Friday, June 26, 2015

LÁ THƯ TRUYỀN GIÁO - NHỮNG ĐIỀU BẤT NGỜ THÚ VỊ




Chuyến đi Buenos Aires – Argentina
          Trung tuần tháng Năm vừa qua chúng tôi có chuyến đi Argentina để làm thông dịch cho Tổng Tu Nghị của một Dòng Nữ Quốc Tế đã hiện diện hơn 300 năm từ ngày thành lập đến nay. Họ đã mời chúng tôi làm thông dịch từ đầu tháng Hai, nhưng chúng tôi đã từ chối vì công việc bên Paraguay. Họ đã tìm kiếm khắp nơi các vị tu sĩ thông thạo và hiểu biết tiếng Anh – Tây Ban Nha và tiếng Việt để giúp Tổng Tu Nghị lần này được diễn ra tại Buenos Aires, thủ đô của Argentina trong vòng 1 tháng. Cuối tháng 3 họ lại mời chúng tôi giúp họ ít nhất là 10 ngày vì rất khó tìm người thông ngôn bằng tiếng Tây Ban Nha – tiếng Anh và tiếng Việt.Cha Bề Trên Giám Tỉnh của chúng tôi ở Paraguay đã khuyến khích chúng tôi giúp Tổng Tu Nghị cho họ lần này trong dịp Năm về Đời Sống Thánh Hiến.Chúng tôi đã sắp xếp công việc và lên đường.
         
