Sunday, November 22, 2015

PARAGUAY – THÁNG MÂN CÔI VỚI NHIỀU BIẾN CỐ

                                                                    
Chuyện xứ người ở Paraguay      

Tháng Mân Côi đã sắp kết thúc và Năm Phụng Vụ chỉ còn vài tuần nữa cũng qua đi. Năm nay thời tiết thay đổi khác lạ do biến đổi khí hậu và tháng 10 ở đây nắng mưa thất thường do hiện tượng “ El Niño” (Xc. https://vi.wikipedia.org/wiki/El_Ni%C3%B1o). Người ta thường nói người càng lớn tuổi thì thể lý cũng như tâm lý có phần mỏi mệt và nhiều điều rất muốn làm nhưng lại trì hoãn vì nhiều lý do, trong đó có lý do về sức khỏe luôn cản trở và nhiều khi cũng hay nổi cáu vu vơ. Trường hợp đó cũng khá đúng với tâm trạng của chúng tôi hiện giờ.
      
      Có lẽ vì áp lực công việc ở trường học và giáo xứ nên nhiều khi không tập trung nhiều và hậu quả là xảy ra tai nạn cách đây gần 1 tháng mà đến giờ nghĩ lại vẫn còn ớn lạnh. Cũng may thân thể chỉ bị xây xát nhẹ và cánh tay trái phải bó bột gần 2 tuần, còn xe hơi thì bị hư hỏng nặng. Của đi thay người, trong cái rủi cũng có cái may vì chính Đức Mẹ luôn che chở trong những lần gặp nạn vì chúng tôi luôn để tượng Đức Mẹ Việt Nam phía trên Vô-lăng để Mẹ luôn phù trì che chở. Cảm ơn Mẹ Maria đã luôn giúp con vượt qua những khó khăn và thử thách hàng ngày.
            Tháng 10 cũng là tháng có nhiều sinh hoạt thuần túy của các em học sinh và giáo viên nơi chúng tôi đang làm việc. Ở đây dù là quốc gia kém phát triển và không có nhiều giáo sư, tiến sĩ như ở Việt Nam, nhưng việc học rất chú trọng đến thực hành và phần lý thuyết các em không giỏi mấy. Nhìn thấy các em học sinh cấp 1, cấp 2 và cấp 3 trình bày những sản phẩm do chính các em làm ra mà mình thật khâm phục. Các em đi học đâu cần mang nhiều sách vở và các giáo viên ở đây thường đánh giá và cho điểm các em nếu em nào có nhiều sáng tạo. Việc đo lường hạnh kiểm không dựa trên việc các em tranh luận với thầy cô nếu các em có lý, cũng không dựa trên việc em nào cho quà cáp thầy cô nhiều thì được điểm cao và hạnh kiểm tốt vì ở đây không có việc dạy thêm, dạy kèm và nếu phát hiện tham nhũng trong nhà trường hay trong ngành giáo dục thì ở tù như chơi.
            Một xã hội được xem là kém văn minh như Paraguay mà có những cải cách về giáo dục tích cự như thế khiến mình cảm thấy vui và có nhiều động lực để làm việc dù nhiều lúc công việc quá tải vì vừa làm việc hành chính vừa làm việc mục vụ. Rất may là nhà cầm quyền luôn ủng hộ và khuyến khích các nhà truyền giáo dấn thân hơn để làm thay đổi bộ mặt Paraguay.     

