Wednesday, August 24, 2011

PARAGUAY - NHỮNG NẺO ĐƯỜNG TRUYỀN GIÁO

Mục vụ ngoại thường

Vào một ngày giữa tháng 6, một chiếc xe nhà binh đỗ xịch trước nhà xứ chúng tôi và có hai viên sĩ quan quân đội bước vào xin gặp linh mục. Tôi đã tiếp hai vị sĩ quan cấp tá ấy và họ đã mời tôi ngày hôm sau đến ban phép lành trong lễ tuyên thệ của 74 quân nhân ra trường. Tôi hỏi họ cha tuyên úy của họ đâu mà hôm nay lại mời tôi. Họ đáp rằng cha tuyên úy của họ đang trong kỳ hè và họ rất cần một vị linh mục chứng kiến và chúc lành cho ngày lễ tuyên thệ của họ.
Tôi đã miễn cưỡng chấp nhận lời mời này vì nghĩ rằng đó không phải là nhiệm vụ của mình.
Đúng 8 giờ sáng ngày hôm sau, họ đã đến đón tôi đúng hẹn. Thường thì người Paraguay không bao giờ đúng hẹn nhưng phải thực nói rằng mấy ông nhà binh rất đúng giờ không sai một phút. Người đón tôi đến căn cứ quân sự để chủ sự nghi thức chúc lành cho ngày tuyên thệ là một viên đại tá trong bộ quân phục rằn ri. Lần đầu tiên trong đời tôi bước vào tổng hành dinh của quân đội và những binh sĩ chỉnh tề quân phục chào các vị thủ trưởng của họ với những tiếng giày bốt-lồ-sô đánh lốp cốp khiến tôi giật nảy mình. Khi đã vào đến địa điểm để chuẩn bị cho buổi tuyên thệ, vị đại tá giới thiệu cho tôi hai vị tướng tổng chỉ huy để nói rõ về chương trình tuyên thệ. Hai vị tướng ấy đã đón chào rất lịch sự và đầy kính trọng dù tôi chỉ đáng tuổi con của họ.
Sau phần điểm quân số và chào cờ, một viên sĩ quan cấp úy đã giới thiệu tôi để bắt đầu nghi thức tôn giáo là phần long trọng nhất trong lễ tuyên thệ. Anh ta đã đọc tên tôi ba lần mà vẫn không đọc được “Ahora, Padre Tran Xuan Sang, en nombre de la Iglesia Católica…”. Trong vài lời vắn tắt, tôi đã nói với họ : “Kính thưa các vị tướng lãnh.
Anh em binh sĩ quí mến! Dù chúng ta là ai hay ở địa vị nào chúng ta cũng là anh em với nhau vì chúng ta có một vị Cha Chung ở trên trời. Trong ngày đặc biệt này, nhân danh Giáo hội Công giáo, tôi xin chúc lành cho anh em. Xin anh em hãy luôn trung thành với tổ quốc và với dân tộc của anh em…” Và sau đó tôi mời gọi họ cùng nhau đọc chung một kinh Lạy Cha trước khi ban phép lành cho họ. Thú tật là tôi cũng khá rung vì lần đầu tiên đứng trước các vị tướng lãnh và trong một căn cứ quân sự cả rừng người. Khi tôi quan sát thì thấy rằng họ đều hướng về tôi và đều giỡ mũ ra để đọc kinh Lạy Cha và nhận phép lành của Chúa từ tay linh mục. Phải chăng họ kính trọng tôi, một người Á châu tóc đen, da vàng? Tôi nghĩ không phải như vậy nhưng họ chỉ kính trọng vị đại diện của Chúa Kitô hữu hình ở trần gian mà thôi.
Tôi đã tham dự với họ các nghi thức kế tiếp và sau đó chính vị tướng chỉ huy đã mời tôi chụp hình chung và hẹn một dịp khác sẽ tiếp tục mời tôi đến cử hành các nghi thức cho họ. Ông biết Việt Nam trước đây là một đất nước chịu nhiều chiến tranh nên đã gọi đùa tôi là : “Padre, usted es un guerrero”(Cha là 1 chiến binh). Tôi cũng trả lời đùa với ông rằng : “ Sí, Señor. Soy un guerreo de la paz”(Vâng, thưa ngài. Tôi là một chiến binh hòa bình). Đích thân ông gọi vị đại tá đưa tôi về nhà xứ và chia tay tôi với những cử chỉ thật thân thiện dù rằng ông và tôi chỉ mới gặp nhau lần đầu.
Phải thực sự nhìn nhận rằng tôn giáo không thể thiếu vắng trong tâm thức của con người dù ngày nay hiện tượng tục hóa đã len lỏi và ảnh hưởng sâu nặng đến nhiều chính thể và quốc gia trên thế giới, trong đó có Paraguay. Paraguay là một quốc gia đa phần là Công giáo nhưng chỉ trên danh nghĩa mà thôi. Tuy nhiên, vào những dịp như ngày lập quốc, ngày độc lập hay các ngày lễ bổn mạng của các ban ngành như quân đội, cảnh sát … thì họ lại tham dự cách sốt sắng. Ngày 30/8 sắp tới là ngày lễ thánh Rôsa Lima, vị thánh bổn mạng của Nam Mỹ và cũng là vị thánh bổn mạng của lực lượng cảnh sát, tôi đã được mời để dâng thánh lễ cho các cảnh sát. Có lẽ đó là cơ hội tốt tốt để các linh mục có dịp nói về Chúa cho những vị quan quyền ở trần gian.

