Saturday, March 28, 2020

VIỆT NAM - NHỮNG NGÀY VẮNG BÓNG TIẾNG CHUÔNG GIÁO ĐƯỜNG

Những ngày ở Sài Gòn- Việt Nam vừa tịnh dưỡng, vừa đi giúp giải tội và tĩnh tâm ở một số giáo xứ giữa cơn đại dịch, chúng tôi mới thấy được sự đạo đức của những người dân ở chốn Đô Thành. Tuy họ phải lo cơm áo gạo tiền giữa những ngổn ngang tư bề của cuộc sống giữa cơn khủng hoảng kinh tế, tinh thần do con virus Vũ Hán gây ra, họ vẫn đến nhà thờ để tham dự thánh lễ, làm hòa với Chúa và nghe những bài giảng huấn của các linh mục trong mùa chay dù phải đeo khẩu trang và ngồi cách xa nhau để tránh lây nhiễm. Người dân Sài Gòn nói riêng và giáo dân Việt Nam nói chung luôn là một động lức lớn giúp tôi sống đúng vai trò của một tu sĩ truyền giáo.
Từ trung tuần tháng 3 năm 2020 chúng tôi bắt đầu thấy con số lây nhiễm Covid-19 tăng dần và những lệnh phong tỏa từng giáo khu, giáo xứ cũng khiến nhiều người hoang mang, lo lắng, trong đó có nhiều anh em tu sĩ trong cộng đoàn nhà tu chúng tôi. Một số sinh hoạt của các giáo xứ ở Sài Gòn cũng tạm đình chỉ từ từ cho đến chiều ngày lễ truyền tin 25 tháng 3 thì nhận được tin tức từ Tổng Giáo Phận Sài Gòn là ngày sau đó phải đình chỉ tất cả các sinh hoạt cho đến khi nhận được thông báo mới. Chiều hôm đó cũng là ngày kết thúc 3 ngày tĩnh tâm về gia đình tại giáo xứ Vườn Xoài mà cha xứ đã mời chúng tôi từ trước. Khi cha xứ vừa đọc xong thông báo của Đức Tổng về sự nguy hiểm của cơn đại dịch Corona và phải tạm đình chỉ tất cả các sinh hoạt tôn giáo dù đã lên chương trình trước, cả nhà thờ lặng thinh đến nỗi chúng tôi có thể nghe được những tiếng sụt sùi của nhiều người đang tham dự. Đây quả là một thử thách quá lớn để thanh luyện đức tin giữa cơn “bão tố cuộc đời”. Người ta thường nói khi mình mất đi một cái gì quí báu nhất trong đời thì lúc ấy mình mới cảm thấy hối tiếc. Thánh lễ là điều quí nhất trong đời sống Kitô hữu nhưng chính những lúc này đây khi chúng ta chuẩn bị bước vào Tuần Thánh và Phục Sinh chúng ta lại phải nhìn trên màn hình trực tuyến để tham dự trong nỗi cơ đơn, và cũng chính lúc này đây Chúa biết rằng chúng con rất cần đến Chúa.
Đô Thành Sài Gòn dù rất náo nhiệt nhưng những ngày này bỗng im phăng phắt và những tiếng chuông giáo đường thường thì bắt đầu lúc 4.00 sáng cũng im bặt. Thức dậy lúc ban mai lần chuỗi trên sân thượng của nhà Dòng, chúng tôi cảm thấy thiêu thiếu một điều gì đó. À thì ra là thiếu tiếng chuông các giáo đường! Ôi lạy Chúa, sao Chúa lại bỏ rơi chúng con!
Lúc 24.00 giờ đêm ngày 27 tháng 3 giờ Việt Nam chúng tôi vào trang Youtube Urbi et Orbi để hiệp thông với Đức Thánh Cha Phanxico suy niệm và chầu Thánh Thể trước khi ngài ban phép lành cho Roma và toàn thế giới. Phép lành này rất đặc biệt vì lần này không thấy lượng giáo dân khổng lồ như họ vẫn thường tham dự vào dịp Lễ Phục Sinh và Giáng Sinh vì nước Ý và kinh thành Vatican đang phải gánh chịu hậu quả nặng nề của cơn đại dịch và đang đứng thứ 2 thế giới sau Mỹ với gần 90 ngàn ca nhiễm và hơn 9 ngàn người chết trong đó có gần 70 linh mục. Nhìn vị Cha Chung Phanxico 84 tuổi suy niệm đoạn Tin Mừng khi Chúa Giêsu ở trên thuyền với các môn đệ và ngủ say lúc sóng to, gió lớn. Các ông tưởng rằng Chúa quên họ nên vội vàng đánh thức Ngài dậy để cứu họ. Chính lúc đó Chúa đã ra tay cứu vớt khi ra lệnh cho sóng yên, biển lặng và dạy họ về lòng tin. Khi nói chuyện với người phụ nữ bên bờ giếng Gia-cóp về nước trường sinh, Chúa cũng nói với người phụ nữ rằng sẽ có ngày con người sẽ thờ phượng Chúa trong tinh thần và trong chân lý chứ không phải ở Giêrusalem hay trên núi thánh nữa.
Có lẽ chúng ta đã quen với truyền thống hội họp đông người và những sinh hoạt thường nhật mang đậm tính cộng đồng. Có lẽ chính những lúc này đây Chúa muốn chúng ta ngồi lại bên nhau trong từng gia đình để sống bầu khí gia đình và chia sẻ niềm tin của chúng ta cách thiết thực hơn. Chúa muốn thanh lọc đức tin của chúng ta qua cơn thử thách đớn đau này để ngày Ngài trở lại Ngài sẽ không thất vọng với câu hỏi ngày xưa: “Khi Con Người đến, liệu có còn niềm tin trên mặt đất nữa không?” (Xc Lc 19, 1-8).
Bản thân tôi rất buồn vì linh mục dâng lễ mà không có giáo dân, và tôi cũng cảm nhận rằng anh chị em cũng đang rất buồn khi tham dự thánh lễ trực tuyền và rước lễ thiêng liêng nhưng chúng ta hãy tin tưởng và phó thác vào Chúa. Chúa Giêsu cũng từng khích lệ các môn đệ trước những đau khổ, thử thách trong cuộc sống: “Các con hãy can đảm, Thầy đã thắng thế gian” (Ga 16,33).
Tin Mừng Chúa Nhật V Mùa Chay không hề có sắp đặt trước nhưng lại là lời  mang tính ngôn sứ về việc Chúa phục sinh cho Lazarus khi Ngài nói với các môn đệ Ngài rằng bệnh này không đến nỗi chết nhưng là dịp để bày tỏ vinh quang cùa Thiên Chúa và qua đó con Thiên Chúa được tôn vinh (Xc Ga 11,4).
Lạy Chúa, trước biến cố xảy ra với chúng con khiến chúng con sợ hãi, nản lòng và đôi lúc mất niềm tin nữa. Trước sức mạnh, sự dữ của thế gian đang thắng thế mà chúng con đang gánh chịu đôi lúc làm chúng con muốn buông xuôi và muốn để cho nó buông trôi đến đâu hay đến đó. Chúng con cảm thấy đức tin chúng con quá yếu đuối, mỏnh manh. Xin Chúa hướng dẫn, đồng hành và ban thêm lòng tin cho chúng con, ban cho chúng con sức mạnh và lòng can đảm để chúng con có thể lướt thắng ba thù, nhất là vượt qua cơn khủng hoảng này, và để chúng con có thể làm chứng cho Chúa trong mọi lĩnh vực của cuộc sống. Xin Chúa chúc lành và ban ơn toàn xá cho chúng con. Amen.
