Monday, April 7, 2014

PARAGUAY – SUY GẪM VỀ CUỘC SỐNG VÀ CÁI CHẾT

 

Tin Mừng Chúa Nhật thứ V Mùa Chay được Thánh Sử Gio-an tường thuật về việc Chúa Giê-su đã phục sinh người ban thân là La-gia-rô sau khi đã được chôn trong mồ 4 ngày (Xc Ga 11,1-45).
Một chi tiết đáng quan tâm là “
Khi thấy bà Martha khóc nức nở và những người Do-thái theo bà cũng khóc, Chúa Giêsu thổn thức và xúc động. Người hỏi: "Ðã an táng La-gia-rô ở đâu?" Họ thưa: "Thưa Thầy, xin đến mà xem". Chúa Giêsu rơi lệ. Người Do-thái liền nói: "Kìa, xem Ngài thương ông ấy biết bao!" (Xc Ga 11, 30tt). Đây là thái độ rất người, rất nhân bản của Chúa Giê-su trước nỗi đau của một người thân. Tuy là Thiên Chúa nhưng Chúa Giê-su lại rất người nên rất dễ đồng cảm với thân phận người của chúng ta.

Chiều thứ Năm ngày 3 tháng 4 vừa qua, anh bạn linh mục cùng lớp, cùng Dòng và cùng làm việc truyền giáo tại Paraguay với chúng tôi đã điện thoại và báo tin rằng Bố của anh vừa trút hơi thở cuối cùng bên Việt Nam. Dịp Tết vừa rồi, anh được ở bên Bố của mình trong dịp anh về phép sau nhiều năm truyền giáo tại Paraguay. Bố anh bị bệnh tiểu đường giai đoạn cuối nhưng vẫn vui vẻ bên anh trong những ngày sum họp này. Anh vừa mới trở lại Paraguay hơn 1 tháng thì nay nghe tin Bố mất, anh đã thổn thức và khóc thành tiếng như một em bé dù đã 44 tuổi đời khiến chúng tôi cũng bùi ngùi với anh và hồi tưởng lại những ngày tháng xưa còn ở Việt Nam khi đến thăm gia đình anh và ngồi chơi cờ tướng với Bố của anh. Anh khóc về sự ra đi của Bố, anh khóc vì từ nay trở đi không còn gặp Bố nữa dù trong ‘Ai Tín” có viết rằng : “Trong Niềm Tin vào Đức Ki-tô Phục Sinh… linh hồn Gioan Baotixita được Chúa gọi về…” Chúa gọi về thì vui chứ sao lại khóc. Dẫu biết như thế nhưng cái “chất người” vẫn luôn làm chúng ta thổn thức như Chúa Giê-su đã từng thổn thức trước sự ra đi của La-gia-rô dù sau đó Ngài đã phục sinh cho người xấu số này.

Trong một lần phỏng vấn cố Nhạc Sỹ Phạm Duy trong một cuốn Album hát chung với Khánh Ly trong nhạc phẩm : “Những Gì Sẽ Mang Theo Vào Cõi Chết”, cố Nhạc Sỹ họ Phạm đã tâm sự với Khánh Ly rằng có 3 vấn đề luôn khiến ông suy nghĩ là tình yêu, đau khổ và cái chết. Ông tâm sự rằng tình yêu thì người ta nói rất nhiều, còn đau khổ thì ai mà không đau khổ. Nhưng ít người dám nói đến cái chết, và ông kết luận rằng dù chúng ta có cố gắng tích lũy mọi cái nhưng khi chết chúng ta sẽ chẳng mang theo được gì ngoài những niềm vui của chúng ta. Dù ông không là người Công giáo nhưng trong tận đáy lòng của vị Nhạc Sỹ tài hoa này phảng phất đâu đó những lời dạy của Chúa Giê-su khi nói về dụ ngôn những người hay lo tích trữ của cải mà không lo hậu sự cho mình.

Ngày 27 tháng 4 năm 2014 tới đây Giáo Hội Công giáo sẽ long trọng Tuyên Thánh  hai vị Giáo Hoàng hiện đại là Gio-an XXIII và Gio-an Phao-lô II. Trong tiến trình Phong Thánh cho một người đã qua đời, ngoài những gì người đó đóng góp cho Giáo Hội cách tỏ tường, Giáo Hội luôn xét đến sự thánh thiện và danh thơm thiếng tốt của người đó khi họ còn sống để lưu truyền cho hậu thế. Người ta không chỉ biết đến một người lúc còn sống với quyền cao, chức trọng nhưng lại có đời sống nội tâm chẳng ra gì. Người ta sẽ chẳng biết đến một Gio-an XXIII và Gio-an Phao-lô II với những Thông Điệp, Tông Thư, Tông Sắc… nhưng họ chỉ biết đến các ngài là các Vị Giáo Hoàng nhân lành và thánh thiện mà thôi.           