Đây là lần thứ 5 chúng tôi đặt chân đến Argentina, quốc gia láng giềng của Paraguay nơi chúng tôi đang làm việc.Vì mỗi chuyến đi có mục đích khác nhau và địa điềm khác nhau nên chúng tôi có dịp tìm hiểu thêm và phong tục, tập quán của từng vùng, miền để hiểu thêm phong cách của người Nam Mỹ.
          Lần này chúng tôi đến Buenos Aires là thủ đô và là thành phố lớn nhất, hải cảng lớn nhất của Argentina. Thủ đô này tọa lạc bên bờ nam của Río de la Plata, duyên hải đông nam của Nam Mỹ, đối diện với Colonia del Sacramento, Uruguay. Buenos Aires theo tiếng Tây Ban Nha có nghĩa là ‘Không Khí Trong Lành’, và thật đúng với tên gọi đó vì đây là nơi rất xanh vì có nhiều cây cối và không gian rộng lớn để hít thở, nhưng không được ‘sạch’ cho lắm như ở Singapor ở Đông Nam Á vì người dân Nam Mỹ không mấy tuân thủ và tôn trọng luật pháp và họ sống rất xuề xòa.
Đậm màu sắc văn hóa châu Âu, Buenos Aires đôi lúc được mệnh danh là "Paris phương Nam" hay "Paris của Nam Mỹ". Đây là một trong những đô hội phồn hoa nhất của Mỹ Latinh nổi tiếng với nhiều công trình kiến trúc đặc sắc, tưng bừng nhịp sống về đêm và sinh hoạt văn hóa năng động. Đây cũng là một trong những thành phố sung túc nhất châu Mỹ Latinh với giới dân cưtrung lưu đông đúc và rộng kiến thức.
Cũng chính ở Buenos Aires có hai đội bóng nổi tiếng luôn kình địch nhau là River Plate và Boca Juniors.Vào đêm chúng tôi vừa đặt chân đến Buenos Aires đã xảy ra chuyện ẩu đả vì hai đội bóng đồng hương này phải tranh hạng 1/8 Copa Libertadores ngay trong sân cỏ lẫn ngào đường phố giữa các cổ động viên quá khích khiến giao thông bị cản trở nhiều.Nam Mỹ mà không nói đến bóng đá thì xem như không biết gì về Nam Mỹ và ở Argentina thì người dân ghiền bóng đá hơn cả ghiền Đức Giáo Hoàng.
Ở Buenos Aires có một khu vực mà nhiều người dân Nam Mỹ khi nói đến thường gièm pha và hay trêu chọc bằng những câu chuyện tiếu lâm vì họ sống khá lập dị và cách nói tiếng Tây Ban Nha cũng khá đặc biệt. Nói chung người dân Nam Mỹ không mấy thân thiện với người Argentina vì họ cho rằng dân Argentina rất kiêu ngạo và tự tôn vì họ có dòng máu Đức. Bởi thế khi Đức Hồng Y Jorge Berggolio đắc cửa Giáo hoàng với niên hiệu là Phan-xi-cô thì lúc đầu người ta gièm pha vì không thích người Argentina, nhưng liền sau đó một tháng người ta có một câu chuyện phiếm là Đức Tân Giáo Hoàng Phan-xi-cô vừa mới làm một phép lạ là ngài đã chinh phục cả thế giới về sự khiêm tốn, nhân từ và là một vị mục tử nhân lành thực sự dù Ngài là người… Argentina.
Trở lại mục đích chính của chuyến đi Argentina lần này không phải là một chuyến du lịch hay hành hương nhưng là một sứ mạng đặc biệt – làm thông ngôn cho một Tổng Tu Nghị.
Các Tu Nghị viên đến từ các nước Argentina, Chile, Ecuardor, Pháp, Canada, Phi châu và Việt Nam.Các Nữ tu Việt Nam đã từng tu học ở Pháp vài năm trước đây nên phần nào cũng có kinh nghiệm sống cộng đoàn quốc tế. Ban dịch thuật có một linh mục người Togo Dòng Đức Mẹ Lên Trời thông thạo 6 thứ tiếng dù còn rất trẻ và đang làm việc ở Chile. Một linh mục khác cùng Dòng người Argentina từng làm việc ở Phi Luật Tân 15 năm nên thông thạo tiếng Anh.Chỉ có bản thân chúng tôi là kém nhất trong nhóm nhưng cũng cố gắng làm thông ngôn cho Tổng Tu Nghị lần này.
Các ngôn ngữ được trao đổi và báo cáo là tiếng Tây Ban Nha, tiếng Pháp, tiếng Anh và tiếng Việt dù Việt Nam chỉ có 3 Nghị Viên nhưng số thành viên ở Việt Nam khá đông nên không thể xem nhẹ. Vấn đề đau đầu nhất trong phần thông dịch là vấn đề về báo cáo tài chính vì những con số và mỗi quốc gia đều dùng những đồng tiền khác nhau nên phải giải thích cho tương xứng vì một Dollar Canada hay Mỹ có giá trị gấp 20 ngàn lần tiền đồng Việt Nam nên một số người nghe báo cáo mà không biết thì tưởng Việt Nam mình chi tiêu nhiều.
Vì là Tổng Tu Nghị Quốc Tế nên làm việc rất bài bản và chuyên nghiệp nên các thông ngôn cũng phải làm việc tối mặt và hầu như không có giờ cho riêng mình. Cứ sau mỗi ngày làm việc và đến tối trước giờ ăn là thánh lễ và mỗi các linh mục thông ngôn phải chiaa nhau dâng thánh lễ và giảng lễ bằng các thứ tiếng nên cũng khá căng thẳng.
Ngày Chúa Nhật Chúa Thăng Thiên 17/5 Tu Nghị sắp xếp hành hương Đức Mẹ Lujan, một Trung Tâm Hành Hương có tầm cỡ thế giới và nơi đây có trưng bày kho tang về các Di Ảnh Đức Mẹ trên khắp thế giới, trong đó có Đức Mẹ La Vang Việt Nam. Khi chiêm ngắm các Ảnh Đức Mẹ của các nước được đặt cách long trọng trong tầng hầm của Vương Cung Thánh Đường Đức Mẹ Lujan, chúng tôi nhận thấy là bên cạnh Di Ảnh Đức Mẹ luôn có treo quốc kỳ của quốc gia đó, chỉ riêng Đức Mẹ La Vang của mình là … không có vì vấn đề tế nhị. Không biết đến bao giờ người Việt Nam của chúng ta mới thống nhất thật sự cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Không biết bao giờ tất cả người Việt Nam dù ở trong nước hay hải ngoại có thể đứng chung dưới một lá cờ quốc gia và hát chung bài quốc ca mà mọi người đều có thể đồng ý dù chính kiến khác nhau!
Những ngày ở Buenos Aires, Argentina tuy khá căng thẳng vì phải vận dụng tất cả 10 thần công lực để làm thông dịch nhưng thật thú vị vì có thêm kinh nghiệm sống cộng đoàn quốc tế và cảm thấy bản thân cũng đang giúp ích được gì đó trong Năm về Đời Sống Thánh Hiến.

