Saturday, October 31, 2020

Việt Nam- Tháng Mân Côi Và Cơn Lũ Dữ 

 

Cơn đại dịch Covid-19 tạm lắng đọng ở Việt Nam thì một thiên tai khác lại xảy đến ở Miền Trung Việt Nam thân yêu kể từ tuần đầu tiên của tháng Mân Côi. Cơn lũ lụt lịch sử năm nay lũ chồng lũ, bão chồng bão đã làm các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên phải khốn đốn. Nhà cửa, ruộng vườn, hoa màu, gia súc,… và nhất là thiệt hại nhiều nhân mạng trong đó có cả các tướng lĩnh và lãnh đạo chính quyền khi đến cứu nạn bị sạt lở đất và bị chôn vùi. Tính đến nay là cuối tháng 10, với cơn siêu bão số 9 Molave vừa xảy ra ở các Tỉnh Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam và Kontum đã làm hoang sơ tiên điều biết bao nhân lực và tài lực, và dự báo khí tượng thủy văn cho biết sẽ còn những cơn bão kế tiếp đang đến và không biết bao nhiêu sinh mạng nữa sẽ phải ra đi vì cơn bão lũ dữ tợn này. Rồi hôm nay tin tức thế giới lại nói đến một trận động đất và sóng thần ở Hy Lạp và Thổ Nhỉ Kỳ khiến nhiều người bỏ mạng và mất tích. Cả thế giới đang chìm sâu trong thảm họa thiên nhiên và trận đại dịch Covid đang lên đến đỉnh điểm ở Hoa Kỳ và Âu châu.


B
áo chí, truyền thông đã kêu gọi sự liên đới với người dân vùng lũ trong tinh thần tương trợ lá lành đùm lá rách của người Việt vốn dĩ đã có từ lâu. Đâu đâu người ta cũng nói đến việc quyên góp và cứu trợ cho những người xấu số ở Miền Trung dù mọi người vừa trải qua 2 lần giãn cách xã hội vì nạn dịch Covid-19. Cộng đồng người Việt Nam ở hải ngoại dù đang phải trải qua một giai đoạn căng thẳng thứ hai với nhiều ca nhiễm bệnh Covid hơn lần trước, đã kêu gọi nhau để tiếp sức với người trong nước đang phải oằn mình chống chọi với thiên tai khó lường. Những tổ chức tôn giáo, các đoàn từ thiện tự phát đã vào cuộc để giúp đỡ những người xấu số. Nhiều ca sỹ, nghệ sỹ đã đồng lòng đứng lên để quyên góp và trực tiếp đến tận nơi giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn bị tan nhà, nát cửa chỉ trong vòng tích tắc khi cơn lũ đến. Nhà Dòng chúng tôi cũng đã có những buổi cầu nguyện và quyên góp để gởi đến vùng lũ. Nhà Dòng cũng cử anh em đến tận nơi phân phát những vật dụng cần thiết để động viên, an ủi những gia đình vừa mất của, vừa thiệt hại nhân mạng trong những ngày vừa qua. Cơn bão tình người cũng ngang bằng cơn bão lịch sử nhằm xoa dịu nỗi đau của những người đang gặp nạn.


Ai đã trải qua nỗi đau rồi mới cảm nghiệm được những người đang trải qua mất mát, nhất là chỉ một thoáng chốc phải mất tất cả, nào là của cải tài sản và những người thân yêu nữa. Cơn siêu bão ngày 28 tháng 10 vừa qua chỉ trong vòng vài tiếng đồng hồ đã làm tiêu tan mọi sự. Những cây cầu bị cuốn đi theo dòng nước đục ngầu từ thượng nguồn Kon Tum.
Nhiều người bị chôn vùi do đất sạt lở ở Quảng Nam. Nhiều tàu thuyền bị đắm và nhiều người bị mất tích. Biết bao hộ gia đình bị cô lập vì đường xá bị cuốn trôi và bao tiếng kêu cứu tuyệt vọng ở những vùng đang bị cô lập. Chúng tôi đi công việc từ Sài Gòn trở về Nha Trang trên chuyến xe đêm 27.10, đến rạng sáng ngày 28.10.2020 thì tất cả các chuyến xe đều bị dừng lại trên quốc lộ đến vài chục cây số vì chính quyền lo ngại cơn bão sẽ ập đến bất ngờ. Chúng tôi đành phải ở trên xe nhiều giờ đồng hồ ở giữa đoạn đường vắng, và khi trời sáng mới gọi được người anh em trong Dòng đi từ Nha Trang để đón bằng xe máy với đoạn đường gần 100km. Trên đường về ngang qua bãi dài để đến Nha Trang mà nghe tiếng gió rít mạnh muốn hất tung chúng tôi. Nhìn bản tin dự báo thời tiết trên màn hình và những hình ảnh gởi trực tiếp từ vệ tinh thấy được cảnh hoang tàn khi cơn bão đi qua.


