Friday, February 27, 2015

PARAGUAY – SỰ NGHIỆP TRỒNG NGƯỜI


 Hướng về đất Mẹ

            Trung tuần tháng Hai Dương lịch năm nay lại trùng vào những ngày cuối năm Âm lịch ở Việt Nam nên trong lòng cũng thấy bồn chồn hướng về đất Mẹ trong dịp Tết Nguyên Đán Ất Mùi. Trên Facebook hiện lên hàng ngày các hình ảnh vui buồn lẫn lộn của người dân Việt đón Tết. Tai nạn giao thông ở đất Mẹ Việt Nam vào những dịp lễ hội và Tết cổ truyền luôn là nỗi ám ảnh cho bao người con dân Việt. Nhìn những cảnh tượng đau lòng ấy mà thấy thương cho đồng bào, quê hương mình.

Đã nhiều năm rồi không được ăn Tết ở quê hương nên dần dần cũng phai đi nỗi nhung nhớ. Tuy nhiên Tết Ất Mùi 2015 năm nay là cái Tết thứ 3 không còn Mẹ để gọi điện thăm hỏi, tỉ tê. Có nhiều người hỏi sao đã là linh mục rồi mà còn quá ủy mị, chưa dứt được tình cảm gia đình, người thân để theo Chúa trọn vẹn như lời Chúa dạy : “Ai đã tra tay cầm cầy mà còn ngoái lại đàng sau,thì không thích hợp với Nước Thiên Chúa”. (Lc 9,62).Có lẽ mình không thích hợp thật theo nghĩa đen này, nhưng đã là người thì sao lại dễ quên đi cội nguồn, quê hương mình và Chúa đâu có hẹp hòi, ích kỷ khi chúng ta yêu mến người thân mình, nhất là cha mẹ và quê hương.

