Wednesday, August 31, 2011

TẢN MẠN NHỮNG NGÀY ĐẦU NĂM DƯƠNG LỊCH 2010

Tản mạn qua các sự kiện vừa xảy r

        Thế giới đã hân hoan chào đón năm 2010 với những hy vọng và viễn tượng tốt đẹp cho một thập niên mới vì thập niên cũ đã có những điều xảy ra vô cùng bi thảm qua vụ khủng bố kinh hoàng ngày 11 tháng 9 năm 2001 ở Mỹ chẳng hạn, hoặc vụ Sóng Thần sau dịp lễ Giáng Sinh vào năm 2005 ở châu Á đã khiến biết bao người bỏ mạng và các danh lam thắng cảnh xát xơ. Người ta cầu chúc nhau một năm mới 2010 hạnh phúc, an bình, một thập niên mới tràn đầy tình thương, hy vọng và may mắn.
Tuy nhiên, nếu chúng ta theo dõi trên các trang mạng điện tử và thời sự thế giới lẫn trong nước, chỉ trong 26 ngày đầu tiên của tháng 1 năm 2010 đã xảy ra biết bao nhiêu chuyện thương tâm mà quả thực chẳng ai muốn nó xảy ra. Có lẽ sự kiện đau lòng nhất là cơn động đất mạnh hơn 7 độ địa chấn diễn ra tại thủ đô Puerto Principe (Cảng Hoàng Tử) của nước Haiti, một trong những quốc gia nghèo nhất vùng châu Mỹ xảy ra chỉ trong vài giờ ngày 12 tháng 1 năm 2010, đã biến thủ đô này thành là một đống tro tàn. Người ta ước tính có gần 200 ngàn người thiệt mạng, gần 1 triệu người đang sống trong cảnh màn trời, chiếu đất và phải mất nhiều năm nữa mới có thể tái thiết lại thủ đô này. Tôi theo dõi đài CNN thì tường thuật trực tiếp cảnh tượng sau động đất mới thấy được sự kinh khủng và tang thương ở quốc gia nghèo khổ này. Nhiều toán tình nguyện của các quốc gia vùng châu Mỹ và các châu lục khác đã tức tốc được gởi đến trợ giúp. Paraguay, dù là một nước chẳng khá giả gì cũng đã gởi đến những người thiện nguyện cùng với lương thực và tài chính để giúp đỡ những người sống sót. Trong hoàn cảnh bi thương đó, người ta mới nhận ra sự yếu đuối, nhỏ nhoi của con người trước thiên nhiên bao la, hùng vĩ. Và cũng chính trong hoàn cảnh bi thảm này người ta mới nhận ra được tình tương thân tương ái của các quốc gia mà lâu nay chúng ta cứ chửi bới nào là bọn thực dân, là bọn đế quốc. Trong khi xem Ti-vi cảnh chiếu sự đổ nát của tòa giám mục và nhà thờ chính tòa ở Haiti, tôi thấy có một vật vẫn còn đứng hiên ngang giữa đống đỗ nát đó : Cây Thánh Giá, biểu tượng độc nhất của những người tin Chúa. Dù thiên tai kinh hoàng xảy ra, người ta vẫn đứng lên cầu nguyện và tin tưởng vào Chúa. Những người dân Haiti ở hải ngoại tham dự thánh lễ và cầu nguyện sốt sắng dù nhiều người thân của họ hiện chưa tìm được tông tích sau thiên tai ấy. Tôi cũng thấy những phụ nữ dù vẫn đang khóc nhưng lại hát vang lên những bài hát ca tụng Thiên Chúa. Quả thực lòng tin của con người vào Thượng Đế tại các quốc gia châu Mỹ là một điều đáng để chúng ta ngẫm nghĩ. Tôi muốn quay lại chuyện ở Paraguay trong những ngày đầu của năm mới 2010 và đó cũng là đề tài mà những ngày Chúa nhật vừa qua tôi đã chia sẻ trong thánh lễ nhằm hâm nóng niềm tin của người Paraguay.
Ngày 19 tháng 1 vừa qua người dân Paraguay rất vui mừng khi một chủ doanh trại rất giàu có và tốt lành được trả tự do sau 94 ngày bị bắt cóc. Bọn bắt cóc đòi tiền chuộc lên đến 5 triệu Đôla Mỹ nhằm thách thức chính quyền và gia đình của chủ doanh nhân. Chính phủ đã gởi những đội đặc nhiệm thiện nghệ nhất để giải cứu con tin nhưng không có một dấu hiệu khả quan nào. Bọn bắt cóc đã yêu cầu gia đình nạn nhân trả tiền nếu không sẽ giết con tin và hình như gia đình nạn nhân đã trả trước gần 1 triệu Đôla mà vẫn không nhận được kết quả. Đâu đâu cũng thấy treo những băng-rôn đòi trả tự do cho chủ doanh trại này. Ngay cả Hội Đồng Giám mục Paraguay cũng lên tiếng đòi bọn bắt cóc trả con tin và làm tuần cửu nhật để cầu nguyện cho người chủ doanh trại tốt lành này. Rồi mọi sự cũng kết thúc có hậu, sau 94 ngày bị bắt cóc, nhà doanh nghiệp đã được trả tự do. Câu đầu tiên mà ông nói với báo chí là ông cảm tạ Chúa và Đức Trinh Nữa Maria đã luôn che chở và phù giúp ông trong hơn 3 tháng bị bắt cóc và bị đối xử tệ. Tuy nhiên nhờ ơn Chúa ông đã đã được cứu thoát. Một tuần sau đó, Paraguay lại rúng động khi nghe tin tiền đạo bóng đá nổi tiếng của mình là Salvador Cabañas bị bắn vào đầu tại một quán Bar ở Mexico. Như chúng ta cũng biết Paraguay là một quốc gia rất rất hâm mộ bóng đá. Dù là một nước nghèo, dân số của họ chỉ hơn 6 triệu người nhưng trình độ bóng đá ở trong khu vực và trên thế giới không hề thua kém ai. Cụ thể là nhiều lần họ đánh bại hai kình địch thủ bóng đá Argentina và Brazil trên cả sân khách lẫn dân nhà. Vì thế, người dân vừa mừng vì nhà doanh nghiệp bị bắt cóc vừa được trả tự do thì nay lại nghe tin buồn vì cầu thủ Salvador Cabañas là niềm hy vọng của họ trong vòng chung kết Mundia ở Nam Phi sắp tới gặp đại nạn. Từ già đến trẻ đều bán tán xôn sao và bắt đầu cầu nguyện cho cầu thủ này. Các bác sĩ nói rằng chỉ có phép lạ mới có thể cứu được Salvador Cabañas. Lần đầu tiên người ta chứng kiến các cổ động viên, cầu thủ, các huấn luyện viên và những người không có tôn giáo tập họp tại sân vận động quốc tế Defensores de Chaco ở thủ đô Paraguay để cầu nguyện cho cầu thủ con cưng của họ được tại qua nạn khỏi. Và phép lạ đã xảy ra. Cuộc giải phẩu hơn 7 tiếng đồng hồ đã thành công và hiện giờ cầu thủ này đã bắt đầu đòi ăn thịt nướng (món ăn truyền thống của Paraguay với củ mì). Câu đầu tiên mà mọi người cất lên là tạ ơn Chúa và Mẹ Maria. Tôi đã từng chia sẻ rằng dân châu Mỹ Latin nói chúng và người dân Paraguay nói riêng phần đông là đạo Công giáo nhưng ít khi họ thực hành nghĩa vụ tôn giáo của họ. Có thể nói hơi quá nhưng đa số người dân Paraguay chỉ thực thi nghĩa vụ tôn giáo và các dịp đại lễ hay khi con cái họ được nhận lãnh các bí tích. Chính vì thế, qua những sự kiện này tôi muốn chia sẻ để mọi người biết rằng Chúa luôn hiện hữu và Ngài luôn lắng nghe chúng ta. Tôi đã chia sẻ với người dân Paraguay điều đó và họ rất đồng tình với tôi điểm này.

 Kỷ niệm 100 sự hiện diện của Dòng Ngôi Lời tại Paraguay

        Cũng trong những ngày cuối tháng 1 năm 2010, nhà Dòng chúng tôi tổ chức lễ kỷ niệm 100 năm hiện diện và hoạt động truyền giáo tại Paraguay. Nếu chỉ nói về con số thì số 100 chẳng là gì cả nhưng kỳ thực khi đi sâu vào lịch sử của công cuộc truyền giáo tại các quốc gia châu Mỹ La-tinh nói chung và của Paraguay nói riêng thì sự hiện diện và hoạt động của các nhà truyền giáo Dòng Ngôi Lời trong 100 năm qua quả thực là một công trình kỳ diệu của Chúa thực hiện qua những con người tầm thường.
Cứ ngẫm nghĩ lại mà xem ngày nay nếu các vị bề trên sai các linh mục hay tu sĩ nam nữ đến một giáo điểm hay một giáo xứ hơi bị nghèo một tý là họ la ầm lên. Hình như chúng ta đang sống trong một thế giới hưởng thụ nên phần nào các linh mục và tu sĩ nam nữ cũng bị ảnh hưởng và cuốn theo trào lưu thế tục đó. Chính bản thân tôi trước đây cũng thường hay phàn nàn các bề trên khi đưa mình đến những nơi mà mình không muốn vì nơi ấy có nhiều khó khăn. Có lẽ tôi và một số linh mục tu sĩ trẻ bây giờ thích tiến thân hơn là hiến thân. Tuy nhiên khi dần dần nghiệm ra những nét đẹp mà vị Thầy Chí Thánh của mình đã bước đi, cộng với sự cọ sát trong công việc truyền giáo qua các gương hy sinh của các bậc cha anh trong Dòng, tôi bắt đầu có một cái nhìn khác. Các bậc cha anh trong lĩnh vực truyền giáo đã sẵn sang từ bỏ những vinh quang nên trần thế để đến những nơi nghèo nàn, lạc hậu với văn hóa, ngôn ngữ, phong tục tập quán hoàn toàn khác với mình và nhiều khi còn bị hiểu lầm, bị bắt bớ, thậm chí bị giết chết nữa. Có ai mà khờ dại đến nỗi tự chôn vùi đời sống vinh hoa phú quí của mình nếu không vì mục đích cao cả nào đó. Trở lại ngày chính lễ. Tất cả anh em Dòng truyền giáo Ngôi Lời chúng tôi đang làm việc ở Paraguay đều được thông báo ngày giờ cử hành lễ Bách Chu Niên sự hiện của của Dòng tại Paraguay. Nơi cử hành thánh lễ là nơi mà cách đây đúng 100 năm, 3 nhà truyền giáo đầu tiên của Dòng đặt chân đến. Đó là một nơi khỉ ho cò gáy nằm sâu trong sườn núi cách quốc lộ khoảng 40 cây số và bên cạnh một dòng suối róc rách, nơi mà hiện giờ những người thổ dân vẫn còn bám trụ. 40 cây số đường rừng không phải là dễ đi tý nào. Một số nhà truyền giáo ở xa phải đi từ ngày hôm trước. Tôi thì phải đi từ lúc 4 giờ sáng và đến nơi thì gần đến giờ lễ. Dù đường xá xa xôi, gập gềnh nhưng các tu sĩ từ khắp các nơi vẫn tề tựu đông đủ. Vị giám mục sở tại cũng đến đồng tế nhưng ngài khiêm tốn nhường quyền chủ tế cho vị bề trên của Dòng. Các vị giám mục ở đây không hề câu nệ về hình thức vì chính đa số các vị từng là các bề trên của các Dòng nên khi nhận chức vị cao hơn không phải là để được phục vụ như là để phục vụ như Chúa Giêsu đã từng nói. Trước khi thánh lễ bắt đầu, đoàn đồng tế chúng tôi cùng các giáo dân tham dự đã nhận phép lành của những người thổ dân theo phong tục của họ, và vị linh mục đang làm việc với những người thổ dân mời gọi các nhà truyền giáo hãy tôn trọng văn hóa của thổ dân, đừng cho rằng mình đến từ các nước văn minh rồi dung uy thế và quyền lực của mình để lấn áp hay phá bỏ văn hóa của người khác. Thánh lễ đã diễn ra trong bầu khí ấm cúng, huynh đệ và mọi người cùng cầu chúc nhau một viễn tượng tốt đẹp hơn cho công cuộc truyền giáo, và cho sự phát triển của Tỉnh Dòng trong tương lai. Sau 100 năm hiện diện và làm việc ở Paraguay, Tỉnh Dòng Ngôi Lời đã xin Tòa Thánh thiếp lập được 3 giáo phận, 78 nhà truyền giáo Ngôi Lời thuộc nhiều quốc gia đang làm việc tại Paraguay, trong đó các anh em truyền giáo Ngôi Lời người Ba-lan và Indonesia hiện chiếm đa số. Số anh em Việt Nam là 3 thành viên. Chỉ còn 4 ngày nữa là bước qua năm Canh Dần. Sáng hôm nay tôi nhận được tin buồn từ gia đình ở Việt Nam là ba tôi được đưa đi cấp cứu ở bệnh viện. Ôi! Sao mà nhiều thánh giá đến với con quá Chúa ơi. Vẫn biết rằng đời người phải trải qua Sinh-Lão-Bệnh-Tử, nhưng khi con nghe tin những người thân yêu của con có những điều bất trắc, con thật sự đau buồn. Xin Chúa ban cho ba con được chóng hồi phục để ngày con trở về thăm quê hương được gặp lại những gương mặt thân thương của cả ba má và các anh chị em con trong nhiều năm xa cách. Một ước nguyện nhỏ nhoi như vậy xin Chúa hãy đoái thương. Xin mọi người cùng hiệp thông cầu nguyện cho gia đình con trong hoàn cảnh éo le này. Nhân đây, con cũng cầu chúc mọi người đón Tết Canh Dần vui vẻ, bình an, hạnh phúc và tràn đầy ơn Chúa. 

