Thursday, December 25, 2014

PARAGUAY – MỘT NĂM NHÌN LẠI




Giáo Hội Công giáo Paraguay vừa có thêm 2 Giám Mục mới được thụ phong vào hai ngày thứ Bảy và Chúa Nhật vừa qua để thay thế cho một vị Giám mục về hưu ở tuổi 79 tại một Giáo phận miền Nam của Paraguay giáp với Argentina, và vị kia thay thế cho vị Giám mục bị bãi chức hồi tháng 9 tại một Giáo phận miền Đông giáp với Brazil. Cả hai Tân Giám mục đều là tu sĩ truyền giáo không phải là người bản xứ. Với sự bổ nhiệm mới này thì Giáo hội Paraguay hiện giờ có đến 5 vị Giám Mục người nước ngoài cùng chăm sóc mục vụ trong số 11 Giáo Phận Chính Tòa, 2 Giáo Phận Tông Tòa và một Giáo Phận Tòng Nhân.
Thời đại thông tin bùng nổ rất nhanh làm cho đất nước nghèo và lạc hậu đứng thứ 2 Nam Mỹ như Paraguay này cũng đi vào quỹ đạo của sự thay đổi. Còn nhớ ngày nào chúng tôi mới đặt chân đến Paraguay thì người dân còn chưa biết nhiều về Internet hay những kỹ thuật thông tin hiện đại, mà nay Internet đã đi vào từng ngõ ngách và giới trẻ đã dùng các mạng xã hội cách thuần thục mà không cần học qua trường lớp nào. Nhiều người dùng đến 5 cái điện thoại chưa kể vi tính, Ipad… Công nghệ hiện đại đã làm cho con người từ thành thị đến nông thôn thay đổi cách chóng mặt, và cũng nhờ công nghệ hiện đại này mà trước đây những điều được cho là cấm kỵ, bị che giấu thì nay phơi bày mỗi ngày cách công khai trong một quốc gia dân chủ và đa phần người dân chưa biết chọn lọc thông tin và chưa trưởng thành đủ trong cách đón nhận thông tin.
Trong khi các quốc gia vùng Bắc Mỹ như Hoa Kỳ, Canada và các quốc gia Âu châu và Á châu đang là mùa Đông và người ta đang chuẩn bị tưng bừng đón Giáng Sinh, thì ở Paraguay và các nước Nam Mỹ đang làm mùa Hè nắng nóng nên nhiều gia đình khá giả đã có những chuyến đi du lịch ở Cancun, Mexico hay São Paolo, Brazil để tắm biển vì Paraguay không có biển. Bởi thế bên này chẳng có một chút gì không khí Giáng sinh vì các linh mục người bản xứ thường về với gia đình để nghỉ Hè vì đây là phong tục của họ nên các linh mục ngoại quốc thường phải ở lại với đoàn chiên và cùng họ tổ chức mùa Giáng sinh dù không nhộn nhịp nhưng phần nào giúp họ hiểu thêm về Mậu Nhiệm Con Chúa Giáng Trần.
Những ngày cuối năm cũng là dịp hè ở các trường học, công sở nên người ta có thời gian nghỉ hè và được nhận lương tháng 13 (lương phụ trội). Những nhân viên làm việc trong các cơ sở tôn giáo như Dòng Tu, Giáo xứ, Tòa Giám mục… thì được nghỉ một tháng và nhận được gấp đôi lương, cộng thêm quà Giáng sinh để vui vẻ với người thân và cũng là dịp để đi đây đó thưởng thức kỳ hè của họ. Chúng tôi nhận thấy đây là một việc rất công bằng dù có nhiều người so sánh rằng làm việc nhà Chúa thì không phải trả lương! Chúng tôi có nghe đâu đó ở Việt Nam một số chị giúp việc cho nhà Xứ hay một vài tu viện không được trả lương tương xứng, chẳng được nghỉ ngày nào trong tuần và nếu có đau yếu cũng chẳng có bảo hiểm y