Saturday, September 3, 2011

LỜI CHÚA TRONG ĐỜI SỐNG VÀ SỨ VỤ CỦA HỘI THÁNH

            Thứ Bảy ngày 21 tháng 5 năm 2011 vừa qua, thế giới lại một lần nữa lo lắng và hoang mang về những lời tiên đoán về ngày tận thế. Và liền sau đó “nhà tiên tri” đoán mò ấy lại nói rằng do nhầm lẫn nên tiên báo lại ngày tận thế sẽ là ngày 21 tháng 10 năm 2011. Dù đây chỉ là những phỏng đoán của một số người tự cho mình là biết Kinh Thánh rồi diễn dịch theo cách tính toán của riêng mình và cho đó là “sấm truyền” và hù dọa mọi người, tiếc thay điều đó lại trở thành phản cảm và lố bịch.
Sáng ngày 27 tháng 5 vừa qua, tôi có đi thăm các giáo dân gần Chủng viện để biết thêm cuộc sống của những người vốn “gần nhà thờ nhưng xa Chúa”. Một cụ bà phốp pháp vui vẻ tiếp đón tôi trước cửa nhà bà và khoe với tôi rằng có một cặp giảng đạo mới ghé qua nhà bà và thuyết giảng về Chúa rất hay, lại còn tặng cho bà một quyển Kinh Thánh rất mới nữa. Tôi hỏi bà có thích cách giảng đạo của đôi vợ chồng truyền đạo đó không thì bà nói là thích nhưng nghe cho vui thôi vì những người giảng đạo đó không thích Đức Mẹ! Tôi hỏi bà nếu bà không thích sao lại nghe và còn nhận quà Kinh Thánh nữa thì bà trả lời rằng cứ nghe có sao đâu còn người ta cho quà thì mình cứ nhận chứ có mất mát gì. Thật là hết đường tranh luận với người đàn bà chất phát này. Trong Tông Huấn Verbum Domini số 73 bàn về “Linh hoạt công việc mục vụ bằng Kinh Thánh”, Đức Thánh Cha Biển Đức XVI nhấn mạnh : “Theo chiều hướng này, Thượng Hội Đồng đã kêu gọi một sự dấn thân mục vụ đặc biệt để nêu bật vị thế trung tâm của Lời Thiên Chúa trong đời sống Giáo Hội, khi đề nghị nên “tăng cường khoa mục vụ Kinh Thánh”, không phải bằng cách đặt khoa này bên cạnh những hình thức mục vụ khác, nhưng phải là “linh hoạt tất cả công việc mục vụ bằng Kinh Thánh”. Vậy vấn đề không phải là thêm một vài cuộc hội họp trong giáo xứ hay trong giáo phận, mà là đảm bảo rằng, trong các sinh hoạt quen thuộc của các cộng đoàn Kitô hữu, trong các giáo xứ, trong các hội đoàn và trong các phong trào, người ta thật sự quan tâm đến việc gặp gỡ riêng tư với Đức Kitô, Đấng thông truyền chính Người cho chúng ta nơi Lời Người. Bởi vì nếu “không biết Kinh Thánh là không biết Đức Kitô”, việc linh hoạt bằng Kinh Thánh tất cả hoạt động mục vụ thông thường và ngoại thường sẽ dẫn đưa đến một hiểu biết lớn lao hơn về con người của Đức Kitô, Đấng mạc khải Chúa Cha và là Mạc Khải viên mãn của Thiên Chúa”.
Đức Thánh Cha còn viết : “Vậy tôi khuyên các vị Mục tử và các tín hữu hãy ý thức về tầm quan trọng của việc linh hoạt này: đó cũng sẽ là cách thức tốt nhất để đương đầu với một vài vấn đề mục vụ được nêu lên tại Thượng Hội Đồng, chẳng hạn những vấn đề liên quan đến sự tăng nhanh của các giáo phái đang phổ biến một cách đọc Kinh Thánh méo mó và lèo lái. Ở đâu các tín hữu không trau dồi cho mình một sự hiểu biết Kinh Thánh phù hợp với đức tin của Giáo Hội và dựa trên Truyền Thống sống động của Giáo Hội, thì ở đó người ta để lại một khoảng trống rỗng mục vụ, là nơi mà các thực tại như các giáo phái có thể gặp được một vùng đất mầu mỡ để bám rễ. Vì thế, cũng cần phải chuẩn bị chu đáo các linh mục và giáo dân để họ có thể dạy dỗ Dân Thiên Chúa tiếp cận Kinh Thánh một cách chân thực”. (Xc VD, 73). Trong kì cắm phòng hang năm vừa qua của Tỉnh Dòng Ngôi Lời chúng tôi tại Paraguay, cha giảng phòng có cho chúng tôi xem một bộ phim mới về cuộc đời Chúa Giêsu rất đời thường nhưng rất ấn tượng. Xem xong thì một cha già cùng Dòng người Ba-lan, có họ hàng rất gần với Tân Chân phước giáo hoàng Phao-lô II mới hỏi sao phim