Saturday, September 23, 2017

HÒA LAN– TẢN MẠN MÙA THU

Trong những ngày vừa qua thế giới phải trải qua những thảm họa thiên nhiên khủng khiếp và nhiều người cho rằng đây có lẽ là những dấu chỉ cho ngày tận thế. Cơn bão thế kỷ có tên là Maria tại Puerto Rico, một lãnh thỗ thuộc Mỹ đã làm thiệt hại biết bao nhiêu người, ngập úng trên diện rộng, toàn bộ vùng này bị mất điện và tàn phá biết bao cơ sở vật chất. Rồi mấy ngày qua ở Mexico với hai trận động đất liên tục đã làm biết bao người thiệt mạng và nhiều người đang than khóc, ngóng tin người thân của mình đang mất tích hay mắc kẹt ở đâu đó khi những tòa nhà sập xuống và bị đất chôn vùi. Trong khi đó, những người dân ở miền Trung Việt Nam đang khắc phục hậu quả của cơn siêu bão số 10 đã làm tan hoang ruộng vườn, nhà cửa. Bước vào mùa Thu năm nay sao cảm thấy đăng đắng trong lòng khi phải xem và nghe những cảnh tượng điêu tàn xảy ra hàng ngày, nhất là trên chính mảnh đất quê hương mình.
Người ta nói mùa Thu là mùa đẹp nhất trong năm vì nó là giai đoạn chuyển tiếp từ mùa Hạ qua mùa Đông, và có lẽ cũng vì thế mà mùa Thu được gợi hứng để cho thi ca, âm nhạc và nghệ thuật phát triển. Trong văn hóa phương Tây, người ta nhân cách hóa mùa thu như là một người đàn bà đẹp, khỏe mạnh được trang điểm bằng các rau quả và ngũ cốc đã chín vào thời gian này. Phần lớn các nền văn minh cổ đại đều đề cao các lễ hội thu hoạch trong mùa thu, thông thường là quan trọng nhất trong các loại lịch của họ. Vẫn còn tiếng vang trong số các lễ hội này là: Lễ tạ ơn (Thanksgiving) vào cuối mùa thu ở Hoa Kỳ  Canada, lễ hội Sukkot của người Do Thái với nguồn gốc của nó như là lễ hội trăng tròn mùa thu hoạch của "hòm thánh" (trong các túp lều ở đó các sản phẩm đã thu hoạch được chế biến và sau đó có được tầm quan trọng mang tính tôn giáo), nhiều lễ hội của thổ dân Bắc Mỹ gắn liền với các thức ăn từ các loại cây quả đã chín thu hoạch được từ tự nhiên hay Tết Trung thu của người Trung Quốc, Việt Nam v.v và nhiều lễ hội khác. Tâm trạng chủ yếu trong các lễ hội mùa thu này là niềm vui sướng vì một mùa thu hoạch bội thu cũng như phảng phất nỗi buồn vì thời tiết khắc nghiệt sắp đến. Tưởng nhớ tới tổ tiên cũng là một chủ đề phổ biến của các lễ hội này.
Mùa Thu đẹp, mùa Thu đầy chất thơ, nhạc, nghệ thuật… nhưng mùa Thu năm nay thật ảm đạm khi phải chứng kiến những thảm họa thiên nhiên kinh hoàng khiến nhiều người lo sợ không dám nghĩ đến nữa.
Tại Hòa Lan những ngày qua thời tiết cũng thất thường lúc mưa, lúc nắng chỉ trong một buổi sáng và có những ngày gió rất mạnh và đường xá trơn trợt do mưa phùn khá nguy hiểm nên người ta cũng sợ tai nạn xảy ra khi lưu thông trên đường dù chính quyền đã tính toán và nghiên cứu kỹ lưỡng những bất trắc có thể xảy ra. Tuy nhiên người tính không bằng trời tính vì thỉnh thoảng cũng có những sự cố xảy ra ngoài sự suy đoán.
