Saturday, September 27, 2014

GIA ĐÌNH – MỘT MÁI ẤM YÊU THƯƠNG




 Một chút tản mạn về gia đình
 
Vào cuối tháng 11 năm nay, Hội Đồng Giám Mục Paraguay sẽ kết thúc đề tài về gia đình sau 3 năm liên tiếp mời gọi các tín hữu suy niệm và sống Phúc Âm trong vai trò là những thành viên trong từng gia đình cũng như trong gia đình Giáo Hội. Chính vì thế, gia đình là một trong những đề tài ưu tiên mà Hội Đồng Giám Mục Paraguay đã đưa ra trước sự khủng hoảng nghiêm trọng của những giá trị gia đình ở Quốc gia Nam Mỹ này. Là một linh mục truyền giáo, chúng tôi cũng phải đào sâu rất nhiều trong khi dọn bài chia sẻ khi được mời trong các cuộc hội thảo của các đoàn thể, của các giáo họ, giáo xứ khi họ chuẩn bị lễ bổn mạng hay trong các dịp kỷ niệm hôn phối để mọi người ý thức hơn về vai trò và trách nhiệm của một thành viên trong gia đình, trong giáo xứ và trong xã hội.
Theo Wikipedia tiếng Việt thì gia đình là một cộng đồng người sống chung và gắn bó với nhau bởi các mối quan hệ tình cảm, quan hệ hôn nhân, quan hệ huyết thống, quan hệ nuôi dưỡng và hoặc quan hệ giáo dục. Gia đình có lịch sử từ rất sớm và đã trải qua một quá trình phát triển lâu dài. Thực tế, gia đình có những ảnh hưởng và những tác động mạnh mẽ đến xã hội.
Chúng tôi rất thích bài hát nhí nhảnh “Ba Ngọn Nến Lung Linh” của nhạc sĩ Ngọc Lễ khi anh cùng người vợ ca sĩ Phương Thảo và đứa con gái bé bỏng của anh hát bài gia đình : “Ba là cây nến vàng, Mẹ là cây nến xanh, Con là cây nến hồng.  Ba ngọn nến lung linh, á à á a a thắp sáng một gia đình gia đình…”. Bài hát này nói lên sự gắn bó mật thiết trong gia đình gồm có người chồng (cha), người vợ (mẹ) và đứa con và cả ba đều có nghĩa vụ “thắp sáng” ngọn nến trong gia đình.
Vậy gia đình đích thực là gì? Gia đình là một từ Hán-Việt được cấu tạo từ 2 thành tố “gia” và “đình”, dùng để chỉ đơn vị sinh sống của một cặp đàn ông, đàn bà sinh con đẻ cái dưới một mái nhà. Có lẽ chúng ta có nhiều cách hiểu và định nghĩa khác nhau về gia đình nhưng theo chúng tôi thì gia đình là cái nôi của tình yêu thương, là nơi mà chúng ta đã được sinh ra và lớn lên trong vòng tay ấm áp của cha và mẹ. Gia đình là một điều gì đó thật thiêng liêng trong lòng chúng ta. Gia đình là mái ấm, dù mái ấm đó to hay nhỏ, đó vẫn là mái ấm của riêng chúng ta. Tiếng Anh khi nói về gia đình họ dùng từ FAMILY. Chúng tôi đã đọc ở đâu đó người ta chiết từ FAMILY là F(Father) – A(And) – M(Mother) – I(I) – L(Love) – Y(You). Tạm dịch là FAMILY : Father And Mother, I Love You (Cha và Mẹ, Con yêu Cha Mẹ).
Tuy nhiên, để hiểu thêm về gia đình, chúng tôi mạo muội chia sẻ những gì mình tích lũy được từ ngày được sai đi truyền giáo tại Nam Mỹ và thỉnh thoảng có dịp đi nghiên cứu ở một số nước về phong tục, tập quán cũng như đồng hành với các phong trào và đoàn thể Công giáo để làm rõ những nét đẹp về gia đình.

Gia đình truyền thống
      Như đã trình bày ở trên, một gia đình truyền thống là gồm cho cha mẹ và con cái cùng sống chung dưới một mái nhà. Người xưa thường nói nếu một gia đình tam đại đồng đường (gồm ba thế hệ) là có phúc vì ở đó ông bà, cha mẹ và con cái sống chung với nhau, mọi người cùng chia sẻ và học hỏi và răn dạy nhau.
Ngày nay nhờ phương tiện y tế tốt, có những đại gia đình có đến bốn hay năm thế hệ cùng sống chung dưới một mái nhà và gọi là tứ đại đồng đồng hay ngũ đại đồng đường. Nhiều người Á Châu và người Nam Mỹ còn giữ những tập tục này và khi có dịp đại lễ hay ma chay họ thường quay quần bên nhau chia sẻ và giúp đỡ nhau. Là một nhà truyền giáo sống ở Paraguay gần 10 năm qua, không ít lần chúng tôi dâng lễ kỉ niệm ngân khánh, kim khánh, ngọc khánh hôn phối cho những gia đình cũng như đi thăm và trò chuyện với những đại gia đình tứ đại hay ngũ đại đồng đường này. Nhiều người cho đây là những gia đình cổ hũ vì chúng ta đang sống trong thế kỷ XXI rồi, nhưng chúng tôi nhận thấy những gia đình truyền thống có những nét đẹp khi ông bà, con cháu biết yêu thương và kính trọng lẫn nhau.
Với những phương tiện kỹ thuật hiện đại ngày nay cũng như lối sống “mì ăn liền”, người trẻ hiện nay không muốn bị gò bó và ràng buộc trong các gia đình truyền thống vì đối với họ như thế là mất tự do. Cũng vì đòi hỏi quyền tự do quá đáng mà không biết bao nhiêu gia đình bị tan vỡ. Cũng vì thiếu tôn trọng các đấng sinh thành mà con cái đã xem nhẹ chữ hiếu khi đâm đơn kiện cha mẹ và ngược đãi cha mẹ, ông bà. Cũng chỉ vì mảnh đất tổ tiên không được chia đều nên anh em ruột thịt kiện tụng, chém giết nhau. Cũng vì không biết gìn giữ thuần phong mỹ tục nên những người cùng huyết thống lấy nhau dẫn đến tình trạng loạn luân tràn lan. Có thể nói luân lý ngày nay bị suy đồi nghiêm trọng vì người ta đã không coi gia đình truyền thống là nền tảng của xã hội. Ở các nước Âu-Mỹ, con cái từ nhỏ đã được dạy là nếu cha mẹ có mắng chửi thì phải gọi 911 ngay để tố giác cha mẹ. Và bọn trẻ luôn mong tròn 18 tuổi để được sống tự lập hoàn toàn với cha mẹ ruột mình.

Trước tình trạng đó, Mẹ Giáo Hội luôn canh cánh trong lòng và mời gọi những người có trách nhiệm trong Giáo Hội là các Giám Mục, Linh mục, Tu sĩ và các Đoàn thể Công giáo làm sống lại các giá trị truyền thống gia đình qua các thông điệp, các kỳ đại hội gia đình hay đề ra những năm canh tân đời sống gia đình nhằm thức tỉnh lương tâm của những người con trong Giáo hội biết dấn thân và sống đúng với vai trò và trách nhiệm của những thành viên trong gia đình.      



