Sunday, February 27, 2022

 VIỆT NAM - MỘT THẾ GIỚI KHÔNG CÒN BÌNH YÊN


Tiếng súng, tiếng bom đã nổ trên bầu trời của đất nước Ukraine vào những ngày cuối tháng Hai dương lịch năm 2022 khiến cả thế giới bừng tĩnh sau một giấc ngủ dài khi phải chống chọi với cơn đại dịch Covid. Người đứng đầu nước Nga đã hùng hồn tuyên bố sẽ sẵn sàng nghênh chiến nếu bất kỳ quốc gia nào ngăn cản cuộc xâm lược của họ. Những trẻ thơ Ukaine vô tội đã cất lên những lời kinh Mân Côi để nguyện cầu cho hòa bình. Đức Giáo Hoàng rất đau buồn khi phải thốt lên rằng trái tim ngài đau đáu trước tình hình ngày càng tồi tệ ở Ukraine. Cho dù những ngày qua đã có những nỗ lực ngoại giao, nhưng viễn cảnh ngày càng đáng báo động đang mở ra. Cũng như bản thân ngài, nhiều người trên khắp thế giới đang cảm thấy khổ đau và lo âu. Một lần nữa hòa bình của tất cả chúng ta lại bị đe dọa bởi các lợi ích đảng phái. Đức Thánh Cha kêu gọi những người có trách nhiệm chính trị hãy xem xét lương tâm của mình một cách nghiêm túc trước mặt Thiên Chúa, Đấng là Thiên Chúa của hòa bình chứ không phải của chiến tranh; Đấng không phải là Cha của chỉ một số người, Đấng muốn chúng ta là anh em chứ không phải kẻ thù. Ngài cầu nguyện để tất cả các bên liên quan kiềm chế bất kỳ hành động nào có thể gây ra đau khổ hơn nữa cho người dân, làm mất ổn định sự chung sống giữa các quốc gia và làm cho luật pháp quốc tế trở nên mất uy tín.

Quả thật thế giới của chúng ta đang sống không bình yên tý nào bởi những thảm họa thiên niên, dịch bệnh- và nay, chính con người lại làm khổ nhau khi gây ra chiến tranh và luôn tìm những lời lẽ hay ho nhất để bào chữa những hành động xấu xa của mình. Hơn bao giờ hết, con người ngày nay đang phải đối diện với những bất ổn do chính mình gây ra nhưng lại đổ lỗi cho Thiên Chúa.

Những ngày đầu năm mới dương lịch cũng như âm lịch, chúng ta lại tiếp tục chứng kiến những con số biết múa về cơn đại dịch Covid ngày một cao trào dù nhiều nơi đã phủ được vắc-xin đến 3 mũi. Chính quyền cũng như người dân dù vẫn còn lo sợ ảnh hưởng của dịch bệnh kéo dài nhưng vẫn phải sống chung với nó. Nhiều người lâu ngày chưa được đi xa vì trước đây lo sợ chuyện ngăn sông, cấm chợ- nay thì họ thoải mái đi lại dù biết rằng con virus vô hình vẫn đang luẩn quẩn đâu đó và có thể xâm nhập bất cứ lúc nào. Nhiều phái đoàn hành hương cũng tranh thủ đi thăm viếng Mẹ La Vang hay Măng Đen, và cũng là dịp để làm việc ủy lạo tại các cơ sở cô nhi mà bấy lâu nay bị quên lãng. Tuy nhiên, khi muốn đến trọ tại các nhà Dòng mà trước đây họ từng ghé qua thì một số nhà Dòng vẫn còn lo ngại vấn đề Covid nên đều bị từ chối khéo. Chính con virus vô hình đã khiến cho nhiều người phải dè dặt và không dám thật lòng với nhau vì sợ mất lòng nhau. Không biết đến bao giờ cơn đại dịch này sẽ ra đi vĩnh viễn để người dân có thể sống lại những giây phút thân tình và ấm áp lòng người mà không hề sợ bị lây nhiễm.