Chuyện xứ tôi ở quê nhà Việt Nam

Ngày 7 tháng 10 năm 2015 nhằm lễ Đức Mẹ Mân Côi, khi vừa vào trang tin điện tử để đọc tin tức thì nhận được một tin nóng hổi của Giáo Hội Công Giáo tại Việt Nam- Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô vừa bổ nhiệm hai tân giám mục cho hai Giáo phận Vĩnh Long (trống Tòa hơn 2 năm qua) và Kon Tum (do Đức Cha Mi-ca-e đương nhiệm đến tuổi nghỉ hưu) [http://vietcatholic.net/News/Html/144647.htm] . Thật là một tin vui cho quê nhà và vui hơn nữa khi vị Tân Giám Mục Kon Tum lại là cha chính xứ đương nhiệm của giáo xứ quê nhà mình.
Cũng hơi bất ngờ một tý khi nghe tin này dù rằng cũng nghe đồn đoán xa gần vị chính xứ của mình (http://vietcatholic.net/News/Html/145698.htm) sẽ được bổ nhiệm làm Giám mục của Giáo phận trong tương lai. Tuy nhiên khi đọc bản tiểu sử của hai vị tân giám mục thì thấy vị Tân Giám Mục của Giáo phận mình dù là tên “Vị” nhưng có một địa vị thật khiêm tốn. Suốt 25 năm trong sứ vụ linh mục cho đến giờ, ngài không hề làm Giáo sư chủng viện, hạt trưởng hay linh mục Tổng đại diện, chức vụ cao nhất ngài nhận lãnh là lần đầu tiên làm cha xứ của một giáo xứ khá lâu đời trong Giáo phận từ năm 2010 và 2 năm du học Pháp. Vậy mà Chúa đã chọn ngài giống như ngày xưa Chúa chọn Vua Đa-vít, đứa em út từ những anh em của ông (Xc. 1S 16).
Có lẽ nhiều người sẽ thắc mắc và tự hỏi sao trong Giáo phận có nhiều linh mục bằng cấp và kinh nghiệm lại không được chọn? Quí vị nên nhớ một điều là trong Đạo Công giáo, những người được chọn làm Linh mục, Giám mục, Hồng y hay Giáo Hoàng không phải tự mình muốn là được mà phải do Ơn Chúa và sự chấp thuận của Giáo Hội.
Chúng tôi còn nhớ ngày còn ngồi ghế Học Viện Liên Dòng, một vị Giáo sứ Triết Dòng Đa-minh đã tâm sự rằng trong lớp tu của ngài có rất nhiều bạn đồng môn cao ráo, đẹp trai, đàn hay, hát giỏi, và vì thế trong các lễ trọng hay lễ khấn dòng, phong chức thì những chủng sinh này luôn được chọn như là bộ mặt của Dòng để tiếp khách hay đọc sách thánh và hát lễ... Còn ngài và những bạn đồng môn thấp bé và xấu xí khác thì chỉ được phân công lau chùi nhà cửa, giữ xe hay phụ giúp nhà bếp. Ngày đó ngài rất ghen tức với những anh bạn cùng lớp đẹp trai và tự nguyền rủa sao mình lại xấu xí đến thế! Nhưng rồi những người đẹp trai và tài giỏi ngày nào đã lần lượt xuất tu với những cô ca viên và những anh chàng được xem là “xấu trai” phải ở lại tiếp tục “phiên gác” và vẫn còn cho đến nay. Ngài hóm hỉnh kết luật rất triết lý : “"Vì kẻ được gọi thì nhiều, nhưng người được chọn thì ít”(Xc. Mt 22,14).
Làm việc ở miền truyền giáo nên chúng tôi không lạ gì khi nghe tin một linh mục không bằng cấp được bổ nhiệm làm giám mục. Còn nhớ năm 2014 ở Paraguay, chúng tôi tham dự lễ phong chức Giám mục của một anh em Dòng Don Bosco người Paraguay. Ngài chỉ bằng tuổi chúng tôi và chỉ là một giáo viên bình thường của vùng truyền giáo. Vậy mà ngài được bổ nhiệm làm giám mục tông tòa vùng truyền giáo, nơi mà một giám mục lão thành ở đây nói đùa là bò nhiều hơn người và nếu có làm lễ thì phải chào là “Chúa ở cùng các người chăn bò và đàn bò” vì không ai muốn đi lễ. Và tháng 5 năm nay chúng tôi có dịp đến Thủ Đô của nước Argentina, quê hương của Đức Giáo Hoàng đương kim Phan-xi-cô để làm thông dịch cho một Tổng Tu Nghị, ở đó chúng tôi có nghe người dân nói Đức Thánh Cha vừa bổ nhiệm một số giám mục tại Tổng giáo phận ở Thủ Đô không có nhiều bằng cấp và kinh nghiệm, lúc đầu có nhiều đàm tiếu, nhưng khi các vị tân giám mục bắt đầu thi hành sứ vụ thì mọi lời càm ràm, chỉ trích trước đây đều biến thành những lời khen ngợi tích cực.