Mới đó mà đã gần 4 tháng chúng tôi sống ở miền đất này. Từ lạ lẫm, khó khăn vào những ngày mới đến, nay dần dà trở nên quen thuộc với những con đường, những chuyến xe bus, Metro hay tàu điện vì mình phải đi hàng ngày, đến những giọng nói của người bản xứ mà trước đây mình nghe chẳng hiều gì nhưng nay bắt đầu “thấm” và hiểu ra họ muốn nói gì với mình. Chúng tôi cũng vừa mới bắt đầu bước vào trường đại học ngoại ngữ sau khi trải qua một kỳ thi không dễ dàng vì mình chỉ học một thời gian khá ngắn và gấp rút vì nếu không thì năm tới mới có khóa mới. Cặm cụi học hành và làm những công việc nhà từ thứ hai đến thứ sáu như một cậu học trò ngoan và chỉ có thể làm việc mục vụ giúp cho các cộng đoàn nói tiếng Anh, tiếng Tây Ban Nha và tiếng Việt vào các ngày thứ Bảy và Chúa Nhật. Vui nhất là cộng đoàn nói tiếng Tây Ban Nha vì họ đến đây từ nhiều nước khác nhau như Columbia, Venezuela, Chile, Mexico, Santo Domingo… vì họ cứ tưởng chúng tôi là dân Nam Mỹ vì nước da ngăm ngăm của chúng tôi và có phong cách giống họ. Họ rất mong muốn chúng tôi sớm xong khóa học tiếng Hòa Lan như là một điều kiện đủ để sau đó có thể làm việc trực tiếp với họ vì chính phủ Hòa Lan yêu cầu những người đến làm việc tại đây phải biết nói tiếng Hòa Lan. Thi thoảng chúng tôi cũng giúp một số thánh lễ cho cộng động người Việt vì họ ở rãi rác khắp đất nước nên cha Quản nhiệm của họ không thể đến thường xuyên với họ được. Chúng tôi cũng vừa tổ chức ngày lễ thành lập Hội Dòng tại cộng đoàn chúng tôi vào tuần lễ thứ hai của tháng 9 với sự tham dự của những người bạn Hòa Lan và Việt Nam thật sốt sắng. Sau thánh lễ, mọi người cùng nhau dùng bữa cơm huynh đệ do mỗi gia đình tham dự đem đến chia sẻ và cùng hát cho nhau nghe dù không hề chuẩn bị hay tập dợt trước. Những người bạn Hòa Lan rất cảm động và vui vẻ khi được tham dự thánh lễ bằng tiếng Việt và được nghe những bài thánh ca du dương Việt Nam. Họ cũng khen những món ăn Việt rất ngon và mong muốn được tham dự những lần kế tiếp.
Chúng tôi cũng tranh thủ học lại lý thuyết và thực hành để thi lại bằng lái xe dù chúng tôi đã lái xe ở Nam Mỹ 10 năm qua. Luật lệ giao thông ở đây khá phức tạp và có được một tấm bằng lái xe ở đây phải nói là dày công khổ luyện và rất tốn kém. Cũng may là có một số người có lòng tốt từng là giảng viên trường lái đã giúp đỡ chúng tôi trong việc hướng dẫn các kỹ thuật và một số mẹo vặt để chúng tôi chuẩn bị bước vào kỳ thi vì nếu không phải mất khá nhiều tiền. Chúng tôi thiết nghỉ là nếu mình có ơn Chúa vì luôn biết đối xử tốt với mọi người thì người ta sẽ đối xử tốt với mình lúc mình gặp khó khăn.
Hôm nay giáo hội mừng lễ thánh Pio Pietelcina hay còn gọi là thánh Pio Năm Dấu Thánh. Ngài là một trong những vị thánh đương thời được coi là đã làm nhiều phép lạ nhất trong thế kỷ XX nhưng có thể được xem là một vị thánh bị hiểu lầm nhất bởi các vị bề trên của ngài và ngay cả hàng giáo phẩm cao cấp nhất thời bấy giờ. Tuy nhiên, thánh Pio vẫn đón nhận tất cả những hiểu lầm, những đau khổ ấy để bắt chước Đức Kitô để rồi sau cùng ngài đã được phần thưởng và phục hồi phẩm giá khi Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolo II đã nâng ngài lên bậc hiển thánh vào năm 2002.
