HÒA LAN – THÁNG CÁC
LINH HỒN, NHỚ NGƯỜI ĐÃ KHUẤT VÀ BIẾT ƠN NGƯỜI CÒN SỐNG
Người
Công giáo đã giành trọn tháng Mười Một để tưởng nhớ những người đã khuất. Nếu
ai đó nói người Công giáo không thờ cúng ông bà tổ tiên và không nhớ đến những
người đã khuất thì họ đã sai và không hiểu gì về Đạo Công giáo. Thật ra người
Công giáo kính nhớ ông bà tổ tiên và tưởng nhớ các linh hồn cách nhân bản hơn
và xuất phát từ điều lệnh truyền của Chúa là Đấng tạo dựng vũ trụ qua Mười Điều
Răn Kính Chúa Yêu Người.
Chúng tôi đã từng làm việc mục vụ ở nhiều nơi trên
thế giới với nhiều sắc dân khác nhau, và phải công nhận rằng người Công giáo dù
thuộc màu da, văn hóa nào cũng đều có cách thức tưởng nhớ ông bà tổ tiên và
những người đã khuất cách thành kính. Những người Việt Nam ở hải ngoại mà hơn
một năm qua chúng tôi cùng làm việc, những tưởng họ đã quên đi cội nguồi truyền
thống của dân tộc như ngày kỵ, ngày giỗ, nhưng ngược lại, họ còn giữ và thực
hành hơn cả những người ở trong nước.
Tháng
Mười Một đối với chúng tôi có lẽ là tháng gợi lại một nỗi buồn sâu thẳm vì
người mẹ trần gian mà tôi yêu thương nhất đã rời xa chúng tôi cách đột ngột khi
chúng tôi còn đang làm việc truyền giáo ở vùng Nam Mỹ. Dẫu biết rằng đời người
ai cũng phải ra đi, nhưng sự ra đi của người Mẹ mà chúng tôi yêu thương nhất đã
làm chúng tôi hụt hẫng rất nhiều mà mãi đến giờ mỗi khi nghĩ đến chúng tôi vẫn
còn đau buồn, luyến tiếc phải chi mình còn mẹ.
Trung tuần tháng Các Đẳng Linh Hồn vừa qua, chúng tôi lần đầu tiên tổ
chức giỗ Mẹ sau 6 năm ngày mẹ mất dù hàng ngày chúng tôi vẫn cầu nguyện cho mẹ
trong các thánh lễ. Điều an ủi nhất với chúng tôi là được những người đồng
hương dù không phải ruột thịt nhưng họ đã xem tôi như một người thân trong gia
đình đã đến dâng lễ cầu nguyện cùng với một linh mục đáng kính tại ngôi nhà xứ
nơi chúng tôi đang ở. Hạnh phúc biết bao khi nhiều người đã đến từ rất sớm dù
phải lái xe cả 200 cây số và đem những món ăn ngon được chuẩn bị trước để cùng
chia sẻ với nhau sau thánh lễ. Những lời ca tiếng hát về tháng các linh hồn
bằng tiếng mẹ đẻ được vang lên tại xứ lạ quê người khiến lòng chúng tôi cảm
thấy ấm cúng làm sao. Chúng tôi từng làm việc với nhiều sắc dân và cũng được họ
yêu mến, nhưng cách thức biểu lộ thì dẫu sao cũng khác với người Việt mình. Cảm
ơn những người đồng hương, những người bạn thân thương đã tiếp lửa và cho tôi
thêm sức mạnh qua lời cầu nguyện, sự hiệp thông và đồng hành với tôi trong
nhiều lĩnh vực của đời sống truyền giáo, và bản thân tôi sẽ luôn cố gắng sống
sao để không phụ lòng yêu mến và tin tưởng của mọi người.
Trong
tháng này chúng tôi có tham dự thánh lễ đồng tế dịp phong chức phó tế vĩnh viễn
cho hai tân chức người Hòa Lan tại nhà thờ chính tòa Rotterdam là giáo phận nơi
chúng tôi cư ngụ. Hơn một năm qua từ ngày đặt chân đến Hòa Lan thì đây mới là
lần đầu tiên chúng tôi tham dự thánh lễ phong chức phó tế cho hai người đàn ông
đang sống trong bậc gia đình. Thánh lễ đồng tế chỉ có khoảng 30 linh mục và hai
giám mục nhưng số phó tế vĩnh viễn thì khoảng 50 thầy nên có một linh mục nói
đùa trước thánh lễ đây là phó tế đoàn chứ không phải linh mục đoàn!
