Sunday, June 18, 2017

HÀ LAN:  ĐẤT NƯỚC VÀ CON NGƯỜI

Uống nước nhớ nguồn,
Ăn quả nhớ kẻ trồng cây
Hôm nay Giáo Hội mừng kính Lễ Mình Máu Thánh Chúa Ki-tô để nhắc nhở chúng ta về lòng thương yêu khôn dò của Chúa Giêsu dành cho mỗi người. Vì yêu thương chúng ta nên Người đã ban chính Mình và Máu Người làm lương thực nuôi sống chúng ta hằng ngày. Ấy vậy mà nhiều lúc chúng ta quên đi ân tình này. Hôm nay cũng là ngày lễ xã hội để tôn vinh những người cha thường được cử hành vào Chúa Nhật tuần thứ ba của tháng 6 nhằm tôn vinh công đức sinh thành và dưỡng dục của những người cha như tục ngữ Việt Nam đã từng ví von: “Công Cha như núi Thái Sơn…” Thiên Chúa vừa là Cha, vừa là Mẹ của chúng ta nên có thể nói trong thánh lễ hôm nay chúng ta cử hành để tạ ơn Thiên Chúa và nhớ ơn các vị sinh thành dưỡng dục chúng ta. Đó là nghĩa vụ và bổn phận của những người con có lương tri và trách nhiệm với những người làm ơn cho mình.
Mới đó mà đã gần 3 tuần chúng tôi đặt chân đến xứ sở hoa Tulip để nhận sứ vụ mới. Như đã chia sẻ trong bài trước (Xc. http://www.vietcatholic.net/News/Html/224876.htm), mọi sự chúng tôi phải bắt đầu lại như em bé bắt đầu vào trường Mầm Non. Cũng may là nhờ có một chút minh nghiệm bên Nam Mỹ như đời sống cộng đoàn quốc tế và ngôn ngữ mà chúng tôi có thể giao tiếp với các anh em đồng môn trong cộng đoàn và người dân ở đây. Thêm nữa là có người Việt sinh sống rải rác khắp Hòa Lan nên lâu lâu cũng đi dâng lễ tiếng Việt cũng như thưởng thức các món ăn Việt để không có cảm giác lạc lõng và nhớ quê nhà.
Nếu so về diện tích cả nước thì Hòa Lan chỉ bằng số lẻ của Việt Nam nghĩa là chỉ có 41.848 km² trong khi Việt Nam có diện tích phần đất liền là 331.699 km², và dân số Hòa Lan ước lượng khoảng 17 triệu dân (kể cả người ngoại quốc đang sinh sống) trong khi Việt Nam đã lên đến con số hơn 95 triệu người. Tuy nhiên, Hòa Lan là quốc gia đứng thứ năm trong danh sách năm 2004 về đánh giá các quốc gia theo tiêu chuẩn mức sống, sau Na Uy, Thụy Điển, Úc  Canada.
Vào ngày 02 tháng 11 năm 2004, nhà đạo diễn phim phê bình đạo Hồi Theo van Gogh bị giết chết tại Amsterdam. Tiếp theo sau đó là nhiều vụ đốt cháy nhà thờ đạo Hồi và tấn công nhà thờ Thiên Chúa giáo của người theo đạo Hồi. Các vụ việc đã khởi đầu cho nhiều thảo luận mãnh liệt về hội nhập người nước ngoài và về việc chung sống của những văn hóa  tôn giáo khác nhau.
Chính vì thế, bắt đầu từ ngày 15 tháng 03 năm 2006, những người muốn di dân vào Hoà Lan phải trải qua một thử nghiệm. Cuộc thử nghiệm bao gồm nhiều câu hỏi về kiến thức ngôn ngữ, văn hóa và vài đề tài khác. Thêm vào đó hiện nay đang thảo luận về một đạo luật cấm sử dụng những thứ tiếng khác ngoài tiếng Hoà Lan nơi công cộng.