Gia đình thiêng liêng

            Ngoài gia đình truyền thống của những người cùng huyết thống, dòng họ, người ta còn có một gia đình khác nữa gọi là gia đình thiêng liêng. Gia đình thiêng liêng ở đây còn có thể hiểu là những người có cùng chung chí hướng, lý‎ tưởng và mục đích sống.
Gia đình này rộng lớn hơn gia đình truyền thống và không hề bị ràng buộc bởi mối giây huyết thống nhưng chỉ cam kết với nhau qua những lời khấn hứa, những luật bất thành văn nhưng mọi người đều tôn trọng. Đó là gia đình Hội Dòng, gia đình Giáo xứ, gia đình linh tông, gia đình các đoàn thế tiến hành… Các gia đình này tự nguyện đến với nhau và cam kết sống trung thành với gia đình mình lựa chọn. Là một tu sĩ hay linh mục, dĩ nhiên người đó không từ bỏ gia đình huyết thống của mình nhưng họ có thêm một gia đình thứ hai là gia đình Hội Dòng, và nơi đó vị tu sĩ hay linh mục này có thêm những người anh em cùng chí hướng để làm vinh danh Nước Chúa. Gia đình giáo xứ là nơi mà tất cả mọi người trong một giáo xứ đều là anh chị em với nhau và cha xứ là vị cha chung về thiêng liêng cùng đồng hành và nâng đỡ con cái mình để sống đạo tốt và cùng nhau thăng tiến con đường nên thánh. Gia đình các đoàn thể cũng vậy, họ cũng trực thuộc một giáo xứ nào đó nhưng họ có những đặc sủng riêng và muốn mọi người cùng chung chí hướng với nhau lập nên một đoàn thể, một phong trào để làm phong phú thêm bộ mặt giáo xứ. Đó là gia đình Legio Maria, gia đình Phạt Tạ Thánh Tâm, Các Bà Mẹ Công giáo, Ca đoàn, Giáo Lý Viên, Cursillistas, Huynh Đoàn Đaminh, Thánh Linh Đặc Sủng… Các gia đình toàn thể này như là những bông hoa muôn sắc trong một vườn hoa gia đình giáo xứ nếu biết nở hoa đúng lúc. Đây có thể gọi là đại gia đình bách đại đồng đường trong đại gia đình giáo xứ vì có nhiều gia đình chung sống và làm việc chung với nhau. Nếu các gia đình này không biết nhường nhịn nhau mà mỗi đoàn thể, mỗi nhóm làm theo kiểu cách riêng của mình thì gia đình giáo xứ tan nát là cái chắc.
            Các gia đình đoàn thể như đã nói trên không hề bị ràng buộc về điều gì ngoại trừ những lời cam kết khi gia nhập. Tuy nhiên, ngay nội bộ của các gia đình đoàn thể nào cũng có những mâu thuẫn, những bất đồng khó tránh khỏi mà nếu những anh chị cả trong các gia đình này không biết giàn xếp những mâu thuẫn nội bộ này thì sẽ nảy sinh những hậu quả khó lường. Xét cho cùng, những người đứng mũi chịu xào trong các gia đình luôn cần có một cái tâm và cái tầm, cũng như sự khiêm nhường đúng mức trong các vấn đề chung vì nếu ai cũng giành phần thắng về mình thì ai sẽ là người thua thiệt.

          
  Để kết thúc phần chia sẻ này, xin kể một câu chuyện vui nhằm giúp chúng ta tránh thái độ nửa vời trong việc dấn thân và hy sinh. Chuyện kể rằng có một vị linh mục chính xứ nọ có tiếng là giảng dài, khó tính và khó gần. Giáo dân đã tẩy chay và trình báo cho Đức Giám Mục. Vị thường quyền sau khi điều tra kỹ càng đã gọi cha xứ ấy đối thoại trong tình cha con. Rất may là cha xứ ấy đã không hề chối tội nên cuộc đối thoại diễn ra tốt đẹp. Vị Giám mục thường quyền đưa ra lời đề nghị thật nhẹ nhàng với vị cha xứ hoặc là đi tĩnh tâm vài ngày để nhận ra lỗi lầm và thay đổi, hoặc là về “hưu non” tại Tòa Giám Mục. Dĩ nhiên là vị cha xứ chọn giải pháp thứ nhất là đi tĩnh tâm và hứa khắc phục thay đổi để trở thành một con người mới.
            Sau những ngày tĩnh tâm trở về, vị cha xứ này đã trương một tấm bảng lớn với hàng chữ : “CHA XỨ CŨ CỦA ANH EM ĐÃ CHẾT”. Và ngài đã thay đổi 180 độ. Ngài biết lắng nghe và tiếp xúc với hầu hết mọi người. Bài giảng Chúa Nhật tối đa chỉ 10 phút. Ngài đi thăm non những người đau yếu, trò chuyện và cho bánh kẹo những trẻ em. Mọi người nhìn thấy những dấu hiệu thay đổi không ngờ của cha xứ đã thầm tạ ơn Chúa vì Chúa đã lắng nghe lời họ khẩn cầu. Sau ba ngày thay đổi lạ thường, đến ngày thì tư thì đâu lại vào đó. Vị cha xứ này lại la mắng, giảng dài và khó tính hơn trước. Vì lẽ đó, ông trùm xứ mới viết dưới tấm bảng mà cha xứ đã ghi : “CHA XỨ CŨ CỦA ANH EM ĐÃ CHẾT – NHƯNG SAU 3 NGÀY, NGÀI ĐÃ SỐNG LẠI”!!!

