PARAGUAY – LINH MỤC VÀ CHUỖI MÂN CÔI
Tháng Mân Côi
hay Mai Khôi lại về cũng là dịp để người Ki-tô hữu gần gũi Mẹ Maria với tràng hạt
Mân Côi để cùng Mẹ cầu cho hòa bình thế giới trước những bất công, bạo lực, khủng
bố và thảm họa thiên nhiên xảy ra hàng ngày như lời Mẹ nhắn nhủ trong những lần
hiện ra với con cái Mẹ, nhất là ở Fatima.
Khi còn nhỏ ở Việt
Nam chúng tôi thường hay nghe người lớn nói: “Đêm tháng năm chưa nằm đã sáng, Ngày
tháng mười chưa cười đã tối” vì muốn giải thích hiện tượng "Ngày dài, đêm ngắn" (tháng 5) và "Ngày ngắn đêm dài"
(tháng 10) do ảnh hưởng sự tự quay quanh trục của Trái Đất và chuyển động của Trái
Đất quanh Mặt Trời nên sinh ra hiện tượng ngày đêm chênh lệch giữa 2 nửa cầu và
các mùa. Điều này chỉ đúng ở các nước thuộc Bắc Bán Cầu, còn Nam Bán Cầu nơi
chúng tơi đang sinh sống thì lại khác hoàn toàn và phải đọc ngược lại là” “Ngày
tháng năm chưa mần đã tối, Đêm tháng mười chưa cười đã sáng” vì ngày ngắn, đêm
dài (tháng 5 trời lạnh) và ngày dài đêm ngắn (tháng 10 trời nóng).
Tháng Mười năm nay có lẽ do ảnh hưởng
khí hậu toàn cầu nên trời hay mưa bão và nhiệt độ cũng không nóng bức như mọi
năm. Tuy nhiên vì thời tiết quá thất thường nên rất nhiều người đau bệnh và đột
tử và cứ phải đi làm phép xác đều đều cho cả trẻ lẫn già.
Như chúng ta cũng biết Paraguay là một
xứ truyền giáo vì linh mục địa phương rất ít và mỗi khi họp liên tu sĩ hay đại
hội dân Chúa thì thấy rất đông các linh mục tu sĩ nước ngoài với đầy đủ màu da,
tiếng nói. Vùng đất truyền giáo này cũng đón nhận rất nhiều người di dân đến từ
khắp nơi, trong đó có người Nhật, Hàn quốc và Đài Loan là những người thành đạt
nhất ở đây. Các đồ đùng hàng ngày như tủ lạnh, xe hơi, điện thoại, tivi với thương
hiệu Samsung, Kia, Huyndai… của Hàn quốc rất được ưa chuộng ở đây. Bởi thể, người
Hàn quốc ngày càng đến đây rất đông và mang theo gia đình, bà con để mở rộng thị
trường và trở nên những người khá thành đạt và giàu có nhất là các thành phố và
trung tâm thủ đô của Paraguay. Và cũng vì thế nhu cầu tâm linh của họ cũng được
quan tâm rất kỹ khi họ cũng gởi qua những mục sư, linh mục để đồng hành với bổn
đạo của mình. Đức giám mục ở đây đã chấp thuận cho họ có một giáo xứ giành
riêng cho giáo dân Hàn quốc và tất cả nghi thức, thánh lễ đều bằng tiếng bản xứ
Hàn quốc để họ có thể dễ dàng cảm nhận ơn Chúa và yên tâm sống nơi đất khách
quê người như quê nhà của mình.
Giáo dân xứ Hàn ở đây rất quảng đại như
người Việt Nam mình sống ở hải ngoại. Cứ 3 hay 5 năm một lần thì cha xứ của họ
sẽ trở về Hàn quốc và Giáo hội ở Hàn quốc sẽ gởi một linh mục khác để thay thế làm
nhiệm vụ. Và chính giáo dân ở đây sẽ phải
chi trả mọi thứ từ chỗ ăn ở, sinh hoạt phí, lương tháng và những ngày phép hàng
năm cho cha xứ họ. Không phải tất cả những người Hàn quốc làm việc ở đây đều
nói được tiếng tây Ban Nha (ngoại trừ các em nhỏ học ở trường và những thương
gia làm việc trực tiếp với người nước ngoài). Bởi thế họ sống khá khép kín và
thường chỉ kết hôn giữa người Hàn với nhau.
Cha xứ mới ở đây có quen thân với
chúng tôi khi chúng tôi có cuộc họp với Giám mục giáo phận. Vị linh mục này không nói được tiếng Tây Ban
Nha nên chúng tôi nói chuyện với nhau bằng tiếng Anh. Thỉnh thoảng ngài nhờ
chúng tôi dâng lễ vì ngài có những cuộc họp đồng hương với các linh mục Hàn bên
Argentina hay Peru và chúng tôi phải chuẩn bị vài tiếng Hàn để chào hỏi trước
và sau thánh lễ. Phần còn lại chúng tôi nói tiếng Tây Ban Nha và có người phiên
dịch qua tiếng Hàn. Các bà, các cô lúc đầu khá khép kín nhưng khi chúng tôi bắt
đầu chào hỏi vài câu Hàn quốc và họ nhìn thấy chúng tôi cũng giống cha xứ của họ
nên họ khá vồn vã và sau thánh lễ họ thường mời chúng tôi ăn các món ăn đặc
trưng của họ và còn tặng chúng tôi món Kimchi để mang về. Thật thú vị khi thỉnh
thoảng được các cộng đồng đa quốc gia mời dâng thánh lễ và chúng tôi biết thêm
chút ít về văn hóa của họ vì nhà truyền giáo không những chỉ biết của mình mà
còn biết học hỏi và kết hợp với nhau để làm phong phú thêm cho cuộc sống.
Thứ bảy vừa rồi chúng tôi có đi thăm
và xức dầu bệnh nhân cho một anh em cựu linh mục cùng Dòng người Phi Luật Tân bị
ung thư máu và đang vào hóa trị. Người anh em này đến đây truyền giáo từ những
năm đầu của thập niên 80 và từng giữ những vị trí quan trọng trong Dòng. Tuy
nhiên, sau hơn 20 năm trong sứ vụ linh mục, anh đã bị một tiếng sét ái tình với
một nữ tu xinh đẹp người Paraguay nhỏ hơn anh cả một con giáp và cả hai đã quyết
định rời bỏ đời tu để tiến tới đời sống hôn nhân gia đình theo tiếng gọi của
con tim. Việc giải lời khấn cho nữ tu kia thì không là vấn đề nhưng quá trình hồi
tục cho anh em linh mục kéo dài rất nhiều thời gian và mãi đến năm 2014 họ mới
chính thức kết hôn trong nhà thờ dù hôn nhân dân sự họ đã có từ năm 2000. Nhìn
thấy người anh em bơ phờ, tiều tụy với căn bệnh ung thư hiểm nghèo và không người
thân nơi đất khách ngoại trừ người vợ Paraguay khá hững hờ và thỉnh thoảng lại
càm ràm người chồng tội nghiệp. Có lẽ nhiều người sẽ nói Chúa phạt những người
như thế nhưng chúng ta nên nhớ rằng Chúa chúng ta không phải là anh cảnh sát
giao thông Việt Nam cứ rình mò trong bụi rậm hay nơi nào đó để thình lình phạt
những người vi phạm. Chúa luôn tôn trọng các quyết định của chúng ta vì mỗi người
chúng ta hoàn toàn tự do trong các quyết định của mình và dưới mắt người đời
thì trước những sự không may mắn họ thường hay gán ghép cho Chúa theo sự tưởng
tượng của chúng ta.
Tỉnh Dòng chúng tôi vừa có Bề trên
giám tỉnh mới và các cố vấn cho nhiệm kỳ 2017-2020. Vị giám tỉnh mới này là người
Ấn độ và có bằng luật sự dân sự tại Nam Mỹ nên khá ám tường và hiểu biết về luật
pháp. Dòng chúng tôi là Dòng quốc tế và đa số các nhà truyền giáo đến từ nhiều
quốc gia khác nhau nên chuyện người nước ngoài có thể đứng đầu một Dòng tu
không có chuyện gì lạ và nhà nước không hề can thiệp vào nội bộ của Giáo hội.
Để chuẩn bị cho những thay đổi về nhân
sự, vị Bề trên mới đã trao đổi với từng người, trong đó có bản thân chúng tôi về
công việc và nhiệm vụ sắp tới mà chúng tôi sẽ đảm nhận trong những ngày đầu năm
2017. Chúng tôi cũng suy nghĩ khá nhiều về nhiệm vụ mới này và cũng chưa có một
quyết định dứt khoát từ hai phía. Nếu đưa ra một công việc dễ dàng thì có thể
quyết định ngay lập tức, nhưng đây là một thách đố cho chúng tôi trong nhiệm vụ
mới khiến chúng tôi cũng khó đi đến quyết định. Chúng tôi đang rất cần lời cầu
nguyện của mọi người cho bài sai sắp tới của mình đúng theo thánh ý Chúa.
Cách đây
hai ngày chúng tôi nhận được tin một Sư Huynh lớn tuổi cùng Dòng, một người thầy
có đời sống thầm lặng nhưng sâu sắc vừa tạ thế. Nhìn tiểu sử của Thầy có thể thấy
toát lên một nhân cách dù thầy không có bằng cấp tiến sĩ hay kỹ sư nhưng cuộc sống
của thầy đã để lại cho chúng tôi một bài học khiêm nhường và thánh thiện trong
cách sống. Xin Chúa sớm đưa linh hồn thầy về hưởng hạnh phúc vĩnh cửu với ngài.
Nhớ lại
chuyện gia đình ở Việt Nam, chúng tôi có một cháu gái khoảng hơn 10 tuổi bị bệnh
tự kỷ và không thể học hành hay hiểu biết nhiều. Có lần chúng tôi gọi điện về
nói với gia đình xin Cha xứ cho cháu được rước Chúa lần đầu để cháu có thể quen
với nhà thờ, gần gũi với Chúa nhưng khi gia đình lên thưa chuyện với cha xứ thì
ngài có những lời lẽ không mấy thân thiện và còn nói nó bị khùng mà rước Chúa
làm gì. Nghe kể lại như thế mà trong cổ cảm thấy nghẹn vì mục tử mà thiếu quan
tâm đến những con chiên bệnh. Giờ này cha xứ ấy đã ở một cương vị rất cao rồi!
Người
Việt Nam nói chung và người Công giáo Việt Nam nói riêng rất tôn trọng những bậc
tu trì và họ luôn một lòng cung kính. Có lẽ vì thế mà một số bậc tru trì tự cho
mình có quyền nói gì thì nói và làm gì thì làm mà quên đi một điều mình chỉ là
“con lừa chở Chúa Giê-su” vào thành Giêrusalem mà thôi. Nên nhớ rằng giáo dân
thời nay nhiều người đã có bằng tiến sĩ, kỹ sư và nhiều người còn dạy trong Đại
Chủng Viện vì họ có bằng tiến sĩ Triết hay Thần học nữa. Người ta tôn trọng
linh mục vì linh mục là người của Chúa khi được xức dầu thánh. Đừng nghĩ rằng khi đã là
linh mục rồi thì có quyền vung tay, múa chân rồi chửi bới và xem người khác chẳng
ra gì. Người ta kính trọng các linh mục, các tu sĩ không phải vì những người đó
có bằng cấp cao hay là có những bài giảng rất hay nhưng người ta kính trọng các
linh mục vì họ giống Chúa Giê-su, một mục tử khiêm nhường, hiền lành và dễ gần.
Ở bất cứ quốc
gia nào, dân tộc nào cũng có người tốt, người xấu, người hiền, người dữ. Tuy
nhiên, những người được đặt lên làm vị trí lãnh đạo cần phải có một có một sự
bình tĩnh trong phán đoán và nhất là cách phát ngôn thận trọng vì chỉ cần lỡ lời
một chút là hối hận cả đời với công nghệ thông tin thời nay. Ông tổng thống
đương nhiệm Philippines khi còn làm thị trưởng thì ít tai biết đến và ông muốn
nói gì thì nói nhưng gần đây trước những phát ngôn bừa bãi của ông với cương vị
là người đứng đầu một quốc gia thì người ta đã coi thường và ngay cả người dân
nước ông cảm thấy xấu hổ khi có một vị lãnh đạo như thế. Cũng vậy, các vị lãnh
đạo tinh thần nên cẩn trọng trong cách phát ngôn và đối xử với đàn chiên mình
vì cơ chế xin-cho mà những người độc tài thích làm không nên áp dụng trong Giáo
hội Công giáo chúng ta.
Lạy Mẹ
Mân Côi, bản thân con là một người bất toàn với nhiều thói hư, tật xấu. Xin Mẹ
hãy giúp con luôn biết khiêm nhường, biết lắng nghe những góp ý tích cực của những
người xung quanh con để con có thể sửa đổi bản thân và giúp mọi người cùng thay
đổi. Xin Mẹ ban ơn và giúp các linh mục của Mẹ biết năng lần hạt Mân Côi và biết
chu toàn trách nhiệm của mình như lời Thánh
Phaolô Tông Ðồ mới nói với Timôtheô: "Con hãy tự giữ mình và hãy chăm lo lời
mình dạy: hãy cương quyết như vậy, điều đó sẽ khiến con tự cứu rỗi con và cả những
ai nghe lời con nữa" (1Tm 4,15-16).
Paraguay, 07/10/2016, Lễ Mẹ Mân
Côi
Lm. Antôn Trần Xuân Sang, SVD