Wednesday, October 24, 2018

HÒA LAN – THÁNG MÂN CÔI NHỚ VỀ MẸ

Tháng Mân Côi cũng sắp qua đi và mỗi ngày đều có những niềm vui và nỗi buồn xảy đến. Tiết trời mùa thu ảm đạm với những chiếc lá vàng rơi rụng và những cơn gió kèm theo luồn hơi lạnh khiến trong lòng cũng cảm thấy bồn chồn và tâm trạng đôi lúc tiếc nuối một điều gì đó về những gì đã qua và bản thân vẫn chưa làm được gì dù trong lòng rất muốn.
Hơn một năm ba tháng sống ở xứ sở Hoa Tu-líp và những chiếc cối xoay gió, mài dùi kinh sử với một ngôn ngữ mới khá khó ở các trường học, được đi ngược xuôi ở đất nước khá bằng phẳng với những con người lịch thiệp, văn minh này, chúng tôi cũng học được nhiều điều và cảm thấy mình thật nhỏ bé và những gì mình học được, làm được chỉ như những hạt bụi bên vệ đường. Bởi thế, mình cần có sự khiêm tốn hơn và mỗi ngày phải cố gắng hơn để không bị tụt hậu.
Cách đây hai ngày, một anh em linh mục từng học chung đại học bên Việt Nam báo tin là cha bạn cùng lớp vừa mới qua đời khi đang tại nhiệm với tuổi đời chưa tròn 50. Người anh em đó còn commnent rằng: “Cuộc đời không ai nói trước được điều gì và cũng chẳng ai định đoạt được số phận, tất cả trong sự quan phòng của Thiên Chúa, Đấng chúng ta tin tưởng và phó thác cuộc đời cho Ngài...”. Vì chết trẻ khi đang còn tại nhiệm nên trong bản cáo phó người ta ghi là hưởng dương chứ không phải là hưởng thọ. Người đang còn trẻ, khỏe và làm việc tốt mà chết đột ngột thì biết bao người tiếc thương, nhất là ở Việt Nam thì đám tang của một người quan trọng như các linh mục thì long trọng biết nhường nào.
Cũng cách đây mấy ngày, giáo phận Orleans- Pháp lại rúng động khi một linh mục trẻ khoảng 38 tuổi đã tự tử vì bị cáo buộc giao tiếp thân tình với trẻ vị thành niên. Như vậy chỉ trong vòng 2 tháng, giáo hội tại Pháp đã đón nhận hai hung tin về việc hai linh mục cùng tuổi 38 đã tự tử vì những cáo buộc này. Các giám mục là những người đứng mũi chịu sào đã trả lời báo chí là rất đáng tiếc, và những người từng làm việc với các linh mục trẻ này cảm thấy tiếc thương và than khóc cho những mảnh đời bạc mệnh. Nhiều người hỏi chúng tôi về việc này nhưng chúng tôi cũng chỉ là người ngoài cuộc và cũng rất đau lòng cho những anh em đồng môn của mình khi bị cáo buộc và trong lúc tuyệt vọng đã chọn giải pháp bằng cái chết để không phiền hà đến người khác. Đời linh mục như hạt lúa miến phải bị nghiền nát và đôi lúc cũng hơi phũ phàng dù ngày chịu chức được mọi người tung hô ca tụng. Nhiều người Việt Nam khi nhìn vào các linh mục thấy lúc nào cũng ăn trắng, mặt trơn, dáng vẻ khoan thai cứ nghĩ là sung sướng lắm và còn nói nếu biết vậy thì đi tu hay hơn! Họ đâu biết rằng các linh mục cũng có những lúc thăng trầm, có những lúc đau buồn tuyệt vọng vì những hiểu lầm, những chống đối, những mâu thuẫn trong công việc, và nếu linh mục thiếu sự kiên nhẫn và thiếu đời sống cầu nguyện thì sẽ dẫn đến những điều đáng tiếc.
Ngày lễ khánh nhật truyền giáo 21 tháng 10 vừa qua chúng tôi có dâng thánh lễ tiếng Anh cho cộng đoàn sinh viên quốc tế tại Delft và chia sẻ với các em về sứ mạng truyền giáo trong giáo hội ngày nay dựa theo Tông Huấn Loan Báo Tin Mừng (Evangelii Nuntiandi) của Thánh Giáo Hoàng Phaolo VI. Trong Tông Huấn có nói đến việc chứng nhân: “Người thời nay tin vào các chứng nhân hơn là thầy dạy, và nếu họ có tin vào thầy dạy là vì các thầy dạy ấy đã là những chứng nhân” (Thánh Phaolo VI, Evangelii Nuntiandi). Các sinh viên này đến từ khắp nơi trên thế giới và đang học tại một trong những trường đại học danh tiếng ở thành phố Delft - Hòa Lan với ngôn ngữ chính là tiếng Anh. Các em được Đức Giám Mục Giáo Phận Rotterdam và các linh mục tuyên úy Dòng Ngôi Lời đồng hành hướng dẫn về đời sống tâm linh từ nhiều năm nay. Đời sống sinh viên xa nhà dễ làm cho các em xa Chúa nhưng chính các em đã tìm đến với Chúa qua các thánh lễ và các buổi học hỏi lời Chúa, và chính đời sống các em là nhân chứng cho Chúa. Có lẽ sứ mạng truyền giáo của chúng tôi bắt đầu đi theo một chiều hướng mới là đồng hành với các sinh viên quốc tế và nhóm người di dân nói tiếng Tây Ban Nha trong chiều kích loan báo Tin Mừng cho muôn dân.