Chuẩn bị đón tiếp Đức Thánh Cha Phan-xi-cô
          Từ khi biết tin Đức Thánh Cha Phan-xi-cô sẽ viếng thăm mục vụ 3 quốc gia Nam Mỹ là Ecuador, Bolivia và Paraguay vào tháng 7 tới đây, và Paraguay là trạm dừng chân cuối của Ngài trước khi trở về Rô-ma.Người dân ở đây rất háo hức mong đợi để được diện kiến vị Đại Diện Đức Ki-tô nơi trần gian. Lẽ thường người Công giáo chúng ta cứ nghĩ đơn giản là Đức Thánh Cha muốn đi thăm chỗ nào thì đi nhưng thực sự không phải như thế. Ngoài việc Đức Thánh Cha là vị Chủ chăn của hơn 1 tỷ tín hữu Công giáo trên thế giới, Ngài còn là một Quốc Trưởng của quốc gia Thành Vatican dù quốc gia này nằm trong lãnh thổ Italia nhưng là một quốc gia hoàn toàn độc lập và cỏ đủ thành phần cơ cấu như mọi quốc gia khác của Liên Hiệp Quốc. Bởi thế, nếu Ngài muốn viếng thăm một quốc gia nào thì vị quốc trưởng hay tổng thống của quốc gia đó mời chính thức, và dĩ nhiên theo nguyên tắc ngoại giao, thì ai mời sẽ phải chịu mọi chi phí cho chuyến viếng thăm ngoại trừ các quốc gia nghèo đang nhận viện trợ. Có lần chúng tôi tự hỏi tại sao Đức Thánh Cha khi viếng thăm mục vụ thì thường Ngài hay viếng thăm hai hay nhiều nước trở lên? Có lẽ vì mỗi lần đi là mỗi lần khó và chi phí cho chuyến đi đắt đỏ đến cỡ nào. Do đó, chúng ta đừng tưởng là cứ hễ mời là được nhưng còn phải tính toán thực hư đủ thứ vì chỉ có những người trong cuộc mới hiểu được điều này.
         
Hai vấn đề tối quan trọng trong việc tiếp đón Đức Thánh Cha và các vị quốc khách là cơ sở hạ tầng và an ninh. Đây là điều khá đau đầu cho các nhà chức trách vì những kẻ cơ hội hay bọn khủng bố thường lợi dụng những sự kiện này để đáng bóng tên tuổi và đòi yêu sách. Bởi thế, ngân sách để tiếp đón các vị quốc khách không hề nhỏ tý nào nếu nhà nước không trợ giúp, nhất là đón tiếp vị Đại Khách như Đức Thánh Cha lần này.
          Các linh mục thuộc Tổng Giáo Phận Asunción như chúng tôi là những người chịu trách nhiệm trong việc đôn đốc, đồng hành và hướng dẫn mọi người trong việc tiếp đón Đức Thánh Cha. Người Nam Mỹ nói chung và người Paraguay nói riêng rất sáng tạo nhưng thiếu đầu óc tổ chức. Cho đến giờ mà mọi việc vẫn chưa đâu vào đấy và những người trong ban tổ chức vẫn bình chân như vại và thường thị đợi nước đến chân mới nhảy. Bởi thế, thỉnh thoảng bản thân cũng cảm thấy bực mình nóng vội khi làm việc với họ, nhất là với các giáo viên và học sinh trong trường. Họ rất thản nhiên và bình tâm trong công việc chung, nhưng việc riêng của họ thì họ hối thúc cứ như là có ai sắp chết đến nơi và nếu chưa kịp đáp ứng cho họ là họ lại phản ứng rất mạnh. Bởi thế mỗi dân tộc đều có một tập quán riêng nên khi sống cần phải hiểu biết để hạn chế tối đa những mâu thuẫn, nhất là các xung đột văn hóa và tôn giáo, vì nếu để điều đó xảy ra thì dễ dẫn đến chiến tranh.