Chúc mừng “cha xứ” Tân Giám Mục của chúng con. Chúng con biết rằng ngài vẫn còn “sợ” khi phải nhận trọng trách này ở một Giáo phận truyền giáo với nhiều diễn tiến phức tạp khó lường mà các vị tiền nhiệm từng đương đầu. Chúng con sẽ luôn cầu nguyện cho ngài để ngài có thể lèo lái con tàu ở vùng đất Tây Nguyên nhiều bão tố. Rất muốn tham dự thánh lễ truyền chức của ngài vào ngày lễ thánh Phan-xi-cô Xa-vi-e nhưng không phải muốn là được vì xa xôi quá. Con kính chúc ngài luôn được dồi dào sức khỏe và ơn khôn ngoan để hoàn thành trọng trách mà Giáo hội trao phó cho ngài.      
Vừa có được tin vui tại Giáo Phận nhà thì lại nhận được một tin hơi khó chịu khi Đức Giám Mục Giáo phận thông báo là kỳ Tĩnh Tâm Năm Linh Mục Giáo Phận phải bị hủy bỏ do sự can thiệp quá sâu của Ban Tôn Giáo tỉnh Kon Tum khi không cho phép một cha giảng phòng thuộc DCCT thuyết giảng (Xc. http://vietcatholic.info/Media/2015%20VT%20174%20tinh%20tam%20nam.pdf). Thế kỷ XXI rồi mà vẫn còn cơ chế xin-cho một cách bất công và thiếu tôn trọng pháp luật như thế với một quốc gia có bốn ngàn năm văn hiến như Việt Nam mình thì thật là buồn. Ở bên xứ truyền giáo lạc hậu này chúng tôi chỉ cần báo cho chính quyền địa phương gần nhất ngày giờ các hoạt động mang tính xã hội của chúng tôi để họ gởi cảnh sát đến bảo vệ trật tự mà thôi. Ở đây không có chuyện xin-cho hay hạch sách dù chúng tôi là linh mục ngoại quốc. Cấp hành chính dân sự ngang với giám mục phải là những vị bộ trưởng hay thống đốc bang mới có tư cách đối thoại và trao đổi với các vị giám mục, trong khi ở Việt Nam mình thì phép vua thua lệ làng khi cấp trên cho phép bằng văn bản đàng hàng nhưng cấp dưới dù chỉ là một anh cán bộ xã lại hạch sách và nhũng nhiễu ngay cả giám mục. Một dân tộc văn minh cần có những cán bộ thông minh và biết tôn trọng các chức sắc tôn giáo và không nên can thiệp quá sâu vào nội bộ tôn giáo. Thiết nghĩ chúng ta nên ngồi lại với nhau để giải quyết những bất đồng, những thành kiến cố cựu để có thể làm cho nước mình ngày một tiến lên. Chúng tôi không muốn phê bình, trách móc ai nhưng chỉ muốn có một quốc gia phồn thịnh và những bất đồng chính kiến sớm được tháo gỡ qua đối thoại chân thành và cởi mở giữa các bên liên quan.  
Mới ngày 24 tháng 10 vừa qua chúng tôi lại nhận được tin quá sốc cũng từ quê nhà khi người chị ruột thông báo là đứa con út của người anh gần nhà vừa tròn 25 tuổi bị hai cô gái đâm chết do sự qua quẹt nhẹ vào chập tối tại Sài Gòn (http://www.tintaynguyen.com/ban-be-khoc-thuong-chang-trai-que-kon-tum-bi-dam-chet-giua-vong-xoay/92697/). Cậu thanh niên này là bạn thân của đứa cháu tôi nên tôi biết cháu rất rõ ngay từ thuở bé. Thật tội nghiệp cho gia đình vì đứa con ngoan hiền bị chết thảm dưới bàn tay tàn độc của những cô gái trẻ thế hệ @ đã cướp đi sinh mạng của một thanh niên đầy hứa hẹn. Các cô gái trẻ ấy sẽ phải ngồi tù khi cảnh sát tìm được nhưng mạng sống của đứa con vô tội không còn nữa và cha mẹ của em sẽ đau đớn biết dường nào khi phải tiễn biệt em bất đắc dĩ. Các bạn trẻ thế hệ @ thân mến! Hãy sống cho có ý nghĩa và đừng manh động thiếu suy nghĩ mà để lại những hậu quả khôn lường cho những người vô tội. Quang ơi! Cha sẽ cầu nguyện cho con để con sớm được diện kiến Nhan Thánh Chúa và con nhớ cầu nguyện cho gia đình, nhất là cha mẹ tội nghiệp của con để họ có nghị lực vượt qua biến cố khủng khiếp này.
Vài ngày nữa là chúng tôi sẽ kỷ niệm ngày chịu chức linh mục. Nhìn lại cuộc đời tu trì hơn 20 năm qua và những năm thi hành sứ vụ linh mục tại xứ người chúng tôi cảm thấy tất cả là một hồng ân. Tạ ơn Chúa và Mẹ Maria đã luôn gìn giữ con dù con là một người bất tài, vô dụng và tội lỗi. Xin Chúa luôn ban ơn cho con và các anh em đồng môn của con dịp kỷ niệm thụ phong linh mục vào ngày 31 tháng 10 sắp tới được ơn khôn ngoan, bền đỗ và luôn là chiến sĩ can trường của Chúa trên mọi mặt trận truyền giáo. Xin Mẹ Maria luôn đồng hành với chúng con vì Mẹ là Mẹ của chúng con, Mẹ của các linh mục của Chúa.         
       Paraguay, ngày 26 tháng 10 năm 2015

