Wednesday, January 25, 2017

PARAGUAY- TẾT NÀY CON LẠI KHÔNG VỀ: CÙNG NHAU TÌM HIỂU VỀ TẾT


Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ
         Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh.
Trong khi thế giới chuẩn bị bước qua tháng Hai Dương lịch với biết bao công việc bề bộn hàng ngày, thì một số nước Á châu trong đó có Việt Nam thân yêu của chúng ta lại chuẩn bị đón Tết cổ truyền, là một dịp lễ hội lâu đời nhất, diễn ra lâu ngày nhất và có phạm vi lớn nhất Việt Nam.
Tết Nguyên Đán (hay còn gọi là Tết Cả, Tết Ta, Tết Âm lịch, Tết Cổ truyền hay chỉ đơn giản còn gọi là Tết) là dịp lễ quan trọng nhất của Việt Nam, theo ảnh hưởng văn hóa của Tết Âm lịch Trung Hoa và Vòng văn hóa Đông Á. Trước ngày Tết, thường có những ngày khác để sửa soạn như “Tết Táo Quân” (23 tháng chạp âm lịch) và “Tất Niên” (29 hoặc 30 tháng chạp Âm lịch).
Vì Tết tính theo Âm lịch là lịch theo chu kỳ vận hành của Mặt Trăng nên Tết Nguyên Đán của Việt Nam muộn hơn Tết Dương lịch-Tết Tây. Do quy luật 3 năm nhuận một tháng của Âm lịch nên ngày đầu năm của dịp Tết Nguyên đán không bao giờ trước ngày 21 tháng 1 Dương lịch và sau ngày 19 tháng 2 Dương lịch mà thường rơi vào khoảng cuối tháng 1 đến giữa tháng 2 Dương lịch. Năm nay, Mồng Một Tết Đinh Dậu rơi vào ngày 28 tháng 1 Dương lich. Toàn bộ dịp Tết Nguyên đán hàng năm thường kéo dài trong khoảng 7 đến 8 ngày cuối năm cũ và 7 ngày đầu năm mới (23 tháng Chạp đến hết ngày 7 tháng Giêng).
Hàng năm, Tết được tổ chức vào ngày mồng 1 tháng 1 theo âm lịch trên đất nước Việt Nam và ở một vài nước khác có cộng đồng người Việt sinh sống. Trong những ngày Tết, các gia đình sum họp bên nhau, cùng thăm hỏi người thân, mừng tuổi và thờ cúng tổ tiên… Theo phong tục tập quán, Tết thường có những điều kiêng kỵ.

Người Việt Nam quan niệm rằng ngày Tết thì tất cả mọi thứ đều phải thật sớm và mới. Do đó trước ngày Tết khoảng hơn 2 tuần, các gia đình đã sắm sửa cho ngày Tết. Họ thường quét dọn, trang trí nhà cửa, mua hoa, sắm thức ăn… thật chu đáo cho ngày Tết. Ngoài ra, tất cả những vật dụng không cần thiết hoặc bị cho là đem lại điềm gở cũng bị vứt bỏ.
Công việc sửa soạn cho ngày Tết của người Việt thường bắt đầu từ ngày 23 tháng Chạp, là ngày mà người Việt cúng ông Táo (Táo quân). Theo quan điểm của người Việt thì ông Táo vừa là thần bếp trong nhà vừa là người ghi chép tất cả những việc làm tốt xấu mà con người đã làm trong năm cũ và báo cáo với Ngọc Hoàng những vấn đề tốt xấu của gia chủ. Ông Táo được cúng vào trưa hoặc chiều ngày 23 tháng Chạp âm lịch hàng năm. Lễ cúng gồm có hương, nến, hoa quả, vàng mã và hai mũ đàn ông, một mũ đàn bà kèm theo ba con cá chép (cá chép thật hoặc cá chép làm bằng giấy kèm theo cỗ mũ). Theo sự tích ông Táo, cá chép sẽ đưa ông Táo vượt qua Vũ Môn để lên Thiên đình gặp Ngọc Hoàng. Một số gia đình ở nông thôn vẫn còn gìn giữ phong tục dựng cây nêu, trong khi ở thành phố, phong tục này đã bị lãng quên. Theo phong tục, cây nêu được dựng lên để chống lại quỷ dữ và những điềm gở. Cây nêu thường được treo hoặc trang trí thêm những thứ được coi là để dọa ma quỷ như: tỏi, xương rồng, hình nộm và lá dứa. Người Công giáo Việt Nam dù không cúng ông Táo nhưng cũng không phê phán phong tục này vì đó là một nét văn hóa lâu đời của dân Việt. Trước ngày Tết, người Việt cũng chuẩn bị bánh chưng, bánh giầy, bánh tét, dưa món và các món ăn thịnh soạn để dâng lên ông bà tổ tiên.
Ngày Tất niên có thể là ngày 30 tháng Chạp (nếu là năm đủ) hoặc 29 tháng Chạp (nếu là năm thiếu). Đây là ngày gia đình sum họp lại với nhau để ăn cơm buổi tất niên. Buổi tối ngày này, người ta làm cỗ cúng tất niên. Giữa ngày 30 (hoặc 29) tháng Chạp và ngày mồng 1 tháng Giêng, giờ Tý (từ 23 giờ hôm trước đến 1 giờ hôm sau), trong đó thời điểm bắt đầu giờ Chính Tý (0 giờ 0 phút 0 giây ngày Mồng 1 tháng Giêng) là thời khắc quan trọng nhất của dịp Tết. Nó đánh dấu sự chuyển giao năm cũ và năm mới, nó được gọi là Giao thừa. Để ghi nhận thời khắc này, người ta thường làm hai mâm cỗ. Một mâm cúng gia tiên tại bàn thờ ở trong nhà mình và một mâm cúng thiên địa ở khoảng sân trước nhà. Một số cộng đồng lấy con hổ là vật thờ thì gọi là cúng Ông Ba Mươi. Một số cộng đồng khác thì có một phần cỗ dành để cúng chúng sinh, cúng những cô hồn lang thang không nơi nương tựa.

Giao thừa là thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới. Trong thời khắc giao thừa mọi người trong gia đình thường dành cho nhau những lời chúc tốt đẹp nhất. Dịp này, người ta thường bắn pháo hoa ở những địa điểm rộng rãi, thoáng mát. Cúng Giao thừa là lễ cúng để đem bỏ hết đi những điều xấu của năm cũ sắp qua để đón những điều tốt đẹp của năm mới sắp đến.
            “Ngày mồng Một tháng Giêng” là ngày Tân niên đầu tiên và được coi là ngày quan trọng nhất trong toàn bộ dịp Tết. Không kể những người tốt số, hợp tuổi được mời đi xông đất, vào sáng sớm ngày này, người Việt cổ thường không ra khỏi nhà, chỉ bày cỗ cúng Tân niên, ăn tiệc và chúc tụng nhau trong nội bộ gia đình. Đối với những gia đình đã tách khỏi cha mẹ và cha mẹ vẫn còn sống, họ đến chúc tết các ông bố theo tục: Mồng Một Tết cha.
“Ngày mồng Hai tháng Giêng” là ngày có những hoạt động cúng lễ tại gia vào sáng sớm. Sau đó, người ta chúc tết các bà mẹ theo tục Mồng Hai Tết mẹ. Riêng đàn ông chuẩn bị lập gia đình còn phải đến nhà cha mẹ vợ tương lai (nhạc gia) để chúc Tết theo tục Đi sêu.
“Ngày mồng Ba tháng Giêng” là ngày sau khi cúng cơm tại gia theo lệ cúng ít nhất đủ ba ngày Tết, các học trò thường đến chúc Tết thầy dạy học theo tục Mồng Ba Tết thầy. Trong những ngày này người ta thường đi thăm viếng, hỏi thăm nhau những điều đã làm trong năm cũ và những điều sẽ làm trong năm mới. (Xc. http://www.theworldfestival.net/vi/vietnamese-tet-festival.html).
Năm nay là năm Đinh Dậu còn được gọi là năm con Gà Lửa,  tượng trưng cho sức khỏe, vạn sự hạnh phúc, công danh và tài lộc. 
Dân gian ta luôn quan niệm rằng gà sẽ mang đến sự may mắn, hạnh phúc cho gia chủ; ngăn chặn được những điều xấu không may xảy ra. Theo văn hóa phương Đông đây là loài vật thông minh, tinh anh, nhanh trí, là loài vật linh thiêng với tư cách là lễ vật (vật tế thần hay vật hiến tế) trong thờ cúng, tín ngưỡng và tôn giáo. Hình tượng gà trống thường được người ta đưa vào sử dụng trong nghệ thuật điêu khắc, tranh dân gian đông hồ, hay trang trí cho một số lọ lộc bình.... Trong kinh doanh người ta cũng cho rằng đặt gà trống tại các phòng ban, công sở sẽ giúp chủ nhân thuận lợi trong công việc và gặt hái được nhiều thành công, phát triển sự nghiệp. Thông thường, người ta sẽ chọn một bức tượng điêu khắc hay mạ kim loại về phật và chú gà trống, cùng với đó là những "thỏi vàng" theo kiểu thời cổ xưa với mong muốn "tiền vào như nước"- năm sớm gặp nhiều bội thu,...
Như thế, Tết cổ truyền ở Việt Nam đã ăn sâu vào tiềm thức của người con dân Việt, và mỗi khi Tết về ai cũng náo nức đón Tết với quê huơng, gia đình nhưng do nhiều hoàn cảnh khác nhau có người đành phải ngậm ngùi đón tết miền viễn xứ nhưng trong lòng luôn huớng về đất mẹ và cầu mong cho quê huơng, đất nước được phồn vinh và hạnh phúc.
Từ ngày ra đi truyền giáo chúng tôi chỉ được hai lần đón Tết nơi quê nhà: đó là dịp đón Tết bất đắc dĩ khi người Mẹ thân yêu đột ngột qua đời cách đây 5 năm, và dịp Tết Bính Thân vừa qua. Tuy ngắn ngày nhưng đón Tết nơi quê nhà luôn để lại trong chúng tôi một điều gì đó rất linh thiêng, rất ấm cúng để tiếp lửa cho chúng tôi trong những tháng năm xa quê hương nơi xứ truyền giáo.
Dịp Tết năm nay, người anh em linh mục đồng hương làm việc với chúng tôi ở bên này được về phép đón Tết với gia đình và cũng để dâng  lễ mãn tang cho thân phụ đã về với Chúa cách đây 3 năm. Tiễn bạn ra phi trường về quê mà trong lòng cũng nôn nao muốn về đón Tết nhưng không phải muốn là được. Có lẽ năm nay cũng là năm cuối cùng chúng tôi ở vùng truyền giáo này sau nhiều năm gắn bó để chuẩn bị đến một vùng đất mới và làm lại từ đầu như chu kỳ tuần hoàn của vũ trụ vì nhà truyền giáo là phải ra đi để thi hành sứ mệnh dù đôi lúc mình không muốn nhưng phải biết chấp nhận và biết vâng phục sau khi đã suy nghĩ và cầu nguyện. Dẫu biết rằng những nơi mình đã đi qua chỉ là chỗ trọ và nhà truyền giáo chỉ giống như người lữ khách vì Chúa Giêsu đã từng nói: “Con chồn có hang, chim trời có tổ, Con Người không có chỗ gối đầu” (Mt 8, 18-22), là con người phàm trần, mắt thịt cũng cảm thấy quyến luyến và có những cảm xúc thật khó tả trước khi mình rời bỏ nơi mà mình từng gắn bó làm việc. Nhìn những con người mà trước đây rất xa lạ với mình, nay trở nên gần gũi như một gia đình rồi tự nhiên mình bỏ đi dù không phải ý mình muốn trong lòng thấy xót xa vô cùng.