Ở Việt
Nam có lẽ vì còn nhiều ơn gọi, hàng năm có biết bao tân linh mục chịu chức và
rất nhiều Dòng tu hiện diện và phục vụ dù có sự kiểm soát của nhà nước nên giáo
hội địa phương cũng chưa cần đến các phó tế vĩnh viễn, và nếu tình cờ được biết
có một phó tế vĩnh viễn Việt Nam nào đang phụ giúp một giáo xứ nào đó thì có
người sẽ gièm pha là cái ông đó cũng có gia đình như tao mà cũng đòi lên giảng
và cử hảnh phụng vụ! Có lẽ nhiều người còn thành kiến với những người đã lập
gia đình rồi mà sao cũng được phong chức phó tế. Xin thưa việc khôi phục chức phó tế vĩnh viễn
theo tinh thần của Công đồng Vatican II được chính thức áp dụng trong Giáo hội
kể từ lúc Đức Thánh Cha Phaolô VI ban hành Tự sắc Sacrum Diaconatus Ordinem
(Thánh chức Phó tế) ngày 18.6.1967. Văn kiện này cũng như Bộ Giáo luật 1983
(đ.1031,2-3) quy định rằng các ứng viên phó tế vĩnh viễn phải ít nhất là 25 tuổi
nếu độc thân và không thể kết hôn sau khi thụ phong phó tế, hoặc ít là 35 tuổi
nếu đã có gia đình với sự đồng thuận của người vợ. Một khi đã trở thành phó tế
và không may vợ mất thì không thể tái hôn. Ở Hòa Lan này có vài trường hợp phó
tế vĩnh viễn có vợ con và cháu nội ngoại rồi khi vợ chết thì những phó tế ấy
xin tiếp tục học để trở thành linh mục và hiện nay đang phụ trách giáo xứ. Nhiều
thầy phó tế vĩnh viễn đã từng có học vị rất cao, có gia đình rất hạnh phúc, có
đời sống rất thánh thiện và đáng là tấm gương cho nhiều người noi theo nên thiết
nghĩ chúng ta cần có một cái nhìn khách quan và không nên đoán xét và thành kiến
với điều mình không thích.
Chúng tôi muốn chia sẻ thêm về thánh lễ phong chức phó
tế của hai tân chức mới người Hòa Lan mà một trong số tân chứ chức ấy thuộc
giáo xứ nơi chúng tôi đang làm việc. Thầy Steef Lokken mà chúng tôi muốn nói ở
đây là một người từng trải và làm việc ở bến cảng. Tước đây thầy không phải là
người Công giáo và cũng chẳng thích thú gì về đạo Công giáo ngoại trừ những năm
tiểu học thỉnh thoảng có học giáo lý Công giáo. Tuy nhiên vợ thầy là người Công
giáo đạo đức nhưng không ép buộc chồng theo đạo mà luôn luôn tham dự thánh lễ
và các cuộc hành hương. Mãi tới năm 2008 thầy mới chính thức được rửa tội vì có
điều gì thôi thúc bên trong sau nhiều lần hành hương bất đắc dĩ với gia đình vợ.
Khi thầy bày tỏ ý định đi học để trở thành phó tế thì bạn bè chế nhạo và cho rằng
thầy bị khùng vì hiện giờ có mấy ai đi lễ và đi tu nữa đâu. Tuy nhiên với sự động
viên của vợ và gia đình, thầy đã quyết vừa làm, vừa học trong 6 năm trời để chờ
đến ngày phong chức. Và chúng tôi thấy những người bạn trước đây đã nhạo bang thầy
cũng hiện diện trong ngày vui này vì chính Chúa đả viết thẳng trên những đường
con queo. Các quốc gia Âu châu hiện giờ không còn người đi tu nữa nên các giáo
hội địa phương ở đây phải suy nghĩ về cách điều hành, tổ chức khi không có linh
mục, và phó tế vĩnh viễn là một trong những lựa chọn. Khi chúng tôi nói chuyện
với một linh mục cùng Dòng người Hòa Lan từng làm việc ở Argentina nhiều năm
nhưng nay đã về hưu thì ngài nói rằng phải thích ứng với mọi hoàn cảnh vì châu
Mỹ Latin khác, châu Á khác và... châu Âu hiện giờ thì rất khác. Linh mục ở đây
không phải là trung tâm điểm nhưng cũng chỉ là một thành viên trong Ban Mục Vụ
giáo xứ và cùng nhau làm việc chứ không phải là người điều hành chỉ tay năm
ngón. Nói như vậy không phải là hạ giá đời tu hay các vị có chức thánh nhưng đó
cũng là điều mà chính Chúa Giêsu đã nói : “Thầy đến là để phục vụ chứ không phải
là được phục vụ” (Xc Mc 10,45).
Tháng 11 chúng tôi cũng dâng thánh lễ cho một số cộng
đoàn Công giáo Việt Nam mà một trong số đó ở mãi phía Bắc Hòa Lan cách chúng
tôi khoảng 3 giờ đi xe lửa. Vì ở khá xa các thành phố chính và khu công nghiệp
lớn ở Hòa Lan nên các linh mục Việt Nam cũng ít khi đến. Chúng tôi cũng thường
tranh thủ đến thăm cộng đoàn đồng hương xa xôi này để khích lệ đời sống tâm
linh của họ vì họ như đàn chiên thiếu vắng mục tử. Nhiều anh chị em rất khao
khát tham dự thánh lễ và các bí tích vì từ lâu họ muốn nhưng chưa được toại
nguyện vì nhiều điều kiện khách quan. Họ cũng tự nguyện đến với nhau để góp lời
ca tiếng hát và thành lập một ca đoàn nhỏ với thánh bổn mạng là Cecilia. Nhìn
những anh chị em hăng say tập luyện dù nhiều khi phải nghỉ làm, nhiều khi rất mệt
mỏi sau khi đi làm về rồi phải lo chuyện gia đình con cái nhưng họ quyết tâm đến
với Chúa qua những lời ca của mình. Chính vì lòng khát khao cháy bỏng ấy mà các
anh chị em đã thu xếp ổn thỏa mọi công việc bề bộn để cùng nhau xây dựng một cộng
đoàn yêu thương và đem lời ca tiếng hát của mình dâng lên Chúa. Chúc mừng ngày
bổn mạng đầu tiên của anh chị em và ước mong anh chị em hãy biết lấy Chúa làm
niềm vui, tin tưởng và phó thác vào Ngài thì anh chị em sẽ toại nguyện điều mình
mong ước. Hãy ghi nhớ những gì tôi đã chia sẻ với anh chị em: “Xây thì khó
nhưng phá thì dễ”. Hãy luôn khiêm nhường và biết vun đắp tình thương để cộng
đoàn của anh chị em mỗi ngày một lớn mạnh. Bản thân tôi rất cảm kích về sự hi
sinh của anh chị em và sẽ luôn cố gắng đồng hành với anh chị em trong khả năng
và thời gian cho phép.
Hôm
nay ở Việt Nam mừng ngày Hiến Chương Nhà Giáo. Lúc này dù đã ngoại tứ tuần, chúng
tôi vẫn còn phải học tiếng Hòa Lan, một ngôn ngữ rất khó ở một trường đại học,
và chắc chắn rằng chúng tôi cũng không quên những người đã từng dạy dỗ mình từ
những ngày mới cắp sách đến trường. Dù muốn hay không, dù bên chiến tuyến nào
chúng ta cũng đều biết ơn những người đã hướng dẫn chúng ta trong bất kỳ lĩnh
vực nào, và chắc chắn sẽ có một ngày nào đó trong năm để tri ân họ. Xin chúc
mừng tất cả các thầy cô giáo trong ngày đặc biệt này dù hiện tình giáo dục ở
Việt Nam phải nói là thê thảm chưa từng thấy do cơ chế điều hành và đội ngũ
lãnh đạo thiếu cái tâm. Người ta nói mọi so sánh đều khập khiễng nhưng vẫn ước
mong những người dấn thân trong lĩnh vực
trồng người, nhất là những người lãnh đạo trong ngành giáo dục, biết trân
quí cái nghề của mình, biết tận lực, tận tâm trong việc đào tạo thế hệ trẻ, và mong
nhà cầm quyền biết đầu tư đúng mức trong lĩnh vực này để nước Việt Nam thật sự
là một quốc gia hùng cường xứng danh với tên gọi nước Việt Nam ngàn năm văn
hiến.
Hòa
Lan, 20 tháng 11 năm 2018
Lm. Antôn Trần Xuân Sang, SVD.
http://www.fws.gov/pacific/script/exit.cfm?link=http://benhlyxuongkhop.net/
ReplyDeletehttp://www.nhc.noaa.gov/nhcexit.shtml?http://benhlyxuongkhop.net/
http://www.hud.gov/utilities/intercept.cfm?http://benhlyxuongkhop.net/