Tuesday, April 10, 2018

HÒA LAN – TÂM TÌNH TUẦN THÁNH VÀ PHỤC SINH 2018

Những ngày mong đợi cho Đại Lễ Chúa Sống Lại đối với người Công giáo cũng đã qua đi và mọi người cũng trở lại công việc bình thường sau những ngày chay tịnh, cầu nguyện, tĩnh tâm... sốt sắng.
Năm đầu tiên làm việc mục vụ tại Hòa Lan với nhiều cộng đoàn và sắc dân khác nhau cũng là một kinh nghiệm quí báu trong đời sống truyền giáo của chúng tôi mặc dù công bình mà nói ở đây đời sống đạo hạnh không được ‘ấm áp’ và nhộn nhịp như ở các nước Nam Mỹ hay ở quê nhà Việt Nam.
Thứ Bảy áp Lễ Lá, chúng tôi có giúp đi đàng Thánh Giá, giải tội và dâng thánh lễ cho những người di dân nói tiếng Anh đến từ Philippines, Indonesia, Ấn Độ, Iraq và cũng có 1 người Việt Nam tham dự. Trọn một ngày trao đổi, trò chuyện và ăn uống chung với họ để hiểu thêm về đời sống di dân, chúng tôi mới cảm nhận được không phải cứ sống ở ngoại quốc là sung sướng, là muốn gì được nấy như nhiều người thường nghĩ. Người ta di dân vì nhiều lý do, nhưng có lẽ lý do chính mà họ phải bỏ nước ra đi là do không đảm bảo an ninh, thiếu tự do dân chủ hay việc làm không ổn định nên họ đành dứt bỏ quê hương nơi họ đã được sinh ra, lớn lên để đến một nơi mà họ phải làm lại từ đầu dù nơi đó có tự do, dân chủ, nhân quyền nhưng trong lòng họ vẫn đau đáu mong ngóng về quê hương mình.
Trọn ngày Chúa Nhật Lễ Lá chúng tôi có giúp tĩnh tâm cho anh chị em đồng hương Việt Nam thuộc các giáo khu phía Tây Bắc Hòa Lan nhân dịp một người bạn đồng môn cũ thuộc Dòng Phanxicô ghé thăm Hòa Lan dịp Tuần Thánh. Vì phải mượn Nhà Thờ nên việc tổ chức không theo ý mình. Tuy nhiên, mọi việc đều suông sẻ khi anh chị em lâu ngày được dịp sống lại những giây phút sốt sắng của Tuần Thánh và cùng được học hỏi thêm về đời sống gia đình trong năm gia đình mà Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đề ra qua bài chia sẻ dí dỏm của linh mục giảng thuyết cũng như anh chị em được dịp làm hòa với Chúa qua bí tích hòa giải, gẫm đàng thánh giá, chia sẻ bàn tiệc Thánh Thể cũng như bữa ăn huynh đệ dù chỉ là một ổ bánh mì và một ly cà phê.
Do nhu cầu mục vụ nên các giáo phận ở Hòa Lan đều tổ chức Lễ Truyền Dầu vào ngày thứ Tư Tuần Thánh, nhưng lại cử hành vào buổi tối vì ban ngày mọi người đều phải làm việc. Giáo phận Rotterdam nơi chúng tôi làm việc là một trong những giáo phận lớn ở Hòa Lan nhưng số linh mục đồng tế ngày lễ truyền dầu khoảng 40 linh mục mà đa số là các linh mục Dòng và linh mục ngoại quốc thuộc nhiều sắc tộc, màu da khác nhau, trong khi số linh mục và giáo dân người bản xứ Hòa Lan chỉ là thiểu số dù trước đây quốc gia này là quốc gia Công giáo. Quan sát tổng quát thành phần tham dự thì chỉ thấy có khoảng hơn 10 nữ tu, 3 đại chủng sinh nhưng họ đều có dòng máu của người di dân dù họ lớn lên ở đây. Đức Giám Mục chủ tế rất hiền hòa, dễ thương và ngài đã cho phép trong thánh lễ được đọc bài đọc 1 bằng tiếng Pháp, bài đọc 2 bằng tiếng Bồ Đào Nha vì đa số là người di dân thuộc các nhóm tiếng Tây Ban Nha, tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Bồ Đào Nha tham dự. Miên man suy nghĩ trong thánh lễ mới nghiệm ra ý định của Thiên Chúa rất nhiệm mầu, nhất là nhớ lại lời kinh Magnificat: ‘Chúa hạ bệ những ai quyền thế, người nâng cao những kẻ khiêm nhường’. Nhiều lúc chúng ta cứ nghĩ người giàu mới là người cho đi, nhưng thật sự những người nghèo mới là những người quảng đại, người cho đi nhiều hơn những người giàu qua câu chuyện của bà góa trong Tin Mừng đã cho đi tất cả những gì bà có. Những quốc gia nghèo khó và lạc hậu trước đây đã từng đón nhận Tin Mừng, và nay họ đã cho đi qua việc gởi đi rất nhiều nhà truyền giáo, nhiều thiện nguyện viên, nhiều tấm lòng quảng đại và đó chính là điều diệu kỳ mà Thiên Chúa muốn làm cho thế giới này.
Các ngày Tam Nhật Thánh chúng tôi cũng ngược xuôi với các cộng đoàn di dân tiếng Anh, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Việt và dĩ nhiên là tiếng Hòa Lan cho người bản xứ dù tiếng Hòa Lan mình chưa rành rọt cho lắm. Người Hòa Lan luôn là ưu tiên số một ở đây vì là quốc gia của họ, nhưng các thánh lễ và nghi thức trong Tuần Thánh họ tham dự rất ít và đa số là người lớn tuổi. Chính vì điều đó mà mỗi năm nhiều nhà thờ phải đóng cửa vì không có kinh phí bảo quản vì tiền bỏ giỏ chỉ là những đồng tiền cắt của những người già, góa bọa không đủ vào đâu. Trong khi những người di dân không có nhà thờ, nếu họ muốn cử hành thánh lễ hay nghi thức thì phải làm vào giờ khác và phải trả một số tiền gọi là tiền thuê dịch vụ. Tôi là người mới đến dù thông thạo các ngôn  ngữ khác nhưng chính phủ ở đây yêu cầu các linh mục hay giáo sĩ ngoại quốc phải có bằng cấp tiếng Hòa Lan ở một trường đại học với một kỳ thi sát hạch kỹ lưỡng cấp quốc gia mới cấp giấy chứng nhận hành nghề. Bởi thế, hiện giờ chúng tôi chỉ được phép thi hành mục vụ 20 giờ một tuần ở ngoài, phần còn lại phải lo học ngôn ngữ và làm việc trong Dòng. Do đó, dù nhiều điều chúng tôi muốn làm cũng không thể làm được vì phải tuân theo chỉ dẫn của Bề trên và luật lệ ở đây.
Chúa Nhật lễ Phục Sinh năm nay cộng đoàn Công giáo Việt Nam tại Hòa Lan đón nhận tin vui khi tham dự thánh lễ nhậm nhiệm sở của linh mục tân quản nhiệm sau nhiều tháng trống tòa. Thánh lễ thật trang nghiêm và long trọng bằng tiếng Hòa Lan do Đức Giám Mục Phụ Tá của Tổng Giáo phận chủ tế, hơn 10 linh mục đồng tế gồm cả Hòa Lan và Việt Nam và gần 1.000 giáo dân tham dự.  Hơn 40 năm qua sinh sống tại Hòa Lan sau biến cố huynh đệ tương tàn và phải bỏ nước ra đi tìm bến bờ tự do, người Công giáo Việt Nam ở đây luôn được Chúa chúc phúc khi có các linh mục đồng hương cũng từng là những người tỵ nạn, đồng hành và chăm sóc mục vụ tại đất khách quê người dù đến giờ vẫn chưa có một ngôi nhà thờ chính thức nào giành riêng cho người Việt vì anh chị em đồng hương ở đây sống rãi rác khắp nơi tại Hòa Lan nên gọi là giáo xứ tòng nhân với một tên gọi rất Việt Nam: Giáo xứ Nữ Vương Các Thánh Tử Đạo Việt Nam. Dù đôi lúc có bất đồng do thiếu sự đối thoại hay do một số định kiến, giáo xứ vẫn vượt qua những cơn sóng gió để vươn lên.
