Wednesday, August 31, 2011

PARAGUAY – MỘT THÁCH ĐỐ MỚI NƠI XỨ TRUYỀN GIÁO


Công tác đào tạo

Thế là tôi đã bước vào công việc đào tạo tại chủng viện truyền giáo vùng Nam Mỹ. Thực lòng mà nói nếu cho tôi có sự lựa chọn hoàn toàn tự do giữa việc truyền giáo và việc huấn luyện, tôi sẽ chọn việc truyền giáo như là ưu tiên số một cho đời tu của mình. Ngay từ thơ ấu tôi đã ước muốn trở thành một nhà truyền giáo như thánh Phan-xi-cô Xavie hay chân phước Đa-mi-en, tông đồ của người cùi ở Hai-ti, Nam Mỹ mà Giáo hội sẽ phong thánh cho ngài trong năm nay.
Tuy nhiên, trong đời tu tôi không thể tự do quyết định mọi ước muốn của mình vì tôi có lời khấn vâng lời. Chính vì lẽ đó mà tôi đã bước vào lĩnh vực huấn luyện cho các nhà truyền giáo tương lai trong môi trường chủng viện tại xứ truyền giáo với nhiều khắc khoải, âu lo.
Mặc dù có những sự chuẩn bị trước để bước vào công việc huấn luyện, tôi vẫn cò rất nhiều bỡ ngỡ và băn khoăn khi chính thức nhận việc. Những băn khoăn và bở ngỡ đó ngày càng lộ rõ khi các chủng sinh của tôi bắt đầu lộ chân tướng của nền văn hóa Nam Mỹ. Họ sống khá phóng túng, đòi hỏi nhiều tự do và thường xuyên phạm qui theo khuôn phép của Nhà Dòng. Vì ít ơn gọi nên một vài chủng sinh có tư tưởng họ là những thành phần ưu tuyển mà các chủng viện và Nhà Dòng phải đặc biệt quan tâm đến họ!
Tôi đã từng là một chủng sinh tinh nghịch và có cá tính mạnh. Các vị đào tạo của tôi thời đó là những người rất nghiêm khắc và quyền uy. Có những vị khiển trách rất nặng lời, thậm chí “bạt tai” hay dùng đến chân tay những chủng sinh nào vi phạm để răn đe và thậm chí cho ra khỏi Dòng ngay lập tức nếu chủng sinh nào cố tình vi phạm luật. Ở đây chỉ cần nói hơi nặng lời một tý là sẽ có vấn đề nên tôi đã cố hắng hết mình với sự kiên nhẫn hiếm có để có thể chế ngự những cơn nóng giận vô ích của tôi và tìm những giải pháp khả dĩ trong việc đối thoại với các chủng sinh của mình.
Với tư cách của một nhà đào tạo trong khuôn khổ của một chủng viện đa văn hoá, tôi đã cố gắng lấy câu Lời Chúa “Hiền lành và khiêm nhượng trong lòng” làm châm ngôn sống cho đời mình. Phải nói thật rằng nhiều khi tôi muốn hét lên thật to, la lên thật lớn để giảm cơn tức giận vì những tu sĩ linh mục tương lai của mình phải nói là có những lối hành xử quá lố lăng và thiếu văn hoá! Tuy nhiên tôi đã kịp bình tĩnh và kìm hãm cơn nóng giận để thay đổi tình thế.

