Friday, February 28, 2014

PARAGUAY – TẾT GIÁP NGỌ NƠI XỨ NGƯỜI



 Lễ Vĩnh Khấn của 2 Tu Sĩ SDB Việt Nam

19.00 tối ngày 31 tháng 1 năm 2014 (nhằm ngày 1 tết Giáp Ngọ) - lễ thánh Gioan Bosco, Đấng Sáng Lập Dòng Salêdiêng Don Bosco, Tỉnh Dòng Don Bosco tại Paraguay đã tổ chức lễ tuyên khấn trọn đời cho 3 Tu sĩ trẻ trong đó có 2 Tu Sĩ Salêdiêng Việt Nam là Vicente Bảo và Domingo Khanh đã đến Paraguay hơn 4 năm qua. Dip này anh em Việt Nam tại Paraguay có dịp tu hợp nhau để cầu nguyện cho nhau trong Thánh Lễ Vĩnh Khấn của anh em đồng hương Việt Nam và cũng dịp Mừng Năm Mới Giáp Ngọ tại quê người.

Có lần chúng tôi đã từng chia sẻ về đời sống truyền giáo của hai Tu sĩ trẻ Việt Nam thuộc Dòng Don Bosco đã đến Paraguay từ năm 2010. Sứ mạng của Dòng Don Bosco rất đặc biệt là rao giảng Tin Mừng cho thanh thiếu niên, cách riêng những em nghèo khổ, những trẻ em đường phố; đặc biệt chăm sóc các ơn gọi tông đồ; giáo dục đức tin trong các môi trường bình dân, đặc biệt với việc truyền thông xã hội; loan báo cho các dân tộc Tin Mừng mà họ chưa được nhận biết. Từ nhiều năm nay, tỉnh Dòng Don Bosco tại Việt Nam đã gởi các tu sĩ trẻ vừa hoàn thành Triết học đến các quốc gia Nam Mỹ hay Phi châu để thực tập truyền giáo và sống cộng đoàn quốc tế vì các quốc gia Nam Mỹ hiện đang thiếu ơn gọi trầm trọng. Tình Dòng Don Bosco ở Paraguay có rất nhiều cơ sở lớn ở Thủ đô và các thành phố lớn, và nhân sự đến cả 100 thành viên với 3 giám mục đương nhiệm là Tu sĩ thuộc Dòng Don Bosco. Dù các linh mục của Dòng làm việc với giới trẻ rất hăng say, sống động nhưng vẫn không thu hút được giới trẻ dấn thân để trở thành những vụ mục tử trong tương lai do trào lưu tục hóa ảnh hưởng quá mạnh.
Hai anh em Salêdiêng Bảo – Khanh vừa tuyên khấn trọn đời trong một bầu khí đầy huynh đệ của anh em Dòng Don Bosco nhưng lại thiếu vắng những người thân từ quê nhà. Đời sống truyền giáo là vậy vì phải chấp nhận từ bỏ tất cả dù khi từ bỏ nó lòng cảm thấy nhói đau, nhất là trong ngày Vĩnh Khấn đáng nhớ này lại không có những người thân yêu nhất là cha mẹ và anh chị em ruột bên cạnh. Chúng tôi còn nhớ vào trung tuần tháng 12 năm 2013 vừa qua trong dịp chịu chức linh mục của người anh em cùng Dòng bên Argentina (Xc. http://www.vietcatholic.net/News/Html/119607.htm), chính người anh em này cũng không có sự hiện diện của người thân trong ngày bước lên bàn thánh và chúng tôi cảm được sự thổn thức và man mác buồn của anh em vì mình cũng từng nằm trong những trường hợp tương tự như thế.
Những ngày đầu nơi xứ truyền giáo đối với hai anh em Salêdiêng Bảo – Khanh là một chuỗi những thách đố dù các vị hữu trách trong Dòng tại Paraguay luôn tạo điều kiện thuận lợi để anh em sớm hội nhập với cuộc sống. Trong thời gian đó, thỉnh thoảng hai anh em có đến thỉnh vấn chúng tôi như một người anh đi trước và chúng tôi luôn sẵn sàng giúp anh em về việc linh hướng trong giai đoạn đầy gian truân này. Vì sứ vụ của anh em là làm việc với giới trẻ nhưng lại là giới trẻ thứ thiệt “trẻ bụi đời đường phố”. Anh em từng tâm sự rằng nhiều khi muốn đấm hay đá tụi nó một phát cho hả giận vì bọn đó quá mất dạy dám hỗn láo và ngay cả đánh lại những giáo dục viên là chính các thầy, nhưng nhớ đến lời dạy của cha Thánh Bosco : “Xin cho con các linh hồn, còn những sự khác xin cứ lấy đi” khiến các thầy phải bình tâm lại. Rồi khi các thầy thấy các em bụi đời tiến bộ, dù rất chậm, là các thầy thấy vui, một niềm vui trong đời truyền giáo. Thầy Vicente Bảo sau 4 năm thực tập truyền giáo tại Paraguay, nay vừa được gởi đến Uruguay để học thần học để đợi ngày tiến chức, trong khi thầy Domingo Khanh chọn ơn gọi Tu Huynh để phục vụ suốt đời cho giới trẻ dù nhiều người cho rằng “làm Cha” ngon hơn “làm Thầy” nhưng mỗi người đều có sự lựa chọn riêng và chúng ta cần tôn trọng vì chính sự lựa chọn của họ sẽ làm cho đời họ hạnh phúc hơn và hiệu quả hơn trong đời sống thánh hiến.
Thánh lễ Vĩnh Khấn diễn ra thật sốt sắng và rất đông người tham dự dù không phải là ngày Chúa Nhật. Trong số 3 Tu Sĩ Vĩnh Khấn thì chỉ có 1 người là Paraguay và hai người còn lại là người Việt Nam dù trước đó người Paraguay đi tu rất đông nhưng lại xuất tu cũng đông. Cha Giám tỉnh của Dòng Don Bosco người Paraguay rất trẻ, vui, năng động nhưng lại không tinh tế lắm. Đây là phong cách hơi lạc hậu của người Paraguay. Sở dĩ chúng chúng tôi nói như thế vì chúng tôi đã từng sống với người Paraguay nhiều năm nên rất hiểu họ. Ngay cả những người dẫn lễ là một Nữ tu Dòng Con Đức Mẹ Phù Hộ và một Tu Sĩ Dòng Don Bosco mà cũng chẳng hề nhắc tới một tí gì về Việt Nam ngoại trừ đọc tên của hai tu sĩ Việt có Vĩnh Khấn cũng sai tuốt. Trước giờ lễ, cha giám tỉnh Dòng Don Bosco có hỏi thăm chúng tôi vì biết chúng tôi phụ trách huấn luyện của Dòng Ngôi Lời và là vị linh hướng cho hai anh em Vĩnh Khấn người Việt, và chúng tôi cũng báo cho ngài biết về ngày Tết truyền thống của người Việt Nam trùng vào hôm nay. Tuy nhiên, trong phần kết thúc, chẳng thấy ngài nhắc một lời chúc mừng hay khích lệ những anh em Việt Nam và những người đồng hương của hai anh em Vĩnh Khấn. Thay đổi não trạng của một dân tộc, một quốc gia không dễ tí nào dù người đó có bằng cấp hay chức vị cao thế nào đi nữa! Bởi thế các quốc gia láng giềng của Paraguay luôn xem thường họ vì người Paraguay không bao giờ biết trước, biết sau, văn hóa tổ tiên của họ không hề có chữ cảm ơn nên trách họ cũng tội nghiệp.
Bảo – Khanh ơi, giờ đây hai em đã thuộc trọn về Chúa khi đã long trọng tuyên khấn suốt đời Khó Nghèo, Vâng Phục và Khiết Tịnh noi gương cha Thánh Bosco để sống với giới trẻ và với người nghèo. Chúc hai em luôn trung thành với ơn gọi mà các em đang theo đổi dù cuộc sống truyền giáo mà các em và anh đang theo đổi không mấy dễ dàng. Xin Chúa, Mẹ Maria, Thánh Cả Giuse và Thánh Bosco tổ phụ của Dòng các em luôn nâng đỡ và đồng hành với các em trong cuộc sống này.           
     