Trong lời trần tình của buổi lễ nhận chức, vị tân quản nhiệm từng làm việc truyền giáo tại Phi Châu và Ấn Độ, và cũng là vị mục tử của giáo xứ tòng nhân đầu tiên không phải là linh mục triều nhưng là tu sĩ thuộc Tu Hội Truyền giáo Mill Hill, với sự đơn sơ, khiêm nhường của một tu sĩ đã nói lên lời tri ân các vị tiền nhiệm, ngài xin mọi thành viên trong giáo xứ tiếp tục cộng tác với ngài, và nếu có điều gì không phải thì đóng cửa dạy nhau. Quả đúng như vậy, làm sao chúng ta sống vừa lòng hết mọi người được nhưng điều quan trọng là chúng ta biết nhận lỗi, biết lắng nghe, biết đối thoại và sẵn sàng tha thứ để chúng ta đạt tới sự trọn lành. Đừng quá cố chấp, khích bác hay lên án nhau do thiếu kiềm chế, để chúng ta có thể xây dựng một khối đoàn kết của tình anh em một nhà đang sống tỵ nạn ở một quốc gia văn minh, dân chủ và nhân quyền.
Những ngày trong tuần Bát Nhật Phục Sinh chúng tôi có một khóa học đặc biệt bằng tiếng Anh về Leadership (lãnh đạo) do một linh mục ở Roma thuyết trình. Khóa học thật hấp dẫn và chúng tôi cũng có những buổi thảo luận thật sinh động về cách lãnh đạo trong các cộng đoàn tu sĩ cũng như các giáo xứ. Những người tham dự thuộc nhiều quốc gia khác nhau và cũng đang đảm nhận những vai trò khác nhau trong các cộng đoàn, các phong trào và các giáo xứ. Khóa học cũng giúp chúng tôi rất nhiều trong việc biết mình và biết người khác để sống khiêm nhường hơn, nhất là biết lắng nghe và biết đối thoại chứ không độc thoại.    
Chúa Nhật 8 tháng 4 vừa qua là lễ kính Lòng Chúa Thương Xót. Anh chị em Công giáo Việt Nam tại Hòa Lan, nhất là những anh chị em trong gia đình Lòng Chúa Thương Xót một lần nữa tổ chức Đại Lễ này tại một nhà thờ Hòa Lan nhưng do một linh mục Việt Nam đảm trách. Phải thật sự nhìn nhận rằng người Việt Nam mình có đầu óc tổ chức và tổ chức rất bài bản hơn so với các sắc dân khác mà chúng tôi từng làm việc. Dù buổi sáng hôm đó chúng tôi đã dâng thánh lễ, nhưng anh chị em trong gia đình Lòng Chúa Thương Xót mời ngồi tòa để nhiều anh chị em có dịp hòa giải với Chúa và cùng đồng tế với anh em linh mục tại Hòa Lan để tôn vinh Lòng Thương Xót Chúa nên chúng tôi hăng hái lên đường dù mệt do đường xa và bụng hơi đói. Nhìn thấy anh chị em đồng hương sốt sắng, đạo đức và hăng say trong các hoạt động khiến sự mệt nhọc và cơn đói vơi đi lúc nào không biết. Ai đó đã từng nói linh mục phải để cho người khác ăn đi vì nếu không thì không nên làm linh mục của Chúa. Nhìn lại bản thân thấy sức khỏe mình cũng tạm ổn và cũng khá phốp pháp nên hứa từ nay sẽ ‘chia ký’ cho người mình phục vụ qua việc dấn thân và hi sinh trong điều kiện cho phép.
Ngẫm nghĩ lại những ngày đã qua mình cũng không phải là người vô ích dù đôi lúc tinh thần thì hăng hái nhưng thân xác thì nặng nề khiến điều mình muốn làm thì không chịu làm, còn điều không muốn thì cứ tà lanh xen vào. Cộng đoàn có 3 anh em linh mục đều là ngoại quốc nhưng 2 anh em sáng nay đi nghỉ phép thăm quê hương, để mình ở nhà một mình phải cáng đáng phần việc của các anh em kia nên thấy hơi uể oải đây. Mùa Đông đã đi qua và mùa Xuân ấm áp với những cánh hoa Tulip đang nở rộ khiến lòng mình cũng hân hoan một tý để bắt đầu nhiệm vụ mới tại xứ sở này.              
              Hòa Lan- 10 tháng 04 năm 2018,

