Saturday, June 23, 2012

PARAGUAY – MỤC VỤ XÃ HỘI



Cơn lốc chính trị ở Paraguay

Khi ngồi vào máy viết những dòng chữ này thì người dân Paraguay vừa trải qua một cơn lốc chính trị chưa từng thấy. Thượng viện vừa hoàn tất việc luận tội tổng thống và đã truất phế ông vì cho rằng ông phải chịu hoàn toàn trách nhiệm sau biến cố đẫm máu vào thứ sáu ngày 15 tháng 6 vừa qua khi những người nông dân và cảnh sát đụng độ sau vụ cưỡng chế thu hồi đất tại Curuguaty thuộc bang miền Đông Bắc của Paraguay. Vụ việc khiến 17 người thiệt mạng gồm 6 cảnh sát, 11 nông dân và nhiều người bị thương. Ngay sau biến cố này, bộ trưởng bộ nội vụ đã phải từ chức. Hạ viện Paraguay do phe đối lập kiểm soát đã tiến hành biểu quyết thông qua việc luận tội tổng thống vào ngày 21 tháng 6, và liền sau đó Thượng Viện đã tiến hành họp khẩn cấp để luận tội ông. Về phía Tổng thống Lugo, ông tuyên bố không từ chức nhưng sẽ chấp nhận mọi quyết định trong phiên luận tội. Trong 2 ngày họp bất thường để luận tội, hàng trăm ngàn người dân đến từ khắp các nơi trong nước đã đến tập trung trước Hội trường Quốc hội và dinh Tổng thống để ủng hộ vị tổng thống đáng yêu của mình. Tuy nhiên, các đối thủ chính trị của đương kim tổng thống đã bắt tay nhau để loại trừ ông dù ông không đáng bị luận tội. Sau khi bỏ phiếu để lại trừ ông và để vị phó tổng thống nhiếp chính, bên ngoài hội trường đã xảy ra xô xát và không biết trong những ngày tối chuyện gì sẽ xảy ra.
Các ngoại trưởng thuộc Liên Đoàn các quốc gia Nam Mỹ còn gọi là Unasur đã hiện diện ngay từ đầu của cuộc họp luận tội để ủng hộ vị tổng thống hợp hiến của Paraguay đã lên tiếng không thừa nhận người nhiếp chính. Nếu thế thì tình hình càng căng thẳng hơn. Tuy nhiên, liền ngay sau đó, vị tổng thống đã tuyên bố trên truyền hình là chấp nhận từ chức để vị phó của ông tiếp tục lái con tàu cho đến ngày tổng tuyển cửa vào 20 tháng 4 năm tới vì ông tôn trọng phiếu đại cử tri và cũng tránh để Paraguay rơi vào tình trạng đỗ máu và giảm căng thẳng tình hình đang xáo trộn vì người dân sẵn sàng đứng lên để bảo vệ cho ông. Ông cũng không muốn Paraguay bị mất đi tiếng nói trên chính trường thế giới khi các nước chưa công nhận vị tổng thống nhiếp chính vừa mới thay thế ông. Nhiều người dân đã khóc khi ông nói lời từ biệt và rời khỏi dinh tổng thống. Thế là hết. Sự nghiệp chính trị của ông đã kết thúc một cách đáng buồn chỉ vì một cuộc xung đột làm nhiều người chết và ông bị quy trách nhiệm vì là tổng thống của dân. Từ nay, cái tên Lugo của ông sẽ không được nhắc đến nữa. Người xưa đã nói thật đúng : “Dân vạn đại, quan nhất thời”. Mới ngày nào đây ông đắc cử tổng thống và được người ta ca tụng vang dội, thì chưa đầy 4 năm sau ông lại bị truất phế và ra đi buồn bã. Nhưng qua đó chúng tôi được hiểu thêm một điều là sống ở các nước dân chủ, những người làm lớn luôn nghĩ tới người dân và lo cho dân. Nếu làm lớn mà thiếu trách nhiệm với dân, với nước thì sẽ bị trừng trị ngay cả người đó là tổng thống chăng nữa. Ba bộ máy hành chính lập pháp, hành pháp và tư pháp hoạt động độc lập và rất hiệu quả nên tránh được sự lạm quyền.     
Xin chia sẻ thêm một tí về vụ việc xảy ra ở Paraguay vào tuần qua khiến nhiều người chết và đã dẫn đến cơn lốc chính trị này.
Curuguaty là nơi đã diễn ra một cuộc xung đột đẫm máu giữa nông dân và cảnh sát khiến nhiều người thiệt mạng. Đây là nơi mà chúng tôi đã từng phục vụ ngay những năm đầu khi đặt chân truyền giáo tại Paraguay.
Nhớ lại những ngày ấy sao mà bây giờ mới cảm thấy rợn tóc gáy vì vào dịp vận động tranh cử của vị tổng thống vừa bị luận tội, phía đối lập đã chỉ trích ông rất gay gắt và những người có liên quan đến ông cũng bị vạ lây. Vị linh mục người Paraguay cùng ở chung cộng đoàn với chúng tôi là bạn học cũ của vị tổng thống (mà lúc ấy chỉ là ứng cử viên) đã từng bị đe dọa bằng những phát súng dằn mặt và bôi nhọ trên truyền thông rất nhiều. Khi chúng tôi đi dâng lễ ở các cộng đoàn quanh vùng ấy, nhiều người đã hỏi chúng tôi thực hư thế nào về những chuyện bôi nhọ vị linh mục đang sống với chúng tôi. Tôi đã nói với họ chuyện đó không đúng và mọi người có thể đến trực tiếp giáo xứ chúng tôi để tìm hiểu cho rõ trước khi kết luận đúng sai. Những ngày sau đó trên đài phát thanh của quận Curuguaty này của một dân biểu đối lập đã đe dọa chẳng những vị linh mục Paraguay mà còn đe dọa cả chúng tôi khi họ nói sẽ giết cả linh mục Việt Nam! Khi nghe tin ấy, cha bề trên chúng tôi đã gọi điện và muốn chuyển chúng tôi đến một vùng khác vì sự an toàn nhưng chúng tôi đã từ chối lời đề nghị của bề trên vì anh em linh mục người Paraguay đang sống với tôi rất cần người liên đới và hiểu chuyện trước hoàn cảnh khó khăn này. Nếu chúng tôi chuyển đi nơi khác vì sợ, thì đồng nghĩa với việc trốn chạy và vô tình đẩy anh em vào thế tuyệt vọng vì không ai có thể giải oan. Cũng may là sau đó mọi sự đều tốt đẹp và tôi vẫn còn sống đến bây giờ dù trong thâm tâm lúc ấy cũng khá sợ.

