VIẾT CHO MỘT NGƯỜI ANH VỪA MỚI NẰM XUỐNG
Đời chúng con tàn tạ,
Tính tuổi thọ trong ngoài bảy chục,
mạnh giỏi chăng là được tám mươi,
mà phần lớn là gian lao khốn khổ,
cuộc đời thấm thoát chúng con đã khuất rồi.
mạnh giỏi chăng là được tám mươi,
mà phần lớn là gian lao khốn khổ,
cuộc đời thấm thoát chúng con đã khuất rồi.
(Tv. 90)
Sáng
Chúa Nhật 14 tháng 1 năm 2018 vừa qua khi vừa thức dậy, chúng tôi nhận được Ai Tín
từ Ban Truyền thông của Dòng Ngôi Lời Việt Nam về sự ra đi của người anh em:
Linh mục Inhaxio Hồ Kim Thanh sau gần 4 năm dưỡng bệnh tại Nhà Chính của Dòng,
hưởng thọ 67 tuổi.
Trước đây, nếu ai sống được trên 60 tuổi
kể là thọ, nhưng với khoa học hiện đại và nền y học phát triển tốt như hiện nay
thì con người có thể sống lâu hơn, khỏe mạnh hơn nếu không mắc những chứng bệnh
nan y, và vì thế ở bên Hòa Lan này, các nhà dưỡng lão trong đó có cách tu sĩ
linh mục từ 80 tuổi trở lên vẫn sống vui, sống khỏe, và chúng tôi có tiếp xúc với
một vài linh mục từng đi truyền giáo ở Phi châu hay Á châu nay trở về Hòa Lan
hưu dưỡng với tuổi đời trên 100 tuổi mà vẫn còn minh mẫn, chỉ hơi bị điếc và đi
lại khó khăn mà thôi.
Chúng tôi muốn dùng câu thánh vịnh 90
trên đây để nói về một người anh chúng tôi vừa nằm xuống trong sự thương tiếc của
người thân và anh em trong Dòng.
Có thể nhiều người sẽ thắc mắc khi đọc
tiểu sử của cha Thanh là tại sao cha Thanh sinh năm 1951, vào Dòng năm 1962
nhưng mãi đến năm 1998, nghĩa là gần 50 tuổi đời mới chịu chức linh mục? Trong
khi nhiều linh mục khác chỉ mới 26 tuổi đã lãnh thánh chức linh mục? Và không
chỉ riêng cha Thanh nhưng trong Dòng còn có nhiều cha khác trước hay cùng thế hệ
với ngài cũng như vậy.
Chúng tôi là hậu sanh và vào Dòng vào những
năm thập niên 90. Thời ấy còn rất khó khăn và việc đi lại, ăn ở trong Dòng còn
chịu nhiều kiểm soát của chính quyền, nhất là mấy ông công an.
Chúng tôi được biết sau biến cố 1975,
nhiều cơ sở của nhà Dòng đã bị tịch thu, nhiều thầy nhiều cha trong Dòng bị bắt
đi tù và sau đó họ đã dùng kế ly tán để buộc nhiều tu sĩ trở về nguyên quán.
Nhiều thầy lúc đó bây giờ đã là cựu tu, nhưng cũng có một vài người khác tiếp tục
theo ơn gọi của mình trong một môi trường khác khi đi vượt biên tìm bến bờ tự
do, và một trong số đó vừa mới được Đức Thánh Cha bổ nhiệm làm Giám mục Phụ tá
tại một giáo phận khá lớn ở Mỹ. Cha Thanh và một số thầy khác cùng thời đã trụ
lại ơn gọi của mình dù trải qua trăm bề thử thách, bắt bớ, và sau cùng ngài
cũng được bước lên bàn thánh trong sự vui mừng của gia đình và Hôi Dòng tại Nhà
Thờ Chính Tòa Nha Trang giữa năm 1998.
Chúng tôi được biết cha Thanh khá nhiều,
và trong Dòng anh em hay gọi ngài là anh Hai. Ngài cũng có người em ruột cùng
Dòng là linh mục Simon Hồ Đức Minh mà chúng tôi thân thiện gọi là anh Ba. Anh
Ba Minh cũng qua đời cách đây mấy năm trong một tai nạn và chúng tôi cũng không
thể về được vì lúc đó còn đang mục vụ ở Paraguay.
Cuộc đời của các bậc đàn anh đi trước thật
cam go, nhiều thử thách nhưng các anh không hề so đo tính toán, không hề than van,
kêu trách nhưng luôn có một nếp sống giản dị, đúng mực và luôn muốn đàn em cũng
sống như vậy. Tuy nhiên, thời buổi đổi thay và cuộc sống không dừng lại như một
triết gia đã từng nói không ai tắm hai lần trên một dòng sông. Qui luật “dòng
chảy” và qui luật này lại chảy quá nhanh khiến các anh đôi lúc cũng khó theo kịp
với nhịp sống và nhiều anh đã lui về ở ẩn vì nhiều nguyên nhân, trong đó có lý
do về sức khỏe.
Như đã nói ở trên
là tuổi thọ con người ngày nay rất cao nhờ vào nền y học hiện đại và sự ăn uống
điều độ của con người. Tuy nhiên, sau biến cố 1975 đã để lại nhiều di chứng,
trong đó có việc ăn uống và sức khỏe. Có thể vì thời đó ăn uống quá kham khổ, rồi
các thầy các cha thời đó phải làm việc trong các khu rừng thiêng nước độc, rồi
một số bị lao tù vô cớ chỉ vì là tu sĩ, rồi đau bệnh không có thuốc thang… nên
nhiều thầy, nhiều cha đã qua đời sớm trong khi những người còn lại phải luôn chống
chọi với bệnh tật, và điều đó rất đúng khi đọc lại Thánh Vịnh 90.
Anh Hai Thanh ơi! Anh đã nằm xuống trong
sự thương tiếc của gia đình, bạn bè, anh em trong Dòng và biết bao người đã đến
viếng anh, hiệp dâng thánh lễ và cầu nguyện cho anh dù anh không hề xây một nhà
thờ lớn nào, không viết một quyển sách nổi tiếng nào, nhưng sự đơn sơ, giản dị
và sống hết mình vì Hội Dòng, vì anh em đã là một điểm nhấn của anh. Mới năm rồi trong chuyến thăm Việt Nam trước khi nhận bài sai ở Hòa Lan, anh em mình có dịp
tâm sự và anh còn đùa là anh thích sự sung sức của tuổi trẻ để có thể làm nhiều
việc hơn nữa cho Hội Dòng. Em thì cũng không còn trẻ như xưa nữa nhưng em cũng
sẽ cố gắng với sức trẻ còn lại của mình để tiếp tục làm việc thay anh vì anh đã
hoàn tất công việc của mình và giờ có thể ngồi uống cà phê với Chúa mỗi sáng
sau giờ kinh và nhớ phù hộ cho chúng em với nhé. Nhìn thấy anh em quây quần bên
anh để hiệp thông cầu nguyện mà trong lòng thấy ấm cúng làm sao. Bên Paraguay
khi một anh em linh mục trong Dòng nằm xuống thì chỉ trong 24 tiếng đồng hồ là
đem đi chôn. Còn ở Hòa Lan này nếu một linh mục trong Dòng qua đời có khi họ
để một tuần trong nhà lạnh, rồi sau đó cũng làm lễ trong nhà hưu mà không đồng
tế và đem đi chôn trong nghĩa trang của Dòng. Nhìn thấy cảnh ấm cúng và hiệp
thông của linh mục đoàn bên thi hài của anh, em ghen tỵ với anh đó. Nhưng mỗi
người đều có một hoàn cảnh và mỗi quốc gia đều có phong tục, văn hóa của họ thì
mình phải tôn trọng và hội nhập thôi.
Anh đã ra đi, hoàn tất một kiếp người và chúng em còn lại tiếp
tục sống và chiến đấu với cuộc đời dẫu
cuộc đời có lúc buồn, lúc vui. Mỗi lần nhận được ai tín của một người thân hay
anh trong Dòng qua đời hình như tóc em có thêm một sợi bạc vì khóc thương cho
người vừa ra đi. Thân phận mỏng dòn của con người nay còn, mai mất là một điều
đáng suy gẫm để mỗi người luôn biết thức tỉnh và chuẩn bị cho ngày mình ra đi.
Hòa Lan, 18 tháng 01 năm 2018,
Lm. Antôn Trần Xuân Sang, SVD.
BÀI VIẾT HAY QUÁ.CÁM ƠN CHA SANG. ĐÃ POST LẠI VÀO ĐÂY: http://hdcgiuse-nl.blogspot.com/2018/01/ky-su-truyen-giao-viet-cho-mot-nguoi.html
ReplyDelete