Wednesday, August 31, 2011

PARAGUAY – MÙA PHỤC SINH XỨ TRUYỀN GIÁO

Pascua Joven

Pascua Joven (Pás-qua Khó-ven), đây là một thuật ngữ để nói về những ngày đại hội giới trẻ dịp Tuần Thánh được sử dụng ở các nước nói tiếng Tây Ban Nha, cách riêng là vùng Nam Mỹ.
Chúng tôi đã bước vào Tuần Thánh với những điều thú vị bất ngờ.
Chúa Nhật Lễ Lá, tất các các nhà thờ đều đông nghẹt từ già trẻ, lớn bé và ngay cả những người khác tôn giáo cũng đến tham dự. Người dân ở đây rất thích các cuộc rước kiệu và những sinh hoạt năng động. Họ tham dự Chúa nhật lễ lá để được linh mục rảy nước thánh và làm phép lá, nước để họ dùng các dịp khác trong năm. Họ thích hình ảnh Chúa Giêsu là một vị vua hơn là hình ảnh của một kẻ tử tù!
Từ chiều thứ 4 Tuần Thánh, tất cả các công sở hay tư sở, trường học, siêu thị… đều đóng cửa để nghỉ ngơi vì đây là ngày quốc lễ và chuẩn bị cho Tam Nhật Thánh. Cũng chính vì lý do này mà các sinh hoạt tôn giáo được tổ chức cách dễ dàng hơn nhằm hâm nóng đức tin cho các tín hữu, nhất là giới trẻ.
Như tôi đã chia sẻ trong các bài trước, tôi mới chuyển về đây chỉ vài tháng với hai nhiệm vụ vừa là một nhà huấn luyện ơn gọi, vừa làm tuyên úy cho các cộng đoàn tín hữu gốc Âu châu. Tôi cũng đã cố gắng lên chương trình với anh em linh mục người Argentina trong những ngày đại hội giới trẻ đầu tiên được tổ chức tại đây nhằm qui tụ các bạn trẻ từ 14 tuổi trở lên tham gia các sinh hoạt tôn giáo để hiểu biết về cuộc khổ nạn và phục sinh của Chúa.
Thực tình mà nói giới trẻ ở đây họ hiểu biết rất nhiều thứ nhưng có một thứ quan trọng mà họ thiếu, đó là kiến thức về Chúa Kitô dù họ là những người Công giáo chính gốc! Đỉều đó cũng dễ hiểu trong thế giới ngày nay mà sự tự do luôn đặt yêu tiên hàng đầu khiến các bậc phụ huynh, những người hữu trách rất đau đầu trước sự tự do thái quá khiến giới trẻ dần dần đánh mất chính mình.
Ba ngày Tam Nhật Thánh với các sinh hoạt tôn giáo giành cho giới trẻ khiến tôi mệt nhoài về thể xác cũng như tinh thần nhưng bù lại đã giúp tôi gần gũi với giới trẻ hơn và hiểu được những tâm tư, nguyện vọng của giới trẻ của vùng Nam Mỹ này.
Chúng ta không thể đỗ lỗi hết cho giới trẻ về những hành vi xấu xa chúng làm nhưng một phần cũng do xã hội tiêu thụ và một phần cũng do chính các bậc phụ huynh trong gia đình thiếu sự quan tâm, đồng hành với chúng khi chúng bước vào đời. Những gia đình thiếu sự hoà thuận của cha mẹ hay những bậc cha mẹ ly dị thì con cái cũng bị ảnh hưởng lây và dẫn đến những hậu quả đáng tiếc cho xã hội. Qua những ngày đại hội giới trẻ này các em cảm thấy vui hơn, muốn gần gũi với giáo hội hơn và nhiều em hứa sẽ cố gắng tham dự thánh lễ Chúa Nhật để liên kết với giáo hội mà các em đang sống.
Ngày thứ sáu Tuần Thánh, sau nghi thức hôn chân Chúa tại Nhà thờ, chúng tôi bắt đầu đi 14 chặng đàng Thánh Giá qua các con đường chính của thành phố với sự hiện diện đông đảo của giáo dân, chính quyền địa phương và các lực lượng vũ trang. 14 nhóm giới trẻ lần luợt xướng lên các lời Kinh Thánh và lời nguyện mà các em đã chuẩn bị để tâm sự với Chúa Kitô trong cuộc khổ nạn của Người. Ca đoàn nghiệp dư cũng tấu lên các bài hát trong lúc chuyển tấu các chặng đàng Thánh giá giúp cho buổi cầu nguyện thêm phần long trọng và sốt sắng. Qua các chặng đàng Thánh Giá sống động này, mọi người, nhất là giới trẻ ý thức được tầm quan trọng của Tuần Thánh kỷ niệm cuộc khổ nạn và Phục sinh của Chúa. Chính chúng tôi, những anh em linh mục cũng cảm nhận được sự thánh thiên và gắn kết giữa mục tử và đàn chiên khi cử hành mầu nhiệm này.

Tản mạn mùa Phục sinh

Những ngày đại hội giới trẻ lần đầu tiên được kết thúc với thánh lễ Vọng Phục sinh. Trong thánh lễ trọng đại này tôi đã cố gắng diễn giải cách vắn tắt về ý nghĩa của các nghi thức vừa cử hành vì nhiều người thường than phiền đêm lễ Vọng Phục sinh quá kéo dài và gây mệt mỏi. Người dân Paraguay không có thói quen tham dự lễ quá sớm hoặc quá trễ. Tuy nhiên khi có tiệc tùng thì dù khuya cỡ nào họ cũng tham dự được!
Người Paraguay cũng giống người Việt là hay phàn nàn việc các cha giảng dài và một số linh mục dù còn rất trẻ nhưng bị đưa về nhà hưu dưỡng do giáo dân đã kiện lên toà giám mục vì tội giảng quá dài. Bởi thế anh em linh mục thường bảo nhau cố gắng gói gọn những ý tưởng trong khi giảng giải kẻo bị cho về hưu non vì tội giảng dài thì xấu hổ lắm! Làm linh mục thì như làm dâu trong họ vậy, nếu gặp được những bà mẹ chồng là những giáo dân dễ thương thì linh mục đỡ khổ, bằng không gặp những bà “mẹ chằng” là những giáo dân thích chống đối thì lo mà cuốn gói cho lẹ, kẻo có ngày ăn đạn đồng thì nguy.
Những sinh hoạt và thánh lễ trong mùa Phục sinh đã làm hao mòn sức lực và tài năng của một linh mục xấu trai như tôi, nhưng bù lại mọi người nhận được những niềm vui và tìm được niềm an ủi sau những tháng ngày vắng bóng Chúa. Đó là một khích lệ rất lớn cho các linh mục.
Một niềm vi bất ngờ đến với tôi trong tuần bát nhật Phục sinh. Vào một buổi sáng khi đang làm việc thì bất ngờ hai anh em linh mục Việt Nam đến thăm mà không hề được thông báo trước. Một trong số đó có là cha Benjamin Văn Thanh, tiến sĩ về Kinh Thánh có cuộc họp chuyên đề về Kinh Thánh ở Argentina nhưng đã tranh thủ ghé qua Paraguay để thăm các anh em truyền giáo. Chúng tôi đã từng gặp nhau ở Việt Nam cách đây vài năm khi cha Thanh về Việt Nam cho một khoá hội thảo về Kinh Thánh của anh em Ngôi Lời tại Việt Nam. Gặp nhau tay bắt mặt mừng như những người thân yêu lâu ngày gặp lại. Tôi đã cho các chủng sinh nghỉ buổi học để được trò chuyện với các anh em đồng hương và đồng đạo thân mến này.

Những ngày tĩnh tâm

Sau Đại lễ Lòng Thương Xót Chúa, Tỉnh Dòng Paraguay chúng tôi bắt đầu bước vào Tuần tĩnh tâm năm để anh em có dịp bồi bổ thân xác và tinh thần sau những ngày bề bộn trong công tác mục vụ. Vị giảng phòng năm nay là một giám mục người Đức thuộc Dòng Tận Hiến Truyền giáo đã làm việc ở Paraguay gần 40 năm. Hiện ngài đang coi sóc giáo phận Chaco, một giáo phận của những người thổ dân ở Paraguay với hai phần ba là hoang mạc quanh năm thiếu nước. Giáo phận của ngài có hơn 80 nhóm thổ dân và chỉ vỏn vẹn có 11 linh mục, trong đó có 2 linh mục người thổ dân là thuộc linh mục triều và 9 vị còn lại thuộc Dòng Tận Hiến truyền giáo người nước ngoài. Vì là giáo phận truyền giáo nên không có toà giám mục, không có nhà thờ chính toà, cũng chẳng có các ban bệ như các giáo phận khác. Đây là giáo phận nghèo nhất mà chính người bản xứ Paraguay cũng không dám dấn thân.
Mở đầu cho cuộc tĩnh tâm, vị giám mục truyền giáo đã chân tình chia sẻ là ngài cảm thấy sợ khi giảng tĩnh tâm cho các tu sĩ Dòng Truyền giáo Ngôi Lời vì các cử toạ là những bậc thầy về truyền giáo, những bậc tiến sĩ trong nhiều lĩnh vực (Đây là một tâm sự rất thật vì người Âu châu ít có kiểu nói đưa đẩy và bôi trơn). Vị giám mục khiêm tốn này đã tâm sự ngài là một con người “tình cờ” từ khi chiụ chức tới giờ. Bài sai đầu tiên của ngài là ở Phi châu nhưng cuối cùng lại chuyển qua Paraguay vì một người anh em trong Dòng có bài sai đi Paraguay bị tai nạn. Rồi ở Paraguay một thời gian thì vị giám tỉnh của ngài qua đời đột ngột nên ngài được bầu lên thay thế. Rồi vị giám mục trong vùng truyền giáo của ngài bị tai nạn qua đời nên ngài được chọn làm giám mục. Vị giám mục “tình cờ” trong một giáo phận truyền giáo của người thổ dân quanh năm thiếu nước đã chia sẻ cho anh em về cuộc sống, ơn gọi và cảm nhận truyền giáo của những môn đệ Chúa Kitô ngày nay rất chân thành và lôi cuốn. Với sự khiêm tốn và những câu chuyện dí dỏm, vị giảng phòng đã thuyết phục được các anh em tu sĩ từ già đến trẻ và mang lại những bữa ăn thiêng liêng đầy bổ ích cho các cử toạ trong tuần tĩnh tâm.
Ngày tĩnh tâm cuối cùng tất cả chúng tôi đã đọc lại lời khấn hứa và phó thác cuộc đời cho Chúa dù biết rằng cuộc đời có những cạm bẫy khó lường, nhất là trong những ngày sau lễ Phục sinh, giáo hội tại Paraguay trải qua một cuộc khủng hoảng đức tin mà nguyên nhân là do một số giáo sĩ cao cấp trong giáo hội sa ngã khiến giáo dân mất lòng tin vào giáo hội, cách riêng là hàng ngũ giáo sĩ. Ước mong sau cơn mưa trời lại sáng và để mọi người biết rằng Giáo hội của Chúa Kitô luôn chiến thắng và đứng vững dù trong giáo hội ấy có những con người bất toàn, tội lỗi.

Paraguay, Mùa Phục sinh 2009,

No comments:

Post a Comment