 Paraguay, ngày 9 tháng 2 năm 2010 (26 tháng chạp năm Kỷ Sửu),

PARAGUAY – TẢN MẠN MÙA NOEL 2009

 Một thánh lễ tạ ơn 

 Trong những ngày trước lễ Giáng sinh, tôi tham dự một thánh lễ đồng tế tạ ơn 50 năm linh mục của một cha trong Dòng. Thánh lễ diễn ra thật long trọng và sốt sắng với sự hiện diện của 3 vị giám mục,45 linh mục đồng tế cùng nhiều nam nữ tu sĩ các Dòng và giáo dân trong và ngoài giáo phận tham dự. Vị linh mục này là người Tây Ban Nha và từ khi lãnh tác vụ linh mục, ngài được sai đến vùng truyền giáo Paraguay với các vị thừa sai khác để củng cố tỉnh Dòng non trẻ gồm hai quốc gia Paraguay và Bolivia. Ngài đã từng ngược xuôi lên vùng núi cao của thủ đô La Paz của Bolivia rồi về vùng sa mạc khô cằn Chaco của Paraguay. Ngài cũng là một trong những người khởi xướng để một giáo phận rộng lớn của Paraguay được thành lập và trong cái ngày kỷ niệm 50 linh mục này, ngài đã xin Đức Giám Mục cho ngài được nghỉ chức Tổng Đại Diện sau nhiều năm ngài đảm nhiệm. Ai mà không thích được làm lớn và khi làm lớn rồi thì muốn củng cố cái ghế của mình và ngồi cho nó mòn, nó gãy rồi mới thay. Thường thì khi giám mục chính toà nghỉ hưu hay bổ nhiệm một tân tổng đại diện thì vị tổng đại diện đương nhiệm mới “về vườn”, đằng này khi vị linh mục này vừa mới sinh nhật 75 cái xuân sanh, 50 năm linh mục và còn nhiều năng lực để quản lý thì lại xin nghỉ hưu để cho lớp đàn em lên thay. Đó cũng là một cái hay mà tôi nhận thấy ở vị linh mục khả kính cùng Dòng này. Trong bài giảng thánh lễ tạ ơn, vị giám mục giáo phận, từng là chủ tịch hội đồng Giám mục Paraguay đã nói lên những tâm tình biết ơn và ghi nhận những đóng góp lớn lao của ngài cho giáo phận, cho đất nước Paraguay và cho Dòng Truyền Giáo Ngôi Lời. Cha Bề Trên của Dòng cùng những vị đại diện của các giáo xứ nơi vị linh mục này từng làm việc cũng nói lên tâm tình tri ân vì những việc tốt lành ngài đã làm và những hạt giống Lời Chúa ngài vãi gieo ngày nào nay đã đến hồi đơm hoa kết quả. Vị linh mục này cũng đã có những lời đáp từ thật khiêm tốn và cầu xin mọi người tiếp tục cầu nguyện cho ngài trong những ngày tháng kế tiếp để ngài có thể tận tâm làm việc như một nhà truyền giáo đơn sơ để đến với những mảnh đời đau khổ nhất và những người bị xã hội loại bỏ như đã được nói trong đoàn sủng của Dòng Ngôi Lời.

 Lại hai người nữa… giống như tôi 

 Trong dịp họp với các vị đào tại tại thủ đổ Asunción của Paraguay để lượng giá và bỏ phiếu cho các chủng sinh trước khi họ có kỳ hè cuối năm và chuẩn bị khấn Dòng, tôi tranh thủ thăm 2 anh em chủng sinh của Dòng Salêdiêng Don Bosco người Việt Nam vừa mới đến Paraguay để thực tập mục vụ và sẽ trở thành nhà truyền giáo tương lai tại đây.
Cũng chính nhờ truyền thông mà chúng tôi quen biết nhau. Trong khi 2 chủng sinh này đợi Visa đến Paraguay tại Rôma, họ có đọc những bài chia sẻ truyền giáo của tôi và đã liên lạc với tôi qua email để biết thêm tình hình của Paraguay. Chúng tôi đã liên lạc với nhau và như là một người anh đi trước, tôi đã chia sẻ với họ những điều mắt thấy tai nghe tại Paraguay để anh em khi đến đây khỏi bỡ ngỡ. Và khi 2 chủng sinh này đặt chân đến Paraguay thì tôi đã có dịp thăm và nói chuyện với họ. Cha Huân, vị linh mục truyền giáo đến với tôi cùng ngày, cùng tháng, cùng năm tại Paraguay đồng hành với tôi đến thăm 2 chủng sinh tại Tỉnh Dòng Don Bosco ở Asunción. Tiếp đón chúng tôi có cha Giám tỉnh và có cả vị giám mục Dòng Don Bosco vừa mới ghé thăm Dòng. Chúng tôi đã nói chuyện với nhau rất thân mật như những người đã quen biết từ lâu. Bởi thế, tình nghĩa đồng hương nơi xứ lạ quê người thật đậm đà thắm thiết. Quả thực mà nói anh em Dòng Salêdiêng Don Bosco rất có bề thế trên lĩnh vực quốc tế. Tôi còn nhớ vào năm 2006 khi tôi làm việc mục vụ với các bạn trẻ công nhân Việt Nam tại Malaysia qua lời mời của Đức Tổng Giám Mục giáo phận Kuala Lumpur, tôi cũng được nghe chính lời Đức Tổng Giám mục nói về sự hiện diện tích cực của anh em Salêdiêng tại đất nước có đông người Hồi giáo này. Bên Paraguay cũng có hai vị giám mục thuộc Dòng Don Bosco đang làm việc ở hai giáo phận cận miền Bắc. Dòng Ngôi Lời ở Paraguay cũng có một vị giám mục nhưng đã xin hồi tục và đang là đương kim tổng thống nhưng có vài vụ xì-căng-đan đáng tiếc. Tôi nói đùa với 2 chủng sinh Việt nam mới qua rằng, lại 2 người nữa… giống như tôi, nghĩa là các anh em “dại dột” đến nơi này để bắt đầu tập ăn củ mì và uống trà terere. Nhưng tôi trấn an anh em là đừng sợ gì cả vì luôn có Chúa hướng dẫn chúng ta. Tôi cũng đưa hai em mới này đến gặp gia đình chị Việt Nam đã sống bên đây gần 35 năm để nếu có buồn, anh em thăm viếng và nói tiếng Việt cho vui. Chúng tôi cùng nấu ăn, chia sẻ vài chuyện phiếm rồi ai về cộng đoàn nấy để chuẩn bị cho những ngày sắp đến.

 Mùa Noel 2009 ở Paraguay 

 Trong khi bên Bắc Mỹ (Hoa Kỳ, Canada) và các quốc gia Âu châu, Á châu khác thời tiết lúc này trở lạnh và thậm chí có bão tuyết, thì trái lại, bên các nước Nam Mỹ như Paraguay, Argentina và Brazil… thì lúc này là mùa hè và trời nóng không thể tưởng được. Có những buổi chiều tôi đi dâng lễ ở các giáo điểm mà mồ hôi ra như tắm nhưng không có lấy một cái quạt tay cho mát. Bởi thế mùa này người ta tụm năm, tụm bảy với những chiếc quần cộc và phơi trần bên các lùm cây có bóng mát để uống trà terere và tám chuyện.
Lễ Giáng sinh thật ra không phải là lễ lớn bên các nước Nam Mỹ vì mùa này rơi vào mùa hè nên cả con chiên và các mục tử tranh nhau đi nghỉ hè sau những ngày tháng học hành, làm việc mệt nhọc. Nói đúng hơn Lễ Giáng Sinh là lễ họp mặt của gia đình, đây là dịp để con cái và những người thân yêu tề tựu bên nhau sau những ngày xa cách giống như dịp Tết Nguyên Đán của người Việt. Vì thế, Hội Đồng Giám Mục Paraguay cho ấn hành những tập sách nhỏ để các tín hữu có thể cử hành Giánh Sinh tại các gia đình. Các linh mục cũng không mấy sốt sắng lắm trong việc ngồi toà hay khuyến khích giáo dân làm hang đá như thường thấy ở các giáo xứ Việt Nam trong những ngày này. Chỉ có một vài bà goá đạo đức kêu gọi các trẻ em để làm hang đá sống (Pesebre Viviente) và biểu diễn quanh các con đường làng hay xin linh mục biểu diễn ngay trong thánh lễ đêm vọng Giáng Sinh. Có lẽ vì tôi bị nhiễm quá nặng cách bài trí và tổ chức lễ lạc ở Việt Nam nên vào dịp này tôi kêu gọi giáo dân cùng nhau làm hang đá, kêu gọi giáo dân xưng tội và tôi cũng đi vận động những người từ lâu không biết đến nhà thờ là gì cùng tham dự các nghi thức. Tôi cũng đã lôi kéo được nhiều gia đình đã sống với nhau lâu năm mà chưa có phép đạo đời đi học giáo lý hôn nhân để sau lễ Giáng Sinh tôi sẽ hợp thức hoá hôn nhân cho họ. Ngồi chơi thì sướng, còn bày ra làm thì mệt nhưng bù lại là có được niềm vui. Trong những ngày này tôi tình cờ nghe đài RFA về hoàn cảnh ra đời nhạc phẩm Hang Bê-lem của cố nhạc sư Hải Linh do phóng viên Mặc Lâm thực hiện. Từ khi có trí khôn đến giờ tôi đã nghe bài thánh ca này và thích thú vô cùng nên từng nốt nhạc, từng lời ca tôi thuộc lòng lòng, và hôm nay nghe biết được lịch sử của bài hát cũng như thân thế của nhạc sĩ sáng tác tôi lại càng thích thú hơn. Phải nhìn nhận rằng người Việt Nam mình rất giỏi trong nhiều lãnh vực nếu có điều kiện phát triển. Dù tôi vẫn chưa quên được những tháng ngày Giáng sinh đẹp ở Việt Nam, tôi cũng bắt đầu quen dần với không khí Noel tẻ nhạt ở đây.

Đám cưới tập thể 

 Sau nhiều tuần lễ đồng hành với những người được gọi là Công giáo nhưng lại không sống như Công giáo tý nào vì đa số họ sống đời sống gia đình trên 15 năm mà chưa có 1 tờ giấy chứng nhận đạo đời là gì. Có những bà sồn sồn sống với người yêu khi mới 14 tuổi và bây giờ đã có cháu nội ngoại không biết xưng tội thế nào và khi hỏi ra mới biết được là chưa rửa tội dù con cháu bà đứa nào cũng đã xưng tội và rước lễ lần đầu. Các ông thì khi ngồi nói chuyện với tôi trước khi xưng tội nồng nặc mùi rượu và còn đùa giỡn nói với tôi rằng họ là người có dòng máu bán thổ dân nên việc họ sống với nhiều bà vợ là chuyện bình thường vì Paraguay rất cần dân số! Quả thực là như vậy vì trước đây trong cuộc chiến tranh biên giới với 3 nước láng giềng, đàn ông Paraguay đã chết quá nhiều nên kể từ đó đàn ông ở Paraguay trở nên quí hiếm và 1 ông có thể có đến nhiều bà để duy trì nòi giống. Cũng từ đó cho đến nay vẫn còn tư tưởng trọng nam khinh nữ như một số nước Á Đông, và vì thế tìm được ông chồng nào chung thuỷ như mò kim dưới đáy biển! không phải quơ đũa cả nắm vì ngay cả những anh em linh mục và tu sĩ người Paraguay có dòng máu thổ dân cũng rất khó tuân giữ lới khấn khiết tịnh so với các anh em Paraguay có dòng máu nước ngoài. Tôi cũng đau đầu khi phụ trách các chủng sinh người Paraguay vì đối với họ một thanh niên bình thường mà không có người yêu là chuyện khó chấp nhận. Rất nhiều cặp hôn nhân theo học với tôi nhưng cuối cùng chỉ có 14 cặp là có đủ điều kiện hợp thức hoá hôn nhân vì tôi tôi không thể làm sai luật khi nhiều cặp khác từng kết hôn rồi ly dị hay đang sống chung cùng lúc 2 vợ hay 2 chồng. Tôi đã chọn Lễ Thánh Gia để hợp thức hoá tập thể cho nhưng cặp hôn nhân này. Nhìn những ông bà già không còn cái răng nào mà theo sau là đàn cháu nội ngoại như đoàn lính viễn chinh mà tôi phì cười. Nhất là khi tôi hỏi về sự ưng thuận hôn nhân và trao nhẫn cưới làm tôi cười mãi. Có hai cặp chẳng có nhẫn để trao khi tôi chuẩn bị làm phép nhẫn thì một bà khác nói để bà ta cho mượn! Thú vị thật. Thế đó, cuộc sống truyền giáo có những chuyện “cười ra nước mắt” và “khóc tiếng nước ngoài” vì những chuyện diễn ra mình không thể lường trước được. Tuy nhiên tôi nghiệm ra một điều là chỉ có tình thương mới có thể cải hoá được nhân tâm chứ không phải bằng cấp hay sự thông minh. Mẫu gương của cha sở họ Ars luôn là một điểm tới trong cuộc sống hàng ngày của tôi. 