Một ngày lễ phong chức

Lần đầu tiên sau mấy năm sống ở Paraguay tôi mới có dịp dự một lễ phong chức linh mục của một ứng sinh người Paraguay. Phải nói thật rằng nếu không có các tu sĩ truyền giáo nước ngoài từ các Dòng tu quốc tế đến đây làm việc thì không biết lấy đâu ra số nhân sự linh mục tu sĩ đảm trách công việc mục vụ ở đây. Trong một cuộc họp định kỳ với các lin mục trong giáo phận tháng 3 vừa qua, Đức giám mục sở tại đã thông báo con số linh mục, tu sĩ và chủng sinh của giáo phận có lịch sử lâu đời này mà cảm thấy xót xa. Ngài cũng cho biết trước đây mỗi giáo phận đều có Đại chủng viện nhưng nay đã bán hoặc cho thuê vì không có ứng sinh. Mặc dù kinh phí cho việc huấn luyện luôn đặc ưu tiên hang đầu nhưng dường như các bạn trẻ ngày nay không mấy quan tâm đến việc tu trì.
Paraguay hiện tại có 16 giáo phận với số tín hữu hơn 5 triệu người mà số linh mục, tu sĩ nam nữ và chủng sinh chỉ đếm trên đầu ngón tay. 15 giáo phận đã cùng nhau gởi ứng sinh trong một đại chủng viện duy nhất mà con số chủng sinh Triết khá khiêm tốn là 61. Một giáo phận khác có chủng viện độc lập do một giám mục của hội Opus Dei vừa mới hình thành cách đây 3 năm mà chưa được Hội Đồng Giám Mục Paraguay chấp thuận thì có con số ứng sinh đông hơn 15 giáo phận kia gộp lại nhưng lại có quá nhiều vấn đề. Đức giám mục của hội Opus Dei gốc Argentina, đương kim giám đốc của đại chủng viện mới thành lập này đã gom tất cả các ứng sinh trong khắp đất nước để đào tạo gấp rút linh mục cho giáo phận của ngài nhưng ngài đã tính toán sai lầm. Năm đầu tiên khi điều kiện kinh tế dồi dào do một số người công giáo buôn lậu hay rửa tiền rồi cảm thấy hối hận nên giúp đỡ chủng viện để lương tâm bớt bị cắn rứt. Các chủng sinh được trang bị tận răng và hưởng những điều kiện vật chất sung túc nên họ hăng hái. Đến năm kế tiếp khi vị tổng thống mới từng là cựu giám mục quyết dẹp bỏ thảm nhũng và tệ nạn xã hội khiến những tên đầu cơ tích trữ hay buôn lậu dần dần sa lưới nên kinh phí cho các chủng sinh bị sa sút trầm trọng khiến hơn một nửa số chủng sinh cảm thấy đời tu không mấy hấp dẫn nữa và đã rút lui gọn nhẹ. Đây quả thực là một chuyện nhức nhối và đau lòng mà nói ra thì sợ cho là vạch áo xem lưng. Nhưng nếu không nói thì báo chí cũng đã nói hết rồi vì đây là một đất nước tự do không thể bưng bít được dù đó là chuyện của chính quyền hay là của giáo quyền. Nếu ai làm sai thì họ đều khui ra để thiên hạ được biết.
Quay lại chuyện dự lễ phong chức. Ở đây vì thiếu ơn gọi nên mấy năm mới có được 1 hay 2 linh mục mới. Những ứng sinh sẽ được phong chức ngay tại giáo xứ nơi họ sinh sống để cổ võ ơn gọi. Gia đình ứng sinh có thể mời bao nhiêu người tuỳ ý. Chính quyền điạ phương nơi ứng sinh linh mục được chịu chức sẽ ủng hộ một nửa số tiền để lo cho việc ăn uống vì đó là niềm hãnh diện của họ khi có một thành viên thuộc địa phương họ lên chức, nửa còn lại do cha xứ xin từ các nguồn khác. Gia đình ứng sinh linh mục không phải bỏ ra đồng nào để lo. Họ chỉ lo in một số giấy mời cho những người ở xa, còn lại là loan báo trên đài phát thanh thành phố hay địa phương ngày giờ diễn ra thánh lễ. Chuyện của giáo hội là chuyện của giáo hội. Họ muốn tổ chức ở đâu và khi nào là tuỳ vào giám mục và cha xứ chứ không phải là tùy vào ông quận trưởng hay tỉnh trưởng.
Tham dự thánh lễ chịu chức ở đây mà thấy thương cho các tân chức. Dù họ có nhiều khách mời, nhiều tự do thật đấy nhưng khâu tổ chức quá đơn sơ và phải nói là quá nhạt nhẻo. Vị giám mục chủ phong và các linh mục đồng tế không hề có được một cái khăn giấy để lau mồ hôi hay một ly nước mát để uống trước hoặc sau thánh lễ. Vị giám mục chủ tế và khách mời được phát một phiếu thức ăn để nhận phần ăn sau khi kết thúc thánh lễ. Linh mục chưởng nghi thì quên rất nhiều chi tiết quan trọng trong phần nghi thức phong chức nhưng vị giám mục chủ tế người Tây Ban Nha vẫn không hề lộ vẻ bực dọc mà âm thầm sửa sai. Phải nói thật nếu thiếu sự kiên nhẫn và lòng bao dung thì khó mà hợp hợp với dân tộc này.