 Sự nghiệp trồng người

Từ đầu tháng Hai tới giờ chúng tôi đã nhận bài sai mới để làm việc trực tiếp với một trường học tư thục Công giáo của Dòng đã có hơn 50 năm qua. Đây là trường học mà năm ngoái chúng tôi đã được Nhà Dòng ủy thác làm Hiệu trưởng trong 3 tháng khi vị Hiệu trưởng người Ba Lan đương nhiệm lúc ấy nghỉ phép ở quê hương trong dịp 25 năm linh mục của ngài. Có lẽ cuộc đời của chúng tôi gắn liền với sự nghiệp trồng người dù là một tu sĩ truyền giáo. Tất cả đều là sự quan phòng của Chúa và vì là tu sĩ nên chúng tôi phải vâng phục trong đối thoại. Nghỉ tưởng đến Paraguay để truyền giáo và sẽ được giao một vùng xa xôi để đồng hành với dân lành, nhưng chỉ được vài năm ở đó thì Nhà Dòng lại gọi về làm việc trong ngành huấn luyện và đào tạo ơn gọi truyền giáo cho các tu sĩ đa văn hóa. Rồi sau 6 năm làm việc trong Chủng viện truyền giáo, chúng tôi đã xin Nhà Dòng ban cho một ân huệ để trở về với các giáo điểm truyền giáo xa xôi ngày xưa, nhưng Nhà Dòng lại thuyết phục làm việc ở môi trường giáo dục thực thụ tại thủ đô Asuncion với gần 100 giáo viên và 1.500 học sinh cùng với những nhân viên tạp vụ khác.
Các trường học Việt Nam thường bắt đầu vào tháng Chín, tuy nhiên, ở Nam Mỹ, trường học bắt đầu vào tháng Hai sau gần 3 tháng hè nóng bức. Các trường tư thục thường bắt đầu sớm hơn các trường công lập của nhà nước khoảng hai tuần. Đứng ở cương vị là người chịu trách nhiệm chính cả về chuyên môn học thuật lẫn mục vụ tâm linh ở một trường tư thục Công giáo có tầm cỡ ở Paraguay này, chúng tôi mới thấy được giá trị và tầm quan trọng của giáo dục không chỉ đào tạo về tri thức mà còn về tri đức nữa. Chính vì thế, ở bên này các trường công lập do nhà nước đài thọ miễn phí từ mầm non đến hết trung học nhưng những gia đình từ trung lưu trở lên đều gởi con cái của họ học ở các trường tư thục Công giáo dù phải đóng học phí khá đắt đỏ tùy theo cơ sở vật chất và uy tín của từng trường, nhưng cha mẹ cảm thấy an tâm hơn vì con cái họ trưởng thành về nhân cách lẫn tri thức để chuẩn bị hành trang cho tương lai của con cái họ khi học ở các trường tư thục.
Trong những ngày đầu nhận nhiệm vụ mới, chúng tôi phải đối diện với đủ mọi thành phần trong trường học tư thục này để giải quyết những vấn đề về học phí, về nhân sự mới, về những giáo viên và nhân viên đã đến tuổi hưu trí… Dĩ nhiên là có nhiều điều tích cực nhưng điều tiêu cực cũng không phải ít. Có những điều chính mình phải quyết định dẫu biết rằng liền sau đó sẽ kèm theo những lời chỉ trích, nói xấu. Làm sao có thể làm hài lòng hết tất cả mọi người được khi là người phải ra quyết định một điều hệ trọng.
Trường học quả là một xã hội thu nhỏ vì trong đó có đủ mọi thành phần nên cũng là một thách đố cho đời sống linh mục. Một người bạn không Công giáo đang làm việc ở một công ty nhà nước tại Sài Gòn có thắc mắc với chúng tôi là tại sao linh mục lại có thể làm Hiệu trưởng một trường học, liệu rằng chuyện ấy có ảnh hưởng đến đời tu hay không? Có lẽ người bạn này sinh sau đẻ muộn và không hiểu nhiều về các trường học tư thục của miền Nam Việt Nam trước năm 1975 nên nêu lên thắc mắc này là có lý. Chúng tôi đã giải thích cho cô ấy biết người đi tu không chỉ chúi đầu đọc kinh, tụng niệm và không biết gì chuyện nhân tình thế thái. Những người tu trì còn phải biết dấn thân trong mọi lĩnh vực xã hội, nhất là thăng tiến quyền con người. Họ tuy sống giữa đời nhưng không thuộc về đời và nhiệm vụ của họ là làm cho môi trường họ đang sinh sống ngày càng thăng hoa theo tất cả ý nghĩa của nó. Tuy nhiên, người đi tu khi làm việc trong ngành giáo dục cần phải tỉnh táo nhiều vì biết bao cạm bẫy, cám dỗ đang chờ phía trước và không biết khi nào sẽ bị sập bẫy khi xã hội ngày nay từng giây phút mọi thứ đều được bạch hóa trên không gian mạng Internet.