Paraguay, mùa Noel năm 2009

MẸ MARIA TRONG TÂM THỨC CỦA NGƯỜI PARAGUAY

Trong cái nắng oi bức và bất chợt có những cơn bão không được dự báo trước ập đến của mùa Xuân-Hạ vào những ngày cuối năm dương lịch do biến đổi khí hậu toàn cầu khiến cho vụ mùa và đường xá của Paraguay vốn đã thê thảm nay lại lại càng thảm thê hơn. Tuy vậy, các hoạt động vẫn diễn ra bình thường nếu trời ngừng mưa và sức sống của Giáo Hội vẫn mãnh liệt vào những ngày lễ hội, nhất là các lễ liên quan đến Đức Trinh Nữ Maria.
Như tôi đã từng chưa sẻ trong các bài trước, Paraguay là một quốc gia Công giáo vì chiếm đến 85% dân số công giáo và các địa danh lớn, các thành phố lớn đều được đặt tên Công giáo hay có dấu ấn về tôn giáo. Ví dụ như thủ đô của Paraguay được mang tên là Asunción (Mẹ Lên Trời), thành phố phía Nam của Paraguay có tên là Encarnación (Nhập Thế hay Truyền Tin), thủ phủ phía Bắc của Paraguay có tên là Concepción (Mẹ Vô Nhiễm)… và thủ đô tinh thần của Paraguay với địa danh đã tồn tại nhiều thế kỷ qua từ khi Đức Mẹ hiện ra để cứu những người thổ dân và hiện nay đã nâng lên bậc Vương Cung Thánh Đường Đức Trinh Nữ Rất Thánh Caacupe. Paraguay là một quốc gia Nam Mỹ mang đậm dấu ấn Kitô giáo và cũng là một quốc gia có lòng tôn sùng đặc biệt Đức Trinh Nữ Maria. Nếu Việt Nam có Mẹ La Vang ở Quảng Trị, Mẹ Trà Kiệu ở Quảng Nam-Đà Nẵng, Mẹ Tà Pao ở Phan Thiết hay mới đây có Đức Mẹ Măng Đen ở Kon Tum, thì các nước ở châu Mỹ La-tinh lại càng không thiếu những địa danh rất quan trọng như Mẹ Aparecida ở Brazil, Mẹ Luján ở Argentina, Mẹ Candelaria ở Bolivia, Mẹ Guadalupe ở Mexico, Mẹ Chiquinquirá ở Columbia, Mẹ Dâng Mình ở Ecuador, Mẹ Mân Côi ở Guatamala, Mẹ Vô Nhiễm của Hoa Kỳ, Mẹ Áo Choàng của Canada, Mẹ Caacupe ở Paraguay…. Và vì thế có thể nói Mẹ Maria là bổn mạng của toàn châu Mỹ.
Theo thói quen của người dân Paraguay, trước những ngày mừng kính trọng thể bổn mạng của một giáo điểm hay một giáo xứ, người ta thường làm tuần Cửu Nhật để nhớ đến thánh bổn mạng của họ và cũng để hâm nóng tinh thần cộng đoàn. Tuy nhiên, những cộng đoàn, giáo điểm hay giáo xứ có thánh bổn mạng mang tước hiệu Đức Mẹ thì họ càng tôn sùng cách đặc biệt hơn. Những thành phố hay thủ đô có tước hiệu Đức Mẹ thì được nghỉ lễ dù có rơi vào ngày làm việc. Riêng hai ngày lễ Mẹ Lên Trời (15 tháng 8) và ngày lễ Mẹ Vô Nhiễm (8 tháng 12) là hai ngày đặc biệt quan trọng và là ngày quốc lễ nên từ thường dân đến tổng thống đều được nghỉ ngơi để tham dự thánh lễ. Thời tiết ở Paraguay năm nay quả thực khác thường vì lúc trời đang nóng gay gắt có khi nhiệt độ lên đến hơn 40 độ C, rồi bỗng nhiên chuyển mưa tầm tã và nhiệt độ lại xuống rất nhanh. Nhiều khi những dự tính của mình không thể thực hiện được vì những giáo điểm xa xôi đường xá trắc trở nên khi mưa xuống đành phải bó tay. Bởi thế một câu dặn dò không thừa mà tôi thường nói với giáo dân là nếu trời mưa thì chúng ta sẽ chuyển qua ngày khác. Người dân ở đây họ không có thói quen đội nón, mang dù hay mặc áo mưa dù trời mưa hay nắng.
Những ngày đầu tháng 12 lại đúng vào dịp tuần cửu nhật để mừng lễ Mẹ Vô Nhiễm hay là lễ Đức Trinh Nữ Rất Thánh Caacupe, bổn mạng của nước Paraguay. Trong những ngày này luôn có thánh lễ tại Thủ Đô tinh thần của Paraguay toạ lạc tại Caacupe, cách thủ đô hành chính Asunción của Paraguay khoảng 54km –nơi Đức Mẹ đã hiện ra với một người thổ dân từ cuối thế kỷ XVI. Tất cả các giám mục tại chức hay nghỉ hưu của Paraguay và các vị giảng thuyết có tiếng đều là khách mời để chủ tế các thánh lễ và chia sẻ những thông điệp đức tin cho các tín hữu. Paraguay là một quốc gia công giáo nhưng chính quyền và giáo quyền hoàn toàn tách biệt nhau. Bởi thế cả hai bên đều tôn trọng những tương đồng và dị biệt của nhau dù vị đương kim tổng thống hiện nay từng là giám mục công giáo. Các kênh truyền hình và truyền thanh chính của quốc gia trong những ngày này liên tục truyền thanh và trực tiếp truyền hình các hoạt động của Tuần Cửu Nhật và bình luận các bài giảng trong thánh lễ của các vị giảng thuyết. Không biết các bài giảng của các đấng hay dở thế nào còn tuỳ thuộc vào sự đánh giá của cử toạ, nhưng có lẽ các lời bình luận của các ngòi bút sắc bén cũng làm các chính trị gia đau đầu, nhức óc. Dân chủ là thế, không có gì phải giấu diếm nhưng nếu bình luận sai hay làm phật lòng dân chúng thì những nhà bình luận ấy phải chịu trách nhiệm với những nhận định của mình. Tôi được nghe biết một câu chuyện thật xảy ra cách đây không lâu của một vị thượng nghị sĩ đầy tai tiếng của Paraguay vừa mừng sinh nhật lần thứ 61.

Ông luôn là người chỉ trích vị tổng thống đương nhiệm và chỉ trích cả giáo hội công giáo nữa. Có một lần ông lên tiếng chỉ trích tại sao người dân lại ngu đần khi trời oi bức như thế lại đi bộ hàng trăm cây số để hành hương Đức Mẹ Caacupe mà đâu có nhận được lợi lộc gì! Ông còn nói những điều không hay về Đức Mẹ. Một vị linh mục khả kính đã khuyên ông đừng nói như vậy kẻo xúc phạm đến Danh Thánh Mẹ. Ông chẳng những không nghe mà còn mạt sát vị linh mục hiền từ kia. Sau đó vị thượng nghị sĩ này cùng nhóm của ông đi vận động cho đảng của ông các dự án và kế hoạch cho tương lai của ông. Xui khiến thay khi ông đang nói chuyện thì vận động trường nơi ông đang diễn thuyết tự nhiên bị sụp và đè chết rất nhiều người, riêng ông bị thương rất nặng và nguyên cả hàm răng trên của ông bị gãy. Có người đã hỏi tôi có phải vì ông đã có những lời lẽ xúc phạm đến Đức Mẹ nên bị Mẹ phạt phải không, mà sao Đức Mẹ không phạt cho ông chết cho rồi! Tôi trả lời với họ rằng Chúa và Mẹ không giống như những anh cảnh sát giao thông luôn chờ người ta có lỗi là phạt, nhưng Các Ngài luôn cảnh báo cho chúng ta biết sửa lỗi và ăn năn trước khi quá muộn. Mẹ Maria cũng muốn ông thượng nghĩ sĩ đó suy nghĩ lại những gì ông đã làm cho đất nước ông và người thân của ông. Nếu ông tiếp tục như thế thì có ngày ông phải trả giá. Hai năm rồi tôi không có dịp hành hương Vương Cung Thánh Đường Mẹ Caacupe vì các giáo điểm của tôi có đến 4 nhà thờ có bổn mạng Mẹ Caacupe nên tôi phải chạy show. Dịp bổn mạng cũng là dịp người ta xin Rửa Tội, Rước Chúa Lần Đầu hay Hôn Phối (dân tộc của Bí Tích mà!). Dịp này cũng là dịp tôi kêu gọi mọi người hoà giải với Chúa qua bí tích giải tội. Người dân ở đây họ không có thói quen xưng tội vì các linh mục cũng ít có thói quen ngồi toà vì bản thân của một số linh mục từ ngày chịu chức tới giờ đâu có biết xưng tội là gì mà đòi hỏi giáo dân xưng tội! Dịp cuối năm tôi có nghe biết một số tu sĩ xuất tu, một vài linh mục xin hồi tục trong khi số ơn gọi lại mỗi ngày một hiếm hoi. Việc một số linh mục xuất tu vì gây gương mù gương xấu cũng tác động khá nhiều đến tâm lý người dân vì hiện giờ thông tin liên lạc diễn ra quá nhanh không như trước kia. Thỉnh thoảng tôi nói đùa với cha bạn là anh em tuị mình như là những người bán hàng chờ khách. Nếu hàng hoá tốt và cách đối xử với khách hàng nhã nhặn thì khách đông và có lợi tức, còn nếu hàng hoá tồi và cách phục vụ tồi hay nhiều tai tiếng thì ế khách là cái chắc. Có lẽ lối so sánh kiểu nhà quê của tôi hơi thực dụng nhưng tôi nghiệm thấy như thế. Cũng may là các giáo điểm nơi tôi phục vụ hiện nay có rất nhiều “khách hàng” thường xuyên tham dự và các trẻ em rất thích được nói chuyện với ông cha Á châu “Jacki Chan”, cái tên thân mật mà họ gọi tôi. Tôi không biết mình sẽ tiếp tục như thế này được bao lâu nhưng tôi luôn tin tưởng, phó thác vào Chúa và người Mẹ Rất Thánh có cái tên thân thương Maria sẽ luôn nâng đỡ, đồng hành với tôi trong sứ mạng mà Các Ngài đã trao phó cho tôi.