Hàng giờ chúng tôi đều cập nhật tin tức trên báo chí hay truyền hình về những mảnh đời bất hạnh và những vùng đang phải gánh chịu hậu quả của cơn lũ quét mà lòng đau thắt lại. Vẫn biết rằng thảm họa thiên nhiên là không thể đoán trước được, và dù có đoán trước nhưng cũng không thể thay đổi tình thế, vẫn cảm thấy xót xa làm sao khi biết tin những người dù không phải ruột thịt của mình bị cửa mất, nhà tan chỉ trong một cơn lốc mạnh. Cuộc đời sao mỏng manh và thế giới này sao quá nhiều cơ khổ, chạy đâu cho khỏi nắng, chỉ biết cậy nhờ vào Thiên Chúa mà thôi.

Mỗi buổi chiều trong tháng Mân Côi, các thành viên trong Nhà Dòng chúng tôi đều quây quần bên Mẹ để lần chuỗi Mân Côi sau khi hát Thánh Vịnh Kinh Chiều. Ngước nhìn lên Mẹ Chí Thánh để khẩn cầu cho thế giới và nước Việt thân yêu đang phải hứng chịu trăm chiều thử thách được Mẹ an ủi, chở che. Xin Mẹ đoái thương đoàn con trước những tai ương, nghịch cảnh để con cái Mẹ luôn vững tin và chạy đến cùng Mẹ.

Tháng Mân Côi này Tỉnh Dòng Ngôi Lời cũng có dịp tổ chức cho các tu sĩ và linh mục trẻ trong Dòng những ngày thường huấn tại Nhà Mẹ để anh em có dịp gặp gỡ nhau, trao đổi kinh nghiệm sống và mục vụ, và cũng để anh em có dịp hâm nóng lại tinh thần và đoàn sủng của Hội Dòng. Anh em được dịp học hỏi những vấn đề nóng bỏng trong Giáo Hội để anh em có thể đương đầu trong khi thi hành mục vụ. Những ngày thường huấn ấy cũng là dịp để anh em cập nhật những tri thức khoa học cũng như học hỏi những cách giải quyết trước những khó khăn mà anh em đang gặp phải trong đời sống hàng ngày. Nhìn thấy nét mặt vui tươi phấn khởi của anh em khi kết thúc khóa thường huấn vì đã thâu lượm những điều bổ ích cũng như cũng như hài lòng trong những ngày sống ở Nhà Mẹ khiến bản thân chúng tôi cũng cảm thấy vui lây. Anh em chúng tôi cũng có cuộc tĩnh tâm tháng Mân Côi để lắng đọng tâm hồn sau những ngày căng thẳng vì Covid, và có dịp Chầu Thánh Thể suốt ngày vào Khánh Nhật Truyền giáo để cầu cho thế giới được an bình trước những thảm họa thiên nhiên và cơn đại dịch mau chấm dứt. Chúng tôi cũng đưa một số hài cốt của những vị ân sư trong Dòng sau nhiều năm mai táng ở nghĩa trang về công viên Phục Sinh của Nhà Mẹ để anh em được sum vầy với nhau như nguyện ước.


Hôm nay là ngày cuối tháng Mân Côi, cũng là ngày kỷ niệm thụ phong linh mục của 7 anh em chúng tôi. Từ ngày chịu chức linh mục đến giờ thì đây là năm đầu tiên tôi được mừng ở Việt Nam. Mới đây, khi một số nữ tu hỏi về tin tức nóng hổi khi bộ phim tài liệu về Đức Giáo Hoàng có tên là “Francesco” được trình chiếu ở Roma có trích dẫn những câu nói và những cuộc phỏng vấn với Đức Giáo Hoàng Phanxico từ khi ngài lên ngôi Giáo Hoàng về  một số vấn đề nhạy cảm, trong đó có vấn đề về người đồng tính. Rất nhiều người xôn xao và cho rằng Đức Thánh Cha của chúng ta ủng hộ chuyện hợp thức hóa cho những người này. Chúng tôi đã cố gắng xem lại cuộc phỏng vấn bằng tiếng Tây Ban Nha và nhận ra rằng hình như người ta cố tình dàn dựng và lạm dụng điều Đức Thánh Cha chia sẻ để chống phá Giáo Hội và muốn làm hoen ố thanh danh của Đức Thánh Cha. Nhiệm vụ của linh mục và phải tỉnh táo, sáng suốt để sẵn sàng bảo vệ Giáo Hội trước những điều vu khống, sai sự thật của những người chống phá Giáo Hội, hay những người ở trong Giáo Hội nhưng lại hiểu sai lạc về giáo huấn của Giáo Hội, mà người đại diện của Đức Kitô ở trần gian là Đức Thánh Cha. Chúng tôi cảm thấy hài lòng trong những năm truyền giáo ở nước ngoài, dù phải trải qua biết bao khó khăn, học được nhiều kinh nghiệm và nhất là ngôn ngữ để có thể hiểu thêm về những vấn đề liên quan đến Giáo hội đó đây. Các anh em cùng lớp hiện giờ đã trở về Việt Nam làm việc, chỉ còn một anh em đang làm việc tại Hàn Quốc với người di dân Việt Nam. Ngày kỷ niệm thụ phong linh mục năm nay có nhận được một bó hoa tươi từ một người bạn ở Sài Gòn chúc mừng ngay sau thánh lễ thật là cảm động. Một ca đoàn trẻ ở Dakmil ghé thăm Nhà Dòng nghỉ đêm và cùng hợp ý dâng lễ tạ ơn Chúa vì đã cho người tôi tớ hèn mọn, tội lỗi này trở thành linh mục phục vụ Chúa và tha nhân. Tạ ơn Chúa và Mẹ Maria đã luôn che chở và ban ơn cho con dù con thật sự bất xứng. Tạ ơn Thánh Giuse là quan Thầy của Hội Dòng chúng con đã luôn gìn giữ và đồng hành với con từ khi con bước vào Dòng, và nay với vai trò phụ trách với biết bao khó khăn, nhưng đến với Ngài con cảm thấy bình an. Cảm ơn gia đình, các ân sư, những ân nhân quí mến xa gần cũng như bạn hữu đã luôn là động lực giúp con vượt qua những cơn sóng gió ba chìm, bảy nổi mà nhiều lúc con muốn buông xuôi. Con tự hứa với lòng mình rằng dù con bất xứng nhưng mỗi ngày đều dâng thánh lễ tạ ơn để đền thay tội lỗi và cầu nguyện cho tất cả mọi người cho đến ngày con lìa bỏ cõi đời này. Xin đốt lên nén hương lòng để tạ ơn ba má và những người thân yêu đã qua đời là những người hình thành nên con, để con trở thành linh mục của Chúa. Xin Mẹ Mân Côi tiếp tục phù trì nâng đỡ con. Hartelijk bedankt.      