Chúng tôi đã đến Hòa Lan làm việc trong hoàn cảnh không mấy thuận tiện như trước đây về vấn đề giấy tờ và phương thức làm việc dù theo thư bổ nhiệm từ bài sai của Tổng Quyền là chúng tôi sẽ làm việc với những người nói tiếng Tây Ban Nha đến từ châu Mỹ Latin. Theo luật mới thì chúng tôi phải biết tiếng Hòa Lan ở mức độ tối thiểu là nói-nghe-đọc-viết ở mức tương đương với chứng chỉ C cũng như về kiến thức xã hội, văn hóa, chính trị mới được chính thức làm việc ở đây và dĩ nhiên sẽ có những qui chế về tiền lương và bảo hiểm xã hội. Tiếng Hòa Lan là ngôn ngữ chính thức trên toàn quốc dù 80% dân số Hòa Lan cũng rất thông thạo tiếng Anh. Quả thực tiếng Hòa Lan không hề dễ dàng tý nào vì nó pha trộn đủ thức ngôn ngữ mà hai ngôn ngữ chính mà tiếng Hòa Lan vay mượn là tiếng Đức và tiếng Anh. Chúng tôi đã bắt đầu học tiếng này và phải tập phát âm cho đến khi nào nước bọt phun ra mới đúng!!!
Trong những ngày đầu ở Hòa Lan, bề trên ở đây gởi chúng tôi đến thăm các cộng đoàn và các cơ sở của Tỉnh Dòng Hòa Lan để biết và gặp gỡ các anh em trong Tỉnh Dòng. Một trong những cộng đoàn mà gây ấn tượng nhất với chúng tôi được gọi là Missiehuis (Mission House: Ngôi Nhà Truyền Giáo) nằm giáp với biên giới nước Bỉ, nơi mà trước đây từng là Chủng Viện Truyền Giáo của Dòng Ngôi Lời tại Hòa Lan và đã từng có hàng trăm chủng sinh truyền giáo người Hòa Lan và Bỉ mỗi năm tu học và sau đó được sai đi truyền giáo ở các nước Phi châu. Tuy nhiên hiện nay phải nhượng lại cho nhà nước để làm trung tâm chăm sóc cho người già và neo đơn trong đó có các nhà truyền giáo của Dòng Ngôi Lời, Dòng Biển Đức và Dòng Thánh Gia vì không còn người làm việc và không có chủng sinh thì không còn tiền để bảo trì và đóng thuế cho nhà nước. Nhìn cơ sở rộng lớn và đẹp đẽ như thế nhưng giờ mình chỉ như khách mà thấy tiếc vô cùng. Tỉnh Dòng Ngôi Lời Hòa Lan của chúng tôi chỉ có 58 thành viên (kể cả chúng tôi là người mới đến) mà đã có đến 34 nhà truyền giáo trên 80 tuổi đang ở nhà hưu dưỡng này sau khi họ đã phục vụ rất nhiều năm ở các nước Phi châu, châu Đại Dương, Á châu và châu Mỹ Latin. Nhìn các cha già trong Dưỡng Viện mà nghĩ về tương lai của mình không biết mình có sống đến tuổi của các ngài hay không. Cũng may là chúng tôi cũng có ít kinh nghiệm và ngôn ngữ mình có được trong những năm sống ở Paraguay nên chúng tôi có thể trò chuyện và tâm sự với các ngài rất tâm đầu ý hợp. Các ngài đã kể lại những kinh nghiệm thú vị về những năm truyền giáo ở các nước Phi châu như Togo, Ghana, Kenya, Zambia hay các quốc gia khác như Papua New Guiena, Philippines, Indonesia, Ấn Độ, Brazil, Argentina… Các ngài đã muốn được chết nơi xứ truyền giáo như do những điều kiện khách quan khi về lại quê hương để kiểm tra sức khỏe thì “bị” cho ở lại để chữa bệnh và đưa về Dưỡng Viện để chăm sóc được tốt hơn. Mà quả thực ở đây điểu kiện chăm sóc y tế tốt thật vì tất cả đều tự động hóa và chỉ cần một cái nút bấm ở trong phòng thì ngay lập tức sẽ được cứu viện.
Một trong các linh mục mà chúng tôi trò chuyện và tâm đắc nhất trong những ngày ở Missiehuis là cha Gerard van der Height người Hòa Lan mà người Việt ở Âu châu gọi ngài bằng một cái tên trìu mến tiếng Việt là cha Văn Hải. Từ năm 1952 đến năm 1980, nghĩa là gần 30 năm phục vụ tại hai quốc gia nói tiếng Pháp ở Congo và Togo bên Phi châu, ngài đã về lại Nhà Mẹ của Dòng tại Steyl- Hòa Lan giáp biên giới với Đức, để từ đó ngài bắt đầu một sứ mạng mới là giúp những thuyền nhân Việt Nam tỵ nạn tại Âu Châu, đặc biệt tại Đức và Hòa Lan suốt gần 30 năm nữa. Năm nay ngài đã bước qua tuổi 92 và vừa kỷ niệm 65 năm linh mục nhưng ngài còn rất sáng suốt và vui vẻ dù phải ngồi trên xe lăn. Ngài đã cho chúng tôi xem nhiều hình ảnh về thuyền nhân Việt Nam cũng như sách vở, báo chí do ngài viết bằng tiếng Đức hay những bài viết do người Việt đăng tải. Trong các hình ảnh, ngài còn chỉ ra từng người, từng tên người Việt và nói là người đó đang ở đâu. Ngài cũng hãnh diện khi khoe với chúng tôi rằng trong số những thuyền nhân Việt Nam tỵ nạn mà ngài giúp đỡ thì có một số ít trong số đó nay đã là linh mục và nữ tu hiện đang làm việc tại Đức, Bỉ, Pháp và Hòa Lan. Chúng tôi có hỏi ngài là giúp người Việt Nam gần 30 năm như vậy như vậy nhưng đã đến thăm Việt Nam lần nào chưa thì ngài bảo rằng mấy lần muốn về Việt Nam nhưng đều bị chính quyền Việt Nam từ chối. Nhìn thấy những bức hình của ngài ngày xưa oai phong và lịch lãm như thế nhưng giờ đây phải ngồi xe lăn để chỉ biết ôn lại một thời đã qua và mọi việc đều nhờ người khác giúp từ ăn uống, giặt giũ, vệ sinh cá nhân… mà chợt nhớ đến câu nói của Chúa Giê-su với vị Tông đồ Phêrô mà cảm thấy chua xót cho một kiếp người: “Thật, Thầy bảo thật cho anh biết: lúc còn trẻ, anh tự mình thắt lưng lấy, và đi đâu tùy ý. Nhưng khi đã về già, anh sẽ phải giang tay ra cho người khác thắt lưng và dẫn anh đến nơi anh chẳng muốn" (Ga 20, 18).
           
Có một linh mục trẻ người Việt cùng Dòng với chúng tôi đã ở Nhà Mẹ Dòng Ngôi Lời tại Steyl, Hòa Lan hơn 10 năm qua nhưng ngài thuộc tỉnh Dòng Ngôi Lời Đức. Người anh em này  rất năng động đã giúp các cộng đoàn Công giáo ở Đức, Bỉ cũng như Hòa Lan rất nhiều trong những cuộc tĩnh tâm hay thánh lễ. Người anh em này đang là linh hướng cho phong trào Lòng Chúa Thương Xót ở Hoà Lan và cũng là tuyên úy cho Nhóm Tông Đồ Fatima Việt Nam Hải Ngoại. Thứ Bảy ngày 10 tháng 6 vừa qua ngài đã tổ chức buổi hành hương họp mặt cho cộng đoàn Công giáo Việt Nam tại Steyl nhân dịp Năm Thánh kỷ niệm 100 năm Đức Mẹ hiện ra tại Fatima và cũng trong dịp này kết nạp 48 thành viên mới tận hiến cho Mẹ thuộc Tông Đồ Fatima Hải Ngoại. Quan sát thánh lễ của cộng đồng Việt Nam tại Hải Ngoại đến từ Đức, Pháp, Bỉ, Mỹ, Ucraina, Thụy Sỹ và nước chủ nhà Hòa Lan mà trong lòng thấy vui vì người Công giáo Việt Nam chúng ta dù sống ở đâu, bề bộn công việc đến mức nào cũng luôn hướng về Chúa, về Mẹ để cầu xin cho quê hương mình, dân tộc mình, gia đình mình. Các anh em linh mục đồng tế trong thánh lễ cũng vui lây vì được sự động viên tinh thần của các tín hữu đồng hương mình. Cảm ơn cha Thắng Lê đã là linh hồn của những người Công giáo Việt Nam xa quê hương. Qua sự hy sinh và đóng góp nhỏ bé của cha trong nhiều năm qua mà các anh em Việt Nam đang làm việc ở các xứ truyền giáo xa xôi nhận được sự trợ giúp của các đồng hương từ hải ngoại để tấu lên bài giao hưởng truyền giáo thật hay. Nếu mỗi người đều ý thức và trách nhiệm vai trò và sứ vụ của mình thì công việc truyền giáo trong cánh đồng mà Chúa giao phó sẽ ngày càng tốt đẹp.
           
Hôm qua thứ Bảy lại nghe tin ở Việt Nam, một anh em linh mục trẻ cùng thời với mình thuộc Dòng Chúa Cứu Thế đang làm việc ở vùng truyền giáo Pleiku qua đời khi mới tròn 48 cái xuân sanh. Xót thương cho người anh em khi phải ra đi lúc còn hừng hực khí thế truyền giáo. Qui lực sinh-tử đều do Chúa an bài, chúng con xin cúi đầu tuân phục. Xin cho linh hồn người an hem linh mục Đaminh vừa mới qua đời của chúng con được sớm đoàn tụ cùng các thánh để tiếp tục cầu thay nguyện giúp cho chúng con ở dưới thế này tiếp tục chiến đấu và thu hoạch được nhiều hoa màu trong vườn nho của Chúa.
           
Hôm nay chúng tôi dâng thánh lễ tiếng Việt cho một giáo khu vùng Lisse để Tôn Vinh Mình Máu Thánh Chúa và cũng để ghi ơn những người cha, các dưỡng phụ, các vị linh hướng đã dày công dưỡng dục và giúp đỡ chúng ta. Lạy Chúa Giêsu Kitô, chúng con cảm tạ Chúa đã thiết lập Bí tích Thánh Thể để nuôi sống linh hồn chúng con, xin giúp chúng con luôn sống trong sạch, xứng đáng làm tòa Chúa ngự mỗi ngày, để mai này được liên kết bền chặt với Chúa, trong vinh quang. Xin Thánh Cả Giuse là bổn mạng của các bậc gia trưởng- những người cha trong gia đình, xin Ngài ban cho những người cha, những dưỡng phụ của chúng con trong ngày Hiền Phụ luôn biết sống trách nhiệm và xứng đáng là một người cha có trách nhiệm luôn quan tâm, nâng đỡ và đầy tình thương yêu với con cái mình, để những người làm con luôn biết bắt chước và tri ân đáp đến không chỉ trong ngày Hiề Phụ hôm nay mà là mãi mãi trong cuộc đời. Xin Mẹ Maria luôn đồng hành và cứu giúp chúng con bây giờ và trong giờ lâm tử. Amen.
Hà Lan, 18 tháng 06 năm 2017- Lễ Mình Máu Thánh Chúa Ki-tô
Ngày lễ của những người cha

Lm. Antôn Trần Xuân Sang, SVD. 

Monday, June 5, 2017

HÀ LAN - SỨ VỤ MỚI, VÙNG ĐẤT MỚI

Sau những ngày lo giấy tờ cho bài sai mới cũng như sum họp bên gia đình và người thân ở Việt Nam, chúng tôi đã lên đường vào ngày cuối cùng của tháng Hoa- tháng kính Đức Mẹ, và chính nhờ ơn Mẹ gìn giữ và đồng hành, chúng tôi đã đến xứ sở Hoa Tulip vào lúc 10 giờ sáng ngày đầu tháng Sáu với thời tiết trong lành, mát mẻ.
Đón chúng tôi ở phi trường Amsterdam, Hà Lan có cha bề trên Giám tỉnh người Ấn độ và một linh mục người Trung quốc nhưng được thụ phong linh mục ở Chicago, Hoa Kỳ. Dù chỉ liên lạc với nhau qua email và Whatsapp, chúng tôi cảm thấy rất gần gũi nhau như người trong gia đình ngày từ buổi đầu gặp mặt tại phi trường. Từ đây họ gọi tên thân mật của chúng tôi là Tony Tran.
Chúng tôi được sắp xếp ở chung cộng đoàn với cha Giám tỉnh và cha quản lý của tỉnh Dòng tọa lạc ở thành phố Schiedam giáp ranh với thành phố Rotterdam, một trong những thành phố lớn nhất của phía Nam Hà Lan.
Chúng tôi đã có dịp đặt chân đến Hà Lan 2 lần trước đây, một lần vào dịp thường huấn với các nhà đào tạo của toàn Dòng để tìm hiểu quê hương và sự  nghiệp của Đấng Sáng Lập Dòng, và một lần nữa cách đây 2 năm trong dịp giúp tĩnh tâm cho một hội đoàn Công giáo tại Hà Lan, nhưng hai lần ấy chúng tôi chỉ như người cưỡi ngựa xem hoa mà chẳng biết gì về đất nước Hà Lan xinh đẹp này. Lần này chúng tôi đặt chân đến đây theo một bài sai mới và biết rằng dù muốn hay không chúng tôi cũng phải ở đây làm việc như một nhà truyền giáo cho đến khi nhận lệnh mới từ Bề trên Tổng quyền.
Như chúng ta cũng biết Hà Lan là một trong những quốc gia Âu châu có mật độ dân số cao và nằm thấp nhất so với mực nước biển trên thế giới. Bởi thế Hà Lan còn có tên gọi là Nederland hay Netherlands có nghĩa là một quốc gia nằm sâu dưới mực nước biển.  Hà Lan có khoảng 27% diện tích và 60% dân số nằm ở khu vực có độ cao dưới mực nước biển. Và Hà Lan nổi tiếng với các con đê, cối xay gió, giày gỗ, hoa tulip và sự đa dạng về xã hội. Hà Lan cũng là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới cho phép sử dụng ma tuý công khai; công nhận mại dâm như một nghề hợp pháp, khu phố mại dâm hay còn gọi là khu Đèn Đỏ ở Amsterdam còn là một điểm đến trong hầu hết các tour du lịch. Hà Lan cũng đi tiên phong trong việc công nhận kết hôn đồng giới.
Hà Lan đứng thứ năm trong danh sách năm 2004 về đánh giá các quốc gia theo tiêu chuẩn mức sống, sau Na Uy, Thụy Điển, Úc  Canada. (Xc. Nguồn: https://es.wikipedia.org/wiki/Holanda).
