Hội Thảo Quốc Tế về
“VIVAT”
Tháng 8, tháng cao điểm của mùa Đông
trước khi bươc qua mùa Xuân với những cơn mưa bất chợt và dai dẳng khiến các
cha xứ ở vùng quê luôn nơm nớp lo lắng cho các hoạt động trong giáo xứ vì tháng
8 là tháng cao điểm của các ngày lễ bổn mạng trong các giáo họ và giáo điểm.
Đúng ngày lễ quan thầy các cha xứ Gio-an Ma-ri-a Vi-a-nê, chúng tôi tham dự một cuộc Hội Thảo Quốc Tế về “VIVAT” trọn một tuần lễ tại một co sở của Dòng ở Paraguay với sự tham dự của hơn 100 thành viên gồm linh mục, tu sĩ, giáo dân đang làm trong các tổ chức phi chính phủ đến từ nhiều nước, trong đó có người đến từ Mỹ, từ Thụy Sĩ, Brazil, Chi-lê, Argentina và dĩ nhiên là Paraguay vì là nước chủ nhà. Gần 100 tham dự viên ấy gồm có 15 quốc tịch khác nhau và đa số là các nhà truyền giáo. Từ Chi-lê, một linh mục gốc Việt cũng thuộc Dòng Ngôi Lời cũng đến tham dự nên chúng tôi có dịp gặp được đồng hương.
Thuật ngữ “VIVAT” có nguồn gốc từ
tiếng La-tinh ‘vivire’ có nghĩa là “trao ban sự sống”. Điều này muốn diễn tả
một ước vọng sâu xa về những gì hiện hữu là tất cả được sống, mọi người được
quyền sống, mọi vật đều được sống. Đây là lời nguyện trên môi miệng hàng ngày
của Thánh Arnold Jassen, Đấng Sáng Lập Dòng Truyền Giáo Ngôi Lời lúc sinh thời ngài
thường hát : “ Vivat Deus Unos et Trinus in Cordibus Nostris” (Nguyện xin Chúa
Ba Ngôi luôn ngự trị trong tâm hồn chúng con).
Nhìn biểu tượng đơn sơ nhưng đầy ý
nghĩa của Logo VIVAT chúng ta cũng thấy được điều đó. Dưới chữ V là hình ba người đang ôm chầm lấy
nhau, đón nhận và nâng đỡ nhau, và cả ba đều hướng nhìn về thế giới bên ngoài.
Điều này diễn tả ước nguyện sự đồng hành và hiệp nhất. Trên chóp của chữ I là
ba nhánh Ô-liu nở hoa muốn nói lên sự hy vọng và ước muốn một thế giới thay
đổi.
Trong những ngày Hội Thảo này chúng
tôi được các diễn giả đến từ New York (Mỹ), từ Ginebra (Thụy Sĩ) cũng như các
chuyên viên trong nước trình bày về nhân
quyền, về các hoạt động của Liên Hiệp Quốc, về các tổ chức dân sự… và được đối
đáp tranh luận rất cởi mở vì các diễn giả sự dụng rất thông thạo nhiều thứ
tiếng. Trước đây chúng tôi hiểu rất mù mờ về những điều trên đây vì nghĩ rằng
linh mục truyền giáo không cần biết những chuyện được cho là “chính chị, chính
em” mà chỉ biết rao giảng Lời Chúa và cử hành các bí tích là đủ. Tuy nhiên,
linh mục truyền giáo trong thế kỷ XXI cần phải biết và học hỏi những điều như
thế này để có thể áp dụng vào các Giáo huấn của Giáo Hội Công giáo cho đúng và
giúp cho những người giáo dân Công giáo biết sống đúng với tinh thần Tin Mừng mà không phải lúc nào tâm lý cũng sợ sệt vì “sự thật sẽ giải phóng chúng ta” (Xc. Ga 8,32).
Quả thực chúng tôi đã học nhiều điều mới mẻ từ khóa Hội Thảo này.
Vài suy nghĩ qua các dịp lễ
Sau những ngày Hội Thảo đầy căng
thẳng vì phải làm việc tối đa từ sáng đến tối cho hoàn thành sớm hơn dự định,
chúng tôi lại trở về chốn xưa để làm việc.