Curuguaty nơi chúng tôi từng sống là một vùng quê đang phát triển. Người dân ở đây đa số là nông dân nên rất hiền hòa và dễ thương. Cũng có nhiều dân thập phương mới đến nên cuộc sống có những xáo trộn và bát nháo. Đây cũng là vùng đất khá mất an ninh vì nhóm mafia hoạt động rất mạnh ở đây. Nhóm này điều khiển cả những cảnh sát biến chất để phục vụ cho công việc trồng và vận chuyển ma túy vì đây là một vùng đất rộng lớn và màu mỡ để trồng marihuana (cây cần sa).
 Nhiều lúc đi dâng thánh lễ ở các giáo điểm truyền giáo cách nhà xứ khoảng 60 cây số, và ông trùm xứ có chỉ cho tôi thấy cả một cánh đồng trồng cây cần sa. Vì thế, nếu ai mà lỡ dại báo cho cảnh sát biết về việc vận chuyển ma túy thì sớm muộn gì cũng thiệt mạng. Có những ngày chúng tôi phải làm phép xác cho 5 người vì nào là tai nạn, nào là bị giết cách bí ẩn. Cứ khoảng 3 tháng là phải đổi thẩm phán, cảnh sát trưởng và công tố ở vùng này. Gần 2 năm ở đó mà chúng tôi chứng kiến đến 5 lần thay đổi như vậy.
Paraguay là một quốc gia đất rộng người thưa nhưng việc phân bố đất đai không đồng đều do nạn tham nhũng từ nhiều chục năm nay. Bởi thế, việc xảy ra chuyện mâu thuẫn đất đai giữa những nông dân và các tài phiệt luôn diễn ra hàng ngày vì người nông dân ở đây chiếm đến hơn 80% dân số. Người nông dân tuy rất thật thà, chất phát nhưng khi bị đẩy đến bước đường cùng thì họ không hề sợ gì cả. Sau vụ thảm sát khiến 17 người chết trong đó có 6 cảnh sát và 11 nông dân, tất cả người dân đã đồng loạt đứng lên “đòi nợ máu”. Cũng may là Hội Đồng Giám Mục và các vị bề trên của các Dòng tu lớn đã kêu gọi người dân bĩnh tĩnh chờ công lí. Nhiều luật sư nói với chúng tôi rằng giữa các cuộc xung đột căng thẳng ở đây thì chính tiếng nói của những bậc tu hành, chứ không phải là của những vị lãnh đạo chính quyền, luôn được người dân lắng nghe vì họ có niềm tin vào Thiên Chúa. Họ còn nói thêm rằng một bài giảng, một bài phát biểu của một linh mục thánh thiện có tác dụng mạnh hơn cả một sư đoàn trước những xung đột chính trị vì người tu hành không làm chính trị mà chỉ là sứ giả của hòa bình. Một số giáo dân ở đó có điện thoại cho chúng tôi vì người thân của họ cũng bị giết chết trong cuộc xung đột đẫm máu đó và có ý định trả thù, nhưng chúng tôi khuyên họ nên bình tĩnh để chờ công lý vì nếu trả thù thì sau đó sẽ lại vào tù, rồi thân nhân của người chết sẽ lại tiếp tục hành động trả thù kế tiếp và họ đã lắng nghe.                      

