Wednesday, February 29, 2012

PARAGUAY – MỤC VỤ CHUYÊN BIỆT


           Thấm thoát đã gần hai tháng sống trong môi trường Tập Viện quốc tế với các Tập sinh và các anh em linh mục trong Ban đào tạo đa quốc gia, chúng tôi đã học hỏi được nhiều điều mới mẻ nhưng đôi lúc cũng hơi bị shock vì có những điều thật sự khá mới lạ mà các em Tập sinh của các quốc gia nói tiếng Tây Ban Nha đã làm. Cũng may mà chúng tôi tập được sự kiên nhẫn từ mấy năm qua nên mọi sự trôi qua tương đối bình an. Có lẽ do sự hiểu biết về văn hóa tại các quốc gia Nam Mỹ của chúng tôi còn hạn hẹp nên cần phải học hỏi thêm.

        Tôi còn nhớ những tháng năm trong Tập viện tại Việt Nam, vị cha già Tập sư Gérard đáng kính của chúng tôi (Ngài đã an giấc ngàn thu cách đây 9 năm) thật sự là một mẫu gương sống động cho các Tập sinh. Ngày ấy chúng tôi mỗi người mỗi tính và thỉnh thoảng có những chuyện cơm không lành, canh không ngọt trong đời sống chung. Nhưng vị Tập sư khả kính ấy, với lòng nhân hậu của một người cha, sự dịu hiền của một người mẹ đã giúp chúng tôi hòa giải với nhau, giúp chúng tôi biết sống yêu thương và nâng đỡ nhau. Những lời khuyên nhủ của Ngài cách đây nhiều năm bỗng nhiên sống lại trong tôi trong những ngày tháng này khi chúng tôi đang làm công việc mà chính Ngài đã làm năm xưa.
            Thỉnh thoảng các anh em linh mục cùng Dòng ghé thăm Tập viện và chào hỏi chúng tôi một cách bông đùa : “Hola los santos mártires! ¿Qué tal su trabajo? (Chào các thánh tử đạo.! Công việc của các ngài thế nào?”). Sở dĩ anh em bông đùa như thế vì họ biết rằng bước vào công việc đào tạo, nhất là trong giai đoạn Tập viện là một vấn đề không dễ dàng chút nào, nhất là môi trường Tập viện quốc tế này.

         Người ta thường nói : “ Chín người mười ý” là muốn diễn tả tình trạng mỗi người một ý khác nhau nên rất khó thống nhất ý kiến. Ở đây chúng tôi có cả thảy 14 người bao gồm 3 linh mục trong Ban đào tạo và 11 Tập sinh đến từ 7 quốc gia khác nhau nên chuyện bất đồng quan điềm là chuyện thường tình. Chính vì biết được chuyện đó nên ngay từ đầu chúng tôi đã có những cuộc họp để đưa ra những điều khoản nhằm tránh những hiểu lầm đáng tiếc về sau và cũng để mọi người hiểu và tôn trọng nhau hơn.
           Theo văn hóa của các nước Á châu, những người ở cương vị lãnh đạo hay phụ trách một lĩnh vực nào đó thì thường là người ra quyết định và những người khác phải làm theo. Văn hóa của người dân châu Mỹ Latin thì khác, những người làm lớn phải thăm dò ý kiến của những người khác trước khi đưa ra quyết định và phải là người làm gương trước. Nhà đào tạo không phải là người chỉ tay năm ngón mà phải xắn tay cùng với những người học trò mình, những người mình đang huấn luyện để cùng nhau tiến lên. Lúc đầu chúng tôi cứ ngỡ rằng các chủng sinh mà mình đang huấn luyện thiếu tôn trọng mình vì chỉ gọi mình bằng một cái tên cộc lốc. Dần dần chúng tôi mới nghiệm ra rằng những người dân Nam Mỹ khi tôn trọng mình và gần gũi với mình thì họ gọi nhau bằng tên riêng chứ không phải do thiếu tôn trọng như mình nghĩ ngợi.
             Như đã chia sẻ, các Tập sinh này đến từ nhiều nước khác nhau và mỗi người là một thế giới riêng biệt. Chúng tôi tôn trọng văn hóa, phong tục và cách sống của họ vì mỗi người là một nhân vị. Cách sống của người dân Nam Mỹ khá cởi mở, thẳng thắn và tự nhiên chứ không khép kín như một số dân tộc ở Á châu. Cũng chính vì lẽ đó mà nhiều khi cũng làm chúng tôi hơi bị shock. Ở đây chúng tôi không dùng tu phục, chúng tôi là những tu sĩ không áo Dòng và mỗi tập sinh có những trang phục riêng của quốc gia họ. Không hề có sự sợ hãi bị cho về hay có một khoảng cách với các nhà đào tạo. Chính các tập sinh, chứ không phải các nhà đào tạo, là những nhân vật chính của tập viện và các em cũng có quyền đưa ra đánh giá và nhận xét về những vị đào tạo của mình cách bình đẳng. 