Nha Trang, ngày 31 tháng 10 năm 2020,

Kỷ niệm ngày thụ phong linh mục,

Lm. Antôn Trần Xuân Sang, SVD.        

        

Monday, October 26, 2020

DI DỜI 6 PHẦN MỘ CỦA CÁC BẬC TIỀN BỐI VỀ CÔNG VIÊN PHỤC SINH NHA TRANG

 

Ngọt ngào tốt đẹp lắm thay

Anh em được sống vui vầy bên nhau. (Tv 133,1)

Cách đây hơn 20 năm, trong một lần nói chuyện với cha Tập sư lúc ấy là linh mục Gérard Trần Lộc, SVD, ngài tâm sự rằng ngài ước mong xây một công viên Phục Sinh tại Nhà Chính để đưa hài cốt của tất cả Quý Cha, Quý Thầy, Quý Dì và những người từng làm việc trong Dòng hiện đang tản mác khắp nơi về yên nghỉ chung với nhau.

 Trước khi ngài qua đời, ngài đã thực hiện ước mơ ấy với việc xây dựng một tượng đài công viên Phục Sinh tại khuôn viên Tập viện lúc ấy, mà bây giờ nằm phía sau Nhà Hưu Dưỡng, và đã qui tụ gần 40 hài cốt của những ân sư và những người từng làm việc trong Nhà Dòng.

Trong những ngày tháng Mân Côi năm nay, với sự đồng ý của Hội Đồng Giám Tỉnh, chúng tôi đã cải táng và di dời 6 phần mộ của các bậc tiền bối ở Phước An- Ninh Thuận và Phước Đồng- Nha Trang để trở về công viên Phục Sinh mà trong đó có vị cựu Tập sư đáng kính ngày xưa.


Linh mục Gérard Trần Lộc, SVD sinh ngày 17/05/1916 tại Kim Châu, Bình Định và qua đời ngày 02/10/2003 tại Nha Trang, Khánh Hòa. Ngài là một trong những vị tiền bối của Dòng Thánh Giuse lúc ấy, và là người rất có công trong việc sáp nhập Dòng Thánh Giuse và Dòng Ngôi Lời hiện nay. Ngài là vị Tập sư lâu năm nhất và vẫn là Tập sư cho đến ngày ngài qua đời năm 2003. Chính ngài là người có ý tưởng xây công viên Phục sinh để qui tụ anh em thuộc Dòng Thánh Giuse trước đây cũng như Dòng Ngôi Lời hiện nay và những người từng làm việc trong Dòng về Ngôi Nhà Mẹ của Tỉnh Dòng Ngôi Lời Việt Nam hiện nay. Ngài là vị cha, vị thầy, vị ân sư của rất nhiều thế hệ trong Dòng, và những ai từng gặp ngài cũng như tiếp xúc với ngài đều nhận thấy nơi ngài toát lên sự đơn sơ, thánh thiện với bộ đồ Pyjama mỗi ngày và chiếc áo Dòng vải thô ngài luôn khoát trên người trong mỗi giờ kinh và các giờ phụng vụ. Chính chúng tôi từng là học trò của ngài đã từng học được rất nhiều từ vị Tập sư khả kính này, và những lời dạy của ngài vẫn còn vang vọng trong tôi đến bây giờ. Trong giây phút linh thiêng đưa hài cốt ngài về công viên Phục Sinh, chúng con xin tri ân cha Gérard khả kính và xin cha tiếp tục phù hộ và cầu nguyện cho Hội Dòng và cho chúng con nữa. 