 Lm. Antôn Trần Xuân Sang, SVD.   

Monday, April 9, 2018

TÌM HIỂU VỀ TU DÒNG VÀ TU TRIỀU

Chúa Nhật Phục sinh ngày 01 tháng 04 năm 2018 vừa qua, Cộng đoàn Công giáo Việt Nam tại Hòa Lan chính thức có cha Tân Quản Nhiệm là linh mục Phaolô Phạm Đình Hiện thuộc Tu Hội truyền giáo Thánh Giuse, viết tắt là M.H.M (Mill Hill Missionaries- Các nhà truyền giáo Mill Hill), có Trụ sở chính tại Anh Quốc. Ngài là linh mục Việt Nam thứ 5 đảm trách Cộng đoàn Công giáo Việt Nam tại Hòa Lan, và là linh mục đầu tiên không phải là linh mục Triều.
Lâu nay có nhiều anh chị em cũng phân vân chưa hiểu nhiều lắm về linh mục Triều và linh mục Dòng. Nhân đây cũng xin giải thích một tý để anh chị em hiểu hơn.
Nói về sự giống nhau giữa linh mục Dòng và linh mục Triều thì cả hai lối sống đều phục vụ Chúa và và sống độc thân trong bậc sống của mình.
Tuy nhiên Dòng và Triều chỉ hai lối sống khác nhau có thể dựa trên vài tiêu chuẩn như: Chương Trình Huấn Luyện, Công Việc Mục Vụ, Lời Khấn hay Lời Hứa, và Đời Sống,
Tu Dòng (hay các tu sĩ, đan sĩ) là những phần tử của các Dòng tu thường sống trong một cộng đoàn, gọi là Tu Viện hay Đan Viện. Các tu sĩ hay đan sĩ phải tuyên giữ các lời khuyên Phúc Âm hay còn gọi là các lời Khấn Dòng (khiết tịnh, khó nghèo, và vâng phục), trực tiếp vâng lời bề trên Dòng trong mọi sự và đảm nhận những công tác do bề trên chỉ định.Các tu sĩ nam hay đan sĩ có thể là linh mục (có chức thánh) hoặc không linh mục {mà người ta quen gọi là các Thầy hay Sư Huynh (tiếng Anh gọi là Brother, tiếng Pháp gọi là Frere)}; và các nữ tu được gọi là Soeur (Tiếng Pháp) hay Sister (tiếng Anh). Công việc của các linh mục Dòng (hay các tu sĩ/ đan sĩ) tùy thuộc vào đoàn sủng và linh đạo của mỗi Dòng. Họ có thể thi hành những việc về phụng vụ, quản trị, mục vụ, linh thao, truyền giáo, giáo dục, xã hội, y tế, nghệ thuật, truyền thông, lao động… Các linh mục Dòng có thể được gửi đi hoạt động bất cứ nơi nào nhà Dòng được phép hoạt động. Có những Dòng Tu Địa Phương chỉ hoạt động trong phạm vi quốc gia nhưng cũng có những Dòng Tu Quốc Tế hoạt động khắp thế giới. Các linh mục Dòng cũng được bề trên gửi đến các giáo phận để phục vụ như các cha xứ nhưng thường có hai hay ba thành viên trở lên sống như cộng đoàn nên rất dễ phân biệt với các linh mục Triều.
Ngoài ra, trong thực tế, ta còn thấy sau chữ ký hay danh xưng của các linh mục Dòng hay các tu sĩ thường có thói quen viết thêm chữ tắt tên của Dòng mình như: SJ (Societas Jesus– Dòng Tên), OP (Ordo Predicatorum– Dòng Đa Minh), OFM (Ordo Fratrum Minorum– Dòng Thánh Phanxicô), CSsR (Congregatio Sanctissimi Redemptoris- Dòng Chúa Cứu Thế), SVD (Societas Verbi Divini– Dòng Ngôi Lời), MS (Missionarus Salettensis– Dòng LaSalette), CFC (Congregatio Fratrum Christianorum– Dòng Sư Huynh Lasan), OH (Ordo Hospitalis– Dòng Bệnh Viện Gioan Thiên Chúa), SDB (Società Salesiana di San Giovanni Bosco– Dòng Salesian Don Bosco), OSB (Ordo Sancti Benedicti– Dòng Biển Đức), MHM (Các cha truyền giáo Mill Hill), MF (Missionaies of Faith– Dòng Thừa Sai Đức Tin)…
Một linh mục Dòng muốn trở thành một linh mục Triều phải được giải lời khấn và được Giám mục Giáo phận đó chấp thuận thì không cần phải làm gì khác, trong khi một linh mục Triều muốn trở thành một tu sĩ thì phải vào Nhà Tập để học hỏi linh đạo của Dòng và học về các lời khấn Dòng rồi sau đó mới được tuyên khấn. Một linh mục Dòng được chọn làm Giám Mục thì được miễn trừ lời khấn vâng lời bề trên để chỉ lo cho giáo phận mình, và lúc đó chỉ biết vâng phục người duy nhất là Đức Giáo Hoàng.