Những nẻo đường truyền giáo

Khi còn ở Việt Nam, chưa bao giờ tôi nghĩ một ngày nào đó tôi sẽ ra đi đến một vùng đất xa xôi như vùng Nam Mỹ này như một nhà truyền giáo. Lắm lúc tôi tự hỏi mình sẽ trụ được bao lâu ở vùng khỉ ho cò gáy này. Cũng rất may là những người thân yêu và bè bạn tôi ở khắp nơi xa gần thường email, viết thư, điện thọai để động viên, an ủi tôi nên tôi cảm thấy ấm lòng giữa những lúc nản chí.
Có những ngày tôi phải đi thật sớm từ giáo xứ để đến các giáo điểm truyền giáo khá xa trên con ngựa sắc và đến tối mịt mới trở về. Những lúc trời giông bão thì thật là khổ sở vì xình lầy và đường xá trơn trợt. Khi đến nơi nhiều khi mệt muốn đứt hơi cũng phải nở một nụ cười để chào hỏi mọi người rồi tìm chỗ nào đó để chà giày dép và quần áo cho bớt dơ vì dính bùn và vội mặc phẩm phục để ngồi tòa rồi sau đó dâng thánh lễ. Dù trời mưa và đường xá gập ghềnh nhưng những người dân quê chất phát ấy cũng đã lội bộ hàng chục cây số để tham dự thánh lễ vì hàng năm linh mục chỉ đến các giáo điểm truyền giáo vài ba lần. Cái thú của người dân quê là đến nhà thờ để tham dự các nghi thức hay được tham dự thánh lễ, trong khi những người ở thành phố lại có những thú vui khác như xem ca nhạc, đá banh hay dạ hội. Các ngày Chúa nhật nếu có các trận bóng đá dù trời mưa cỡ nào thì sân vận động cũng chật ních người trong khi nhà thờ chỉ lác đác vài người già. Thật tội nghiệp cho Chúa vì ngày nay dường như Chúa không còn hấp dẫn với giởi trẻ nữa. Các giáo xứ ở Việt Nam mùa hè là dịp các linh mục và các đoàn thể qui tụ thiếu nhi và giới trẻ trong các sinh hoạt mục vụ. Ở đây thì không thế tố chức như thế được vì thiếu nhân sự để làm việc. Giáo xứ đầu tiên tôi được gởi đến có 37 giáo điểm truyền giáo nhưng chỉ có 2 linh mục và một chủng sinh. Giáo xứ hiện nay tôi đang phục vụ gồm hơn 46 ngàn giáo dân với 80 giáo điểm truyền giáo cách xa hàng trăm cây số đường rừng mà hiện tại chỉ có 2 linh mục Dòng coi sóc. Cách đó cũng khá xa có 2 tu sĩ Dòng đang phụ trách một trường vừa học, vừa làm cho những học sinh nghèo và người thổ dân. Chỉ lo chuyện mục vụ bí tích cũng đủ làm cho hai anh em linh mục chúng tôi đờ cả người rồi chứ chưa tính đến những chuyện khác. Tôi mới thử lập một ca đoàn và một đội giúp lễ cho giáo xứ mà cũng phải mất nhiều thời gian để huấn luyện và dạy dỗ họ. Tôi cũng đang lên chương trình cho việc huấn luyện các giáo lý viên vì họ là giáo lý viên thật đấy nhưng chẳng biết gì cả. Lúc trước tôi cứ càm ràm sao những vị tiền nhiệm của mình ở đây đã lâu mà không có được một ca đoàn hay đội giúp lễ cho ra hồn, giờ thì tôi mới thấm thía được công việc và sứ vụ truyền giáo đã chiếm gần hết thời gian và sức lực của các thừa sai. Một số bạn bè thân hữu của tôi đã email và hỏi tôi sao lúc này thấy ốm và già dặn hơn nhiều vậy. Tôi trả lời vui với họ vì thiếu ăn và thiếu ngủ nên mới ra như thế.
Các ngày thứ 3 trong tuần tôi thường dâng thánh lễ cho cộng đoàn của các Tu Huynh cùng Dòng đang phụ trách một trường học để giúp các trẻ em nghèo và người thổ dân. Tôi phải thực sự bái phục ba Tu Huynh (1 người Mỹ, 1 người Đức và 1 người Thụy Sĩ) những người đã từng làm việc ở xứ truyền giáo này trên 20 năm mà không hề có một lời phàn nàn. Tôi tự hỏi tại sao họ- những Tu Huynh đáng kính ấy có rất nhiều tài năng, sống ở những nước giàu có nhất thế giới lại chọn ơn gọi Tu Huynh và phục vụ ở một vùng đất nghèo và lạc hậu như thế này trong khi những tu sĩ khác ở các nước nghèo lại cứ thích chọn những nước giàu có để làm việc! Nhiều khi cuộc đời có những cái nghịch lý như vậy. Chính tôi cũng có những suy nghĩ và thích chọn những chỗ sung sướng để làm việc. Tuy nhiên, khi sống gần các Tu Huynh, dần dần tôi đã thay đổi ý kiến. Tôi cũng có dịp trao đổi vốn tiếng Anh của mình với vị Tu Huynh chính gốc người Mỹ vì sợ lâu ngày không xài sẽ quên.
Thế đó, cuộc sống ở xứ truyền giáo có những khúc quanh mà nhiều lúc mình không có lựa chọn. Mình chỉ biết chấp nhận rồi vượt qua để mà vui sống. Những nẻo đường truyền giáo đầy những thách đố đang còn ở phía trước đòi hỏi nhiều cố gắng, hy sinh. Xin quí vị hiệp ý cầu nguyện cho các nhà truyền giáo với một kinh Lạy Cha trong các thánh lễ. Mong lắm thay!
Paraguay 23/6/2008

No comments:

Post a Comment