Hôm nay cũng là ngày kỷ niệm chúng tôi chào đời cách đây bốn mươi mấy năm. Mỗi năm đến ngày này mình thấy buồn hơn lài vui vì nhìn lại mình thấy mỗi ngày một già đi, bớt nhanh nhẹn, bớt năng động hơn. Sinh, lão, bệnh tử là thế đó. Cố tổng thống Mỹ J. Kenedy lúc nhận chức là đúng 44 tuổi, còn mình bây giờ hơn tuổi ông ấy mà vẫn phải đi học tiếng Hòa Lan! Tuy nhiên chúng tôi nghĩ sống lâu chưa chắc là sống nhiều, mình phải cố gắng sống sao cho ngày mình rời bỏ thế gian này có người còn thương khóc, còn nhớ đến hơn là để người ta nguyền rủa, căm hờn. Cảm ơn mọi người đã nhớ đến và gởi những lời chúc mừng, những cánh thiệp trong ngày sinh nhật. Xin tiếp tục cầu nguyện cho chúng tôi để chúng tôi sống đúng với vai trò và trách nhiệm của mình. Xin thánh Pio Năm Dấu Thánh cầu bầu cùng Chúa cho con được luôn trung thành với ơn gọi này.        
Viết tại Schiedam – Hòa Lan, 23/0 9/2017- Lễ Thánh Pio Pietrelcina

Lm. Antôn Trần Xuân Sang, SVD.            

Tuesday, September 19, 2017

GIA ĐÌNH – MỘT MÁI ẤM YÊU THƯƠNG

Chút tản mạn về gia đình
Tháng 10 sắp tới đây, gia đình lòng Chúa Thương Xót tại Hòa Lan mừng lễ Thánh nữ Faustina- Tông đồ lòng Chúa Thương Xót, có nhã ý mời chúng tôi chia sẻ về đề tài Hôn Nhân và gia đình, một trong những đề tài rất gần gũi, thân quen nhưng cũng khá hóc búa và phức tạp vì nó liên quan rất nhiều khía cạnh trong cuộc sống. Chúng tôi thiết nghĩ nhân dịp này cũng chia sẻ để mọi thành viên trong gia đình sống trách nhiệm với vai trò của mình trong gia đình. 
       
Cách đây hai năm, từ ngày 4 đến ngày 25 tháng 10 năm 2015, các giám mục trên thế giới cùng với các chuyên viên đã tề tựu về Roma theo lời mời của vị Cha Chung để tham dự thượng hội đồng giám mục về gia đình, để rồi  từ đó Đức Thánh Cha Phanxico đã đúc kết và ra Tông Huấn  Amoris Laetitia “Niềm vui của Tình Yêu” trong dịp kết thúc năm Thánh Lòng Thương Xót. Tiếp nối giáo huấn của Đức Thánh Cha, trong Thư Chung đầu tháng 10 năm 2016, Hội Đồng Giám mục Việt Nam đã đưa ra một bức tâm thư cho một lộ trình mục vụ gia đình trong 3 năm (2017-2019). Năm 2016-2017: Chuẩn bị cho người trẻ bước vào đời sống hôn nhân; Năm 2017-2018: Đồng hành với các gia đình trẻ; Năm 2018-2019: Đồng hành với những gia đình gặp khó khăn.
Chính vì thế, gia đình là một trong những đề tài ưu tiên mà Giáo Hội luôn muốn đề cao  trước sự khủng hoảng nghiêm trọng của những giá trị gia đình trong thế kỷ XXI này. Là một linh mục truyền giáo, chúng tôi cũng phải đào sâu rất nhiều trong khi dọn bài chia sẻ khi được mời trong các cuộc hội thảo của các đoàn thể, của các giáo họ, giáo xứ khi họ chuẩn bị lễ bổn mạng hay trong các dịp kỷ niệm hôn phối để mọi người ý thức hơn về vai trò và trách nhiệm của một thành viên trong gia đình, trong giáo xứ và trong xã hội.
Theo Wikipedia tiếng Việt, thì gia đình là một cộng đồng người sống chung và gắn bó với nhau bởi các mối quan hệ tình cảm, quan hệ hôn nhân, quan hệ huyết thống, quan hệ nuôi dưỡng và hoặc quan hệ giáo dục. Gia đình có lịch sử từ rất sớm và đã trải qua một quá trình phát triển lâu dài. Thực tế, gia đình có những ảnh hưởng và những tác động mạnh mẽ đến xã hội.
