HÒA LAN – DẤU LẶNG
TRONG ĐỜI SỐNG MỤC VỤ
Ngay từ khi bắt đầu
biết hát và học nhạc lý ở Nhà Dòng, chúng tôi rất thích bài hát Hang Bê-lem của
cố nhạc sỹ Hải Linh-Minh Châu vì có những dấu lặng ngẫu hứng và đúng lúc khiến
nhạc phẩm này không thể không hát vào mùa Giáng Sinh. Trong âm nhạc, dấu lặng
có chức năng là ngăn cách các tiết nhạc hay câu nhạc và tạo thời gian nghỉ cho
người biểu diễn và người chơi nhạc cụ nhằm tạo cho bài hát sống động hơn.
Tuy nhiên, có những
lúc chúng ta lại quên đi những dấu lặng đấy ý nghĩa ấy và cứ lao vào công việc,
bất chấp những lời khuyên của những người bạn thân hay của chính cơ thể thỉnh
thoảng dự báo những dấu hiệu muốn ta phải dừng lại để điều tiết cuộc sống mình
trước khi quá muộn. Và chính bản thân chúng tôi phải trả giá cho sự thiếu điều
tiết này.
Phải thật sự nói
rằng anh chị em Việt Nam tại hải ngoại nói chung và tại Hòa Lan nơi chúng tôi
đang phục vụ nói riêng rất có tinh thần làm việc chung và hi sinh thời gian,
công sức và tiền bạc rất nhiều mỗi khi đượckêu gọi đóng góp một điều gì đó. Lần
này họ cũng đã làm hết mình khi mỗi giáo khu chuẩn bị đồ ăn, thức uống cũng như
những lĩnh vực khác để ngày hội “Nhớ về Mẹ” được thành công tốt đẹp. Không ai
ngờ rằng cuộc lạc quyên hôm đó nhận được một số tiền lớn để giúp cho những dự
án ở Tây Nguyên. Bản thân chúng tôi rất hài lòng dù ngày hôm đó tôi rất mệt và
cơ thể đã dự báo sẽ có chuyện xảy ra nhưng vì ham công, tiếc việc nên chúng tôi
đã cố gắng làm đến phút cuối.
Những ngày nằm trong
bệnh viện là những dấu lặng bất đắc dĩ để có thời gian suy nghĩ chuyện đời,
chuyện mình. Không biết ai đó đưa thông tin gì rất trầm trọng liên quan đến sức
khỏe về chúng tôi trên không gian mạng nên nhiều người rất bất ngờ và tưởng
rằng tôi sắp lìa cõi đời hay nhẹ lắm cũng trở thành bất toại. Biết bao cuộc gọi
nhỡ những cuộc nhắn tin nhưng vì lúc đi cấp cứu không mang theo gì. Phải đến
chiều một linh mục trong Dòng mới đem những dụng cụ cá nhân cần thiết để làm
thủ tục thì mới biết được tin tức. Cũng may nhờ chiếc điện thoại thông minh và
wifi trong bệnh viện mà chúng tôi được biết nhiều điều cũng như nhận được nhiều
lời thăm hỏi, động viên qua những tin nhắn và cuộc gọi khắp nơi. Bệnh viện Hòa
Lan rất hiện đại và người ta phục vụ rất tận tình lo lắng cho bệnh nhân và
không quan trọng bệnh nhân đó là ai nhưng họ vẫn phục vụ hết mình. Chính vì thế
mà mình không còn cảm giác sợ vì mình vẫn bị ám ảnh hai chữ bệnh viện bên quê
nhà ở Việt Nam. Ngẫm nghĩ lại mình chẳng làm được gì trong 2 năm sống ở Hòa Lan
nhưng được mọi người thương mến và quan tâm lo lắng trong những ngày nằm viện
vì người ta thường nói hoạn nạn mới hiểu được bạn bè. Có thể vì sống xa quê
hương, xa gia đình đã lâu nên cảm thấy những người quan tâm, lo lắng cho mình
lúc ngặt nghèo là người thân đích thực của mình. Những cuộc viếng thăm và động
viên của những người đồng hương khiến chúng tôi cảm động vô cùng vì ở đây mình
hoàn toàn đơn độc, và khi họ ra về thì mình lại khóc dù nước mắt bây giờ không
còn nữa. Những dấu lặng dù bất đắc dĩ như thế này nhưng cũng giúp chúng tôi
phần nào biết tịnh dưỡng, suy nghĩ về cuộc đời để mình cố gắng sống sao cho đẹp
lòng Chúa và không phụ lòng người.
Hôm nay giáo hội
mừng kính hai vị thánh trụ cột là Phêrô và Phaolô. Hai con người, hai cách sống
hoàn toàn khác nhau nhưng đã biết hoán cải và trở nên những tông đồ nhiệt thành
của Chúa. Xin chúc mừng những ai nhận hai thánh Phêrô và Phaolô làm quan thầy
hãy biết chấp nhận thân phận mỏng giòn yếu đuối của mình và mau hoán cái để
được Chúa tha thứ và mời gọi. Giáo hội hôm nay
vẫn cần những Phêrô và Phaolô mới, dám bỏ, dám theo, dám yêu, dám sống và dám
chết cho Ðức Kitô và Tin Mừng. Giáo hội vẫn cần những chiếc cột và những tảng đá. Với lòng ngưỡng
mộ biết ơn các ngài, chúng ta quyết một lòng trung thành với đức tin đã lãnh
nhận.
Hòa
Lan, 29 tháng 06 năm 2019-
Lễ hai
thánh tông đồ Phêrô và Phaolô
Lm. Antôn Trần Xuân Sang, SVD.