      Linh mục Francois Nguyễn Đình Kim, SVD sinh ngày 02/06/1928 tại Trà Kiệu, Quảng Nam.
Ngài là một trong những anh em của Dòng Thánh Giuse được thụ phong linh mục đầu tiên vì thời ấy Dòng Thánh Giuse rất hiếm linh mục.
Cha Francois Kim là linh mục quản xứ thứ hai kế nhiệm cha Phaolo Đậu Vương Quyền từ khi Phước An được nâng lên giáo xứ. Ngài được thụ phong linh mục năm 1974 do Đức Cố Hồng Y Phanxico Xavie Nguyễn Văn Thuận phong chức, và cũng được chính Đức Cha Thuận làm giám mục Nha Trang lúc ấy bổ nhiệm làm chính xứ Phước An, kiêm nhiệm Phước Thiện, Liên Sơn và Đá Hàn. Ngài qua đời tại Nhà Xứ Phước An lúc 18.15 thứ Hai ngày 15.10.1984 vì lao lực.

 Khi còn ở Dòng Thánh Giuse, ngài từng làm việc trong vai trò huấn luyện tu sinh, từng là hiệu trưởng trường Trung học Đặng Đức Tuấn ở thành phố Tuy Hòa, và anh em trong Dòng thường nói rằng ngài là một nhà đào tạo hiền lành, dễ thương, gần gũi và được nhiều người quí mến. Từ khi nhận nhiệm vụ làm cha xứ ở Phước An, ngài đã rong ruỗi chăm lo mục vụ những xứ lân cận bao gồm Phước Thiện, Liên Sơn và Đá Hàn. Thời đó việc đi lại khó khăn không như bây giờ nhưng ngài không muốn đàn chiên thiếu vắng mục tử nên đã chạy ngược xuôi đến với đàn chiên đến nỗi bị lao lực và kiệt sức. Có những ngày Chúa Nhật ngài phải dâng 6 thánh lễ. Nhiều giáo dân quí mến ngài nên thường biếu tặng ngài trứng gà, trái cây, và vì ăn nhiều trứng gà và phải làm mục vụ nhiều nhiều nên ngài đuối sức và bị ung thu gan dù đã tận tình cứu chữa nhưng không qua khỏi. Ngày 15.10.1984, sau gần 10 năm làm cha sở ở Phước An, ngài đã từ giã cõi đời để về với Chúa giữa tháng Mân Côi với sự thương tiếc vô vàn của đoàn chiên thiếu vắng mục tử. Ngày 22/10/2020 vừa qua, cũng trong tháng Mân Côi, giáo xứ Phước An, Dòng Ngôi Lời-Giuse, anh em cựu tu Giuse và những người thân yêu của ngài cải táng mộ ngài để đưa về công viên Phục Sinh của Dòng tại Nhà Chính Nha Trang.


Cựu bề trên Dòng Thánh Giuse là tu sĩ Michel Nguyễn Thiếu Hy đáng kính. Ngài sinh ngày 13/12/1909 tại Kỳ Thọ, Quảng Ngãi và qua đời ngày 19/06/2005 tại Nha Trang, Khánh Hòa trong vòng tay thân yêu của anh em trong Dòng với tuổi đời khá cao, 96 tuổi. Chúng tôi được tiếp xúc với ngài khi thời gian còn là chú đệ tử, và lúc ấy ngài đã về hưu nhưng vẫn còn tự học thêm tiếng Anh dù trước đây từng rất giỏi tiếng Pháp. Những anh em lớn tuổi trong Dòng nói rằng trong những năm đầy khó khăn, cựu bề trên Michel đã gánh vác Hội Dòng Thánh Giuse trong vai trò Tổng Phụ Trách (Bề Trên), phải đương đầu với những nghịch cảnh để gởi anh em đi tu học những nơi danh tiếng và ngài đã hy sinh rất nhiều. Chúng tôi còn nhớ cựu bề trên Michel là người có thói quen hút thuốc và đã từng nói với vị bề trên của ngài là ngài đã từ bỏ tất cả, chỉ xin được hút thuốc mà thôi. Con cháu của cựu bề trên Michel thuộc bia kia chiến tuyến hiện đang có địa vị cao nhưng vì sợ liên lụy đến thanh danh nên phải quên đi người thân đáng kính này để yên vị. Ngày bốc mộ cựu bề trên Michel chỉ có đại diện Nhà Dòng và 3 người cháu còn liện hệ lúc ngài còn sống, đến để nhìn nắm tro tàn lần cuối và thắp nén hương nhớ về người ông, người chú đã luôn ước mong con cháu mình nhớ đến Chúa và quay về với Chúa trước khi quá muộn.

Chúng tôi cũng bốc mộ của tu sĩ Boniface Lê Quang Ninh, một vị thầy có dáng người nhỏ bé và sống đúng tinh thần khiêm nhường, khó nghèo và đơn sơ của anh em hèn mọn Thánh Giuse.