         Về mục vụ, chúng tôi cùng đồng hành với các tập sinh ở các bệnh viện và các trại tù vào những ngày cuối tuần. Đây là công việc khá vất vả và phức tạp vì các bệnh nhân và các tù nhân là những người không dễ chịu chút nào. Có những ngày cuối tuần thật mệt vì gia đình của các bệnh nhân gọi lúc nửa đêm để ban các bí tích sau hết cho người nhà của họ mà không thể từ chối được vì mình đã có lời cam kết. Nhiều bệnh nhân được gia đình chăm sóc tận tình thì còn tốt, nhưng có những bệnh nhân chẳng được quan tâm chăm sóc kỹ nên nhiều lúc cử hình các bí tích mà trong người muốn nôn thóc nôn tháo vì bệnh nhân không được vệ sinh lâu ngày, cộng với những căn bệnh của họ. Chính các em tập sinh cũng từng có tâm trạng này khi trao Mình Thánh Chúa cho những bệnh nhân như thế.

         Ngày thứ Tư Lễ Tro vừa qua là một ngày đáng nhớ đối với chúng tôi khi chúng tôi cử hành thánh lễ với nghi thức xức tro cho một trại tù nam với khoảng 3.000 tù nhân. Đây là một trại tù khá nổi tiếng ở thủ đô Asunción của Paraguay với những tội phạm khét tiếng về cướp của, giết người. Bước vào trại tù để dâng thánh lễ là phải bước qua nhiều cổng sắt được khóa kỹ, có hai vị cai tù hộ tống tôi đến nhà nguyện để ngồi tòa và sau đó dâng thánh lễ. Tôi quan sát tứ phía thấy khá nhiều tù nhân với những gương mặt thật bặm trợn đang hướng nhìn về tôi. Chúng tôi cũng cũng thấy có những căn phòng tù nhỏ xíu mà nhốt đến 5, 6 phạm nhân. Tất cả đều là tù hình sự và nhiều người đã từng ở đó nhiều năm mà vẫn chưa được tự do vì tội giết người. Các tập sinh lần đầu tiên đi với tôi có vẻ sợ hãi nhưng chúng tôi cố trấn an các em. Chúng tôi đã dùng câu Kinh Thánh của Tin Mừng Mát-thêu chương 25 về Ngày Phát Xét Chung như là châm ngôn trong lĩnh vực mục vụ này : “Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa… Vì khi Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng ; Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi han…” (Xc Mt 25, 34tt). Trại tù nam này luôn náo loạn vì những tiếng kêu thét của những người tù bị lên cơn nghiện, tiếng đập phá và la ó của những người khó tính khiến chúng tôi cũng không mấy tập trung trong việc mục vụ. Ngồi tòa mà mình có cảm giác sợ là không biết các hối nhân có khi nào làm hại mình không! Tuy nhiên, tôi cũng còn đủ tỉnh táo để cầu xin Chúa quan phòng mọi sự cho mình và cho các em tập sinh vì nếu lỡ các em có bề gì thì mình sẽ ăn nói làm sao với gia đình các em.
             Trong bài giảng lễ nói về việc ăn chay, cầu nguyện và bố thí, chúng tôi cố gợi lại những điều tốt đẹp mà người Paraguay hiền lành từng làm vì đây là một dân tộc hiền lành và hiếu khách. Chúng tôi luôn tránh những vấn đề nhạy cảm vì nếu lỡ lời là báo chí lại có dịp làm ầm lên ngay. Các tù nhân chăm chú nghe bài giảng lễ và sau đó vỗ tay thật lớn như là biểu lộ sự biết ơn đối với chúng tôi. Họ cũng lãnh nhận nghi thức xức tro cách sốt sắng dù cũng có một số phần tử xấu muốn phá rối trong thánh lễ. Tôi thấy tội nghiệp những người cai tù vì ngày nào cũng phải nghe những âm thanh ồn ào và những lời văng tục của một số tù nhân hung tợn. Đây thực sự là mục vụ chuyên biệt cần được chuẩn bị kỹ lưỡng để có thể có một thần kinh thép khi dấn thân trong lĩnh vực này. Trong tâm tình mùa Chay, xin mọi người hiệp ý cầu nguyện cho công việc mục vụ mới mẻ của chúng tôi.                
          Paraguay, 28-2-2012
Lm. Antôn Trần Xuân Sang, SVD.