Lm. Antôn Trần Xuân Sang, SVD.   

CÂU CHUYỆN TỬ TẾ NƠI XỨ NGƯỜI

                                                                    
            Vào những năm đầu của thập niên 90, khi còn là chú chủng sinh ở Nha Trang, chúng tôi được xem một bộ phim trắng đen “Chuyện Tử Tế”. Chuyện tử tế là một bộ phim tài liệu Việt Nam của đạo diễn Trần Văn Thủy. Tác phẩm được sản xuất năm 1985 nhưng bị cấm cho tới năm 1987 mới được công chiếu rộng rãi. Được coi là phần 2 của bộ phim tài liệu gây tiếng vang Hà Nội trong mắt ai, Chuyện tử tế tiếp tục là một tác phẩm phản ánh những suy nghĩ của nhà văn kiêm đạo diễn Trần Văn Thủy về cuộc sống và xã hội thời bao cấp. Bộ phim đã khắc họa hình ảnh của những người dân nghèo khổ trong xã hội để tìm ra lời giải đáp cho câu hỏi: "Thế nào là sự tử tế?".
        
    Thế nào là sự tử tế? Một bô lão giảng giải: "Tử tế, các nhà làm phim thân mến ạ, gốc của nó là từ chữ Hán. Chữ "tử" có nghĩa là những chuyện nhỏ bé. Chữ "tế" có nghĩa là những chuyện bình thường. Hai chữ "tử tế" gộp lại có nghĩa là cẩn thận từ những việc nhỏ bé, rồi do lâu đời ta đọc khác đi và nghĩa cũng khác đi. Tử tế thật sự không phải là chuyện có tiền bạc hoặc muốn là có ngay. Nó cũng phải được học hành, được dạy dỗ, được tập luyện, kế thừa và gìn giữ. Tử tế như hoa thơm, hoa đẹp không thể thiếu được của cuộc đời".
Tử tế có trong mỗi con người, mỗi nhà, mỗi dòng họ, mỗi dân tộc. Hãy bền bỉ đánh thức nó, đặt nó lên bàn thờ tổ tiên hay trên lễ đài của quốc gia. Bởi thiếu nó, một cộng đồng dù có những nỗ lực tột bực và chí hướng cao xa đến mấy thì cũng chỉ là những điều vớ vẩn. Hãy hướng con trẻ và cả người lớn đầu tiên vào việc học làm người - người tử tế trước khi mong muốn và chăn dắt họ trở thành những người có quyền hành, giỏi giang, hoặc siêu phàm... (Xc. https://vi.wikipedia.org/wiki/Chuy%E1%BB%87n_t%E1%BB%AD_t%E1%BA%BF).
Hơn 30 năm trôi qua kể từ ngày Chuyện tử tế  ở Việt Nam ra đời nhưng con người của thế kỷ XXI dường như vẫn chưa mấy tử tế với nhau. Đâu đó vẫn còn nghe hay thấy những cảnh tượng man rợ mà con con người đối xử với nhau, giữa những nhà cầm quyền với những con dân, và ngay giữa những người ruột thịt với nhau cũng đối xử cách tàn bạo với nhau.
Cũng khá nhiều năm sống ở xứ người và có những dịp quan sát tận mắt người dân ở đây, chúng tôi nhận thấy rằng người dân nơi đây không có một nền văn hiến bốn ngàn năm như dân Việt mình, không hề biết đến phim Chuyện tử tế nào cả nhưng họ sống khá tử tế dù đôi lúc văn hóa của họ khác với mình làm mình hơi khó chịu lúc ban đầu. Ngẫm nghĩ lại thấy buồn cho dân mình.
Dù muốn hay không chúng ta cũng không thể thờ ơ trước những tin tức hàng ngày được đưa lên mạng, nhất là trên Facebook với biết bao chuyện không mấy tử tế xảy ra hàng ngày ở Việt Nam. Thế kỷ XXI này không ai có thể bịt miệng hay che mắt những chuyện mà có giấu, có che thì không thể nào che giấu hết được. Có lẽ vì lẽ đó mà những nhà cầm quyền độc tài xem Internet là kẻ thù của họ vì dám phô bày sự thật làm mất thể diện của họ, và họ cố gắng hạn chế tối đa chừng nào hay chừng đó bằng tất cả những nghiệp vụ hòng che mắt bàn dân thiên hạ.
Hai tuần vừa qua cả thế giới hướng về một Vị mặc áo trắng khá đơn sơ viếng thăm hai quốc gia từng là cựu thù của nhau là Cuba và Hoa Kỳ. Vị này là quốc trưởng của một quốc gia nhỏ nhất trên thế giới nhưng là vị lãnh đạo tinh thần của một tôn giáo lớn nhất thế giới. Ngài chẳng có quân đội, chẳng có tiềm lực kinh tế nào cả, cũng chẳng có vũ khí sát thương để trao đổi, nhưng vũ khí duy nhất của Ngài có là là Tình Thương và Hòa Bình. Vậy mà chẳng hiểu vì sao đi đâu Ngài cũng được người ta chào đón, tung hô. Từng lời nói, từng cử chỉ, hành động của Ngài được ghi lại qua ống kính và được truyền đi khắp thế giới vì Ngài sống quá tử tế. Vậy mà ở Việt Nam không thấy tờ báo nào nói về chuyện này vì có lẽ vì họ vẫn còn sợ tầm ảnh hưởng của Vị này sẽ làm lu mờ hình ảnh của họ. Chúng tôi còn nhớ khi còn học đại học ở Việt Nam, một vị giáo sư đại học của chúng tôi lúc ấy hay đã kích Công giáo và nói rằng nước Việt Nam chẳng có lợi lộc gì khi bang giao với Tòa Thánh Va-ti-căng vì nước nhỏ bé nhất thế giới này chỉ có xuất-nhập khẩu mấy ông linh mục áo đen mà thôi! Quan điểm của vị giáo sư này chỉ mang tính cá nhân nhưng phần nào nói lên ý thức hệ và mang tính miệt thị một tôn giáo lớn như Công giáo. Như vậy là thiếu tử tế.
Mấy ngày gần đây ở Thủ đô Asunción của Paraguay dấy lên một làn sóng biểu tình của giới sinh viên đại học quốc gia khi họ khám phá ra rằng vị Hiệu trưởng của Trường Đại Học danh tiếng này tham nhũng và đưa người thân vào làm việc mà không thông qua hệ thống tuyển công chức. Cuộc biểu tình kéo dài nhiều ngày với sự liên đới của các trường đại học tư thục khác làm tê liệt các con đường chính. Các bậc phụ huynh và giảng viên đại học cũng tán thành với cuộc biểu tình này và đòi vị Hiệu trưởng và Ban Giám Hiệu của Trường phải từ chức. Cảnh sát chỉ làm nhiệm vụ vãn hội trật tự nếu có bạo động và luôn có mặt cùng với đoàn biểu tình. Các sinh viên của các trường đại học khác cùng nhau góp sức mang thức ăn, nước uống cho bè bạn đang tụ tập trước sân trường để phản đối hành vi nhu nhược của các vị hữu trách, cách tiêng của vị hiệu trưởng bị tố là tham nhũng. Trước áp lực chính đáng của những sinh viên ưu tú và người dân, vị Hiệu trưởng này phải từ chức và đang chờ điều tra nếu vi phạm tham nhũng và chế độ tuyển công chức thì sẽ vào tù. Một hành động khá tử tế.