            Chúng tôi còn nhớ trong chuyến thăm Đà Lạt vào những ngày cuối tháng Năm vừa qua và được đồng tế với cha Tổng Đại Diện Lê Đức Huân ở Nhà Thờ Chính Tòa Đà Lạt, vị cha già đáng kính đã giới thiệu chúng tôi với cộng đoàn và nói về việc truyền giáo ở Hà Lan nơi mà chúng tôi sắp đến vì ngài hiểu rõ các quốc gia châu Âu rất phồn thịnh về vật chất nhưng đời sống tâm linh không còn như trước đây nữa vì người ta không còn mấy tin vào sự hiện hữu của Thiên Chúa. Có lẽ đây là một thách đố lớn nhất với chúng tôi và chúng tôi cũng đã biết điều đó trước khi chấp nhận bài sai truyền giáo mới sau nhiều năm ở châu Mỹ Latin.
            Ngày chúng tôi vừa đặt chân đến Hà Lan cũng là ngày một anh em trong Dòng người Hà Lan trút hơi thở cuối cùng do tuổi tác và bệnh ung thư. Cha Giám tỉnh nói đùa rằng chúng tôi đến để thay thế chỗ cho người quá cố vì ông đã đợi có người đến mới ra đi bình an giống như cụ già Simeon xưa kia! Hà Lan là một quốc gia không lớn về diện tích, không giàu về tài nguyên nhưng là một quốc gia đáng sống nên có rất nhiều người di dân đến đây, trong đó có người đến từ Châu Mỹ Latin, Phi châu, Á châu và người Việt Nam chúng ta cũng rất đông. Bài sai của chúng tôi là làm việc với những người nói tiếng Tây Ban Nha đến từ các quốc gia vùng Nam Mỹ nhưng điều kiện mà chính phủ đặt ra để được làm việc tại đây như một vị mục tử là chúng tôi phải biết nói tiếng Hà Lan (một ngôn ngữ rất khó vì vừa pha trộn giữa tiếng Đức và tiếng Anh). Chính vì thế mà từ bây giờ đến cuối năm chúng tôi phải mài dùi kinh sử để học cho được ngôn ngữ khó nuốt này mà người nói tiếng Anh gọi là tiếng “Dutch”, nhưng nhiều người phát âm cho vui gọi là tiếng “Đách!!!”. Nếu vượt qua các kỳ thi ngôn ngữ thì sẽ được cấp giấy chứng nhận và sau đó sẽ chính thức nhận xứ để làm việc với những người di dân nói tiếng Tây Ban Nha. Chúng tôi đã xác định ngay từ đầu việc khổ luyện ngôn ngữ này dù bây giờ đã trạc ngoại tứ tuần nên đầu óc không còn nhạy bén như trước và đôi lúc hay lẫn lộn khi nói tiếng này qua tiếng khác vì làm việc truyền giáo ở một quốc gia nào thì phải thông thạo ngôn ngữ của quốc gia đó trước khi xâm nhập vào nền văn hóa đa nguyên với các dân tộc khác. Bởi thế, từ giờ đến cuối năm chúng tôi chỉ lo việc học ngôn ngữ và những ngày cuối tuần có thể làm việc mục vụ với cộng đồng người Việt, công đồng nói tiếng Anh và cộng đồng nói tiếng Tây Ban Nha bán thời gian.
           
Người ta thường nói vạn sự khởi đầu nan. Dẫu biết rằng Hà Lan là một quốc gia giàu có và văn minh nhưng cuộc sống không phải lúc nào cũng màu hồng. Có lẽ nhờ những năm làm việc truyền giáo bên Nam Mỹ đã rèn cho chúng tôi đức tính kiên nhẫn, tự tin và chịu khó nên những ngày đầu mới đến đây dù phải tự làm mọi việc từ nấu ăn, giặt giũ và mua sắm đồ cá nhân vì mấy anh em cùng cộng đoàn khá bận rộn lo các công việc của Dòng, nhưng cũng may chúng tôi giao thiệp bằng tiếng Anh với mọi người, vì người Hà Lan nói tiếng Anh rất tốt với người nước ngoài nên cảm thấy cũng không bất tiện gì. Những điều xảy ra ở phía trước mình không thể nào biết được nhưng luôn cố gắng mỗi ngày để chu toàn bổn phận của một tu sĩ, của một sinh viên vì từ nay chúng tôi đã tự ví mình như một anh tân binh, một sinh viên mới vào trường để học hành mọi thứ từ một nền văn hóa khác vì những lần trước đây khi chúng tôi đến đây với tư cách là một người khách trọ, một người viếng thăm rồi lại đi nhưng bây giờ trong tư thế của một người làm việc nên mình phải bắt đầu lại từ những chuyện nhỏ nhất để hiểu mọi người và để mọi người hiểu mình để làm việc tốt hơn.
