Monday, October 31, 2011

PARAGUAY – TẢN MẠN THÁNG MÂN CÔI VÀ TRUYỀN GIÁO


Những ngày lễ bổn mạng các giáo xứ

Ở Nam Mỹ nói chung và Paraguay nói riêng, người ta không mừng lễ bổn mạng cá nhân như những người Công giáo Việt Nam nhưng lạ rất chú trọng đến mừng lễ bổn mạng của các giáo điểm hay tại giáo xứ. Vì thế, tên gọi các giáo điểm và các giáo xứ là tên của các thánh thường được mừng cách long trọng, và nếu cách giáo xứ ở thành phố thì họ mời các linh mục đến dâng lễ theo từng ngày gọi là Tuần Cửu Nhật (la Novena).
Tháng 10, tháng có nhiều vị thánh  như thánh Tê-rê-sa Hài Đồng Giê-su, thánh Phan-xi-cô khó khăn, Đức Mẹ Mân Côi, thánh sử Lu-ca… mà người dân ở đây chọn làm thánh quan thầy cho các nhà thờ của họ nên họ đua nhau tổ chức la Novena (Tuần Cửu Nhật) cho ngày bổn mạng của giáo xứ mình. Tôi được khá nhiều nhà thờ mời giúp bí tích Hòa giải và dâng lễ nên được hiểu biết thêm các nét riêng của những từng nơi trong thành phố. Họ không mấy khác biệt như các giáo xứ ở Việt Nam mình. Chỉ có một vài giáo xứ có các Phong trào như : Canh Tân Đặc Sủng, Con Đường Tân Dự Tòng thì sinh động hơn một tí nhưng lại có vài vấn đề lủn củn nội bộ vì có một số cá nhân muốn phô diễn tài năng. Tôi thấy qua những dịp tổ chức lể bổn mạng là dịp hâm nóng lại tinh thần sống đạo và đây là điều rất đáng làm.
Những lúc ngồi tòa dịp này đã tập cho tôi sự kiên nhẫn, lòng trắc ẩn và sự càm thông hơn khi tôi lắng nghe các hối nhân hòa giải với Chúa. Tôi cũng là một hối nhân và cứ 3 tháng một lần tôi hòa giải với Chúa nên tôi hiểu việc lắng nghe người khác và giúp họ trở về với Chúa là nhiệm vụ rất quan trọng của một linh mục ngồi tòa. Thiếu sự kiên nhẫn, lòng trắc ẩn và sự cảm thông, việc ngồi tòa trở nên vô ích và có lẽ hối nhân sẽ có một ấn tượng xấu dẫn đến việc người ta sợ hay không muốn đến tòa cáo giải nữa. Tôi cảm thấy mình nhận được nhiều hơn là cho khi ngồi tòa nhưng đôi lúc cũng hơi khó chịu một tí vì một vài người đến không phải để hòa giải với Chúa nhưng là để kể công của mình và kể tội người khác.
Vì là tháng Mân Côi nên tôi thường xuyên đến 2 cộng đoàn giáo họ mình phụ trách giúp mọi người hiểu hơn về Kinh Mân Côi và cùng cầu nguyện với họ bằng Chuổi Mân Côi. Chỉ có mấy bà lớn tuổi rất thích cầu nguyện những lời kinh đơn sơ này, còn giới trẻ thì vẫn chưa quen và cũng chẳng mấy thích thú với những vần kinh ê,a này. Tôi không đặt nặng về vấn đề số lượng hay là những cuộc tổ chức hoàng tráng nhưng phương châm của tôi đến giờ vẫn là “Salvar una persona es salvar un mundo entero” (Cứu một người là cứu cả thế giới). Tôi cùng các bà và những người yêu thích cầu nguyện với Kinh Mân Côi ê, a cầu nguyện cho công cuộc truyền giáo của Giáo Hội vì chúng tôi tin tưởng rằng lời Đức Mẹ đã hứa ban cho những ai đọc Kinh này sẽ trở thành hiện thực.           