Ấy vậy mà nghe nói ở Việt Nam vừa bổ nhiệm một vị khá trẻ khoảng 30 tuổi làm đốc Sở vì là con của một quan lớn vừa mới nghỉ hưu. Chỉ trong vòng 6 tháng mà được bổ nhiệm từ phó giám đốc Sở, lại vọt ngay lên làm giám đốc Sở. Chuyện đó chẳng có gì ầm ỉ nếu người được bổ nhiệm có năng lực đặc biệt vì ở Paraguay này trong đầu năm nay một giám đốc ngân hàng Trung ương được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Tài Chính khi vừa mới 36 tuổi. Công bằng mà nói chuyện già trẻ không quan trọng trong việc lãnh đạo vì chưa chắc người lớn lớn tuổi nhiều kinh nghiệm sống hơn người trẻ tuổi, nhưng sống trong thế kỷ XXI này chỉ cần gõ vào Google để tìm hiểu thân thế của một người nổi tiếng thì ngay lập tức sẽ hiện ra biết bao nhiêu đường link bình phẩm nhân vật này. Nước Việt Nam mình đâu phải là nước Bắc Hàn khép kín kiểu cha truyền con nối và bố có toàn quyền bổ nhiệm cho con làm quan, làm tướng như nhà họ Kim. Phải tử tế một tý để người đời còn khâm phục.
Rồi hàng ngày chúng tôi cũng xem qua báo chí, truyền hình, truyền thanh về những Videoclip ở Paraguay của những người dân phản ảnh cách làm việc quan liêu, tham nhũng của những nhân viên công vụ, cảnh sát, tòa án... nhưng chúng tôi nhận thấy phần lớn sai phạm thuộc về những người dân vì không phải tất cả những phản ánh của họ đều đúng sự thật. Có những phần tử quá khích thích ở đây thích chọc giận những người thi hành công vụ rồi họ quay phim, chụp ảnh và đăng trên mạng. Ở đây không ai cấm chuyện đó nhưng khi đăng rồi thì các cơ quan chức năng sẽ điều tra ai đúng, ai sai. Những người thi hành công vụ ở đây có thái độ rất bình tĩnh vì chỉ cần một lời nói nặng là dễ bị lên án và ném đá khi bị đăng lên mạng. Mặc dù ở đây không trương khẩu hiệu những nhà lãnh đạo là công bộc của nhân dân nhưng chúng tôi nhận thấy những người làm lớn ở đây đúng thật là những người phục vụ nhân dân và đôi lúc bị những người dân quá khích làm tổn hại đến danh dự nữa. Ngay cả chúng tôi là những người tu hành và đang làm việc ở một trường tư thục Công giáo. Mình là linh mục và là sếp lớn của một ngôi trường bề thế với gần 100 giáo viên và nhân viên. Tuy nhiên đâu phải giáo viên hay nhân viên nào cũng cuối đầu vâng dạ dù họ lãnh lương hàng tháng do chính Nhà Dòng chi trả. Có những giáo viên hay nhân viên có thâm niên làm việc ở đây nhiều lúc trở chứng và có thái độ chống đối và muốn điều khiển mình phải làm theo ý họ. Có những lúc giận quá muốn dùng lời lẽ thế gian để trả đủa hay dùng quyền để tống khứ ngay những người bất trị này, nhưng phải kiềm nén vì chỉ cần một sơ sẩy của mình là sẽ bị đưa lên mạng ngay và sẽ nhận không ít búa rìu dư luận dù mình có đúng thế nào đi nữa. Tuy nhiên, pháp luật chính là thước đo để trừng trị những người làm sai, và trả lại danh dự cho những người làm đúng. Đúng là một quốc gia tuy kém phát triển nhưng biết cư xử tử tế.
Ở quốc gia nhỏ bé này người ta có thể làm bất cứ điều gì miễn là không vi phạm luật pháp. Một ông tướng quân đội về hưu với tiền lương hàng tháng có thể nuôi sống vợ con thoải mái lại tự nguyện đi góp tiền xây nhà thờ và chính ông mời gọi những tướng tá về hưu như ông tham gia công tác tông đồ bác ái. Chính họ cũng là những người mời gọi các em nhỏ, thanh thiếu niên tham gia các phong trào trong giáo xứ như Hướng đạo, Legio Maria, Cursillo nhằm hạn chế tối đa những thú vui trần thếc có thể làm băng hoại giới trẻ. Đúng là những người quá tử tế.     
Nhìn lại quê hương mình mà thấy thương cho người dân vì làm gì cũng sợ và gặp công an ngoài đường như gặp phải ông kẹ. Cũng may là có một số “thanh niên cứng” và biết luật dám “cãi” công an và quay clip đưa lên mạng mới biết mấy anh công an mình giờ thế nào. Tại sao cứ phải cấm nếu mình không làm gì sai? 
Bây giờ là thế kỷ XXI rồi mà! Ngày xưa khi Chúa Giê-su bị kết án tử, khi Ngài trả lời với vị thượng tế thì bị một tên lính đánh vào mặt Ngài, lập tức Ngài liền chất vấn : "Nếu tôi nói sai, anh chứng minh xem sai ở chổ nào; còn nếu tôi nói phải, sao anh lại đánh tôi?" (Xc. Ga 18,23). Phải chăng anh lính này đánh Chúa Giê-su vì anh ta nhìn thấy điều sai nơi Ngài? Hay anh ta đánh Ngài vì anh bị người khác ra lệnh đánh? Hay là anh ta đánh Ngài vì sự uất ức của anh ta như là một người đầy tớ phải chịu nhiều áp bức và nhục nhã, không có ai để trút giận? Hoặc anh ta đánh Ngài vì muốn chứng tỏ mình trước ông sếp giấu mặt của anh, để làm vui lòng sếp, vì đang mong đợi một ân huệ nào đó từ sếp? Một hành động thiếu tử tế.
Hôm nay Giáo Hội mừng lễ Các Tổng Lãnh Thiên Thần Miguel, Gabriel và Rafael, những vị được xem là Anh Cả của các Thiên Thần mà theo niềm tin Công giáo là các vị Hộ Mệnh của chúng ta. Chúa thật tử tế vì khi tạo dựng chúng ta, Người luôn đồng hành với chúng ta khi gởi các Thiên Thần đến với chúng ta để nâng đỡ chúng ta trong cuộc sống. Người luôn tôn trọng tự do của chúng ta vì Người là Một Thiên Chúa Tốt Lành, Tử Tế và Khoang Dung. Xin Các Tổng Lãnh Thiên Thần giúp cho chúng con biết sống tử tế với nhau, cho những vị lãnh đạo nước Việt Nam chúng con biết tử tế với người dân đế quốc gia chúng con thật sự hùng cường nhằm sánh vai cùng các quốc gia trên thế giới. 
       Paraguay, ngày 29 tháng 09 năm 2015
Lễ Các Tổng Lãnh Thiên Thần Miguel, Gabriel và Rafael

