trai mà em lại mặc luộm thuộm thì người ta có thể ngất lịm đấy (Thầy làm bộ ngất lịm, cả lớp cười ồ). Bây giờ thầy hỏi một câu khác. Nếu em là bà mẹ kế kia thì em có tìm cách ngăn cản Cinderella đi dự vũ hội của hoàng tử hay không? Các em phải trả lời hoàn toàn thật lòng đấy !
HS: (im lặng, lát sau có em giơ tay xin nói) Nếu là bà mẹ kế ấy, em cũng sẽ ngăn cản Cinderella đi dự vũ hội.
Thầy: Vì sao thế ?
HS: Vì … vì em yêu con gái mình hơn, em muốn con mình trở thành hoàng hậu.
Thầy: Đúng. Vì thế chúng ta thường cho rằng các bà mẹ kế dường như đều chẳng phải là người tốt. Thật ra họ chỉ không tốt với người khác thôi, chứ lại rất tốt với con mình. Các em hiểu chưa? Họ không phải là người xấu đâu, chỉ có điều họ chưa thể yêu con người khác như con mình mà thôi. Bây giờ thầy hỏi một câu khác: bà mẹ kế không cho Cinderella đi dự vũ hội của hoàng tử, thậm chí khóa cửa nhốt cô bé trong nhà. Thế tại sao Cinderella vẫn có thể đi được và lại trở thành cô gái xinh đẹp nhất trong vũ hội ?
HS: Vì có cô tiên giúp ạ, cô cho Cinderella mặc quần áo đẹp, lại còn biến quả bí thành cỗ xe ngựa, biến chó và chuột thành người hầu của Cinderella.
Thầy: Đúng, các em nói rất đúng ! Các em thử nghĩ xem, nếu không có cô tiên đến giúp thì Cinderella không thể đi dự vũ hội được, phải không?
HS: Đúng ạ !
Thầy: Nếu chó và chuột không giúp thì cuối cùng Cinderella có thể về nhà được không ?
HS: Không ạ !
Thầy: Chỉ có cô tiên giúp thôi thì chưa đủ. Cho nên các em cần chú ý: Dù ở bất cứ hoàn cảnh nào, chúng ta đều cần có sự giúp đỡ của bạn bè. Bạn của ta không nhất định là tiên là bụt, nhưng ta vẫn cần đến họ. Thầy mong các em có càng nhiều bạn càng tốt. Bây giờ, đề nghị các em thử nghĩ xem, nếu vì mẹ kế không muốn cho mình đi dự vũ hội mà Cinderella bỏ qua cơ hội ấy thì cô bé có thể trở thành vợ của hoàng tử được không ?
HS: Không ạ ! Nếu bỏ qua cơ hội ấy thì Cinderella sẽ không gặp hoàng tử, không được hoàng tử biết và yêu.
Thầy: Đúng quá rồi ! Nếu Cinderella không muốn đi dự vũ hội thì cho dù bà mẹ kế không ngăn cản đi nữa, thậm chí bà ấy còn ủng hộ Cinderella đi nữa, rốt cuộc cô bé cũng chẳng được lợi gì cả. Thế ai đã quyết định Cinderella đi dự vũ hội của hoàng tử ?
HS: Chính là Cinderella ạ.
Thầy: Cho nên các em ạ, dù Cinderella không còn mẹ đẻ để được yêu thương, dù bà mẹ kế không yêu cô bé, những điều ấy cũng chẳng thể làm cho Cinderella biết tự thương yêu chính mình. Chính vì biết tự yêu lấy mình nên cô bé mới có thể tự đi tìm cái mình muốn giành được. Giả thử có em nào cảm thấy mình chẳng được ai yêu thương cả, hoặc lại có bà mẹ kế không yêu con chồng như trường hợp của Cinderella, thì các em sẽ làm thế nào ?
HS: Phải biết yêu chính mình ạ!
Thầy: Đúng lắm! Chẳng ai có thể ngăn cản các em yêu chính bản thân mình. Nếu cảm thấy người khác không yêu mình thì em càng phải tự yêu mình gấp bội. Nếu người khác không tạo cơ hội cho em thì em cần tự tạo ra thật nhiều cơ hội. Nếu biết thực sự yêu bản thân thì các em sẽ tự tìm được cho mình mọi thứ em muốn có. Ngoài Cinderella ra, chẳng ai có thể ngăn trở cô bé đi dự vũ hội của hoàng tử, chẳng ai có thể ngăn cản cô bé trở thành hoàng hậu, đúng không ?
HS: Đúng ạ, đúng ạ !
Thầy: Bây giờ đến vấn đề cuối cùng. Câu chuyện này có chỗ nào chưa hợp lý không ?
HS: (im lặng một lát) Sau 12 giờ đêm, mọi thứ đều trở lại nguyên dạng như cũ, thế nhưng đôi giày thủy tinh của Cinderella lại không trở về chỗ cũ.
Thầy: Trời ơi! Các em thật giỏi quá! Các em thấy chưa, ngay cả nhà văn vĩ đại mà cũng có lúc sai sót đấy chứ. Cho nên sai chẳng có gì đáng sợ cả. Thầy có thể cam đoan là nếu sau này có ai trong số các em muốn trở thành nhà văn thì nhất định em đó sẽ có tác phẩm hay hơn tác giả của câu chuyện Cô bé Lọ lem! Các em có tin như thế không?
Tất cả học sinh đều hứng thú vỗ tay reo hò. Đó là chuyện lớp học bên Mỹ, với những thầy cô yêu nghề, phân tích sâu sắc, phương pháp sống động, mang đầy nét sáng tạo và tích cực.
Bài “Người Mỹ giảng dạy chuyện Cô bé Lọ Lem như thế đấy” để lại trong tôi một ấn tượng mạnh hơn bất cứ lời bình nào về nền giáo dục của nước Mỹ. Người thầy giáo trong bài báo ấy chẳng khác một thiên thần. Ông đem lại cho lũ trẻ lòng công bằng, tình yêu thương, tinh thần đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau, tư duy lý tính, ý nghĩa của cuộc đời … Với cách giáo dục như thế, sao mà  lũ trẻ không có tình thương, sao mà chúng còn chịu sự ràng buộc và hạn chế bởi những điều này khoản nọ nào đấy?