Sunday, November 22, 2015

PARAGUAY – LÁ THƯ TRUYỀN GIÁO 1

                                                       
Dư âm           
Đã hơn một tháng trôi qua kể từ ngày Đức Thánh Cha Phan-xi-cô viếng thăm Paraguay, người dân ở đây vẫn còn hăm hở và hãnh diện về chuyến thăm lịch sử này. Hội đồng Giám mục Paraguay đã bắt đầu cho xuất bản những tài liệu học hỏi và những thông điệp mà Vị Cha Chung đã để lại cho con cái Ngài trong những ngày ngắn ngủi vừa qua ở Paraguay. Tuy nhiên cũng có một số người chống đối và cho rằng Đức Giáo Hoàng là ai mà mọi người lại xem ông ta quan trọng đến như vậy. Một số thành phần cực đoan gồm “Nhóm Đồng Tính” hay những người thuộc Phái Tam Điểm từng là Công giáo nhưng nay đang ở những vị trí cao trong chính quyền lại gièm pha và chỉ trích Giáo Hội Công giáo và chỉ trích cả Đức Thánh Cha vì cho rằng chuyến thăm của Ngài đã gấy tốn kém và thiệt hại cho các công ty tư nhân vì chính quyền đã cho phép người dân ở Thủ đô được nghỉ hai ngày. Tuy đó chỉ là một thiểu số rất nhỏ nhưng vì Paraguay là một quốc gia tự do báo chí nên chuyện nhỏ họ cũng xé ra to.
            Paraguay và một số quốc gia ở Nam Mỹ có hai tuần nghỉ mùa Đông sau khi kết thúc học kỳ I vì bên này niên học mới thường bắt đầu vào giữa tháng Hai và kết thúc vào đầu tháng Mười Hai. Hai tuần nghỉ giữa kỳ thật là quí giá và đây cũng là dịp để tu sửa lại trường học và tranh thủ tham dự tuần lễ thường huấn hàng năm của Liên Tu Sĩ.
          
  Tháng 8 là tháng có nhiều ý nghĩa với người dân Paraguay vùng Nam Mỹ này vì có nhiều ngày lễ mang tính quốc gia lẫn tôn giáo. Cao điểm của ngày lễ quan trọng nhất là ngày 15 tháng 8, ngày thành lập Thủ Đô Asunción với tên đầy đủ là Nuestra Señora de la Asunción (Đức Mẹ Lên Trời) vì quốc gia này tuy hiện nay là quốc gia dân sự, thế quyền và giáo quyền hoàn toàn tách biệt nhau, nhưng lịch sử của quốc gia này luôn gắn liền với tôn giáo, và vì thế ngày 15 tháng 8 là ngày quốc lễ vừa để mừng ngày thành lập thủ đô là thành phố đầu tiên của các thành phố, vừa để mừng lễ Mẹ Lên Trời.
            Thỉnh thoảng tôi tự hỏi : “Tự do là gì? Dân chủ là gì?”, vì ngay từ nhỏ sau biến cố 1975, cả gia đình chúng tôi bị đẩy lên vùng kinh tế mới ở Tây Nguyên, và từ đó sống trong một đất nước được những người tự cho là “dân chủ nhất trên thế giới” lãnh đạo, bất cứ một mẫu đơn, một bài viết hay một tờ trình nào đều phải ghi nắn nót và trịnh trọng “Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, Độc lập – Tự do – Hạnh phúc”.
           
Sau nhiều năm sống ở đất nước được xem là nghèo và lạc hậu bậc nhất vùng Châu Mỹ Latinh này, chúng tôi mới cảm nhận được một bầu khí tự do thực sự mà đất nước tôi đến giờ vẫn chưa có được. Người dân ở đây đơn sơ và mộc mạc lắm. Họ có thể nói những gì họ nghĩ, viết những gì họ cảm nhận mà không ai có quyền vu khống hay áp đặt. Nếu họ sai thì có tòa án kết tội, và tuy là quốc gia chỉ có 7 triệu dân nhưng con số luật sư hành nghề chính thức là 50 ngàn luật sư để bảo vệ cho công lý và được pháp luật bảo hộ. Nếu một người dân dù là nước ngoài hay công dân trong nước không vi phạm pháp luật thì không ai được động vào, dù đó là tổng thống. Người dân có quyền chỉ trích chính quyền và giáo quyền nếu những người có trách nhiệm làm sai vì tự do thực sự không hề là một sự ban phát, xin-cho hay là thinh lặng trước những bất công, nhưng phải đến cách tự nhiên và tôn trọng lẫn nhau. Người dân đơn sơ ở đây đã sống một kiểu tự do mà theo chúng tôi nghĩ rất văn minh trong thế kỷ XXI này.
            Nếu chính quyền trong nước khi nghe hay đọc những dòng tin này trên mạng, vì chúng tôi biết có rấn nhiều công an mạng hàng ngày theo dõi từng cuộc gọi, từng email và từng bài viết của những người “lề trái” và kết tội chúng tôi là “diễn tiến hòa bình” hay chỉ trích quê hương thì chúng tôi xin chịu vì biết làm sao được. Nhưng có một điều mà quí vị biết rõ là chúng tôi luôn yêu mến và tự hào về quê hương Việt Nam và muốn quê hương mình có một nền tự do dân chủ thực sự vì tự bản thân đã đi tham dự nhiều khóa hội thảo quốc tế, không bao giờ chúng tôi nói xấu hay vạch áo cho người ta xem lưng về quốc gia mình, nhưng thế giới nhìn về Việt Nam như thế nào thì quí vị quá rõ.
Trở lại chuyện mừng lễ Mẹ Lên Trời, ngày thành lập thủ đô. Giáo quyền và chính quyền phối hợp rất ăn ý với nhau để tổ chức một thánh lễ đầy ý nghĩa. Cảnh sát làm nhiệm vụ giữ trật tự và dọn đường. Quân đội thì phụ trách kiệu tượng ảnh Đức Mẹ cao gần 2 mét. Xe cứu thương và nhân viên phụ trách y tế cùng đồng hành theo cuộc rước mấy cây số để phòng ngừa có ai bệnh đột xuất hay tai nạn thì kịp thời chữa trị. Giáo dân tại thủ đô cùng các vùng lân cận hàng hàng, lớp lớp đua nhau ca hát và tung hô Mẹ. Các giám mục, linh mục và cả vị Sứ Thần Tòa Thánh cùng hòa nhịp với đoàn rước, và dĩ nhiên giới chính chính quyền thủ đô và trung ương cũng tham dự cách sốt sắng. Sau khi đoàn rước tiến vào Cung Thánh và đặt Tượng Đức Mẹ vào vị trí trang nghiêm là nghi lễ thượng cờ Paraguay và Tòa Thánh. Đây là giây phút linh thiêng nhất vì dù những người tham dự là người Công giáo nhưng họ là người Paraguay nên đối với họ, quốc kỳ thể hiện sự độc lập chủ quyền và dù họ chính kiến khác nhau nhưng ai cũng yêu mến quốc gia qua lá cờ 3 màu : Đỏ (Công lý), Trắng (Hòa Bình) và Xanh(Tự Do) và quốc huy ở giữa là huy hiệu Cộng Hòa Paraguay với nhành Ô-liu và nhành vạn tuế. Mọi người cùng nhau hát thật trang nghiêm bài quốc ca đầy oai hùng và nhân văn khi họ hát đến điệp khúc rất ngắn gọn nhưng dùng từ ngữ thật chính xác với sự hòa âm nhịp nhàng: Paraguayos, ¡República o muerte!, Nuestro brío nos dio libertad; Ni opresores, ni siervos alientan, Donde reinan unión e igualdad” (Hỡi người Paraguay, ¡Cộng hòa hay là chết!, Tinh thần bất khuất đã mang đến tự do cho chúng ta; nơi đâu có sự hiệp nhất và bình đẳng thì ở đó không còn áp bức hay nô lệ nữa). Ngay cả vị Sứ Thần Tòa Thánh người Ý cũng hát theo. Chúng tôi nhận thấy trong giây phút ấy mọi người đều để hết tâm trí khi hát quốc ca và chợt nghĩ đến biết bao giờ người Việt ở thế kỷ XXI dù có bất đồng chính kiến nhưng cùng đứng chung dưới một lá cờ, hát chung một bài hát quốc ca được chính người dân Việt trong nước và hải ngoại đồng tấu thì lúc đó Việt Nam mới thực sự là độc lập, tự do. Tuy ước mơ nhỏ nhoi ấy thật xa vời nhưng mong sẽ có ngày thành hiện thực.           
             