          Chỉ trong 1 tháng nữa là Đức Giáo Hoàng sẽ viếng thăm Paraguay và ai nấy đều náo nức mong chờ chuyến thăm này. Người người quảng cáo và dịch vụ du lịch nhộn nhịp tưng bừng chưa từng có dù thời tiết lúc này nắng mưa thất thường giữa mùa Thu. Giáo Hội và Nhà Nước cùng nhau đưa ra những dự án chung để sửa sang đường xá và những dịch vụ công cộng trong việc đón tiếp. Việc ghi danh cho các thành phần xã hội tham dự những cuộc gặp gỡ chung với Đức Giáo Hoàng cũng là một điều nan giải vì ai cũng muốn được diện kiến Đức Thánh Cha nhưng số lượng thì có hạn. Đơn cử như cuộc gặp gỡ của Đức Thánh Cha với các tu sĩ Nam Nữ, linh mục, phó tế và chủng sinh toàn quốc tại Nhà Thờ Chính Tòa ở Thủ đô Asunción vào chiều thứ Bảy 11 tháng 7 chỉ giới hạn cho khoảng 1.200 người vì sức chứa trong Thánh Đường có giới hạn và việc an ninh nữa nên các Hội Dòng chỉ phân phối vỏn vẹn khoảng 3 người tham dự và số khác phải đứng ngoài xem qua truyền hình. Thánh Lễ Đại Trào đươc truyền hình trực tiếp trên toàn thế giới vào trưa Chúa Nhật 12 tháng 7 ở Parque Ñu Guazu ước tính khoảng 2,5 triệu người đăng ký tham dự nên việc kiểm soát an ninh không mấy dễ dàng.

Tối thứ Sáu ngày 5 tháng 6 vừa qua Tổng Giáo Phận Asunción đã tổ chức Lễ Vọng Mình và Máu Thánh Chúa Ki-tô tại sân vận động Thủ Đô với sự tham dự của khoảng 15.000 giáo dân trong đó phần lớn là giới trẻ với mục đích như là việc chuẩn bị cho việc đón tiếp Đức Thánh Cha. Đức Tổng Giám mục của Tổng Giáo Phận chủ tế với Đức Sứ Thần Tòa Thánh và nhiều Giám mục, linh mục trong toàn quốc cùng đồng tế thánh lễ. Đây là dịp để mọi người thể hiện tài năng của mình trong công việc chung của Giáo hội. Như chúng tôi đã chia sẻ, người Paraguay rất năng động, tháo vát nhưng khâu tổ chức rất kém cõi nếu so với người Việt mình. Hi vọng mọi điều sẽ suôn sẻ trong việc đón tiếp Đức Thánh Cha, vị Đại Diện của Chúa Ki-tô nơi trần gian được diễn ra tốt đẹp và người dân Paraguay sẽ thay đổi trong cách sống đạo để Nước Chúa được mở rộng nơi dân tộc này.         

Hôm nay Chúa Nhật Lễ Mình và Máu Thánh Chúa Ki-tô, sau 3 thánh lễ vào buổi sáng ở các cộng đoàn khác nhau, chiều nay chúng tôi tham dự thánh lễ truyền chức linh mục của một phó tế Paraguay tại một giáo xứ láng giềng. Lâu lắm rồi mới được tham dự lễ truyền chức linh mục vì người Paraguay không có nhiều ơn gọi, ngay cả trong Dòng Ngôi Lời của chúng tôi ở đây cũng vậy. Có được một tân linh mục trong ngày lễ Mình Máu Thánh Chúa là một món quà lớn cho Giáo Hội vì Chúa Giê-su đã nói : “Đây là Mình Thầy, hãy cầm lấy mà ăn. Đây là Máu Thầy, hãy cầm lấy mà uống… Anh em hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy” (Xc. Mc. 14, 22-26).Linh mục chính là hiện thân hay là bản sao của Chúa Ki-tô nơi trần gian, và khi linh mục dâng thánh lễ là thể hiện việc Chúa Giê-su hiện diện với dân của Ngài.Vậy chúng ta hãy cầu nguyện nhiều cho các linh mục để họ luôn bắt chước vị Thầy Chí Thánh là qui tụ mọi thành phần dân Chúa về một mối để đi đến sự hiệp thông trọn vẹn.

Paraguay, Chúa Nhật 7/6/2015 – Lễ Mình và Máu Thánh Chúa Ki-tô,

Lm. Antôn Trần Xuân Sang, SVD.