tế gì cả. Chúng ta không thể nói đến bác ái nếu chưa thực thi đức công bằng. Nhiều người Công giáo Việt Nam rất hảo tâm và cho rằng được phục vụ các cha, phục vụ nhà Xứ, nhà Dòng là một ân huệ lớn. Điều đó đúng, nhưng những vị hữu trách cũng cần có sự công bằng với người làm công vì những người phục vụ trong nhà Xứ như các bà nội trợ, nhiều khi phải bỏ tiền túi để mua thức ăn và nấu ăn thật ngon để khỏi phật lòng cha, trong khi cha lại không hề quan tâm đến gia đình họ sống chết thế nào. Ở bên này tuy so với Việt Nam thì còn thua kém nhiều thứ, nhưng khi chấp nhận một người làm việc trong Giáo xứ hay trong Tu Viện thì phải làm hợp đồng đàng hoàng và phải trả bảo hiểm hàng tháng cho họ. Họ cũng được nghỉ vào các thứ Bảy, Chúa Nhật và những ngày lễ của quốc gia. Họ cũng được nghỉ khi đau ốm và có giấy của bác sĩ. Nhiều khi lúc mình rất cần vì có nhiều khách hay các lễ lạc nhưng phải thuê người. Lúc đầu chúng tôi cũng cảm thấy khó chịu vì lúc mình cần thì họ lại không đến và so sánh với giáo dân Việt Nam và cho rằng giáo dân ở đây coi thường người đi tu nhưng chúng tôi quên mất một điều là sự công bằng.
Ở Việt Nam thật là may mắn vì có nhiều Dòng Tu Nam, Nữ và các Dòng Tu thuộc Giáo Phận thường xem việc giúp Giáo xứ là một đặc ân. Chúng tôi thấy các cộng đoàn Nữ tu thật năng nổ giúp các cha xứ nào là lo phòng Thánh, giặt ủi đồ lễ, cắm hoa, dạy giáo lý, giúp ca đoàn… một cách vô tư và không hề nhận bất cứ một đồng lương nào. Trong khi đó, nếu chẳng may không hiểu ý cha xứ hay có điều gì không làm vừa lòng ngài thì còn bị la rầy và thậm chí bị cho về khi cha xứ “mách” với bề trên. Ở bên này thì không như thế vì mỗi Dòng Tu đều có một đặc sủng riêng và dĩ nhiên đều phục vụ, nhưng nếu cha xứ nào cần thì liên hệ trực tiếp với bề trên và làm hợp đồng có thời hạn. Chúng tôi biết rằng mọi so sánh đều khập khiễng nhưng cứ xem những sứ điệp và những bài chia sẻ của Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô gần đây thì sẽ thấy Ngài luôn nhấn mạnh đến đức công bằng, bác ái và nhạy cảm trước những thống khổ của người khác. Người tu trù không nên dửng dưng đối với người khác. Trước khi nói đến bác thì thì người tu trì phải thực thi đức công bằng và những người làm công cho mình là những người mình phải thực thi công bằng trước hết.
Chúng tôi còn nhớ vào năm 2010, trong chuyến đi Mỹ thăm người thân và cùng đồng tế với các linh mục Việt Nam tại nhà thờ St. Mary của Giáo phận Oakland, trước khi tiến ra bàn thờ, vị chủ tế có nói mỗi cha nên chuẩn bị một phong bì có tiền, không quan trọng là nhiều hay ít để khi đến phần “xin cảo” thì các cha sẽ là những người đầu tiên bỏ vào cảo để làm gương cho người khác. Lúc đầu chúng tối thấy hơi lạ nhưng dần rồi cũng quen vì nhiều khi những người đi tu cứ nghĩ rằng giáo dân mới là những người phải đóng góp vì người đi tu đã từ bỏ tất cả rồi thì không phải đóng góp gì cả. Thật vậy, trên đời này không ai nghèo đến nỗi không có gì để chia sẻ với người khác. Nói người đi tu nghèo thì sao nhiều người có điện thoại xịn, có xe hơi, có vi tính, Ipad… Nhìn lại chính bản thân mình thấy mình giàu lắm nhưng lại thờ ơ, dửng dưng trước những thống khổ của người khác và nhiều khi lỗi đức công bằng.
