Hơn một tháng trở lại xứ truyền giáo
Paraguay sau kì nghỉ phép ngắn ngủi nhưng thú vị và ý nghĩa ở một số nước Âu
Châu và quê mẹ Việt Nam với các cộng đồng người Việt ở hải ngoại và những người
thân yêu tại quê nhà. Đây cũng là dịp để nạp thêm năng lượng tâm linh để tiếp
tục chiến đấu khi trở lại vùng truyền giáo.
Thật tình mà nói nhìn một cách tổng quan thì Việt Nam có nhiều thay đổi
về cơ sở hạ tầng như đường xá, nhà cửa được nâng cấp, ai ai cũng có điện thoại
Smartphone và nhiều gia đình có của ăn, của để trong dịp Tết Nguyên Đán vừa
qua, nhưng đó chỉ mới là phần ngọn. Còn phần gốc thì Việt Nam chúng ta vẫn còn thua
xa các quốc gia láng giềng như về nhiều phương diện, trong đó có lĩnh vực về
tôn giáo. Nhiều anh em linh mục đang lam việc ở các vùng xa xôi thuộc các tỉnh
miền núi còn gặp nhiều khó khan trong việc cử hành các bí tích, nhất là dâng lễ
vào các dịp lễ lớn như Giáng sinh, Tạ ơn linh mục… Đến năm 2016 rồi mà vẫn còn
cơ chế xin-cho thì thật là bất công. Tỉnh Dòng Việt Nam có nhã ý mời chúng tôi
về giúp Tỉnh Dòng sau nhiều năm làm việc ở hải ngoại nhưng chúng tôi cảm thấy
có lẽ chưa đúng lúc vì còn nhiều điều phải suy nghĩ.
Những ngày ở Việt Nam chúng tôi được mời
dâng lễ ở nhiều giáo xứ, cộng đoàn khác nhau và được hiểu thêm tình hình sống
đạo của người Việt Nam. Chúng tôi cũng có dịp nói chuyện riêng với một số Giám
mục khả kính để có một cái nhìn khách quan hơn về Giáo Hội Công giáo tại Việt
Nam của mình với các các Giáo Hội Công giáo tại châu Mỹ La-tinh nơi chúng tôi đang
làm việc. Công bình mà nói người Việt Nam mình giữ đạo rất sốt sắng dù giớ trẻ
Việt Nam bây giờ (trong đó có nhiều đứa cháu ruột của chúng tôi) bắt đầu sống
thờ ơ và nguội lạnh trong việc sống đạo vì trào lưu tục hóa đang len lỏi từng
ngày vào đời sống của người Việt.
Trở lại Paraguay vào giữa tháng 2 khi trời hãy còn nắng nóng và học sinh
bắt đầu tựu trường (Paraguay và các quốc gia Nam Mỹ thường khai giảng vào tuần
thứ 3 của tháng 2 hàng năm) và phải bắt tay vào việc ngay dù đồng hồ sinh học
chưa điều chỉnh kịp thời do sự thay đổi quá nhanh khi từ Việt Nam quá cảnh
nhiều nước hơn 42 tiếng đồng hồ trước khi về đến Paraguay. Tuy khá mêt mỏi
nhưng gặp lại những người mà mình phục vụ chợ đợi thăm hỏi mình từng ngày khiến
lòng mình ấm lại dù đôi lúc cũng khá bực mình với họ.
Ở trường học năm nay số học sinh vẫn giữ
con số khoảng 1.500 em từ lớp mẫu giáo đến cấp III nhưng số giáo viên có tăng
lên 2 người vì nhu cầu chăm sóc cho các em mầm non đòi hỏi nhiều hơn. Vì là
trường tư thục nên vấn đề tài chính thu-chi cũng khá đau đầu nếu đến cuối tháng
mà không cỏ khoản thu từ gia đình học sinh để trả lương cho giáo viên và nhân
viên thì phải lo sốt vó. Người tu trì đâu dám hành xử dao to, búa lớn để “đòi
nợ” từ các gia đình học sinh nên cũng vì thế mà nhiều gia đình lợi dụng và ù
lì. Nhiều khi muốn đuổi một số em có hạnh kiểm xấu hay nợ học phí nhiều tháng
nhưng thấy tội nghiệp làm sao! Có lễ vì điều này mà nhiều lần chúng tôi đã xin
bề trên “xin cất chén đắng này” là đừng cho chúng tôi làm hiệu trưởng hay làm
nhà đào tạo trong chủng viện vì mình không nở lòng nào “đuổi” học trò hay chủng
sinh mà mình đang phụ trách được. Nhưng có lẽ vì cái “nghiệp chướng” mà nhiều
năm rồi cứ hết làm việc ở chủng viện lại bị chuyển qua làm trường học như một
cái vòng lẩn quẩn và không biết bao giờ mới thoát ra được khi phải vâng phục sự
bổ nhiệm của bề trên.
