Friday, August 19, 2011

TRUYỀN GIÁO PARAGUAY - CHUYỆN BÊN LỀ

LỄ THÊM SỨC

Chúa Nhật XXXIV thường niên năm C, lễ Chúa Kitô Vua và cũng là kết thúc năm Phụng vụ, giáo xứ chúng tôi tổ chức thánh lễ thêm sức sau nhiều ngày chuẩn bị.
Vì giáo xứ có quá nhiều giáo họ ở xa nhau nên chúng tôi đã quyết định tổ chức 2 thánh lễ ở hai địa điểm khác nhau để những giáo họ lân cận có thể có điều kiện tham dự đông đủ và sốt sắng. Bởi thế, ngày hôm nay Đức Cha Ignacio, giám mục Giáo phận Encarnación và cũng là Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Paraguay (CEP) đã giành trọn một ngày cho chúng tôi. Ngài hẹn với chúng tôi là 9h00 sáng sẽ có mặt tại giáo xứ để dâng thánh lễ thêm sức. Tuy nhiên, mãi đến gần 10h00 ngài mến đến vì đêm qua trời mưa lớn tưởng chừng như không dứt nên các con đường xình lầy và mặc dù từ Toà Giám Mục ngài đã đi lúc 5h00 sáng. Thế mới biết giáo phận Encarnación của ngài rộng đến chừng nào. Mọi người đã có mặt từ rất sớm và tập dợt nghi thức cũng như hát hò với nhau rất nhiều để chuẩn bị đón Giám mục. Ngài vừa đến thì vội mặc áo lễ và ra ngay. Vì nhà thờ nhỏ hẹp nên chúng tôi phải tổ chức ngoài hội trường mới đủ chỗ. Vị Giám mục người Paraguay thấu hiểu hoàn cảnh của dân mình nên ngài đã luôn động viên và nâng đỡ đoàn chiên cách đặc biệt. Không hề thấy sự bực tức hay khó chịu thể hiện trên gương mặt của ngài mặc dù có những điều rất dễ làm ta nổi nóng như trật tự trong thánh lễ, hội trường nóng bức, âm thanh ọt ẹt hay các phần nghi thức không ăn khớp… Vị giám mục ấy vẫn luôn điềm tĩnh và xử sự cách tốt đẹp cả hai thánh lễ sáng và chiều với gần 400 em thêm sức. Trong bài giảng về Chúa Kitô Vua, ngài đề cập đến Chúa Kitô là một vị vua vượt trên mọi biên giới, mọi lãnh thổ, ngôn ngữ, màu da, sắc tộc như trong thánh lễ hôm nay có cả người Paraguay, người Argentina, người Brazil và người Việt Nam nữa. Và, thay vì chúng tôi cảm ơn ngài vì đường xá xa xôi mà phải lo thức dậy sớm để đến với chúng tôi và cử hành hai thánh lễ thêm sức cho gần 400 em, thì ngài ngài lại cảm ơn chúng tôi cách đặc biệt khi ngài nói rằng thánh lễ hôm nay có cha Antonio Sang người Việt Nam đã hiện diện với chúng ta như một nhà truyền giáo và như một người anh em của chúng ta. Và ngài nói tiếp : “Chính Chúa Kitô Vua đã hợp nhất chúng ta nên một dân mới, dân thánh của Chúa trong đó tình yêu thương chính là điểm độc nhất vô nhị trong quốc gia của ngài”. Tôi thật sự cảm động về lời cảm ơn của ngài vì có lúc tôi nghĩ rằng tôi lẻ loi nơi xứ người khi ở Paraguay này chỉ duy nhất có 2 linh mục đến từ Việt Nam là cha Huân hiện đang giúp tại một giáo xứ khá xa và tôi. Bởi thế, đôi khi chúng tôi cảm thấy cô đơn và xa lạ nơi xứ người. Có những lúc chúng tôi thèm nói tiếng Việt như thèm ăn tô phở vậy. Thế mới biết tiếng mẹ đẻ mới là ngôn ngữ của chính mình. Sau thánh lễ, tôi được dịp nói chuyện với Đức Cha nhiều hơn và ngài rất thích thú khi tôi nói chuyện với ngài về ơn gọi và hiện tình giáo hội Việt Nam hiện nay.