 Thầy sinh ngày 08/04/1922 tại Quảng Nam và mất ngày 08/09/2003 tại Nhà Chính ở Nha Trang. Chúng tôi đã cố gắng tìm người thân của thầy để liên lạc trong ngày bốc mộ nhưng không được. Ngày bốc mộ thầy lên chúng tôi cố chụp lại bộ hài cốt thầy trước khi đem đốt bỏ vào chiếc quách nhỏ nhưng chụp mãi vẫn không được dù chúng tôi cũng là dân chụp ảnh. Nhìn thấy bộ hài cốt đã tan rã hết chỉ còn vài chiếc xương nhưng chiếc áo Dòng và sợi dây đeo thánh giá vẫn còn dù áo Dòng thời ấy chỉ bằng vải thô. Ngày thầy qua đời cách đây 17 năm chúng tôi còn nhớ rất rõ là đúng ngày sinh nhật Đức Mẹ. Năm ấy có nhiều anh em trong Dòng qua đời và cũng chính năm đó Nhà Dòng cũng đón nhận tin phong thánh cho vị sáng lập Dòng là cha Arnold Janssen và vị truyền giáo đầu tiên của Dòng tại Trung Quốc là cha Giuse Freinademetz. Chúng tôi cảm phục sự đơi sơ của vị tu sĩ hiền lành này và xin thầy phù hộ cho chúng con.


Thầy Phaolô Nguyễn Bá Sáng, SVD sinh ngày 02/06/1966 tại Buôn Mê Thuột và qua đời ngày 15/01/2003 trong một tai nạn thảm khốc trên đường về dự lễ cưới của đứa em gái. 
Chúng tôi đã từng làm việc với thầy Phaolô Sáng và từng sống chung với thầy trong Học Viện tại Sài Gòn trước khi thầy qua đời. Ngày thầy ra đi khiến anh em học viện cũng như cả Nhà Dòng bàng hoàng vì thầy sắp khấn trọn. Thầy là người rất vui vẻ, hiền lành, đơn sơ và hài hước. Khi nhắc đến thầy Phaolô Bá Sáng thì ai cũng vui vì thầy có nụ cười duyên và luôn làm cho anh em thích thú vì thầy có những câu chuyện dí dỏm. Một kỷ niệm thú vị với thầy khi chúng tôi làm việc ở Nhà Nội Trú Hoa Huệ, lúc ấy là thầy đưa chúng tôi đi bệnh viện để mổ ruột thừa năm 1996 và thầy đã chọc đùa một câu mà đến bây giờ ai cũng nhắc đến kỷ niệm giữa thầy và tôi là “Mần Sạch”, có nghĩa là mổ ruột thừa thì phải “cạo” tất tần tật. Ngày bốc mộ có sự hiện diện của anh chị em trong gia đình thầy, có người em là Nữ tu Dòng Phaolô Đà Nẵng mà ngày thầy mất đang còn trong Tập viện, cũng hiện diện. Gia đình thầy đã xin lại chiếc nhẫn vàng vẫn còn óng ánh mà khi thầy qua đời còn đeo trong tay để làm kỷ niệm. Mới đó mà đã được 17 năm qua đời và nay thầy cũng được đưa về với các bậc tiền bối trong Dòng.


Ông Phêrô Dương Mùi còn được gọi là ông Bốn Mùi, sinh năm 1930 tại Bình Định và qua đời ngày 22/06/2004 tại Nhà Chính ở Nha Trang. Ông là một giáo dân và là người giúp việc lâu năm trong Dòng. Giống như Chí Phèo trong tác phẩm cùng tên của nhà văn Nam Cao, ông Bốn Mùi là người không vợ, không con và không người thân thích. Ông đã từng là giám thị ở Kim Châu, Bình Định trước năm 1975 và sau đó Nhà Dòng đưa ông về Nha Trang khi ông đã về già. Ông còn có biệt danh là ông Bốn ngủ vì ông ngủ chỗ nào cũng được và làm gì cũng tự nhiên cơn buồn ngủ ập đến. Về già ông ít nói và chỉ ậm ừ khi ai hỏi đến. Ông đã ra đi thanh thản và được Nhà Dòng chôn cất như một tu sĩ thực thụ. Ông cũng được Nhà Dòng bốc mộ để đi dời về Dòng như bao vị tiền bối khác vì ông cũng chính là thành viên của Dòng.