Mùa chay năm nay ở trường học cũng như ở giáo xứ chúng tôi tổ chức những
cuộc tĩnh tâm về Lòng Chúa Thương Xót, và chúng tôi có mời một số linh mục ngồi
tòa. Các em học sinh, các thầy cô giáo và giáo dân cùng nhau hưởng ứng sốt sắng
và có lẽ phần nào họ cũng nhận ra rằng nếu không có lòn Chúa Thương Xót thì
chúng ta sẽ chẳng là gì cả. Rất nhiều người lâu nay không đi nhà thờ hay lãnh
nhận các bí tích cũng rủ nhau đến tham dự các buổi tĩnh tâm và nhận bí tích hòa
giải. Không gì vui hơn trong đời linh mục khi những gì mì gieo trồng trước đây,
giờ bắt đầu thu hoạch kết quả.
Chúng ta đang sống những này quan
trọng nhất trong năm phụng vụ : Tuần Thánh. Gọi là Tuần Thánh vì đây là những
ngày cuối cùng của Chúa Giê-su ở với các môn đệ của Ngài trước khi ngài bị bắt,
bị thẩm vấn, bị tra tấn, bị kết án và chịu đóng đinh cách bất công để cứu độ
chúng ta. Tuần Thánh bắt đầu vào Chúa Nhật Lễ Lá và kết thúc vào Chúa Nhật Phục
Sinh. Chúa Nhật Lễ Lá, mở đầu Tuần Thánh và kỷ niệm việc Chúa Giêsu
được những người dân tốt lành cùng các trẻ em đón rước long trọng tiến vào
Thành Thánh Giêrusalem. Chúa Nhật Lễ Lá còn được gọi là Chúa Nhật Chịu Nạn.
Trước Thánh Lễ có làm phép lá và long trọng rước lá vào Thánh Đường để cử hành
Thánh Lễ. Trong Thánh Lễ, chủ tế sẽ đọc bài Thương Khó của Chúa Giêsu, thay vì
bài Tin Mừng. Lá đã được làm phép, giáo dân có thể mang về nhà và để trên bàn
thờ, để nhắc nhở mọi người trong gia đình về những ngày Thánh trong Tuần Thương
Khó. Những ngày Thứ Hai, ba và Thứ Tư Tuần
Thánh là những ngày chúng ta “nạp năng lượng tâm linh” để bắt đầu sống những
ngày “Rất Thánh” được bắt đầu vào ngày Thứ Năm Tuần Thánh. Ba ngày Thứ
Năm, Thứ Sáu và Thứ Bảy trong Tuần Thánh, được gọi là Tam Nhật Thánh (Triduo
Pascual). Đó là những ngày Thánh để kỷ niệm những biến cố trong cuộc khổ
nạn của Chúa Giêsu để cứu chuộc nhân loại: Ngày Thứ Năm kỷ niệm bữa Tiệc Ly,
ngày Thứ Sáu kỷ niệm Chúa Giêsu chịu khổ nạn, ngày Thứ Bảy kỷ niệm Chúa Giêsu
chịu táng trong mộ đá. Sau đó là Chúa Nhật Phục Sinh. Vì thế, Tuần Thánh không chỉ mang ý nghĩa bề ngoài là chúng ta tham dự các nghi thức nhưng
còn là sống lại những giây phút sau cùng của Chúa Giê-su với các môn đệ nên đời
hỏi chúng ta phải chiêm ngắm mầu nhiệm khổ nạn và phục sinh của Chúa cách sốt
sắng như một người thân yêu nhất của mình đang gặp cơn nguy biến.
Trong
Tuần Thánh năm nay có ba sự kiện nổi bật
vừa xảy ra là vụng khủng bố ở Bỉ khiến nhiều người chết và bị thương bởi những
tên cực đoan hồi giáo thuộc quốc gia tự xưng ISIS, và vụ này khiến thế giới một
lần nữa lến án những tên hồi giáo khát máu nhưng danh Thượng Đế Allah của họ để
giết người vô tội và làm cho mọi người nghi kỵ lẫn nhau. Chính Đức Thánh Cha
Phan-xi-cô đã lên án bạo lực mù quáng gây ra bao nhiêu đau khổ
và khẩn cầu Thiên Chúa ban ơn hòa bình. Ngài cầu xin Chúa chúc lành cho các gia
đình bị thử thách và cho dân tộc Bỉ.
Sự kiện thứ hai xảy ra tại nước Paraguay khi báo chí và
truyền hình lần lượt đưa tin tới tấp về vụ hai linh mục người Paraguay thuộc
Dòng Truyền Giáo Vô Nhiễm Mẹ Maria (OMI) về tội ấu dâm dù sự kiện đang
trong tiến trình điều tra. Những người thuộc phe chống Công giáo và bài giáo sĩ
đã lên án không thương tiếc chẳng những hai linh mục này mà còn qui chụp luôn tất cả các linh mục Công giáo. Họ làm như sắp
tận thế đến nơi và muốn mọi sự phải đưa ra ánh sáng. Nhà Dòng của hai linh mục
này cùng với Liên Tu Sĩ và Hội Đồng Giám Mục tại Paraguay đã ra một thông cáo
nêu rõ trong tiến trình điều tra thì tạm thời ngưng chức hai linh mục này và
sẵn sàng làm mọi việc có thể mà không bao che những hành vi sai trái. Truyền
thông đưa ra tin giật gân này vào Tuần Thánh như một con dao hai lưỡi để làm
lung lạc niềm tin người giáo dân. Nhưng có lẽ họ nhầm vì người giáo dân của thế
kỷ XXI không còn nhẹ dạ, cả tin như trước đây. Cũng có vài người thắc mắc với
chúng tôi về chuyện này nhưng chúng tôi đã giải thích với họ là nếu mọi chuyện
đúng như những gì tố cáo thì ai sai người đó sẽ bị phán xét.
Sự kiện thứ ba là cũng
trong Tuần Thánh 2016 này Tỉnh Dòng Paraguay chúng tôi vừa nhận một giáo xứ mà
hơn 50 năm qua không có lình mục và phương tiện đi lại duy nhất là máy bay quân
sự hay là những chiếc thuyền hải quân từ nhiều năm trước để lại. Năm ngoái
trong cuộc Đại Hội Tỉnh Dòng để xem ai tình nguyện ra đi đến vùng đất truyền
giáo mới “nơi thiếu sữa và mật!” thì ngay cả những anh em người Paraguay và người
châu Phí không ai dám xung phong vì họ sợ khó, sợ khổ. Chỉ có anh em Việt Nam
và anh em Indonesia dám xông ra chiến trận và cuối cùng thì Nhà Dòng gởi hai
anh em linh mục Việt Nam và một linh mục người Indonesia như là những người
tiên phong trong trận chiến mới này. Dưới mắt nhiều người thì họ cho rằng các
anh em này “dại” vì tự nhiên đâm đầu vào chỗ khó khăn, khổ sở vì phải bắt đầu
từ con số 0. Nhưng khi tâm sự với người anh em đồng hương và cũng là bạn học từ
thời bước vào Dòng, thì anh nói rằng anh cảm thấy hạnh phúc khi đến với những
người thổ dân. Cảm ơn anh đã cho chúng tôi một bài học dù anh rất ít nói, ít
viết nhưng anh có một tấm lòng của một vị mục tử như Chúa.
Hôm nay là Thứ Năm Tuần
Thánh - kỷ niệm Chúa Giê-su lập phép
Thánh Thể và Bí Tích Truyền Chức, ngày sinh nhật của các linh mục. Xin mọi
người hiệp ý cầu nguyện cho các linh mục nên giống Chúa, vị Mục Tử hiền lành và
khiêm nhường trong lòng.
Người ta ví linh mục
như những chiếc máy bay. Mỗi ngày có hàng ngàn chiếc máy bay đưa, tiễn hành
khách trên bầu trời nhưng không mấy ai quan tâm. Tuy nhiên, khi có một chiếc
máy bay gặp nạn vì nhiều nguyên nhân : Hết nhiên liệu, khủng bố, thời tiết xấu,
trục trặc kỹ thuật... thì người ta lại biết ngay qua tin tức.
Rất nhiều người chỉ
trích các linh mục khi một trong số họ bị sa ngã, nhưng rất ít người cầu nguyện
cho các ngài!!! Hãy cầu nguyện cho các linh mục vì các ngài cũng yếu đuối, mỏng
dòn và... tội lỗi nữa, để các ngài biết khiêm nhường phục vụ và trung thành với
ơn gọi của mình.
Lạy Chúa Giê-su linh
mục. Con là một linh mục kém cói, yếu đuối và tội lỗi. Đã nhiều lần con muốn
buông trôi theo dòng đời đẩy đưa để chuyện gì đến cứ đến, nhưng con cảm thấy
tình Ngài thương con quá cao vời nên con lại tiếp tục đứng dậy để chiến đấu.
Hôm nay trong Thánh Lễ truyền dầu với giám mục và các anh em linh mục đồng môn
của con, con mới chợt nhận ra rằng con quá ích kỷ chỉ biết nghĩ đến bản thân
mình trong khi biết bao người khác đang cần đến bàn tay của con, chính là khí
cụ của Ngài, để nhận lấy lòng thương xót của Ngài. Xin cho chúng con, những
linh mục bất xứng của Ngài, biết dấn thân hơn trong ơn gọi linh mục để cho Năm
Thánh về Lòng Chúa Thương Xót thật sự là Năm Hồng Ân. Xin chúc mừng tất cả mọi
người sống Thánh Thiện trong những ngày Tuần Thánh và Mừng lễ Phục Sinh đến tất
cả.
Paraguay, Thứ Năm Tuần Thánh - 24 tháng 03 năm 2016
Lm. Antôn Trần Xuân
Sang, SVD.