Saturday, September 27, 2014

PARAGUAY – NHỮNG KHOẢNG KHẮC ĐÁNG NHỚ TRONG ĐỜI MỤC VỤ




Mục vụ trường học

            Kể từ cuối tháng 6 vừa qua khi một anh em linh mục cùng Dòng người Ba-lan đi nghỉ phép trong dịp ngân khánh linh mục, cha Bề trên Giám tỉnh ở đây đã bổ nhiệm chúng tôi thay thế tạm thời chức “Director General Interino” (tạm dịch là Quyền Tổng Hiệu Trưởng) của một trường học lớn tại Thủ đô Asunción gồm 3 cấp học: Mầm Non, Tiểu học và Trung học với số học sinh khoảng 1.500 em. Đây là một trong những trường Công giáo tầm cỡ của Paraguay thuộc sở hữu của Dòng Ngôi Lời với trên 50 năm thành lập. Vị cựu Tổng thống Lugo của Paraguay từng làm Tổng Hiệu Trưởng trường này trong vòng 6 năm trước khi đăng quang Tổng Thống. Bởi thế, khi cha Giám tỉnh gọi chúng tôi để bổ nhiệm dù là tạm thời, chúng tôi cảm thấy lúng túng và muốn thoái thoát vì phải lãnh một trách nhiệm khá nặng nề với số học sinh hơn 1.500 em, số giáo viên hơn 70 và biết bao nhân viên tạp vụ khác. Cảm thấy mình quá non trẻ và gánh vác một nhiệm vụ không mấy đơn giản nên ngay từ giây phút đầu chúng tôi từ chối, nhưng cha Bề trên và Hội Đồng đã luôn trấn an và hứa sẽ đồng hành trên mọi phương diện nên chúng tôi đã nhận lời.
            Trường học được xem là một xã hội thu nhỏ vì trong đó bao gồm đủ mọi tầng lớp xã hội và chính kiến từ học sinh đến giáo viên. Họ thuộc nhiều đảng phái chính trị và quyền tự do ngôn luận được tôn trọng triệt để. Ở quốc gia Paraguay nhỏ bé này nhà nước lo trọn gói về giáo dục từ mầm non đến hết bậc trung học trong các trường nhà nước nhưng người dân vẫn thích gởi con đến các trường tư thục Công giáo do các tu sĩ đảm trách dù phải trả tiền khá cao, vì ở đó con cái họ chẳng những học được kiến thức mà còn học được nhân cách làm người, và sau khi hoàn tất trung học các em dễ dàng vào đại học và có cơ hội thăng tiến việc làm hơn. Nhà nước còn động viên và hỗ trợ về mọi mặt nếu một tổ chức tôn giáo nào đứng ra thành lập trường học hay bệnh viện vì điều đó sẽ làm giảm bớt gánh nặng ngân sách cho quốc gia miễn là việc đào tạo và phục vụ có chất lượng.
Trong những ngày tháng làm việc trực tiếp trong ngành giáo dục cả đối nội lẫn đối ngoại với cương vị là người đứng đầu một trường Công giáo, chúng tôi hiểu được rất nhiều điều cả tích cực lẫn tiêu cực ở một quốc gia tự do. Dù trường công hay trường tư ở quốc gia này, giáo dục luôn đặt nặng hàng đầu việc giảng dạy cho các học sinh là người hữu ích với châm ngôn : Thượng Đế - Tổ Quốc và Gia đình. Dù anh thuộc tôn giáo nào không quan trọng nhưng anh phải biết kính trọng một Vị Thượng Đế trên cao, anh phải yêu mến tổ quốc và sẵn sàng sống chết cho tổ quốc nơi anh đang sinh sống và anh phải biết quí trọng gia đình của riêng anh. Chúng tôi đã đồng hành với các giáo viên và các em học sinh trong hầu hết các buổi chính khóa, các sinh hoạt bề nổi cũng như các hoạt động mang tính tôn giáo vì các trường học Công giáo có những tiêu chí riêng và nhà nước phải công nhận. Qua những hoạt động đó, thầy trò chúng tôi hiểu nhau và gắn bó với nhau nhiều hơn để cùng nhau thăng tiến. Là một trường lớn ở Thủ Đô nên không tránh khỏi những “chuyện thường ngày xảy ra ở huyện” như đánh nhau, quậy phá, chỉ trích nhau trên mạng xã hội vì học sinh bây giờ với những phương tiện kỹ thuật hiện đại và Internet nhiều lúc khiến chúng tôi cũng đau đầu để giải quyết những tố giác vì là người đứng mũi chịu sào với sự trợ giúp của các luật sư và nhà tâm lý nên cũng hạn chế rất nhiều những điều tệ hại khó lường.
Trong Tỉnh Dòng có nhiều nhân sự nhưng không mấy ai thích làm việc chuyên môn nên cha Bề trên nhiều lúc cũng khó xử  khi tìm người thay thế. Nếu mình chỉ nghĩ đến mình mà tránh những điều khó thì đâu là đức vâng lời trong đời tu. Nhiều lúc trong lòng cứ đắn đo, thậm chí so đo nữa là sao Bề trên cứ muốn đẩy mình vào chỗ khó và sao mình không dám mạnh dạn từ chối. Tuy nhiên khi nghĩ lại cũng thấy thương cho những người trách nhiệm vì họ tin mình và biết khả năng của mỗi người mới giao nhiệm vụ chứ nếu đặt nhằm chỗ thì có ngày tan nát nhà Dòng.       

