Thursday, January 18, 2018

VIẾT CHO MỘT NGƯỜI ANH VỪA MỚI NẰM XUỐNG

Đời chúng con tàn tạ,
Tính tuổi thọ trong ngoài bảy chục, 
mạnh giỏi chăng là được tám mươi, 
mà phần lớn là gian lao khốn khổ, 
cuộc đời thấm thoát chúng con đã khuất rồi.
                                                                (Tv. 90)

Sáng Chúa Nhật 14 tháng 1 năm 2018 vừa qua khi vừa thức dậy, chúng tôi nhận được Ai Tín từ Ban Truyền thông của Dòng Ngôi Lời Việt Nam về sự ra đi của người anh em: Linh mục Inhaxio Hồ Kim Thanh sau gần 4 năm dưỡng bệnh tại Nhà Chính của Dòng, hưởng thọ 67 tuổi.
Trước đây, nếu ai sống được trên 60 tuổi kể là thọ, nhưng với khoa học hiện đại và nền y học phát triển tốt như hiện nay thì con người có thể sống lâu hơn, khỏe mạnh hơn nếu không mắc những chứng bệnh nan y, và vì thế ở bên Hòa Lan này, các nhà dưỡng lão trong đó có cách tu sĩ linh mục từ 80 tuổi trở lên vẫn sống vui, sống khỏe, và chúng tôi có tiếp xúc với một vài linh mục từng đi truyền giáo ở Phi châu hay Á châu nay trở về Hòa Lan hưu dưỡng với tuổi đời trên 100 tuổi mà vẫn còn minh mẫn, chỉ hơi bị điếc và đi lại khó khăn mà thôi.
Chúng tôi muốn dùng câu thánh vịnh 90 trên đây để nói về một người anh chúng tôi vừa nằm xuống trong sự thương tiếc của người thân và anh em trong Dòng.
Có thể nhiều người sẽ thắc mắc khi đọc tiểu sử của cha Thanh là tại sao cha Thanh sinh năm 1951, vào Dòng năm 1962 nhưng mãi đến năm 1998, nghĩa là gần 50 tuổi đời mới chịu chức linh mục? Trong khi nhiều linh mục khác chỉ mới 26 tuổi đã lãnh thánh chức linh mục? Và không chỉ riêng cha Thanh nhưng trong Dòng còn có nhiều cha khác trước hay cùng thế hệ với ngài cũng như vậy.
Chúng tôi là hậu sanh và vào Dòng vào những năm thập niên 90. Thời ấy còn rất khó khăn và việc đi lại, ăn ở trong Dòng còn chịu nhiều kiểm soát của chính quyền, nhất là mấy ông công an.
Chúng tôi được biết sau biến cố 1975, nhiều cơ sở của nhà Dòng đã bị tịch thu, nhiều thầy nhiều cha trong Dòng bị bắt đi tù và sau đó họ đã dùng kế ly tán để buộc nhiều tu sĩ trở về nguyên quán. Nhiều thầy lúc đó bây giờ đã là cựu tu, nhưng cũng có một vài người khác tiếp tục theo ơn gọi của mình trong một môi trường khác khi đi vượt biên tìm bến bờ tự do, và một trong số đó vừa mới được Đức Thánh Cha bổ nhiệm làm Giám mục Phụ tá tại một giáo phận khá lớn ở Mỹ. Cha Thanh và một số thầy khác cùng thời đã trụ lại ơn gọi của mình dù trải qua trăm bề thử thách, bắt bớ, và sau cùng ngài cũng được bước lên bàn thánh trong sự vui mừng của gia đình và Hôi Dòng tại Nhà Thờ Chính Tòa Nha Trang giữa năm 1998.
Chúng tôi được biết cha Thanh khá nhiều, và trong Dòng anh em hay gọi ngài là anh Hai. Ngài cũng có người em ruột cùng Dòng là linh mục Simon Hồ Đức Minh mà chúng tôi thân thiện gọi là anh Ba. Anh Ba Minh cũng qua đời cách đây mấy năm trong một tai nạn và chúng tôi cũng không thể về được vì lúc đó còn đang mục vụ ở Paraguay.