Việt Nam, ngày 28 tháng 3 năm 2020
Lm. Antôn Trần Xuân Sang, SVD  

Saturday, March 14, 2020

VIỆT NAM - NHỮNG ĐÁM MÂY ĐEN TRONG CƠN ĐẠI DỊCH COVID-19

Những ngày cuối tháng 2 chúng tôi đã lên đường từ Hòa Lan đi Việt Nam dù biết rằng cơn đại dịch đang hoành hành ở châu Á với nhiều người tử vong. Nhiều người thân quen ở Hòa Lan có vẻ giận dỗi chúng tôi vì không nghe theo lời khuyên của họ là ở lại để tránh cơn dịch, chúng tôi vẫn muốn theo chương trình của mình vì đã 3 lần hủy vé để xem tình hình tiến triển khá hơn không nhưng mỗi ngày tồi tệ hơn nên chúng tôi vẫn nhất quyết lên đường.
Từ Phi trường Schiphol của Hòa Lan đến phi trường Tân Sơn Nhất của Việt Nam chúng tôi phải quá cảnh phi trường Bangkok- Thái Lan theo hãng hàng không KLM. Chúng tôi đặt chân đến phi trường Tân Sơn Nhất khá đúng giờ, và vì ít hành khách nên chúng tôi làm thủ tục rất nhanh gọn và lấy hành lý ra ngay mà không hề bị hạch hỏi điều gì. Thời tiết ở Sài gòn những ngày cuối tháng 2 cũng khá dễ chịu và đường xá không tấp nập như trước đây vì ai cũng không dám ra đường và học sinh được cho nghỉ học nên việc đi lại có vẻ dễ dàng hơn trước nhiều.
Sài Gòn nhưng ngày sau Tết Canh Tý năm nay vắng lạ thường vì chính phủ cho các trường học được nghỉ cho đến khi có thông báo mới vì cơn đại dịch Covid-19. Nhiều quán xá, xe cộ cũng ế ẩm, vắng khách lạ thường. Chúng tôi đón Taxi về Dòng để nghỉ ngơi sau một chuyến đi dài và bồi hồi nhớ lại những kỷ niệm xưa ở Sài Thành khi còn học Triết-Thần học ở đô thị náo nhiệt này.
Những ngày ở Sài Gòn  chúng tôi tá túc ở Học Viện Thần học của Dòng để tịnh dưỡng và cũng tiện để theo dõi sức khỏe vì chúng tôi cảm thấy xuống sức nhiều trong cơn bạo bệnh năm ngoái ở Hòa Lan. Những anh em linh mục cùng lớp ngày xưa hiện nay nắm những trọng trách lớn trong Dòng và rất vui mừng đón nhận chúng tôi trở về. Anh em có dịp ôn lại những kỷ niệm xưa và chúng tôi cũng có dịp chia sẻ những kinh nghiệm truyền giáo cho các anh em trẻ đang còn mài dũa trên giảng đường học viện. Nhìn các anh em trẻ khỏe mạnh, vui tươi và đầy nhiệt huyết mà mình cảm thấy tiếc nuối thời quá khứ đã qua, nhưng thời gian không thể dừng lại mà mình phải tiếp tục sống và chiến đấu như lời thánh Phaolo đã nói.
Những cha bạn ngày xưa từng quen biết ở Sài Gòn hay tin chúng tôi về cũng mời chúng tôi đến dâng thánh lễ ở giáo xứ nơi họ đang phụ trách dù cũng hơi e ngại con virus Corona đang lây nhiễm, và cũng mời chúng tôi dọn bài chuẩn bị tĩnh tâm cho giáo xứ họ. Chúng tôi cảm thấy mình còn hữu ích và các anh em còn nhớ đến mình nên đã nhận lời, và những ngày này dù cơn đại dịch Corona mỗi lúc càng nóng lên, các giáo xứ ở Sài Gòn vẫn tấp nập những sinh hoạt cho mùa Chay để chuẩn bị bước vào Tuần Thánh dù có thông báo từ Tòa Tổng Giám Mục là nên hạn chế các sinh hoạt mang tính vĩ mô và luôn phải đeo khẩu trang khi ngồi tòa.