 Paraguay ngày 9 tháng 12 năm 2009

NGHĨ VỀ NHỮNG NGƯỜI ĐÃ KHUẤT NHÂN THÁNG CÁC ĐẲNG LINH HỒN

             Có lẽ chẳng ai thích nghe nói đến những chuyện xui xẻo, nhất là chuyện bệnh tật và chết chóc. Tuy nhiên, dù muốn hay không chúng ta cũng phải chấp nhận rằng con người bản chất vốn mỏng dòn và dù có niềm tin hay không thì đều phải chấp nhận cái thực tại Sinh-Tử như người ta thường nói : Sinh-Lão-Bệnh-Tử. Chúng ta bước vào tháng 11, theo niềm tin Công giáo của chúng ta, đây là tháng giành riêng để tưởng nhớ và cầu nguyện cho những người đã khuất. Xin mạo muội chia sẻ một vài cảm nghĩ nhân tháng Các Đẳng Linh Hồn.
Trong những ngày Tu Nghị Tỉnh Dòng Ngôi Lời tại Paraguay vừa qua để chuẩn bị bầu bán Bề trên và các vị cố vấn Tỉnh Dòng nhiệm kỳ mới, một anh em linh mục người Paraguay tướng tá rất mập tròn khoẻ mạnh tự nhiên cảm thấy hơi choáng váng nên báo với các anh em xin chuyển đến bệnh viện ngay lập tức. Khi đến bệnh viện thì người anh em linh mục này đã bị dựt méo miệng, mất cảm giác hoàn toàn và trong trạng thái hôn mê. Bác sĩ chẩn đoán do cao huyết áp và bị strocke nên mới dẫn đến tình trạng này. Cũng may là đến bệnh viện kịp thời và được sự can thiệp của y khoa nên người anh em này đã được điều trị tốt dù đến giờ vẫn chưa nói được lời nào. Tôi muốn đưa ra một dẫn chứng cụ thế như thế để nói rằng Sinh-Lão-Bệnh-Tử là chuyện khó ai có thể đoán trước được. Có thể hôm nay chúng ta rất khoẻ mạnh nhưng chẳng biết ngày hôm sau chúng ta sẽ thế nào dù chúng ta có những dự định rất tốt đẹp cho tương lai. Nói dại như thế nhưng cũng là để cảnh báo cho những ai luôn tự hào cho rằng mình có thuốc cãi lão hoàn sinh, có bảo hiểm y tế tối tân, có một tài sản kết sù thì không sợ gì cái chết. Hãy nhìn cái gương trước mắt về ông vua nhạc Pop nổi tiếng thế giới Michael Jackson với đội ngũ bác sĩ chuyên nghiệp, với tài sản kếch sù mà có mua được sự sống không? Ông ta đã đem được gì vào chiếc quan tài nhỏ bé của ông? Tôi đã từng chứng kiến những cái chết oan uổng và bất ngờ của những anh em trong Dòng khi tôi còn ở Việt Nam và tại Paraguay này. Tôi cũng từng cử hành nhiều lễ an táng và làm phép xác cho đủ hạng người ở vùng đất truyền giáo này. Tựu trung một điều, đứng trước cái chết, con người đành bất lực, chỉ biết khóc, và… khóc. Nếu những người còn sống, những người thân và bè bạn có làm được gì cho người quá cố cũng chỉ biết tham dự lễ tiễn biệt, thắp lên những nén hương, dâng lên những lời cầu nguyện và hàng năm vào những ngày giỗ kỵ thì xin một thánh lễ cầu cho người đã khuất. Thế thôi! Những người không có niềm tin thì cho rằng chết là hết. Còn đối với những người Công giáo chúng ta, thì chết chưa phải là hết nhưng là bắt đầu một cuộc sống mới như thánh Phaolô Tông Đồ đã nói. Bởi thế, tháng 11 là tháng giành riêng để cầu nguyện cho ngững người đã khuất, trong đó có những người thân yêu của chúng ta.
Khi còn học phổ thông trung học, tôi được học lớp chuyên và trong lớp tôi chỉ có tôi và một bạn học nữ (giờ đã kết hôn với một doanh nhân bên Phật) là người Công giáo. Mặc dù giữa chúng tôi không có những cuộc tranh luận gay gắt về tôn giáo nhưng cũng có những tranh cãi nho nhỏ về một số nghi thức kính nhớ tổ tiên. Những bạn học của tôi cho rằng người Công giáo quên mất cội nguồn và không biết kính nhớ những người đã khuất. Người bạn nữ Công giáo của tôi thì không bao giờ biểu lộ hay có phản ứng về những tranh luận về tôn giáo nên tôi phải đơn thương độc mã khẩu chiến với họ. Dĩ nhiên chẳng có bên nào thắng cuộc cả vì bên nào cũng có cái lý. Vì cũng chính nhờ những cuộc tranh luận thời học sinh ấy mà tôi cảm thấy “khôn ra” và quyết “nuôi hận” để trở thành một vị linh mục để sau này có dịp “rửa hận” với chúng bạn. Thế là là đã bước vào Dòng Truyền Giáo Ngôi Lời và giờ đây dẫu không còn có thời gian và cơ hội để tranh luận với chúng bạn về đề tài tôn giáo và kính nhớ tổ tiến nhưng tôi được sống bên những người nghèo ở vùng truyền giáo để nói với họ về Chúa, về Các Thánh và về Các Linh Hồn. Chính nhờ được sống với những người dân chất phát ở đây mà mình có cơ hội được rong ruổi và chia sẻ những buồn vui trong sứ vụ truyền giáo và những ngày vừa qua tôi được dịp nói với họ về những người đã khuất. Trở lại câu chuyện về Tháng Các Đẳng Linh Hồn. Tôi thường nghe người người ta nói nghĩa tử là nghĩa tận. Một chị Việt Nam sống ở Paraguay gần 35 năm có một lần tâm sự với tôi rằng chị muốn về Việt Nam và được chết ở đó ấm cúng hơn, chứ ở bên này họ coi cái chết nhẹ quá. Ở đây nếu một người chết thì sau 24 giờ phải đem chôn giống như con gà, con vịt rồi thôi. Nếu may có linh mục gần đó thì ngài tới làm nghi thức an táng vì ở đây họ không có thói quen xin cử hành lễ an táng, chỉ có những nhân vật quan trọng hay những người cộng tác viên của giáo xứ hay giáo điểm truyền giáo thì họ mới yêu cầu thánh lễ an táng. Tôi có nói đùa với chị rằng nếu làm đám tang lớn với biết bao người tham dự và ăn uống linh đình, rồi nợ một đống tiền so với đám tang nhỏ chỉ có lèo tèo vài người thì người chết có biết gì đâu! Chị ta cười và nói với tôi rằng chị thấy đám tang ở Việt Nam ấm cúng hơn, và cái chết của một người dù có nghèo mạt rệp vẫn đầy đủ kèn trống và được chôn cất tử tế. Điều này thì chị có lý. Tôi đã chứng kiến nhiều đám tang ở đây mà thấy mủi lòng cho thân phận làm người. Hai vị linh mục truyền giáo cùng Dòng với tôi qua đời đột ngột vào năm 2007 và 2008 mà đám tang trông thật giản dị cứ y như là đám tang của một em bé mới sinh vậy. Cũng một kiếp người mà ở nơi này khác, ở nơi kia lại khác nhau. Biết làm sao được vì đó là nét văn hoá riêng của mỗi vùng, mỗi dân tộc. Sáng thứ Hai ngày 2 tháng 11 vừa qua là ngày lễ Các Đẳng Linh Hồn, tôi cùng những người dân chất phát hiệp dâng thánh lễ tại Nghĩa Trang để cầu cho các tín hữu đã qua đời. Người ta nói với tôi đây là lần đầu tiên họ tham dự thánh lễ ngoài nghĩa trang kể từ ngày tôi chuyển về đây vì trước đây các linh mục khác không bao giờ cửa hành như thế. Dù là buổi sáng thứ Hai với biết bao công việc đầu tuần và trời nóng oi bức với nhiệt độ 44 độ C, người ta cũng đã kéo đến nghĩa trang rất đông từ nhiều nơi khác nhau. Phóng viên truyền hình của thành phố cũng đến để phỏng vấn tôi và hỏi tôi về ý nghĩa của ngày cầu nguyện cho các linh hồn. Họ cũng hỏi tôi về cách thực hành đạo của người Công giáo Việt Nam nói riêng và của một số nước Á châu nói chung thế nào. Mặc dù không được chuẩn bị trước các câu hỏi nhưng tôi cũng cố gắng trả lời gói gọn trong 10 phút đồng hồ để họ hiểu biết thêm về ý nghĩa của tháng 11, tháng giành riêng để cầu nguyện cho các linh hồn. Ông Tỉnh trưởng sau khi họp bàn giao đầu tuần cũng vội vã đến tham dự thánh lễ và chính ông là người mang theo chiếc đàn ghi-ta để đệm các bài hát trong thánh lễ. Trong bài giảng lễ, tôi chia sẻ và nhắc nhở họ đến thân phận mỏng giòn của kiếp làm người và cố gắng thực thi các giới răn của Chúa vì “lời lãi được cả thế gian mà mất mạng sống thì có ích gì” (Xc. Mc 8,36). Những người dân chân quê thật thà chất phát đã khóc nhiều khi tôi gợi lại cho họ những điều đẹp đẽ mà những người thân của họ khi còn sống đã làm cho họ. Tôi cũng chia sẻ cho họ về giới răn thứ 4 là Thảo Kính Cha Mẹ không chỉ là khi còn sống mà khi cha mẹ và những người thân yêu đã qua đời thì chúng ta cũng phải tiếp tục thực thi bổn phận đó qua việc tham dự thánh lễ để cầu nguyện cho các linh hồn, viếng mộ và làm vệ sinh các phần mộ của những người đã khuất bởi vì các linh hồn không còn khả năng cầu nguyện sau khi họ đã lìa cõi đời. Sau thánh lễ, các bà goá chạy lại nói với tôi những lời nửa Guarani, nửa Tây Ban Nha “Pa’i, nde homilía iporã” (Cha ơi, bài giảng của cha hay quá!). Mấy bà goá thường tốt lành như vậy và cũng chính nhờ mấy bà goá mà cuộc sống của những linh mục được khích lệ thêm. Nhiều người nói dân Nam Mỹ nói chung và dân Paraguay nói riêng chỉ giữ đạo qua các bí tích, nghĩa là đa số chỉ tham dự thánh lễ 3 lần trong đời là Rửa Tội, Rước Chúa Lần Đầu và Thêm Sức. Điều đó cũng đúng một phần vì trong những dịp lễ này người ta tham dự rất đông và sốt sắng; nhưng có lẽ vì ở đây thiếu nhân sự là các linh mục và tu sĩ nam nữ, thiếu sự hướng dẫn và huấn luyện đời sống tâm linh nên người ta không hiểu biết những điều họ làm. Thánh Kinh đã nói là nếu không biết mà làm thì không có tội. Quan sát những người dân những người dân chất phát ngây thơ ngồi bên bia mộ để than khóc người quá cố làm tôi chợt nhớ đến những người thân đã qua đời của tôi bên quê nhà và bỗng dưng những dòng lệ từ hai khoé mắt lại rơi xuống. Tôi vội lấy áo Alba lau nước mắt và thầm thĩ dâng lời cầu nguyện : Chúng con cậy vì Danh Chúa Nhân Từ cho Các Đẳng Linh Hồn được lên chốn nghỉ ngơi, hằng xem thấy mặt Đức Chúa Trời sáng láng vui vẻ vô cùng. Amen. 

 Paraguay, ngày 9 tháng 11 năm 2009 – Tháng Các Đẳng Linh Hồn

SỐNG SỨ VỤ VƯƠNG ĐẾ CỦA NGƯỜI TU SĨ TRUYỀN GIÁO

Ký ức tuổi thơ 

 Ngày còn bé khi tôi tham dự thánh lễ tạ ơn của một linh mục, tôi được nghe đi nghe lại bài hát và thuộc lòng câu hát này «… Từ bụi tro Chúa nâng con lên hàng khanh tướng…». Đối với tôi, chức linh mục to tát vô cùng vì nó ngang hàng với khanh tướng thời phong kiến.
Cộng thêm nữa là tôi thấy ngày ấy các cha sướng thật vì được ăn quả chuối to ngọt liệm dù thời bao cấp với biết bao khó khăn, thiếu thốn. Tôi cũng chú ý trong gia đình tôi là hễ có món ngon vật là nào là má tôi thường cất giành để biếu cho cha xứ dù má tôi từng là một phật tử. Đầu óc non trẻ của tôi ngày ấy là muốn sau này trở thành một ông cha để được ăn trái chuối to với cái đùi gà béo ngậy. Để thực hiện được ước mơ đó nên ngay từ khi có trí khôn tôi phải thức dậy với má tôi mỗi sáng lúc 4h30 để tham dự thánh lễ dù có những lúc tôi thèm ngủ vô cùng. Có những lúc trời lạnh vì là mùa đông tôi muốn nướng thêm chút nữa nhưng má tôi lại gội một gáo nước lạnh vào người tôi khiến tôi lạnh toát xương và thức dậy đi lễ với má mà trong lòng chẳng vui tý nào. Rồi đến lúc tôi tốt nghiệp phổ thông trung học và bắt đầu tham gia vào chủng sinh của giáo phận, tôi được gặp và nói chuyện với Đức Giám mục giáo phận (bây giờ đã nghỉ hưu nhiều năm), ngài đã nói một câu làm tôi buồn bã vô cùng : «Con không thể đi tu trong giáo phận được vì má con là tân tòng. Muốn trở thành chủng sinh và linh mục của giáo phận thì trong gia đình con phải có đạo 3 đời ». Thôi, thế là là hết. Ước mơ trở thành Khanh Tướng để được ăn chiếc đùi gà và trái chuối chín mộng coi như tan tành. Cũng may vào lúc ấy cha xứ của tôi khuyến khích tôi cứ gia nhập vào chủng sinh đoàn để chờ cờ hội vì thời ấy chủng viện chưa được mở và các Dòng Tu thì bị cấm bách, các tu sinh thì tu chui nên tôi đã vâng lời theo sự chỉ dẫn của cha xứ để tham gia dạy giáo lý và học hành thêm những môn căn bản về đời tu.
Sau nhiều năm theo đuổi ơn gọi tu triều mà chẳng có chút hy vọng gì, tôi đã chuyển hướng xin qua Dòng vì thấy tình thế bất lợi cho tôi, tôi đã xin gia nhập Dòng Ngôi Lời tại Nha Trang (trước năm 1998 thì gọi là Dòng Thánh Giuse Nha Trang) để thực hiện ước mơ của mình. Sau kỳ thi tuyển đầy khó khăn, tôi đậu vào Dòng hạng ưu và chính thức trở thành chú chủng sinh của Dòng. Thời gian chủng sinh sống tại Nha Trang tôi cũng nếm biết bao mùi cay đắng của cuộc sống tu Dòng. Mỗi sáng phải làm lao động như một công nhân thực thụ. Buổi chiều thì đạp xe đến giảng đường đại học. Rồi buổi tối học các môn trong Dòng và ôn bài vở của Đại Học. Vì là tu chui nên có những đêm khi nghe tiếng chó sủa phải cuốn chăn màng chạy trốn sang nhà dân vì công an đến kiểm tra giấy tờ. Những năm tháng khổ cực ấy đã rèn luyện cho tôi ý chí phấn đấu và sẵn sàng đương đầu với mọi khó khăn thử thách. Nhiều anh em cùng lớp đã nói tiếng giã biệt sau khi hoàn tất văn bằng đại học để xây dựng đời sống gia đình. 

