Sunday, February 9, 2014

CHÚT SUY TƯ VỀ MỤC VỤ NƠI XỨ NGƯỜI



Trong chuyến tham dự lễ phong chức linh mục của người đàn em ở Argentina trung tuần tháng 12 năm 2013 vừa rồi, chúng tôi cũng hiện diện ngày lễ bàn giao sứ vụ của Hội Đồng Bề Trên mới của Tỉnh Dòng Argentina nhiệm kỳ 2014 – 2016. Người anh em từng làm việc với chúng tôi mấy năm qua trong Ban Đào Tạo vừa đắc cử Bề Trên Giám Tỉnh tỉnh Dòng Ngôi Lời ở Argentina nên có mời chúng tôi tham dự để cầu nguyện cho ngày lãnh nhận nhiệm vụ mới này.
Từ ngày bước vào Dòng ở Việt Nam đến giờ chúng tôi đã được thụ huấn một nền đào tạo khép kín và luôn được dạy bảo là những bậc bề trên luôn luôn đúng và một lần làm bề trên là suốt đời làm bề trên. Bởi thế nên lệnh bề trên được đưa ra là phải thi hành răm rắp. Một số bề trên đã hết nhiệm kỳ từ lâu nhưng khi xưng hô thì phải luôn kèm theo chức vị cựu bề trên nếu không thì bị qui cho là “mất dạy”. Bởi thế nếu một người trẻ đắc cử bề trên và cho đưa bài sai cho những “cựu bề trên” đến những nơi mà các vị này không thích thì ngay lập tức các “cựu bề trên” sẽ phản pháo và phán rằng thằng này từng là học trò tao mà nay láo!
Tuy nhiên chúng tôi đã học được nhiều mới lạ nới xứ người từ ngày bước chân làm việc truyền giáo. Chúng tôi muốn chia sẻ nơi đây một chút kinh nghiệm mục vụ và mong rằng những bậc tiền bối, những “cựu bề trên” đừng cho rằng chúng tôi là “con nít ranh” mà dám dạy đời.
Khi tham dự ngày lễ bàn giao sứ vụ của người anh em nay làm Bề trên Giám tỉnh tại Argentina, nhiều linh mục lớn tuổi ở đó hỏi chúng tôi từ đâu đến và khi biết là chúng tôi cùng làm việc chung với vị tân giám tỉnh của họ, họ rất vui mừng và khoe rằng học trò của họ là vị Tân Giám Tỉnh giờ đây đã trưởng thành và trở thành người lãnh đạo của họ. Họ lại dùng một thành ngữ tương tự như người Việt mình là “tre già, măng mọc” và sẵn sàng ủng hộ và vâng phục người học trò cũ của họ trong cương vị mới. Chúng tôi không hề nghe nhắc đến những chức vị như cựu bề trên, cha giám đốc, cha tiến sĩ dù những người tham dự lúc đó có biết bao tiến sĩ, biết bao vị từng nắm những chức vị như bề trên giám tỉnh, cố vấn tổng quyền ở Rô-ma hay điều phối viên vùng… Chức vụ chỉ là tạm thời để phục vụ, con người mới là vĩnh viễn.
Nói đến đây chúng tôi muốn chia sẻ vài tâm tình mục vụ nơi xứ người mà chúng tôi đã từng chứng kiến, từng được nghe và chính bản thân đã từng sống và làm việc ở một vài nơi trên thế giới.
Lâu nay chúng tôi được nghe nói là ở đâu có giáo dân Việt Nam thì ở đó các linh mục sướng. Bằng chứng là các anh em linh mục trẻ cùng Dòng chúng tôi khi biết tin có bài sai ở Nam Mỹ hay châu Phi là họ lo sợ vì không có giáo dân Việt Nam nên họ đã trốn “tỵ nạn” ở các xứ miền Bắc vì không muốn ra đi và được những gia đình khá giả ngoài đó lo lắng từ A đến Z, và giáo dân ngoài Bắc cưng linh mục như cưng trứng, hứng như hứng hoa. Ở bên Mỹ hay các nước Âu châu mà có giáo dân Việt Nam thì linh mục Việt Nam lại được cưng chiều và lo lắng đủ thứ. Cũng chính vì điều đó khiến một số anh em linh mục quên mất vai trò và sứ vụ của mình là phục vụ chứ không phải là để người khác phục vụ mình “Vì Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người." (Xc. Mc 10, 35-45).
Có dịp đi qua Mỹ và một số nước Âu châu, chúng tôi được nghe nhiều giáo dân than phiền rằng một số linh mục Việt Nam ở hải ngoại vẫn còn làm việc theo cơ chế xin-cho dù được đào tạo và trưởng thành ở nước ngoài. Cụ thể là khi được bổ nhiệm để phụ trách cộng đồng người Việt, một số vị vẫn còn hành xử với đàn chiên mình giống như nhiều linh mục ở Việt Nam, nghĩa là vẫn còn tình trạng quát nạt hay cấm cản chuyện này, chuyện nọ nếu một số cộng đoàn muốn làm chuyện gì mà không vừa lòng các cụ.
Nói đến đây chúng tôi chợt nhớ đến một vài linh mục bản xứ người Paraguay nơi chúng tôi làm việc cũng có lần hành xử như vậy. Người dân Paraguay tuy hiền và tôn trọng những bậc tu trì nhưng họ sẵn sàng tấn công nếu linh mục nào cư xử với họ cách thiếu công bằng. Nhẹ thì không đến nhà thờ nữa hay đi nói hành nói xấu linh mục, mạnh thì đưa lên báo đài hay đem súng đến hăm dọa linh mục để cho chừa cái thói hành xử cha chú. Có lẽ vì thế mà các linh mục ở đây rất tôn trọng giáo dân dù nhiều lúc một số giáo dân hay một số đoàn thể trong giáo xứ rất quá khích nhưng các linh mục phải tự kiềm chế để giải quyết các vấn đề nếu không muốn dây dưa vào chuyện pháp luật.
Trái lại, giáo dân Việt Nam dù ở hải ngoại rất quí trọng các linh mục. Chúng tôi còn nhớ năm 2010 trong chuyến qua Mỹ và dâng lễ ở một cộng đoàn nhỏ ở Bắc Cali dịp lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, vị quản nhiệm cộng đoàn là lớp đàn em từng tu trong Dòng chúng tôi nhưng sau đó lại chuyển qua giáo phận và được đặc cách qua Mỹ làm việc với cộng đồng người Việt cho phép chúng tôi đồng tế và chia sẻ trong Thánh Lễ. Dù bất ngờ nhưng khi biết chúng tôi là linh mục truyền giáo, nhiều người đã của ít lòng nhiều biếu cho chúng tôi một ít tiền gọi là lệ phí truyền giáo. Rồi khi chúng tôi bước vào một quán phở Việt cũng ở Cali, một Cụ Bà khá lớn tuổi vừa đi lễ về và được người cháu đưa vào ăn sáng, khi người cháu giới thiệu chúng tôi là linh mục truyền giáo ở Paraguay thì Bà đã rút ra trong ví Bà một cọc tiền toàn tờ 1 đô-la và cho chúng tôi đúng 50 tờ. Chúng tôi không cầm được nước mắt vì nghĩa cử cao quí của những người Việt mà mình chưa bao giờ quen nhưng lại quá tốt với mình khi mới gặp lần đầu. Chẳng bù lại người dân Nam Mỹ nơi chúng tôi đã từng làm việc thì mọi sự đều miễn phí không có chuyện cho hay biếu xén gì cả.
Rồi đầu tháng 3 đến tháng 6 năm 2012, chúng tôi có dịp qua một số nước Âu châu để tham dự khóa học đặc biệt cho các Nhà Đào Tạo, chúng tôi cũng có dịp ghé thăm một số người Việt mình quen biết ở Đức, Hòa Lan, Nauy…  đế biết thêm cuộc sống của những người đồng hương Việt Nam nơi xứ người. Thực tình mà nói nơi đâu có người Việt sinh sống thì nơi đó được tổ chức qui cũ và người giáo dân Việt rất quí trọng linh mục, chỉ trừ giới trẻ Việt nam sinh ra tại đó không nói được tiếng Việt sành sỏi thì không hứng thú mấy trong sinh hoạt cộng đồng. Việc quí trọng những bậc tu trì của giáo dân Việt ở bất cứ nơi nào trên thế giới là một điều đáng quí vì thể hiện tính nhân văn thuần Việt và cần được dạy dỗ cho thế hệ @ dù không sinh ra ở Việt Nam tiếp tục gìn giữ phẩm chất này. Tuy nhiên, các vị mục tử Việt ở trong nước cũng như hải ngoại cũng đừng vì thấy đàn chiên mình quá hiền rồi ăn hiếp. Nên nhớ rằng giáo dân Việt Nam thế kỷ XXI khác với giáo dân ở những thế kỷ trước. Nhiều giáo dân bây giờ có học vị tiến sĩ thần học, triết học và nếu công bằng trong đối thoại chưa chắc ai hơn ai. Nếu một ngày nào đó tự dưng giáo dân Việt mà mình coi sóc không còn đến với mục tử Việt nữa thì các vị đừng tưởng rằng họ cứng đầu nhưng hãy tự xem xét tại sao họ lại hành xử như thế. Thật sự chúng tôi không bao giờ cổ súy giáo dân chống đối linh mục vì anh em linh mục là những vị đồng môn thân yêu của chúng tôi và chúng tôi học được rất nhiều từ những linh mục thánh thiện và khiêm nhường. Tuy nhiên, đã đến lúc chúng tôi muốn nói với một số anh em linh mục đồng môn trong nước cũng như hải ngoại hãy biết và hiểu chiên của mình và hãy cư xử với họ như là những người bạn thật sự. Lúc ấy, quí vị sẽ có tất cả mà một trong những điều mà những vụ mục tử cần trong mục vụ là sự quí trọng và cộng tác chân thành.
Hôm nay là ngày giao thừa cuối năm dương lịch 2013, một lát nữa chúng tôi sẽ dâng thánh lễ giao thừa cho giáo dân Paraguay mà chúng tôi đã nhận làm quê hương thứ hai của mình. Chúng tôi yêu mến họ và họ đã yêu mến chúng tôi vì chúng tôi tôn trọng nhau. Ước chi mọi người trong Năm Mới 2014 luôn biết yêu thương, tôn trọng và sống bình an, hạnh phúc. Happy New Year 2014.
Paraguay, ngày 31 tháng 12 năm 2013
Lm. Antôn Trần Xuân Sang, SVD Paraguay.      

No comments:

Post a Comment