Năm nay cũng là năm thứ hai sau khi chúng tôi về Việt Nam làm việc và phải ở lại Nhà Dòng trực nhà để các anh em về quê nghỉ Tết vì còn có bố mẹ. Không khí Tết năm nay cũng làm cho người ta nơm nớp lo sợ vì không biết Covid lại bùng phát bất cứ lúc nào. Nhiều anh em trong Dòng tranh thủ về với gia đình từ rất sớm để cách ly tại nhà và trở lại Dòng rất trễ vì tiền vé khá đắt. Hiểu được điều đó nên chúng tôi linh động để anh em không phải lo lắng chuyện nhà Dòng dù chúng tôi ở đây phải lo toan nhiều thứ. Khi còn ở vùng truyền giáo thì luôn mong được về với bên gia đình để đón Tết. Nay về lại quê hương thì cha mẹ không còn nữa và hai cái Tết vừa rồi phải ở lại trông nhà vì là người đứng đầu cộng đoàn. Người ta thường nói cha mẹ phải hy sinh cho con cái, làm người đứng đầu phải hy sinh nhiều thứ cho cộng đoàn dù đôi lúc sự hy sinh đó xem ra vô nghĩa vì những người làm con, những thành viên trong cộng đoàn mình đang sống không hề nhận ra điều đó! Tuy nhiên nếu sự hy sinh mà kèm theo sự tính toán thì sự hy sinh ấy quả thực là vô nghĩa. Hiểu được như thế nên ban thân chúng tôi luôn cố gắng tránh những so đo, bực dọc không đáng có và luôn chu toàn nhiệm vụ dù đôi lúc tinh thần thì hăng hái nhưng thể xác thì yếu đuối nên cũng ảnh hưởng phần nào đến lý tưởng đời tu của mình.

Những ngày Tết ở Nhà Dòng cũng có nhiều đoàn thể đến thăm và cầu chúc cho một năm mới an lành mạnh khỏe dù khi nói chuyện với nhau chi thấy được cặp mắt vì ai cũng phải đeo khẩu trang. Các anh em trong Dòng cũng lần lượt trở lại công việc và cùng chung lời tạ ơn Chúa vì đã ban cho một năm qua được an lành dù vẫn còn lo ngại con virus vô hình đáng ghét ấy. Có những anh em trẻ mới chịu chức linh mục ở các nơi tụ về Nhà Chính của Dòng để dâng thánh lễ tạ ơn; và cũng có các anh em linh mục trẻ chuẩn bị rời Việt Nam đến các nước truyền giáo trong bài sai đầu tiên của mình để tạ ơn Chúa và cảm ơn Nhà Dòng. Lâu ngày anh em gặp nhau nên cũng có những buổi giao lưu thể thao, những bữa ăn ngoài trời để hâm nóng lại tình thân vì một khi đã ra trường thì mỗi người mỗi ngã sẽ rất ít có dịp gặp nhau. Nhìn thấy anh em sum vầy mà lòng cảm thấy ấm áp vì đời tu chỉ cần mong muốn hai điều chính yếu là sự bình an và hạnh phúc.

Một số anh em Việt Nam làm việc truyền giáo ở nước ngoài nhiều năm, nhất là các anh em làm việc ở Phi châu, nay xin về lại Việt Nam làm việc để truyền đạt những kinh nghiệm quốc tế cho lớp đàn em và mong muốn lới đàn em có tinh thần dấn thân với người nghèo, người bị HIV/AIDS, người tỵ nạn, di dân và những người bị gạt ra bên lề xã hội vì thế giới chúng ta đang sống tuy văn minh hiện đại, nhưng luôn đầy dẫy những bất công mà ít có người dám dấn thân vào những công việc xem ra là vô ích này. Các anh em ấy tuy đang mang trong người những mầm bệnh của con virus sốt rét vàng da và sức khỏe không được như trước, nhưng các anh em vẫn luôn luyến tiếc những năm tháng nơi xứ truyền giáo và mong một ngày nào đó trở lại để cùng nhau đàn ca, nô đùa với những trẻ em ngây thơ đang khát khao những vị mục tử hiền lành và vui vẻ với họ. Bản thân chúng tôi cũng còn có tâm trạng như thế trong những ngày tháng đầu trở lại Việt Nam vì suốt thời đẹp nhất của đời sống linh mục, chúng tôi đã ở đó và đã xem xứ sở truyền giáo nơi mình từng phục vụ như là mối tình đầu của mình.

Hôm nay là ngày cuối tháng Hai dương lịch, và chúng ta chuẩn bị bước vào những ngày Chay Thánh vào thứ Tư Lễ Tro sắp tới. Đức Phanxico đã mời gọi chúng ta hãy cầu nguyện cho hòa bình, nhất là cho những người lãnh đạo đang gây chiến ở Nga và Ukraine biết ngồi lại để giải quyết những bất đồng và đừng gây ra chiến tranh nữa. Nhân loại đã đau khổ nhiều bởi những học thuyết vô thần, bởi những tư tưởng lập dị, bởi những nhà độc tài ngông cuồng đã khiến cho những người dân vô tội phải chết. Xin Chúa Giêsu là thái tử bình an ban cho nhân loại chúng con bớt những khổ đau và hòa bình thật sự ngự trị trên trái đất này.           

Nha Trang, ngày 28 tháng 02 năm 2022,

Lm. Antôn Trần Xuân Sang, SVD

No comments:

Post a Comment