            Chiều Chúa Nhật ngày 04 tháng 06 chúng tôi tham dự lễ ngân khánh 25 năm linh mục của một linh mục Việt Nam đang làm quản nhiệm cộng đoàn công giáo Việt Nam tại Hà Lan từ nhiều năm qua. Mẹ của ngài qua đời vào trung tuần tháng 3 tại Sài Gòn vào đúng dịp chúng tôi vừa đặt chân về Việt Nam để lo giấy tờ nhưng người anh em này lúc ấy không về thọ tang mẹ được vì nghe đâu sức khỏe ngài không cho phép. Nhìn thấy bộ dạng ốm yếu của ngài nhưng Chúa cũng đã dùng con người tầm thường này như khí cụ của Ngài trong suốt 25 năm qua với biết bao thăng trầm, với những hỉ nộ ái ố trong đời sống linh mục. Nhìn thấy giáo
dân Việt tham dự đông đảo từ khắp nơi trong nước Hà Lan dù tháng lễ bắt đầu lúc 14 giờ chiều mới thấy rằng người Việt của mình vẫn còn rất yêu mến các linh mục. Mỗi khi tham dự thánh lễ ngân khánh, kim khánh hay ngọc khánh linh mục của những bậc đàn anh, những bậc cha chú mà chính bản thân cảm thấy khâm phục. Không biết mình có xứng đáng đến ngày đó để cùng với đàn chiên mà Chúa đã trao ban để tạ ơn Chúa vì những hồng ân Chúa đã ban cho không hay là mình lo “đào ngũ” sớm do những tham-sân-si trong đời sống thường nhật. Chúc mừng cha Giuse Trần Đức Hưng, người anh em linh mục cùng họ Trần dịp Ngân khánh linh mục của ngài và xin Chúa ban cho cha sức khỏe, ơn khôn ngoan và bình an để tiếp tục dẫn dắt và đồng hành với đoàn chiên đồng hương nơi đất khách quê người.
            Hôm qua cũng là lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống- ngày khai sinh Giáo Hội, ngày mà các Tông Đồ Chúa từ căn phòng đóng kín do sợ hãi đã mở tung cửa đến với thế giới để cho mọi người biết Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương xót. Ngày xưa Chúa Thánh Thần bay lượn trên nước và đã biến cái đám hỗn mang thành một vũ trụ có trật tự thế nào, thì bây giờ Ngài cũng bay lượn, cũng hiện diện trong tâm hồn để biến con người tội lỗi, vô trật tự của chúng ta thành một Ki-tô hữu đích thực, Ngài sẽ cởi bỏ con người cũ của chúng ta, biến chúng ta trở nên một tạo vật mới, một con người mới. Xin Thánh Thần hãy ngự đến và canh tân thế giới và ban ơn cho con được ơn khôn ngoan sáng suốt để con bắt đầu sứ vụ mới ở một vùng đất mới từ khởi sự cho đến hoàn thành đều được sự giúp đỡ của Người. Amen.       
 Hà Lan, 05 tháng 06 năm 2017- Lễ Thánh Bonifacio, Giám mục tử đạo

Lm. Antôn Trần Xuân Sang, SVD.