Lm. Antôn Trần Xuân Sa

PARAGUAY – LÁ THƯ TRUYỀN GIÁO 1

                                                       
Dư âm           
Đã hơn một tháng trôi qua kể từ ngày Đức Thánh Cha Phan-xi-cô viếng thăm Paraguay, người dân ở đây vẫn còn hăm hở và hãnh diện về chuyến thăm lịch sử này. Hội đồng Giám mục Paraguay đã bắt đầu cho xuất bản những tài liệu học hỏi và những thông điệp mà Vị Cha Chung đã để lại cho con cái Ngài trong những ngày ngắn ngủi vừa qua ở Paraguay. Tuy nhiên cũng có một số người chống đối và cho rằng Đức Giáo Hoàng là ai mà mọi người lại xem ông ta quan trọng đến như vậy. Một số thành phần cực đoan gồm “Nhóm Đồng Tính” hay những người thuộc Phái Tam Điểm từng là Công giáo nhưng nay đang ở những vị trí cao trong chính quyền lại gièm pha và chỉ trích Giáo Hội Công giáo và chỉ trích cả Đức Thánh Cha vì cho rằng chuyến thăm của Ngài đã gấy tốn kém và thiệt hại cho các công ty tư nhân vì chính quyền đã cho phép người dân ở Thủ đô được nghỉ hai ngày. Tuy đó chỉ là một thiểu số rất nhỏ nhưng vì Paraguay là một quốc gia tự do báo chí nên chuyện nhỏ họ cũng xé ra to.
            Paraguay và một số quốc gia ở Nam Mỹ có hai tuần nghỉ mùa Đông sau khi kết thúc học kỳ I vì bên này niên học mới thường bắt đầu vào giữa tháng Hai và kết thúc vào đầu tháng Mười Hai. Hai tuần nghỉ giữa kỳ thật là quí giá và đây cũng là dịp để tu sửa lại trường học và tranh thủ tham dự tuần lễ thường huấn hàng năm của Liên Tu Sĩ.
          
  Tháng 8 là tháng có nhiều ý nghĩa với người dân Paraguay vùng Nam Mỹ này vì có nhiều ngày lễ mang tính quốc gia lẫn tôn giáo. Cao điểm của ngày lễ quan trọng nhất là ngày 15 tháng 8, ngày thành lập Thủ Đô Asunción với tên đầy đủ là Nuestra Señora de la Asunción (Đức Mẹ Lên Trời) vì quốc gia này tuy hiện nay là quốc gia dân sự, thế quyền và giáo quyền hoàn toàn tách biệt nhau, nhưng lịch sử của quốc gia này luôn gắn liền với tôn giáo, và vì thế ngày 15 tháng 8 là ngày quốc lễ vừa để mừng ngày thành lập thủ đô là thành phố đầu tiên của các thành phố, vừa để mừng lễ Mẹ Lên Trời.
            Thỉnh thoảng tôi tự hỏi : “Tự do là gì? Dân chủ là gì?”, vì ngay từ nhỏ sau biến cố 1975, cả gia đình chúng tôi bị đẩy lên vùng kinh tế mới ở Tây Nguyên, và từ đó sống trong một đất nước được những người tự cho là “dân chủ nhất trên thế giới” lãnh đạo, bất cứ một mẫu đơn, một bài viết hay một tờ trình nào đều phải ghi nắn nót và trịnh trọng “Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, Độc lập – Tự do – Hạnh phúc”.
           