Đọc lại sách ông Gióp chương 1, 21; 2,10: “Thân trần truồng sinh từ lòng mẹ, tôi sẽ trở về lòng đất cũng trần truồng. Chúa đã ban cho, Chúa lại lấy đi. Người muốn sao nên vậy: xin chúc tụng danh Chúa. Mình biết đón nhận ơn lành từ Thiên Chúa, còn điều dữ lại không biết đón nhận sao?” tự nhiên bản thân thấm thía làm sao. Ngày chúng ta còn sống với biết bao công việc và tham vọng tràn trề, nhưng rồi sẽ đến ngày chúng ta phải tạm gát lại tất cả khi được Chúa gọi về nằm sâu trong lòng đất mẹ nếu được mai táng. Bẵng đi một thời gian khi người thân chúng ta cải táng mộ về rồi đựng trong một chiếc quách nhỏ để đưa vào một chiếc hộc nhỏ giữa công viên Phục Sinh, chúng ta mới thấm thía Lời Chúa, “vì từ đất, ngươi đã được lấy ra. Ngươi là bụi đất, và sẽ trở về với bụi đất." (St 3,17-19). Quan sát những bộ hài cốt của các bậc tiền bối mà giờ đây chỉ còn xương với đất bụi mới thấy thân phận con người mỏng giòn làm sao. Vậy thì tại sao chúng ta còn bon chen, còn tranh giành nhau để làm gì!!! 


6 phần mộ trên chúng tôi đã cải táng và di dời về Nhà Nguyện Nhỏ của Nhà Chính trước khi đặt vào công viên Phục Sinh để ngày 2.11 sắp tới đây chúng tôi sẽ dâng thánh lễ cầu hồn cho họ. Xin các vị tiền bối phù hộ cho Nhà Dòng và cho tất cả các thành viên luôn hăng say hoạt động tông đồ theo tôn chỉ và đoàn sủng của Hội Dòng, để một ngày nào đó chúng ta hẹn gặp nhau trên Nước Trời. Chúng con cậy vì Danh Chúa nhân từ cho các đẳng linh hồn, cách riêng các vị tiền bối chúng con vừa được di dời về công viên Phục Sinh, được lên chốn nghỉ ngơi, hằng xem thấy mặt Đức Chúa Trời sáng láng vui vẻ vô cùng. Amen.

Nha Trang ngày 26 tháng 10 năm 2020

Lm. Antôn Trần Xuân Sang, SVD

Bề trên Nhà Chính

CỘNG ĐOÀN NHÀ MẸ SVD CỬ HÀNH KHÁNH NHẬT TRUYỀN GIÁO 2020

                 Những tin tức về cơn lũ giữ đồn dập ở miền Trung thân yêu mà mỗi lần đọc hay xem tin tức trên truyền hình khiến anh em trong cộng đoàn Nhà Mẹ Nhà Trang đau xót như chính những người thân mình đang gặp nạn. Trái tim của những người theo Chúa thổn thức và chạnh lòng trước những khổ đau mà người đồng bào thân thương của mình đang phải gánh chịu.


Khánh nhật truyền giáo năm nay anh em Dòng Truyền giáo Ngôi Lời chúng tôi tại Nhà Chính Nha Trang không dám tổ chức sinh hoạt bề nổi nào vì ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và vì bão lụt ở miền Trung. Anh em chỉ tổ chức ngày chầu lượt tại Nhà Nguyện thân thương của Nhà Mẹ để cầu cho thế giới và nước Việt Nam thân yêu giữa những thiên tai và đại dịch đang hoàng hành.

Thánh lễ Chúa Nhật hôm nay toàn thể các thành viên của Nhà Chính cùng với các em Thỉnh Sinh sốt sắng cử hành thánh lễ ngoại thường cầu nguyện cho việc truyền giáo. Cha chủ tế là người rất có tâm huyết truyền giáo, đã từng làm việc nhiều năm trong vai trò cha xứ ở vùng truyền giáo với người thiểu số ở cuối địa phận. Ngài cũng có tâm hồn nghệ sỹ nên trong bài giảng của ngài, ngài cũng hát lên những tâm tình truyền giáo dựa theo bài Tin Mừng về Khánh Nhật truyền giáo. Vì là Dòng truyền giáo nên anh em luôn ý thức về ơn gọi và sứ vụ của mình như trong lời mở đầu của Hiến Pháp Dòng Ngôi Lời: “Cuộc sống của Ngài là cuộc sống của chúng ta, sứ vụ của Ngài là sứ vụ của chúng ta”. Mang trong mình ơn gọi và sứ vụ truyền giáo, anh em luôn thao thức và ý muốn ra đi để thực hiện lời mời gọi của Thầy Chí Thánh: Vậy các con hãy đi giảng dạy muôn dân, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha, và Con và Thánh Thần, giảng dạy họ tuân giữ mọi điều Thày đã truyền cho các con. Và đây Thày ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28, 19-20).

Những giờ chầu lượt kế tiếp sau thánh lễ là dịp để mỗi người, mỗi nhóm ý thức về sự hiện diện của Chúa trong Thánh Thể và chính Thánh Thể là nguồn lực thiêng liêng giúp nhà truyền giáo có sức mạnh để lên đường. Ai đó đã từng nói chúng ta không thể cho cái chúng ta không có. Là những nhà truyền giáo trước hết là trên hết chúng ta phải có Chúa Giêsu và sống như Chúa Giêsu đã sống mới thuyết phục được mọi người. Bởi thế, dù dịp này chúng tô không thể có những công việc và sinh hoạt mang tính bề nổi, việc thầm thì tâm sự với Chúa Giêsu Thánh Thể cũng là việc làm ý nghĩa để cầu nguyện cho việc truyền giáo vào lúc này vì chính thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu là một nữ tu Dòng Kín, chưa bao giờ đi truyền giáo ngày nào, nhưng ngài lại được đặt làm bổn mạng của các xứ truyền giáo vì ý hướng của ngài là luôn cầu nguyện cho công cuộc truyền giáo của Giáo hội.