Ngoài việc ở trường học, Nhà Dòng cũng bổ nhiệm chúng tôi làm Phó xứ của một giáo xứ bên cạnh trường để liên kết giữa trường học và giáo xứ. Đây cũng là đường hướng mục vụ của Nhà Dòng vì ở Paraguay, Nhà Dòng chúng tôi có 5 trường tư thục ở các thành phố khác nhau và các anh em linh mục làm việc ở trường học thường phải kiêm nhiệm thêm chức Phó xứ. Công việc khá căng thẳng ở trường học từ thứ Hai đến thứ Sáu và cuối tuần lại tiếp tục bên giáo xứ khiến nhiều lúc cũng khá ngán ngẫm và đôi chút càm ràm vì sao mình không có giờ nghỉ ngơi như nhiều người khác- nhưng khi suy niệm chương V của Tin Mừng Gio-an cho ngày Mồng 3 Tết về Thánh Hóa công ăn việc làm giúp chúng tôi bình tâm hơn: “Cho đến nay, Cha tôi vẫn làm việc, thì tôi cũng làm việc” (Xc. Ga 5,17).
Một trong những khó khăn mà chúng tôi gặp phải trong trường học là một số giáo viên có trình độ chuyên môn cao nhưng lại có khuynh hướng “bài giáo sĩ” vì có thành kiến với một số bậc tu trì trước đây, và bây giờ luôn nghĩ rằng người tu sĩ nào cũng y như thế. Chúng tôi luôn cố gắng dung hòa và tìm những phương thế tốt nhất để đối thoại nhằm giải tỏa những thành kiến cố hữu trong họ. Có một vài giáo viên thâm niên từng giảng dạy ở đây cũng muốn thử tài quản lý của chúng tôi thế nào hòng xem có thể qua mặt hay bắt nạt được không vì tưởng chúng tôi là người mới thiếu kinh nghiệm, nhưng có lẽ họ không thành công. Thật sự môi trường nào cũng có lính cũ bắt nạt lính mới nhưng không phải lúc nào các lính cũ cũng thắng thế nếu các lính mới không phải là những người dễ bắt nạt.
Thông tin vừa nhận được từ Bộ Ngoại Giao và Hội Đồng Giám Mục Paraguay về chuyến thăm mục vụ của Đức Thánh Cha Phan-xi-cô vào trung tuần tháng Bảy tới đây khiến người dân của xứ sở Nam Mỹ nhỏ bé này nức lòng mong đợi. Một quốc gia chỉ có 7 triệu dân thôi (thua dân số thành phố Sài Gòn của Việt nam mình) mà được hân hạnh nhiều lần đón tiếp các vị Đại Diện Chúa Ki-tô ở trần gian nhứ Đức Gio-an Phao-lô II năm 1988 và bây giờ là Đức Phan-xi-cô thì còn gì vui hơn nữa. Trong khi đó, nước Việt Nam chúng ta có một lịch sử lâu đời, với một dân số tầm cỡ thế giới, một nét đạo truyền thống gần 5 thế kỷ mà cũng chỉ vì thiếu đi tính dân chủ và tự do tôn giáo nên người Công giáo Việt Nam chưa được diễm phúc tiếp đón vị Đại Diện Chúa Ki-tô ở trần gian là các Vị Giáo Hoàng để hâm nóng niềm tin đang bị mai một giữa một thế giới tục hóa và vô thần.       
Những ngày Xuân Ất Mùi 2015 nơi Đất Mẹ đã qua đi nhanh chóng và những người con ở xa về thăm gia đình nay phải trở lại với công việc hay học hành tiếp tục là nỗi trăn trở về chuyện giao thông đi lại và các tai nạn khó lường. Không hiểu sao ở Việt nam mình những dịp lễ hội hay Tết nhất xe cộ và mọi thứ đều tăng giá! Ở các nước mà chúng tôi từng đi qua hay quốc gia nhỏ bé và hơi lạc hậu như Paraguay nơi chúng tôi đang sinh sống này, chính quyền luôn đảm bảo tất cả mọi ngày trong năm dù lễ lạc hay ngày thường giá cả đều như nhau, thậm chí những ngày lễ hội giá cả lại rẻ hơn để khuyến khích người tiêu dùng. Ước mong năm 2015 này những nhà cầm quyền ở Đất Mẹ Việt Nam thân yêu và được xem là “đầy tở của nhân dân” biết quan tâm đến người dân để họ bớt khổ, và những lời cầu chúc hay nhất trong những ngày Tết như Năm Mới An Lành, Chúc Tết đến trăm điều như ý; Mừng xuân sang vạn sự thành công… sẽ trở thành sự thật đế nước Việt Nam mình ngày càng giàu mạnh và sống trong an bình cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.
          Paraguay, 26 tháng 02 năm 2015

Lm. Antôn Trần Xuân Sang, SVD.