 Mục vụ xã hội   

Sau khóa học về đào tạo ở Rô-ma trở về, chúng tôi lại phải bắt tay ngay vào công việc mà những tháng qua đã nhờ các anh em đồng môn làm thay.
Chính khóa học đã giúp chúng tôi mở rộng thêm tầm nhìn trong việc cư xử, phán đoán và tương quan với nhau trong công tác huấn luyện và trong mục vụ.
Như chúng tôi đã từng chia sẻ trong các bài trước, từ hơn 3 năm qua chúng tôi làm việc trong Ban Đào Tạo nên vệc mục vụ giáo xứ chúng tôi chỉ đảm nhận 2 giáo họ lẻ gần chủng viện. Ngoài ra vào những ngày cuối tuần, chúng tôi cùng đồng hành với các em chủng sinh và một nhóm anh em linh mục, phó tế và giáo dân thuộc Tổng giáo phận thủ đô Asunción để lo mục vụ cho 2 nhà tù và một bệnh viện.
Trong lĩnh vực mục vụ cho các tù nhân, chúng tôi được chứng kiến tận mắt những điều mà nhiều lúc nghĩ lại cảm thấy giật mình và tự hỏi tại sao mình lại dám mạo hiểm như vậy. Hai nhà tù mà chúng tôi đang làm mục vụ là một nhà tù nam khét tiếng ở Paraguay có tên gọi là Tacumbú (muốn biết thêm nhà tù này có thể gõ gào google.com.py với chữ “la Carcel de Tacumbú). Sức chứa của nhà tù này chỉ giành cho khoảng 1.000 phạm nhân, nhưng số tội phạm hiện nay đã hơn 3.000. Những phạm nhân này phạm tội hình sự như cướp của, giết người, buôn bán ma túy và có cả những tên mafia nữa. Những tưởng trong nhà tù thì mọi người đều như nhau nhưng chúng tôi đã lầm. Ngay trong nhà tù cũng được chia thành nhiều khu vực riêng biệt. Có những khu giành cho các tù nhân VIP thì chẳng khác gì những khu biệt thự và những phạm nhân này sống như ông hoàng, chỉ có một điều là không được tự do như người ở ngoài mà thôi. Dĩ nhiên khi có khu giành cho phạm nhân VIP thì cũng có khu giành cho những tù nhân nghèo cùng cực. Nhiều phạm nhân nghèo được nhốt chung trong những phòng không có nhà vệ sinh, không điện, nước. Những lúc trời nóng đến 47 độ C hay trời lạnh xuống 0 độ C nhìn thấy họ thật khốn khổ. Có nhiều nhà hảo tâm giúp đỡ cho giày, dép, quần áo và lương thực nhưng được khoảng một ngày là họ đem đi bán hết để có tiền mua thuốc để thỏa mãn cơn nghiện vì ngay trong các nhà tù họ vẫn lén lét đâu đó để buôn bán. Những tưởng vào tù là bớt đi tiêu cực nhưng lại càng tệ hơn vì những nhân viên biến chất làm việc ở các trại tù đang tiếp tục làm tiêu tan cuộc đời của những phạm nhân. 
Cách đây hơn 2 tuần, 1 tù nhân khoảng 23 tuổi đã bị giết chết và băm thành nhiều mảnh trước khi quăng vào hố rác chỉ vì tù nhân này hay ăn cắp vặt và làm phiền các phạm nhân khác. Khi xe rác làm nhiệm vụ mới phát hiện cái xác không toàn thây này nhưng vẫn không biết đích xác ai là người đã ra tay dù họ đã tiến hành điều tra rất kỹ. Chúng tôi được biết rằng trong tù có một luật gọi là luật im lặng vì bọn mafia sẽ ra tay ngay nếu phạm nhân nào tiết lộ những chuyện chúng làm.