Một hành động thiết thực nhất trong khánh nhật truyền giáo hôm nay là mỗi thành viên trong Nhà Chính đều dành một món quà cho những người thân yêu ở miền Trung đang gặp nạn. Ai nấy đều ý thức việc mình làm vì như Chúa Giêsu đã từng nói những gì anh em làm cho những kẻ bé mọn nhất của Ngài là làm cho chính Ngài.


Giờ Chầu Lượt của từng nhóm kết thúc với việc đọc kinh chiều chung của cộng đoàn để dâng lời tạ ơn Thiên Chúa vì đã ban cho một ngày khánh nhật truyền giáo tuy không rộn ràng với những nghi thức linh đình nhưng rất đậm chiều sâu tâm linh vì anh em có Chúa và những ngày kế tiếp anh em sẽ có kế hoạch cụ thể để lên đường giúp những người đang oằn mình giữa cơn lũ dữ

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, xin ban cho chúng con một trái tim rộng lớn, một sự quảng đại dấn thân, biết cho đi mà không tính toán, biết chiến đấu mà không sợ thương tích. Xin ban cho mỗi người chúng con một nghị lực mạnh mẽ, sẵn sàng chấp nhận những vất vả khổ cực trong việc truyền giáo.
          Xin cho chúng con biết chấp nhận cả những thất bại mà vẫn kiên trì lên đường truyền giáo. Và nhất là ban cho mỗi người chúng con luôn được Chúa dạy bảo và luôn biết làm theo thánh ý Chúa.
          Xin Chúa xin thanh luyện và biến đổi chúng con nên tạo vật mới, nên khí cụ bình an, khí cụ tình yêu của Chúa. Chỉ có như thế, việc truyền giáo của chúng con mới có kết quả tốt đẹp theo ý Chúa muốn.

Xin Chúa ban cho cơn đại dịch Covid mau chấm dứt để mọi người được yên ổn làm ăn và ban cho nhiều người biết mở rộng tấm lòng để giúp đỡ những người đang gặp nạn ở miền Trung thân yêu của chúng con, nhất là những gia đình có người thân mất mát trong cơn lũ, để họ tìm thấy hơi ấm của Chúa.
          Xin Chúa ban cho chúng con có trái tim yêu thương của Chúa để chúng con lên đường truyền giáo. Xin đồng hành với chúng con. Xin dạy chúng con biết học cách truyền giáo của Chúa, và có tấm lòng truyền Giáo như Chúa. Amen.

            Khánh Nhật truyền giáo - Nha Trang, ngày 18 tháng 10 năm 2020

Lm. Antôn Trần Xuân Sang, SVD

Bề trên Nhà Chính

CỘNG ĐOÀN NHÀ MẸ SVD VIỆT NAM TĨNH TÂM THÁNG MÂN CÔI

             Sau những ngày giãn cách xã hội vì dại dịch Covid-19, Nhà Chính Dòng Ngôi Lời Việt Nam đã tổ chức ngày tĩnh tâm trong tháng Mân Côi để có dịp anh em gặp gỡ nhau và cùng với Mẹ dâng lên những tràng hoa Mân Côi cầu cho thế giới thoát khỏi cơn đại dịch và cầu cho những người đồng hương ở Miền Trung đang phải chống chọi với cơn lũ dữ.

Kỳ tĩnh tâm lần này chúng tôi có dịp được lắng nghe những chia sẻ tâm tình của một linh mục vừa giản dị, vừa dí dỏm mới bước vào tuổi bát tuần - cha Phêrô Nguyễn Vân Đông, nguyên tổng đại diện giáo phận Kontum và đã về Nhà Hưu Dưỡng tại Tòa Giám Mục Kontum cách đây không lâu.

Trong hai bài chia sẻ vào buổi sáng và buổi chiều, với những mẫu chuyện đời rất thực tế về đời sống truyền giáo và đời sống linh mục ở vùng đất Tây Nguyên, cha giảng phòng đã giúp anh em có một cái nhìn sâu rộng về đời sống dấn thân của một linh mục nói chung và đời sống truyền giáo của những tu sĩ nói riêng đã quên mình vì Chúa và vì đoàn chiên của Ngài nơi những vùng đất truyền giáo đang thiếu vắng những nhà truyền giáo thực thụ sẵn sàng sống chết vì đoàn chiên.

Một lối so sánh dí dỏm của cha giảng phòng về sự khác nhau giữa các linh mục công sở mà ngài gọi là các “linh mục Paris” và các linh mục dám “ngửi mùi chiên” mà ngài gọi là các linh mục truyền giáo miền núi, là các linh mục ở Paris chỉ lo làm các bí tích, dạy giáo lý và thi hành mục vụ trong nhà thờ; trong khi các linh mục truyền giáo miền núi không chỉ thi hành và giảng dạy trong nhà thờ mà còn phải biết sửa xe đạp, phải biết sơ cứu bệnh nhân, phải biết lái xe để đem các bệnh nhân đi cấp cứu, phải biết đỡ đẻ, phải biết chăm sóc trẻ em, phải biết cứu đói, và nhất là phải biết yêu thương và sống với người nghèo.