            Thay đổi tâm tính không phải là thay đổi một sớm một chiều và rồi sau đó “ngựa quen đường cũ”. Có những người tham dự các khóa tĩnh tâm ngắn ngày như vị cha xứ kia trước khi gia nhập vào các gia đình đoàn thể như Convivista, Cursillista… đã tâm sự rằng sau khóa tĩnh tâm họ muốn thay đổi… cả thế giới vì tĩnh tâm giúp họ hiểu rất nhiều điều và không ít người đã vội vàng chỉ trích người này, người kia hay đoàn thể này, đoàn thể nọ. Tuy nhiên, sau một thời gian sinh hoạt trong các đoàn thể, những người này đã không tìm thấy niềm hạnh phúc theo ý mình dù sau đó có những khóa bồi dưỡng thêm để họ dấn thân hơn. Họ đã muốn tách biệt và muốn người khác phải làm theo ý mình. Họ quên rằng trước khi muốn người khác thay đổi thì mình phải thay đổi trước. Chúa Giê-su đã dạy những lời vàng trong chương 7 của thánh Mát-thêu : “Tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta; vì Lề luật và lời các ngôn sứ dạy như vậy” (Mt 7,12).

            Đức Gioan Phao-lô được mệnh danh là vị Giáo Hoàng của Gia đình đã từng nói : “Gia đình có sứ mạng xây dựng nền văn minh tình thương”. Nếu chúng ta hiểu đúng sứ mạng của gia đình thì dù là gia đình truyền thống hay gia đình thiêng liêng chúng ta đều có nghĩa vụ phải xây dựng một nền văn mình tình thương như Chúa Giê-su đã từng nhắn nhủ với các Tông Đồ : “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau” (Xc. Ga13,34). Vì “yêu thường là chu toàn lề luật” (Xc. Rm 13, 8-10). Trong một gia đình, một đoàn thể không thể tránh khỏi những phê bình, chỉ trích nhưng nếu mọi người thật sự đến với nhau và cùng vì phục vụ lợi ích chung thì nên tránh những hình thức cá nhân chủ nghĩa, những “cái tôi” đáng ghét và sẵn sàng đối thoại chân thành để tìm ra chân lý vì sự thật sẽ giải phóng chúng ta.

            Anh chị em Cursillistas thân mến. We are famíly. Chúng ta là gia đình vì chúng ta đã tự nguyện chọn đến với nhau không vi lợi ích, phe phái hay một điều gì khác. Nếu chúng ta là một gia đình thì đương nhiên chúng ta là anh chị em của nhau trong Chúa Ki-tô. Sự hòa thuận trong gia đình là một điều quan trọng và rất cần thiết, vì nhờ sự hòa thuận mà các thành viên được liên kết gắn bó với nhau như các bộ phận trong cơ thể con người. Ca dao Việt nam có câu :

Anh em nào phải người xa, / Cùng chung bác mẹ một nhà cùng thân.

Yêu nhau như thể tay chân, / Anh em hòa thuận, hai thân vui vầy.

        Sự bất hòa hay bình an là do chúng ta tạo Ra. Những khác biệt về giới tính, sinh lí, tâm tính, văn hóa hay lập trường chính kiến đương nhiên khó tránh khỏi trong các gia đình. Nếu không biết dung hòa thì ắt sẽ bùng nổ bất hòa, rồi chiến tranh nóng hay chiến tranh lạnh. Các gia đình truyền thống hãy biết noi gương Gia Đình Thánh Gia Giêsu-Maria-Giuse là Hội thánh tại gia nguyên thủy, là mẫu gương của sự hài hòa trong gia đình. Đức Maria và thánh Giuse đã sống một cuộc hôn nhân đích thực là nền tảng mở ra cho gia đình và thực hiện theo luật Môsê. Các gia đình thiêng liêng cũng nên học hỏi Cộng Đoàn Tiên Khởi Giê-ru-sa-lem dù có những bất đồng dói lúc tưởng chừng khó vượt qua nhưng nhờ ơn Chúa họ đã chiến thắng.

            Là những Cursillistas sống giữa đời, ước mong anh chị em luôn nằm lòng câu nói khi gia nhập Cursillo : "Một tay nắm lấy Chúa, một tay nắm lấy anh chị em mình", để anh chị em có đủ sức mạnh vượt qua những sóng gió và những lời đàm tiếu vô bổ trong cuộc chiến đời tạm này. De Colores.  

Viết tại Asunción – Paraguay, tháng 9/2014

Lm. Antôn Trần Xuân Sang, SVD.            