Các Linh mục cùng làm việc với chúng tôi phân công với nhau để thường xuyên đến dâng thánh lễ, ngồi tòa, dạy cho các tù nhân sắp được phóng thích về giáo lý và cử hành phụng vụ Lời Chúa khỉ không có linh mục. Các chủng sinh và những giáo dân thiện nguyện cũng thăm viếng và giúp các tù nhân cách chia sẻ Lời Chúa. Cũng thấy thương cho những người quản giáo vì ngày nào họ cũng chịu áp lực về công việc khi lúc nào cũng cầm dùi cui, mang súng bên mình phòng những phạm nhân nguy hiểm nổi loạn. Họ rất vui khi chúng tôi đến làm mục vụ với các tù nhân vì lúc đó họ có được những giây phút thanh thản hơn. Đừng bao giờ cho rằng chúng tôi, những linh mục, tu sĩ và những người thiện nguyện giúp các trại tù xúi giục hay kích động tù nhân làm chuyện bậy chống lại quản giáo hay chống chính quyền. Không ai dại gì mà làm chuyện đó vì lương tâm của những người tu hành không cho phép. Trái lại, khi chúng tôi tham gia làm công việc mục vụ đầy nguy hiểm này là chúng tôi muốn các tù nhân thay đổi để mau về với đời sống bình thường và để xã hội bới đi những ung nhọt khi mỗi ngày ít đi tội phạm. Hãy mở rộng cửa tù để đón và các nhà thiện nguyện các nhà tu hành để giúp đỡ các tù nhân về vật chất cũng như tinh thần vì đây là một việc làm nhân đạo cần được khuyến khích.
Chúng tôi cũng giúp mục vụ cho một trại tù nữ nằm ngay trung tâm của thủ đô 2 lần mỗi tháng. Nhà tù này có một cái tên rất đẹp : El Buen Pastor (Chúa Chiên Lành) với một bức hình rất lớn của Chúa Giê-su đang vác một con chiên và được đặt ngay cổng chính của trại tù. So với nhà tù nam ở Tacumbú, nhà tù nữ này rất gọn gàng, sạch đẹp nên bước vào nhà tù này ta không hề có cảm giác sợ hãi như trại tù nam. Tuy nhiên, nhiều phạm nhân nữ ở đây cũng thuộc thành phần khét tiếng chẳng kém các phạm nhân nam. Chỉ khác một điều là họ biết sỉ diện, biết ăn năn và biết phục thiện nên khi tiếp xúc với họ thoải mái hơn. Nhiều người cũng chỉ vì ghen tương rồi thiếu kiềm chế nên đã giết tình địch hay giết chồng nhưng khi sự việc đã lỡ thì hối hận không kịp. Nhiều người cũng vì nuông chiều con cái quá mức nên đã làm mọi thứ để có tiền cho con nhưng con cái lại không hiểu và khi hiểu ra thì mẹ đã bị kết án vào tù vì đã tham gia vào một vụ án mạng. Biết bao cảnh đời éo le trong tù và nhiều phạm nhân nữ chỉ biết khóc và ân hận khi tâm sự với chúng tôi. Chúng tôi chỉ biết lắng nghe và hứa cầu nguyện cho họ để họ mau sớm trở về với gia đình dù ước muốn đó cũng khá xa vời khi bản án đã được tuyên khá nặng.
Công việc mục vụ ở bệnh viện tương đối nhẹ nhàng hơn vì người nhà của những người bệnh ở giai đoạn cuối rất mong được linh mục ban các bí tích sau cùng. Chỉ có một điều hơi ngại là có những người bị bệnh truyền nhiễm lâu ngày và người nhà không vệ sinh tốt cho người bệnh nên có những mùi hơi khó chịu khi cử hành bí tích. Nhiều khi mình còn trẻ có thể mọi thứ sẽ vượt qua như biết đâu khi mình có tuổi rồi không biết ra sao đây nữa. Nhiều người cũng khuyên chúng tôi là nên tìm công việc mục vụ nào dễ dãi để làm và chúng tôi cũng đã xuôi tai nhưng khi ngồi họp với các em chủng sinh để lượng giá công việc mục vụ ở nhà tù và ở bệnh viện thì các em nói rằng sẽ tiếp tục dấn thân phục vụ những người khốn khổ ấy nên chúng tôi cùng nhau tiếp tục.
Thế đó, cuộc sống luôn phải chiến đấu dù đứng ở mặt trận, chiến tuyến nào. Cuộc sống mà thiếu vắng sự hi sinh là cuộc sống đơn điệu và buồn tẻ. Chúng tôi không dám cho rằng mình đã làm những chuyện gì to tát và hi sinh đủ nhưng chúng tôi sống theo lời của Mẹ Tê-rê-sa Calcuta là làm từ những chuyện nhỏ nhặt với một tình yêu lớn.
Paraguay, ngày 23 tháng 6 năm 2012
                       Lm. Antôn Trần Xuân Sang, SVD.               