về Chúa mà không thấy phép lạ nào! Thế đó, một linh mục truyền giáo lão luyện mà cứ đòi phép lạ, cứ muốn nói về Chúa với những chuyện li kỳ hấp dẫn để cho người khác biết là Chúa của mình oai phong lẫm liệt chứ không phải là người bình thường thì thử hỏi những người khác làm sao tránh được những cám dỗ, những thêu dệt đầy huyền bí về những chuyện không có. Thế giới ngày nay người ta rất thích “phép lạ” và nhiều phép lạ diễn ra quá nên dễ trở thành “phép quen”. Nhiều người không còn đến với Chúa như một người có lòng tín thác nhưng muốn biến Chúa thành một công cụ, hay nói đúng hơn là thành một “ông Bụt” để thỏa mãn nhưng ước muốn và nhu cầu tâm linh của họ mà thôi. Trong một lần giảng tĩnh tâm cho giới trẻ vào Dịp Tuần Thánh, tôi có hỏi các bạn trẻ là các bạn cần gì nơi những người dấn thân cho Chúa và các linh mục của các bạn? Các em trả lời rằng các em cần những những người biết dấn thân và biết hành động hơn là những người chỉ giảng rất hay mà không làm gì. Quả vậy, Đức cố giáo hoàng Phao-lô VI cũng đã từng nói trong Tông Huấn Loan Báo Tin Mừng rằng ngày nay người ta cần những chứng nhân hơn những thầy dạy, và nếu người ta cần thầy dạy vì những người đó đồng thời cũng là những chứng nhân.
Thế giới chúng ta đang sống không hề thiếu những thầy dạy. Có những thầy dạy có nhiều bằng cấp cao, và nhờ những bằng cấp đó họ mới tính toán ngày tháng trong Kinh Thánh để tiên đoán về ngày tận thế. Họ không biết rằng chuyện đó không thuộc phạm vi của họ nhưng họ vẫn “liều” dù ý hướng của họ cũng là để giúp người ta sám hối, ăn năn. Trận cuồng phong chớp nhoáng xảy ra ở thành phố Joplin, bang Missouri của Hoa Kỳ đã làm thiệt hại nặng nề cũng khiến người ta liên tưởng đến ngày tận thế. Tuy nhiên, ngày ấy, như Chúa Giêsu đã từng nói : “Còn về ngày giờ đó thì không ai biết được, ngay cả các thiên sứ trên trời hay cả người Con cũng không; chỉ một mình Chúa Cha biết mà thôi” (Mt 24,36). Vậy chúng ta sẽ làm gì trước những sự kiện này? Câu hỏi này chúng ta cần phải trả lời trong Năm Lời Chúa này? Trong lời mở đầu của Tông Huấn Verbum Domini, Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã mượn lời thư thứ nhất của Thánh Phê-rô tông đồ, Ngài viết : “Lời Chúa đời đời bền vững. Đó chính là Lời Tin Mừng đã được loan báo cho anh em” (1 Pr 1, 25; x. Is 40, 8). Lời đời đời bền vững này đã đi vào thời gian. Thiên Chúa đã nói Lời vĩnh cửu của Ngài theo cách thức nhân loại; Lời của Ngài “đã trở nên người phàm” (Ga 1,14). Đây chính là Tin Mừng. Đây là lời loan báo đã vượt qua bao thế kỷ để đến với chúng ta hôm nay. Chính Đấng Sáng Lập của Dòng Truyền Giáo Ngôi Lời- thánh Arnold Jassen đã yên mến Lời Chúa, đã đọc và suy niệm Lời Chúa và đã đặt tên cho Hội Dòng là Dòng Ngôi Lời- Societas Verbi Divini, để nhấn mạnh tầm quan trọng của Lời Chúa trong đời sống và sự vụ của các nhà truyền giáo. Không biết Kinh Thánh, không áp dụng Lời Chúa đúng lúc, đúng hoàn cảnh thì những gì chúng ta làm đều vô ích và đôi khi còn phản lại Tin Mừng nữa. Chính vì thế, việc học hỏi Lời Chúa, áp dụng Lời Chúa vào cuộc sống hàng ngày trong môi trường sống của từng người có một ý nghĩa rất thiết thực cho những người theo Chúa. Chúng ta không cần làm phép lạ, không cần hù dọa mọi người về những sự kiện mang tính cách giật gân để làm cho người ta tin Chúa nhưng chúng ta chỉ cần tin những gì chúng ta đọc, dạy những điều chúng ta tin và thi hành những gì chúng ta dạy là đầy đủ rồi. Xin mượn lời Thánh Vịnh 119, 105 như là một châm ngôn sống để kết thúc bài viết này : “Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi”.

1 comment: