Saturday, December 31, 2011

PARAGUAY – MỤC VỤ NHỮNG NGÀY CUỐI NĂM 2011


 Tháng 12, tháng của những ngày lễ hội, tháng giành để nghỉ ngơi sau một năm vất vả để chuẩn bị đón mừng Năm Mới. Đây cũng gọi là tháng của quà cáp, tháng tiêu xài và đi du lịch nên những đoàn lữ hành, các dịch vụ ăn uống, mua sắm lại phất lên.
Từ những ngày đầu của tháng 12, người dân Paraguay bắt đầu đón nhận cái nóng oi bức của mùa Hè vùng Nam Mỹ trái ngược hoàn toàn với vùng Bắc Mỹ, các nước ở Âu châu và Á châu đang vào mùa Đông với tiết trời băng giá thích hợp cho khung cảnh của mùa Giáng sinh khi trang trí máng cỏ Bê-lem. Tháng 12 là mùa Hè đúng nghĩa của họ vì họ kết thúc năm học ở trường và có những chuyến nghỉ hè với người thân trong nước hoặc ở nước ngoài nên tháng này cũng gọi là tháng giành cho gia đình.
Một trong những ngày lễ lớn trong những ngày đầu của tháng 12 tại Paraguay là lễ Đức Mẹ Caacupe trùng vào ngày lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm (8-12). Dù trời nóng như đỗ lửa nhưng người ta nườm nượp hành hương Đền Thánh Đức Mẹ. Các vị giảng thuyết trong Tuần Cửu Nhật đều đề cập đến vai trò của các thành viên trong gia đình vì Hội Đồng Giám Mục Paraguay đã quyết định giành riêng trong 3 năm tới để trình bày về đề tài hôn nhân và gia đình. Dù đề tài này không mới mẻ gì nhưng nó rất thực tế và thiết thực đối với các gia đình công giáo vì dường như ngày nay người ta đang đánh mất mục đích chính của hôn nhân. Các quốc gia vùng Nam Mỹ này rất sùng kính Đức Mẹ, và chính qua Đức Mẹ họ đến với Chúa dù nhiều người có thể xem điều này là nghịch lí.      
Không giống như các giáo xứ và xóm đạo ở Việt Nam, tháng 12 là dịp để người ta trang trí hang đá, thi nhau biểu diễn thánh ca liên xứ, cử hành bí tích hòa giải mang tính cách liên xứ, liên hạt… Ở các nước vùng Nam Mỹ này thì không được cái diễm phúc đó vì thời tiết lúc này quá nóng và các anh em linh mục cũng đua nhau nghĩ hè với gia đình nên việc cử hành lễ Giáng sinh chỉ mang tính cách gia đình mà thôi.
Chính vì thế, chúng tôi đã tìm nhiều cách để thích ứng mục vụ với hoàn cảnh mà nhiều năm qua chúng tôi đã sống với để không cảm thấy bị lạc lõng trong chính nơi mà mình đang sống.
Chúng tôi đã sinh hoạt với nhiều đoàn thể ở thành phố từ ngày chuyển về làm việc trong nhà đào tạo. Nhiều nơi như Trại Cô Nhi, Trung Tâm Khiếm Thị, Trại Tù, Trại Cai Nghiện do một số tu sĩ phụ trách là những nơi mà ít ai muốn đến viếng thăm. Chính những dịp này chúng tôi đã đến đễ cầu nguyện, chia sẻ và dâng thánh lễ với những người có hoàn cảnh éo le ấy. Ngồi tâm sự sau thánh lễ với những người khiếm thị mà ta hay quen gọi là người mù, tôi mới cảm nhận được nỗi đau của họ khi cuộc sống toàn là màng đêm vì không hề biết ánh sáng là gì. Tuy nhiên họ đã cố gắng vượt lên số phận. Có một anh khiếm thị khoe là mới biết nhắn tin qua điện thoại cho bạn gái và đã biết lướt web. Chúng tôi chúc mừng anh ta nhưng cũng nói với anh ta là nếu biết dùng Internet thì hãy lập một trang Web để học hỏi Lời Chúa thì có lẽ thiết thực hơn. Họ hứa là sẽ cố gắng làm theo lời khuyên bảo của chúng tôi.
Chúng tôi cũng thường dâng thánh lễ cho một cộng đoàn tu sĩ mới được thành lập cách đây vài năm và vị sáng lập người Brazil cũng đang sống với cộng đoàn non trẻ này. Nhìn thấy các tu sĩ trẻ hăng say, vui tươi và an bình trong cuộc sống đời tu bán chiêm niệm giữa lòng một thành phố với biết bao cám dỗ, tự do thái quá khiến mình cảm phục họ vô cùng. Trong khi con người ngày nay, nhất là giới trẻ, chỉ lo đi tìm những thứ phù du, chóng qua, thì cũng còn rất nhiều người trẻ sẵn sàng dấn thân để phục vụ Chúa và tha nhân. Thời đại nào Chúa cũng gởi đến cho giáo hội Ngài những chứng nhân, những vị thánh sống. Chúng tôi được mời dâng thánh lễ và chủ sự nghi thức vào Thỉnh viện cho một thỉnh sinh nữ của cộng đoàn tu sĩ có tên gọi rất đơn sơ là Những Người Nghèo của Chúa Giê-su với tinh thần của thánh Phan-xi-cô khó khăn. Họ sống nghèo thật sự từ nơi ăn, chốn ở nhưng có một chổ rất đẹp để tôn kính là nhà nguyện. Ở bên này mà tìm được một ứng sinh đích thực đi tu thì khó như mò kim đáy biển.
Trong những này của tháng 12 chúng tôi cũng có dịp thăm những tù nhân và ban các bí tích cho họ. Đúng là “Nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoai”, một ngày ở trong tù như một ngàn năm ở ngoài. Câu nói đó thật đúng đối với những ai đã bị đi tù hay từng sống trong các nhà tù. Họ đau khổ không những phần xác mà cả phần hồn nữa. Bởi thế, khi có người đến thăm, lắng nghe và cảm thông với họ thì họ vui biết mấy. Có người tâm sự rằng nhiều khi lúc họ còn hăng hái hoạt động, còn viết lách, còn tiền bạc thì còn bè bạn. Đến khi sa cơ lỡ vận và vào tù thì bạn bè cũng đi đâu mất. Thật đúng với lời than thở của thi hào Nguyễn Bỉnh Khiêm : “Còn tiền, còn bạc còn đệ tử. Hết cơm hết rượu hết ông tôi”. Rất may là khi chúng tôi đến viếng thăm, các vị công an cai ngục rất lịch sự và niềm nở đón tiếp vì họ cũng muốn những tù nhân bớt đi những mặc cảm và cũng bớt đi tính hung hăng vì rất nhiều tù hình sự khá thô lỗ và cộc tính. Một linh mục bạn người Paraguay của chúng tôi làm tuyên úy cho các trại tù có tâm sự rằng nhiều khi đi mục vụ trong nhà tù về căng thẳng quá nên nằm liệt mấy ngày luôn vì phải nghe những chuyện kinh khủng trong tòa giải tội mà chỉ có hối nhân qua tòa cáo giải mới nói thật, mà Bí tích hòa giải không được tiết lộ trước bất kì áp lực nào. Bởi thế, nếu thần kinh không vững thì không nên mạo hiểm dấn thân vào lĩnh vực mục vụ này.
Chúng tôi cũng được mời dâng thánh lễ Tạ ơn cho Văn Phòng Công Tố trực thuộc Viện Kiểm sát Nhân Dân Tối Cao vào sáng thứ Sáu 23 tháng 12 tại Hội Trường chính của họ. Tham dự thánh lễ có sự hiện diện của vị Thẩm Phán Tối Cao, các Công tố viên và tất cả các nhân viên của Văn Phòng Trung Ương. Họ yêu cầu chúng tôi chia sẻ về Công Lí và Hòa Bình theo Giáo Huấn của Giáo Hội Công giáo. Lúc đầu chúng tôi cũng cảm thấy hồi hộp vì nếu mình không chuẩn bị kĩ càng hay lỡ lời thì tất cả sẽ được ghi-âm và truyền đi nhiều nơi vì mình là linh mục truyền giáo nước ngoài. Bởi thế chúng tôi đã cố gắng chia sẻ những gì cần chia sẻ và sau thánh lễ chúng tôi cùng nhau nâng li chúc mừng Giáng Sinh và Năm Mới.
Đêm Giáng Sinh ở Nam Mỹ đúng là đêm của gia đình nên rất ít người tham dự thánh lễ như ở Việt Nam vì thời tiết quá nóng nực. Sau thánh lễ nửa đêm, các anh em linh mục xa quê chúng tôi từ nhiều quốc gia khác nhau qui tụ bên nhau cùng với các nữ tu ngoại quốc khác để chung vui tiệc mừng Chúa Giáng Sinh vì chúng tôi cũng được gọi là gia đình tu sĩ.
Sáng ngày 27 tháng 12, lễ kính thánh Gio-an Tông đồ, Tỉnh Dòng Ngôi Lời chúng tôi cử hành lễ khấn trọn cho 2 tu sĩ sau hơn 6 năm không có tu sĩ khấn trọn và chịu chức thánh. Hai khấn sinh này éo le thay lại không phải là người bản xứ Paraguay mà lại là người Zambia, Phi châu. Trời xui đất khiến thế nào mà trong dịp lễ trọng đại này nhà Dòng lại cử tôi làm Chưởng nghi (Master of Ceremony, MC) cho lễ khấn trọn và lễ phong chức cho các ứng sinh sắp tới. Đã gần 6 năm qua chúng tôi đã bỏ nghề này từ khi rời khỏi Việt Nam nhưng lần này lại phải quay về nghề cũ. Lễ khấn trọn diễn ra khá long trọng và sốt sắng và anh em cũng được gặp nhau trong dịp vui này. Năm mới 2012 lại sắp bước qua. Xin cầu chúc mọi người luôn được dồi dào Ơn Thánh và Năm Mới nhiều may mắn.             
          Paraguay, 29-12-2011
Lm. Antôn Trần Xuân Sang, SVD.