Mấy ngày nay tiếp đón và tâm sự với một em tu sĩ trẻ người Paraguay đi thực tập truyền giáo ở Ghana, châu Phi trở về. Chỉ mới hai năm ở châu Phi nhưng em đã bị sốt  rét Malaria hành hạ và phải đưa em đi xét nghiệm tổng quát để điều trị vì căn bệnh này không thể khỏi hẳn và sẽ hành hạ suốt cuộc đời còn lại của người có căn bệnh này.
Anh em tu sĩ trẻ này đã tâm sự rằng sau hai năm thực tập truyền giáo ở châu Phi trước khi trở về tiếp tục việc học và chịu chức linh mục, mới thấy thấm thía ơn gọi truyền giáo và em thú nhận rằng ngày chúng tôi mới đến Paraguay, lúc đó em là chú đệ tử mới vào Dòng, em vẫn không hiểu gì mấy về các nhà truyền giáo và không quí mến, trân trọng họ và luôn luôn kỳ thị với người nước ngoài. Nhưng đến giờ em mới cảm thấy phục sát đất những người đã từ bỏ quê hương, phong tục, tập quán để đến sống và làm việc cách tự nguyện với một nơi hoàn toàn xa lạ với mình. Em kể rằng hai năm ở Ghana, châu Phi mà em cứ ngỡ rằng như 20 năm vì ngôn ngữ, khí hậu, thức ăn… quá khác với quê hương mình. Em bộc bạch rằng dù người dân ở đó rất thân thiện và yêu mến những người đi tu nhưng em vẫn cảm thấy xa lạ dù đã cố gắng hội nhập. Tuy nhiên em cũng nhận ra một điều là nếu mình cứ ngồi đó mà than vãn thì sẽ chẳng giải quyết được gì mà lại còn khổ tâm hơn nên em đã viếng thăm mọi người dù không hiểu thổ ngữ của họ nhưng bằng cử chỉ yêu thương, phục vụ nên em đã dần lấy được cảm tình của họ và đối với em trong hai năm thực tập ấy là kinh nghiệm quí giá cho đời sống truyền giáo trong tương lai của em.
Một vị kinh lý Tổng quyền của Dòng từ Rô-ma khi viếng thăm các quốc gia châu Phi nơi các nhà truyền giáo Dòng Ngồi Lời làm việc đã tâm sự rằng ở châu Phi không cần những nhà truyền giáo có bằng cấp cao hay thông minh xuất chúng, nhưng ở đó cần những nhà truyền giáo có cái tâm, biết yêu mến người nghèo và nhất là biết dấn thân phục vụ là lời giảng hùng hồn nhất như một câu ngạn ngữ đã nói : “El corazón es más feliz cuando late para los demás” (Con tim sẽ hạnh phúc hơn khi nó giúp người khác cùng đập).
Chỉ còn một ngày nữa là thế giới sẽ đón mừng Giáng Sinh. Ở Việt Nam và nhiều nơi khác trên thế giới nơi có cộng đồng người Việt sinh sống thì mọi người rất náo nức đón mừng Giáng Sinh. Bên Paraguay cũng có một sốt nhà truyền giáo người Việt nhưng lại đón Giánh sinh rất âm thầm vì “Đêm Hè, trời nóng Chúa Sinh ra đời…”. Xin chúc mừng Giáng Sinh và Năm Mới tất cả mọi người. Feliz Navidad y Bendecido Año Nuevo 2015. (https://www.youtube.com/watch?v=ycc2Psszg-Y&feature=youtu.be)
Paraguay, 23 tháng 12 năm 2014
Lm. Antôn trần Xuân Sang, SVD.