 Những năm tháng sống trong học viện 

Trong những năm tháng ngồi ở ghế học viện, tôi bắt đầu khám phá ra những điểm độc đáo của đời sống truyền giáo mà mình đang theo đuổi. Một cha giáo Dòng Đaminh có tính bông đùa thường nói với chúng tôi về viễn tượng linh mục và ngài nghêu ngao hát lại bài hát «… Từ bụi tro Chúa nâng con lên hàng khanh tướng…» thì ngài lại hát «...Từ thuốc Mai Chúa nâng con lên hàng ba số...». Sở dĩ ngài đùa như thế vì ngày trước khi còn làm chú chủng sinh, rồi làm thầy, ngài chỉ được biết đến điếu thuốc Mai hay thuốc Đà Lạt, nhưng khi được phong lên hàng khanh tướng thì tự nhiên có nhiều quà cáp, có thuốc 555 để hút thoải mái. Ngài nói đùa rằng chúng tôi phải cố mà cày, phải hy sinh đời bố để củng cố đời con, và để mai sau cũng có thuốc 555 và nhiều cái nữa khi đỗ cụ! Những lời bông đùa của cha giáo Dòng Đaminh dễ thương ấy khiến tôi bật cười nhưng cũng tạo được nhiều ấn tượng cả tiêu cực lẫn tích cực và thỉnh thoảng những điểm tiêu cực ấy sống lại trong tôi vì bản tính con người ai mà chẳng muốn được sự trọng vọng và tâng bốc. Sau những tháng ngày trau dồi kinh sử, thực hành mục vụ và chờ đợi, cuối cùng tôi cũng được bước lên bàn thánh và mơ ước ngày nào đã thành hiện thực. Ngày xưa chỉ mơ ước được ăn đùi gà và trái chuối to nhưng nay muốn ăn cái gì cũng có. Những lời chúc mừng của gia đình, người thân và những món quà quí được nhận tới tấp. Đời linh mục sung sướng làm sao! Những năm tháng khó khăn đã qua có hề gì so với lúc này. Tôi như đang sống trên mây với những ảo tưởng và ước mơ đầy hứa hẹn cho một tương lai sắp tới.

 Sống sứ vụ vương đế của người tu sĩ truyền giáo 
                    
            Ngày tôi đến Paraguay để bắt đầu cho sứ vụ truyền giáo của mình, nhiều lúc tôi đã ngã lòng vì chức Khanh Tướng mà tôi nhận lãnh và hấp thụ tại Việt Nam không được như ý mình.
Những tháng ngày học ngôn ngữ và ở với các chủng sinh người Paraguay, Brazil và Zambia tôi cảm thấy thất vọng vì cho rằng họ xem thường mình khi chỉ gọi ông cha bằng cái tên trống không. Rồi sau đó tôi được gởi đi thực tập ngôn ngữ ở vùng xâu vùng xa nơi mà toàn chỉ nói tiếng thổ dân. Mình nói thì họ chẳng hiểu và họ nói thì mình chẳng hiểu gì cả. Một vài đứa trẻ lại bực dọc nói vài câu gì đó và đến bây giờ tôi mới hiểu là chúng nó chửi mình ông cha mà ngu như bò. Đau lắm chứ! Làm ông cha, làm khanh làm tướng rồi mà phải đi họ tiếng thổ dân, rồi bị mấy đứa nhỏ chửi, rồi phải đi nấu ăn sau khi đi mục vụ về, rồi trong khi đang nấu ăn thì khách giáo dân ở xa đến thăm nó thấy con gà nướng mình mới mua về nó ăn mất cái đùi mà mình ưa thích. Bực quá cũng chửi thầm trong lòng : «Tổ cha mấy thằng thổ dân... ». Tôi còn nhớ những ngày còn là thầy Sáu thực tập tác vụ ở một giáo xứ thuộc Quận 3, Sài Gòn, tôi có dạy nhiều cặp giáo lý hôn nhân và tân tòng. Một cô dâu tương lai con của một đảng viên muốn gia nhập Công giáo để kết hôn với chú rể người Công giáo. Gia đình chú rể ở ngoài Miền Trung nên anh ta phải xin chuyển giấy tờ từ giáo xứ gốc vào Sài Gòn. Tuy nhiên, khi anh ta và gia đình lên xin giấy tờ chứng nhận của cha xứ thì vị cha xứ trẻ này đã lên mặt khanh tướng và chửi xối xả gia đình người chú rể này. Cha xứ này cho rằng gia đình chú rể tương lai nối giáo cho giặc, rồi dùng biết bao nhiêu từ ngữ thậm tệ khác không hề có trong từ điển để hạ nhục gia đình anh ta. Vị linh mục này cũng biết tôi rất rõ, anh ta là người chỉ hơn tôi vài ba tuổi và vì tu triều nên chịu chức trước tôi và thành cha xứ sớm nên anh ta làm vua sớm quá! Lúc đầu tôi cũng không tin những gì gia đình chú rể kể lại nhưng khi tôi gọi điện trực tiếp để nói rõ về những giấy tờ cần thiết thì tôi mới biết là chuyện đó có thật. Cũng một con người đó mà sao thay đổi nhanh quá. Tôi biết làm gì hơn ngoài lời cầu nguyện cho anh em linh mục này. Rồi khi bắt đầu hiểu được ít nhiều hai loại ngôn ngữ pha tạp Tây Ban Nha và Guarani, tôi bắt đầu rong ruổi để thực hiện sứ vụ vương đế của mình không phải như một ông vua ở cung đình, nhưng như một vị vua vi hành để hiểu hoàn cảnh của dân. Tôi đã đến gõ cửa những người tự nhận là Công giáo nhưng không bao giờ tham dự các nghi thức và thánh lễ với cộng đoàn phụng vụ. Tôi đã năn nỉ họ, tâm sự với họ, chia sẻ thức ăn, thức uống với họ để hiểu họ hơn. Ngay những người được gọi là giáo lý viên hay ông trùm, ông biện mà chưa có một tờ hôn thú dân sự thì thử hỏi những người khác thế nào đây! Tôi đã năn nỉ họ đến tham dự các khoá học ngắn ngày về đời sống hôn nhân gia đình để hợp thức hoá cho họ. Một vị giáo sư luân lý đã từng chia sẻ với chúng tôi nếu có hai điều tốt và xấu thì dĩ nhiên chúng ta chọn điều tốt. Nhưng nếu cả điều đều xấu thì ta phải chọn điều ít xấu hơn. Tôi đã chọn làm điều này vì không còn cách lựa chọn nào khác. Năm ngoái 2008, tôi đã hợp thức hoá được hơn 100 cặp hôn nhân sống không giá thú cả đạo lẫn đời và có những cặp đã lên chức ông bà nội ngoại. Một vài gia đình trong số đó chẳng có tiền để làm thủ tục kết hôn dân sự và chúng tôi phải làm đơn xin miễn giảm. Họ có hỏi tôi bao nhiêu tiền họ phải trả khi tôi làm đám cưới cho họ. Tôi trả lời với họ là mỗi gia đình phải trả cho tôi hai kí củ mì là đủ (củ mì là món ăn chính của họ và rất rẻ). Hôm nay ngồi viết những dòng này vào đúng dịp kỷ niệm ngày chịu chức linh mục của tôi. Hiện tôi cũng đang bù đầu cho các khoá giáo lý hôn nhân ngắn hạn để ngày lễ Thánh Gia sắp tới tôi sẽ hợp thức hoá cho 43 cặp vợ chồng đã sống với nhau lâu năm. Hôm nay tôi cũng đã cử hành thánh lễ Rước Chúa Lần Đầu cho 54 em thiếu nhi. Nhìn nét mặt ngây thơ và rạng rỡ của các em trong thánh lễ mà lòng tôi cũng vui lây. Dù công việc chính của tôi lúc này là Nhà Đào Tạo, nhưng vì một linh mục trong Dòng người Ái Nhĩ Lan cách đây mấy tháng bị tai biến và hiện giờ vẫn còn nằm liệt giường nên tôi phải kiêm nhiệm vùng truyền giáo của ngài đến hết tháng giêng năm 2010. Đến giờ này tôi càng xác tín hơn hơn ơn gọi của tôi và cái mơ ước ngày còn bé hơi trần tục một tý nhưng đó cũng là điểm khởi đầu cho ơn gọi của mình. Đối với tôi, sống sứ vụ vương đế không phải là ăn trên ngồi chốc và chờ người ta đến nhưng là phải hoà mình với mọi người và sẵn sàng đến với mọi người dù có lúc sẽ có nhiều thua thiệt và mất mát. Nhìn tấm hình chụp ngày chịu chức có vẻ phong trần còn bây giờ nhìn lại thì thấy mình thảm hại quá! Kinh Thánh đã nhận xét rất đúng : «Vì nhiệt tâm lo việc nhà Chúa mà tôi đây sẽ phải thiệt thân» (Ga. 2, 17). Ngày kỷ niệm chịu chức linh mục cũng là dịp để tôi hâm nóng lại ơn gọi tận hiến của mình để sống sứ vụ vương đế như Chúa Giêsu đã từng sống là «Ngài đến để chiên được sống và sống dồi dào » (Xc Ga. 10,10 ). Ước mong bạn hữu gần xa giúp thêm lời cầu nguyện để tôi mỗi ngày sống sứ vụ vương đế này có ý nghĩa hơn.