Là một linh mục từng làm cha sở nhiều năm ở nhiều giáo xứ khác nhau với nhiều sắc dân thiểu số và nhiều người dân vùng miền khác nhau nên ngài chia sẻ những kinh nguyện sống động về việc thi hành mục vụ. Người dân thiểu số ở Tây Nguyên rất thật thà, chất phác nhưng cũng hay tự ti, tự ái vì họ cho rằng họ thấp kém hơn người Kinh (Việt). Người dân miền Trung thì giọng nói vùng miền khó hiểu, rồi tính tình và cách sống cũng khác nhau nên để qui tụ họ làm việc chung thì người mục tử cần phải có sự kiên nhẫn và cầu tiến. Người dân miền Bắc di cư tuy rất đạo đức nhưng cũng có óc bè phái nên người mục tử cũng cần uyển chuyển và linh động nều không dễ bị lôi cuốn và dễ dẫn đến chia rẽ. Ngài cũng thật lòng chia sẻ rằng là linh mục Dòng hay Triều, ngoài những lời khấn hay hứa với bề trên, chúng ta cũng cần có quyết tâm với chính mình là đừng quá nóng tính thiếu kiềm chế dẫn đến la mắng, thóa mạ người khác. Linh mục cũng không nên bạo lực bằng lời nói hay hành động trong cuộc sống hàng ngày hay trên bục giảng. Điều mà cha giảng phòng cũng nói đến là đừng quá dính bén đến tiền bạc và phụ nữ cho riêng mình vì đó sẽ là thảm họa. Ngài cũng chia sẻ là trong khi thi hành mục vụ, có những lúc mình khá bực mình khi được gọi xức dầu bệnh nhân lúc nửa đêm nhưng hãy cố làm vì Chúa. Hãy cố gắng bỏ những thói quen xấu như hút thuốc, uống rượu chè bê tha mà làm gương mù, gương xấu cho giáo dân mình. Có một số linh mục ngày nay chỉ biết làm lễ, làm biếng và làm tàng nên đã làm giảm hình ảnh của người linh mục như Chúa hằng mong ước. Một số linh mục khác thích tiệc tùng linh đình, nay đổi xe này, mai xe khác và xài đồ hàng hiệu. Rồi một số khác bắt đầu chơi thú cưng mà quên nhiệm vụ chính của mình là chăm sóc đoàn chiên mà giáo hội trao phó. Chính những điều đó đã làm mất đi hình ảnh tốt đẹp của vị Mục Tử Nhân Lành là chính Chúa Giêsu đã muốn những người bước theo Ngài phải đi con đường hẹp.

Các em chủng sinh trong Dòng cũng được tham dự buổi tĩnh tâm này rất lấy làm tâm đắc những chia sẻ thân tình, dí dỏm và thú vị của vị linh mục khả kính vì các em sẽ là những linh mục tương lai. Cha giảng phòng cũng tóm tắt 7 điều của Đức Thánh Cha Phanxico khuyên các linh mục của Chúa phải có, đó là: nên đồng hình, đồng dạng với Chúa Kitô; hiền lành và khiêm nhường; mang trong mình mùi chiên; rao giảng Lời Chúa; trân trọng người cộng tác với mình; biết chạnh lòng thương; và phải lên đường phục vụ. Ngài cũng chia sẻ là đời sống tu sĩ linh mục cần phải nhường nhịn nhau trong đời sống chung. Đừng hơn thua như người ngoài và luôn biết yêu thương, tôn trọng người làm việc chung với mình. Ngài kết luận với những lời tâm đắc của một triết gia: “Chừng nào bạn còn có thể, hãy làm càng nhiều việc thiện càng tốt, cho càng nhiều, bằng những phương tiện có thể, trong mọi cách có thể, tại mọi nơi có thể và trong mọi lúc có thể”.

Buổi tĩnh tâm kết thúc với bữa ăn huynh đệ, và mọi người ai cũng cảm thấy thoải mái và bình an vì có một ngày thật ý nghĩa khi được một linh mục lão thành chia sẻ những kinh nghiệm sống động và hữu ích trong đời sống mục vụ vì anh em Dòng truyền giáo Ngôi Lời là những người được sai đi loan báo Tin Mừng qua đời sống sứ vụ. Tạ ơn Chúa và Mẹ Maria đã cho chúng con có cơ hội nhìn lại mình qua một ngày tĩnh tâm trong tháng Mân Côi thật sốt sắng để chúng con sống tốt hơn và biết mình là ai giữa cuộc sống nhiều biến động này.

Nha Trang, ngày 13 tháng 10 năm 2020

Lm. Antôn Trần Xuân Sang, SVD

Bề trên Nhà Chính