Saturday, December 6, 2014

PARAGUAY – CHÚT TẢN MẠN MÙA VỌNG 2014


 Tản mạn Mùa Vọng


          Hôm nay ngày 30 tháng 11, kết thúc tháng Các Linh Hồn nhưng lại là ngày Chúa Nhật thứ I Mùa Vọng, bắt đầu một năm phụng vụ mới của người Công giáo. Tuần lễ này người Paraguay đi hành hương viếng Mẹ Caacupe được long trọng mừng kính vào ngày 8 tháng 12 hàng năm ở Vương Cung Thánh Đường Caacupe cách thủ đô Paraguay khoảng 60km về hướng Đông. Thời tiết Paraguay mùa này nóng kinh khủng nhưng không vì thế mà làm chậm bước tiến của khách hành hương viếng Mẹ, vì thiếu Mẹ Caacupe trong đời sống tinh thần của họ coi như thiếu tất cả.


          Có một vài anh em linh mục người Âu châu làm việc ở đây thỉnh thoảng khích bác hay phê phán cách giữ đạo thiếu khoa học của người dân chất phát ở đây vì lúc nào cũng nhắc đến Đức Mẹ, và chính bản thân tôi cũng có lần phê phán là người dân ở đây giữ đạo thờ ơ, nhưng dần dần ở lâu chúng tôi mới hiểu về phong tục tập quán của một dân tộc có phần nào giống như người Việt Nam mình là “Đạo Thờ Mẫu”. Cũng chính nhờ những dịp lễ có dính dáng về Đức Mẹ như lễ Mẹ Lên Trời, lễ Truyền Tin, lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm (Nay là lễ Mẹ Caacupe của người Paraguay) mà nhiều người từ lâu “quên” đạo hay đã chuyển qua đạo khác, nay về với Mẹ để được gặp Chúa.

         Sứ điệp Lời Chúa trong Chúa Nhật thứ I Mùa Vọng năm B mời gọi chúng ta hãy tỉnh thức và sẵn sàng vì chúng ta không biết ngày nào, giờ nào Chúa sẽ đến thăm và gọi từng người chúng ta. Tỉnh thức là một thái độ cầu nguyện ở mức độ thâm sâu và thực chất. Tỉnh thức là một cách sống hoàn toàn trong ý thức liên tục quy hướng về ông chủ chính là Thiên Chúa và nhiệm vụ mà Người trao phó cho chúng ta. Người đầy tớ tỉnh thức là người luôn luôn đặt mình trong ý thức về tư cách của mình là người phục vụ ông chủ và thi hành một cách tốt nhất nhiệm vụ mà ông trao phó cho mình. Khi ông chủ đi xa, người đầy tớ dễ bị cám dỗ quên ông và quên nhiệm vụ ông trao phó, từ đó hành xử như thể mình là ông chủ, theo hướng riêng của mình từng lúc. Người đầy tớ tỉnh thức sẽ luôn luôn gắn kết cuộc sống mình với ông chủ và luôn luôn sẵn sàng trả lời ông về việc thực hiện nhiệm vụ mà ông đã trao phó cho mình. Khi Chúa Giêsu nói các môn đệ của Người phải tỉnh thức như các đầy tớ trong dụ ngôn phải tỉnh thức, là Người muốn nhấn mạnh đến thái độ sống đó, chứ không phải là một sự canh thức về phương diện thể lý đơn giản. Lời mời gọi tỉnh thức và sẵn sàng của Chúa Giê-su khởi đầu Mùa Vọng không chỉ dành riêng cho các môn đệ, cho các linh mục tu sĩ nhưng là cho tất cả mọi người không trừ một ai: “Điều Thầy nói với anh em đây, Thầy cũng nói với hết thảy mọi người là: phải tỉnh thức!” (Xc. Mc. 13,37). Đây là một lệnh truyền được ngỏ với các môn đệ thân tín, sai họ đi thông truyền cho tất cả mọi người điều mà Chúa Giêsu đang nói với họ để mọi người đều tỉnh thức đón chờ Ngài đến hoàn thành công trình cứu độ của Ngài.