 Paraguay ngày 31 tháng 10 năm 2009 - Kỷ niệm ngày chịu chức linh mục

NAM MỸ - TẢN MẠN MỘT CHUYẾN ĐI

Chuyến đi Santiago – Chile 

 Những ngày cuối tháng 9 vừa qua chúng tôi phải lo cho chương trình sinh hoạt của các giáo điểm truyền giáo những tháng cuối năm, đồng thời cũng chuẩn bị lên chương trình cho các công việc mục vụ và lượng giá cho các chủng sinh trước khi họ có kỳ nghĩ hè. Riêng các nhà đào tạo vùng Conosur Nam Mỹ đã lên chương trình cho cuộc họp vùng của các chủng viện thuộc Dòng Ngôi Lời thuộc các nước Chile, Argentina, Bolivia và Paraguay.
Tôi cũng đang lo chương trình huấn luyện trong chủng viện nên cũng là khách mời tham dự khoá họp này tại thủ đô Santiago (thánh Gia-cô-bê) của nước Chile. Vì mới tham dự khoá hội thảo quốc tế về Đối Thoại Ngôn Sứ tại Argentina chưa đầy một tháng và nhiều chuyện trong ngoài chưa giải quyết xong nên tôi cũng lưỡng lự không muốn đi lần này. Tuy nhiên cha Giám Tỉnh đã động viên và hứa sẽ sẵn sàng cho người đến giúp tôi trong những ngày tôi đi vắng nên tôi phần nào an tâm. Khi tôi gọi điện cho cha Huân, người bạn thân của tôi từ ngày vào Dòng và cũng là người anh em có bài sai Parauay để nhờ anh ta giúp những ngày tôi đi vắng, anh đã sẵn sàng nhận lời dù giáo xứ của anh có đến hơn 60 giáo điểm và cách chỗ tôi 15 giờ xe chạy. Thế mới biết được tình huynh đệ và gắn kết của người Việt mình. Ngày 28 tháng 9 vừa rồi nhằm ngày Chúa Nhật, sau khi dâng 2 thánh lễ ở 2 giáo điểm khác nhau, tôi đón xe bus để lên thủ đô nhằm cho kịp ngày hôm sau bay qua Chile dự họp. Cũng may lần này xe bus không gặp trục trặc giữa đường nên tôi đến Nhà Chính của Dòng tại thủ đô để trọ đêm và ngày hôm sau ra phi trường sớm để làm thủ tục. Thời buổi kinh tế khó khăn nên Nhà Dòng cũng phải tính toán chi li để tiết kiệm ngân sách. Cha Tổng Quản Lý của Dòng đã mua vé của hãng hàng không giá rẻ và khuyến mãi để chúng tôi tham dự cuộc họp. Tuy nhiên, cái gì nó cũng có cái giá của nó. Vì là giá rẻ và khuyến mãi nên khâu phục vụ hành khách phải nói là khá tệ. Chuyến bay cất cánh từ phi trường Asunción, Paraguay rồi quá cảng tại phi trường Montevideo, Uruguay và cuối cùng đến phi trường Santiago của Chile tổng cộng là 6 tiếng mà không hề có một ly nước lã hay một cái bánh ngọt cho khách. Trái lại tất cả đều phải mua bằng tiền đô (dĩ nhiên là US dollar) với giá cắt cổ. Mộ chai nước nhỏ với giá 4 US dollar. 1 cái bánh sandwich với giá 7 US dollar! Vào phi trường họ chẳng cho mình đeo theo đồ ăn thức uống nên buộc phải mua mà tiếc hùi hụi. Vị linh mục người Đức cùng đi với tôi mang theo vali hành lý xách tay chỉ nặng có 7 kg (vượt quá 2 kg cho phép) nên phải đóng 10 US dollar làm ngài có vẻ bực tức. Nói như thế để mọi người cùng biết và coi đó như là một kinh nghiệm khi đi trên những hãng hàng không giá rẻ ở bất cứ nơi nào trên thế giới này. 

  Vài nét về Chile 

 Khi chuyến bay gần đến Thủ Đô Santiago của Chile, mọi người đồng thanh la lớn : Nhìn kìa, đẹp quá, đẹp quá. Tôi bỗng mở mắt và nhìn qua cửa sổ máy bay thì thật là đẹp như đang ở trên cảnh thượng giới trong bộ phim Tây Du Ký. Máy bay chúng tôi đang bay qua dãy núi Cordillera de Chile quanh năm tuyết phủ thuộc dãy Andes.
Nhìn từ trên cao thấy mọi vật tí xíu và chiếc máy bay mình đang ngồi cũng chỉ là một chấm nhỏ trong vũ trụ mà thôi. Cảnh tượng hùng vĩ quá và ước gì tôi là thi sĩ như Hàn Mặc Tử, tôi sẽ viết lên mấy bài thơ để ca tụng công trình của Đấng Tạo Hoá như thi sĩ họ Hàn đã làm các bài thơ về Đức Mẹ. Tuy nhiên, với ngôn ngữ chân quê của một nhà nông chất phát, tôi phải thú nhận rằng những cảnh tôi nhìn thấy từ trên máy bay trước khi đáp xuống phi trường của thủ đô Chile quá đẹp dù thời tiết hôm ấy hơi xấu do dự báo trời mưa. Chile là quốc gia nằm phía Tây Nam của châu Mỹ La-tinh với diện tích 756.626 Km2 – rộng gấp đôi diện tích Việt Nam nhưng dân số chỉ khoảng 17 triệu người. Tiếng Tây Ban Nha là tiếng nói chính thức của quốc gia này dù cũng có nhiều thổ ngữ khác nhau. Quốc gia này được biết đến nhiều qua chế độ độc tài của Augusto Pinochet mà nhiều lần toà án quốc tế đã đem ra xét xử. Quốc gia này cũng được biết đến khi một phụ nữ gốc Pháp có tên là bà Michelle Bachelet, một thành viên của Đảng Xã Hội từng bị đi đày đã đắc cử tổng thống và trở thành người phụ nữ tổng thống đầu tiên của quốc gia Nam Mỹ nhiệm kỳ 2006 – 2010. Chile là một quốc gia có khoảng 70 % Công giáo. Chính quyền và giáo quyền hoàn toàn tách rời nhau, nhưng vì là một quốc gia khá tiến bộ so với các nước lân cận và cũng được xem là quá cấp tiến nên đây cũng là quốc gia đầu tiên cho phép những người đồng tính sống với nhau cách hợp pháp. Bởi thế đề tài cấm kỵ không được nói và chỉ trích là vấn đề đồng tính luyến ái tại nước này. Các linh mục diễn thuyết khôn hồn thì đừng có lên tiếng kẻo có ngày mất mạng như chơi. 

  Những ngày hội họp 

       Vì là quốc gia đăng cai khoá họp lần này nên các linh mục có trách nhiệm ở Chile đã đưa đón chúng tôi tại Phi trường và lo lắng mọi việc trong những ngày họp hành. 8 vị đào tạo tham dự trong khoá họp này gồm 1 người Đức, 1 người Phi-luật-tân, 2 người Indonesia, 2 người Argentina, 1 người Chile và tôi, anh chàng tân binh người Việt.
Khi giới thiệu cho nhau tôi mới biết các nhà đào tạo kia là những vị có thâm niên và quá già dặn kinh nghiệm đào tạo trong khi mình chỉ là anh lính mới tò te bước vào lĩnh vực huấn luyện. Dẫu biết như vậy nhưng tôi không hề có mặc cảm tự ti vì không có khởi đầu thì làm sao có kết thúc được. Các vị đào tạo lần lượt chia sẻ thông tin của từng tỉnh Dòng và quốc gia sở tại về tình hình huấn luyện nhân sự. Tôi cứ tưởng ở Paraguay là ít ơn gọi nhưng tôi đã nhầm khi nghe các anh em chia sẻ về sự khủng hoảng ơn gọi ở Tân Thế Giới này. Chủng viện nào cũng lớn nhưng chỉ lác đác vài chú chủng sinh. May mà các chủng sinh học ở các trường đại học Công giáo gồm nhiều phân khoa chứ nếu không thì biết lấy đâu số giáo sư để huấn luyện. Các nhà đào tạo cũng thảo ra chương trình huấn luyện liên tỉnh dòng, liên quốc gia vừa ít tốn kém, vừa đúng tôn chỉ của Dòng là đào tạo nên những tu sĩ truyền giáo sống trong các cộng đoàn quốc tế. Các nhà huấn luyện cũng nhấn mạnh đến việc chọn những nhà Thăng Tiến Ơn Gọi để hiểu rõ về các ứng sinh và dù thiếu ơn gọi nhưng quan trọng về số lượng, như Đức Thánh Cha đương kim đã từng nói, mà chúng ta chỉ cần có những ơn gọi và linh mục chất lượng.
Những tháng vừa qua khi đọc trên các trang mạng điện tử Công Giáo Việt Nam, tôi cảm thấy rất mừng và hãnh diện cho Giáo hội Công giáo Việt Nam khi có thêm nhiều linh mục để phục vụ trong cánh đồng truyền giáo của giáo hội và cũng là để kế thừa những bậc cha anh già nua và khuất bóng. Nhìn những khuôn mặt thân thương của 12 anh em trẻ trung thuộc Dòng Ngôi Lời tại Việt Nam vừa lãnh tác vụ linh mục tại Nha Trang tự nhiên cảm thấy ấm lòng. Nhưng, khi nhìn lại ơn gọi tại Paraguay, nơi mình đang phục vụ và các quốc gia lân cận vùng Mỹ La-tinh nói riêng và châu Mỹ nói chung mà lòng cảm thấy xót xa! Tuy nhiên, nếu chỉ nhìn đến số lượng hoàng tráng bên ngoài mà không quan tâm đến chất lượng bên trong thì có ngày sẽ phải trả giá. Chúng tôi cũng có một ngày tham quan thủ đô tráng lệ của Chile, thăm những danh lam thắng cảnh có tên là Thiên Đàng “Valparaíso” và nhiều nơi khác của Chile trong thời gian ngẳn ngủi này để hiểu thêm về đất nước và con người Chile. Một cha trong đoàn hỏi tôi về Paraguay thế nào so với Chile thì tôi chỉ cười và nói : “Không biết 100 năm nữa Paraguay có bằng Chile bây giờ không đây”. Tuy nhiên tôi không bao giờ đứng núi này mà trông núi nọ. Nhiệm vụ của tôi là sẵn sàng vâng phục ý bề trên theo khả năng của mình trong tư cách là một tu sĩ truyền giáo.

  Nam Mỹ - Lễ Mẹ Mân Côi, 07 tháng 10 năm 2009

ĐỐI THOẠI NGÔN SỨ - MỘT LỐI TIẾP CẬN MỚI TRONG SỨ VỤ TRUYỀN GIÁO


Khoá Hội Thảo về Đối Thoại Ngôn Sứ tại Argentina

            Lâu nay tôi mãi chia sẻ những câu chuyện về Paraguay với những lời than thân trách phận về cuộc sống truyền giáo của mình. Hôm nay tôi muốn thay đổi không khí để chia sẻ với các bạn một chút về khoá hội thảo quốc tế về Đối Thoại Ngôn Sứ toàn Châu Mỹ vừa mới diễn ra tại Argentina từ ngày 17 đến ngày 30 tháng 8 năm 2009 mà tôi may mắn được tham dự như là đại diện cho Việt Nam.
            Sau ngày lễ Đức Mẹ Lên Trời (15/8), cũng là lễ bổn mạng của giáo xứ tôi đang phục vụ, tôi lên đường đi Argentina dự khoá hội Thảo quốc tế tại Argentina, quốc gia láng giềng của Paraguay.
Argentina là quốc gia thuộc Nam Mỹ có biên giới giáp với Bolivia, Paraguay ở phía Bắc, Brazil phía Đông Bắc, Chile phía Tây, Uruguay và Đại Tây Dương ở phía Đông. Quốc gia này có diện tích gần 3 triệu cây số vuông với dân số khoảng 41 triệu người. Năm 2007, trong cuộc bầu cử tổng thống dân chủ, bà Cristina Fernández, lúc đó còn là đệ nhất phu nhân của tổng thống Néstor Kirchner, đã đắc cử và trở thành người phụ nữ tổng thống đầu tiên của nước này. Chính chồng bà, cựu tổng thống Néstor Kirchner đã trao quyền lực cho vợ mình trong nhiệm kỳ 4 năm và người ta gọi là gia đình Kirchner trị. Quốc gia này đất rộng, người thưa và đời sống được nhà nước đảm bảo, nhất là chế độ lương hưu và chăm sóc sức khoẻ.      
            Theo ban tổ chức khoá hội thảo, chương trình đã được sắp đặt từ năm trước nhưng nửa đầu năm nay do căn bệnh cúm heo khiến nhiều người chết, và do đó, các vị đã duyệt lại lần cuối nên chăng tiếp tục khoá hội thảo lần này. Cuối cùng, khi mọi sự đã chuẩn bị kỹ lưỡng, họ quyết định tiến hành như đã định.
            Khoá hội thảo quốc tế lần này diễn ra tại Nhà Tĩnh Tâm Fátima, Misiones, Argentina với sự tham dự của 48 nhà truyền giáo trực thuộc 20 quốc gia trên thế giới đang làm việc truyền giáo tại châu Mỹ.
Các nhà truyền giáo đến đây tham dự buổi hội thảo mang theo hương vị văn hoá quê hương của từng quốc gia gốc và của hương vị văn hoá của những nơi mà họ đang phục vụ. Vị thư ký truyền giáo của Tổng quyền từ Rôma cũng đến tham dự. Các đại biểu của châu Mỹ gồm: Mỹ, Colombia, Mexico, Argentina, Paraguay, Brazil, El Salvador, Chile, Ecuador, Bolivia. Các đại biểu châu Âu gồm : Croatia, Balan, Đức, Ý. Châu Phi có 1 đại biểu đến từ Kenya. Các đại biểu của châu Á gồm Nhật, Ấn độ, Indonesia, Philipinnes và Việt Nam. Ngôn ngữ chính thức cho khoá hội thảo là tiếng Tây Ban Nha và ngôn ngữ bên lề là tiếng Anh và tiếng Bồ Đào Nha. Có thể nói đây là một “cuộc họp thượng đỉnh” và gồm cả 4 châu lục tham dự với đủ màu da : Trắng, Đỏ, Đen và vàng. Việt Nam có hai đại biểu nhưng linh mục kia có quốc tịch Mỹ nên đại diện cho Mỹ, còn tôi chính thức đại diện cho Việt Nam dù đang làm việc truyền giáo tại Paraguay.
            Thành phần thuyết trình viên, ngoài những giáo sỹ tên tuổi của châu Mỹ, khoá hội thảo này còn mời nguyên một ê-kíp giáo dân chuyên nghiệp để trình bày những gì mà họ đã, đang và sẽ làm cho giáo hội khi mà ở châu lục này mỗi ngày ơn gọi tu trì ngày một sa sút. Họ là những giáo dân có bằng cấp chuyên nghiệp như tiến sỹ thần học, triết học, nhân chủng học và truyền giáo học hiện đang giảng dạy trong các đại học Công giáo cũng như đang làm việc trong guồng máy chính quyền nên những gì họ chia sẻ đều sát với thực tế. Tôi muốn giới thiệu những điểm này để mọi người biết rằng vai trò giáo dân ngày nay rất quan trọng và không thể thiếu trong cánh đồng truyền giáo đang thiếu thợ gặt hôm nay.        

Đối thoại ngôn sứ, một lối tiếp cận mới trong sứ vụ truyền giáo

            Trong phần khai mạc với lời kinh cầu xin Chúa Thánh Thần để Người thánh hoá những ngày hội thảo,  và sau đó các tham dự viên nghe lại bản văn Kinh Thánh trích từ sách Xuất hành về đoạn bụi gai, Thiên Chúa đã ngỏ lời với Môi-sê : “Hãy cởi dép ngươi ra vì nơi ngươi đang đứng là Đất Thánh” (Xh 3,5). Các tham dự viên bắt đầu chương trình nghị sự của mình.
            Khóa hội thảo này dựa theo Hiến chế “Ad gentes” (Đến với muôn dân) và các thông điệp xã hội của giáo hội, đặc biệt là của hai vị giáo hoàng gần đây luôn quan tâm đến các vấn đề về hiện tượng di dân mà giáo hội muốn đi tiên phong để đồng hành với thế giới, với những con người bị xã hội lãng quên. Trong Tổng Tu Nghị năm 2006, Dòng truyền giáo Ngôi Lời cũng nhấn mạnh đến tấm quan trọng chiến lược về vấn đề này nên Dòng không thể đứng ngoài lề trước sự kiện nóng bỏng và thời sự này. 
Vì là khoá hội thảo mang tấm vóc quốc tế nên các tham dự viên cũng như các thuyết trình viên có những quy định khá chặt chẽ về giờ giấc làm việc để không lãng phí thời gian. Phải công nhận rằng các thuyết trình viên quá chuyên nghiệp và đầy kinh nghiệm trong lĩnh vực  phâm tâm. Những ngày đầu chúng tôi vừa nghe thuyết trình, vừa làm việc theo nhóm lớn, rồi nhóm nhỏ để khám phá ra chính mình và tìm những điểm tương đồng cũng như những khác biệt nơi người khác nhằm bổ sung những điểm khiếm khuyết của mình.
Tôi còn nhớ sau dịp phục sinh năm 2009, chúng tôi có kỳ tĩnh tâm năm do một giám mục truyền giáo Dòng Tận Hiến người Đức thuyết trình. Tôi đã tâm sự với ngài những trăn trở về việc hội nhập văn hoá, về những điều tốt mà các nhà truyền giáo đã làm cũng như những mặt tiêu cực của một số nhà truyền giáo luôn nghĩ rằng họ là những người đi khai phá nền văn minh nên đã loại bỏ một số tinh hoa của các dân tộc mà họ phục vụ. Chúng tôi có nhiều thời gian để mổ xẻ những vấn đề này và nhận ra rằng chẳng có một quốc gia hay nền văn hoá nào là ưu việt và vượt trội hơn nền văn hoá của quốc gia khác. Chính Thiên Chúa đã ngỏ với Môi-sê : “Hãy cởi dép ngươi ra vì nơi ngươi đang đứng là Đất Thánh” (Xh 3,5), vậy thì lý do gì các nhà truyền giáo dám tự hào cho rằng mình là người ban phát nền văn minh cho kẻ khác khi chính mình chưa biết gì về văn hoá của dân tộc nơi mà họ đang phục vụ. Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng.
Sau khi được hướng dẫn để nhận ra con người của mình với những ưu, khuyết, chúng tôi bắt đầu thuyết trình và chia sẻ về những đề tài rất thời sự cho các nhà truyền giáo hiện đại : Mục vụ cho người di dân ở thành phố, mục vụ cho người thổ dân ở thôn quê và ứng nhập văn hoá.
Đề tài được các tham dự viên tập trung nhiều nhất là việc mục vụ cho người di dân ở thành phố. Xét theo một nghĩa nào đó thì tất cả mọi người trên thế giới này đều là người di dân! Công bình mà nói không ai muốn rời quê hương đất tổ của mình để sống ở một đất nước xa lạ, nơi mà đôi lúc họ bị đối xứ bất công và có khi bị kỳ thị nữa. Ngoại trừ một số nhân viên công vụ, các nhà truyền giáo, các du học sinh xuất ngoại, còn lại rất nhiều người khác rời bỏ xứ sở vì cơm áo gạo tiền, vì quốc gia gốc của họ thiếu công ăn việc làm, vì tham nhũng, hối lộ tại chính quốc, vì chiến tranh hay những vấn đề nhạy cảm về chính trị. Nhưng nhìn chung chẳng ai muốn bỏ nước ra đi mà chỉ luôn mong muốn được sống trong chính quê hương của mình nếu ở đó có sự bình an, tình liên đới và bảo đảm về đời sống vật chất cũng như về tinh thần.
Các thuyết trình viên cũng như các tham dự viên có thâm niên làm việc với những người di dân trong các thành phố lớn ở Âu châu và Hoa Kỳ đã chia sẻ những kinh nghiệm quí báu về kinh nghiệm làm việc với những người di dân. Chúng tôi được xem những thước phim tài liệu phỏng vấn những người Nam Mỹ đang làm việc tại các thành phố ở Ý, ở Tây Ban Nha và các nước Âu châu khác dù họ sống khá sung túc và nhìn từ bên ngoài họ có vẻ lịch thiệp, sang trọng nhưng trong lòng họ luôn khao khát ngày trở về đoàn tụ với gia đình tại chính quê hương đất tổ của họ. Trông người mà nghĩ đến ta. Tôi chợt cảm thấy buồn khi những người Việt thân yêu của mình đang làm việc vì miếng cơm manh áo tại Đài Loan, Malaysia, Thái Lan và một số nước Á châu khác bị ngược đãi, bị đối xử như những người nô lệ và cũng mong muốn trở về đoàn tụ với gia đình nhưng ước mơ đó biết bao giờ mới thực hiện khi mà giấy tờ tuỳ thân của họ bị những người chủ “tạm giữ”. Tôi được học hỏi rất nhiều kinh nghiệm quí báu trong những buổi thảo luận này.      
Trong những ngày này, chúng tôi cùng chia sẻ với nhau trong Thánh lễ, trong bàn ăn, trong các sinh hoạt thường ngày về những đặc tính văn hoá riêng biệt của từng vùng, từng quốc gia mà bấy lâu nay chỉ nghe trên sách vở. Các bài hát bất hủ mang đậm màu sắc và vũ điệu của Nam Mỹ như vũ điệu Samba, Lambada của Brazil, bài hát Bésame của Mexico, Guantanamera vùng Trung Mỹ… được trình diễn với những điệu nhảy phụ hoạ trong các buổi sinh hoạt dã ngoại khiến lòng người sản khoái sau những ngày làm việc căng thẳng.
Vị linh mục người Mexico từng làm việc ở Bolivia 7 năm, sau đó trở lại Mexico làm việc với người thổ dân da đỏ đã chia sẻ với chúng tôi một thánh lễ mang đậm tính thổ dân thật vui. Ngài cũng chia sẻ là những người Nam Mỹ đang định cư tại Hoa Kỳ đều được dán nhãn là người Mễ (Mexico) vì nói tiếng Mễ nhưng thật sự không phải vậy. Không hề có tiếng Mễ như tiếng Việt hay tiếng Anh nhưng hầu hết người Nam Mỹ nói tiếng Tây Ban Nha. Vị linh mục người Columbia gốc Phi châu và đang làm việc cho những người gốc Phi châu đen thui thủi (chỉ trừ hàm răng và các móng tay là trắng thôi) đã dâng thánh lễ theo truyền thống thổ dân của mình với áo lễ truyền thống giống như những giáo chủ Hồi giáo thật là ngộ và nghi thức kiểu rừng rú vừa có cái gì là lạ, vừa thú vị.
Tôi còn nhớ là trong thời gian thực tập trông coi các em học sinh nội trú ở Nha Trang, Việt Nam, một chị bếp rất ngạc nhiên và đã hỏi tôi khi nhìn thấy trên Truyền hình một giám mục da đen, : “Ông đen thui đó mà cũng làm giám mục hả thầy?” Lúc đó tôi phì cười và trả lời với chị rằng ổng da đen thì ổng cũng là con người như mình chứ có gì khác đâu ngoài màu da. Quả thực trong thế giới đại đồng nếu khi nào con người biết đối xử bình đẳng với nhau, tôn trọng nhau thì chắc chắn chúng ta sẽ không còn phân biệt màu da, tôn giáo và sẽ có một thiên đàng ở trần gian. Tuy nhiên, ước mơ đó xa vời quá. 
Phần tôi, khi giới thiệu cho họ về bộ quốc phục mà tôi đem từ Việt Nam qua khiến mọi người trầm trồ và ai cũng mong được chụp hình chung làm lưu niệm. Tôi cũng nói cho họ biếr rằng người Việt Nam chúng tôi dù trải qua trăm ngàn đau khổ, trải qua nhiều cuộc chiến nhưng người Việt chúng tôi luôn có tinh thần lạc quan và tin ở tương lai. Họ có vẻ cảm tình với người Việt Nam dù trong bản đồ truyền giáo thế giới hiện nay  Việt Nam chỉ là thiểu số so với quốc gia láng giềng Indonesia, dù là nước Hồi giáo nhưng họ đang có tiềm năng gởi các nhà truyền giáo đi khắp thế giới. Quả thực học được cái hay, dở của người khác và chia sẻ những cái hay, dở của mình cho người khác để cùng nhau học hỏi là điều mà khoá hội thảo này nhắm tới. Cũng từ đó khi trở lại với nơi phục vụ, mình không còn có định kiến hay chê bai những điều mà mình không bằng lòng từ bấy lâu nay. Đây quả thực là một lối tiếp cận mới trong lĩnh vực truyền giáo.    

Một chút ngoài  lề

            Ngoài những buổi hội thảo chính khoá, chúng tôi cũng có những buổi dã ngoại và tán gẫn với nhau về đủ thứ chuyện trên đời. Vị linh mục người Kenya có vẻ vui mừng vì ông tổng thống Mỹ đương nhiệm Obama có dòng máu Kenya. Mấy anh em người Indonesia lại hãnh diện vì tuổi thơ của Obama được đào luyện tại đất nước Hồi giáo này. Còn tôi nói đùa với họ là ông anh của tôi làm rất lớn. Họ hỏi làm gì? Tôi trả lời là làm vua. Họ hỏi ở đâu? Và tôi trả lời là ở trên trời, đó là anh Hai Giêsu. Mọi người đều cười vui vẻ.
Tôi rất ấn tượng trong một chuyến dã ngoại đến thăm di tích của các anh em Dòng Tên tại Misiones, nơi mà Bộ Phim Misiones (Truyền Giáo) nổi tiếng mà cách đây nhiều năm tôi đã được xem. Nhìn lại những nền đá đổ nát của các ngôi nhà nguyện, các trung tâm đào tạo vang bóng một thời của các nhà truyền giáo Dòng Tên và được xem lại những thước phim tái tạo qua màn ảnh hơi nước do kỹ thuật hiện đại thực hiện mới nhận ra được biết bao công khó của các bậc tiền bối đã đổ máu và nước mắt mới hình thành nên những vùng đất màu mỡ ngày nay.
Bởi thế, Nam Mỹ nói riêng và cả châu Mỹ nói chung luôn mang đậm dấu ấn của Kitô giáo từ các địa danh, văn hoá và tâm thức.  
Trong thời gian rảnh rỗi của khoá hội thảo, tôi cũng tranh thủ hỏi thăm các sinh hoạt và cuộc sống của người dân xứ này, cách riêng cũng mon men dò tìm những người Việt đang sinh sống và làm việc ở đây. Được biết có 2 linh mục Dòng Ngôi Lời thuộc tỉnh Dòng Mỹ đang làm việc ở đây và sẽ trở lại Mỹ trong thời gian tới. Cũng có 3 chủng sinh Ngôi Lời người Việt đang học ngôn ngữ và đều có những tiếng thơm cho người Việt.
            Tình cờ tôi có gặp được một số người Việt Nam vừa mới qua đây làm việc cho một nhà hàng của một ông chủ người Việt gốc Hoa và tôi nói chuyện với các bạn trẻ này. Vì mong muốn có được cuộc sống khá hơn nên các bạn đã qua đây để kiếm việc làm. Tôi có hỏi thăm đời sống của các bạn trẻ này và được biết các bạn cảm thấy hạnh phúc vì ông chủ của họ rất tốt bụng. Hy vọng những bạn trẻ này sẽ có nhiều cơ hội và may mắn hơn nhiều bạn trẻ đang làm việc tại các nước Á châu và tương lai của các bạn sẽ tươi sáng hơn.
            Khoá hội thảo 2 tuần đã trôi qua nhanh chóng và trước khi kết thúc, chúng tôi có bữa bữa tiệc chia tay đầy luyến tiếc. Những món quà lưu niệm và địa chỉ được trao cho nhau, những bài hát đậm tính Nam Mỹ lại cất lên để kết thúc khoá hội thảo. Chúng tôi không hề ký với nhau một hiệp ước, một nghị định hiệp thương nào nhưng chúng tôi cùng ký vào tâm khảm của nhau một bản tuyên ngôn sứ vụ là cố gắng làm những gì hết sức có thể trong tầm tay của mình để xây dựng một thế giới ngày càng tốt đẹp hơn. 