ĐÁM TANG MỘT LINH MỤC

Cũng trong ngày hôm nay, trong khi chờ đợi Giám mục đến dâng lễ, chúng tôi lại nghe tin buồn về một linh mục, người anh em cùng Hội Dòng chúng tôi qua đời khi chuẩn bị dâng thánh lễ Chúa Nhật. Vì thế, sau thánh lễ thêm sức ban chiều, chúng tôi cùng với Đức Giám mục đã vội vã đến viếng xác vì linh mục quá cố thuộc địa phận của ngài. Vì đường trơn trợt nên mãi đến 21h00 chúng tôi mới đến nơi. Sau những phút viếng thăm, Đức cha phải vội vã về Toà Giám mục để thông báo chương trình lễ an táng ngày hôm sau. Linh mục quá cố là người Tây Ban Nha đã đến Paraguay và làm việc ở đây lâu năm nên rất thông thạo tiếng Guarani. Ngài đã coi sóc giáo xứ này gồm 35 giáo họ trong 14 năm qua. Ngài vừa nhận bài sai từ Giám tỉnh để nhận nhiệm sở mới vào đầu năm 2008. Nhưng Chúa đã gọi ngài quá bất ngờ qua một cơn đau tim khi ngài chuẩn bị dâng lễ Kitô Vua. Theo phong tục ở đây, người ta chỉ để xác một ngày rồi sẽ an táng. Thân nhân của người quá cố vì ở tận Tây Ban Nha nên chẳng có ai ngoại trừ anh em trong Dòng và đàn chiên trong giáo xứ. Theo truyền thống của Dòng, nhà truyền giáo qua đời ở đâu sẽ an táng tại đó. Tôi đã lặng người đi và nghĩ về số phận của mình vào những ngày cuối đời. Cuộc sống con người sao mà mỏng giòn và mong manh như thế. Năm 2003, tại Việt Nam, tôi đã chứng kiến 2 cái chết đau thương của 2 anh em trẻ trong Dòng (một ở Đà lạt và một ở Buôn Mê thuột) trong 2 tai nạn giao thông thảm khốc. Rồi tháng 8 vừa qua tôi lại nghe tin chính người anh ruột của tôi rất khoẻ mạnh lại từ giã cõi đời cách đột ngột. Tôi đã suy nghĩ nhiều về sự chết và nhiều lúc cảm thấy sợ. Đám tang của nhà truyền giáo ở đây quá đơn giản : không người ruột thịt, không hình ảnh, không kèn trống. Đơn giản chỉ có một chiếc hòm vừa khít một người với chiếc áo Alba và dây Stola tím.
Hẩm hiu và trơ trọi! Tôi chợt nghĩ rẵng, một ngày nào đó đám tang của tôi cũng sẽ như vậy. Cuộc sống ở trần gian này chỉ là tạm bợ nên phải sống làm sao để ngày mình được cất đi cũng thật nhẹ nhõm và bình an, những thứ còn lại chỉ là hương hoa mà thôi.
Dù chỉ được báo trước vài tiếng đồng hồ nhưng hầu hết anh em trong Dòng đều có mặt đông đủ lúc 11h00 trưa hôm sau và nhiều anh em phải đi trong đêm để kịp dâng thánh lễ đồng tế tiễn biệt người quá cố và sau đó đưa linh cửu vào nghĩa trang của Dòng. Thế là hết! Cuộc sống tạm bợ ở trần gian sao mà phiêu liêu thế. Xin vĩnh biệt người anh em. Một ngày nào đó chúng ta sẽ được gặp lại nhau và sẽ cùng nhau chia sẻ những niềm vui nơi thiên quốc.

HỌP HẠT TRUYỀN GIÁO

Hai ngày sau cái chết của người anh em cùng Dòng, chúng tôi có cuộc họp Hạt truyền giáo. Hạt truyền giáo của Dòng chúng tôi gồm 10 giáo xứ với hàng trăm giáo họ cách xa nhau. Cuộc họp truyền giáo là dịp để anh em chia sẻ những ưu tư, những buồn vui trong đời sống mục vụ truyền giáo. Và hôm nay cũng là ngày sinh nhật lần thứ 70 của Tu huynh hạt trưởng người Mỹ đã sống ở đây từ rất lâu. Lâu ngày gặp nhau nên anh em được dịp trút bầu tâm sự, nhất là các cha có tuổi thuộc nhiều quốc gia khác nhau như Argentina, Brazil, Đức, Úc, Ba-lan, Mỹ, Ấn Độ, Indonesia, Ireland, Ý… rôm rả nói chuyện xưa, đem những kỷ vật từ thời Đấng Sáng Lập như điếu cày, đôi ủng, cặp mắt kính… để tám chuyện với nhau. Các ngài tuy có tuổi nhưng tâm hồn rất trẻ thơ và lạc quan dù cuộc đời truyền giáo rất vất vả. Đây cũng là bài học cho thế hệ đàn em đừng bi quan trước những giông tố của cuộc đời.