Khánh nhật truyền giáo

Chiều thứ Bảy 22/10/2011, áp lễ Khánh Nhật truyền giáo, kênh truyền hình Telefuturo của Quốc gia đã đến giáo xứ của Dòng Truyền giáo Ngôi Lời tại Paraguay để truyền hình thánh lễ trực tiếp cho mọi người xem nhằm nhắc nhở mọi người cầu nguyện và đóng góp cho công cuộc truyền giáo của giáo hội. 
Buổi chiều hôm ấy có sự tham dự đông đảo của các tín hữu thuộc giáo xứ của Dòng cũng như các giáo xứ lân cận, các Nữ tu thuộc Dòng Nữ Tỳ Chúa Thánh Linh Truyền giáo- một Hội dòng em của Dòng Ngôi Lời có cùng Đấng Sáng Lập, các Đại chủng sinh của Dòng Ngôi Lời và 5 linh mục của Dòng đồng tế gồm 5 quốc tịch khác nhau là Ấn Độ, Argentina, Ba Lan, Indonesia và Việt Nam. Cha Giám tỉnh của Dòng Ngôi Lời tại Paraguay hiện nay là người Ấn Độ đã mời gọi mọi người cùng nhau truyền giáo. Ngài đã nhắc lại lời của Đức Phao-lô VI trong Tông Huấn Loan Báo Tin Mừng là : “Giáo Hội, tự bản chất là truyền giáo”, và vì thế, chúng ta là thành phần của Giáo hội, chúng ta không thể lảng tránh hay thoái thác nhiệm vụ này cho người khác được.
Dòng Truyền giáo Ngôi Lời đã hiện diện ở Paraguay hơn 100 năm và đóng góp rất nhiều cho giáo hội địa phương này. Có người cón nói đùa rằng Dòng Ngôi Lời ở Paraguay hiện nay đang đóng góp 1 vị tổng thống cho đất nước Paraguay nữa! Và đúng như thế vì vị tổng thống đương nhiệm của Paraguay từng là giám tỉnh của Dòng Ngôi Lời ở Paraguay vào thập niên 90, rồi sau đó được cất nhắc lên làm giám mục, rồi lại từ nhiệm giám mục để tranh cửa tổng thống và đã thắng cử. Một tháng đôi lần ông vẫn ghé thăm ngôi nhà xưa của Tỉnh Dòng để hàn huyên tâm sự với anh em trong Dòng cũng những dịp đại lễ của Dòng ông vẫn nhớ đến tình xưa, nghĩa cũ và đến tham dự cách tích cực dù công việc của một vị tổng thống với lịch trình dày đặt. Chúng tôi luôn cầu nguyện cho ông và chính phủ của ông biết lo cho đất nước được ấm no hạnh phúc vì đó cũng là lí tưởng và mục đích của những anh em truyền giáo chúng tôi là đến “để cho chiên được sống và sống dồi dào” (Xc. Ga 10,10).
Trong những ngày này tôi cũng có ghé thăm 2 Chủng sinh khác của Dòng Don Bosco từ Việt Nam mới qua và sẽ trở thành thành viên chính thức của Tỉnh Dòng Don Bosco tại Paraguay sau khi hoàn tất việc học. Kể ra thì có đến 4 anh em trẻ Việt Nam hiện giờ đang ở Paraguay thuộc Dòng Don Bosco trong giai đoạn đào tạo. 2 anh em linh mục Việt Nam thuộc Dòng Ngôi Lời đã làm việc mấy năm nay tại Paraguay. 1 anh em linh mục Việt Nam khác đã có bài sai từ năm ngoái nhưng có lễ vì ngại dấn thân nên chưa dám làm giấy tờ qua đây. Nhiều anh em linh mục trẻ khác đã có bài sai đi các nước từ nhiều năm qua nhưng cũng chưa muốn xúc tiến thủ tục ra đi vì sợ. Có lẽ cũng tại tôi là nguyên do gây nên sự sợ hãi này khi tôi đã chia sẻ các bài viết về truyền giáo. Nếu đúng như thế thì tôi xin lỗi!           

Một thánh lễ tạ ơn
                                                  
Trong những ngày của tháng 10 này tỉnh Dòng Paraguay của chúng tôi có tổ chức kỷ niệm 50 năm linh mục của một thành viên người Đức. Vị linh mục khiêm nhường này mà tôi đã từng có thời gian làm việc chung với nhau hơn 1 năm ở Đại Chủng Viện, và trong thời gian ấy tôi đã học được rất nhiều trong cung cách làm việc và tinh thần truyền giáo của ngài. Từ khi ngài nhận chức linh mục cách đây 50 năm, ngài đã được gởi sang Nhật để làm việc. Sau vài năm truyền giáo bên Nhật Bản, Bề trên Tổng quyền thời ấy lại biệt phái ngài lên đường qua Paraguay để tăng cường cho Tỉnh Dòng non trẻ tại Paraguay lúc đó. Vị linh mục này đã từng nắm những chức vụ cao nhất của Dòng tại Paraguay, nhưng khi mãn nhiệm các trọng trách, ngài trở lại một thành viên bình thường và làm việc cách phi thường không kể giờ giấc. Với tuổi đời 76 như hiện nay nhưng ngài vẫn được nhà Dòng giao trọng trách làm cha xứ của một giáo xứ lớn và là tuyên úy của phong trào Cursillo toàn quốc. Nhìn vào tấm gương của vị linh mục đàn anh khả kính với 56 năm khấn Dòng và 50 linh mục nhưng vẫn kiên cường đến giờ và những nơi ngài từng phục vụ ai cũng quí mến và kính trọng ngài khiến mình cảm phục vô cùng. Tuổi đời cũng như tuổi tu của tôi cũng chỉ là hạng con cháu của ngài nhưng nhiều lúc tôi cảm thấy mình còn nhiều so đo, tính toán quá.    
Hôm nay là ngày cuối cùng của tháng Mân Côi và cũng là một ngày đặc biệt trong cuộc đời của tôi- đó là ngày mà 6 bạn đồng môn cùng tôi lãnh nhận tác vụ linh mục tại thành phố biển Nha Trang xinh đẹp. Tôi còn nhớ như in những giờ phút hồi hộp từ một phó tế ăn cơm thầy, đọc kinh cha và mang dây Stola chéo sau hơn 14 tháng nay được cất đi làm kỷ niệm để thay thế cho dây Stola thẳng với chiếc áo lễ vàng rực. Cái giây phút vui mừng khó tả đó mà mỗi lần nghĩ lại vào dịp chịu chức linh mục khiến tôi phải phấn đấu nhiều hơn nữa. Một linh mục đàn anh sau đó có nói đùa với tôi rằng : “Sang ơi! Tình chỉ đẹp khi còn mang dây chéo; đời mất vui khi dây chéo thẳng hàng”. Tôi không biết đời có mất vui hay không nhưng tôi cảm thấy từ cái ngày mà tôi đổi dây từ chéo qua thẳng ấy là một khúc ngoặt lớn trong cuộc đời của tôi. Tôi thấy mình chín chắn hơn, tự tin hơn và nhất là biết mình hơn dù có những lúc trong lòng mình có khuynh hướng nổi loạn.
Tôi nhận thấy dù trong con người bất toàn của mình vẫn còn những Tham-Sân-Si, vẫn có những giây phút bốc đồng, vẫn còn rất đời nhưng tôi vẫn yêu mến ơn gọi này, một ơn gọi đã giúp tôi trở thành con Chúa hơn, một ơn gọi đã mài dủa tôi biết sống có tình hơn. Nghiệm lại những năm tháng qua trong tư cách là một linh mục truyền giáo, tôi cảm thấy không xấu hổ vì mình chưa làm điều gì sai trái hay gây gương mù, gương xấu nhưng tôi vẫn hứa với lòng mình là luôn cố gắng trung thành với ơn gọi này dù có những lúc cơm không lành, canh không ngọt trong cộng đoàn cũng như những cơn bão lòng tưởng chừng như hất tung mình trong vòng xoay cuộc đời. Xin mọi người hiệp ý ‎ cầu nguyện cho tôi.  
Paraguay, 31 tháng 10 năm 2011 – Kỷ niệm lễ thụ phong linh mục
Lm. Antôn Trần Xuân Sang, SVD.