Wednesday, September 30, 2020

 Việt Nam- Tản Mạn Giữa Cơn Đại Dịch

 

Sau hai lần giãn cách xã hội do đại dịch Covid-19, cuộc sống ở Việt Nam bị trầm hẳn lại. Nhiều gia đình trước đây khá giả do cho thuê, mướn mặt bằng nay bỗng dưng bị mất thu nhập. Một số công ly, xí nghiệp lớn khai báo thua lỗ nặng vì có cung mà không có cầu.


Nha Trang là một thành phố du lịch nhưng lại vắng khách đến lạ thường. Người ta chỉ lo ngày hai bữa là may mắn lắm rồi chứ còn thời giờ và tiền bạc đâu nữa mà nghĩ đến chuyện vui thú điền viên. Nhìn những người dân khốn khổ từ nông thôn đến thành thì mà cảm thấy chạnh lòng nhưng lực bất tòng tâm. Những chi tiêu trong Dòng cũng phải bớt xén lại vì không còn nguồn thu như trước. Cơn đại dịch thế kỷ đã làm ngưng trệ tất cả những dự tính, kế hoạch được lên kỹ lưỡng, giờ phải trì hoãn hay thay đổi hoàn toàn. Ý định con người hoàn toàn trái ngược với kế hoạch của Thượng Đế.


Giãn cách lần thứ hai dù không làm cho mọi người lo sợ như lần đầu, mọi người đều dè dặt trong mọi sinh hoạt và bởi thế cuộc sống cũng chậm lại. Sau hơn một tháng giãn cách lần thứ hai, mọi người vẫn còn ngại ngùng và e dè trước những sinh hoạt thường ngày dù đã được chính quyền và giáo quyền có lệnh tháo gỡ và bình thường hóa trở lại. Người đi nhà thờ vẫn còn có thói quen ngồi xa nhau, đeo khẩu trang và thậm chí thích ngồi ở ngoài hơn trong nhà thờ do thời tiết lúc này vẫn còn nóng. Nhiều cha xứ lại phải một lần nữa nhắc nhở mọi người vào nhà thờ để tham dự vì nhiều giáo xứ sau giãn cách đã giảm số người đi lễ thấy rõ. Nhiều người vẫn còn lo sợ và số khác trở nên biếng nhác vì lâu ngày “được” ở nhà hợp pháp sau những ngày dịch.

Từ ngày về làm việc Nha Trang giữa cơn đại dịch, chính bản thân chúng tôi cũng không mấy hứng thú chuyện đi ra ngoài ngoại trừ có chuyện rất cần mới đi. Thỉnh thoàng cũng có vài đoàn khách đến thăm xã giao nhưng không ở lại vì còn ngại Covid. Chúng tôi cũng có dịp đi thăm vị cha chung của giáo phận để tỏ tình liên đới. Đại dịch Covid-19 đã làm xáo trộn nhiều điều. Quả thực con virus nhỏ bé này đáng sợ thật vì nó đã ngăn cách mọi người và làm cho mọi người có thể nghi kỵ nhau nếu lỡ ai đó bị nhiễm bệnh. Những ngày giãn cách cũng là dịp để chúng tôi có thời giờ đọc sách và dịch thuật những bài viết hay từ những quyển sách hay mà lâu nay chưa đụng đến. Chúng tôi cũng có thời gian vào buổi tối để giúp dạy giáo lý dự tòng và hôn nhân cho những cặp đôi muốn xây dựng gia đình sau những ngày dịch.

Tuy nhiên, cũng vì ngại đi lại mà bản thân chúng tôi cũng làm được rất nhiều việc trong thời Covid và đời sống nội tâm cũng có phần thăng tiến hơn vì nhiều năm ở nước ngoài ít có thời giờ ngồi bên thánh thể và ngày ngày đọc kinh thần vụ chung với cộng đoàn. Nếu có chăng cũng chỉ làm theo bổn phận và cầu nguyện cá nhân vì ở vùng truyền giáo đâu còn nhiều thời giờ cho Chúa và thiếu vắng đời sống cộng đoàn.

Sống cộng đoàn có nhiều cái hay vì người này bổ sung cho người kia và nếu chuyện gì xảy ra thì có cộng đoàn cùng nhau gánh vác. Tuy nhiên, đời sống cộng đoàn cũng lắm lúc làm chúng ta cảm thấy thất vọng khi đứng trên cương vị của người phụ trách vì mỗi người là một cá vị độc lập với tính cách hoàn toàn khác nhau và ai cũng nghĩ rằng mình đã được huấn luyện kỹ càng, đã từng làm việc ở nơi này, nơi khác với một số thành công nhất định. Có những lúc cảm thấy bất an vì một thành viên trong cộng đoàn luôn ‘làm phép lạ’ mỗi ngày và không bao giờ biết nhận mình làm sai. Những lúc ấy bản thân thật sự khó chịu nhưng phải luôn giữ bình tĩnh vì chỉ một phút nóng giận sẽ làm hư mọi chuyện. Ba tháng trôi qua trên cương vị đứng đầu cộng đoàn nhưng không có ngày nào ngủ yên vì những chuyện không đâu cứ xảy đến đều xuất phát từ người anh em đó. Người ta cứ lầm tưởng hễ trở thành người của Chúa là thánh thiện, là không mắc sai lầm nhưng ai có ngờ đâu rằng người thánh hiến cũng chỉ là những con người mỏng giòn với những yếu đuối và sai lầm mỗi ngày. Có những người biết mình làm sai và tự khắc phục hay khi bề trên nhắc nhở học nhận ra và thay đổi. Tuy nhiên, cũng có những người rất cố chấp dù làm chuyện gì cũng mang tai tiếng nhưng khi được nhắc nhở lại phùng mang trợn mắt chống chế để khỏa lấp những lỗi lầm của mình và còn lập bè, lập phái để đả phá bề trên và người có trách nhiệm để chứng mình mình vô tội và vô tình đỗ lỗi cho những người có trách nhiệm và gây chia rẽ trong cộng đoàn. Những việc làm như thế dễ dẫn đến những xáo trộn trong cộng đoàn và người này đi đâu cũng là nỗi sợ cho những người phụ trách cộng đoàn nếu phải đón nhận.

