GIA ĐÌNH – MỘT MÁI ẤM YÊU THƯƠNG
Chút tản mạn về
gia đình
Tháng 10 sắp tới đây, gia đình lòng Chúa Thương Xót tại Hòa
Lan mừng lễ Thánh nữ Faustina- Tông đồ lòng Chúa Thương Xót, có nhã ý mời chúng
tôi chia sẻ về đề tài Hôn Nhân và gia đình, một trong những đề tài rất gần gũi,
thân quen nhưng cũng khá hóc búa và phức tạp vì nó liên quan rất nhiều khía
cạnh trong cuộc sống. Chúng tôi thiết nghĩ nhân dịp này cũng chia sẻ để mọi
thành viên trong gia đình sống trách nhiệm với vai trò của mình trong gia đình.
Chính vì thế, gia đình là một trong những đề tài ưu tiên mà
Giáo Hội luôn muốn đề cao trước sự khủng
hoảng nghiêm trọng của những giá trị gia đình trong thế kỷ XXI này. Là một linh
mục truyền giáo, chúng tôi cũng phải đào sâu rất nhiều trong khi dọn bài chia
sẻ khi được mời trong các cuộc hội thảo của các đoàn thể, của các giáo họ, giáo
xứ khi họ chuẩn bị lễ bổn mạng hay trong các dịp kỷ niệm hôn phối để mọi người
ý thức hơn về vai trò và trách nhiệm của một thành viên trong gia đình, trong
giáo xứ và trong xã hội.
Theo Wikipedia tiếng Việt, thì gia đình là
một cộng đồng người sống chung và gắn bó với nhau bởi các mối quan hệ tình
cảm, quan hệ hôn
nhân, quan hệ huyết thống, quan hệ nuôi dưỡng và hoặc quan hệ
giáo dục. Gia đình có lịch sử từ rất sớm và đã trải qua một quá trình phát
triển lâu dài. Thực tế, gia đình có những ảnh hưởng và những tác động mạnh mẽ
đến xã hội.
Chúng tôi rất thích bài hát nhí
nhảnh “Ba Ngọn Nến Lung Linh” của nhạc sĩ Ngọc Lễ khi anh cùng người vợ là ca
sĩ Phương Thảo và đứa con gái bé bỏng của họ hát bài gia đình : “Ba là cây nến vàng, Mẹ là cây nến xanh, Con là cây nến
hồng. Ba ngọn nến lung linh, á à á a a
thắp sáng một gia đình gia đình…”. Bài hát này nói lên sự gắn bó mật thiết
trong gia đình gồm có người chồng (cha), người vợ (mẹ) và đứa con và cả ba đều
có nghĩa vụ “thắp sáng” ngọn nến trong gia đình.
Vậy gia đình đích thực là gì? Gia đình là một từ Hán-Việt được cấu tạo từ 2
thành tố “gia” và “đình”, dùng để chỉ đơn vị sinh sống của một cặp đàn ông, đàn
bà sinh con đẻ cái dưới một mái nhà. Có lẽ chúng
ta có nhiều cách hiểu và định nghĩa khác nhau về gia đình, nhưng theo chúng tôi
thì gia đình là cái nôi của tình yêu thương, là nơi mà chúng ta đã được sinh ra
và lớn lên trong vòng tay ấm áp của cha và mẹ. Gia đình là một điều gì đó thật
thiêng liêng trong lòng chúng ta. Gia đình là mái ấm, dù mái ấm đó to hay nhỏ,
đó vẫn là mái ấm của riêng chúng ta. Tiếng Anh khi nói về gia đình họ dùng từ
FAMILY. Chúng tôi đã đọc ở đâu đó người ta chiết từ FAMILY là F(Father) –
A(And) – M(Mother) – I(I) – L(Love) – Y(You). Tạm dịch là FAMILY : Father And
Mother, I Love You (Cha và Mẹ, Con yêu Cha Mẹ).
Tuy nhiên, để hiểu thêm về gia
đình, chúng tôi mạo muội chia sẻ những gì mình tích lũy được từ ngày được sai
đi truyền giáo tại Nam Mỹ và thỉnh thoảng có dịp đi nghiên cứu ở một số nước về
phong tục, tập quán cũng như đồng hành với các phong trào và đoàn thể Công giáo
để làm rõ những nét đẹp về gia đình.
Gia đình truyền thống
Với những phương tiện kỹ thuật hiện đại
ngày nay cũng như lối sống “mì ăn liền”, người trẻ hiện nay không muốn bị gò bó
và ràng buộc trong các gia đình truyền thống vì đối với họ như thế là mất tự
do. Cũng vì đòi hỏi quyền tự do quá đáng mà không biết bao nhiêu gia đình bị
tan vỡ. Cũng vì thiếu tôn trọng các đấng sinh thành mà con cái đã xem nhẹ chữ
hiếu khi đâm đơn kiện cha mẹ và ngược đãi cha mẹ, ông bà. Cũng chỉ vì mảnh đất
tổ tiên không được chia đều nên anh em ruột thịt kiện tụng, chém giết nhau.
Cũng vì không biết gìn giữ thuần phong mỹ tục nên những người cùng huyết thống
lấy nhau dẫn đến tình trạng loạn luân tràn lan. Có thể nói luân lý ngày nay bị
suy đồi nghiêm trọng vì người ta đã không coi gia đình truyền thống là nền tảng
của xã hội. Ở các nước Âu-Mỹ, con cái từ nhỏ đã được dạy là nếu cha mẹ có mắng
chửi thì phải gọi 911 ngay để tố giác cha mẹ. Và bọn trẻ luôn mong tròn 18 tuổi
để được sống tự lập hoàn toàn với cha mẹ ruột mình.
Trước tình trạng đó, Giáo Hội
luôn canh cánh trong lòng và mời gọi những người có trách nhiệm trong Giáo Hội
là các Giám Mục, Linh mục, Tu sĩ và các Đoàn thể Công giáo làm sống lại các giá
trị truyền thống gia đình qua các thông điệp, các kỳ đại hội gia đình hay đề ra
những năm canh tân đời sống gia đình nhằm thức tỉnh lương tâm của những người
con trong Giáo hội biết dấn thân và sống đúng với vai trò và trách nhiệm của
những thành viên trong gia đình.
Gia đình thiêng liêng
Chúng ta đang sống trong thế kỷ XXI với nhiều đổi thay, và
đặc biệt ở Hà Lan nơi mà chúng ta đang sống là một đất nước có thể nói là rất
thế tục nhiều lúc khiến chúng ta quên mất chúng ta là người Công giáo. Bởi thế,
mỗi khi chúng ta tham dự một thánh lễ hôn phối hay lễ kỷ niệm Ngân Khánh, Kim
Khánh hay Ngọc Khánh hôn phối là dịp để mỗi thành viên trong gia đình có dịp
nhìn lại bản thân mình xem mình đã thực hành Lời Chúa đến đâu hay mình chỉ đi
tham dự với những bộ đồ thật đẹp, ngó qua ngó lại để gièm pha chỉ trích người
khác, ăn uống thật no say và hát hò thật hoành tráng rồi đâu lại vào đó mà
không hề có chút thay đổi nào về tư cách của mình thì xem như thất bại. Tuy
nhiên, nếu mỗi thành viên trong gia đình Công giáo biết xây dựng hôn nhân bằng
tình yêu kính trọng, tình yêu hy sinh; xây dựng gia đình như Hội Thánh tại gia,
thì gia đình sẽ trở thành cái nôi của sự sống, mái ấm của tình thương và sẽ là
ngôi trường đào tạo con người toàn diện. Khi hôn nhân được xây dựng như thế,
thì chắc chắn gia đình sẽ bền vững, sẽ trổ sinh hoa trái thánh thiện cho Giáo
hội và những con người tốt cho xã hội tương lai.
Đức Gioan
Phao-lô II được mệnh danh là vị Giáo Hoàng của Gia đình đã từng nói : “Gia đình
có sứ mạng xây dựng nền văn minh tình thương”. Chúng ta phải có nghĩa vụ xây
dựng một nền văn mình tình thương như Chúa Giê-su đã từng nhắn nhủ với các Tông
Đồ : “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau” (Xc. Ga13,34).
Vì “yêu thương là chu toàn lề luật” (Xc. Rm 13, 8-10). Trong một gia đình, một
đoàn thể không thể tránh khỏi những phê bình, chỉ trích nhưng nếu mọi người
thật sự đến với nhau và cùng vì phục vụ lợi ích chung thì nên tránh những hình
thức cá nhân chủ nghĩa, những “cái tôi” đáng ghét và sẵn sàng đối thoại chân
thành để tìm ra chân lý vì sự thật sẽ giải phóng
chúng ta.
Sự bất
hòa hay bình an là do chúng ta tạo ra. Những khác biệt về giới tính, sinh lí,
tâm tính, văn hóa hay lập trường chính kiến đương nhiên khó tránh khỏi trong
các gia đình, trong các đoàn thể. Nếu không biết dung hòa thì ắt sẽ bùng nổ bất
hòa, rồi sẽ xảy ra những cuộc chiến không khoan nhượng. Chúng ta hãy biết noi
gương Gia
Đình Thánh Gia Giêsu-Maria-Giuse là Hội thánh tại gia nguyên
thủy, là mẫu gương
của sự hài hòa trong gia đình. Đức
Maria và thánh Giuse đã sống một cuộc hôn nhân đích thực là nền tảng mở ra cho
gia đình và thực hiện theo luật Môsê. Các đoàn thể trong giáo xứ cũng nên học
hỏi Cộng Đoàn Tiên Khởi Giê-ru-sa-lem dù có những bất đồng đôi lúc tưởng chừng
khó vượt qua nhưng nhờ ơn Chúa họ đã chiến thắng vì đã biết thực hành Lời Chúa.
Viết tại Schiedam – Hòa
Lan, tháng 9/2017
Lm. Antôn Trần Xuân Sang, SVD.
No comments:
Post a Comment