PARAGUAY – NHỮNG KHOẢNG KHẮC ĐÁNG NHỚ TRONG ĐỜI MỤC VỤ




Mục vụ trường học

            Kể từ cuối tháng 6 vừa qua khi một anh em linh mục cùng Dòng người Ba-lan đi nghỉ phép trong dịp ngân khánh linh mục, cha Bề trên Giám tỉnh ở đây đã bổ nhiệm chúng tôi thay thế tạm thời chức “Director General Interino” (tạm dịch là Quyền Tổng Hiệu Trưởng) của một trường học lớn tại Thủ đô Asunción gồm 3 cấp học: Mầm Non, Tiểu học và Trung học với số học sinh khoảng 1.500 em. Đây là một trong những trường Công giáo tầm cỡ của Paraguay thuộc sở hữu của Dòng Ngôi Lời với trên 50 năm thành lập. Vị cựu Tổng thống Lugo của Paraguay từng làm Tổng Hiệu Trưởng trường này trong vòng 6 năm trước khi đăng quang Tổng Thống. Bởi thế, khi cha Giám tỉnh gọi chúng tôi để bổ nhiệm dù là tạm thời, chúng tôi cảm thấy lúng túng và muốn thoái thoát vì phải lãnh một trách nhiệm khá nặng nề với số học sinh hơn 1.500 em, số giáo viên hơn 70 và biết bao nhân viên tạp vụ khác. Cảm thấy mình quá non trẻ và gánh vác một nhiệm vụ không mấy đơn giản nên ngay từ giây phút đầu chúng tôi từ chối, nhưng cha Bề trên và Hội Đồng đã luôn trấn an và hứa sẽ đồng hành trên mọi phương diện nên chúng tôi đã nhận lời.
            Trường học được xem là một xã hội thu nhỏ vì trong đó bao gồm đủ mọi tầng lớp xã hội và chính kiến từ học sinh đến giáo viên. Họ thuộc nhiều đảng phái chính trị và quyền tự do ngôn luận được tôn trọng triệt để. Ở quốc gia Paraguay nhỏ bé này nhà nước lo trọn gói về giáo dục từ mầm non đến hết bậc trung học trong các trường nhà nước nhưng người dân vẫn thích gởi con đến các trường tư thục Công giáo do các tu sĩ đảm trách dù phải trả tiền khá cao, vì ở đó con cái họ chẳng những học được kiến thức mà còn học được nhân cách làm người, và sau khi hoàn tất trung học các em dễ dàng vào đại học và có cơ hội thăng tiến việc làm hơn. Nhà nước còn động viên và hỗ trợ về mọi mặt nếu một tổ chức tôn giáo nào đứng ra thành lập trường học hay bệnh viện vì điều đó sẽ làm giảm bớt gánh nặng ngân sách cho quốc gia miễn là việc đào tạo và phục vụ có chất lượng.
Trong những ngày tháng làm việc trực tiếp trong ngành giáo dục cả đối nội lẫn đối ngoại với cương vị là người đứng đầu một trường Công giáo, chúng tôi hiểu được rất nhiều điều cả tích cực lẫn tiêu cực ở một quốc gia tự do. Dù trường công hay trường tư ở quốc gia này, giáo dục luôn đặt nặng hàng đầu việc giảng dạy cho các học sinh là người hữu ích với châm ngôn : Thượng Đế - Tổ Quốc và Gia đình. Dù anh thuộc tôn giáo nào không quan trọng nhưng anh phải biết kính trọng một Vị Thượng Đế trên cao, anh phải yêu mến tổ quốc và sẵn sàng sống chết cho tổ quốc nơi anh đang sinh sống và anh phải biết quí trọng gia đình của riêng anh. Chúng tôi đã đồng hành với các giáo viên và các em học sinh trong hầu hết các buổi chính khóa, các sinh hoạt bề nổi cũng như các hoạt động mang tính tôn giáo vì các trường học Công giáo có những tiêu chí riêng và nhà nước phải công nhận. Qua những hoạt động đó, thầy trò chúng tôi hiểu nhau và gắn bó với nhau nhiều hơn để cùng nhau thăng tiến. Là một trường lớn ở Thủ Đô nên không tránh khỏi những “chuyện thường ngày xảy ra ở huyện” như đánh nhau, quậy phá, chỉ trích nhau trên mạng xã hội vì học sinh bây giờ với những phương tiện kỹ thuật hiện đại và Internet nhiều lúc khiến chúng tôi cũng đau đầu để giải quyết những tố giác vì là người đứng mũi chịu sào với sự trợ giúp của các luật sư và nhà tâm lý nên cũng hạn chế rất nhiều những điều tệ hại khó lường.
Trong Tỉnh Dòng có nhiều nhân sự nhưng không mấy ai thích làm việc chuyên môn nên cha Bề trên nhiều lúc cũng khó xử  khi tìm người thay thế. Nếu mình chỉ nghĩ đến mình mà tránh những điều khó thì đâu là đức vâng lời trong đời tu. Nhiều lúc trong lòng cứ đắn đo, thậm chí so đo nữa là sao Bề trên cứ muốn đẩy mình vào chỗ khó và sao mình không dám mạnh dạn từ chối. Tuy nhiên khi nghĩ lại cũng thấy thương cho những người trách nhiệm vì họ tin mình và biết khả năng của mỗi người mới giao nhiệm vụ chứ nếu đặt nhằm chỗ thì có ngày tan nát nhà Dòng.       

Đại Hội Giới Trẻ Dòng Ngôi Lời
            Tuần thứ hai của tháng 9, Dòng Ngôi Lời ở Paraguay tổ chức kỳ Đại Hội Giới Trẻ lần thứ II trong 3 ngày cuối tuần diễn ra tại Nhà Tĩnh Tâm của Dòng ở miền Đông đất nước. Tham dự lần này có gần 220 bạn trẻ và linh mục thuộc tất cả các trường học và giáo xứ trên toàn quốc nơi Dòng Ngôi Lời phụ trách.
           