Hôm nay cũng là ngày nhà Dòng chúng tôi ở Paraguay vĩnh biệt  một trong những nhà truyền giáo lâu đời và kinh nghiệm nhất ở đây, cha Jorge Loppata người Đức vừa từ giã cõi đời hôm qua với tuổi đời là 93 nhưng vẫn khỏe mạnh và làm việc trong những ngày cuối đời qua 60 phục vụ tại đây. Từng là một quân nhân trong thế chiến thứ II và sau đó gia nhập Dòng Ngôi Lời rồi được sai đến Paraguay làm việc từ cuối thập niên 60. Ngài thật là một tấm gương sáng cho lớp trẻ chúng tôi về tinh thần dấn thân và sự khiêm nhường dù đã đảm nhận biết bao trọng trách trong Dòng cũng như trong Giáo phận. Một cơn đột quỵ như một cơn gió thoảng đã đưa ngài về với Chúa trong niềm thương tiếc của anh em. Mỗi khi một anh em truyền giáo trở về lòng đất mẹ nhưng thiếu vắng người thân yêu ruột thịt trong gia đình cũng cảm thấy xót xa. Tuy nhiên, bù vào đó  có sự hiện diên của anh em trong Dòng, những giáo dân, những người từng cộng tác với những nhà truyền giáo phần nào cũng phai đi nỗi buồn. Cha Jorge đã hoàn thành sứ mạng và xin Chúa sớm cho ngài được hưởng phúc bình an. Phần chúng tôi sẽ tiếp tục chiến đấu và mong ngày nào đó cũng sẽ được trở về vương quốc vĩnh cửu trên quê trời sau khi chúng tôi cũng hoàn tất sự mạng của mình.
Hôm nay Giáo Hội mừng lễ Thánh Phao Tông Đồ Trở Lại. Đọc lại cuộc đời Thánh Phaolô, ta nhận thấy sự quan phòng kỳ diệu của Thiên Chúa.Ơn Gọi Tông Đồ quả là một mầu nhiệm lạ lùng. Lễ này kết thúc tuần bát nhật cầu cho sự hiệp nhất các Kitô hữu. Ơn Chúa đã biến đổi thánh Phaolô từ một kẻ bách hại các tín hữu thành một sứ giả loan truyền Lời Chúa. Sự kiện này dạy cho chúng ta biết đức tin của chúng ta có nền tảng là ơn thánh và sự tự do đáp ứng của mỗi người. Cách tốt nhất để đem lại sự hiệp nhất các Kitô hữu là khuyến khích sự hoán cải nơi những người chung quanh.
Thánh Phaolô đã coi Chúa Kitô là tâm điểm cuộc đời ngài. Vì đã chấp nhận tất cả vì Chúa Kitô, đến cuối đời ngài đã nói được, Vì chúng ta đã chia sẻ trong những đau khổ của Chúa Kitô, nên chúng ta cũng được thông phần dồi dào trong sướng vui nhờ Chúa Kitô như vậy. Thánh Phaolô tìm được niềm vui không phải vì không còn đau khổ, nhưng vì sự hiện diện của Chúa Kitô.
Chỉ còn hai ngày nữa là người Việt thân yêu nơi quê nhà sẽ đón Tết Đinh Dậu, từ nơi xa xôi xin cầu chúc mọi người đón một cái Tết vui vẻ, ấm cúng và hạnh phúc. Con gà là phải biết gáy nếu là gà cồ và đẻ trứng nếu là gà mái. Ước mong mọi người biết gáy “Lời Chúa”” như con gà trống và biết đẻ “tình yêu, bình an” trong Năm Mới Đinh Dậu để chúng ta cùng nhau đem niềm vui và bình an của Chúa đến cho mọi người. Kính chúc mọi người một năm mới tràn đầy niềm vui và hạnh phúc: Vui trong sức khoẻ, trẻ trong tâm hồn, khôn trong lý tưởng và trưởng thành mọi lĩnh vực.
Paraguay 25 tháng 01 năm 2017 (nhằm ngày 28 tháng Chạp năm Bính thân)  
Lễ Thánh Phao Tông Đồ Trở Lại,

Lm. Antôn Trần Xuân Sang, SVD.