Chúng tôi rất thích bài hát nhí nhảnh “Ba Ngọn Nến Lung Linh” của nhạc sĩ Ngọc Lễ khi anh cùng người vợ là ca sĩ Phương Thảo và đứa con gái bé bỏng của họ hát bài gia đình : “Ba là cây nến vàng, Mẹ là cây nến xanh, Con là cây nến hồng.  Ba ngọn nến lung linh, á à á a a thắp sáng một gia đình gia đình…”. Bài hát này nói lên sự gắn bó mật thiết trong gia đình gồm có người chồng (cha), người vợ (mẹ) và đứa con và cả ba đều có nghĩa vụ “thắp sáng” ngọn nến trong gia đình.
Vậy gia đình đích thực là gì? Gia đình là một từ Hán-Việt được cấu tạo từ 2 thành tố “gia” và “đình”, dùng để chỉ đơn vị sinh sống của một cặp đàn ông, đàn bà sinh con đẻ cái dưới một mái nhà. Có lẽ chúng ta có nhiều cách hiểu và định nghĩa khác nhau về gia đình, nhưng theo chúng tôi thì gia đình là cái nôi của tình yêu thương, là nơi mà chúng ta đã được sinh ra và lớn lên trong vòng tay ấm áp của cha và mẹ. Gia đình là một điều gì đó thật thiêng liêng trong lòng chúng ta. Gia đình là mái ấm, dù mái ấm đó to hay nhỏ, đó vẫn là mái ấm của riêng chúng ta. Tiếng Anh khi nói về gia đình họ dùng từ FAMILY. Chúng tôi đã đọc ở đâu đó người ta chiết từ FAMILY là F(Father) – A(And) – M(Mother) – I(I) – L(Love) – Y(You). Tạm dịch là FAMILY : Father And Mother, I Love You (Cha và Mẹ, Con yêu Cha Mẹ).
Tuy nhiên, để hiểu thêm về gia đình, chúng tôi mạo muội chia sẻ những gì mình tích lũy được từ ngày được sai đi truyền giáo tại Nam Mỹ và thỉnh thoảng có dịp đi nghiên cứu ở một số nước về phong tục, tập quán cũng như đồng hành với các phong trào và đoàn thể Công giáo để làm rõ những nét đẹp về gia đình.
Gia đình truyền thống      
Như đã trình bày ở trên, một gia đình truyền thống là gồm cho cha mẹ và con cái cùng sống chung dưới một mái nhà. Người xưa thường nói nếu một gia đình tam đại đồng đường (gồm ba thế hệ) là có phúc vì ở đó ông bà, cha mẹ và con cái sống chung với nhau, mọi người cùng chia sẻ và học hỏi và răn dạy nhau. Ngày nay nhờ phương tiện y tế tốt, có những đại gia đình có đến bốn hay năm thế hệ cùng sống chung dưới một mái nhà và gọi là tứ đại đồng đồng hay ngũ đại đồng đường. Nhiều người Á Châu và người Nam Mỹ còn giữ những tập tục này và khi có dịp đại lễ hay ma chay họ thường quay quần bên nhau chia sẻ và giúp đỡ nhau. Là một nhà truyền giáo sống ở Paraguay hơn 10 năm qua, không ít lần chúng tôi dâng lễ kỉ niệm ngân khánh, kim khánh, ngọc khánh hôn phối cho những gia đình cũng như đi thăm và trò chuyện với những đại gia đình tứ đại hay ngũ đại đồng đường này. Nhiều người cho đây là những gia đình cổ hũ vì chúng ta đang sống trong thế kỷ XXI rồi, nhưng chúng tôi nhận thấy những gia đình truyền thống có những nét đẹp khi ông bà, con cháu biết yêu thương và kính trọng lẫn nhau.