Các linh mục Triều (Secular priests) còn được gọi là các linh mục Giáo phận (Diocesan priests), thường phục vụ trong các giáo xứ thuộc giáo phận mình làm việc. Sự khác biệt chính yếu là các linh mục Triều không tuyên khấn ba lời khuyên Phúc Âm như các linh mục Dòng, mặc dù các linh Triều cũng hứa vâng lời Đức Giám Mục và hứa sống trinh khiết độc thân nhưng không khấn giữ đức khó nghèo như các tu sĩ. Và cũng vì thế các linh mục triều không được gọi là những tu sĩ vì các ngài không có đời sống cộng đoàn và không có các lời khấn Dòng..
Các linh mục triều đảm nhận những công tác do Đức Giám Mục giáo phận mình chỉ định. Chủ yếu các linh mục triều là phục vụ trong các giáo xứ, thi hành việc mục vụ. Thông thường, các linh mục triều hoạt động trong địa hạt giáo phận của mình và nếu có sự chuyển đổi đến một giáo phận khác hay một công việc đặc biệt nào khác đều phải được chính giám mục giáo phận ấy chấp thuận.

Sau đây là phần tóm lược một số các điểm khác biệt giữa Tu Dòng và Tu Triều:
• Tu Dòng: (Cộng Đoàn, Tu Viện, Đan Viện)
+ Cộng đoàn: Thuộc nhà Dòng hay Tu Viện.
+ Bề trên: Bề trên Dòng hay Đan Viện.
+ Lời khấn: Phải tuyên khấn ba lời khuyên Phúc Âm (Khiết tịnh, Khó nghèo và Vâng phục).
+ Độc thân: Bắt buộc.
+ Khó nghèo: Phải có phép của bề trên trong việc sử dụng của cải.
+ Đời sống chung: Có đời sống cộng đoàn.
+ Linh đạo: Sống theo linh đạo và đoàn sủng của Dòng hay Đan Viện.
+ Phạm vi hoạt động: Bất cứ nơi nào được bề trên sai đến.
+ Công việc: Đa dạng, tùy theo đoàn sủng của Dòng.
+ Ký hiệu sau danh xưng: Có ký hiệu viết sau tên của tu sĩ như SVD, OP, SDB, SJ….
• Tu Triều (Giáo phận)
+ Cộng đoàn: Thuộc giáo phận.
+ Bề trên: Trực tiếp là các giám mục giáo phận.
+ Lời khấn: Không có. Chỉ hứa vâng lời Đức Giám Mục.
+ Độc thân: Bắt buộc.
+ Khó nghèo: Được làm chủ, tiền bạc được sử dụng theo ý của mình.
+ Đời sống chung: Không có đời sống cộng đoàn. Sống một mình.
+ Linh đạo: Không có linh đạo và chỉ thi hành mục vụ theo giáo phận mình.
+ Phạm vi hoạt động: Thường là trong giáo phận nơi mình xuất phát.
+ Công việc: Chủ yếu là phục vụ trong giáo xứ hoặc làm giáo sư trong Chủng Viện.
+ Ký hiệu sau danh xưng: Không có
Dù có khác nhau về lối sống hay danh xưng, các linh mục Dòng hay linh mục Triều, các nữ tu hay nam tu, các đan sĩ hay ẩn sĩ… họ đều là những người phục vụ Chúa và tha nhân trong cuộc đời nhân chứng vì như Đức Cố Giáo Hoàng Phaolo VI từng nói: “Con người ngày nay cần chứng nhân hơn thầy dạy”. Có một số linh mục Triều nhưng sống rất nhiệm nhặt, khắc khổ còn hơn những đan sĩ trong các đan viện; trong khi đó có một số tu sĩ Dòng lại sống quá phóng khoáng và ''lõi đời'' hơn cả người đời. Áo Dòng không làm nên thầy tu nhưng chính nhân cách, nhân chứng mới làm nên đời sống tu trì. Chúng ta cầu nguyện cho các linh mục, không quan trọng là Triều hay Dòng, để các ngài luôn biết sống chứng nhân giữa một xã hội tục hóa và người ta không cần đến Chúa nữa.   

Lm. Antôn Trần Xuân Sang, SVD.