Quả thực Virus Corona đã khuynh đảo cả thế giới mà lần đầu tiên trong đời chúng tôi mới thấy tầm ảnh hưởng của nó. Tính đến giây phút hiện tại thì con số ca nhiễm trên toàn thế giới đã trên 150 ngàn trong đó có gần 6 ngàn ca tử vong mà Trung quốc và Ý chiếm tỉ lệ tự vong khá cao. Biết bao doanh nghiệp, công ty, khách sạn, quán xá… đã tuyên bố phá sản vì không có khách hàng và nhiều hãng hàng không cũng đình chỉ vô thời hạn vì sợ lây nhiễm con virus đáng sợ này. Về phía giáo hội Công giáo thì nhiều Hội Đồng giám mục trên thế giới trong đó có cả kinh đô của Giáo hội đã phải tạm đóng cửa và dâng lễ trên truyền hình để hạn chế việc tụ tập đông người để tránh lây nhiễm. Nhiều trường học đã tuyên bố nghỉ học vô thời hạn vì không biết bao giờ mới công bố hết dịch! Phải nói rằng đây là đám mây đen ảm đạm đang bao trùm cả thế giới mà không quốc gia nào dám đứng ngoài cuộc. Nhiều quốc gia trên thế giới đã lo tích trữ lương thực nên các siêu thị trở nên khan hiếm đồ tiêu dùng hàng ngày. Nếu là thảm họa thiên nhiên thì sẽ đến lúc phải chấm dứt như nạn châu chấu hoành hành các nước Phi châu và nay đang tiến về Pakistan và Trung quốc, nhưng một số nhà khoa học cho rằng virus này chính do con người tạo ra để tấn công nước khác và người ta cho rằng chính gậy ông lại đập lưng ông, và người thủ ác sẽ phải đền tội.
Việt Nam sau nhiều ngày yên bình vì những tưởng là đã khống chế được cơn đại dịch khi 16 ca dương tính đều được bình phục, nhưng từ tuần thứ hai của tháng 3 lại rộ lên nhiều ca nhiễm do một số người trở về từ Âu châu và Mỹ về đã lan nhanh khiến cả nước hoang mang và nhiều tỉnh thành đã phải cách ly các trường hợp bị nghi ngờ. Ngay cả chỗ học viện chúng tôi đang sinh sống cũng một phen khiếp vía khi một thanh niên từng tiếp xúc với ca nhiễm 34 ở Bình Thuận và giáo xứ nơi anh ta cũng tạm bị phong tỏa để khử dịch. Con virus này thật đáng sợ hơn bệnh phong hủi ngày xưa và chỉ cần ai ho hen, hắc xì hơi hay cảm cúm đều bị tránh xa. Người ta nghi kỵ, lên án và xa lánh ngay cả những người thân của mình nếu hay tin là người đó bị tình nghi có chủng virus Corona. Chưa bao giờ trong đời chúng tôi lại chứng kiến một cơn đại dịch khủng khiếp như thế. Ở Học viện thần học dâng lễ với các thầy mỗi ngày chúng tôi đều dâng lên lời nguyện cho thế giới thoát khỏi cơn đại dịch để thế giới được yên bình trở lại vì nhiều người cho rằng thế giới ngày nay đầy tội lỗi nên Chúa gởi đến những dấu chỉ này để mọi người phải sám hối, ăn năn.