Khóa học Afectividad y Sexualidad hữu ích

Sau kỳ mục vụ mùa Hè với các em chủng sinh, chúng tôi tham dự một khóa học dành cho các nhà Đào tạo và các Giáo viên trung học về Afectividad và Sexualidad (Tình Cảm và Tình Dục) do nữ Giáo sư Tiến Sĩ Marie-Paul Ross người Canada giảng dạy. Khóa học gồm 40 giờ trong vòng 1 tuần lễ cấm cung để có thể tập trung sâu hơn về bộ môn mà lâu nay bị cho là khó nói và cấm kỵ đối với nhà tu. 

Nữ Tiến sĩ Marie-Paul Ross là một Nữ tu Công giáo người Canada đã có nhiều công trình nghiên cứu lớn trong giới học thuật và đã cho ra đời nhiều ấn phẩm nổi tiếng mà một trong số đó là tác phẩm vừa xuất bản năm 2013 có tựa đề là “La vie est plus forte que la mort” (Tạm dịch : “Sự sống mạnh hơn cái chết”). Dù đã bước qua tuổi 67 nhưng vị nữ tu này rất khỏe mạnh, giọng nói dõng dạc khi giảng thuyết và rất thu hút được người nghe. Dù tiếng mẹ đẻ là tiếng Pháp (vì Soeur người gốc Quebec, Canada) nhưng vị Nữ tu Tiến sĩ này lại nói thuần thục tiếng Anh, tiếng Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha vì từng làm việc và giảng dạy tại các quốc gia Nam Mỹ. Soeur được mệnh danh là nhà Tình Dục Học đương đại và đã từng trị liệu cho nhiều trường hợp nan giải của những bậc tu trì và những đôi vợ chồng có vấn đề tế nhị này.Dù có một bề dày kinh nghiệm và bằng cấp cao như thế nhưng vị nữ Tiến sĩ này rất giản dị, khiêm nhường và dễ gần, chỉ ngoại trừ trong giờ học là khá nghiêm túc và đúng giờ theo phong cách Tây phương. Soeur từng làm việc ở các quốc gia như Bolivia, Peru, Honduras, Brazil… vì thế Soeur hiểu rất rõ não trạng và văn hóa của người dân vùng Nam Mỹ nên những kinh nghiệm có thực mà Soeur chia sẻ đã giúp chúng tôi- những tu sĩ, những nhà đào tạo và những giáo viên đang phụ trách công việc “trồng người” trong thế giới đương đại biết những gì mình cần làm và những gì mình cần tránh. Những câu hỏi hóc búa được đặt ra từ những tham dự viên, trong đó có những vị đang là Bề trên Giám tỉnh, và vị Nữ tu Tiến sĩ này đã giải thích cho chúng tôi một cách cặn kẽ, rõ ràng và thỉnh thoảng pha một chút hài hước khiến cho khóa học giảm bớt đi những căng thẳng, nhàm chán. Chúng tôi thiết nghĩ tại sao những người có bằng cấp cao, hiểu biết rộng và tuổi đời cũng đáng bậc tiền bối như vị Nữ tu Tiến sĩ này lại rất khiêm nhường trong khi một số người khác chẳng là gì nhưng khi có được một chức vụ gì đó hay có một số bậc tu trì vừa chịu chức linh mục lại phách lối và xem người khác, những người đáng bậc cha chú mình, ngay cả những người từng dạy dỗ mình chẳng ra gì. Phải chăng họ bị một căn bệnh ấu trĩ nào đó mà trong giai đoạn đào tạo mà họ cố em nhẹm “nín thở qua sông” đê đến khi mọi sự đâu vào đó rồi họ mới lòi cái đuôi mình ra! 
Chính khóa học dù chỉ 40 giờ nhưng đã giúp chúng tôi nhận rõ con người thật của mình hơn như nhà Hiền Triết Hy Lạp Socrate đã dạy cho các môn sinh mình : “Hỡi người, hãy tự biết mình”. “Biết mình biết ta, trăm trận trăm thắng” sẽ làm phương châm sống cho chúng tôi trong hành trình của cuộc sống truyền giáo của mình vì nếu một ngày nào đó chúng tôi không biết mình là ai thì chúng tôi đã đánh mất chính bản thân mình, và lúc đó có lẽ chúng tôi sẽ trở thành là một người khác. Xin Chúa cho con biết con để con nhận ra Chúa qua những người con đang phục vụ, nhất là trong việc trồng người là những nhà truyền giáo tương lai mà con đang đảm nhận để Giáo Hội mỗi ngày có thêm những vị mục tử như lòng Chúa mong ước.

            Paraguay, 11 tháng 2 năm 2014 – Lễ Mẹ Lộ Đức

Lm. Antôn Trần Xuân Sang, SVD

Sunday, February 9, 2014

PARAGUAY – MỘT KỲ MỤC VỤ HÈ 2014 THÚ VỊ



          Sau ngày mồng Một Tết dương lịch 2014, chúng tôi chuẩn bị cho kỳ mục vụ Hè 2014. 
         Trong khi các quốc gia như vùng Bắc Mỹ và Việt Nam năm nay thời tiết lạnh thấu xương và có những vùng tuyết đóng băng dày đặt khiến nhiều người không thể đến sở làm hay đi du ngoạn như mọi năm, thì các quốc gia vùng Nam Mỹ và Paraguay thời tiết lại nóng kinh khủng. Có những vùng thời tiết nắng nóng đến nỗi đất nứt nẻ ra và nhiều nơi phải mua nước để dùng trong sinh hoạt. Người ta bắt đầu cầu trời cho mưa xuống để chuẩn bị cho vụ mùa.

          Tháng Một cũng là cao điểm tháng Hè của người dân Nam Mỹ nên người ta đã tranh thủ đi nghỉ Hè và thăm người thân. Chính vì thế mà các hoạt động mục vụ ở giáo xứ thị thành đều ngưng lại vì các linh mục chính xứ đều tranh thủ nghỉ Hè.
          Năm nào cũng vậy, cứ sau những ngày Tết dương lịch là chúng tôi có kỳ mục vụ Hè ở những giáo điểm truyền giáo xa xôi mà lâu lâu mới có các linh mục đến giúp. Năm nay chúng tôi cùng với 10 em chủng sinh người Paraguay đang trong giai đoạn Triết đến các giáo điểm miền núi thuộc vùng Đông Bắc của Paraguay có một cái tên Guaraní rất lãng mạng “Yasy Cañy” (Trăng Khuyết).
          Các em chủng sinh đã có gần 1 tháng nghỉ Hè trước với gia đình từ đầu tháng 12 nên chúng tôi đã hẹn nhau tại địa điểm mục vụ trong tháng 1 này để các em hiểu thêm về sứ vụ truyền giáo trước khi trở thành những nhà truyền giáo thực thụ trong tương lai.
          Từ Chủng Viện đến các giáo điểm truyền giáo chúng tôi phải đi mất hơn 1 ngày hành trình vì đường vào các giáo đểm truyền giáo ngoằn ngoèo, gập ghềnh rất xấu và bụi mịt mù khi các xe tải đi qua để vận chuyển hàng hóa. Chính các em chủng sinh người Paraguay đã phải than thở sao mà xa và đường xấu quá. Chúng tôi chỉ biết trấn an các em để các em vui vẻ tiếp tục cuộc hành trình vì nếu không các em mà ngại khó không tiếp tục nữa thì kế hoạch mục vụ năm nay coi như phá sản.
          Khi chúng tôi đến nơi thì trời đã chập tối. Chúng tôi đã chia nhau thành 5 nhóm mỗi nhóm 2 người và đến ở các nhà dân trong những ngày này. Bản thân chúng tôi cũng tá túc tại nhà của ông trưởng làng để cùng đồng hành với các em chủng sinh và người dân vùng truyền giáo.
          Ngày mới bắt đầu. Chúng tôi đã nói với các em chủng sinh rằng mình đến đây không phải là để ban phát vì mình đâu có gì mà cho họ ngoài nụ cười, sự yêu thương và sự càm thông. Hãy đến thăm các nhà dân và nói chuyện với họ bằng chính ngôn ngữ bản xứ là tiếng Guaraní, hỏi han và thăm viếng họ như là những người thân và cùng nhau đọc một kinh Lạy Cha, Kính Mừng và Sáng Danh là những kinh nguyện đơn sơ và thông dụng nhất mà tất cả người Công giáo nào cũng thuộc lòng, rồi trước khi kết thúc hãy đọc một đoạn Kinh Thánh với họ. Nhà nào nếu có người già và người bệnh thì báo lại để chúng tôi cùng ông trưởng làng viếng thăm và làm các bí tích.
          Có 10 giáo điểm truyền giáo trong vùng này và mỗi giáo điểm đều có một nhà nguyện đơn sơ để mỗi Chúa Nhật người dân đến họp nhau cầu nguyện. Thật tội nghiệp cho họ vì họ thiếu thốn đủ điều từ vật chất đến tinh thần. Nhà cửa thì lẹp xẹp trống trước, trống sau và chỉ có một phòng cho tất cả các sinh hoạt. Nhà vệ sinh không có mà họ chỉ đào một cái hố và có một tấm ván bắt qua giống như thời sau năm 1975 ở Việt Nam tại các vùng nông thôn. Nhà tắm lộ thiên và chỉ cần 1, 2 xô nước là đủ. Gà heo và các vật nuôi sống chung và có thể vào nhà bất cứ lúc nào vì nhà rất thấp. Chúng tôi ở chung với gia đình ông trưởng làng có hai con nhỏ và họ đã nhường chiếc giường duy nhất cho tôi trong khi họ và 2 cháu nhỏ phải nằm dưới đất. Quả thực chúng tôi rất ngại vì không đành nào để cả gia đình này vì mình mà nằm dưới đất nên đã hỏi mượn một chiếc võng để nằm ngủ dưới các bóng cây vì trong nhà quá nóng mà không có quạt trần hay quạt đứng gì cả. Cũng may mà không có muỗi, chỉ có ruồi vào ban ngày và ban đêm thì mấy con chim rừng ngủ trên cây thỉnh thoảng cứ  vô tư phóng uế xuống đất và có lúc dính ngay vào người mình. Tuy họ khổ về vật chất nhưng chưa bao giờ chúng tôi nghe họ than thở vì họ luôn có miếng ăn là hoa màu mà họ trồng như bắp, đâu phộng, khoai mì… Triết lí sống của họ rất đơn giản là “ăn nhiều chứ ở bao nhiêu” nên họ không quan tâm đến nhà cao, cửa rộng và phương tiện hiện đại. Thấy vậy mà họ sướng và ít khổ tâm hơn chúng ta vì họ sống đơn giản và không bon chen. Chỉ có những nơi rừng rú như thế này ở Paraguay mới thấy còn sót lại những con người chân thật, dễ gần và đúng là những người mà Chúa Giê-su đã từng nói trong bài giảng trên núi : “Phúc cho ai có tâm hồn nghèo khó vì Nước Trời là của họ” (Xc Mt 5,3).
          Về phương diện tinh thần thì họ lại càng thiếu thốn nhiều hơn vì tuy là những người đã được rửa tội nhưng rất nhiều người từ lâu rồi chưa bao giờ gặp được linh mục vì một năm chỉ có một lần linh mục đến dâng lễ nhưng nếu trúng vào ngày họ bị bệnh hay trời mưa thì khó mà ra khỏi nhà được. Một anh em linh mục phụ trách giáo xứ truyền giáo này phải trông coi đến hơn 80 giáo họ nên không thể trách ngài được vì đường xá quá xa xôi và ngài không chỉ lo về các bí tích mà còn lo quản trị nhiều việc khác nữa tại Nhà Xứ. 
Phần lớn Nhà Nguyện của các giáo điểm chỉ là những cái chòi đơn sơ và bên trong có kê một cái bàn để đặt tượng thánh bổn mạng của giáo điểm hay khi linh mục đến dâng thánh lễ. Nghĩ lại ở Việt Nam quê mình nói là nghèo nhưng nhà thờ nào cũng thấy hoành tráng và thậm chí một số linh mục khi được chuyển về xứ mới đã phá bỏ nhà thờ cũ để xây nhà thờ mới đẹp hơn, khang trang hơn để được người đời gọi là nhà thờ mang tên mình. Khi dâng lễ trong các nhà nguyện đơn sơ này, chúng tôi nhớ lại lời Kinh Thánh khi Chúa Giê-su nói chuyện với người phụ nữ Samari, Chúa Giê-su đã yêu cầu con người phải thờ phượng Thiên Chúa một cách mới mẻ hơn, cao cấp hơn. Ngài nói: «Đã đến giờ các người sẽ thờ phượng Chúa Cha, không phải trên núi này hay tại Giêrusalem (…) Giờ đã đến – và chính là lúc này đây – những người thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng Chúa Cha trong thần khí và sự thật. (…) Thiên Chúa là thần khí, nên những kẻ thờ phượng Người phải thờ phượng trong thần khí và sự thật» (Xc. Ga 4,22-24).
        Các em chủng sinh đi từng hai người một để thăm từng nhà như lời hướng dẫn của chúng tôi trong khi chúng tôi thăm viếng những bệnh nhân và người già yếu và mỗi ngày phải dâng 3 thánh lễ ở 3 giáo điểm khác nhau để người dân có dịp tham dự thánh lễ. Trời nắng, nóng và khá mệt vì phải di chuyển nhiều và đường xá quá xấu nhưng lại thấy vui vì mình làm được gì đó có ích. Chính các em chủng sinh cũng cảm thấy thích thú khi người dân mở lòng và đón tiếp họ như những sứ giả của Chúa và người dân đã ùn ùn kéo nhau tham dự thánh lễ. Cũng may mà tiếng Guaraní của chúng tôi cũng không quá tệ và các em chủng sinh cũng giúp phần giảng giải Lời Chúa nên người dân tham dự rất tích cực.
        Có một điều mà chúng tôi muốn chia sẻ nơi đây trong chuyến mục vụ truyền giáo mùa hè này mà đến giờ mỗi khi nhớ lại chúng tôi vẫn còn nổi da gà. Số là trong lúc chúng tôi đi thăm bệnh nhân với sự hướng dẫn của ông trưởng làng, chúng tôi có vào một gia đình có mấy bà góa phụ và mấy cháu nhỏ. Khi vào chúng tôi hỏi ai là bệnh nhân để chúng tôi Xức Dầu Thánh và trao Mình Thánh Chúa. Bà chủ nhà mới gọi người em của bà đến. Nhìn bà em độ tuổi khoảng trên dưới 50 rất khỏe mạnh nhưng chẳng thèm chào hỏi chúng tôi gì cả. Thông thường người dân quê ở Paraguay khi gặp linh mục mà họ gọi là Pa’í (Ông trời con, theo tiếng Guaraní) là họ chắp hai tay xin phép lành. Tuy nhiên, bà nhà quê này lại không thèm chào hỏi chúng tôi mà lại còn nhìn chằm chằm như muốn nuốt chửng chúng tôi nữa. Hơi bực mình một tí vì gặp phải bà cà chớn này và đang định chửi thầm mấy chú chủng sinh là tại sao lại báo tin cho chúng tôi đi thăm một bà dở hơi không bệnh tật cũng không già yếu. Tuy nhiên đã đến là phải thi hành nhiệm vụ nên chúng tôi miễn cưỡng Xức Dầu và trao Mình Thánh Chúa cho bà này. Trước khi trao Mình Thánh Chúa, chúng tôi mời gọi mọi người hiện diện đọc Kinh Lạy Cha và dâng mình Thánh Chúa với lời nguyện : “Đây Chiên Thiên Chúa…” Khi mọi người xướng : “Lạy Chúa, con chẳng đáng Chúa ngự vào nhà con, nhưng xin Chúa phán một lời thì linh hồn con sẽ lành mạnh”. Chúng tôi vừa trao Mình Thánh Chúa và đọc : “Mình Thánh Chúa Ki-tô”, người đàn bà liền thè lưỡi ra đón lấy thì tự nhiên chúng tôi thấy một cái lưỡi rất dài và trước khi rước lấy Mình Thánh Chúa thì chúng tôi lại thấy cái gì như một làn khói với hình thù rất ghê gớm từ trong người bà xuất ra khiến chúng tôi nổi da gà. Người đàn bà đã nhìn trừng trừng vào chúng tôi với đôi mắt thật hoang dã. Tuy cũng hơi rùng mình nhưng chúng tôi cũng cố gắng hoàn tất việc trao Mình Thánh Chúa và lời nguyện kết thúc. Đây là một kinh nguyện mục vụ đáng nhớ của chúng tôi và qua kinh nghiệm này chúng tôi vững tin hơn vào Thánh Thể Chúa và hứa với lòng mình là khi làm việc gì với tư cách là linh mục thì không nên làm chiếu lệ và miễn cưỡng vì như thế sẽ không đem lại hiệu quả gì mà còn có hại cho người khác.
Chính trong những ngày mục vụ vùng xâu vùng xa với những người dân nghèo về cả hai phương diện đã giúp chúng tôi hiểu sâu hơn về những lời rao giảng mà khi xưa Chúa Giê-su đã sai các môn đệ ra đi truyền giáo. Nếu linh mục chỉ ngồi một chỗ thì sẽ không biết nhiều những chuyện xảy ra ở thế giới bên ngoài mà nếu có biết thì chỉ qua những lời kể. Khi thăm những gia đình nghèo và người già yếu, bệnh tật, chúng tôi nhận thấy không có nỗi khổ nào giống nỗi khổ nào, mỗi gia đình đều có thánh giá riêng phải tự vác lấy và không ai có thể vác thay cho họ. Chính các em chủng sinh cũng nhận thấy mình trưởng thành hơn trong những ngày mục vụ ngắn ngủi này.          
        Hôm nay là ngày lễ Thánh Phao-lô Tông đồ trở lại, kết thúc tuần lễ cầu cho sự hiệp nhất các Ki-tô hữu và cũng là những ngày cuối năm Quí Tỵ trước khi bước qua Tết Giáp Ngọ 2014. Hòa cùng không khí đón Tết tại quê nhà Việt Nam, xin cầu chúc các ân nhân, thân nhân, gia đình cùng bạn hữu xa gần một Năm Mới Giáp Ngọ 2014 phát tài phát lộc. Và cũng nhân dịp đón ngựa chiến, tiễn rắn vàng, chúc tất cả mọi người luôn hoan hỉ, sức khỏe bền bỉ, công danh hết ý, xin Thiên Chúa của mùa Xuân vĩnh cửu ban nhiều ơn lành cho Năm Mới được mưa thuận gió hòa và mọi người luôn sống hiệp nhất với nhau. Feliz Año Nuevo 2014.
Paraguay, 25 tháng 01 năm 2014 – Lễ Thánh Phao-lô Tông Đồ Trở Lại
Lm. Antôn Trần Xuân Sang, SVD

CHÚT SUY TƯ VỀ MỤC VỤ NƠI XỨ NGƯỜI



Trong chuyến tham dự lễ phong chức linh mục của người đàn em ở Argentina trung tuần tháng 12 năm 2013 vừa rồi, chúng tôi cũng hiện diện ngày lễ bàn giao sứ vụ của Hội Đồng Bề Trên mới của Tỉnh Dòng Argentina nhiệm kỳ 2014 – 2016. Người anh em từng làm việc với chúng tôi mấy năm qua trong Ban Đào Tạo vừa đắc cử Bề Trên Giám Tỉnh tỉnh Dòng Ngôi Lời ở Argentina nên có mời chúng tôi tham dự để cầu nguyện cho ngày lãnh nhận nhiệm vụ mới này.
Từ ngày bước vào Dòng ở Việt Nam đến giờ chúng tôi đã được thụ huấn một nền đào tạo khép kín và luôn được dạy bảo là những bậc bề trên luôn luôn đúng và một lần làm bề trên là suốt đời làm bề trên. Bởi thế nên lệnh bề trên được đưa ra là phải thi hành răm rắp. Một số bề trên đã hết nhiệm kỳ từ lâu nhưng khi xưng hô thì phải luôn kèm theo chức vị cựu bề trên nếu không thì bị qui cho là “mất dạy”. Bởi thế nếu một người trẻ đắc cử bề trên và cho đưa bài sai cho những “cựu bề trên” đến những nơi mà các vị này không thích thì ngay lập tức các “cựu bề trên” sẽ phản pháo và phán rằng thằng này từng là học trò tao mà nay láo!
Tuy nhiên chúng tôi đã học được nhiều mới lạ nới xứ người từ ngày bước chân làm việc truyền giáo. Chúng tôi muốn chia sẻ nơi đây một chút kinh nghiệm mục vụ và mong rằng những bậc tiền bối, những “cựu bề trên” đừng cho rằng chúng tôi là “con nít ranh” mà dám dạy đời.
Khi tham dự ngày lễ bàn giao sứ vụ của người anh em nay làm Bề trên Giám tỉnh tại Argentina, nhiều linh mục lớn tuổi ở đó hỏi chúng tôi từ đâu đến và khi biết là chúng tôi cùng làm việc chung với vị tân giám tỉnh của họ, họ rất vui mừng và khoe rằng học trò của họ là vị Tân Giám Tỉnh giờ đây đã trưởng thành và trở thành người lãnh đạo của họ. Họ lại dùng một thành ngữ tương tự như người Việt mình là “tre già, măng mọc” và sẵn sàng ủng hộ và vâng phục người học trò cũ của họ trong cương vị mới. Chúng tôi không hề nghe nhắc đến những chức vị như cựu bề trên, cha giám đốc, cha tiến sĩ dù những người tham dự lúc đó có biết bao tiến sĩ, biết bao vị từng nắm những chức vị như bề trên giám tỉnh, cố vấn tổng quyền ở Rô-ma hay điều phối viên vùng… Chức vụ chỉ là tạm thời để phục vụ, con người mới là vĩnh viễn.
Nói đến đây chúng tôi muốn chia sẻ vài tâm tình mục vụ nơi xứ người mà chúng tôi đã từng chứng kiến, từng được nghe và chính bản thân đã từng sống và làm việc ở một vài nơi trên thế giới.
Lâu nay chúng tôi được nghe nói là ở đâu có giáo dân Việt Nam thì ở đó các linh mục sướng. Bằng chứng là các anh em linh mục trẻ cùng Dòng chúng tôi khi biết tin có bài sai ở Nam Mỹ hay châu Phi là họ lo sợ vì không có giáo dân Việt Nam nên họ đã trốn “tỵ nạn” ở các xứ miền Bắc vì không muốn ra đi và được những gia đình khá giả ngoài đó lo lắng từ A đến Z, và giáo dân ngoài Bắc cưng linh mục như cưng trứng, hứng như hứng hoa. Ở bên Mỹ hay các nước Âu châu mà có giáo dân Việt Nam thì linh mục Việt Nam lại được cưng chiều và lo lắng đủ thứ. Cũng chính vì điều đó khiến một số anh em linh mục quên mất vai trò và sứ vụ của mình là phục vụ chứ không phải là để người khác phục vụ mình “Vì Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người." (Xc. Mc 10, 35-45).
Có dịp đi qua Mỹ và một số nước Âu châu, chúng tôi được nghe nhiều giáo dân than phiền rằng một số linh mục Việt Nam ở hải ngoại vẫn còn làm việc theo cơ chế xin-cho dù được đào tạo và trưởng thành ở nước ngoài. Cụ thể là khi được bổ nhiệm để phụ trách cộng đồng người Việt, một số vị vẫn còn hành xử với đàn chiên mình giống như nhiều linh mục ở Việt Nam, nghĩa là vẫn còn tình trạng quát nạt hay cấm cản chuyện này, chuyện nọ nếu một số cộng đoàn muốn làm chuyện gì mà không vừa lòng các cụ.
Nói đến đây chúng tôi chợt nhớ đến một vài linh mục bản xứ người Paraguay nơi chúng tôi làm việc cũng có lần hành xử như vậy. Người dân Paraguay tuy hiền và tôn trọng những bậc tu trì nhưng họ sẵn sàng tấn công nếu linh mục nào cư xử với họ cách thiếu công bằng. Nhẹ thì không đến nhà thờ nữa hay đi nói hành nói xấu linh mục, mạnh thì đưa lên báo đài hay đem súng đến hăm dọa linh mục để cho chừa cái thói hành xử cha chú. Có lẽ vì thế mà các linh mục ở đây rất tôn trọng giáo dân dù nhiều lúc một số giáo dân hay một số đoàn thể trong giáo xứ rất quá khích nhưng các linh mục phải tự kiềm chế để giải quyết các vấn đề nếu không muốn dây dưa vào chuyện pháp luật.
Trái lại, giáo dân Việt Nam dù ở hải ngoại rất quí trọng các linh mục. Chúng tôi còn nhớ năm 2010 trong chuyến qua Mỹ và dâng lễ ở một cộng đoàn nhỏ ở Bắc Cali dịp lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, vị quản nhiệm cộng đoàn là lớp đàn em từng tu trong Dòng chúng tôi nhưng sau đó lại chuyển qua giáo phận và được đặc cách qua Mỹ làm việc với cộng đồng người Việt cho phép chúng tôi đồng tế và chia sẻ trong Thánh Lễ. Dù bất ngờ nhưng khi biết chúng tôi là linh mục truyền giáo, nhiều người đã của ít lòng nhiều biếu cho chúng tôi một ít tiền gọi là lệ phí truyền giáo. Rồi khi chúng tôi bước vào một quán phở Việt cũng ở Cali, một Cụ Bà khá lớn tuổi vừa đi lễ về và được người cháu đưa vào ăn sáng, khi người cháu giới thiệu chúng tôi là linh mục truyền giáo ở Paraguay thì Bà đã rút ra trong ví Bà một cọc tiền toàn tờ 1 đô-la và cho chúng tôi đúng 50 tờ. Chúng tôi không cầm được nước mắt vì nghĩa cử cao quí của những người Việt mà mình chưa bao giờ quen nhưng lại quá tốt với mình khi mới gặp lần đầu. Chẳng bù lại người dân Nam Mỹ nơi chúng tôi đã từng làm việc thì mọi sự đều miễn phí không có chuyện cho hay biếu xén gì cả.
Rồi đầu tháng 3 đến tháng 6 năm 2012, chúng tôi có dịp qua một số nước Âu châu để tham dự khóa học đặc biệt cho các Nhà Đào Tạo, chúng tôi cũng có dịp ghé thăm một số người Việt mình quen biết ở Đức, Hòa Lan, Nauy…  đế biết thêm cuộc sống của những người đồng hương Việt Nam nơi xứ người. Thực tình mà nói nơi đâu có người Việt sinh sống thì nơi đó được tổ chức qui cũ và người giáo dân Việt rất quí trọng linh mục, chỉ trừ giới trẻ Việt nam sinh ra tại đó không nói được tiếng Việt sành sỏi thì không hứng thú mấy trong sinh hoạt cộng đồng. Việc quí trọng những bậc tu trì của giáo dân Việt ở bất cứ nơi nào trên thế giới là một điều đáng quí vì thể hiện tính nhân văn thuần Việt và cần được dạy dỗ cho thế hệ @ dù không sinh ra ở Việt Nam tiếp tục gìn giữ phẩm chất này. Tuy nhiên, các vị mục tử Việt ở trong nước cũng như hải ngoại cũng đừng vì thấy đàn chiên mình quá hiền rồi ăn hiếp. Nên nhớ rằng giáo dân Việt Nam thế kỷ XXI khác với giáo dân ở những thế kỷ trước. Nhiều giáo dân bây giờ có học vị tiến sĩ thần học, triết học và nếu công bằng trong đối thoại chưa chắc ai hơn ai. Nếu một ngày nào đó tự dưng giáo dân Việt mà mình coi sóc không còn đến với mục tử Việt nữa thì các vị đừng tưởng rằng họ cứng đầu nhưng hãy tự xem xét tại sao họ lại hành xử như thế. Thật sự chúng tôi không bao giờ cổ súy giáo dân chống đối linh mục vì anh em linh mục là những vị đồng môn thân yêu của chúng tôi và chúng tôi học được rất nhiều từ những linh mục thánh thiện và khiêm nhường. Tuy nhiên, đã đến lúc chúng tôi muốn nói với một số anh em linh mục đồng môn trong nước cũng như hải ngoại hãy biết và hiểu chiên của mình và hãy cư xử với họ như là những người bạn thật sự. Lúc ấy, quí vị sẽ có tất cả mà một trong những điều mà những vụ mục tử cần trong mục vụ là sự quí trọng và cộng tác chân thành.
Hôm nay là ngày giao thừa cuối năm dương lịch 2013, một lát nữa chúng tôi sẽ dâng thánh lễ giao thừa cho giáo dân Paraguay mà chúng tôi đã nhận làm quê hương thứ hai của mình. Chúng tôi yêu mến họ và họ đã yêu mến chúng tôi vì chúng tôi tôn trọng nhau. Ước chi mọi người trong Năm Mới 2014 luôn biết yêu thương, tôn trọng và sống bình an, hạnh phúc. Happy New Year 2014.
Paraguay, ngày 31 tháng 12 năm 2013
Lm. Antôn Trần Xuân Sang, SVD Paraguay.      

VÀI SUY NGHĨ VỀ CHÚA NHẬT TRUYỀN GIÁO


(Chúa nhật Thế giới Truyền giáo 23-10)
Lm. William Grimm*, MM, từ Tokyo

Người Công giáo cần khám phá lại nhiệt huyết để truyền giáo cho toàn thế giới
Từ có 7 chữ cái thay cho từ “Church” là từ nào?
Từ “Mission” có nghĩa là “sai đi”.

Đó là “ơn gọi” từ Thiên Chúa Ba Ngôi và là nền tảng trong quan hệ giữa chúng ta với Thiên Chúa. Chúa Cha sai Chúa Con xuống thế làm người. Chúa Cha và Chúa Con ban Chúa Thánh Thần xuống trên các Thánh Tông đồ. Chúa Thánh Thần trao quyền và sai các Thánh Tông đồ đi rao giảng Tin Mừng. Chính sự sai đi này tạo nên Giáo Hội. Chúng ta tụ tập lại (nguồn gốc của từ Giáo Hội) để được sai đi. Đây chính là lý do Giáo Hội hiện hữu.
Tháng này, dân số thế giới đạt ngưỡng 7 tỷ người. Số người trên thế giới gia tăng và Kitô hữu cũng vậy. Tại một số nơi, sự tăng trưởng này đang bùng nổ mạnh đến mức một số người tiên đoán trong tương lai không xa Kitô hữu có thể chiếm đa số trên toàn thế giới. Nhưng không phải là các Kitô hữu theo Công giáo. Sự tăng trưởng của Giáo hội Công giáo hiện nay không theo kịp sự tăng trưởng của thế giới. Đã vậy, người Hồi giáo trên thế giới đã nhiều hơn người Công giáo, và các Giáo hội đang phát triển ở châu Á, châu Phi và Mỹ Latinh là các cộng đoàn Tin Lành. Hồi giáo và Tin lành đang phát triển nhanh gấp 2 lần Công giáo.
Tất nhiên, đối với người Công giáo thì truyền giáo không phải là một trò chơi với các con số. Nhưng chúng ta vẫn phải tự hỏi tại sao những người khác đang làm nhiều hơn trong việc chia sẻ đức tin của họ. Nếu chúng ta không truyền giáo, không còn thấy mình được sai đi nữa, chúng ta không còn là Giáo Hội nữa. Đó có phải là lý do tỉ lệ người Công giáo trên thế giới theo Đức Kitô đang co lại? Chúng ta không còn là Giáo Hội thực sự nữa sao?
Nhà Xã hội học Pierre Hegy nhận thấy “việc Công đồng Vatican II xem truyền giáo là bổn phận của tất cả mọi người đã được rửa tội xem ra chưa được thi hành triệt để”.
Ông còn chỉ ra trong cuốn sách Wake Up, Lazarus! (tạm dịch Hãy trỗi dậy, Lazarô!) của ông rằng ngay cả những người khẳng định mình là nhà truyền giáo cũng có tầm nhìn hạn hẹp về ơn gọi của họ.
“Thật vậy, trong cuộc khảo sát nhanh của tôi về báo cáo của các hội giáo dân truyền giáo ở Mỹ, tôi nhận thấy tất cả đều dành hết cho công tác từ thiện, không phải là truyền giáo. Ngoài ra, nhiều dòng tu truyền giáo chỉ chú trọng công việc bác ái, ít nhấn mạnh đến các thành tựu truyền giáo, như thể truyền giáo chủ yếu là công tác từ thiện ở nước ngoài. Các chương trình đến với tha nhân của giáo xứ thường là các nơi phát thức ăn, các phòng thức ăn và các cửa hàng bán hàng giá rẻ; các hoạt động này thì những tổ chức xã hội thế tục làm nhiều nhưng họ không chú ý khía cạnh tâm linh”.
Tháng 10 hằng năm, chúng ta ít nhiều đều mừng lễ Chúa nhật Truyền giáo. Một người trong Thánh bộ Truyền giáo viết ra một thông điệp, được Đức Thánh Cha ký và được đăng lên website của Vatican, có ít người đọc và thậm chí số người nhớ còn ít hơn và chúng ta lại bắt đầu công việc như thường lệ cho đến năm sau.
Nhưng chúng ta có dám làm như thường lệ không? Trừ khi người Công giáo – mỗi người chúng ta và tất cả mọi người trong chúng ta – lấy lại nhiệt huyết giúp anh chị em mình nhận biết tình yêu của Thiên Chúa được thể hiện nơi Đức Giêsu Kitô, thì chúng ta sẽ chẳng khác gì một hệ thống thờ tự. Một hệ thống thờ tự lớn chỉ chú trọng đến bản thân và các nghi lễ, quy định, phẩm trật và tập tục của mình. Những nghi lễ, quy định, phẩm trật và tập tục đó chỉ nên tồn tại để công bố Tin Mừng.
7 tỷ người đáng được biết Cha của mình. Nếu mọi người Công giáo không tham gia chia sẻ Tin Mừng đó cùng với các anh chị em Kitô hữu khác, thế giới này sẽ bị tước mất cách thiết thực và độc nhất vô nhị để nhận biết Thiên Chúa. Ngoài Chúa nhật Truyền giáo ra, chúng ta còn cần các ngày truyền giáo khác từ thứ hai đến thứ bảy hằng tuần.
————————-
* Lm. William Grimm sống ở Tokyo, chịu trách nhiệm xuất bản của UCA News và là nguyên trưởng ban biên tập của tờ tuần báo Công giáo Nhật Bản “Katorikku Shimbun”.
 Nguồn: UCAN