Sunday, June 17, 2012

TÌM HIỂU TÊN THÁNH CỦA NGƯỜI CÔNG GIÁO VIỆT NAM





          Ngoài tên họ, tên đệm, tên riêng, người Công Giáo Việt Nam còn có thêm một tên thánh được đặt khi chịu phép rửa tội. Trong khi đó, người Công Giáo Âu Mỹ không có hẳn một tên thánh. Bài viết này nhằm mục đích tìm hiểu sự khác biệt giữa tên thánh của người Công Giáo Tây Phương và Đông Phương ?

               Nguồn Gốc Tên Thánh

         Tên mà người Công Giáo Việt Nam gọi là tên thánh thì đó là tên riêng, tên gọi thường nhật của người Công Giáo Tây Phương. Trong tiếng Anh, có ba danh từ để chỉ tên riêng. Một là tên rửa tội (baptismal name), hai là tên Kitô Giáo (Christian name), ba là tên thứ nhất hay tên đặt (first or given name). Cả ba danh từ này đều có nghĩa là tên chính hay tên riêng (first name hay given name) của một người.

     Tên chính của người Tây Phương được đặt trong lễ rửa tội nên gọi là tên rửa tội . Và tên chính của người Tây Phương được gọi là tên Kitô Giáo vì các nước Tây Phương chịu ảnh hưởng văn minh Kitô Giáo, tuân theo lời khuyến cáo của Giáo Hội, đã lấy tên các thánh để đặt tên cho các cá nhân. Do vậy, mới có từ ngữ tên thánh.

       Tục lệ lấy tên thánh bắt nguồn từ tục lệ đặt tên trong Do Thái Giáo. Sau khi sinh con được một tuần, cha mẹ người Do Thái bế con tới giáo đường để cử hành nghi lễ đặt tên. Với con trai, nghi lễ đặt tên diễn ra trong nghi lễ cắt da quy đầu gọi là Bris. Tên được đặt gọi là tên thánh (sacred name) lấy từ các tên trong kinh thánh của Do Thái Giáo. Khi bị lưu đầy, người Do Thái bỏ tục lệ đặt tên thánh. Đến thế kỷ 12, các giáo sĩ Do Thái thấy cần duy trì căn tính dân tộc đã buộc các tín hữu đặt tên thánh như tục lệ cổ truyền. Nhờ đó mà ngày nay người Do Thái mới có một tên thứ hai là tên thánh.