Với những phương tiện kỹ thuật hiện đại ngày nay cũng như lối sống “mì ăn liền”, người trẻ hiện nay không muốn bị gò bó và ràng buộc trong các gia đình truyền thống vì đối với họ như thế là mất tự do. Cũng vì đòi hỏi quyền tự do quá đáng mà không biết bao nhiêu gia đình bị tan vỡ. Cũng vì thiếu tôn trọng các đấng sinh thành mà con cái đã xem nhẹ chữ hiếu khi đâm đơn kiện cha mẹ và ngược đãi cha mẹ, ông bà. Cũng chỉ vì mảnh đất tổ tiên không được chia đều nên anh em ruột thịt kiện tụng, chém giết nhau. Cũng vì không biết gìn giữ thuần phong mỹ tục nên những người cùng huyết thống lấy nhau dẫn đến tình trạng loạn luân tràn lan. Có thể nói luân lý ngày nay bị suy đồi nghiêm trọng vì người ta đã không coi gia đình truyền thống là nền tảng của xã hội. Ở các nước Âu-Mỹ, con cái từ nhỏ đã được dạy là nếu cha mẹ có mắng chửi thì phải gọi 911 ngay để tố giác cha mẹ. Và bọn trẻ luôn mong tròn 18 tuổi để được sống tự lập hoàn toàn với cha mẹ ruột mình.
Trước tình trạng đó, Giáo Hội luôn canh cánh trong lòng và mời gọi những người có trách nhiệm trong Giáo Hội là các Giám Mục, Linh mục, Tu sĩ và các Đoàn thể Công giáo làm sống lại các giá trị truyền thống gia đình qua các thông điệp, các kỳ đại hội gia đình hay đề ra những năm canh tân đời sống gia đình nhằm thức tỉnh lương tâm của những người con trong Giáo hội biết dấn thân và sống đúng với vai trò và trách nhiệm của những thành viên trong gia đình.      
Gia đình thiêng liêng           
Ngoài gia đình truyền thống của những người cùng huyết thống, dòng họ, người ta còn có một gia đình khác nữa gọi là gia đình thiêng liêng. Gia đình thiêng liêng ở đây còn có thể hiểu là những người có cùng chung chí hướng, lý‎ tưởng và mục đích sống. Gia đình này rộng lớn hơn gia đình truyền thống và không hề bị ràng buộc bởi mối giây huyết thống nhưng chỉ cam kết với nhau qua những lời khấn hứa, những luật bất thành văn nhưng mọi người đều tôn trọng. Đó là gia đình Hội Dòng, gia đình Giáo xứ, gia đình linh tông, gia đình các đoàn thế tiến hành… Các gia đình này tự nguyện đến với nhau và cam kết sống trung thành với gia đình mình lựa chọn. Là một tu sĩ hay linh mục, dĩ nhiên người đó không từ bỏ gia đình huyết thống của mình nhưng họ có thêm một gia đình thứ hai là gia đình Hội Dòng, và nơi đó vị tu sĩ hay linh mục này có thêm những người anh em cùng chí hướng để làm vinh danh Nước Chúa. Gia đình giáo xứ là nơi mà tất cả mọi người trong một giáo xứ đều là anh chị em với nhau và cha xứ là vị cha chung về thiêng liêng cùng đồng hành và nâng đỡ con cái mình để sống đạo tốt và cùng nhau thăng tiến con đường nên thánh. Gia đình các đoàn thể cũng vậy, họ cũng trực thuộc một giáo xứ nào đó nhưng họ có những đặc sủng riêng và muốn mọi người cùng chung chí hướng với nhau lập nên một đoàn thể, một phong trào để làm phong phú thêm bộ mặt giáo xứ. Đó là gia đình Legio Maria, gia đình Lòng Chúa Thương Xót, Các Bà Mẹ Công giáo, Ca đoàn, Giáo Lý Viên, Gia Đình La Vang, Huynh Đoàn Đaminh,… Các gia đình đoàn thể này như là những bông hoa muôn sắc trong một vườn hoa gia đình giáo xứ nếu biết nở hoa đúng lúc. Đây có thể gọi là đại gia đình bách đại đồng đường trong đại gia đình giáo xứ vì có nhiều gia đình chung sống và làm việc chung với nhau. Nếu các gia đình này không biết nhường nhịn nhau mà mỗi đoàn thể, mỗi nhóm làm theo kiểu cách riêng của mình thì gia đình giáo xứ rất dễ tan nát, đỗ vỡ.