Năm Về Đời Sống Thánh Hiến


          Cũng trong chiều hướng đó, năm nay Giáo Hội đã mời gọi mọi người cầu nguyện cho các bậc tru trì và chính Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã công bố từ Chúa Nhật thứ I Mùa Vọng năm nay đến hết ngày 2 tháng 2 năm 2016 nhằm lễ Dâng Chúa Giê-su vào Đền Thánh là Năm về Đời Sống Thánh Hiến. Trong một lá thư khá dài của Đức Thánh Cha Phan-xi-cô công bố hôm 28-11-2014 và gửi đến những người nam nữ thánh hiến, nhân dịp Năm về Đời Sống Thánh Hiến, ngài kêu gọi kiểm điểm ơn gọi, dấn thân canh tân đoàn sủng, tăng cường tình hiệp thông, đi tới các khu ngoại ô của cuộc sống, quan tâm giúp đỡ những người nghèo vì ngài đã từng nhấn mạnh là Giáo Hội của Chúa Ki-tô phải là Giáo hội của những người nghèo.

Trong số những mong đợi Đức Thánh Cha đề ra trong Năm về Đời Sống Thánh Hiến, ngài mong muốn rằng nơi nào có các tu sĩ, thì nơi đó có niềm vui: “Chúng ta được kêu gọi cảm nghiệm và chứng tỏ rằng Thiên Chúa có thể làm cho tâm hồn chúng ta được sung mãn và làm cho chúng ta được hạnh phúc, chúng ta không cần tìm hạnh phúc ở nơi khác; ước gì tình huynh đệ chân thành trong cộng đoàn chúng ta nuôi dưỡng niềm vui của chúng ta”.

Mong đợi thứ hai của Đức Thánh Cha là ngài muốn các tu sĩ thức tỉnh thế giới, trở thành những ngôn sứ làm chứng về cách thức Chúa Giêsu đã sống trên trái đất này. Không bao giờ tu sĩ được từ bỏ sứ vụ ngôn sứ của mình.

Mong đợi thứ ba là linh đạo hiệp thông trở thành thực tại trong các cộng đoàn và những người thánh hiến đi hàng đầu trong việc đương đầu với thách đố biến Giáo Hội thành nhà và là trường hiệp thông. Đức Thánh Cha viết: “Tình hiệp thông được thực thi trước tiên giữa lòng các cộng đoàn dòng tu liên hệ. Về điểm này, tôi mời gọi anh chị em hãy đọc lại những lời mà tôi thường lập lại, đó là: những lời phê bình, nói hành nói xấu, ghen tị ghen tương, đố kỵ, là những thái độ không có quyền được ở trong các nhà của chúng ta. Sau khi đặt tiền đề đó, con đường bác ái mở ra trước mắt chúng ta hầu như là vô biên, vì đây là vấn đề theo đuổi sự đón tiếp và quan tâm đối với nhau, thực thi sự hiệp thông của cải vật chất và tinh thần, sửa lỗi cho nhau, tôn trọng những người yếu hơn.. 'Sống chung với nhau, thật là một khoa thần bí'.

Sau cùng, Đức Thánh Cha kêu gọi mọi thành phần Giáo Hội, nhất là những người thánh hiến, hãy ra khỏi mình để tới các vùng ngoại ô của cuộc sống, đáp ứng những mong đợi của thế giới. Ngài viết: “Có cả một nhân loại đang chờ đợi, những người đã mất hết mọi hy vọng, các gia đình gặp khó khăn, các trẻ em bị bỏ rơi, người trẻ bị chặn mất mọi tương lai, bệnh nhân, người già bị bỏ rơi, người giàu đầy dư của cải, nhưng tâm hồn trống rỗng...”.

Tiếng Việt rất hay khi chỉ cần đảo chữ là thay đổi nghĩa hoàn toàn. Chúa mời gọi mọi người chúng ta hãy “tỉnh thức” đế ‘thức tỉnh” lương tâm thế giới. Chính Đức Thánh Cha đã mời gọi những người tu trì thức tỉnh thế giới, trở thành những ngôn sứ làm chứng về cách thức Chúa Giêsu đã sống trên trái đất này.