Mục vụ di dân

Khi nhận bài sai làm việc huấn luyện, tôi cũng nhận thêm bài sai làm tuyên uý cho các cộng đồng đa chủng tộc tại vùng cực Nam của Paraguay này cùng với một linh mục người Argentina. Chính vị giám mục nguyên chủ tịch hội đồng giám mục Paraguay đã đến chủ sự thánh lễ và trao giấy bổ nhiệm cho tôi cùng với anh em linh mục người Argentina để coi sóc 24 cộng đoàn nằm rải rác trong địa hạt Obligado. Địa hạt này đa số là người gốc Đức, Ba-lan, Brazil, Nga-sô và Nhật Bản. Đúng là đất lành chim đậu. Đây là vùng có an ninh và sạch sẽ nhất của Paraguay. Đất nước của Paraguay nhưng ở tỉnh này chỉ có khoảng 40 phần trăm người Paraguay và người Paraguay chịu ảnh hưởng văn hoá của người gốc Âu châu nên cũng văn minh, lịch sự hơn. Từ lâu rồi nơi đây chỉ do các linh mục người Đức hay Ba-lan làm tuyên uý nhưng nay vì các cha tuổi già, sức yếu và không có người thay thế nên mới đưa một linh mục người Argentina đang làm Hiệu trưởng trường trung học và tôi, một người Việt da vàng, mũi tẹt kiêm nhiệm làm tuyên úy cho các cộng đoàn đa chủng tộc này.
Những ngày đầu mới về vừa phải lo việc huấn luyện, vừa phải lo thăm các cộng đoàn của người di dân khiến tôi cảm thấy uể oải và chán nản, nhất là một số người gốc Đức và Ba-lan tỏ vẻ kỳ thị người da vàng như tôi vì biết bao năm rồi họ đã quen dần với những mục tử là người đồng hương của họ. Nhưng rồi khi hai bên đã hiểu nhau thì họ bắt đầu cởi mở và quí mến tôi hơn. Đó cũng là một niềm an ủi khi tôi đang sống giữa một thế giới đa văn hoá với nhiều tập tục khác nhau.
Một kỷ niệm đáng nhớ là khi tôi đi cử hành lễ an táng cho một bà cụ người Đức nhưng chồng bà là người Ba-lan. Rồi các con cái bà kết hôn với người Brazil, Nga-sô, Nhật và Paraguay nên ngày hôm đó cả gia đình liên hiệp quốc của người quá cố đều có mặt. Những người thân và con cháu bà lại thuộc nhiều tôn giáo khác nhau vì là xứ tự do nên họ đã đề nghị tôi cho họ hát theo tôn giáo của họ, nhất là của những người thuộc giáo hội Tin Lành Luther. Không thể nào cấm cản họ được vì tôi là người mới đến và họ đã hát thật hay. Sống trong môi trường đa văn hoá, đa chủng tộc này cũng đã dạy tôi những điều bổ ích, nhất là lĩnh vực mục vụ di dân xuyên biên giới này.
Hôm nay ngồi viết lại những dòng tâm sự này trong những ngày đầu của Tuần Thánh như là một lời nhắn gởi đến những người bạn xa gần nhớ đến các linh mục, tu sĩ đang làm nhiệm vụ nơi tiền tuyến trong các lĩnh vực truyền giáo và cầu nguyện cho họ để họ nhận ra giá trị của công việc mà họ đang làm. Cũng xin cầu nguyện cho ơn gọi linh mục trong Năm Thánh Linh Mục để nhiều bạn trẻ biết dấn thân hơn trong cánh đồng truyền giáo ở các nước có nhiều tự do nhưng vắng bóng các vị mục tử nhiệt thành. Xin cầu chúc mọi người một mùa Phục Sinh tràn đầy ơn Thánh và cũng phục sinh với Chúa khi biết rũ bỏ con người cũ xấu xa của mình.

Paraguay, Lễ Lá 2009

No comments:

Post a Comment