Chuyện kể rằng có một giáo xứ ở miền Nam mà phần đông giáo dân ở đó là người di cư từ nhiều nơi khác đến. Một bữa sáng nọ, sau lễ Chúa Nhật, cha xứ có việc nên đi gấp, các ông Trùm ông Chánh ngồi lại nhà xứ uống cà phê, cà pháo và tán gẫu. Các ông bắt đầu kháo nhau đủ chuyện trên trời dưới đất, nào là chuyện máy bay mất tích ở Malaysia chưa có manh mối gì, nào là chuyện Nga vừa chiếm đóng bất hợp pháp một khu tự trị của người Ucraina, nào là chuyện mấy ông cha truyền giáo bên Paraguay, Nam Mỹ… Bỗng nhiên có một ông Trùm nổi hứng kể chuyện về giáo xứ gốc của ông với niềm kiêu hãnh. Ông này nói : “Các ông biết không, giáo xứ ngày xưa tôi có rất nhiều ơn gọi và hiện giờ có 25 Nữ tu, gần 30 Nam tu thuộc các Dòng tu nổi tiếng và 6 Phó tế chuẩn bị tiến chức linh mục”. Ông Trùm khác lớn giọng : “Tưởng chuyện gì, xứ tôi có hàng tá linh mục.
Các ông có nghe người ta nói chưa! Rươi Mỹ Dụ, Cụ (Linh mục) Thổ Hoàng. Linh mục xứ tôi hiện giờ đang làm việc khắp nơi từ Việt Nam đến châu Âu, Từ Hàn Quốc đến Nam Mỹ”. Một ông khác lại chen vào: “Tưởng vậy mà ngon à! Ngoài Tu sĩ và Linh mục, Xứ tôi còn có 2 Đức Ông, 1 Giám Mục Phụ Tá và một Tổng Giám Mục”. Ông Chánh Trương từ tốn nói : “Xứ tôi không có nhiều linh mục và Tu Sĩ như các Ông, nhưng xứ tôi có 3 Giám Mục Chính Tòa và một Hồng Y”. Tất cả đều có vẻ tự hào với nguồn gốc của mình. Bỗng nhiên, anh trưởng ban trật tự vào Nhà Xứ để gặp Cha Xứ liền bị các ông Trùm và Chánh Trương chặn lại hỏi: “Anh kia, giáo xứ gốc của anh có ai đi tu hay làm chức lớn gì không?”. Anh trưởng ban trật tự rụt rè trả lời: “Dạ thưa các Bác, xứ của con chẳng có ai làm lớn cả, chỉ có “2 thằng” được Đức Thánh Cha Gio-an Phao-lô II Phong Thánh năm 1988 mà thôi”. Khi vừa nghe đến đó, tất cả mọi người đều yên lặng. Chuyện vui này cũng là để nhắc chúng ta đừng nên quá khoác lác về nguồn gốc của mình vì chúng ta đâu biết rằng có thể có người khác hơn mình và mình sẽ bị một vố thật đau khi nhận ra rằng mình chẳng là gì so với họ cả.

Người Paraguay cảm thấy hãnh diện dù là một nước có dân số ít (khoảng 7 triệu dân) nhưng có một Thánh Tử Đạo và hình của vị Thánh này được in vào tờ giấy bạc lớn nhất của Paraguay là tờ một trăm ngàn Guaranies. Tuy nhiên có những lúc họ khoe khoang thái quá và cho rằng họ là một quốc gia gần 90% Công giáo thì chúng tôi “sửa lưng” ngay khi các anh em linh mục bản xứ khoác lác. Chúng tôi nói với họ rằng quốc gia Việt Nam chúng tôi số phần trăm Công giáo không tới 10% nhưng chúng tôi có đến 117 Vị Thánh Tử Đạo thì họ tịt ngòi ngay.

Mùa Chay chuẩn sắp kết thúc và năm nay chúng tôi nhận thấy đời sống đạo của giáo dân ở đây khá lên rất nhiều. Họ đã biết ăn chay, cầu nguyện và bố thí ngay từ đầu Mùa Chay. Người tham dự Thánh Lễ Chúa Nhật cũng tăng nhiều nhưng vẫn còn nhiều tệ nạn cờ bạc, hút xách ở những thành phố lớn. Một anh em linh mục Việt Nam cùng Dòng vừa đặt chân đến Paraguay và đang trong chương trình học ngôn ngữ để chuẩn bị cho hành trình truyền giáo. Tỉnh Dòng Paraguay vừa có tin vui là đón mừng anh em linh mục người Việt vừa mới đến, nhưng lại có tin buồn là một anh em linh mục người Parauay sau gần 20 năm linh mục đã xin “nghỉ tu” để về sống với gia đình. Mỗi người đều có tự do lựa chọn nhưng chúng tôi cảm thấy tiếc cho anh em này sau một thời gian dài sống trong đời tu, nay lại chuyển hướng. Chúa Nhật tuần tới là bước vào Tuần Thánh với việc cử hành trọng thể Lễ Chúa Giê-su vào Thành Thánh mà quen gọi là Lễ Lá. Xin mọi người hiệp lời cầu nguyện cho chúng con, những linh mục truyền giáo yếu đuối và thiếu kinh nghiệm nơi đất khách. Xin cũng hiệp ý cầu nguyện cho linh hồn Gioan Baotixita là thân phụ của linh mục G.B Huân đang làm việc truyền giáo ở Paraguay trong lễ an táng vào sáng thứ Hai ngày 7 tháng 4 được hưởng phúc Thiên Đàng trong Nước Chúa.

Paraguay, 6/4/2014 – Chúa Nhật V Mùa Chay A

Lm. Antôn Trần Xuân Sang, SVD.