Chủ đề giới trẻ năm nay chúng tôi muốn giúp các em dấn thân hơn với lời cam kết của các em với Chúa Ki-tô là “Jóvenes para Cristo” (Giới trẻ cho Đức Ki-tô) và cũng chuẩn bị cho các em bước vào mùa Xuân khi cơn lạnh vừa chấm dứt vì “Tuổi trẻ là mùa Xuân” bắt đầu vào ngày 21 tháng 9 này.
            Đây là Đại Hội giới trẻ chứ không phải là cuộc tĩnh tâm nên chúng tôi đã mời những vị thuyết trình rất trẻ và có nhiều kinh nghiệm với giới trẻ để bắt nhịp được hồn của giới trẻ khi chúng tôi giúp các em hiểu và dùng cho đúng những mạng xã hội trong việc loan báo Tin Mừng vì giới trẻ ở đây khá thờ ơ và khô khan với Lời Chúa và Thánh Lễ. Các em chủng sinh liên hiệp quốc trong Dòng là những hoạt náo viên đầy tài năng đã làm cho những ngày Đại Hội “nổ tung” với những điệu nhảy Samba, Tango, Lambada, Hiphop… và các bài hát sinh hoạt đậm tính Nam Mỹ đã giúp giới trẻ tham gia hết mình và tập trung hơn theo thời khóa biểu của chương trình vì giới trẻ Nam Mỹ mà thiếu chuyện hát hò và nhảy nhót coi như thất bại.
            Các anh em linh mục và tu sĩ trẻ trong Dòng đang thực tập truyền giáo ở đây đã tham gia hết mình khi nhìn thấy giới trẻ chính là hình ảnh của mình. Chúng tôi là người trong Ban Tổ Chức nhiều khi lúng túng vì lúc đầu các em đăng ký tham dự là 150 nhưng con số lại gia tăng không ngờ lên đến 220 trong chính ngày Đại Hội do dư âm tích cực của Đại Hội lần trước khiến chúng tôi  một phen lo lắng nhưng đâu cũng vào đó và cảm thấy vui khi các em đáp lại lời mời gọi và tham gia tích cực.
Ai đó đã từng nói “Thay đổi một người là thay đổi cả thế giới”. 220 bạn trẻ tham dự đại Hội đã hứa quyết tâm khi trở về sẽ làm một điều gì đó có ích nơi các em sinh sống để trở thành những cánh tay nối dài của Chúa Ki-tô. Nhớ lại Giáo hội Công giáo Hàn quốc cách đây hơn 30 năm thì người Công giáo chỉ khoảng 2 triệu người, nhưng trong chuyến thăm của Đức Thánh Cha Phan-xi-cô vào trung tuần tháng 8 vừa qua thì nghe nói con số Công giáo của Hàn quốc hiện nay đã gần 5 triệu người. Chính giới trẻ là tương lai của Giáo Hội và xã hội nếu chúng ta biết định hướng đúng lúc, nhất là các linh mục biết đồng hành và biết quan tâm đến họ. Các em sẽ là những nhà truyền giáo hữu hiệu nhất trong môi trường các em sinh sống, và nhất là các em sẽ dùng những phương tiện kỹ thuật hiện đại để nói về Chúa cho những bạn bè của mình. Chúng con có chút ít kinh nghiệm trong việc đồng hành với giới trẻ trong những năm tháng truyền giáo nơi đây và luôn tranh thủ mọi thời gian có thể trong các trường học hay trong các buổi thuyết trình tại các giáo xứ để giúp giới trẻ chẳng những trong việc thu lượm kiến thức nhưng còn trong đời sống thiêng liêng của các em nữa để hướng các em cân bằng đời sống tri thức và đời sống thiêng liêng trong một thế giới tục hóa đang phát triển từng ngày.      
            Hôm nay ngày 21 tháng 9, người dân Nam Mỹ bắt đầu bước vào mùa Xuân và giới trẻ trong các trường học và giáo xứ đón chào mùa Xuân theo phong cách Nam Mỹ. Xin Chúa là mùa Xuân Vĩnh Cửu ban ơn lành cho giới trẻ Paraguay cũng như giới trẻ trên toàn thế giới biết dấn thân và cam kết theo Chúa Ki-tô. 
Paraguay, ngày 21 tháng 9 năm 2014 – Lễ Thánh Mát-thêu Tông Đồ
Lm. Antôn Trần Xuân Sang, SVD.