Đại Hội Giới Trẻ Dòng Ngôi Lời
            Tuần thứ hai của tháng 9, Dòng Ngôi Lời ở Paraguay tổ chức kỳ Đại Hội Giới Trẻ lần thứ II trong 3 ngày cuối tuần diễn ra tại Nhà Tĩnh Tâm của Dòng ở miền Đông đất nước. Tham dự lần này có gần 220 bạn trẻ và linh mục thuộc tất cả các trường học và giáo xứ trên toàn quốc nơi Dòng Ngôi Lời phụ trách.
           
Chủ đề giới trẻ năm nay chúng tôi muốn giúp các em dấn thân hơn với lời cam kết của các em với Chúa Ki-tô là “Jóvenes para Cristo” (Giới trẻ cho Đức Ki-tô) và cũng chuẩn bị cho các em bước vào mùa Xuân khi cơn lạnh vừa chấm dứt vì “Tuổi trẻ là mùa Xuân” bắt đầu vào ngày 21 tháng 9 này.
            Đây là Đại Hội giới trẻ chứ không phải là cuộc tĩnh tâm nên chúng tôi đã mời những vị thuyết trình rất trẻ và có nhiều kinh nghiệm với giới trẻ để bắt nhịp được hồn của giới trẻ khi chúng tôi giúp các em hiểu và dùng cho đúng những mạng xã hội trong việc loan báo Tin Mừng vì giới trẻ ở đây khá thờ ơ và khô khan với Lời Chúa và Thánh Lễ. Các em chủng sinh liên hiệp quốc trong Dòng là những hoạt náo viên đầy tài năng đã làm cho những ngày Đại Hội “nổ tung” với những điệu nhảy Samba, Tango, Lambada, Hiphop… và các bài hát sinh hoạt đậm tính Nam Mỹ đã giúp giới trẻ tham gia hết mình và tập trung hơn theo thời khóa biểu của chương trình vì giới trẻ Nam Mỹ mà thiếu chuyện hát hò và nhảy nhót coi như thất bại.
            Các anh em linh mục và tu sĩ trẻ trong Dòng đang thực tập truyền giáo ở đây đã tham gia hết mình khi nhìn thấy giới trẻ chính là hình ảnh của mình. Chúng tôi là người trong Ban Tổ Chức nhiều khi lúng túng vì lúc đầu các em đăng ký tham dự là 150 nhưng con số lại gia tăng không ngờ lên đến 220 trong chính ngày Đại Hội do dư âm tích cực của Đại Hội lần trước khiến chúng tôi  một phen lo lắng nhưng đâu cũng vào đó và cảm thấy vui khi các em đáp lại lời mời gọi và tham gia tích cực.
Ai đó đã từng nói “Thay đổi một người là thay đổi cả thế giới”. 220 bạn trẻ tham dự đại Hội đã hứa quyết tâm khi trở về sẽ làm một điều gì đó có ích nơi các em sinh sống để trở thành những cánh tay nối dài của Chúa Ki-tô. Nhớ lại Giáo hội Công giáo Hàn quốc cách đây hơn 30 năm thì người Công giáo chỉ khoảng 2 triệu người, nhưng trong chuyến thăm của Đức Thánh Cha Phan-xi-cô vào trung tuần tháng 8 vừa qua thì nghe nói con số Công giáo của Hàn quốc hiện nay đã gần 5 triệu người. Chính giới trẻ là tương lai của Giáo Hội và xã hội nếu chúng ta biết định hướng đúng lúc, nhất là các linh mục biết đồng hành và biết quan tâm đến họ. Các em sẽ là những nhà truyền giáo hữu hiệu nhất trong môi trường các em sinh sống, và nhất là các em sẽ dùng những phương tiện kỹ thuật hiện đại để nói về Chúa cho những bạn bè của mình. Chúng con có chút ít kinh nghiệm trong việc đồng hành với giới trẻ trong những năm tháng truyền giáo nơi đây và luôn tranh thủ mọi thời gian có thể trong các trường học hay trong các buổi thuyết trình tại các giáo xứ để giúp giới trẻ chẳng những trong việc thu lượm kiến thức nhưng còn trong đời sống thiêng liêng của các em nữa để hướng các em cân bằng đời sống tri thức và đời sống thiêng liêng trong một thế giới tục hóa đang phát triển từng ngày.      
            Hôm nay ngày 21 tháng 9, người dân Nam Mỹ bắt đầu bước vào mùa Xuân và giới trẻ trong các trường học và giáo xứ đón chào mùa Xuân theo phong cách Nam Mỹ. Xin Chúa là mùa Xuân Vĩnh Cửu ban ơn lành cho giới trẻ Paraguay cũng như giới trẻ trên toàn thế giới biết dấn thân và cam kết theo Chúa Ki-tô. 
Paraguay, ngày 21 tháng 9 năm 2014 – Lễ Thánh Mát-thêu Tông Đồ
Lm. Antôn Trần Xuân Sang, SVD.            

No comments:

Post a Comment