Sau những ngày giãn cách chúng tôi cũng tham dự một số lễ an táng của một số tu sĩ của giáo phận qua đời khi tuổi đời vừa ngoài 60. Nghe tiểu sử về đời sống thánh thiện và công việc của những vị tu sĩ ấy thật đáng ngưỡng mộ nhưng phải ra đi vì căn bệnh quái ác ung thư và để lại nhiều luyến tiếc, nhớ thương của những người còn sống. Dẫu biết rằng cuộc sống con người rồi cũng sẽ đến ngày phải kết thúc nhưng nhiều cái chết oan uổng của những người tài đức luôn để lại những khoảng trống khó có thể lấp đầy trong khi những người lẽ ra phải chết lại sống và làm khổ người khác.


Người ta thường nói, với người tu sĩ thì ngoài ba lời khấn Dòng còn có đời sống cộng đoàn để giữ vững đời tu, và chính đời sống cộng đoàn mới làm nên đời tu sĩ. Bởi thế, đời sống tu Dòng dù đôi lúc cũng te tua lắm vì mỗi thành viên đều có tính khí khác nhau nhưng phải chấp nhận nhau và phải cố gắng sống sao cho trọn chữ tình để không làm gương mù cho người khác vì đã đi tu rồi mà cứ giành thắng thua thì ở ngoài đời hay hơn. Không biết sao từ ngày trở về Việt Nam bản thân chúng tôi thấy mình đằm tính hơn, có sức chịu đựng lạ thường trước những chuyện không hay xảy ra trong cộng đoàn và với bản thân. Không biết là do trách nhiệm của người đứng đầu cộng đoàn nên mình phải xử sự như thế hay là do những năm sống ở nước ngoài làm cho mình chững chạc lại! Cuộc sống cộng đoàn đa quốc gia ở hải ngoại với sự phong phú và chuyên nghiệp nên bản thân dễ thích ứng trong khi tại quê hương mình đôi lúc làm mình bỡ ngỡ. Chính Chúa Giêsu đã từng nói: ‘ngôn sứ có bị rẻ rúng thì cũng chỉ là  ở chính quê hương mình’ (Xc. Mt 13,57). Bản thân luôn tự hứa với lòng mình là sẽ cố gắng hết sức để cống hiến đời mình cho Hội Dòng, cho tha nhân đến khi hơi tàn sức kiệt dù đôi lúc gặp những cảnh tréo ngoe xảy ra với mình.

Hôm nay cộng đoàn Nhà Chính chúng tôi cử hành lễ giỗ đầu cho người anh em Đaminh Đặng Trung Hiếu qua đời khi còn quá trẻ. Gia đình và bạn bè của người anh em này cũng sắp xếp đến tham dự và thăm viếng ngôi một ở nghĩa trang hãy còn mới. Người anh em này chúng tôi cũng từng được biết trong chuyến về thăm quê hương lần thứ hai khi em còn là thầy giúp xứ ở miền truyền giáo tây nguyên, rồi sau đó chịu chức linh mục và được gởi đi PNG để nhận sứ vụ truyền giáo đầu tiên. Do thời tiết khắc nghiệt và không thích nghi với môi trường ở đó nên người anh em này đã trở lại Việt Nam làm việc rồi lâm bệnh và qua đời khi tuổi đời mới 43. Năm ngoái khi nhận được tin người anh em qua đời chúng tôi hơi bất ngờ vì còn nhớ ngày thân phụ tôi mất người anh em ấy cũng sốt sắng đến đồng tế cầu nguyện. Quan sát thấy thân mẫu và gia đình của người anh em tham dự lễ giỗ đầu của con em mình với những giọt lệ rưng rưng khiến mình cũng mủi lòng và nhớ đến người mẹ thân yêu dù mẹ đã ra đi cách đây gần 8 năm. Nhiều người có những kỷ niệm đẹp với người anh em này. Lễ giỗ là dịp để chúng ta tiếp tục cầu nguyện cho người anh em vắn số, và nhân dịp này chúng ta phải ghi nhớ và luôn suy niệm Lời Chúa: “Các con hãy sẵn sàng vì không biết giờ nào, ngày nào Con Người sẽ đến” (Mt 24,44).

      Nha Trang, ngày 28 tháng 09 năm 2020

Lễ giỗ đầu của cha Đaminh Trung Hiếu, SVD

Lm. Antôn Trần Xuân Sang, SVD.