Chuyến thăm của Cha Tổng quyền
Cũng trong tháng 8,  chúng tôi được tiếp đón Cha Tổng Quyền người Đức đến từ Rô-ma. Ngài đã kinh lý Tỉnh Dòng Paraguay chúng tôi từ ngày 10 đến 19 tháng 8 để gặp gỡ từng anh em và xem tình hình thực tế của quốc gia anh em đang sống như thế nào.
Ở Việt Nam khi nghe nói đến chuyến thăm kinh lý của những vị bề trên cao cấp từ Rô-ma hay Âu châu đến thì thường phải chuẩn bị đến từng chi tiết để không phải mất thể diện. Tuy nhiên, ở bên này thì các cuộc gặp gỡ quốc tế và chuyến kinh lý tổng quyển của các vị cao cấp đến từ Âu châu hay Rô-ma cũng không cậu nệ lắm về hình thức, cách riêng là vị Tổng Quyền đương nhiệm người Đức của chúng tôi. Ngài đã từng làm việc ở Phi Luật Tân 27 năm và được tín nhiệm bầu làm Bề Trên Giám Tỉnh ở đó đến 3 nhiệm kỳ. Và khi đang còn đương nhiệm Bề Trên Giám Tỉnh nhiệm kỳ III thì ngài được bầu làm bề Trên Tổng Quyền năm 2012.
Là một người thông thái, uyên bác nhưng rất khiêm nhường và đơn sơ. Ấn tượng đầu tiên khi chúng tôi gặp ngài và chào ngài là Bề Trên Tổng Quyền (Padre Superior General) thì ngài lại sửa ngay : “Anh em hãy gọi tôi là anh Hai (Hermano Mayor) để dễ nói chuyện hơn”. Và từ lúc đó chúng tôi đã gọi thân mật với ngài như thế.
Dòng Ngôi Lời chúng tôi hiện tại đang làm việc trên 80 quốc gia và lãnh thổ trên thế giới, và trong nhiệm kỳ của người Anh Hai khiêm nhường này, ngài muốn gởi anh em đi đến một số quốc gia Phi Châu, Á châu và Châu Mỹ La-tinh nghèo khổ nơi mà chưa có bóng dáng của các nhà truyền giáo Ngôi Lời trong các lĩnh vực xã hội, y tế và đối thoại liên tôn. Ngài cũng nhắn nhủ các vị bề trên, các nhà giáo dục và các nhà đào tạo Ngôi Lời là trong quá trình huấn luyện, nếu cảm thấy những ứng sinh không có tinh thần dấn thân với người nghèo và người bị gạt ra bên lề xã hội thì nên cho về để không mất thời gian đào tạo vô ích. Ngài cũng khuyên các anh em linh mục tu sĩ đang làm việc tại giáo xứ hay các trung tâm mục vụ hãy giành nhiều thời gian đến với người dân, làm việc chung với họ và loại bỏ sự độc đoán, lại bỏ kiểu làm việc quan liêu. Ngài cũng khá gay gắt với các anh em linh mục, tu sĩ luôn ngồi lướt web nhiều giờ vô ích và thiếu đời sống cầu nguyện cũng như tình huynh đệ cộng đoàn. Ngài là anh Cả, là Bề Trên Tổng quyền và đã làm gương trong cách sống ngay từ đầu nên lời nói của ngài thật có uy (Xc. https://www.youtube.com/watch?v=KoZQN5nUAyA ). Cách sống đơn sơ và khiêm nhường của ngài trong những ngày ở Paraguay khiến chúng tôi nhìn lại cuộc sống mình. Nhiều lúc mình đòi hỏi và ca thán quá nhiều nhưng lại phục vụ chưa đủ. Chính những người được Chúa chọn như anh Hai Tổng quyền của chúng tôi đã đem đại cho chúng tôi một luồn gió mới trong cung cách phục vụ.
Trong những ngày Cha Tổng Quyền viếng thăm Paraguay, ngài cũng ghé thăm trường học và giáo xứ nơi chúng tôi phục vụ. Ngài rất yêu mến giới trẻ và những cộng sự viên của Dòng Ngôi Lời là những người cộng tác trực tiếp hay gián tiếp như các phong trào giáo dân, các giáo viên, các giáo lý viên… Ngài động viên, khích lệ họ tiếp tục cộng tác với các nhà truyền giáo Ngôi Lời dù đôi lúc có những hiểu lầm hay mâu thuẫn trong khi làm việc. ngài đã khích lệ các em học sinh vì các em chính là tương lai của Giáo hội và xã hội.