Cuộc đời của các bậc đàn anh đi trước thật cam go, nhiều thử thách nhưng các anh không hề so đo tính toán, không hề than van, kêu trách nhưng luôn có một nếp sống giản dị, đúng mực và luôn muốn đàn em cũng sống như vậy. Tuy nhiên, thời buổi đổi thay và cuộc sống không dừng lại như một triết gia đã từng nói không ai tắm hai lần trên một dòng sông. Qui luật “dòng chảy” và qui luật này lại chảy quá nhanh khiến các anh đôi lúc cũng khó theo kịp với nhịp sống và nhiều anh đã lui về ở ẩn vì nhiều nguyên nhân, trong đó có lý do về sức khỏe.
Như đã nói ở trên là tuổi thọ con người ngày nay rất cao nhờ vào nền y học hiện đại và sự ăn uống điều độ của con người. Tuy nhiên, sau biến cố 1975 đã để lại nhiều di chứng, trong đó có việc ăn uống và sức khỏe. Có thể vì thời đó ăn uống quá kham khổ, rồi các thầy các cha thời đó phải làm việc trong các khu rừng thiêng nước độc, rồi một số bị lao tù vô cớ chỉ vì là tu sĩ, rồi đau bệnh không có thuốc thang… nên nhiều thầy, nhiều cha đã qua đời sớm trong khi những người còn lại phải luôn chống chọi với bệnh tật, và điều đó rất đúng khi đọc lại Thánh Vịnh 90.
Anh Hai Thanh ơi! Anh đã nằm xuống trong sự thương tiếc của gia đình, bạn bè, anh em trong Dòng và biết bao người đã đến viếng anh, hiệp dâng thánh lễ và cầu nguyện cho anh dù anh không hề xây một nhà thờ lớn nào, không viết một quyển sách nổi tiếng nào, nhưng sự đơn sơ, giản dị và sống hết mình vì Hội Dòng, vì anh em đã là một điểm nhấn của anh. Mới năm rồi trong chuyến thăm Việt Nam trước khi nhận bài sai ở Hòa Lan, anh em mình có dịp tâm sự và anh còn đùa là anh thích sự sung sức của tuổi trẻ để có thể làm nhiều việc hơn nữa cho Hội Dòng. Em thì cũng không còn trẻ như xưa nữa nhưng em cũng sẽ cố gắng với sức trẻ còn lại của mình để tiếp tục làm việc thay anh vì anh đã hoàn tất công việc của mình và giờ có thể ngồi uống cà phê với Chúa mỗi sáng sau giờ kinh và nhớ phù hộ cho chúng em với nhé. Nhìn thấy anh em quây quần bên anh để hiệp thông cầu nguyện mà trong lòng thấy ấm cúng làm sao. Bên Paraguay khi một anh em linh mục trong Dòng nằm xuống thì chỉ trong 24 tiếng đồng hồ là đem đi chôn. Còn ở Hòa Lan này nếu một linh mục trong Dòng qua đời có khi họ để một tuần trong nhà lạnh, rồi sau đó cũng làm lễ trong nhà hưu mà không đồng tế và đem đi chôn trong nghĩa trang của Dòng. Nhìn thấy cảnh ấm cúng và hiệp thông của linh mục đoàn bên thi hài của anh, em ghen tỵ với anh đó. Nhưng mỗi người đều có một hoàn cảnh và mỗi quốc gia đều có phong tục, văn hóa của họ thì mình phải tôn trọng và hội nhập thôi.   
Anh đã ra đi, hoàn tất một kiếp người và chúng em còn lại tiếp tục sống và chiến đấu với  cuộc đời dẫu cuộc đời có lúc buồn, lúc vui. Mỗi lần nhận được ai tín của một người thân hay anh trong Dòng qua đời hình như tóc em có thêm một sợi bạc vì khóc thương cho người vừa ra đi. Thân phận mỏng dòn của con người nay còn, mai mất là một điều đáng suy gẫm để mỗi người luôn biết thức tỉnh và chuẩn bị cho ngày mình ra đi.    
 Hòa Lan, 18 tháng 01 năm 2018,