Cũng trong ngày Khánh Nhật truyền giáo, chúng tôi đã cử hành thánh lễ cho một giáo khu mới của người Việt Nam tại vùng Rotterdam-Capelle và các vùng lân cận. Trong khi nhiều nhà thờ và giáo xứ Hòa Lan mỗi ngày thu hẹp lại vì thiếu giáo dân và thiếu nguồn kinh phí để bảo quản các thánh đường, thì người Việt mình lại muốn mở thêm các giáo khu mới nhưng lại không có nhà thờ. Nhìn thấy anh chị em từ khắp nơi đổ về tham dự thánh lễ để hiệp thông với giáo khu mới mà trong lòng cảm thấy vui vì người Việt mình lúc nào cũng sốt sắng và liên đới với nhau. Chỉ cầu mong họ luôn biết giữ “lửa” nhiệt thành và lòng yến Chúa với tâm tình đơn sơ, quảng đại thì ắt việc gì cũng thành công. Chúng tôi cũng chia sẻ với anh chị em về sứ mạng truyền giáo ngày nay qua việc đánh động những anh chị em còn nguội lạnh và hàn gắn những vết thương lòng bấy lâu nay chưa được băng bó do thiếu sự nhiệt huyết và sự hi sinh. Những thánh lễ Việt Nam hay những buổi họp mặt phải luôn là sự chia sẻ, hàn gắn và liên đới với nhau thì mới đem lại cảm giác an tâm vì người Việt chúng ta ở đây thuộc đủ mọi thành phần và sống rải rác khắp nơi nên có được tiếng nói chung và sự hiệp nhất không phải dễ.
Chúng tôi cũng có buổi họp mặt với những người phụ trách ca đoàn, các nhạc công của giáo xứ và các giáo khu để nối kết tình thân và cũng để đưa ra những dự định mới cho tương lai của giáo xứ. Về giọng ca, tiếng hát thì khỏi bàn tới vì nhiều anh chị em ca viên từng là ca sĩ và nhiều người hát rất hay. Nhiều anh chị em ca trưởng và nhạc công từng phục vụ trong các ca đoàn lớn ở Việt Nam nhưng chỉ thiếu những buổi hội thảo và thường huấn về thánh nhạc nên đôi lúc cũng làm theo cảm hứng và không biết mình làm đúng hay sai. Nhìn thấy sự hi sinh không tính toán của anh chị em trong các ca đoàn của giáo khu và giáo xứ trong những buổi tập hát hay trong các thánh lễ phải đi thật xa, thật sớm, phải tự bỏ tiền ra sắm đồng phục… mà thấy cảm phục vô cùng. Chỉ ước mong một điều là mọi người hãy làm vì Chúa và luôn khiêm tốn để mỗi ngày học thêm một điều mới để giáo xứ của chúng ta mỗi ngày một phát triển tốt đẹp hơn.
Tháng Mân Côi cũng có nhiều lễ bổn mạng của các hội đoàn, trong đó có lễ bổn mạng của một ca đoàn giáo khu lấy tên là Têrêsa. Nhìn thấy các chị em trong những tà áo dài thanh lịch với những giọng ca trong trẻo hát mừng Chúa trong thánh lễ và một số anh em trong bộ comple truyền thống hát bè nam nhịp nhàng theo sự điều khiển của một ca trưởng được đào tạo bài bản khiến lòng mình cũng thanh thoát bay cao.
Lời Mẹ nhắn nhủ ngày nào ở Fatima: “Ăn năn sám hối, siêng năng lần hạt Mân Côi và tôn sùng trái tim Mẹ” luôn vang vọng cho đàn con nhỏ bé ở chốn dương trần. Xin Mẹ Maria thương đến đoàn con ở xứ lạ quê người dù về phương diện vật chất ở đây có vẻ dư đầy nhưng đời sống tâm linh của chúng con chưa được như ý Mẹ. Có những lần tâm sự với những người mẹ Việt Nam đạo đức có những đứa con sinh ra và lớn lên tại đây. Nhiều đứa trẻ đã hoàn toàn có tư tưởng và suy nghĩ theo người Hòa Lan nên khi bố mẹ chúng góp ý hay nhắc nhở chuyện đạo hạnh là các em phản ứng quyết liệt vì các em dị ứng khi đây đó trên phương tiện truyền thông phát đi những chuyện lạm dụng tính dục của một số giáo sĩ và từ đó các em có thành kiến với đạo. Bởi thế, những người làm lớn cố gắng sống sao để đừng gây gương mù, gương xấu cho người khác, nhất là giới trẻ. Xin Mẹ Maria an ủi và phù hộ cho các bà mẹ Việt Nam đang đau khổ vì đàn con mình và xin Mẹ hãy đoái thương và giúp giới trẻ ở đây biết chạy đến cùng Mẹ để nhận được sự che chở. Xin Mẹ đoái thương nước Việt Nam chúng con trước những khó khăn thử thách về đức tin và giúp chúng con biết sống đạo hơn là chỉ giữ đạo. Amen.           
                                  Hòa Lan, 24 tháng 10 năm 2018

Lm. Antôn Trần Xuân Sang, SVD.   

1 comment: