HÒA LAN – CHÚT TẢN MẠN MÙA THU 2018
Đầu
tháng 9, thời tiết bắt đầu se lạnh chuẩn bị bước vào mùa Thu. Những giọt mưa lất
phất với những cơn gió rì rào khiến lòng người cũng cảm thấy nhẹ nhàng và dễ chịu
sau những ngày hè nóng bức. Các sinh hoạt từ chính trị đến tôn giáo, xã hội lại
bắt đầu tất bậc. Ở châu Á, châu Mỹ và châu Âu học sinh bắt đầu tựu trường.
Có lẽ một trong những tin nóng
nhất trên mạng xã hội trong những ngày khai trường ở Việt Nam là bộ sách giáo
khoa về chương trình công nghệ giáo dục của một vị tiến sĩ nọ tuổi đã cao nhưng
lại quá ấu trĩ và tự phụ khi tự cho mình là người giỏi nhất thế giới, có bằng cấp
cao nhất thế giới và không ngừng đả kích, khinh chê người khác khi được phỏng vấn
về bộ sách do ông đứng đầu. Đâu đâu cũng nghe người ta chế giễu nào là tròn
tròn, vuông vuông, giác giác… Cũng may là nhờ mạng xã hội lên tiếng nên dù muốn
hay không nhiều trường học và tỉnh thành trong cả nước đã nói không với chương
trình công nghệ giáo dục này dù đã từng được vào dạy chui mấy chục năm qua mà
không ai dám đụng vào vì sợ nhóm lợi ích.
Cách đây mấy tháng cũng có một
vị tiến sĩ muốn cải tiến tiếng Việt với bộ chữ cái mới. Tuy nhiên, sự nghiên cứu
của ông không những không được hoan nghênh mà còn bị “ném đá” một cách không
thương tiếc bởi những người bình dân nhất, và sau cùng người đại diện của chính
phủ đã tuyên bố cho đến lúc này không cần phải cải tiến hay sửa đổi bộ chữ cái
tiếng Việt nữa vì tiếng Việt đã quá hay, quá đẹp. Hai vị tiến sĩ này đều từng học
ở Nga Sô và Trung Quốc một thời gian và tuổi đời của họ cũng là bậc đáng kính
nhưng công bằng mà nói do thiếu sự khiêm nhường và quá cá nhân chủ nghĩa khi tự
cho mình là người học sâu, hiểu rộng nên kết quả không được nhìn nhận vì thiếu
tính thực tiễn và nhân văn.
Tháng
9 năm nay cũng có những ngày đặc biệt của Dòng Ngôi Lời mà ngày lễ quan trọng
nhất là lễ sinh nhật Dòng trùng vào ngày sinh nhật Đức Mẹ. Dòng truyền giáo
Ngôi Lời tính đến năm 2018 đang hiện diện và hoạt động trên 84 quốc gia và lãnh
thổ trên thế giới với hơn 6.000 tu sĩ truyền giáo. Sứ mạng của Dòng truyền giáo
Ngôi Lời là làm việc với những người di dân, người nhiễm HIV-SIDA, điều hành
trường học, xây dựng các giáo điểm truyền giáo và trông coi giáo xứ. Các tu sĩ
Ngôi Lời cũng dạy mọi người những phương cách sống tự túc qua những
chương trình và quản lý đất đai, canh tác nông nghiệp và phát triển chăn nuôi.
Và quan trọng hơn hết, qua việc chia sẻ Lời Chúa và cử hành các bí tích, các tu
sĩ Dòng Truyền giáo Ngôi Lời nâng đỡ, ủi an người thiếu thốn và xoa dịu người
đang đau khổ. Ở Hòa Lan, Dòng Ngôi Lời đã hiện diện 143 năm qua từ khi cha
thánh Sáng Lập Arnoldo lập Dòng tại Steyl, Venlo và từ đó đã gởi biết bao nhà
truyền giáo đến các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, hiện nay số
tu sĩ truyền giáo Ngôi Lời người địa phương tại Hòa Lan đã già nua nên Tổng quyền
đã quyết định gởi các nhà truyền giáo từ các nước khác đến đây để làm việc và
chăm sóc mục vụ với những người di dân quốc tế nói tiếng Bahasa (Indonesia), tiếng
Tagalog (Philiphines), tiếng Pháp (sắc dân châu Phi từng là thuộc địa của
Pháp), tiếng Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha (vùng Nam Mỹ), tiếng Anh (những quốc gia
nói tiếng Anh) và có lẽ trong tương lai cho cộng đồng người Việt rất đông đảo ở
đây. Năm nay là năm đầu tiên chúng tôi tổ chức lễ quốc tế tại một giáo xứ mới ở
Hoofddorp gần sân bay Schiphol mà Giáo phận Amsterdam-Haarlem giao cho Dòng nhân
dịp lễ sinh nhật Đức Mẹ cũng là lễ kỷ niệm 143 năm thành lập Dòng. Vì là lần đầu
tiên tổ chức nên không được chu đáo lắm nhưng những cộng đồng được mời đến tham
dự rất sốt sắng và chung vui với Dòng. Một nhóm nhỏ anh chị em người Việt đã
đáp lại lời mời gọi của chúng tôi đã tham dự thánh lễ và đóng góp hai bài hát
dâng lễ và hiệp lễ rất nhịp nhàng và thanh thoát khiến mọi người tham dự và các
linh mục đồng tế thích thú dù họ không hiểu tiếng Việt. Bản thân chúng tôi cảm
thấy rất vui và hãnh diện về cộng đồng người Việt của mình ở Hòa Lan so với những
sắc dân khác mà chúng tôi từng làm việc vì người Việt mình lịch sự, siêng năng,
chu đáo và rất thân thiện.
Tháng 9 theo lịch lễ của giáo xứ
Việt Nam tại Hòa Lan là lễ bổn mạng của giáo xứ có tên là Nữ Vương Các Thánh Tử
Đạo Việt Nam dù lễ các thánh tử đạo Việt Nam là ngày 24 tháng 11 theo lịch phụng
vụ. Vì là giáo xứ tòng nhân nên cha xứ và ban điều hành giáo xứ thường gộp
chung các sinh hoạt để dễ tổ chức vì ở đây không dễ gì tập trung đông đủ giáo
dân từ các nơi nằm rãi rác khắp Hòa Lan và một năm chỉ có 5 lễ chính mang tính
cách giáo xứ. Lễ bổn mạng giáo xứ năm nay có Đức Hồng Y của Tổng Giáo Phận chủ
tế để ban bí tích thêm sức cho khoảng 40 em và khoảng 30 em rước Lễ Lần đầu.
Anh em linh mục Việt Nam đang làm việc mục vụ cho người Hòa Lan và người di dân
cũng hiệp thông đồng tế để khích lệ vị tân Quản Nhiệm vừa lãnh nhận giáo xứ khoảng
6 tháng nay. Quan sát thấy nhiều nụ cười từ phía giáo dân vì họ cảm thấy yên
tâm và tin tưởng vào vị mục tử mới khiến chúng tôi vui lây. Với sự khiêm nhường,
nhiệt thành và dễ thương của vị chủ chăn mới khi về đón nhận giáo xứ tòng nhân
của người Việt tại Hòa Lan sau hơn 20 năm làm việc truyền giáo ở châu Phi và Ấn
Độ, ngài đã biết lắng nghe, và nhất là “ngửi được mùi chiên” của ngài trong
giáo xứ dù đây là lần đầu tiên trong đời ngài đảm nhận chức vụ này. Ước mong Mẹ
Maria và Các Thánh Tử Đạo Việt Nam luôn phù hộ và ban ơn cho giáo xứ và cho vị
mục tử luôn gắn bó và liên kết với nhau để giáo xứ ngày một lớn mạnh hơn.
Lần
đầu tiên sau hơn một năm sống ở Hòa Lan chúng tôi biết được có ngày Prinsjesdag
(còn gọi là ngày thứ Ba tuần thứ ba của tháng 9) là một ngày quan trọng cho nền
chính trị tại Hòa Lan đã có từ thế kỷ XVII. Hòa Lan là một quốc gia quân chủ lập
hiến và quyền con người được đặt trên hết. Ngày này có rất nhiều nghi thức mang
tính biểu tượng nhưng điều quan trọng là quốc hội bàn thảo việc chi thu ngân
sách quốc gia và được công khai trên báo chí để người dân được biết và kiểm
soát. Chúng tôi quan sát và nhận thấy rằng những quốc gia dân chủ thì các vị
lãnh đạo giàu có rồi mới đi làm chính trị để cho người dân và đất nước ngày
càng thịnh vượng, ấm no; trong khi những quốc gia độc tài đảng trị thì những
người làm chính trị thuộc thành phần con ông cháu cha và bất tài nên muốn làm
chính trị để làm giàu. Bản thân chúng tôi đang đi làm thiện nguyện để thực tập
thêm tiếng Hòa Lan ở một số trung tâm người neo đơn hay ở các bệnh viện và luôn
thấy những vị lãnh đạo của thành phố đến viếng thăm, trò chuyện, hỏi han để biết
thêm tình trạng của những người bất hạnh, neo đơn này. Một vụ tai nạn nhỏ, một
vụ hỏa hoạn, một vụ mất trộm hay một vụ ẩu đả xảy ra thì ngoài những anh cảnh
sát hay xe cứu thương đến kịp thời thì ngay sau đó các vị lãnh đạo cũng đến
ngay để nắm bắt tình hình và giải quyết triệt để. Người ta sẵn sàng trả lời phỏng
vấn báo chí để mọi người biết chuyện gì xảy ra. Họ đúng là công bộc của dân dù
gia đình họ không hề nghèo. Họ rất nhã nhặn, lịch sự nhưng không kém phần cương
quyết. Khi sống với nhiều nền văn hóa và nhiều quốc gia khác nhau chúng tôi mới
được dịp quan sát và thấy cách làm việc rất khoa học nhưng cũng đầy tình người
của các quốc gia văn minh như Hòa Lan. Chúng tôi không muốn so sánh vì mọi so
sánh đều mang tính khập khiễng nhưng chúng tôi ước mong nước Việt mình cần có
những người lãnh đạo dám nghĩ, dám nói, dám làm để người dân bớt khổ và xã hội
ngày càng công bằng, văn minh hơn.
Mùa Thu cũng vừa
bước qua với những cơn gió mỗi ngày một mạnh hơn và nhiệt độ cũng bắt đầu giảm
dần khiến cho những cành lá rụng nhiều trên những con đường đầy cây xanh. Hôm
nay cũng là Tết Trung Thu cho các em thiếu nhi tại Việt Nam và ở Hòa Lan một số
giáo khu cũng tổ chức Trung Thu cho các thiếu nhi ở đây để nhắc nhở cho các em
cội nguồn của dân tộc. Sự hy sinh dù không lớn của những bậc cha mẹ người Việt
ở nơi xa xứ cho những người con thân yêu mình phải nói là rất đáng tuyên dương
vì đâu ai buộc họ làm như thế ở một quốc gia văn minh, dân chủ như ở Hòa Lan.
Nhìn những em bé nghèo ở những tỉnh miền núi hay những khu ở chuộc bên Việt Nam
phải lỗi song, vượt suốt đến trường và thiếu cái ăn, cái mặc mà thấy xót xa vô
cùng. Cũng may có nhiều tấm lòng hảo tâm của những mạnh thường quân khắp nơi ở
hải ngoại và sự cộng tác không tính toán của những người trong nước để các em
có được những mái ấm, những bữa ăn và nhất là những món quà Trung Thu ý nghĩa
trong dịp này. Chúc mừng các bé có một cái tết Trung Thu trọn vẹn với những bài
múa Lân, múa Rồng.
Chúng tôi cũng vừa bước qua một tuổi nữa và tóc cũng
bắt đầu thêm nhiều sợi bạc. Cảm động nhiều khi những người đồng hương Việt Nam
mà chúng tôi mới quen biết trong một số thánh lễ rửa tội, đám cưới, tân gia, an
táng… đã nâng ly rượu mừng trong này sinh nhật xa quê hương. Cảm động lắm khi
họ biếu tặng những món quà đơn sơ nhưng rất ý nghĩa trong việc mục vụ mà có lẽ
người dân ở Nam Mỹ mà chúng tôi từng làm
việc trước đây chưa bao giờ hiểu được mình. Tạ ơn Chúa đã cho con sống đến ngày
hôm nay như là một khí cụ của Ngài nhưng đôi lúc con lại trở chứng và bất tuân
lệnh Ngài. “ Lạy Chúa, xin dạy chúng con đếm
tháng ngày mình sống, ngõ hầu tâm trí được khôn ngoan” (Tv 90,12). Mỗi một ngày
mới, xin cho con luôn biết sống tâm tình: "Từ buổi mai, xin cho đoàn con
được no say tình Chúa, để ngày ngày được hớn hở vui ca" (Tv 90,14). Xin
cho con luôn biết dâng lời cảm tại Ngài qua những công việc con phục vụ anh chị
em con. Amen.
Hòa Lan, 24 tháng 09 năm 2018
Têt Trung
Thu Việt Nam,
Lm. Antôn Trần Xuân Sang, SVD.
No comments:
Post a Comment