Bởi thế, Mùa Vọng hàng năm không chỉ là mùa để chuẫn bị lễ Noel với những chương trình Hoan Ca Giáng Sinh hoành tráng hay tô điểm các Hang Đá hiện đại với những ánh đèn lộng lẫy ở vùng Bắc Mỹ hay châu Á, trong đó có Việt Nam. Mùa Vọng còn phải là mùa của một sự thay đổi vì Chúa đã đến để làm cho con người hạnh phúc nhưng chính con người lại thích làm khổ nhau qua chiến tranh, hận thù và khích bác lẫn nhau. Những người tu sĩ được mọi gọi sống tâm tình Mùa Vọng cách tích cực hơn trong Năm về Đời Sống Thánh Hiến như trong thư của vị Tu sĩ Dòng Tên là Giáo Hoàng đương kim Phan-xi-cô đã mời gọi.



Đại Hội Tỉnh Dòng Ngôi Lời Paraguay


Hàng năm cứ vào tuần cuối cùng của tháng 11 thì chúng tôi thường có Đại Hội toàn Tỉnh Dòng để qui tụ tất cả các nhà truyền giáo Ngôi Lời đang làm việc tại Paraguay nhằm đánh giá những việc đã làm để rút kinh nghiệm và cũng để được nghe những thông tin từ Bề trên Giám tỉnh và tin tức từ Tổng quyền. Năm nay, trùng với chuyến thăm của vị Cố vấn Tổng quyền đến từ Rô-ma nên anh em được biết những tin tức trực tiếp và những đường hướng mới cho các dự án truyền giáo đến năm 2.018 khi Dòng có Tổng Tu Nghị đề bầu bề trên Tổng quyền mới.

Ngoại trừ các nhà truyền giáo lớn tuổi hay bệnh tật không thể tham dự được, đa số các thành viên đều có mặt để tham dự kỳ đại hội thường niên của Tỉnh Dòng để hâm nóng tình huynh đệ vì một năm chỉ có vài dịp gặp nhau. Tỉnh Dòng Ngôi Lời ở Paraguay hiện nay có đến 25 quốc tịch khác nhau và dĩ nhiên có những bất đồng về văn hóa, chủng tộc là không tránh khỏi. Tuy nhiên vì là Dòng Quốc tế, anh em luôn hạn chế tối đa  để tránh những mâu thuẫn, những điều mà có thể gây hiểu lầm không đáng có để sống một đời sống chứng nhân vì nếu giữa các tu sĩ cứ hục hặc với nhau thì ai có thể nghe được những lời họ ra giảng về yêu thương, tha thứ! Vị cố vấn Tổng quyền khá hài lòng trong chuyến kinh lý 7 tuần ở Paraguay dù ngài có chia sẻ rằng dĩ nhiên vẫn còn có những bất đồng, những hiểu lầm không đáng có trong đời sống cộng đoàn. Cũng trong đại hội lần này thì một số anh em đã có bài sai mới trong năm tới trong đó có tôi sau nhiều năm làm trong lĩnh vực đào tạo thì năm tới có thể sẽ chuyền sang lĩnh vực khác. Dĩ nhiên có người vui, kẻ buồn khi nhận bài sai vì “bài sai” thì có bao giờ “đúng” đâu!

Hôm nay cũng là ngày kết thúc tháng Các Đẳng Linh Hồn. Xin Chúa cho các linh hồn thân quen, nhất là linh hồn Má con vừa tròn hai năm tạ thế được hưởng tôn nhan Chúa. Xin cầu chúc mọi người sống tâm tình Mùa Vọng sốt sắng để đón mừng Chúa Giáng Sinh sắp tới.

Paraguay, 30 tháng 11 năm 2014 – Chúa Nhật I Mùa Vọng B

Lm. Antôn Trần Xuân Sang, SVD.