Monday, November 28, 2011

PARAGUAY – TÂM TÌNH MÙA VỌNG


           Theo lịch phụng vụ Công giáo thì Chúa Nhật thứ Nhất Mùa Vọng, chúng ta có thể chúc mừng nhau vì chúng ta vừa bước qua một năm phụng vụ mới, phụng vụ năm B.
Người Việt có niềm tin bình dân là vào dịp Năm Mới, người nào “xông đất”- nghĩa là người đầu tiên đến xông nhà đầu năm sẽ là sứ giả do sự may mắn đưa đến. Cũng vì thế mà  mọi người thường cân nhắc rất kỹ về địa vị, tư cách, tính tình và vận hạn của người sẽ đến xông đất để mời những người có những phẩm chất ấy đến nhà trong những phút đầu ngày của năm mới nhằm đem lại sự tốt lành và may mắn cho cả nhà. Dù đã tính toán như vậy, vẫn có những vị khách không mời mà đến trước sự ngạc nhiên của gia đình và làm xáo trộn những dự tính của họ. Vì thế, để phòng ngừa những điều bất khả kháng xảy đến thì sau phút giao thưa, các cửa đều đóng chặt và chỉ mở khi nào người được mời tới xông đất đến mà thôi. Tôi muốn dài dòng chuyện này vì muốn chia sẻ một vài điều trong Năm Phụng Vụ Mới mà tôi đã bắt đầu từ những ngày qua.
Tối thứ Bảy vừa qua tôi có dâng lễ khai mạc mùa Vọng cho một cộng đoàn thuộc phong trào Con đường Tân Dự Tòng ở một giáo xứ thành phố. Vì cha xứ này có việc đi xa nên ngài đã nhờ tôi trước đây một tuần. Trong thâm tâm mà nói, tôi không muốn dâng lễ cho phong trào này vì đã từng nghe nhiều lời đồn đoán rằng đây là một phong trào khá cấp tiến và khá khép kín ngay trong lòng các giáo xứ và các giáo phận. Ngay cả một số anh em linh mục trong Dòng cũng từng gièm pha phong trào này và gọi đó là một “Secta”- một “giáo phái”. Lúc đầu tôi còn lưỡng lự không muốn nhận lời nhưng cha bạn cứ nài nỉ mãi nên mới chấp nhận cách miễn cưỡng. Cũng vì tò mò nên tôi muốn biết tại sao người ta không thích phong trào này và tại sao người ta lại gán ghép cho họ những từ ngữ không mấy tốt đẹp như thế. Điều khác nữa là tôi muốn tìm hiểu cho kĩ càng vì mình không thể kết án ai mà chưa có bằng chứng rõ ràng, nhất là các linh mục thì lại càng không thể nghe những lời đồn đoán về các phong trào này nọ rồi có những phán đoán lệch lạc. Tôi đã đến và dâng thánh lễ với họ.
Thực tình mà nói tôi khá mù tịt về phong trào này vì những năm làm việc truyền giáo của tôi tại Paraguay, tôi chỉ biết đến những vùng truyền giáo heo hút và đìu hiu. Ở những vùng truyền giáo xa xôi ấy dù có những khó khăn, thiếu thốn về vật chất, tôi cảm thấy trong lòng mình bình an và hạnh phúc sau những lần viếng thăm các giáo điểm. Thế nhưng, cuộc sống của những người theo Chúa không chỉ dừng lại ở việc tìm cho mình một chỗ an thân mà còn phải làm cho người khác cũng được an thân nữa. Những thách đố mới đã đến với tôi kể từ ngày tôi được bề trên sai đến làm việc với các chủng sinh và làm việc mục vụ ở thành phố. Chính ở lĩnh vực mới mẻ này mà tôi khám phá ra nhiều điều mới lạ, và anh hai lúa quê mùa như tôi phải dần dần hội nhập với cuộc sống mới nên thành thị để có thể len lỏi vào các phong trào và hội đoàn mới. Và chính những ngày khai mạc mùa Vọng tôi đã “xông đất” để làm việc với phong trào Con đường Tân Dự Tòng.
Tôi tự hỏi tại sao nhiều người, trong đó có cả một số giám mục, linh mục lại không đồng tình với phong trào mới mẻ này? Tại sao nhiều người gọi đó là một “giáo phái” mới trong lòng Giáo Hội? Phải chăng Giáo Hội cũng đang lên án phong trào này? Rất may tôi đã tìm được lời giải đáp vì vào tháng 6 năm 2008, Hội Đồng Tòa Thánh về Giáo Dân đã phê chuẩn chung kết  về qui chế Con đường Tân Dự Tòng và được nhìn nhận như một phương thức hoạt động ở giáo phận nhằm khai tâm Ki-tô giáo và giáo dục trường kỳ về đức tin (Qui chế, số 1).
Thế là tôi an tâm dâng thánh lễ với họ. Khi đến nơi, tôi đã thấy mọi người tể tựu đông đủ và một số người xin làm hòa với Chúa qua Bí tích cáo giải. Tôi khá ngạc nhiên khi thấy họ có mặt sớm trước thánh lễ vì thường thì người Paraguay rất ít đúng giờ. Một ngạc nhiên khác là khi bắt đầu thánh lễ, cộng đoàn tham dự rất tích cực, sống động và giới trẻ hát rất hay. Sau 3 bài đọc trong phần Phụng Vụ Lời Chúa, họ xin phép linh mục để họ có những giây phút suy niệm và chia sẻ Lời Chúa trước khi linh mục bắt đầu giảng lễ. Đây là một sự ngạc nhiên thú vị vì ngay cả các chủng sinh mà tôi đang phụ trách cũng không thể năng động và biết chia sẻ Lời Chúa như nhóm này.