Dù được cảnh báo là nên tránh xa đám đông để hạn chế việc lây nhiễm, chúng tôi cũng tham dự thánh lễ an táng của một người thân của một anh em cùng Dòng tại Buôn Ma Thuột trong tuần đầu của tháng 3. Bà Cố thật hạnh phúc vì sinh được 13 người con và ngày nhắm mắt xuôi tay bên cạnh bà vừa con cái, dâu rể, cháu chắt lên đến hơn 120 thành viên trong đó có hai người con gái là nữ tu, 1 người cháu trai là linh mục truyền giáo đang nắm một vai trò lớn trong Dòng và 3 cháu gái khác nữa cũng là nữ tu. Nhìn thấy con đàn, cháu đống chật kín nhà thờ với nhiều linh mục đồng tế và bà con xóm giềng tham dự trong bối cảnh dịch cúm Corona mà ai cũng cảm thấy thèm thuồng dù Bà Cố không có nhiều của cải, tài sản nhưng tài sản của Bà chính là lũ cháu đàn con đông đúc luôn sống hòa thuận bên nhau và hai người con gái đi tu của Bà luôn ở bên cạnh Bà từ lúc Bà chuẩn bị nhắm mắt xuôi tay đến ngày đưa ra nghĩa trang. Chính Chúa Giêsu đã trả lời cho các môn đệ Ngài khi các ông hỏi Ngài là sẽ được gì khi bỏ mọi sự theo Ngài. Ngài trả lời là với họ rằng những ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, mẹ cha, con cái hay ruộng đất, vì Ngài và vì Tin Mừng, thì ngay bây giờ, ở đời này, sẽ nhận được nhà cửa, anh em, chị em, mẹ, con hay ruộng đất, gấp trăm, cùng với sự ngược đãi, và sự sống vĩnh cửu ở đời sau (Xc Mc 10,30). Lời hứa của Chúa kèm theo là sự hy sinh bản thân của những người theo Ngài luôn phải phấn đấu và luôn sống cho tha nhân để qua đó Chúa sẽ bù lại những khoảng trống khi chính người theo Ngài không làm gì được cho gia đình huyết tộc của mình.
Những ngày lưu trú ở Sài Gòn chúng tôi cũng có dịp chứng kiến cuộc sống của nhiều lớp người mà bấy lâu nay vào những dịp nghỉ phép chúng tôi chỉ biết họ qua lăng kính của một du khách. Nhìn những người tiều tụy đau khổ phải bươn chải mưu sinh, nhất là giữa cơn đại dịch khiến nhiều người phải khóc dở, chết dở và những người nghèo lại càng te tua hơn vì không dễ dàng kiến sống qua ngày như trước trước tình trạng củi châu, gạo quế và thiếu việc làm vì cơn đại dịch. Nhìn những đứa cháu ruột phải thất nghiệp rong ruổi tìm kiếm việc làm trong thời buổi khó khăn vì nhiều doanh nghiệp phải tuyên bố phá sản, trường học đóng cửa, công việc ít đi mà cảm thấy nhói lòng. Nếu tình trạng này kéo dài thì không biết tương lai sẽ đi về đâu. Ai cũng nói Sài Gòn là Hòn Ngọc Viễn Đông vì ở đó người ta có thể tìm kiếm những cơ hội và dễ dàng mưu sinh, nhưng với thời buổi hiện tại ai cũng lắc đầu ngao ngán từ tầng lớp thượng lưu đến những người cùng khổ. Không biết bao giờ cơn đại dịch này mới chấm dứt để trả lại bầu khí yên lành cho quê hương xứ sở và thế giới vốn đã chịu nhiều khổ đau này. Ai đã gây ra cơn ác mộng này để đám mây đen luôn bao phủ cả bầu trời u ám khiến người dân kêu trời không thấu! Nhân loại đã đau khổ nhiều bởi chiến tranh, thảm họa thiên nhiên thì không cớ gì mà chúng ta lại tạo thêm đau khổ nữa chỉ vì muốn làm hại người khác qua việc chế tạo các vũ khí sinh học. Nếu ai đó hay quốc gia nào cố tình gây ra thảm họa này thì hãy biết dừng lại. Hãy làm việc thiện, đừng làm điều ác nữa để thế giới này ngày một tốt hơn.
Hôm nay Chúa Nhật III Mùa Chay, các bài đọc lời Chúa nói về Nước Hằng Sống. Người phục nữ Samaria trong bài Tin Mừng khi gặp Chúa Giêsu đã xin Chúa một thứ nước để bà khỏi phải đi kín nước hàng ngày. Những người công giáo Việt Nam ở hải ngoại đang khao khát được tham dự thánh lễ và rước Mình Thánh Chúa vì họ Khát Chúa khi các nhà thờ đồng loạt tuyên bố đóng cửa để tránh cơn dịch lây nhiễm. Chúng ta Khát Chúa và mong Chúa làm phép lạ để có thể chế ngự cơn đại dịch. Chúa cũng khát nơi chúng ta lòng thương xót, nhân ái và bao dung trong Mùa Chay qua những hành động, cử chỉ và lời nói của chúng ta với tha nhân là hãy xé lòng, đừng xé áo.