       Lm. Antôn Trần Xuân Sang, SVD.     

Friday, January 5, 2018

HÒA LAN – GIÁNG SINH VÀ NĂM MỚI ĐẦU TIÊN Ở ÂU CHÂU

Cách đây đúng 3 năm, cũng vào dịp Giáng sinh và Năm Mới chúng tôi có dịp ghé Âu châu trong chuyến nghỉ phép từ Paraguay trước khi về Việt Nam. Lần đó chúng tôi cũng được tham dự lễ đồng tế Giáng sinh với cộng đồng Công giáo Việt Nam tại Hòa Lan, Đức và Nauy trong một bầu khí thân mật, nồng ấm dù thời tiết mùa Đông bên ngoài hơi lạnh. Và chuyến viếng thăm lần đó chỉ như cưỡi ngựa xem hoa vì chúng tôi chỉ là một khách bộ hành.
Lần này thì khác. Sau hơn 6 tháng sống ở Hòa Lan theo bài sai mới của Nhà Dòng, chúng tôi đã bắt đầu quen với nhịp sống ở đây và cũng dần dà làm quen với những người bản xứ cũng như người đồng hương Việt Nam đang sống khắp nơi trong xứ sở hoa Tulip từ Bắc đến Nam. Chúng tôi bắt đầu tổ chức chương trình mục vụ vì Tỉnh Dòng Ngôi Lời chúng tôi ở Hòa Lan luôn quan tâm hàng đầu đến mục vụ di dân trong đó có những người nói tiếng Pháp, Tây Ban Nha, tiếng Anh, tiếng Bồ Đào Nha, tiếng Tagalog, tiếng Indonesia và dĩ nhiên là người nói tiếng Việt nữa.
Dịp tháng 9 vừa qua là ngày thành lập Dòng Ngôi Lời, và chúng tôi đã mời một số người quen đến thăm cộng đoàn Ngôi Lời nơi chúng tôi đang sống để dâng thánh lễ tạ ơn và để biết nhau. Nhiều anh chị em dù ở rất xa nhưng đã đến chia sẻ, cất cao lời ca tiếng hát và còn đem những món ăn truyền thống để sau thánh lễ chung vui với nhau như một gia đình khiến chúng tôi rất xúc động.
Dịp Giáng sinh năm nay, cha bề trên giám tỉnh của Dòng Ngôi Lời tại Hòa Lan có ngỏ lời muốn chúng tôi tổ chức một thánh lễ Vọng Giáng Sinh tại Vương Cung Thánh Đường nơi chúng tôi đang phụ trách với những người Việt Nam đang sống ở các vùng lân cận để ngài biết thêm về phong tục tập quán của người Việt Nam vì ngài là người Ấn độ, và cũng đang giúp cho các cộng đoàn nói tiếng Anh. Chúng tôi rất vui khi được ngài bật đèn xanh vì trong lòng đã từng mong muốn có một thánh lễ tiếng Việt tại giáo xứ mình sinh sống để những người đồng hương có thể tham dự lễ Noel bằng tiếng Việt và được nghe lại những ca khúc Giáng Sinh bất hủ trực tiếp mà nhiều năm qua ở xứ người họ chỉ được nghe qua youtube hay mp3.
Theo dự định ban đầu, chúng tôi chỉ mời khoảng 100 người gồm cả người Việt lẫn người Hòa Lan trong giáo xứ và các vùng lân cận. Trong lòng cũng cảm thấy lo lắng vì tháng 12 năm nay ở Hòa Lan trời khá lạnh và có nhiều ngày tuyết rơi trắng xóa làm tê liệt các tuyến đường giao thông đường bộ, đường sắt và ngay cả đường hàng không nữa. Các mạnh thường quân chu cấp ẩm thực chính là 2 giáo khu vùng Delft và Spijkenisse hứa sẽ giúp các món ăn cho khoảng 150 người. Tuy nhiên, ngày diễn ra thánh lễ Vọng Giáng Sinh thì con số tham dự đã ngoài dự kiến là hơn 300 người vì thời tiết rất đẹp. Các anh chị em đến từ các nơi như: Bergen op Zoom, Roosendaal, Breda, Helmond, Alkmaar, Heerhugova, Lisse, Hoorn, Lelystad, Zwolle, Capelle, Rotterdam, Zoetermeer, Houten, Nieuwegein, Maarssen, Purmerend, Den Bosch, Delft, Spijkenisse, Den Hoorn, Den Haag, nhiều nơi khác nữa và dĩ nhiên là nhóm giáo dân người Hòa Lan ở Schiedam. Cha bề trên giám tỉnh, các linh mục đồng tế và những người Hòa Lan tham dự rất lấy làm ngạc nhiên với số người tham dự quá đông như thế và cũng là một động cơ để ca đoàn giáo khu Spijkenisse tỏ hết tài năng của mình hát thật khí thế những ca khúc Giáng Sinh bất hủ.
Chúng tôi rất xúc động trước tâm tình của những người đồng huơng đã dành cho dù chúng tôi mới chỉ mới quen nhau một đôi lần và rất nhiều người mình chỉ mới gặp lần đầu tiên. Có lẽ Chúa bù đắp lại phần nào vì Giáng Sinh đầu tiên nơi xứ truyền giáo ở Paraguay, Nam Mỹ mười mấy năm về trước khi tôi vừa đặt chân đến chỉ có một giáo dân và Chúa Hài Đồng tham dự, và ngày đó trời going tố bão bùng và người dân Nam Mỹ không có thói quen mừng lễ Noel vì tháng 12 là tháng nóng kinh khủng. Trong những ngày chuẩn bị trước thánh lễ, chúng tôi chỉ có thể liên hệ với nhau qua tin nhắn hay những cuộc gọi chớp nhoáng nhưng anh chị em đã hết mình lo lắng từ khâu ẩm thực, phụng vụ, thánh ca, dâng của lễ đến những khâu nhỏ nhặt nhất anh chị em đều hưởng ứng và cộng tác vô vị lợi. Chúng tôi cảm thấy mình phải làm gì hơn nữa cho đồng hương mình tại đây dù cuộc sống vật chất của họ khá đầy đủ nhưng anh chị em đang khao khát một bầu khí tâm linh lành mạnh để họ có thể sống bình an và hạnh phúc giữa một thế giới Âu châu văn minh, giàu có nhưng niềm tin vào Chúa Kitô đang bị mai một vì thế giới tục hóa.
Chúng tôi cũng tham dự thánh lễ đồng tế ngày Giáng Sinh với toàn thể cộng đồng Công giáo Việt Nam tại Hòa Lan và rất tiếc là vào dịp nhày cha quản nhiệm cộng đồng đã từ chức gần 2 tháng và đang chờ sự bổ nhiệm mới. Tuy nhiên mọi sinh hoạt vẫn diễn ra bình thường và mọi người ở đây đang mong đợi một vị chủ chăn mới biết quan tâm và lắng nghe nhu cầu của đàn chiên trong một giáo xứ tòng nhân trải dài khắp đất nước.
Sau những ngày lễ Giáng Sinh, chúng tôi có một tuần nghỉ Đông để thăm viếng bạn bè ở miến Bắc đất nước và sau đó thăm Nauy để đón giao thừa và Tết Dương lịch. Tiết trời Nauy mùa Đông rất lạnh và tuyết rơi hàng ngày nên việc đi lại rất khó khăn, nhất là những người lớn tuổi. Nếu không có việc gì ra đường thì người ta chỉ ở nhà và cuối năm là dịp để đoàn tụ những người thân trong gia đình. Chúng tôi cũng có dịp đến Nauy 2 lần nhưng chỉ chợt đến rồi chợt đi vì không quen biết nhiều người ở đó. Dịp này có một gia đình đã đón tiếp chúng tôi rất chu đáo và tổ chức những cuộc thăm viếng gia đình rất đầm ấm giữa cái lạnh thấu xương xứ Bắc Âu. Người dân ở đây đón giao thừa với những thùng pháo giòn giã để tiễn đưa năm cũ và chào đón năm mới với những hy vọng và ước muốn một thế giới bình an, ổn định và may mắn. Những ngày ngắn ngủi nghỉ Đông ở Nauy phần nào giúp chúng tôi lấy lại sức lực để bắt đầu cho một năm mới 2018 đầy hứa hẹn.
Viết lên những tâm sự này trong năm đầu tiên làm việc nơi vùng đất truyền giáo mới như là một lời cảm ơn tất cả anh chị em đồng hương, những người đã từng quan tâm đến chúng tôi ngay từ những ngày đầu chúng tôi đặt chân đến xứ này, những người mới quen biết cũng như những người mà chúng tôi sẽ tiếp xúc và làm việc sau này. Anh chị em luôn là một động lực lớn thúc đầy chúng tôi trong đời sống truyền giáo mà hơn 10 năm chúng tôi ở châu Mỹ Latinh đã không có được. Cảm ơn anh chị em từ tận đáy lòng những người đã âm thầm cầu nguyện và cộng tác với chúng tôi trong những công việc chúng tôi đang bắt đầu. Xin Chúa trả công cho từng anh chị em đã ra tay tiếp đón nhà truyền giáo hai lúa này, xin Mẹ Maria và thánh Cả Giuse luôn phù hộ và đồng hành với anh chị em trong Năm Mới 2018 được dồi dào sức khỏe, bình an trong tâm hồn và thành công trong cuộc sống.
Hôm nay một số anh em linh mục truyền giáo của Tỉnh Dòng Ngôi Lời chúng tôi ở Hòa Lan và Bỉ quốc có dịp họp mặt mừng Năm Mới tại Den Haag để tạ ơn Thiên Chúa đã gìn giữ Hội Dòng trong năm vừa qua và để lên lịch trình cho năm 2018. Hiện tại chúng tôi vẫn phải tiếp tục học tiếng Hòa Lan và bằng lái xe để những tháng tới chúng tôi sẽ bắt đầu lãnh nhận nhiệm vụ. Xin anh chị em cầu nguyện cho chúng tôi và chúng tôi luôn nhớ đến anh chị em trong giờ kinh và thánh lễ mỗi ngày. Xin Chúa chúc lành cho anh chị em.               
         Hòa Lan, 05 tháng 01 năm 2018,

   Lm. Antôn Trần Xuân Sang, SVD.