Trong thời gian nói chuyện riêng với ngài, người anh Hai này rất khen ngợi Tỉnh Dòng Ngôi Lời non trẻ tại Việt Nam với nhiều ơn gọi nhưng ngài lại nói anh em Việt Nam luôn gặp khó khăn về ngôn ngữ khi được sai đến các nước nói tiếng Anh, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. Điều đó cũng dễ hiểu vì ngay cả người Nhật, Hàn Quốc, Trung quốc họ cũng đâu có ngon lành gì với các ngôn ngữ này khi họ đến các nước nói những thứ tiếng đó. Tuy nhiên, ngài nói anh em Việt Nam làm việc rất hăng say trong mục vụ và có đời sống tâm linh cao. Hiện nay một anh em Ngôi Lời người Việt vừa mới được bổ nhiệm làm chức vụ cao nhất trong Hội Đồng Trung Ương Tổng quyền từ trước đến nay với chức vụ Tổng Thư Ký Tổng Quyền là cha Peter Nguyễn Cao Sâm đang làm việc tại Hàn Quốc, và cha Sâm Hàn Quốc này cũng từng làm việc tại Paraguay từ năm 1986 đến 1992 trước khi về Mỹ bảo vệ luận án tiến sĩ về Counseling.
Tháng 8 cũng là tháng có nhiều sinh hoạt mang tính bề nổi trong các trường học khi giáo viên và học sinh thi nhau tổ chức về thể thao, thi nấu ăn, khiêu vũ và lễ hội Folklore (lễ hội dân gian). Người Paraguay không giỏi về lý thuyết và không có trí nhớ như người Việt Nam, nhưng về thực hành, về sáng tạo thì có lẽ họ rất khá. Quan sát các em từ lớp mẫu giáo đến cấp III chung nhau làm việc và trang trí những đề tài mà giáo viên đưa ra thì chúng tôi phải công nhận rằng các em rất sáng tạo. Ở cấp tiểu học chúng tôi nhận thấy các giáo viên cho các em chơi nhiều hơn học, và qua các cuộc chơi, các em tiếp thu nhiều hơn. Chúng tôi cũng đang bảo vệ luận án Cao học về Giáo dục và nhận ra rằng nền giáo dục ở đây dựa trên việc dạy dỗ sự hiểu biết và thực hành ứng dụng chứ không dựa trên số điểm hay thành tích nên không gây áp lực nhiều đến học sinh và cả giáo viên. Nhà nước rất quan tâm đến nền giáo dục và luôn ưu ái cho những tổ chức hay cá nhân đầu tư vào giáo dục. Chúng tôi cũng rất vui khi biết chính quyền Việt Nam vừa chấp thuận cho Giáo Hội Công Giáo Việt Nam mở Học Viện Công Giáo và đây là một bước tiến bộ vì chúng tôi thiết nghĩ, chính những tôn giáo chân chính sẽ làm giàu đất nước qua việc đầu tư vào giáo dục, và cũng chính những nhà giáo dục chân chính sẽ làm đất nước thoát nghèo về dốt nát, về tham nhũng, về tư duy và độc đoán. Đầu tư có lợi nhất trong thế kỷ XXI này là đầu tư về giáo dục.
Thời gian trôi qua thật nhanh và chuẩn bị bước qua tháng 9. Nhìn trong gương thấy mình thay đổi nhiều và tóc lại thêm nhiều sợi bạc. Tháng 9 này mình lại thêm một tuổi nữa và một số người nói đùa là càng thêm tuổi thì càng thêm tội. Hôm nay ngày 29 tháng 8 là ngày lễ thánh Gio-an Bao-ti-xi-ta bị trảm huyết chỉ vì dám nói và làm chứng cho sự thật. Không biết mình nói sự thật có bị “trảm” như Thánh Gio-an khi về đến Việt Nam không! Nhưng dù có bị “trảm” vẫn không sợ vì Chúa Giê-su đã khích lệ : “Sự thật sẽ giải thoát anh em” (Xc. Ga 8,32). Xin chúc các thầy cô giáo và các em học sinh ở Việt Nam có một ngày khai trường trong tháng 9 vui vẻ và đầy sức sống trong niên học mới 2015.   
         Paraguay, 29 tháng 8 năm 2015

Lm. Antôn Trần Xuân Sang, SVD.  

No comments:

Post a Comment