Cũng trong những ngày này khi chia sẻ tĩnh tâm tháng với các Nữ tu Dòng chúa Hài Đồng về đời sống cộng đoàn, nhất là đời sống cộng đoàn quốc tế muôn hình, muôn vẻ mà trong tương lai nhiều Soeurs sẽ được tiếp cận và sống chung, chúng tôi cũng đề cập đến một khía cạnh khao khát nên thánh trong đời sống cộng đoàn. Ngoài các lời khấn Dòng thì đời sống cộng đoàn cũng giúp người tu sĩ nên thánh khi biết tôn trọng, hiệp nhất và nâng đỡ nhau để có thể giúp nhau những gì còn khiếm khuyết. Không ai có thể sống một mình nhưng phải sống cùng, sống với và sống vì nhau. Chúng ta không thế nên thánh một mình nhưng cùng khát với nhau để nên thánh.    
Tháng Ba, Giáo hội kính nhớ thánh Giuse, bạn trăm năm của Đức Trinh Nữ Maria và là cha nuôi của Chúa Giêsu. Nhìn gương mặt thánh thiện và phúc hậu của thánh Giuse qua hình ảnh bồng ẵm Chúa Hài Đồng tôi cảm thấy tâm hồn nhẹ nhõm khi Thiên Chúa đã mạo hiểm trao phó một trọng trách lớn cho thánh nhân. Dù thánh nhân không để lại một lời nào hay di sản nào trong Kinh Thánh, chúng ta có có thể nhìn ngắm con người Giêsu để thấy được công lao của thánh Giuse, vì chính Chúa Giêsu dù là con Thiên Chúa nhưng là con theo pháp luật của một người thợ mộc quê mùa. Chúng tôi cũng đi thăm người học trò cũ mà giờ đây đang quản nhiệm một giáo họ Giuse ở giữa trung tâm của một giáo phận Tây Nguyên. Nhìn thấy đàn em giờ trưởng thành và khá chửng chạc trong vai trò của một mục tử mà trong lòng cảm thấy vui. Ước mong đơn giản của chúng tôi là mong em luôn biết phó thác đời linh mục mình cho Chúa và năng chạy đến thánh Giuse khi gặp những khó khăn. Tỉnh Dòng Ngôi Lời Việt Nam của chúng tôi cũng chọn thánh Giuse làm quan thầy, và lúc còn chủng sinh chúng tôi cũng nghe các vị tiền bối kể lại những điều kỳ diệu mà nhà Dòng đã nhận được qua lời bầu cử của thánh Giuse. Chúng tôi cảm thấy hãnh diện và an tâm vì có Cha Thánh Giuse chèo chống con thuyền của Hội Dòng. Các vị tiền bối của chúng tôi thường tâm sự rằng nếu chúng ta có lòng tin và chạy đến cùng cha thánh Giuse, ngài sẽ cầu thay nguyện giúp cho chúng ta. Xin Cha Thánh cầu cùng Chúa thương gìn giữ Giáo Hội khỏi mọi sự dữ, gìn giữ chúng con và tất cả thế giới này trước cơn đại dịch cúm CoViD-19 đang hoành hành dữ dội gây nên những đau thương khắp nơi. Xin cầu cho chúng con biết noi gương Cha Thánh để luôn tín thác, cậy trông vào sự quan phòng của Thiên Chúa, dù giữa những nghịch cảnh của cuộc sống, biết luôn tìm kiếm và mau mắn vâng theo Thánh ý Chúa nhất là giữa những thử thách trong cuộc đời chúng con. Amen.           
                                                                      Việt Nam, 15 tháng 03 năm 2020- Chúa Nhật III Mùa Chay A
Lm. Antôn Trần Xuân Sang, SVD.