           
Các gia đình đoàn thể như đã nói trên không hề bị ràng buộc về điều gì ngoại trừ những lời cam kết khi gia nhập. Tuy nhiên, ngay nội bộ của các gia đình đoàn thể nào cũng có những mâu thuẫn, những bất đồng khó tránh khỏi mà nếu những anh chị cả trong các gia đình này không biết giàn xếp những mâu thuẫn nội bộ này thì sẽ nảy sinh những hậu quả khó lường. Xét cho cùng, những người đứng mũi chịu sào trong các gia đình luôn cần có một cái tâm và cái tầm, cũng như sự khiêm nhường đúng mức trong các vấn đề chung vì nếu ai cũng giành phần thắng về mình thì ai sẽ là người thua thiệt.
            Chúng ta đang sống trong thế kỷ XXI với nhiều đổi thay, và đặc biệt ở Hà Lan nơi mà chúng ta đang sống là một đất nước có thể nói là rất thế tục nhiều lúc khiến chúng ta quên mất chúng ta là người Công giáo. Bởi thế, mỗi khi chúng ta tham dự một thánh lễ hôn phối hay lễ kỷ niệm Ngân Khánh, Kim Khánh hay Ngọc Khánh hôn phối là dịp để mỗi thành viên trong gia đình có dịp nhìn lại bản thân mình xem mình đã thực hành Lời Chúa đến đâu hay mình chỉ đi tham dự với những bộ đồ thật đẹp, ngó qua ngó lại để gièm pha chỉ trích người khác, ăn uống thật no say và hát hò thật hoành tráng rồi đâu lại vào đó mà không hề có chút thay đổi nào về tư cách của mình thì xem như thất bại. Tuy nhiên, nếu mỗi thành viên trong gia đình Công giáo biết xây dựng hôn nhân bằng tình yêu kính trọng, tình yêu hy sinh; xây dựng gia đình như Hội Thánh tại gia, thì gia đình sẽ trở thành cái nôi của sự sống, mái ấm của tình thương và sẽ là ngôi trường đào tạo con người toàn diện. Khi hôn nhân được xây dựng như thế, thì chắc chắn gia đình sẽ bền vững, sẽ trổ sinh hoa trái thánh thiện cho Giáo hội và những con người tốt cho xã hội tương lai.
            Đức Gioan Phao-lô II được mệnh danh là vị Giáo Hoàng của Gia đình đã từng nói : “Gia đình có sứ mạng xây dựng nền văn minh tình thương”. Chúng ta phải có nghĩa vụ xây dựng một nền văn mình tình thương như Chúa Giê-su đã từng nhắn nhủ với các Tông Đồ : “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau” (Xc. Ga13,34). Vì “yêu thương là chu toàn lề luật” (Xc. Rm 13, 8-10). Trong một gia đình, một đoàn thể không thể tránh khỏi những phê bình, chỉ trích nhưng nếu mọi người thật sự đến với nhau và cùng vì phục vụ lợi ích chung thì nên tránh những hình thức cá nhân chủ nghĩa, những “cái tôi” đáng ghét và sẵn sàng đối thoại chân thành để tìm ra chân lý vì sự thật sẽ giải phóng chúng ta.
            Sự bất hòa hay bình an là do chúng ta tạo ra. Những khác biệt về giới tính, sinh lí, tâm tính, văn hóa hay lập trường chính kiến đương nhiên khó tránh khỏi trong các gia đình, trong các đoàn thể. Nếu không biết dung hòa thì ắt sẽ bùng nổ bất hòa, rồi sẽ xảy ra những cuộc chiến không khoan nhượng. Chúng ta hãy biết noi gương Gia Đình Thánh Gia Giêsu-Maria-Giuse là Hội thánh tại gia nguyên thủy, là mẫu gương của sự hài hòa trong gia đình. Đức Maria và thánh Giuse đã sống một cuộc hôn nhân đích thực là nền tảng mở ra cho gia đình và thực hiện theo luật Môsê. Các đoàn thể trong giáo xứ cũng nên học hỏi Cộng Đoàn Tiên Khởi Giê-ru-sa-lem dù có những bất đồng đôi lúc tưởng chừng khó vượt qua nhưng nhờ ơn Chúa họ đã chiến thắng vì đã biết thực hành Lời Chúa.
Viết tại Schiedam – Hòa Lan, tháng 9/2017

Lm. Antôn Trần Xuân Sang, SVD.