       Từ điển Bách Khoa Công Giáo, cho rằng tục lệ đặt tên thánh bắt nguồn từ quan niệm tình trạng con người được thay đổi. Nhận lãnh bí tích rửa tội là biến đổi sang con người mới. Do vậy, nhận tên thánh là chứng tích biến đổi về mặt tâm linh. Trường hợp cụ thể là vị tông đồ Paul của Kitô Giáo, sống vào thế kỷ thứ I sau Công Nguyên, trước đây có tên là Saul, khi theo đạo Công Giáo đổi tên là Paul mà người Công Giáo Việt Nam gọi là thánh Phaolô.

                Tên Thánh Qua Giáo Luật

         Không có tài liệu nào nói người Công Giáo bắt đầu đặt tên thánh từ bao giờ. Chỉ biết vào thời giáo hội sơ khai người Công Giáo tây phương có tục lệ lấy tên thánh làm tên riêng. Do vậy công đồng Nicaea họp năm 325 cấm người Công Giáo dùng tên các thần thánh không phải của Kitô Giáo để đặt tên. Đến thời Công Đồng Tridentino họp năm 1563, Giáo Hội Công Giáo buộc giáo dân khi đặt tên phải chọn tên thánh. Công đồng lưu ý các linh mục khi làm phép rửa tội, gặp trường hợp cha mẹ cố tình đặt tên không hợp tinh thần Kitô Giáo, thì vị linh mục đó tự động thêm vào một tên thánh, coi đó là tên thứ hai và ghi vào sổ rửa tội giáo xứ.

      Theo Bách Khoa Từ Điển Britannica, quyết định trên của công đồng Tridentino nhằm chống lại tục lệ của Giáo Hội Tin Lành, đặc biệt của Thanh Giáo. Các giáo hội Tin Lành cho phép tín hữu nhận tên các nhân vật trong Cựu Ước làm tên chính, như các nhân vật Abraham, Samuel, Jacob. Rachel. Do vậy các nhà tính danh học Âu Châu kết luận: Những người có tên riêng là nhân vật trong Cựu Ước thông thường thuộc giáo phái Tin Lành, người có tên riêng là các nhân vật thuộc Tân Ước là người Công Giáo.
Đến bộ giáo luật năm 1917, qua điều khoản số 761, Giáo Hội nhắc lại khoản luật cũ từ thời Công Đồng Tridentino buộc người Công Giáo phải lấy tên thánh . Nhưng vào năm 1972, vì thấy việc đặt tên thánh không thích hợp cho tiến trình hội nhập văn hóa, nên thánh bộ Phụng tự đã bãi bỏ luật buộc người Công Giáo phải lấy tên thánh. Do vậy, đến bộ giáo luật năm 1983, người ta không thấy có điều khoản nào buộc người Công Giáo phải lấy tên thánh, mà chỉ quy định tên riêng của người ấy phải phù hợp với ý nghĩa Kitô Giáo. Điều 855 của bộ giáo luật 1983 quy định: Cha mẹ, người đỡ đầu và Cha Sở phải lo liệu để đừng đặt một tên không hợp với ý nghĩa Kitô Giáo.

               Lý Do Đặt Tên Thánh

        Tại sao Giáo Hội Công Giáo đã quyết định lấy tên các thánh để đặt tên cho tín hữu? Giáo Hội đưa ra quyết định trên vì 2 lý do:
Thứ nhất, giáo hội tiếp tục duy trì truyền thống của giáo dân thời sơ khai. Những giáo dân đầu tiên là dân nô lệ, không phải công dân La Mã và theo tục lệ, khi người nô lệ được giải phóng, trở thành công dân La Mã, thì họ lấy tên riêng của chủ nhân thuộc giai cấp quý tộc làm tên mình. Tuy nhiên, với tín đồ Kitô Giáo thời đó, họ không thiết tha với các tên của các ông chủ cũ vì họ là nạn nhân của giai cấp quý tộc trong các cuộc cấm đạo. Ðồng thời khi một quý tộc trả tự do cho hàng trăm người nô lệ thì hàng trăm người đó có cùng tên với chủ cũ. Kết quả là tập tục này không đáp ứng được nhu cầu phân biệt vì thời gian đó, người Âu Châu chưa biết đến tên họ. Tên họ của người Âu Châu mới xuất hiện vào thế kỷ thứ 10. Do nguyên nhân này nên các người nô lệ được giải phóngđã lấy tên những người mà giáo hội Kitô Giáo nhận là thánh để đặt tên cho mình. Ví dụ: Thimotheus, Stephanos, Laurentius là các vị thánh đầu tiên. Đang khi Kitô Giáo phát triển, lan tràn cả Âu Châu thì đế quốc La Mã bước vào giai đoạn suy tàn. Hệ thống tên của La Mã mai một đi, tên thánh trở nên phổ thông hơn.

Thứ hai, Giáo Hội Công Giáo muốn tôn trọng phẩm giá con người. Khi xưa số tên người Âu Châu còn ít, hệ thống tên họ chưa xuất hiện, thì để phân biệt, người Âu thường dùng tên mà người Anh Mỹ gọi là Nickname, người La Mã gọi là Agnomen, còn Việt Nam gọi là tên lóng, tên tục. Khi xưa tên lóng thường được đặt cho những người thuộc giai cấp nô lệ tại La Mã. Ví dụ các tên như Crassus nghĩa là người béo, Varus: người què, Baldie hay Calvin: người trọc đầu, Cecil: người mù, Claude hay Gladys: người què. Vì tên có nội dung hạ thấp phẩm giá con người nên giáo hội đã ban hành luật buộc các linh mục khi làm phép rửa tội, gặp các trường hợp tên có ý nghĩa tiêu cực, phải lấy một tên thánh đặt thêm vào. Giáo dân Việt Nam cũng như giáo dân ở nhiều nơi trên thế giới vẫn nhận tên thánh vì còn giữ tinh thần bộ giáo luật cũ. Ngày nay, người công giáo Tây Phương không còn giữ tập tục lấy tên thánh để đặt tên riêng mà lấy bất cứ từ ngữ nào, có nghĩa hay vô nghiã, để đặt tên riêng.

                Ý nghĩa tên thánh đối với người Công Giáo Việt Nam

          Sở dĩ người Công Giáo Việt Nam, Ðại Hàn, Nhật Bản, Trung Hoa và các nước truyền giáo khác trên thế giới có thêm tên thánh mà người Tây Phương không có, là vì các giáo sĩ Tây Phương đến Việt Nam cũng như các nơi khác truyền đạo, đã áp dụng tinh thần giáo luật cũ, đặt tên thánh cho giáo dân như đã làm cho giáo dân ở Tây Phương. Trái lại, đọc tiểu sử hàng giáo phẩm Công Giáo Tây Phương, ta không thấy vị nào có hẳn một tên thánh riêng như kiểu tên người Công Giáo Việt Nam. Nếu đức Hồng Y Phạm Minh Mẫn có hẳn một tên thánh là Gioan Baotixita, thì đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI không có tên thánh riêng. Tên ngài là Joseph Ratzinger. Joseph là tên riêng vừa là tên thánh. Một ví dụ điển hình khác là thánh Gemma. Vì bố mẹ Ngài già rồi mới sinh con nên quý hóa đặt tên ngài là Gemma, có nghiã là ngọc. Trước đó, không có vị thánh nào tên Gemma cả. Tại San Jose, California vị linh mục chính xứ của tôi là Kevin Joyce. Kevin là tên riêng, là biến thể của tên Kelvin. Kelvin là tên con sông ở Tô Cách Lan. Joyce là tên họ. Linh mục Kevin Joyce không có tên thánh. Do đó người Công Giáo Tây Phương không có tục lệ mừng lễ thánh quan thầy.