Argentina, 31 tháng 8 năm 2009

PARAGUAY – TRUYỀN GIÁO THỜI CÚM HEO



Truyền giáo thời cúm heo

            Căn bệnh rất quen nhưng lạ xảy ra cách đây mấy tháng khởi đi từ châu Mỹ và nay đã lan tràn khắp thế giới khiến cho nhiều quốc gia phải khốn đốn, và hầu như mỗi giờ Tổ Chức Y Tế Thế Giới phải cập nhập con số ca nhiễm mới và số tử vong về căn bệnh này. Con số tử vong ở vùng Nam Mỹ đã lên đến 800 và số người bị xem là dương tính cũng khá nhiều. Đất nước Paraguay nhỏ bé cũng có đến 10 ca tử vong về căn bệnh cúm heo hay cúm A H1N1. Có lẽ đây là lần đầu tiên đất nước nhỏ bé về dân số này hứng chịu căn bệnh mà họ nói đùa nửa tiếng Tây Ban Nha nửa tiếng Guaraní là bệnh Gripe Kuré (cúm lợn).
Và cũng có lẽ đây là lần đầu tiên tôi thấy người Paraguay biết đeo khẩu trang dù đó chỉ là chiếu lệ! Và cũng chính vì căn bệnh này mà chuyện truyền giáo có nhiều điều vui buồn mà tôi muốn chia sẻ một tý.
            Có lẽ mọi người sẽ bật cười khi tôi đặt tựa đề bài viết có tên là “Truyền giáo thời cúm heo”! Hãy nhìn vào tấm ảnh này khi mọi người đang chờ khám bệnh theo sự hướng dẫn của Bộ Y Tế. Dù đã được khuyến cáo là không nên tụ tập đông người để tránh lây nhiễm và phải đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người bệnh, họ không thể thích nghi với những cái mới lạ và khó chịu này.
Một số giáo phận cũng được cảnh báo là những người có triệu chứng bệnh cúm, dù không biết là cúm heo hay cúm gà thì nên ở nhà và trong thánh lễ mọi người không nên hôn chúc bình an với nhau như trước nữa. Linh mục cũng nói với họ là khi rước lễ thì nên rước bằng tay để giữ vệ sinh cho mình và cho người khác nhưng dường như những điều cảnh báo đó chẳng có gì đáng quan tâm. Khi chúc bình an thì họ vẫn choàng hôn nhau hình tam giác hình tứ giáo theo truyền thống của họ và vẫn rước lễ theo thể thức truyền thống bằng miệng và có một số người muốn đớp tay của linh mục luôn.
Từ tháng 7 đến nay vì là mùa đông nên trời chuyển lạnh dữ dội. Có những ngày nhiệt xuống dưới âm độ C và những vùng giáp ranh Argentina có tuyết rơi. Là linh mục dù trong phòng không có máy sưởi nhưng tôi có áo ấm, mền bông mà vẫn lạnh thấu xương trong khi đi ra đường, nhất là đến một số giáo điểm của người Paraguay sinh sống, nhìn thấy nhiều người không được ăn no mặc ấm như mình và nhà cửa thì bé tý tẹo trống trên, hở dưới giống như những túp lều tạm bợ của người miền Tây Nam bộ chất phát, thấy mà chạnh lòng. Mùa Đông cũng là mùa dễ lây lan bệnh cúm, chưa biết cúm gì nhưng khi hỏi thăm người dân thì họ nói chẳng quan tâm đến bệnh cúm heo, gà gì cả. Họ vẫn bình chân như vại và rất lạc quan trước những biến chuyển của thời đại. Nhìn thấy cuộc sống đơn sơ, bình thản, mộc mạc của những người dân chất phát quê mùa so với một số cộng đồng người gốc Âu châu trong cùng khu vực tôi phụ trách luôn bận rộn, lo lắng và bất an nhiều chuyện như là một bức tranh khảm đối nghịch nhau.
Trong những ngày tháng của đại dịch cúm heo này, phận vụ của một linh mục cũng khá nặng nề vì hàng ngày phải tiếp xúc với đủ hạng người giàu nghèo, lớn bé. Có tuần tôi phải cử hành an táng cho nhiều người chết vì bệnh cúm (chưa xác định là cúm gì!) và nhiều khi phải ngồi nghe xưng tội diện đối diện với nhiều con cá lớn từ lâu đã bỏ nhà thờ trong khi chính bản thân mình cũng bị cảm sốt và ho hen do cái lạnh hành hạ. Có lẽ do Chúa thương và ban ơn nên đến giờ vẫn chưa thấy triệu chứng gì của căn bệnh này. Hình như Chúa đã ban cho cái “ơn miễn nhiễm” để có thể chống chọi với nó vì nếu tôi mà nhiễm bệnh bây giờ thì cha bề trên và giám mục phải đi xin thêm một người mới và không biết bao lâu mới có được. Cụ thể là cha xứ người Ái Nhĩ Lan ở giáo xứ hàng xóm của tôi đã 74 tuổi phải phụ trách nhiều giáo điểm. Trước khi tôi chuyển đến thì ngài vẫn khoẻ mạnh và làm việc hăng say. Nhưng cách đây 2 tháng ngài đã bị đột quỵ và đến giờ cũng chưa có ai thay thế. Bởi thế Đức giám mục giáo phận và bề trên của tôi vi thấy tôi trẻ và sung sức hơn nên nhờ coi sóc giúp giáo xứ này cho đến cuối năm. Những ngày trong tuần tôi đồng hành với các chủng sinh và giúp cho các cộng đoàn trong giáo điểm của mình. Tuy nhiên các thứ 7 và Chúa Nhật tôi phải đến các cộng đoàn của giáo xứ hàng xóm để làm thuê. Có những ngày thứ 7 và Chúa Nhật mỗi ngày phải dâng 4 thánh lễ ở các nơi khác nhau đến phờ cả người. Nhiều khi cũng càm ràm với cha bề trên và muốn bỏ việc cho rồi nhưng thấy thương cho người giáo dân quá vì cả tháng hay hai tháng họ mới có thánh lễ một lần. Đời sống tâm linh của họ khá nguội lạnh vì thiếu vắng mục tử mà nếu mình bỏ thì họ lạnh tanh luôn. Thôi thì cố giúp được khi nào thì giúp vì chính thánh bổng mạng của các linh mục, thánh Gioan Maria Vianey, hàng ngày ngồi toà đến 16 giờ mà càm ràm gì đâu.

Đôi hàng bộc bạch

Con người sống cần có lý tưởng. Tôi cũng là con người sống với nhiều lý tưởng và luôn ước mơ những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Chính vì thế mà tôi đã xin trở thành một nhà truyền giáo trong Dòng Ngôi Lời để thực thi lý tưởng tốt đẹp đó.
Dòng Ngôi Lời là một cộng đoàn quốc tế mà trong đó các tu sĩ gồm linh mục và tu huynh thuộc đủ mọi quốc gia sống và làm việc với nhau. Tôi những tưởng đây là một kiểu mẫu của một cuộc sống tu trì hoàn hảo nhưng quả thực có những điều khá tế nhị mà nếu mỗi người không biết kiềm chế và vượt qua những tranh luận nhỏ nhặt thì dễ dẫn đến hậu quả khôn lường. Tỉnh Dòng Ngôi Lời Paraguay của chúng tôi có trên 30 quốc gia chung sống với nhau và mỗi quốc gia có một văn hoá khác nhau và mỗi người lại có mỗi tính tình khác nhau nên việc đụng chạm đến tự ái dân tộc hoặc là cá tính của từng người là một điều tối kỵ. Một lời nói không khéo dễ dẫn đến đỗ vỡ. Nhưng nếu cứ thinh lặng mãi thì bị cho là nhu nhược. Ví dụ chuyện xảy ra giữa Việt Nam và Trung quốc vừa qua là đề tài mà các tu sĩ ở đây muốn hỏi thăm và muốn biết thực hư thế nào vì họ cứ tưởng rằng người Việt Nam nói tiếng Hoa. Vị linh mục người Trung Hoa khoa trương và nói với họ rằng Việt Nam từng là một tỉnh của Trung quốc nên bây giờ chuyện họ muốn làm gì là quyền của họ. Không biết khi vị linh mục này học ở Trung quốc thì người ta đã dạy gì cho anh ta mà anh ta lại dám cao ngạo như vậy. Tôi bình thản chia sẻ với các tu sĩ bạn rằng nước Việt Nam chúng tôi tuy là một nước độc lập dù  nhỏ so với Trung Quốc nhưng chúng tôi có ngôn ngữ và chữ viết riêng, có 4 ngàn năm văn hiến và dù Trung Quốc đã từng dùng sức mạnh xâm chiếm đất nước chúng tôi nhưng chúng tôi đã đứng lên để chiến đấu và đã chiến thắng. Dân tộc Việt Nam chúng tôi luôn mong muốn hoà bình nhưng vì nước láng giềng của chúng tôi cứ muốn lấn chiếm và làm khổ người dân chúng tôi. Tôi đi tu không muốn dính dáng gì đến chính trị chính em nhưng nếu cần tôi sẵn sàng làm tất cả để nói lên tiếng nói yêu nước của một người Việt Nam. Sau những lời chia sẻ đó, vị linh mục người Trung Hoa lục địa có vẻ bực tức với tôi lắm nhưng chẳng làm gì được tôi. Tôi sẽ sẵn sàng đối thoại với anh ta nếu anh ta gặp tôi nhưng các buổi họp kế tiếp anh ta chẳng thèm chào tôi nữa.
Thế đó, cuộc sống truyền giáo không dễ dàng chút nào, lại càng khó khăn hơn với những nhà truyền giáo quốc tế vì vừa phải theo tôn chỉ Hội Dòng, vừa phải bảo tồn và gìn giữ chính văn hoá của mình. Anh em ruột thịt còn bất đồng với nhau huống gì chúng tôi là người xa lạ. Sắp tới đây tôi sẽ đi dự một khoá hội thảo quốc tế của các nhà truyền giáo toàn châu Mỹ về Đối Thoại Ngôn Sứ tại một nước Nam Mỹ, và dịp này tôi có thời gian để chia sẻ một chút về nét đẹp của văn hoá Việt Nam.
Hôm nay ngồi viết những dòng tâm sự này đúng dịp lễ thánh Gio-an Vianey, quan thầy của các linh mục. Mới tuần trước sau khi dạy học cho các chủng sinh xong và chợt nhìn vào gương, thấy có gì trăng trắng trên đầu và tưởng là bụi phấn, nhưng phủi mãi chẳng thấy rơi xuống. Nhìn kỹ thì mới biết là tóc đã chuyển màu. Té ra mình bắt đầu có tóc bạc! Hơi buồn một tý vì lâu nay mình cứ tự hào với anh em cùng lớp là mình có mái tóc đen tuyền. Điện thoại báo cho cha bạn cùng làm việc ở Paraguay biết và hỏi cha bạn thế nào về tóc, cha bạn trả lời tóc của anh ta càng ngày càng bị rụng nhiều giống như cha thánh Vianey! Người xưa đã nói rất đúng : Sanh-Lão-Bệnh-Tử. Mình mới đi tới bước 3 là Sanh-Lão-Bệnh, và không biết bao giờ qua bước thứ 4, Tử! Xin phó thác cho Chúa và xin chúc mừng tất cả các anh em linh mục trong ngày lễ quan thầy của chúng ta.         

             Paraguay, áp lễ thánh G. Maria Vianey,