Lợi dụng cơ hội này tôi cũng chia sẻ Lời Chúa với họ và nhắn nhủ họ rằng tất cả các phong trào, các hội đoàn đều là chi thể không thể tách biệt với Thân Thể Chúa Ki-tô, vì nếu các Hội Đoàn hay phong trào tự cho mình là duy nhất, là trên hết thì chính họ đang tách biệt với Mẹ Giáo Hội.
Phần Phụng Vụ Thánh Thể có một chút hơi khác là họ dùng một loại bánh mì không men và nhiều chén thánh rất đẹp để mọi người cùng uống Máu Thánh sau khi truyền phép. Cũng vì điều này mà nhiều nhóm khác phân bì, ganh tỵ vì cho rằng phong trào Con đường Tân Dự Tòng là một nhóm của những đại gia nhưng thực tình không phải như vậy. Họ cũng là những người nghèo nhưng biết đóng góp lợi tức 10 phần trăm nên họ có ngân quĩ để dùng vào việc chung và nhiều người rất chu toàn bổn phận của một người Công giáo. Dưới mắt của những người trong cùng một giáo xứ thì nhóm này hơi tách biệt giống như chúng ta gọi nhóm Pha-ri-sêu ngày xưa, nhưng công bằng mà nói, nhiều người Pha-ri-sêu thời Chúa Giê-su sống rất công tâm và chuẩn mực. Chúa Giê-su chỉ lên án một số người Pha-ri-sêu có thái độ giả hình mà thôi chứ Ngài không lên án tất cả nhóm Pha-ri-sêu. Bởi thế, một con sâu có thể làm rầu nồi canh và từ đó tôi mới nghiệm ra là bất cứ trong một đoàn thể hay phong trào nào cũng có những con sâu đang làm băng hoại thanh danh của nhóm đó.
Tôi cũng từng tâm sự với một số anh em bạn hữu là mình đừng vội kết án ai khi mình chưa biết rõ mọi chuyện, hoặc khi biết rõ rồi cũng không được quyền kết án vì quyền đoán xét giành cho tòa án, và vị thẩm phán tối cao là Chúa.
Tôi cũng vừa tiếp xúc và dâng thánh lễ cho một Tu hội khá mới mẻ theo tinh thần của thánh Phan-xi-cô có tên là Các Tiểu Muội theo Gương Chúa Giê-su. Tu Hội này thành lập cách đây khoảng 10 năm tại Brazil do một tu sĩ Dòng Phan-xi-cô Ca-pu-chi-nô sáng lập. Vì là một Tu hội mới thành lập nên còn nhiều khó khăn, nhất là phương tiện vật chất vì vài cộng đoàn phải thuê nhà ở, chưa có phòn ngủ, chưa có bàn ghế nhưng họ cố gắng làm một nhà nguyện nhỏ để cầu nguyện và dâng thánh lễ. Nhìn cảnh họ bây giờ đang sống trong thế kỉ XXI mà tôi nhớ đến vị thánh sáng lập Dòng Ngôi Lời chúng tôi cách đây 136 năm mà thấy cảm phục các vị sáng lập vô cùng. Nếu không có ơn Chúa chắc những gì họ đang làm đều vô ích. Nhìn thấy các nữ tu phục vụ những người thổ dân mang bầu, những đứa trẻ nhơ nhớp đường phố, những người bị Si-đa giai đoạn cuối mà mình thán phục. Thực tình mình không có ơn này và vì thế tôi chỉ có thế dâng thánh lễ với họ một lần một tuần để xin Chúa gia tăng sức mạnh hồn xác giúp họ trung thành với đặc sủng của họ.   
Những ngày vừa qua ở Chủng viện chúng tôi cũng khá bận rộn cho việc đánh giá các chủng sinh sẽ tiếp tục con đường tu trì hay phải trở về với gia đình. Việc quyết định đi hay ở của các nhà huấn luyện sẽ ảnh hưởng về tương lai của cả một đời người của các ứng sinh nên nhiều đêm tôi cũng trằn trọc, băn khoăn không chợp mắt được. Chẳng phải vì hiện nay do thiếu ơn gọi mà mình cứ nhận bừa, đào tạo cấp tốc để sản xuất ra những linh mục, những tu sĩ truyền giáo kiểu mì ăn liền thì sẽ gây họa cho mai sau. Tôi rất ngại chuyện bỏ phiếu nhưng đến lúc phải quyết định thì mình phải thực thi.
Mùa Vọng, mùa của hy vọng và mong chờ. Tôi luôn cầu xin Chúa cho luôn cho tôi những tia hi vọng và sống lạc quan dù thỉnh thoảng căn bệnh gan của tôi làm tôi đau nhói và mệt nhọc. Tôi cũng mong chờ nhưng cái mong chờ khá trần tục là mau đến ngày tôi được về thăm những người thân trong gia đình trước khi họ được Chúa gọi về. Lạy Chúa Giê-su, xin ngự đến!             
            Paraguay, 28-11-2011
Lm. Antôn Trần Xuân Sang, SVD. 

No comments:

Post a Comment