Sau nhiều năm sống ở đất nước được xem là nghèo và lạc hậu bậc nhất vùng Châu Mỹ Latinh này, chúng tôi mới cảm nhận được một bầu khí tự do thực sự mà đất nước tôi đến giờ vẫn chưa có được. Người dân ở đây đơn sơ và mộc mạc lắm. Họ có thể nói những gì họ nghĩ, viết những gì họ cảm nhận mà không ai có quyền vu khống hay áp đặt. Nếu họ sai thì có tòa án kết tội, và tuy là quốc gia chỉ có 7 triệu dân nhưng con số luật sư hành nghề chính thức là 50 ngàn luật sư để bảo vệ cho công lý và được pháp luật bảo hộ. Nếu một người dân dù là nước ngoài hay công dân trong nước không vi phạm pháp luật thì không ai được động vào, dù đó là tổng thống. Người dân có quyền chỉ trích chính quyền và giáo quyền nếu những người có trách nhiệm làm sai vì tự do thực sự không hề là một sự ban phát, xin-cho hay là thinh lặng trước những bất công, nhưng phải đến cách tự nhiên và tôn trọng lẫn nhau. Người dân đơn sơ ở đây đã sống một kiểu tự do mà theo chúng tôi nghĩ rất văn minh trong thế kỷ XXI này.
            Nếu chính quyền trong nước khi nghe hay đọc những dòng tin này trên mạng, vì chúng tôi biết có rấn nhiều công an mạng hàng ngày theo dõi từng cuộc gọi, từng email và từng bài viết của những người “lề trái” và kết tội chúng tôi là “diễn tiến hòa bình” hay chỉ trích quê hương thì chúng tôi xin chịu vì biết làm sao được. Nhưng có một điều mà quí vị biết rõ là chúng tôi luôn yêu mến và tự hào về quê hương Việt Nam và muốn quê hương mình có một nền tự do dân chủ thực sự vì tự bản thân đã đi tham dự nhiều khóa hội thảo quốc tế, không bao giờ chúng tôi nói xấu hay vạch áo cho người ta xem lưng về quốc gia mình, nhưng thế giới nhìn về Việt Nam như thế nào thì quí vị quá rõ.
Trở lại chuyện mừng lễ Mẹ Lên Trời, ngày thành lập thủ đô. Giáo quyền và chính quyền phối hợp rất ăn ý với nhau để tổ chức một thánh lễ đầy ý nghĩa. Cảnh sát làm nhiệm vụ giữ trật tự và dọn đường. Quân đội thì phụ trách kiệu tượng ảnh Đức Mẹ cao gần 2 mét. Xe cứu thương và nhân viên phụ trách y tế cùng đồng hành theo cuộc rước mấy cây số để phòng ngừa có ai bệnh đột xuất hay tai nạn thì kịp thời chữa trị. Giáo dân tại thủ đô cùng các vùng lân cận hàng hàng, lớp lớp đua nhau ca hát và tung hô Mẹ. Các giám mục, linh mục và cả vị Sứ Thần Tòa Thánh cùng hòa nhịp với đoàn rước, và dĩ nhiên giới chính chính quyền thủ đô và trung ương cũng tham dự cách sốt sắng. Sau khi đoàn rước tiến vào Cung Thánh và đặt Tượng Đức Mẹ vào vị trí trang nghiêm là nghi lễ thượng cờ Paraguay và Tòa Thánh. Đây là giây phút linh thiêng nhất vì dù những người tham dự là người Công giáo nhưng họ là người Paraguay nên đối với họ, quốc kỳ thể hiện sự độc lập chủ quyền và dù họ chính kiến khác nhau nhưng ai cũng yêu mến quốc gia qua lá cờ 3 màu : Đỏ (Công lý), Trắng (Hòa Bình) và Xanh(Tự Do) và quốc huy ở giữa là huy hiệu Cộng Hòa Paraguay với nhành Ô-liu và nhành vạn tuế. Mọi người cùng nhau hát thật trang nghiêm bài quốc ca đầy oai hùng và nhân văn khi họ hát đến điệp khúc rất ngắn gọn nhưng dùng từ ngữ thật chính xác với sự hòa âm nhịp nhàng: Paraguayos, ¡República o muerte!, Nuestro brío nos dio libertad; Ni opresores, ni siervos alientan, Donde reinan unión e igualdad” (Hỡi người Paraguay, ¡Cộng hòa hay là chết!, Tinh thần bất khuất đã mang đến tự do cho chúng ta; nơi đâu có sự hiệp nhất và bình đẳng thì ở đó không còn áp bức hay nô lệ nữa). Ngay cả vị Sứ Thần Tòa Thánh người Ý cũng hát theo. Chúng tôi nhận thấy trong giây phút ấy mọi người đều để hết tâm trí khi hát quốc ca và chợt nghĩ đến biết bao giờ người Việt ở thế kỷ XXI dù có bất đồng chính kiến nhưng cùng đứng chung dưới một lá cờ, hát chung một bài hát quốc ca được chính người dân Việt trong nước và hải ngoại đồng tấu thì lúc đó Việt Nam mới thực sự là độc lập, tự do. Tuy ước mơ nhỏ nhoi ấy thật xa vời nhưng mong sẽ có ngày thành hiện thực.           
             