HÀNH HƯƠNG ĐỨC MẸ CAACUPE

Chúa Nhật thứ I mùa vọng, tôi cùng tháp tùng với một số đại diện các giáo họ trong giáo xứ hành hương Đức Mẹ Caacupé.
Đây là trung tâm hành hương nổi tiếng của Paraguay. Từng đoàn người tản bộ từ khắp các nẻo đường ở Paraguay mặc dù nhiệt độ lúc này là 38 độ C. Trời oi bức như vậy nhưng khách hành hương vẫn tuôn đến với Đức Mẹ để chuẩn bị mừng lễ Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội. Thế mới biết sức thu hút của các trung tâm hành hương Đức Mẹ ở Paraguay và trên thế giới dù hiện nay phong trào tục hoá đã len lỏi vào khắp hang cùng ngỏ hẻm và đi vào trong tư tưởng của thế hệ trẻ. Trung Tâm Hành Hương Đức Mẹ Caacupé ở Paraguay có một ngôi Thánh Đường rất tráng lệ với những khu vực thánh thiêng riêng biệt. Ở đây, dân cư đông đúc và Toà Giám Mục Caacupé cũng đặt tại đây. Ngày lễ Mẹ Vô Nhiễm là ngày bổn mạng của Trung Tâm Hành Huơng Caacupé nên họ đã làm tuần cửu nhật và mỗi ngày họ mời các Giám mục trong 15 Giáo phận dâng thánh lễ và giảng lễ cho những nhóm khác nhau nhằm giúp mọi người hiểu rõ ơn gọi và sứ mạng của người Kitô hữu trong thiên niên kỷ mới.
Vào chính ngày lễ bổn mạng, Đức Giám Mục Giáo Phận Caacupé, đồng tế với một số giám mục trong đó có cả giám mục chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Paraguay và nhiều linh mục đồng tế khác. Các ngài đã dâng lên lời tạ ơn Chúa qua sự bầu cử của Mẹ Caacupé và dâng nước Paraguay cho Mẹ. Quân đội và cảnh sát làm hàng rào danh dự và bảo vệ an ninh trong tất cả các thánh lễ. Các anh lính chữa lửa cũng túc trực ngày đêm vì mùa này là mùa nóng nên rất dễ xảy ra hoả hoạn. Tất các kênh truyền hình ở Paraguay đều truyền hình trực tiếp thánh lễ trọng thể này với những lời dẫn và bình luận thật trang nghiêm. Thế mới biết tôn giáo luôn đóng một vài trò quan trọng trong đời sống con người. Dịp này, các chính trị gia, các ứng cử viên thuộc các đảng phái đang chuẩn bị ráo riết cho việc bầu cử cũng đi hành hương Đức Mẹ vừa để cầu nguyện và cũng vừa để lấy lá phiếu của dân chúng vì đối với người dân xứ này sẽ không bao giờ chấp nhận một vị lãnh đạo của họ không có niềm tin tôn giáo và thiếu đạo đức. Trong các bài giảng, các giám mục nói đến sự hiệp nhất và chia sẻ để chống đói nghèo. Các ngài cũng với giáo dân hãy biết khôn ngoan trong việc lựa chọn người xứng đáng lãnh đạo đất nước để đưa Paraguay trở thành một đất nước phồn thịnh, ấm no hạnh phúc và biết tin tưởng vào Thiên Chúa.
Paraguay bắt đầu vào mùa Hè và các trường học đã làm lễ kết thúc năm học để chuẩn bị mừng lễ Giáng Sinh và Năm Mới. Vì thế, từ các buổi chiều thứ sáu đến tối Chúa Nhật, đâu đâu cũng nghe nhạc xập xình và pháo nổ rung trời. Ở nông thôn, người ta bắt đầu thu hoạch vụ mùa nhưng giá cả quá bèo bọt. Thật tội nghiệp cho những người nông dân làm ăn tối mặt nhưng quanh năm vẫn thiếu ăn trong khi người dân ở thành phố lại dư thừa của cải dù vừa làm vừa chơi. Và cũng thật tội nghiệp cho các vị mục tử, các nhà truyền giáo phải quần quật ngày đêm tìm kiếm những con chiên lạc nhưng nhiều người vẫn còn thờ ơ. Xin Chúa và Mẹ Maria Caacupé gìn giữ, ban ơn và chúc lành cho những người con của xứ sở Tereré này.
(12/12/2007).

No comments:

Post a Comment