Thursday, November 23, 2017

HÒA LAN – NHÂN DỊP NGÀY HIẾN CHƯƠNG NHÀ GIÁO VIỆT NAM, SUY NGHĨ VỀ NỀN GIÁO DỤC NƯỚC NHÀ VỚI NƯỚC NGƯỜI

Tháng cầu cho các tín hữu đã qua đời sắp kết thúc, và nhiều quốc gia Nam Mỹ đang chuẩn bị cho những ngày Hè cuối năm với những cơn nóng bức. Trong khi đó thì các quốc
gia ở Bắc Mỹ và Âu châu dù đang cuối Thu nhưng thời tiết bắt đầu lạnh buốt và có những quốc gia như Na-uy, Ba Lan hay Tiệp Khắc thì nhiệt độ đã xuống dưới âm và đã có tuyết rơi. Người ta cũng vừa xôn sao chuyện một vị tổng thống tham quyền cố vị ở một quốc gia nhỏ bé xa xôi Zambabwe bên Phi châu dù đã 93 tuổi và đã cầm quyền 37 năm nhưng không chịu từ chức để đất nước lâm trong tình trạng đảo chính và bất an. Mãi đến khi quốc hội nước này họp lại để phế truất ông thì ông mới bắt đầu từ bỏ quyền lực. Trong khi đó thì tại miền Trung Việt Nam thân yêu năm nay thật ảm đạm với những cơn bão dồn dập đã khiến bao nhiêu người phải màn trời, chiếu đất vì nhà cửa tan hoang, ruộng vườn mất trắng và đã cướp đi bao nhiêu sinh mạng. Đất nước Hy Lạp với những kỳ Thế Vận Hội nổi tiếng cũng vừa bị những cơn lũ quét nhấn chìm nhà cửa, ruộng vườn Năm 2017 sắp qua đi thật sự là một năm đáng buồn.
Ngày 20 tháng 11 vừa qua nước Việt Nam vừa mừng ngày Hiến Chương Nhà Giáo. Đây là một ngày đáng mừng, đáng kỷ niệm để ghi ơn các thầy cô giáo vì đã là người thì ít ra trong đời mỗi người đều có một người thầy dạy dỗ mình. Bản thân chúng tôi cũng rất kính trọng và biết ơn những thầy cô giáo ở trường đời cũng như trường Dòng đã hình thành nên nhân cách và con người của chúng tôi như bây giờ dù chúng tôi không thể nói trước được là mình đã thành nhân hay chưa. Nhân sự kiện này chúng tôi cũng muốn chia sẻ vài suy nghĩ về nền giáo dục của nước nhà với một số quốc gia mà chúng tôi đã từng sống và làm việc.
Theo một bài viết của tác giả Lê Văn được đăng trên báo điện tử Vietnamnet ngày 11/08/2017 với nhan đề: Những con số “biết nói” về giáo dục đại học tại Việt Nam, thì hiện nay chúng ta có 235 trường đại học, 1,76 triệu sinh viên, gần 73.000 giảng viên, hơn 16.500 tiến sĩ…, Rồi mới đây Bộ Giáo dục Đào tạo Việt Nam vừa đưa ra dự thảo chi 12.000 tỷ đồng để đào tạo thêm 9.000 tiến sĩ từ năm 2018 đến năm 2025. Những con số thật đáng tự hào nếu tỉ lệ thuận với chất lượng đào tạo. Tuy nhiên, nếu chúng ta nhìn lại các trường đại học thi nhau nở ra như nấm sau khi gặp mưa mà chất lượng đào tạo của nhiều trường không biết xếp vào hạng mấy trong bảng xếp hạng khu vực thì thử hỏi có nên tự hào không! Rất nhiều cử nhân ngoại ngữ Anh hoặc Pháp ra trường mà không biết giao tiếp cũng chẳng biết viết một lá tư bằng ngôn ngữ mà mình tốt nghiệp cho đúng. Rất nhiều kỹ sư khi ra trường không tìm được việc làm phải đi bán trà sữa. Rất nhiều giáo viên khi ra trường phải đôn đáo tìm việc vì không có chỗ thân quen để lo lót… Chúng tôi cũng từng biết đến một số tiến sĩ “cut, paste’’ (cắt, dán) từ Nga Xô hay Phi Luật Tân về mà chẳng hề biết tiếng Nga hay tiếng Anh gì cả vì những ngành tiến sĩ họ học chẳng có ứng dụng gì trong cuộc sống hàng ngày cả.
Khi ở Việt Nam chúng tôi cũng được Bề trên bổ nhiệm làm việc ở một trường nội trú cấp II, III vì thời đó Việt Nam không cho phép các tổ chức tôn giáo mở trường từ cấp tiểu học trở lên. Sau khi được sai đi truyền giáo ở Nam Mỹ thì chúng tôi cũng được bổ nhiệm làm việc trong môi trường giáo dục một thời gian. Rồi khi đến Hòa Lan chúng tôi được gởi đi học ngôn ngữ tại một trường Đại Học ở một thành phố khá lớn. Ít nhiều chúng tôi hiểu được nền giáo dục nơi xứ người để có thể cảm nhận chứ không hề muốn so sánh hay chỉ trích.
Hòa Lan, một quốc gia nhỏ bé nơi chúng tôi hiện đang sinh sống và dân số chỉ khoảng 17 triệu người (kể cả những người nhập cư). Họ không hề có rừng vàng biển bạc nhưng chỉ là một quốc gia nằm dưới mặt nước biển và luôn có nguy cơ bị vỡ đê. Họ không có nhiều trường đại học và nhiều tiến sĩ như Việt Nam chúng ta. Cả nước chỉ có 14 trường đại học, đào tạo các chương trình thuộc về nghiên cứu; học xong cấp bằng thạc sỹ, tiến sĩ. Ngoài ra còn có 55 trường giáo dục hướng nghiệp cho học sinh.
Theo thống kê thì hiện nay có khoảng 448.000 học sinh, 63.800 giáo viên theo học và dạy tại các trường đại học và giáo dục hướng nghiệp tại Hoà Lan. Có khoảng 500 khoá học bằng Tiếng Anh dành cho sinh viên quốc tế, trong đó có 200 khoá dự bị thạc sỹ và thạc sỹ. Hoà Lan là một trong những nước có số sinh viên quốc tế theo học đông nhất thế giới: khoảng 13.000, một nửa số này là đến từ các nước Châu Âu.
Đặc biệt, giáo dục bậc đại học ở Hoà Lan nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ chính phủ bằng việc giảm đến 80% học phí cho tất cả sinh viên học tại Hoà Lan. Học sinh cũng có thể tự trả phí cho mình bằng cách đi làm thêm vào các ngày nghỉ với số lượng thời gian nhất định. Ngoài ra nhà nước còn cho phép sinh viên vay tiền có hạn định không phải trả lãi. Sinh viên chỉ phải trả số tiền này khi tốt nghiệp và tìm được việc làm. Giáo dục Hà Lan rất đa dạng. Học tiểu học ở Hoà Lan cũng phải mất 7 năm, bao gồm cả khoảng thời gian theo học mẫu giáo. Sau khi kết thúc 7 năm học này, các em sẽ chỉ kiểm tra các môn mình đã học và dựa vào kết quả kiểm tra mà quyết định chọn một trường trung học thích hợp. Chính nhờ ưu điểm định hướng nghề nghiệp tương lai cho học sinh mà tất cả các em đều có việc làm tốt sau khi hoàn thành khoá học của mình.
Mọi so sánh đều là khập khiễng nhưng qua đó chúng ta có thể thấy rằng nhiều khi con số có thể làm mờ mắt chúng ta và chúng ta không biết mình đang đứng chỗ nào. Có thể căn bệnh thành tích đã làm cho chúng ta quên đi cái thời gọi là: “tiên học lễ, hậu học văn’’, một nền giáo dục nhân bản không còn nữa mà thay vào đó là bằng cấp, danh lợi, địa vị…, Ở các nước văn minh rất ít khi có chuyện ẩu đả giữa các học sinh hay giữa học sinh với thầy cô giáo dù họ không được học nhân-lễ-nghĩa-trí-tín như ở Việt Nam, nhưng ngay từ nhỏ các em đã được học biết tôn trọng nhân phẩm con người. Ở các nước dân chủ, người ta học hành bằng thực lực và biết khả năng của mình đến đâu thì vào trường đó và lựa chọn đúng ngành nghề để vừa khi ra trường là có thể bắt tay vào việc ngay. Còn ở nước mình tất cả đều phải chạy: chạy trường, chạy thầy cô, chạy bằng cấp và sau khi có tấm bằng trong tay thì lại phải chạy.. tìm việc.
Rất nhiều quốc gia trên thế giới cũng có những ngày Nhà giáo với mục đích để tôn vinh các giáo viên nhưng không phải là ngày để tặng quà cáp hay ‘’hối lộ’’ giáo viên. Người ta tổ chức ngày này để vinh danh đức hạnh, những đóng góp của thầy cô giáo cho xã hội cũng như những khó nhọc mà họ phải chịu đựng khi đã theo đuổi nghề "đưa đò" cho học sinh. Người ta thường nhân ngày này bày tỏ sự kính trọng của họ đối với các thầy cô giáo và nghề này được xem là một nghề có lương cao nhất, ổn định nhất và được ưu đãi nhất. Trong gia đình chúng tôi ở Việt Nam hiện giờ cũng có người đang làm nghề gõ đầu trẻ nhưng vì không có gốc gác, không phải là đảng viên nên lương bổng chỉ ba cọc ba đồng và luôn phải dẫm chân tại chỗ không thể ngóc đầu lên được. Đau lắm khi phải nói lên những thực trạng giáo dục quê nhà dù người Việt Nam chúng ta khi ra nước ngoài đâu có thua kém ai về chỉ số thông minh, về năng lực làm việc nhưng khi về lại trong nước thì bị chèn ép, đè nén thậm chí bị trù dập cũng chỉ vì không có ai nâng đỡ, không thuộc diện chính sách hay bị gán ghép là thế lực thù địch nếu chẳng may đề cập đến một vấn đề nhạy cảm nào đó.
Xin chúc mừng các thầy cô giáo một lần nữa nhân ngày lễ của các thầy cô. Mong lắm các thầy cô đang trực tiếp đứng lớp hay đang làm công tác nghiên cứu luôn giữ phẩm chất cao đẹp là đưa những điều hay, lẽ phải cho những học trò của mình dù chúng ta sống trong bất kỳ chế độ nào, thể chế nào cũng đừng vì sợ hãi mà chùn bước để làm những chuyện phi đạo đức. Mong các thầy cô hãy luôn là những tấm gương sáng cho các thế hệ học trò trong thời buổi nhiễu nhương để những các em biết phản tỉnh và biết dừng lại đúng lúc khi cảm thấy mình sai trái.   
   
Hôm nay một số quốc gia ở Bắc Mỹ mừng lễ Tạ Ơn trời đất và cũng là dịp để đoàn tụ với gia đình sau những tháng ngày vất vả làm lụng. Thế giới vật chất nhiều khi đã làm cho con người trở thành những cỗ máy nhưng qua những ngày truyền thống mang đậm tính chất tôn giáo như thế phần nào cũng giúp con người nhận ra có một Đấng Vô Hình nào đó đã làm nên trái đất này và phận con người luôn phải biết ơn và tạ ơn.
Hôm nay cũng là ngày đưa tiễn thân phụ của một linh mục Việt Nam thuộc Dòng Đồng Công đang làm việc tại Mỹ về với Chúa trong một thánh lễ đồng tế với 3 linh mục Việt Nam, một linh mục Hòa lan, những người thân trong gia đình và một số đồng hương. Ông Cố sống ở một vùng phía cực Bắc của Hòa Lan nên cũng khá xa xôi với cộng đồng người Việt. Ngày lễ phát tang cho gia đình khi ông cụ vừa nằm xuống không có linh mục Việt Nam nào đến được và người con linh mục của ông Cố ở Mỹ không thể về kịp nên Ban Điều Hành Giáo Xứ Việt Nam ở đây đã mời chúng tôi đến dâng lễ cho ông Cố nên chúng tôi đã cố gắng sắp xếp công việc và đón tàu đến nơi để dâng lễ phát tang và hiệp thông với gia đình người quá cố vì nghĩa tử là nghĩa tận mà. Ngày lễ phát tang hôm ấy cũng như ngày lễ an táng hôm nay đi về cũng phải mất hơn 8 giờ đồng hồ dù rất mệt nhưng cảm thấy ấm lòng vì mình đã cố gắng thực hiện những mục tiêu nhỏ bé mà bấy lâu nay mình luôn đặt ra cho đời sống linh mục là viếng kẻ ốm đau và chôn xác kẻ chết. Ông Cố có đời sống thật đơn sơ, thánh thiện và dù bà Cố đã ra đi trước ông gần 40 năm qua nhưng vẫn ở vậy mà nuôi các con cháu nên người trong đó đã dâng hiến cho Chúa một người con là linh mục. Nếu ở Việt Nam chắc là thánh lễ đồng tế đông lắm nhưng vì ở bên xứ lạ quê người, và nơi ông Cố đang sống ở Hòa Lan cũng thật hẻo lánh, rồi người con linh mục của ông Cố làm việc tại Mỹ nên việc liên lạc và tổ chức cũng khó khăn. Tuy nhiên điều quan trọng không phải là đám tang linh đình nhưng là trước mặt Chúa Ngài sẽ phán xét chúng ta thế nào.
Sống trên đời, đừng quên sẽ có ngày phải đứng trước tòa phán xét. Hình ảnh phán xét sẽ giúp chúng ta sống tốt hơn, để không phải hổ thẹn, và nhất là không bị kết án trầm luân trước vị Thẩm phán nhân từ và công minh là Chúa Giêsu, Đấng Cứu độ chúng ta. Năm Phụng Vụ cũng sắp kết thúc và Chúa luôn mời gọi chúng ta trong những ngày này là hãy tỉnh thức vì không biết ngày nào, giờ nào Chúa đến.
         Hòa Lan, 23 tháng 11 năm 2017 – Thanksgiving Day,

Lm. Antôn Trần Xuân Sang, SVD.