Chuyến thăm của Cha Tổng quyền
Cũng trong tháng 8,  chúng tôi được tiếp đón Cha Tổng Quyền người Đức đến từ Rô-ma. Ngài đã kinh lý Tỉnh Dòng Paraguay chúng tôi từ ngày 10 đến 19 tháng 8 để gặp gỡ từng anh em và xem tình hình thực tế của quốc gia anh em đang sống như thế nào.
Ở Việt Nam khi nghe nói đến chuyến thăm kinh lý của những vị bề trên cao cấp từ Rô-ma hay Âu châu đến thì thường phải chuẩn bị đến từng chi tiết để không phải mất thể diện. Tuy nhiên, ở bên này thì các cuộc gặp gỡ quốc tế và chuyến kinh lý tổng quyển của các vị cao cấp đến từ Âu châu hay Rô-ma cũng không cậu nệ lắm về hình thức, cách riêng là vị Tổng Quyền đương nhiệm người Đức của chúng tôi. Ngài đã từng làm việc ở Phi Luật Tân 27 năm và được tín nhiệm bầu làm Bề Trên Giám Tỉnh ở đó đến 3 nhiệm kỳ. Và khi đang còn đương nhiệm Bề Trên Giám Tỉnh nhiệm kỳ III thì ngài được bầu làm bề Trên Tổng Quyền năm 2012.
Là một người thông thái, uyên bác nhưng rất khiêm nhường và đơn sơ. Ấn tượng đầu tiên khi chúng tôi gặp ngài và chào ngài là Bề Trên Tổng Quyền (Padre Superior General) thì ngài lại sửa ngay : “Anh em hãy gọi tôi là anh Hai (Hermano Mayor) để dễ nói chuyện hơn”. Và từ lúc đó chúng tôi đã gọi thân mật với ngài như thế.
Dòng Ngôi Lời chúng tôi hiện tại đang làm việc trên 80 quốc gia và lãnh thổ trên thế giới, và trong nhiệm kỳ của người Anh Hai khiêm nhường này, ngài muốn gởi anh em đi đến một số quốc gia Phi Châu, Á châu và Châu Mỹ La-tinh nghèo khổ nơi mà chưa có bóng dáng của các nhà truyền giáo Ngôi Lời trong các lĩnh vực xã hội, y tế và đối thoại liên tôn. Ngài cũng nhắn nhủ các vị bề trên, các nhà giáo dục và các nhà đào tạo Ngôi Lời là trong quá trình huấn luyện, nếu cảm thấy những ứng sinh không có tinh thần dấn thân với người nghèo và người bị gạt ra bên lề xã hội thì nên cho về để không mất thời gian đào tạo vô ích. Ngài cũng khuyên các anh em linh mục tu sĩ đang làm việc tại giáo xứ hay các trung tâm mục vụ hãy giành nhiều thời gian đến với người dân, làm việc chung với họ và loại bỏ sự độc đoán, lại bỏ kiểu làm việc quan liêu. Ngài cũng khá gay gắt với các anh em linh mục, tu sĩ luôn ngồi lướt web nhiều giờ vô ích và thiếu đời sống cầu nguyện cũng như tình huynh đệ cộng đoàn. Ngài là anh Cả, là Bề Trên Tổng quyền và đã làm gương trong cách sống ngay từ đầu nên lời nói của ngài thật có uy (Xc. https://www.youtube.com/watch?v=KoZQN5nUAyA ). Cách sống đơn sơ và khiêm nhường của ngài trong những ngày ở Paraguay khiến chúng tôi nhìn lại cuộc sống mình. Nhiều lúc mình đòi hỏi và ca thán quá nhiều nhưng lại phục vụ chưa đủ. Chính những người được Chúa chọn như anh Hai Tổng quyền của chúng tôi đã đem đại cho chúng tôi một luồn gió mới trong cung cách phục vụ.
Trong những ngày Cha Tổng Quyền viếng thăm Paraguay, ngài cũng ghé thăm trường học và giáo xứ nơi chúng tôi phục vụ. Ngài rất yêu mến giới trẻ và những cộng sự viên của Dòng Ngôi Lời là những người cộng tác trực tiếp hay gián tiếp như các phong trào giáo dân, các giáo viên, các giáo lý viên… Ngài động viên, khích lệ họ tiếp tục cộng tác với các nhà truyền giáo Ngôi Lời dù đôi lúc có những hiểu lầm hay mâu thuẫn trong khi làm việc. ngài đã khích lệ các em học sinh vì các em chính là tương lai của Giáo hội và xã hội.
Trong thời gian nói chuyện riêng với ngài, người anh Hai này rất khen ngợi Tỉnh Dòng Ngôi Lời non trẻ tại Việt Nam với nhiều ơn gọi nhưng ngài lại nói anh em Việt Nam luôn gặp khó khăn về ngôn ngữ khi được sai đến các nước nói tiếng Anh, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. Điều đó cũng dễ hiểu vì ngay cả người Nhật, Hàn Quốc, Trung quốc họ cũng đâu có ngon lành gì với các ngôn ngữ này khi họ đến các nước nói những thứ tiếng đó. Tuy nhiên, ngài nói anh em Việt Nam làm việc rất hăng say trong mục vụ và có đời sống tâm linh cao. Hiện nay một anh em Ngôi Lời người Việt vừa mới được bổ nhiệm làm chức vụ cao nhất trong Hội Đồng Trung Ương Tổng quyền từ trước đến nay với chức vụ Tổng Thư Ký Tổng Quyền là cha Peter Nguyễn Cao Sâm đang làm việc tại Hàn Quốc, và cha Sâm Hàn Quốc này cũng từng làm việc tại Paraguay từ năm 1986 đến 1992 trước khi về Mỹ bảo vệ luận án tiến sĩ về Counseling.
Tháng 8 cũng là tháng có nhiều sinh hoạt mang tính bề nổi trong các trường học khi giáo viên và học sinh thi nhau tổ chức về thể thao, thi nấu ăn, khiêu vũ và lễ hội Folklore (lễ hội dân gian). Người Paraguay không giỏi về lý thuyết và không có trí nhớ như người Việt Nam, nhưng về thực hành, về sáng tạo thì có lẽ họ rất khá. Quan sát các em từ lớp mẫu giáo đến cấp III chung nhau làm việc và trang trí những đề tài mà giáo viên đưa ra thì chúng tôi phải công nhận rằng các em rất sáng tạo. Ở cấp tiểu học chúng tôi nhận thấy các giáo viên cho các em chơi nhiều hơn học, và qua các cuộc chơi, các em tiếp thu nhiều hơn. Chúng tôi cũng đang bảo vệ luận án Cao học về Giáo dục và nhận ra rằng nền giáo dục ở đây dựa trên việc dạy dỗ sự hiểu biết và thực hành ứng dụng chứ không dựa trên số điểm hay thành tích nên không gây áp lực nhiều đến học sinh và cả giáo viên. Nhà nước rất quan tâm đến nền giáo dục và luôn ưu ái cho những tổ chức hay cá nhân đầu tư vào giáo dục. Chúng tôi cũng rất vui khi biết chính quyền Việt Nam vừa chấp thuận cho Giáo Hội Công Giáo Việt Nam mở Học Viện Công Giáo và đây là một bước tiến bộ vì chúng tôi thiết nghĩ, chính những tôn giáo chân chính sẽ làm giàu đất nước qua việc đầu tư vào giáo dục, và cũng chính những nhà giáo dục chân chính sẽ làm đất nước thoát nghèo về dốt nát, về tham nhũng, về tư duy và độc đoán. Đầu tư có lợi nhất trong thế kỷ XXI này là đầu tư về giáo dục.
Thời gian trôi qua thật nhanh và chuẩn bị bước qua tháng 9. Nhìn trong gương thấy mình thay đổi nhiều và tóc lại thêm nhiều sợi bạc. Tháng 9 này mình lại thêm một tuổi nữa và một số người nói đùa là càng thêm tuổi thì càng thêm tội. Hôm nay ngày 29 tháng 8 là ngày lễ thánh Gio-an Bao-ti-xi-ta bị trảm huyết chỉ vì dám nói và làm chứng cho sự thật. Không biết mình nói sự thật có bị “trảm” như Thánh Gio-an khi về đến Việt Nam không! Nhưng dù có bị “trảm” vẫn không sợ vì Chúa Giê-su đã khích lệ : “Sự thật sẽ giải thoát anh em” (Xc. Ga 8,32). Xin chúc các thầy cô giáo và các em học sinh ở Việt Nam có một ngày khai trường trong tháng 9 vui vẻ và đầy sức sống trong niên học mới 2015.   
         Paraguay, 29 tháng 8 năm 2015

Lm. Antôn Trần Xuân Sang, SVD.