Tháng 8 có nhiều dịp
lễ đặc biệt của người dân Paraguay. Trong một thánh lễ bổn mạng của một cộng đoàn,
có một cặp bô lão mừng Ngọc Khánh 60 năm hôn phối cùng với con cái cháu chắt
quay quần, và hai người này còn rất phong độ mặc dầu đã bước qua tuổi 84. Chúng
tôi đã mời cặp bô lão này đọc Sách Thánh, và sau bài giảng lại mời họ lặp lại
lời tuyên hứa mà cách đó 60 năm họ đã thề hứa chung thủy suốt đời. Thật cảm
phục những cặp vợ chồng đến tuổi gần đất xa trời mà sống với nhau thật ấm êm
hạnh phúc. Trong khi đó, giới trẻ ngày
nay bị tác động bởi nền công nghệ hiện đại nên họ yêu nhau tốc độ, cưới nhau tốc
độ và li dị nhau cũng tốc độ vì họ quên đi nền tảng luân lý và tính cách bất
khả phân ly của hôn nhân mà ngay từ đầu Tạo Hóa đã đặt vào tâm khảm của từng
người khi nói về bí tích hôn phối. Chúng tôi rất cảm phục những đôi vợ chồng
khi họ có những dịp kỷ niệm Kim Khánh, Ngân Khánh hay Ngọc Khánh hôn phối và
chúng tôi luôn tranh thủ những dịp này để nói về đời sống hôn nhân gia đình
nhằm khuyến khích giới trẻ biết noi theo những bậc ông bà vì chính ngay trong
gia đình ruột thịt của chúng tôi đã xảy ra những chuyện không hay giữa những
người thân của mình trong đời sống hôn nhân gia đình.
Ngày 15 tháng 8 vừa qua là ngày lễ
lớn của Paraguay vì đây là ngày lễ bổn mạng của Tổng Giáo Phận Thủ Đô Nuestra Señora
de la Asunción (Đức Mẹ Lên Trời) và cũng là quốc lễ của đất nước vì người dân ở
đây rất sùng kính Đức Mẹ. Quốc kỳ được xem là biều tượng thiêng liêng trong tất
cả các dịp lễ, nhất là lễ như thế này với 3 màu Xanh (Tự do), Trắng (Hòa Bình)
và Đỏ (Công Lý). Dù Paraguay có nhiều đảng phái chính trị và mỗi đảng phái
đều có cờ và bài hát riêng, nhưng một khi đảng nào lên cầm quyền thì luôn đặt
lợi ích quốc gia trên hết và Quốc kỳ cũng như Quốc ca là hồn thiêng sông núi
bất di bất dịch để các đảng phái cùng nhau hướng đến. Nhìn về quê hương Việt
Nam mình mà cảm thấy đau lòng dù người Việt Nam có một lịch sử hơn 4.000 năm
văn hiến, một dân tộc cần cù, thông minh nhưng trên trường quốc tế chúng ta
chưa thể ngẩng cao đầu vì vẫn còn một điều gì đó cản trở chúng ta không thể đến
gần nhau được.
Cũng chính trong ngày
lễ Mẹ Lên Trời này chúng tôi đến dâng lễ đồng tế vào buổi trưa cho một Nữ tu
Dòng Chúa Thánh Thần (là Dòng em của Dòng Ngôi Lời) qua đời trước đó một ngày,
và luật Paraguay chỉ cho phép 24 tiếng đồng hồ sau khi chết phải chôn cất. Vị
Nữ tu này từng là một trong những người tiên phong của Dòng Chúa Thánh Thần ở
Paraguay khi đã thành lập nhiều trường học, nhiều công trình phúc lợi và được
vinh danh như là một nữ anh hùng của Paraguay. Dù là ngày lễ và người Paraguay
rất ít chú trọng đến chuyện ma chay nhưng chúng tôi thấy rất nhiều giáo dân
tham dự và trong số những người phúng viếng và tri ân vị Nữ tu quá cố này có
những người đang là Hiệu trưởng các trường đại học danh tiếng của Paraguay, có
những người đang làm việc trong chính phủ, có những người là cấp tướng, tá
trong quân đội vì từng là học trò của vị Nữ tu này. Những lời tri ân ngắn ngủi
của họ giúp chúng tôi hiểu hơn về những gì mình đang làm.
Hôm nay Chúa Nhật XX thường niên A, sứ
điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta sống niềm tin. Chúa Giêsu đề cao lòng tin của người đàn bà xứ Canaan, tức là
một người ngoại giáo. Trong một hoàn cảnh mà cái nhìn của con người có thể cho
là tuyệt vọng, người Kitô hữu hơn bao giờ hết được mời gọi để nêu cao niềm tin của
mình. Một trong những điều hẳn sẽ làm chúng ta ngỡ ngàng, đó là trên Thiên
đàng, chúng ta sẽ gặp gỡ những người chúng ta chưa từng quen biết, ngay cả
những người chưa một lần mang danh hiệu Kitô hay đặt chân đến nhà thờ. Xin
Chúa gia tăng đức tin cho chúng con. Amen.
Paraguay, ngày 17 tháng 8 năm 2014 – Chúa Nhật XX
Thường Niên A
Lm. Antôn Trần Xuân Sang, SVD
No comments:
Post a Comment