           Vậy quyết định của các giáo sĩ thừa sai đặt tên thánh cho người Công Giáo Việt Nam là đúng hay sai? Nếu đặt vào bối cảnh hiện nay thì đó là điều không chấp nhận được vì tên người Việt Nam hiện nay không hề được đặt ra để hạ phẩm giá con người như kiểu người Hy Lạp, La Mã ngày xưa, mà được lựa chọn từ những từ ngữ có ý nghiã tốt đẹp nhất để đặt tên cho con cái. Tuy nhiên, nếu đặt vào bối cảnh Việt Nam trong thế kỷ 16 thì quyết định của các thừa sai có thể tạm chấp nhận vì phong tục dân gian lúc đó còn dùng những tên có nghiã xấu, gọi là tên tục, để đặt cho những đứa trẻ mới sinh ngõ hầu tránh tà ma. Ví dụ các tên như Bùn, Sẹo, Chó v.v…

         Mặc dù giáo luật hiện nay không bắt buộc tín hữu phải có tên thánh, nhưng việc đặt tên thánh có mục đích rất đáng trân trọng vì 2 lý do: thứ nhất, để người đó bắt chước gương sáng thánh bổn mạng mà sống cuộc đời đạo đức; thứ hai, để tín hữu đó được phù trợ nhờ lời cầu bầu của thánh bổn mạng. Hai mục đích trên được nói trong bộ giáo luật năm 1983, khoản 1186:

Với mục đích cổ võ việc nên thánh của dân Chúa, Giáo Hội khuyến khích mọi tín hữu, lấy tình con cái, tôn kính đặc biệt Đức Maria hồng phúc trọn đời đồng trinh, Mẹ Thiên Chúa đã được Đức Kitô đặt làm Mẹ của loài người, cũng vậy, Giáo Hội cổ động lòng tôn kính chân chính và thành thực đối với các thánh, vì lẽ các tín hữu được kiên vững nhờ gương sáng và được nâng đỡ bởi lời bầu cử của các ngài .

Hiện nay, người Công Giáo Việt Nam thường chọn tên các thánh nam giới cho phái nam và thánh nữ giới cho phái nữ. Ngoài ra, vì sự hiểu biết của giáo dân còn hạn chế về các thánh nên người ta thường chọn các thánh thời Chúa Giêsu như Phêrô, Phaolô, Gioan, Maria, Anna làm tên thánh. Ngày nay, Giáo Hội Việt Nam có cả trăm vị thánh tử đạo. Tuy nhiên, giáo dân Việt vẫn chưa quen nhận các thánh Việt Nam làm tên bổn mạng.

             Nguyên Tắc Xưng Hô Tên Thánh

          Trong giao tế xã hội, người Âu Mỹ không lấy tên riêng mà lấy tên họ của một người để xưng hô. Người ta gọi Tổng Thống Obama, không ai gọi là Tổng Thống Barack. Obama là tên họ, Barack là tên riêng. Khi chưa lên ngôi Giáo Hoàng Bênêđictô XVI, người ta dùng tên họ Ratzinger để gọi ngài, không ai gọi ngài bằng tên đẻ là ĐHY Joseph. Chỉ trường hợp thân thiết lắm, người ta mới dùng tên riêng để xưng hô. Ở Việt Nam, để tỏ lòng tôn kính, giáo dân có tục lệ dùng tên thánh để gọi một vị Giám Mục, Linh Mục. Ví dụ Đức Cha Giuse Nguyễn Chí Linh được gọi là Đức Cha Giuse. Đức Hồng Y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn được gọi là Đức Hồng Y Gioan Baotixita.

          Ở Việt Nam người Công Giáo có tục lệ mừng lễ bổn mạng là ngày mà toàn thể Giáo Hội Công Giáo trên thế giới tưởng nhớ tới vị thánh đó. Khi chết, người Công Giáo không dùng tên húy hay tên riêng mà dùng tên thánh để cầu nguyện cho người quá cố. Như vậy, xét về mặt hội nhập văn hóa, tên thánh cũng có chức năng như tên thụy, tên hèm hay tên cúng cơm là các tên mà các người không phải là Công Giáo đã dùng để cầu nguyện cho người đã chết.

Nguyễn Long Thao